Sự xuất ly của Thái tử

Khi thức dậy, Thái tử ngồi kiết già trên long sàng và nhìn quanh. Ngài thấy các vũ nữ đang nằm ngủ, một số thì nằm đè lên các nhạc cụ của họ và nước dải chảy ra từ miệng, làm vấy bẩn hai má và thân thể của họ, một số thì nghiến răng trèo trẹo, kẻ thì ngáy khò khò, người thì mớ lảm nhảm, kẻ thì há miệng toang hoác, một số nằm trần truồng, số khác nằm tóc xõa rối bù. Tất cả hiện ra như một bãi tha ma đầy những thi thể nhờm gớm.

Trông thấy những sự biến đổi đầy ghê tởm và những sự thay hình đổi dạng trong các vũ nữ, Thái tử khởi tâm viễn ly các dục lạc càng nhiều hơn. Đây là cách mà sự viễn ly xảy ra:

(1)   Apassadā-kāmā: ngũ dục đem lại ít khoái lạc nhưng nhiều phiền khổ. Những lỗi lầm và khiếm khuyết của ngũ dục quả thực rất nhiều.

(2)   Aṭṭhikankalūpamā-kāmā: ngũ dục giống như khúc xương khô. Khi con chó đói tìm thấy cục xương không còn chút thịt nào, nước dãi của nó nhỏ giọt. Nó gặm hết cục xương mà không thể làm cho nó thỏa mãn, nhưng cục xương còn mùi thơm, con chó không thể nhả ra. Con chó tiếp tục gặm cục xương từ chỗ này đến chỗ khác với mong mỏi được thỏa mãn, nhưng con chó có thể đi đến chỗ chết mà không tìm được chút vị ngon nào trong cục xương. Dường thế ấy, tất cả chúng sanh, cả nam lẫn nữ, nắm níu vào ngũ dục như cục xương khô ấy, gồm có vàng, bạc, đất đai, tài sản, vợ con, v.v… cũng giống như con chó đói gầy ốm. Tuy họ có được những vật dục này để thọ hưởng trong thời gian dài với nhiều tham ái nhưng họ không bao giờ được thỏa mãn. Họ luôn sống với mong mỏi to lớn là được thỏa mãn và vui sướng. Bị thu hút và say mê bởi lòng tham muốn dục lạc đang khởi sanh trong họ, các loài hữu tình không thể xa lìa các dục lạc này, không hề có ý nghĩ từ bỏ thế gian để tự giải thoát họ ra khỏi xiềng xích của các dục lạc; họ thích thú đeo bám vào chúng, cuối cùng họ chết bên cạnh vợ con ( trong vất vả, cực nhọc lo toan các phận sự của đời sống gia đình). Do đó, năm loại vật dục rất giống như mẫu xương khô; chúng đem lại nhiều phiền khổ và đau đớn. Thật vậy, sự tham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy và đầy những lỗi lầm khuyết điểm!

(3)   Maṃsapesūpamā-kāmā: ngũ dục quả thật giống như mẫu thịt. Ví dụ: một con diều hâu bay đi sau khi cuỗm được miếng thịt; ngay tức thì đám diều hâu bám theo, vây quanh và tấn công nó dữ dội. Khi nào con diều hâu kia còn giữ miếng thịt thì nó còn liên tục bị tấn công và phải chịu nhiều đau đớn; ngay khi nó buông thả miếng thịt thì nó liền vơi đi đau khổ. Đến lượt con chim khác chộp lấy miếng thịt và bay đi, nó cũng bị rượt đuổi và tấn công bởi những con chim khác. Như vậy, con chim nào cũng tìm cách chộp lấy miếng thịt và khi chộp được rồi, chúng đều bị tấn công đến bầm dập. Cũng dường thế ấy, người đeo níu theo ngũ dục giống như chộp lấy miếng thịt, cho đó là của ta, ‘tự ngã của ta’ thì gặp những nguy hiểm thường có như bị trấn lột, bị trộm cắp và bị những người ganh ghét phá hoại, hoặc bị gây phiền khổ mỗi khi có cơ hội. Nếu phải đối mặt với những loại kẻ thù này mà anh ta đem hết khả năng để phòng vệ thì anh ta rất có thể bị nguy hiểm tánh mạng dưới những hoàn cảnh bất lợi. Khi nào anh ta còn chấp giữ những vật dục này thì anh ta còn bị rình rập bởi tất cả các loại tai họa, bị nhốt trong cuộc sống đầy hạn chế. Chỉ khi nào từ bỏ tất cả chúng, người ấy mới có được cơ hội sống trong an lạc. Do đó, năm loại dục lạc rất giống như miếng thịt – chúng đem lại nhiều đau khổ hơn. Quả thật vậy, những ham muốn về ngũ dục hoàn toàn không đáng tin cậy và đầy những khiếm khuyết và lỗi lầm.

