CHƯƠNG 7. SỰ CHỨNG ĐẮC PHẬT QUẢ

Sự thay đổi đường lối thực hành

Sau khi Bồ tát đã thực hành xong các pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong sáu năm, như đã được trình bày ở trước, thời gian lúc ấy vào khỏang mồng một tháng tư (Vesākha) của năm 103, lịch Mahā Era. Vào lúc ấy Bồ tát khởi lên ý nghĩ như sau:

“Các vị Sa-môn (Samana) và Bà-la-môn (Brahmana) trong quá khứ, thực hành dukkaracariyā, chỉ có thể chịu đựng bấy nhiêu đau đớn là hết mức, họ không thể chịu đựng nhiều đau đớn hơn những gì Ta đang trải qua. Các vị Sa-môn và Bà-la-môn trong tương lai, thực hành dukkaracariyā, cũng sẽ chịu đựng chỉ bấy nhiêu đau đớn và khổ nhọc là hết mức, họ sẽ không chịu đựng nhiều đau đớn hơn mà Ta đang trải qua. Các vị Sa-môn và Bà-la-môn trong hiện tại, khi thực hành dukkaracariyā, cũng chỉ có thể chịu đựng bấy nhiêu đau đớn và lao khổ là hết mức, họ không thể chịu đựng nhiều đau đớn hơn mà Ta đang trải qua. Ta đã nỗ lực hết mức theo cách này, thế mà ta vẫn chưa chứng đắc Giác ngộ (Sabbaññuta-ñāna), chưa chứng đắc Phật quả. Có lẽ có một cách thực hành khác, một con đường khác để chứng ngộ Nhất thiết trí, để chứng đắc Phật quả.”

Khi tiếp tục suy xét như vậy, Ngài bắt đầu nhận biết rằng Ngài đã từng đi vào pháp niệm hơi thở (ānapana) và nhập vào sơ thiền trong khi đang ngồi dưới bóng cây táo hồng trong dịp lễ Hạ điền do phụ vương của Ngài, là vua Suddhodāna đứng ra chủ trì. Rồi Ngài nhận ra rằng sự thực hành pháp niệm hơi thở để nhập vào sơ thiền chắc chắn là chánh đạo, là lối thực hành đúng đắn để chứng đắc Nhất thiết trí, Phật quả. Ngài lại suy xét thêm: “Tại sao Ta lại sợ sự an lạc của thiền mà có thể giác ngộ được qua sự thực hành thiền chỉ đề mục Hơi thở (ānapana). Đó là sự an lạc phát sanh do sự xuất ly (nekkhamma) và từ bỏ hoàn toàn các dục lạc. Ta chắc chắn không sợ sự an lạc trong sự nhập định của pháp thiền chỉ, đề mục Hơi thở.”

Bồ tát lại tiếp tục suy xét: “ Ta không thể nào dốc tinh tấn và tu tập pháp thiền chỉ đề mục Hơi thở bằng tấm thân bị cạn kiệt và gầy ốm của ta. Sẽ tốt hơn nếu khi độ một ít vật thực cứng và thô như cơm để làm cho tấm thân gầy yếu này được khỏe mạnh và tươi sáng trở lại, trước khi Ta phấn đấu để chứng đắc thiền định qua đề mục niệm Hơi thở.” Sau khi đã suy xét như vậy, Bồ tát lấy cái bát nơi Ngài cất, rồi đi vào thị trấn Sena để khất thực và bồi dưỡng cho tấm thân gầy ốm, héo mòn của Ngài bằng bất cứ vật thực nào nhận được từ việc đi khất thực.

Trong vòng hai hoặc ba ngày, sức mạnh và các hảo tướng của bậc đại nhân (maha-pūrisa lakkhaṇā) biến mất trong thời gian Ngài thực hành dukkaracariyā, nay xuất hiện trở lại rõ rệt như xưa và thân của Bồ tát lại tươi sáng như vàng ròng.

(Ở đây điều đặc biệt cần lưu ý là vào lúc Bồ tát quán về Chánh đạo dẫn đến giác ngộ Nhất thiết trí, chứng đắc Phật quả, sau khi từ bỏ dukkaracariyā, Ngài quán xét đúng đắn rằng tám thiền chứng hợp thế mà Ngài đã thành đạt sau khi gặp hai vị giáo chủ Ālāra và Udaka chỉ là nền tảng của luân hồi khổ (vaṭṭapādaka). Ngài cũng đã quán xét rằng sự định tâm trong đề mục niệm Hơi thở (ānapana) được tu đạt dưới bóng cây táo hồng, trong khi phụ vương của Ngài, là vua Suddhodāna, đang chủ trì cuộc lễ hạ điền, là con đường đúng đắn để giác ngộ Nhất thiết trí, để chứng đắc Phật quả, vì pháp thiền chỉ đề mục Hơi thở (ānapana) là một phần của pháp niệm thân (kāyagatāsati), và nền tảng của thiền Quán (Vipassanā) dành cho tất cả chư Bồ tát). (Mūlapaṇṇāsa Tīkā, vol. I)

Nhóm năm đạo sĩ rời bỏ Bồ tát

Theo pháp tánh (dhammatā) thì khi Bồ tát sắp chứng đắc Phật quả sau khi hoàn thành thực hành dukkaracariyā, các vị Sa-môn hầu cận rời bỏ Ngài với lý do này hay lý do khác, hoặc chính Ngài rời bỏ họ. Đúng như vậy, khi Bồ tát bắt đầu bồi dưỡng lại cho cơ thể của Ngài bằng cách độ bất cứ món cơm thô nào mà Ngài nhận được khi khất thực, thì nhóm năm vị Sa-môn xem thường Ngài, thất vọng than vãn rằng: “ Sa-môn Gotama đã nghiêng về pháp hành lợi dưỡng. Vị ấy đã từ bỏ pháp thiền và trở lại tích lũy vật chất.” Theo pháp tánh, họ rời bỏ Bồ tát và đi đến Isipatana, vườn Nai gần Varanasi nơi mà chư Phật thuyết bài pháp đầu tiên.

