Việc đặt tên cho Thái tử

Như vậy sau khi xem xét kỹ lưỡng các tướng chánh và tướng phụ của Bồ tát, các vị Bà-la-môn thông thái tiên tri rằng : “ Thái tử sẽ thành Phật”. Sau khi thảo luận với nhau nên đặt tên gì cho Thái tử, họ đặt tên cho Ngài là Siddhattha là điềm chỉ ra Ngài sẽ hoàn thành viên mãn phận sự đem lại lợi ích cho toàn thể thế gian.

Câu chuyện về nhóm năm vị Sa môn (Pañcavaggī)

(Đề cập về nhóm năm vị tỳ khưu (Pañcavaggī) do đại đức Koṇḍañña dẫn đầu, bộ Phụ chú giải Sārattha Dīpanī Vinaya và bộ Chú giải Jātaka Atthakathā cùng bộ Chú giải Buddhavaṃsa cũng có những câu chuyện khác nhau. Câu chuyện về năm vị tỳ khưu sẽ được đưa vào ở đây căn cứ vào các bản dịch của những bộ Chú giải và Phụ chú giải kể trên).

Bản dịch của bộ Sārattha Dīpanī

Vào lúc đản sanh của Bồ tát, từ những vị Bà-la-môn thông thái được tuyển chọn vào xem tướng cho Bồ tát như các vị Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Manti, Koṇḍañña, Bhoja, Suyāma và Sudatta, nhóm năm anh em Koṇḍañña tiên đoán rằng: “ Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật.” Sau khi trao lại cho gia đình của họ món tiền thưởng mà họ nhận được trong buổi lễ xem tướng cho Thái tử, họ mặc vào y phục của vị đạo sĩ, hiến dâng cuộc đời của họ đến Bồ tát vì họ đã kết luận rằng: “ Bậc đại nhân ấy, vị Thái tử Bồ tát ấy chắc chắn sẽ thành Phật, Ngài sẽ không sống cuộc đời thế tục.” Những vị Bà-la-môn này đã thông suốt các bộ kinh Phệ đà (Veda) ngay từ lúc còn nhỏ, và ngay khi ấy họ cũng đã được xem như những vị thầy. Nhóm năm anh em Koṇḍañña đã thỏa thuận với nhau là sẽ từ bỏ thế gian, vì họ nghĩ rằng: “Chúng ta không thể nào cắt bỏ mối ràng buộc của gia đình khi đã lập gia đình. Do đó, tốt hơn cho chúng ta là xuất gia sớm.” Do đó, họ đã hiến dâng cuộc đời của mình đến Bồ tát ngay sau khi họ có lời tiên tri lúc họ vẫn còn trẻ. Sau khi vào trú trong rừng, thỉnh thoảng họ dò hỏi mọi người: “ Này các vị, vị Thái tử trẻ đã từ bỏ thế gian chưa ?” Dân chúng đáp rằng: “ Làm sao các ngài có thể nghĩ rằng Thái tử từ bỏ thế gian trong khi đang thọ hưởng khoái lạc đế vương giữa các cung nữ xinh đẹp trong ba cung điện, tựa như ngài là một vị thiên.” Rồi các vị Bà-la- môn nghĩ rằng: “ Trí tuệ của Thái tử chưa trưởng thành,” và họ tiếp tục chờ đợi Thái tử đi xuất gia. (Đây là bản dịch được nêu ra trong cuốn ba của bộ Sārattha Dīpanī Ṭīkā).

Bản dịch của các bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka

Sau khi đặt tên cho Thái tử là Siddhattha, tám vị Bà-la-môn thông thái nhất về nhà, gọi những đứa con trai của họ đến và nói rằng: “ Này các con, bây giờ chúng ta đã già. Thái tử Siddhattha, con trai của vua Suddhodāna của chúng ta, chắc chắn sẽ thành Bậc Giác ngộ. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết chắc liệu chúng ta có gặp được vị thái tử khi Ngài thành Phật hay không. Khi Ngài thành Phật, các con hãy xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật ấy !”