(4)   Tiṇukkupamā-kāmā: ngũ dục quả thật giống như cây đuốc rơm đang cháy. Khi một bó rơm lớn được châm lửa và đi ngược chiều gió, nó bắt đầu cháy từ trên xuống dưới, và chừng nào nó chưa được quăng đi thì nó vẫn còn đốt nóng các phần tứ chi của người cầm nó như ở tay và chân, v.v… Như vậy người kia có thể gặp phải cái chết hoặc phải chịu nhiều đau đớn cho đến chết. Dường thế ấy, các vật dục, khi được đeo bám và chấp giữ bởi bàn tay ái dục như là ‘ cái của ta’. ‘tự ngã của ta’, thì chúng sẽ đốt cháy tất cả những ai vui thích với những vật sở hữu của họ bằng những ngọn lửa lo âu và hồi hộp vì phải gìn giữ chúng. Cho dù nâng niu gìn giữ đến mấy chăng nữa, qua quá trình vận hành tự nhiên của chúng, rồi đến lúc chúng cũng bị cướp đi và trở thành vô nghĩa. Chúng sẽ phát triển thành ngọn lửa đau khổ to lớn qua sự lo âu và buồn khổ. Đôi khi, những ngọn lửa đang bùng cháy này bốc cao thành những ngọn lửa của tử thần. Do đó, sở hữu những vật dục này, hữu tình lẫn vô tình như vợ con, đất đai và tài sản, v.v… cũng y như ôm lấy những ngọn lửa . Do đó, năm loại dục lạc rất giống như những bó cỏ khô đang bốc cháy, chúng đem lại nhiều đau đớn và buồn khổ. Thực vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy và đầy lỗi lầm, khiếm khuyết.

(5)   Aṅgārakasūpamā-kāmā: năm loại dục lạc quả thật giống như hố than hồng. Bị che phủ bởi lớp tro tàn không có khói hoặc lửa ngọn, hố than hồng trông ngụy trang như không có lửa. Nhưng bất cứ ai đi xuống hố mà không nhận ra những dấu hiệu có lửa, sẽ bị cháy bỏng nặng nề hơn bị cháy sém bởi ngọn lửa. Thậm chí người kia có thể bị mất mạng. Tương tự vậy, năm loại dục lạc trông bên ngoài có vẻ khả ái, khả lạc và dường như không đốt nóng. Do sự luyến ái và sở hữu những vật dục này, khi người ta đi xuống hố lửa ngầm của các dục lạc, người ấy phải chịu nhiều thống khổ. Bị đốt cháy bởi những ngọn lửa thì ai cũng thấy, nhưng sự cháy nóng của nhiều loại vật ngầm như rễ cây v.v… bị vùi lấp trong lớp than hồng thì không rõ ràng, nhưng sức nóng của chúng thì dữ dội hơn sức nóng của lửa ngọn. Cũng vậy, những người đi vào và chìm đắm trong hố than ngầm của các dục lạc, không bị đốt cháy bởi những ngọn lửa thấy được rõ ràng mà bằng sức nóng ngầm cực mạnh. Nhiều loại vật cháy ngầm như gỗ, rễ cây v.v… bị vùi lấp trong hố than ngầm, chúng cháy âm ỉ, những người say đắm dục lạc cũng vậy, họ bị đốt cháy bên trong và chịu nhiều đau khổ do bởi những ý nghĩ về dục lạc, do bởi những khó khăn vất vả trong việc sinh nhai và do bởi tất cả những hình thức lo toan trong việc bảo vệ và nuôi sống gia đình của họ.

Cõi dục này đầy dẫy các dục lạc giống như hầm lửa ngầm to lớn; dục lạc càng nhiều thì than hồng trong hố càng lớn hơn. Loài hữu tình trong thế gian này giống như những khúc củi, những rễ cây v.v… bị vùi lấp trong mớ than hồng đang cháy trong cái hố. Do đó, năm loại dục lạc rất giống như hố than hồng; chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ lụy. Thật vậy, những ham muốn dục lạc không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết.

(6)   Supinakūpamā-kāmā: năm loại dục lạc quả thật giống như giấc mộng. Một người trong khi đang ngủ, có thể nằm mơ thấy mình trở thành người giàu có, vị tỉnh trưởng (padesarājā) hay hoàng đế (ekarājā), tha hồ thọ hưởng bất cứ loại dục lạc nào mà ông ta thích và sống cuộc sống huy hoàng như vậy. Trong giấc mơ của ông ta, mọi thứ xem ra như có thật. Xem ra đời sống cao sang này không bao giờ chấm dứt, nhưng khi anh ta thình lình thức dậy thì anh ta thấy rằng mọi thứ không thể tìm lại được, không thể nắm bắt được và hoàn toàn vô nghĩa. Tương tự, nhân loại và chư thiên trong cõi dục đang chìm đắm trong những khoái lạc của chư thiên và trần thế do ái dục (taṇhā) dẫn đường, và bị mê muội bởi ái dục, ngã mạn (mānā) và tà kiến (diṭṭhi) cho rằng đời sống khoái lạc của họ là có thực, thường hằng và bền vững. Họ chỉ đang mê đó thôi. Trong cuộc đời ngắn ngủi của kiếp sống hiện tại, trong khi đang thọ hưởng dục lạc như giấc mơ ấy, người ta phải đi qua kiếp sống khác, bỏ lại tất cả những dục lạc mà người ấy vẫn còn bám chấp mãnh liệt. Cũng như tất cả những vật dục mà người ta bắt gặp trong giấc mơ, chúng biến mất không dấu vết vào lúc người ấy thức dậy. Cũng vậy tất cả những vật dục mà người ta chấp thủ là ‘ta’, ‘của ta’, ‘tài sản của ta’, trong suốt thời gian ngắn ngủi của đời sống hiện tại, rốt cuộc chúng đều trở thành những thứ chẳng liên quan gì đến ta cả. Do đó, những dục lạc rất giống như trong giấc mơ; chúng có nhiều đau đớn và khổ lụy. Quả thật vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết.

(7)   Yācitakūpamā-kāmā: năm loại dục lạc quả thật giống như những vật vay mượn. Giả sử có những người không có những vật sở hữu làm của riêng phải thuê mướn những đồ trang sức như ngọc quí, vàng và bạc để mang trong những dịp lễ hội. Họ mang những vật trang sức ấy như là của riêng họ với tất cả hạnh phúc, khi họ hoàn trả chúng hoặc khi bị các sở hữu chủ lấy lại; sau khi trả chúng cho người chủ sở hữu, họ cảm thấy buồn và thất vọng. Tương tự, khi những phước quá khứ cho quả lợi lạc qua sự thọ hưởng các dục lạc, họ có thể mê muội nghỉ rằng những điều lợi lạc như vậy sẽ kéo dài mãi mãi. Khi những vật dục này bị mất đi hoặc bị tiêu hoại do kết quả của những ác nghiệp trong quá khứ của họ, hoặc khi họ mạng chung, chúng trở thành những thứ không phải của mình. Thử nhìn vào cuộc sống của một người, ai cũng cho rằng mình là chủ nhân của các vật dục nào đó, nhưng cuối cùng cũng phải bỏ lại với hai bàn tay trắng. Do đó, năm loại vật dục rất giống như những vật vay mượn; chúng đem lại nhiều đau khổ và phiền lụy. Quả thật vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết!

(8)   Rukkhaphalūpamā-kāmā: năm loại vật dục quả thật giống như cây có đầy trái. Ví dụ : trong một khu rừng gần một ngôi làng nọ, có một cây lớn ra trái trĩu cành. Một người đàn ông nọ rảo đi trong rừng tìm kiếm trái cây để ăn, trông thấy cây kia và suy nghĩ: “ Cây này đầy những trái thơm ngon mà chẳng có một trái nào rụng xuống đất cả. Ta lại có tài leo cây. Bởi vậy ta sẽ leo lên cây và hái ăn cho thỏa thích. Ta cũng sẽ hái chúng và bỏ đầy các túi áo quần.” Với suy nghĩ như vậy, anh ta trèo lên cây, ăn trái và bỏ đầy các túi áo quần. Trong lúc ấy, một người đàn ông thứ hai với cái rựa trong tay, cũng đi vào rừng tìm kiếm trái cây để ăn. Anh ta trông thấy cây đầy trái ấy và nghĩ rằng: “ Cây này đầy những trái ngọt. Không có trái nào trên mặt đất cả, mà ta thì không biết leo cây. Thế nên, ta sẽ đốn gốc cây và ăn trái cho thỏa thích. Ta cũng hái thêm một số và bỏ đầy các túi.” Rồi người đàn ông đốn hạ cây. Người đàn ông trước đã ở trên cây không thể nhanh chóng leo xuống trước khi người thứ hai đốn hạ cây; người này chắc chắn sẽ bị mất mạng nếu không thì cũng bị tàn tật.

Tương tự, một người giàu có đang thọ hưởng ngũ dục có thể bị một người đàn ông khác đến đánh đập và trấn lột hết những vật dục của ông ta. Người đàn ông giàu có bị đánh đập nặng nề có thể bị thương tích, tàn tật, thậm chí đến mất mạng do bởi những vật dục ấy. Nếu người ấy mạng chung mà còn mang ấn tượng sâu sắc hoặc luyến ái mãnh liệt với các vật dục ấy, thì ông ta sẽ gặp phải tất cả mọi hình thức đau khổ như bị tái sanh vào các khổ cảnh. Do đó, năm loại dục lạc rất giống với cây có đầy trái. Chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ luỵ. Quả thật vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và rủi ro.