Trong tám vị Bà-la-môn thông thái, bảy vị sống đến tuổi già nhưng mạng chung trước khi Thái tử xuất ly và tái sanh vào cõi hạnh phúc hay đau khổ theo nghiệp riêng của họ. Riêng Koṇḍañña vẫn còn sống khỏe mạnh. Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành và từ bỏ thế gian, ngài đi đến khu rừng Uruvela và trầm ngâm suy nghĩ: “ Nơi này thật lý tưởng cho người có khuynh hướng tham thiền nhập định.” Và khi đang chuyên tâm thực hành khổ hạnh trong khu rừng ấy thì Koṇḍañña nghe tin: “ Bồ tát đã xuất gia làm Sa-môn”, bèn đến gặp những đứa con trai của bảy vị Bà-la-môn quá cố và nói rằng: “ Này những chàng trai trẻ, thái tử Siddhattha đã xuất gia Sa-môn rồi. Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật. Nếu cha của các cậu vẫn còn sống, họ sẽ xuất gia và sống đời đạo sĩ ngay ngày hôm nay. Nếu các cậu muốn xuất gia Sa-môn thì hãy làm đi. Ta sẽ theo vị Thái tử cao quý và trở thành Sa-môn.” Trong những người con trai của bảy vị Bà-la-môn, ba người ở lại vì họ không muốn xuất gia. Chỉ bốn người còn lại đồng ý và xuất gia Sa- môn do Koṇḍañña dẫn đầu. Năm người này được gọi nhóm năm vị trưởng lão – Pañcavaggī Thera (Đây là câu chuyện được nêu ra trong hai bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka).

Những biện pháp của vua Suddhodana để ngăn chận Bồ tát đừng trông thấy bốn điềm tướng

Sau khi đức vua Suddhodāna mời các vị Bà-la-môn đến hoàng cung xem tướng cho Thái tử, họ tiên tri rằng: “ Thái tử sẽ từ bỏ thế gian và trở thành một Sa-môn.” Đức vua hỏi rằng: “ Con trai của ta sẽ trông thấy những gì mà đi xuất gia?” Các vị Bà-la-môn đồng thanh trả lời: “ Do trông thấy bốn điềm tướng : một người già, một người bịnh, một người chết và một vị Sa-môn – con trai của bệ hạ sẽ từ bỏ thế  gian và trở thành một Sa-môn.”

Sau khi nghe câu trả lời của các vị Bà-la-môn, vua Suddhodāna bèn truyền lịnh: “ Nếu con trai của trẫm xuất gia sau khi thấy bốn điềm tướng, vậy từ nay trở đi, cấm bất cứ người già, người bịnh, hay Sa-môn nào đến viếng con trai của ta. Họ sẽ làm cho Thái tử động  tâm (saṃvega) và khởi chí xuất gia. Ta không muốn con trai của ta thành Phật. Ta chỉ muốn thái tử làm Chuyển luân vương, trị vì bốn đại châu với hai ngàn đảo nhỏ bao quanh và đi trên hư không bằng xe báu có tùy tùng theo hầu rộng hai do tuần.” Khi ấy lính gác được bố trí quanh bốn hướng, mỗi chỗ cách nhau một gāvuta, giữ không để người già, người bịnh, người chết và vị Sa-môn ở trong tầm thấy của Bồ tát.

Vào ngày hôm ấy, lễ tắm đầu kiết tường được tổ chức với tám chục ngàn hoàng thân tham dự và họ đã bàn bạc với nhau: “ Dù thái tử có thành Phật hay Chuyển luân vương chăng nữa, mỗi người trong chúng ta hãy cho một đứa con trai để hầu hạ vị ấy. Nếu thái tử thành Phật, vị ấy sẽ sống một cách uy phong giữa hội chúng Sa-môn gồm những người thuộc dòng Sát-đế-lỵ. Hoặc nếu thái tử thành Chuyển luân vương, vị ấy sẽ oai phong đi giữa đám tùy tùng gồm tám chục ngàn vị hoàng tử.” Thế rồi mỗi người trong bọn họ, hứa sẽ dâng hiến một người con trai đến Bồ tát.