(Hoặc) Năm loại dục lạc giống như trái độc. Ví dụ có một trái độc tên gọi kiṁpukka hay kiṁphala giống như trái xoài ngon tươi nhất, nhưng nó làm cho người ăn nó phải chịu đau đớn khôn tả, thậm chí dẫn đến cái chết. Những người ăn loại trái kia chỉ vì màu sắc, mùi và vị của nó, phải quằn quại trong đau đớn vì ruột bị vỡ ra, và cuối cùng chết trong đau đớn như người đã uống thuốc rầy vậy. Tương tự vậy, năm loại dục lạc có lớp vỏ giả tạo đầy hấp dẫn làm mê muội những người không có con mắt trí tuệ mang ý nghĩ rằng chúng quả thật là những vật dục khả ái, khả lạc. Bị quyến rũ bởi lớp vỏ hào nhoáng, đầy hấp dẫn của chúng, những kẻ vui thích và chìm đắm trong chúng sẽ bị chết ngạt dần dần trong những chất độc bất thiện như tham, sân và si và sau khi nếm đủ mọi hình thức đau đớn và khổ lụy do lo âu, buồn giận, v.v… cuối cùng họ đi đến cái chết trong tuyệt vọng. Vì chất độc của dục lạc vẫn còn đeo bám trong tâm của họ, nên sau khi chết họ không được tái sanh vào cảnh giới hạnh phúc, thay vào đó, họ còn lãnh chịu nhiều đau khổ hơn do phải tái sanh trong các khổ cảnh như địa ngục (apāya). Do đó, năm loại dục lạc rất giống như trái chín có độc, chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ lụy. Quả thật, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết.

(9)   Asisūnūpamā-kāmā: Năm loại dục lạc quả thật giống như tấm thớt chặt thịt. Ví dụ: chính trên tấm thớt những con thú và những con vật bị săn bắt như nai, v.v… bị giết chết, thịt của chúng bị lóc ra và thái thành từng miếng. Tấm thớt chặt thịt là nơi các loài hữu tình bị giết và bị lóc thịt. Tương tự thế ấy, năm loại dục lạc tiêu diệt tất cả chúng sanh vui say, đắm chìm trong chúng bằng sự mổ xẻ, cắt thái, bởi con dao và chiếc búa ái dục của họ. Tất cả những ai tự kê cổ vào tấm thớt của dục lạc (những kẻ tham ái) thì không thể phát triển pháp xả bỏ (nekkhamma dhātu) để đi vào thế giới thênh thang và đại lộ Thiền quán để bẻ cây dao ái dục và đập tan cây rìu tham luyến. Họ đi đến cái chết trong kết cuộc đầy thê thảm. Do đó, năm loại dục lạc rất giống như tấm thớt chặt thịt. Chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ lụy. Quả thật vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết!

(10)   Sattisūlupamā-kāmā: Năm loại dục lạc giống như lưỡi kiếm hoặc lưỡi thương bén nhọn. Ví dụ: lưỡi của cây kiếm hay cây thương bén nhọn sẽ cắt sâu hoặc đâm xuyên bất cứ vật gì chạm vào nó. Chúng chỉ là những khí giới để giết và tiêu diệt kẻ thù, v.v… Năm loại dục lạc cũng vậy, chúng cũng bén nhọn như thế, cắt đứt và đâm thủng bất cứ ai chìm đắm theo chúng. Ví dụ một người nào đó bị đâm xuyên bởi cây kiếm hay cây thương của cảnh sắc (rūparammaṇa) giống như con cá bị cắn câu, người ấy không thể tự mình gỡ nó ra ngay, mà phải chịu đau đớn theo nó. Bị đâm thủng như vậy bởi cây kiếm hoặc cây thương của cảnh sắc, người ấy trở nên lãng quên không nhớ đến pháp hành giới (sīla), định (simādhi) và tuệ (pañña) mà anh ta đã tu tập trước kia. Như vậy anh ta kết thúc trong sự sụp đổ. (ví dụ này cũng áp dụng cho cảnh thinh – saddārammaṇa, v.v…). Như vậy, năm cảnh dục giống như những lưỡi kiếm hoặc lưỡi thương sắc bén, chỉ là những khí giới giết hại và tiêu diệt chúng sanh. Tất cả chúng sanh nào chưa từ bỏ tham ái đối với các dục lạc, giống như những tù nhân, họ phải ở giữa những cây thương, cây kiếm bén nhọn của năm loại dục lạc đang hướng thẳng vào họ trong bất cứ kiếp sống nào mà họ sanh ra. Năm loại dục lạc này tự động bám chắc vào tất cả những chúng sanh nào chạm vào chúng mà không loại trừ bất cứ ai. Do đó, năm loại dục lạc rất giống như lưỡi kiếm hoặc lưỡi thương bén nhọn, chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ lụy. Quả thật vậy, những tham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết!

(11)   Sappasirūpamā-kāmā: Năm loại dục lạc quả thật giống như đầu của con rắn độc. Đầu của con rắn độc chứa chất độc chết người, đáng sợ và đáng ghê tởm. Như đầu của con rắn độc gây tai hại khôn tả cho tất cả những ai chạm vào nó, năm loại dục lạc cũng vậy, ghê tởm và đáng sợ vì chúng chứa đầy chất độc cực mạnh có thể sản sanh ra loại máu phiền não (kilesa) trong những người chạm vào chúng, hoặc bị cắn bởi chúng. Và cũng như đầu của con rắn độc chỉ đem lại tai hại mà không đem lại lợi ích cho thế gian. Tương tự, năm loại dục lạc đem lại tất cả những hình thức tai họa đáng sợ cho mọi người trong thế gian. Năm loại dục lạc giống như người đụng vào hoặc giẫm lên đầu của con rắn độc sẽ gặp phải tai họa to lớn. Do đó, năm loại dục lạc rất giống đầu của con rắn độc, chúng đem lại nhiều đau đớn và khổ lụy. Quả thật vậy, những ham muốn dục lạc hoàn toàn không đáng tin cậy, nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết!

(Cách quán tưởng về các ngũ trần kể trên được căn cứ vào bài kinh Potaliya Sutta của bộ Majjhimapaṇṇāsa Pāli).

“Cung điện nguy nga, tráng lệ này có thể sánh với cung điện Vejayanta của Đế thích, giờ nó quả thật giống như bãi tha ma. Ba cõi dục giới (kāma), sắc giới (rūpa) và vô sắc giới (arūpa) quả thật giống như ngôi nhà lớn đang bốc cháy dữ dội. Những chúng sanh này gồm có nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, tất cả đều phải trải qua sự sanh, lão, bịnh, tử và sau khi chết phải thọ sanh trở lại, rồi lại già, bịnh và chết. Trong nhiều kiếp luân hồi vô số kể, chúng sanh phải chịu khổ đau khôn tả. Tuy vậy, họ vẫn không biết con đường thoát khỏi sanh, già, bịnh và chết. Khi nào họ mới biết được con đường ấy ?”

Khi quán xét như vậy và nhận ra tánh chất đáng sợ của sanh, già, bịnh và chết, và thấy rằng các vật dục và tâm tham dục cũng như ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới đem lại hạnh phúc và vui sướng nhỏ nhoi, nhưng nhiều đau khổ và tội lỗi. Thái tử hoàn toàn từ bỏ vui thích và luyến ái năm loại dục lạc, rồi nói lên cảm nghĩ của Ngài như sau:

 “Upaddutaṃ vata bho – Ôi, đau đớn phiền não thay!”

“Upassatthaṃ vata bho – Ôi, bức bách làm sao!”

Ngài khởi tâm mãnh liệt muốn từ bỏ thế gian và trở thành Sa- môn. Khi tự nghĩ: “Ngay hôm nay, đã đến lúc để ta từ bỏ đời sống gia đình. Thái tử rời khỏi long sàng và đi đến cửa lớn và hỏi rằng: “ Ai ở đây ?” Vị quan Channa đang ngủ, đầu gối lên ngạch cửa, bèn đáp lại: “ Tâu Thái tử, thần là Channa.” Thái tử bèn truyền lịnh cho vị ấy: “Ta muốn từ bỏ thế gian ngày hôm nay. Đừng cho bất cứ ai biết, hãy đi ngay và thắng yên cương vào con tuấn mã thần tốc Sindhi.” Quan Channa tuân lệnh đáp lại: “ Thưa vâng, tâu Thái tử ” và khi mang theo những dụng cụ cần thiết để thắng yên cương cho ngựa, vị ấy đi đến chuồng ngựa. Trong ánh sáng lung linh của những ngọn đèn dầu  thơm, vị ấy trông thâý con tuấn mã Kaṇḍaka (Kiền trắc) – kẻ chiến thắng tất cả kẻ thù, đang đứng trên nền đất, dưới cái lọng có treo những chuỗi hoa lài. Vị ấy quyết định: “ Ta sẽ sửa soạn cho con tuấn mã kiết tường Kaṇḍaka này để đưa Thái tử đi xuất gia trong đêm nay.” Vị ấy thắng yên cương vào con tuấn mã Kaṇḍaka với đầy đủ những thứ cần thiết.