Hoàng hậu Mahāmāyā mạng chung và tái sanh cõi Tusitā

Vào ngày thứ bảy sau khi hạ sanh Thái tử, hoàng hậu Mahāmāyā Devī mạng chung sanh về cõi Tusitā làm một vị thiên tên Santusita.

(Hoàng hậu chết không phải vì bà đã hạ sanh Bồ tát mà do bà hết tuổi thọ. Hãy nhớ lại rằng ngay khi Bồ tát, chư thiên Setaketu thực hiện năm điều suy xét thì hoàng hậu Mahāmāya chỉ còn sống được mười tháng và bảy ngày. Không ai có thể xứng đáng ở trong bào thai như hoa sen của Phật mẫu vì nó giống như hương phòng dành cho Đức Phật hoặc tượng của Ngài hoặc vật tôn thờ. Ngoài ra, trong khi mẹ của Bồ tát còn sống, không một người nào khác có thể thay thế địa vị Chánh hậu của bà. Thế nên, việc hoàng hậu còn sống thêm bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát là pháp thông lệ. Cho nên hoàng hậu  mạng chung trong thời gian ấy).

Tuổi của hoàng hậu Mahāmāyā lúc mạng chung

Với câu hỏi: “Hoàng hậu Mahāmāyā chết vào thời kỳ nào trong cuộc đời ?” Câu trả lời là: “ Bà chết vào thời kỳ giữa.” Giải rõ: Vì chúng sanh trong thời kỳ đầu có nhiều ham muốn và khát vọng, nên người đàn bà mang thai trong thời kỳ này không thể chăm sóc cái bào thai một cách chu đáo được. Do đó, đứa bé ở thời kỳ này dễ bị nhiều chứng bịnh. Tuy nhiên, bào thai sẽ được sạch sẽ khi người mẹ đã qua hai phần ba của thời kỳ giữa và ở giai đoạn một phần ba cuối. Và bất cứ hài nhi nào ở trong bào thai sạch sẽ như vậy sẽ không bị các chứng bịnh. Do đó, mẹ của Bồ tát, sau khi thọ hưởng khoái lạc ở cung vàng điện ngọc trong thời kỳ đầu của bà, đã sanh con và chết khi bà bước qua giai đoạn một phần ba cuối của thời kỳ giữa. (Chú giải kinh Trường bộ, cuốn II, trong phần trình bày về pháp tánh của vị Bồ tát – Bodhisatta dhammatā).

Theo đúng sự trình bày của bộ Chú giải này, các vị Chú giải sư cổ xưa đã biên soạn một bài kệ súc tích để giải thích rằng mẹ của Bồ tát đã mạng chung khi bà đúng năm mươi sáu tuổi, bốn tháng và hai mươi bảy ngày. Cũng có bài khác nói rằng hoàng hậu Mahāmāyā thọ thai khi bà được năm mươi lăm tuổi, sáu tháng và hai mươi ngày.

Giải thích thêm : Vào thời kỳ hoàng hậu Māyā tái sanh làm người, thọ mạng trung bình của loài người là một trăm tuổi, đem 100 tuổi chia ra thành ba thời kỳ, mỗi thời kỳ là ba mươi ba năm và bốn tháng. Bà thọ hưởng đời sống cao sang của bà trong thời gian đầu gồm ba mươi ba năm và bốn tháng. Nếu thời kỳ thứ hai là ba mươi ba năm bốn tháng mà đem chia thành ba giai đoạn thì mỗi giai đoạn là mười một năm, một tháng và mười ngày. Như vậy hai giai đoạn đầu sẽ là hai mươi hai năm, hai tháng và hai mươi ngày. Thời gian của hai giai đoạn này cộng với thời gian của thời kỳ đầu, tổng cộng là năm mươi lăm năm, sáu tháng và hai mươi ngày. Ở tuổi này hoàng hậu mang thai Bồ tát. Đây là phần giải thích về nội dung của bài kệ thứ hai.