Khi đang được thắng yên cương như vậy, Kaṇḍaka bỗng nhận ra rằng: “ Lần này ta được thắng yên cương khá chắc. Những lần trước, khi đến vườn thượng uyển, người ta thắng yên cương không chắc như vậy. Đêm nay Thái tử chắc chắn sẽ cỡi trên mình ta để đi xuất gia trở thành Sa-môn.” Đầy vui sướng, Kiền trắc hí vang. Tiếng hí trong nỗi vui sướng của nó đáng ra sẽ vang dội khắp thành Kapilavatthu, nhưng chư thiên đã làm cho không ai nghe được tiếng hí của nó.

Trong khi vị quan Channa – người bạn đồng sanh của Thái tử đang đi thắng yên cương cho ngựa Kiền trắc như vậy, thì Thái tử khởi lên ý nghĩ: “ Ta sẽ đến thăm đứa con mới chào đời của ta trước khi đi xuất gia.” Ngài bèn đi đến phòng hoàng hậu Yasodharā, và mở cửa phòng. Vào lúc ấy, căn phòng được tỏa sáng lung linh bởi những ngọn đèn dầu thơm; và hoàng hậu Yasodharā, mẹ của Rāhula, đang nằm ngủ trên chiếc giường rải hoa lài, đầu của đứa bé Rāhula tựa trên tay của bà.

Thái tử đứng ở ngưỡng cửa và trong khi nhìn, Ngài suy nghĩ: “ Nếu lấy bàn tay của hoàng hậu ra và ẵm đứa con, thì chắc chắn sẽ làm cho hoàng hậu thức giấc. Khi hoàng hậu thức giấc thì sẽ gây chướng ngại cho kế hoạch xuất gia mà Ta sắp thực hiện. Bây giờ không thể được, Ta chưa thể gặp con. Đợi sau khi thành Phật rồi, ta sẽ về thăm con trai.” Sau khi suy nghĩ như vậy, Ngài đi xuống khỏi cung điện, đến nơi con tuấn mã và nói với nó rằng: “ Này Kiền trắc, người bạn đồng sanh của ta. Hãy giúp Ta đêm nay. Sau khi chứng đắc Phật quả, Ta sẽ cứu vớt thế giới hữu tình chúng sanh bao gồm cả chư thiên, ra khỏi vòng luân hồi và đưa họ đến miền đất cao cả của Niết bàn.”

Rồi Thái tử lên lưng con tuấn mã Kiền trắc. Tuấn mã Kiền trắc dài mười tám hắc tay tính từ cổ và có chiều cao cân đối. Nó có sức mạnh to lớn cũng như tốc độ nhanh. Toàn thân màu trắng như tuyết, tướng mạo của nó khả ái và duyên dáng như chiếc tù và mới được đánh bóng. Ngồi trên lưng con ngựa Kiền trắc còn có Channa, cũng là một người bạn đồng sanh khác của Ngài, tay nắm chặt vào đuôi của con ngựa, Bồ tát ra khỏi hoàng cung vào canh giữa của đêm thuộc ngày thứ hai, tức ngày rằm tháng Āsāḷha năm 97, lịch Mahā Era, và đến tại cổng chính của kinh đô. (Khi Bồ tát đang cỡi trên lưng ngựa Kiền trắc như vậy và ra khỏi hoàng cung thì chư thiên đặt bàn tay của họ dưới móng của con ngựa, trong mỗi bước gõ của nó để không ai nghe được âm thanh từ các móng của nó).

Thái tử, vị quan Channa và tuấn mã Kaṇḍaka, mỗi nhân vật đều có dự tính riêng

Chính trong thời gian ấy, nhà vua Suddhodāna đã thực hiện những dự phòng để ngăn chặn Thái tử ra đi bằng cách tăng cường củng cố ở hai bên cổng chính của kinh thành, mỗi bên chỉ có thể mở  ra được bằng sức mạnh của một ngàn quân binh. Đức vua suy nghĩ: “ Nếu được bố trí như vậy thì con trai của ta sẽ không thể nào ra đi bằng cổng chính của kinh thành mà không ai hay biết.”

Thái tử là người có sức mạnh to lớn; Ngài có sức mạnh tương đương với mười ngàn triệu người đàn ông bậc trung (majjhima- purisa). Do đó, Ngài tự nghĩ: “ Nếu cổng chính này không mở thì ta sẽ trốn thoát ngày hôm nay bằng sức mạnh của riêng Ta. Vẫn ngồi trên lưng của con tuấn mã Kaṇḍaka, Ta sẽ nắm chắc quan Channa đang cầm lấy đuôi của con ngựa và kẹp con ngựa giữa hai đùi của Ta rồi nhảy qua bức tường thành cao mười tám hắc tay.” Vị quan Channa cũng tự nghĩ: “ Nếu cổng chính của kinh thành không mở thì ta sẽ để Thái tử ngồi trên vai của ta, tay ta quặp lấy con ngựa Kiền trắc dưới nách bên phải và ghì chặt Ngài bằng bàn tay phải của ta, ta sẽ nhảy qua bức tường thành của kinh đô Kapilavatthu cao mười tám hắc tay và thoát đi.” Tuấn mã Kiền trắc cũng tự nghĩ:“Nếu cổng chính của kinh thành không mở thì ta sẽ giữ cho Thái tử ngồi yên trên lưng của ta cùng với vị quan Channa đang giữ chắc đuôi của ta, ta sẽ nhảy qua bức tường thành cao mười tám hắc tay của kinh thành Kapilavatthu và trốn thoát.”