Nếu lấy mười tháng thời gian mang thai Bồ tát và bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát cộng với năm mươi lăm năm, sáu tháng và hai mươi ngày thì toàn bộ thời gian là năm mươi sáu năm, bốn tháng và hai mươi bảy ngày. Đây là phần giải thích của bài kệ thứ nhất.

Hoàng hậu Mahāmāyā tái sanh làm vị thiên nam hay thiên nữ

Với câu hỏi liệu hoàng hậu Māyā sẽ tái sanh làm vị thiên nam hay nữ ở cõi Tusitā, câu trả lời là bà tái sanh làm vị thiên nam.

Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu một cách hời hợt câu Pāḷi ‘mātaraṃ pamukhaṃ katvā’, một số học giả nói hoặc viết rằng bà tái sanh làm thiên nữ; nhưng những tác phẩm đáng tin cậy như Chú giải bộ Theragāthā và những tác phẩm khác thì cho rằng “ Bà Māyā chỉ là vị thiên nam ở cõi Tusitā.” Theo những câu kệ của trưởng lão Kāḷudāyi ở chương Dasaka Nipāta của bộ Chú giải Theragāthā, cuốn II, nói rằng “dev’ūpapatti pana purisabhāven’eva jātā – sự tái sanh của hoàng hậu Mahāmāyā ở cõi chư thiên chỉ xảy ra dưới hình dạng người nam.”

Cũng trong chương nói về sự đản sanh của Bồ tát, bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā có đoạn nói rằng: “ Yasmā ca Bodhisattena vasitakucchi nāma cetiyagabbhasadisā hoti, na sakkā aññena sattena āvasituṃ vā paribhuñjituṃ vā. Tasmā Bodhisattamātā gabbhavuṭṭhānato sattame divase kāḷaṃ katvā Tusitapure devaputto hutvā nibatti – Bào thai nơi Bồ tát ngụ giống như căn phòng của bảo tháp, những chúng sanh khác không xứng đáng được trú trong đó hay sử dụng nó. Do đó, bảy ngày sau khi hạ sanh, mẹ của Bồ tát mạng chung và trở thành ‘vị thiên tử’ ở thành phố chư thiên của cõi Tusitā.”

Cũng trong phần trình bày về phẩm Vīsatigathā của bộ Manidīpa Tīkā, cuốn I, có đoạn khẳng định rằng: “ Sirī Mahāmāyā hi Bodhisattaṃ vijayitvā sattābhamattaṁ thātvā ito cavitvā Tusitabhavane purisabhāven’eva nibattā, na itthibhāvenā ti – Bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát, hoàng hậu Sirī Mahāmāyā mạng chung từ cõi này và chỉ tái sanh làm vị thiên nam, không phải tiên nữ. Theo pháp tánh tự nhiên thì tất cả những người mẹ của các vị Bồ tát đều sống chỉ bảy ngày sau khi sanh con và mạng chung sanh về cõi Tusitā, là vị thiên nam, không bao giờ là tiên nữ.” Do đó, sự kiện hoàng hậu Mahāmāya tái sanh làm vị thiên nam là điều nên chấp nhận không hoài nghi.

Những người hầu Bồ tát

Đức vua Suddhodāna đã tuyển chọn hai trăm bốn chục người nữ để hầu hạ cho thái tử Siddhattha, họ là những nữ hầu sạch sẽ và khéo léo trong việc thực hiện các phận sự như nuôi bằng sữa ở vú bằng cách cho uống sữa ngọt không có vị hăng, cay, mặn và những vị không tốt khác; tắm, bồng ẳm và làm những công việc phục vụ khác.