Thể lực của Thái tử

[Một con voi Kāḷāvaka có sức mạnh bằng sức mạnh của mười người đàn ông bậc trung (majjhima-purisa). Một con voi Gaṅgeyya có sức mạnh bằng mười con voi Kāḷāvaka (hay 100 người bậc trung); một con voi Paṇḍara có sức mạnh bằng mười con voi Gaṅgeyya (hay 1000 người bậc trung); một con voi Tamba có sức mạnh bằng 10 con voi Paṇḍara (hay 10.000 người bậc trung); một con voi Piṅgala có sức mạnh bằng 10 con voi Tamha ( hay100.000 người bậc trung); một con voi Gandha có sức mạnh bằng 10 con voi Piṅgala (hay 1.000.000 người bậc trung), một con voi Maṅgala có sức mạnh bằng 10 con voi Gandha ( hay 10.000.000 người bậc trung); một con voi Hema có sức mạnh bằng 10 con voi Maṅgala ( hay100.000.000 người bậc trung); một con voi Uposatha có năng lực bằng mười con voi Hema (hay 1.000.000.000 người bậc trung); một con voi Chaddanta có sức mạnh bằng 10 con voi Uposatha (hay 10.000.000.000 người bậc trung). Bồ tát có sức mạnh bằng 10 con voi Chaddanta (hay 100.000.000.000 người bậc trung).] (Chú giải Aṅguttara)

Hành động ngăn cản của Ác ma Vasavattī

Như vậy, ba nhân vật trên đều có ý định giống nhau. Ngay cả cổng chính của kinh thành không mở, chắc chắn một trong ba  nhân vật cũng sẽ hành động để hoàn thành kế hoạch của Thái tử. Tuy nhiên do oai lực của những điều phước đã tích lũy của Thái tử, chư thiên canh gác cổng thành vô cùng hoan hỉ mở sẵn cổng thành để Ngài đi  ra. Ngay khi Ngài cỡi ngựa ra khỏi cổng thành có vị quan Channa theo sau, thì Ác ma Vasavattī – kẻ luôn luôn chống lại và ngăn chặn sự giải thoát của chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử, đi xuống cõi nhân loại từ cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavattī Deva) trong chốc lát; ngay khi người lực sĩ vừa duỗi cánh tay ra, hay gấp lại cánh tay được duỗi ra đã xuất hiện ngay trước mặt Thái tử. Mục đích của Ác ma là ngăn chặn việc Ngài từ bỏ thế gian bằng cách khéo léo lừa Ngài tin rằng sự ngăn cản như vậy là có lợi cho riêng Ngài. Khi đứng trong hư không, Ác ma nói rằng:

Mā nikkhama mahāvira ito te sattame dine

Dibbaṃ tu cakkaratanaṃ addhā pātu bhavisssati.

(Chú giải Buddhavaṃsa)

Hỡi Thái tử Bồ tát kiên cường dũng mãnh, đừng xuất gia và trở thành Sa-môn ngay. Vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, xe báu của chư thiên dành cho Ngài sẽ xuất hiện.

Ác ma cũng ra sức làm nhụt chí Thái tử bằng cách nói với Ngài rằng: “Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương trị vì khắp bốn đại châu được bao quanh bởi hai ngàn tiểu đảo. Hãy trở về, tâu bệ hạ.” Nhân đó, Thái tử Bồ tát hỏi: “Ngươi là ai, kẻ đang nói với ta và làm nhụt chí của ta?” Ác ma đáp lại: “Tâu bệ hạ, tôi là Ma vương Vasavattī.” Rồi Bồ tát khẳng khái đáp lại rằng:

Jānāmahaṁ mahārājā, mayhaṁ cakkassa sambhavaṁ

Anatthiko’ham rajjena, gaccha tvaṁ Māra mā idha.

“Này Ác ma đầy quyền lực, ta đã biết trước ngươi rằng xe báu chắc chắn sẽ phát sanh lên cho Ta. Về phần Ta, Ta không có chút ham muốn nào được trở thành Chuyển luân vương, trị vì khắp bốn châu. Bây giờ, này Ác ma, hãy đi khỏi đây ngay, đừng đứng cản đường ta.”