Đức vua cũng chỉ định sáu chục người nam theo phụ giúp các nữ hầu và cũng chỉ định thêm sáu chục vị quan để giám sát các phận sự của những người hầu nam và nữ này. Trong số hai trăm bốn chục nữ hầu này, sáu chục người làm công việc cho thái tử bú sữa, sáu chục người khác làm công việc tắm rửa bằng nước thơm và mặc y phục cho thái tử; lại sáu chục người khác làm công việc bồng ẳm Ngài thường xuyên và sáu chục nữ hầu còn lại cũng làm công việc tương tự thế phiên cho sáu chục nữ hầu trước. Như vậy công việc chăm sóc thái tử đã được phân công đến hai trăm bốn chục nữ hầu. Ngoài ra, còn có thêm ba trăm sáu chục người khác chăm lo cho vị thái tử nhỏ.

Tất cả những chi tiết được nêu ra ở đây là theo bộ Sutta Mahāvagga và Chú giải của nó, trong đó nói rõ việc vua Bandhumā chỉ định những người hầu để chăm sóc cho con trai là thái tử Vipassī (Bồ tát). Dựa vào cơ sở này, sự chỉ định của vua Suddhodāna đã được mô tả.

Sự tuyển chọn những người hầu như được mô tả trong Bổn sanh Temiya

Trong bổn sanh Temiya của bộ Chú giải bổn sanh, sự mô tả chi tiết về việc vua Kāsi tuyển chọn những người hầu cho con trai là thái tử Bồ tát Temiya, được ghi lại như sau:

(1)  Người nữ có thân cao không được chỉ định làm vú nuôi, vì cổ của đứa bé dễ bị dài ra do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng ta.

(2)   Người nữ thân thấp bé không được chỉ định làm vú nuôi, vì cổ của đứa bé dễ bị ngắn lại do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng ta.

(3)   Người nữ thân gầy guộc không được chỉ định làm vú nuôi, vì tứ chi của đứa bé như bắp đùi, v.v… dễ bị thương tổn do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng.

4)   Người nữ thân mập mạp không được chỉ định làm vú nuôi, vì hai chân của đứa bé dễ bị dị tật do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng.

(5)   Người nữ có vú dài không được chỉ định làm vú nuôi, vì đứa bé dễ bị hếch mũi bởi vú của nàng ta đè vào mũi của đứa bé khi đứa bé đang bú.

(6)   Người nữ có nước da quá sậm không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng ta rất lạnh và không thích hợp cho đứa bé về lâu dài.

(7)   Người nữ có nước da quá trắng không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng quá ấm và không thích hợp cho đứa bé về lâu dài.

(8)   Người nữ bị bênh ho không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng chua và không thích hợp cho đứa bé.

(9)   Người nữ bị bênh phổi không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng có vị hăng và đắng và không thích hợp cho đứa bé.

Những người đàn bà như vậy không được chỉ định làm vú nuôi, chỉ những người đàn bà không mắc phải mọi điều khiếm khuyết (về thân) mới được chỉ định làm vú nuôi.

Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī nuôi dưỡng Thái tử

Tuy những người hầu đã được tuyển chọn và chỉ định làm công việc chăm sóc Bồ tát theo cách kể trên, điều đặc biệt là Ngài có người dì, kế mẫu Mahāpajāpati Gotamī thường xuyên chăm sóc như một người mẹ thật sự.

Giải thích : Sau khi hoàng hậu Mahāmāyā mạng chung, vua Suddhodāna phong dì của Bồ tát – Mahāpajāpati Gotamī lên địa vị chánh hậu. Hai hoặc ba ngày sau khi Bồ tát đản sanh, bà Mahāpajāpati Gotamī cũng hạ sanh hoàng tử Nanda. Bà giao đứa con ruột của bà là hoàng tử Nanda cho các vú nuôi chăm sóc (khi ấy hoàng tử Nanda chỉ được ba hoặc bốn ngày tuổi) và bà thế vào địa vị người mẹ để nuôi dưỡng Bồ tát. Như vậy Bồ tát thường xuyên ở trong vòng tay chăm sóc của người dì ruột (và cũng là kế mẫu) (Trích dẫn từ bài kinh Dakkhiṇāvibhaṅga trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsa).

Như vậy, thái tử Bồ tát Siddhattha lớn lên dưới sự chăm sóc của kẻ hầu người hạ trong cung vàng điện ngọc.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app