Sakalaṃ dasasahassaṃ pi, lokadhātum’ahaṁ pana

Unnādetvā bhavissāmi, Buddho loke vināyako.

“Về phần ta, ta sẽ cố gắng trở thành một vị Phật để tiếp độ chúng sanh, những kẻ sẵn sàng nghe Giáo pháp (veneyya), đến miền đất chiến thắng của Niết bàn, khiến cho mười ngàn thế giới phải quay cuồng và vang dội như bánh xe của người thợ gốm.”

Nhân đó, Ác ma đe dọa Thái tử bằng những lời sau đây: “ Hỡi ông bạn Thái tử Siddhattha, hãy thường xuyên nhớ lấy những lời của ông. Từ giờ trở đi, ta sẽ làm cho ông biết rõ ta là ai, bất cứ khi nào tâm của ông chứa đầy những ý nghĩ về dục lạc (kāmavitakka), những ý nghĩ nóng giận (vyāpādavitakka) hay những ý nghĩ độc ác (vihiṁsāvitakka).” Và từ đó trở đi, Ác ma luôn luôn theo dõi, chờ đợi các phiền não (kilesa) khởi sanh trong tâm của Thái tử. ( Ác ma theo sát Ngài như bóng theo hình suốt bảy năm trời với ý định giết chết Ngài ngay tại chỗ mà các phiền não khởi sanh trong dòng tâm của Bồ tát).

Sự hộ tống rầm rộ của chư thiên và Phạm thiên đến bờ sông Anomā

Năm hai mươi chín tuổi, khi sắp nhận vinh quang và quyền lực của vị Chuyển luân vương, Ngài đã xem thường và vất bỏ chúng tựa như chúng là những bãi nước bọt. Nửa đêm, vào ngày rằm tháng Āsaḷha khi chòm sao Āsaḷha và mặt trăng giao hội với nhau, năm 97, theo lịch Mahā Era, Ngài rời hoàng cung nguy nga như cung điện của vị Chuyển luân vương. Nhưng khi Ngài đang đi như vậy, thì ước muốn quay lại nhìn kinh đô Kapilavatthu khởi sanh trong tâm.

Khi ý nghĩ ấy đã khởi sanh trong tâm của Thái tử, ngay chính chỗ mà ý nghĩ khởi sanh quay vòng như bánh xe của người thợ gốm tựa như quả đất đang nói với Ngài rằng: “Hỡi Bồ tát, con người cao quý, những việc phước của Ngài sẽ giúp ngài thỏa nguyện mà không cần phải quay lại để nhìn bất cứ điều gì, cảnh mà Ngài muốn nhìn tự nó sẽ ở ngay trước mặt.” Như vậy Thái tử đã nhìn ngắm kinh đô Kapilavatthu từ chỗ Ngài đang đứng mà không cần quay lại. Chỗ con ngựa Kaṇḍala dừng lại được đánh dấu bằng một bảo tháp được xây dựng mang tên là Kaṇḍaka Nivattana. Rồi Ngài tiếp tục lên đường một cách oai vệ trên lưng của con tuấn mã Kaṇḍala. Dọc theo con đường Thái tử đi qua, tất cả chư thiên và Phạm thiên rầm rộ tiễn đưa Ngài ở phía trước và sau, ở bên phải và trái, một số cầm sáu chục ngàn cây đuốc được thắp sáng (sáu trăm ngọn đuốc cháy sáng, theo Chú giải bộ Budddhavaṃsa), những vị khác thì tôn kính Ngài bằng những tràng hoa thơm, bột chiên đàn, phất trần bằng lông đuôi của con bò Tây tạng, cờ và xí. Họ vừa đi vừa hát những bản nhạc của chư thiên  và chơi năm loại nhạc khí của chư thiên.

Đức Bồ tát cao quý, bậc đã ra đi xuất gia trong oai nghi, đường bệ như vậy, đã đi qua ba vương quốc Sākiya, Koliya và Malla chỉ trong một đêm với quãng đường dài ba mươi do tuần, cuối cùng đến bờ sông Anomā.

(Chú thích: Con tuấn mã Kaṇḍala có tốc lực phi nhanh như gió, có thể chạy quanh ngọn núi Cakkavāla vào lúc sáng sớm và trở về đúng giờ ăn trưa. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần chú ý là vào lúc ấy, những tràng hoa thơm được rải xuống bởi chư thiên và Phạm thiên, rồng (nāga) và Kim-xí-điểu (garuda), v.v… từ trên không trung phủ trên mặt đất, cao đến ngang rốn của con ngựa và vì thế nó đã lê bước, ra sức vượt qua khối hoa dày đặc tựa như đang đi qua vùng đất lầy lội và như vậy chỉ có thể đi được 30 do tuần trong một đêm).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app