Khi nhóm năm vị tỳ khưu rời bỏ Bồ tát vào ngày đầu tháng Citta và đi đến Migadaya, vườn Nai. (Thật ra, vào thời điểm đó Bồ tát đã hoàn tất việc thực hành dukkaracariyā). Ngài sống đơn độc, có được mức độ yên tĩnh cao dẫn đến sự tiến bộ phi thường và sự tăng mạnh về sự định tâm. Sống trong cảnh vắng vẻ hoàn toàn như vậy trong mười lăm ngày, hành thiền và tạo ra sự tiến bộ. Nửa đêm lúc gần sáng của ngày mười bốn tháng tư (tháng Vesākha), Bồ tát chợp ngủ và thấy năm điềm mộng lớn.

Năm đại mộng

Năm đại mộng của Bồ tát diễn ra như sau:

(1)   Bồ tát mơ thấy mình nằm trên mặt đất là giường, tựa đầu trên dãy núi Himalaya là gối, tay trái đặt trên biển phía Đông, tay phải đặt trên biển phía Tây, và hai chân đặt trên biển phía Nam. Điềm mộng đầu tiên này báo rằng Ngài sẽ chứng đắc Nhất thiết trí và trở thành một vị Phật giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.

(2)   Ngài mộng thấy một loại cỏ có tên là Tiriya, thân của nó màu đỏ nhạt và kích cỡ bằng cái ách xe bò, cây cỏ này mọc lên từ rốn của Ngài và khi Ngài đang nhìn thì nó lớn dần, đầu tiên nửa hắc tay, rồi đến một hắc tay, một sãi tay, một ta, một gāvuta, nửa do tuần, một do tuần, v.v… cứ cao dần như thế cho đến khi nó chạm đến bầu trời và đứng yên ở đó. Điềm mộng thứ hai này báo rằng Ngài sẽ có khả năng thuyết giảng Bát Chánh đạo (Aṭṭhaṅgika-magga), là con đường Trung đạo (Majjhima-paṭipadā), đến chư thiên và nhân loại.

(3)   Ngài mộng thấy một đàn giòi, thân trắng đầu đen đang bò lên lúc nhúc đầy cả hai chân từ bàn chân đến đầu gối. Điềm mộng thứ ba này báo rằng sẽ có nhiều người (đầu đen) mặc y phục màu trắng sẽ tôn kính Đức Phật và quy y (Mahāsaranagamaṇa) Ngài.

(4)   Ngài mộng thấy bốn loại chim có màu xanh, vàng, đỏ và xám bay đến từ khắp bốn hướng và khi chúng sà xuống dưới chân của Ngài thì tất cả đều hoàn toàn biến thành màu trắng. Điềm mộng thứ tư này báo rằng chúng sanh từ bốn tầng lớp của xã hội, gồm có giai cấp Khatiya (Sát-đế-lỵ – vua quan), giai cấp Bà-la-môn, giai cấp thương nhân và giai cấp nghèo khổ, sẽ tín thọ lời dạy của Đức Phật, xuất gia tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

(5)   Ngài mộng thấy rằng Ngài đang đi tới đi lui trên một núi phẩn lớn mà không bị lấm lem chút nào. Điềm mộng thứ năm này báo rằng sẽ có sự hoạch đắc to lớn về bốn món vật dụng là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bịnh và Ngài thọ dụng chúng mà không hề có chút luyến ái hoặc chấp thủ chúng.

Bốn nguyên nhân sanh mộng

Các giấc mộng được tạo ra bởi bốn nguyên nhân sau đây:

(1) Do sự rối loạn tiêu hóa. (2) Do những kinh nghiệm của quá khứ.

(3) Do chư thiên hóa ra. (4) Điềm báo một biến cố nào đó sẽ xảy ra.

(1) Do sự rối loạn tiêu hóa, như hoạt động không bình thường của mật, v.v… người ta mơ thấy những giấc mộng hãi hùng như bị rơi xuống từ trên núi cao, bị lơ lửng trong không trung, bị rượt đuổi bởi các loại thú dữ như voi, ngựa hoang, sư tử, cọp beo, v.v… hoặc bởi những người hung ác.

(2) Do những trải nghiệm của quá khứ, người ta mộng trông thấy, nghe và đang sử dụng những vật đã trông thấy, đã nghe hoặc đã sử dụng trước kia.

(3) Tất cả những loại cảnh giả, ảnh ảo do chư thiên hóa hiện trong giấc mộng của người, cảnh đẹp nếu họ muốn đem lại điều tốt đẹp cho người kia, hoặc cảnh xấu nếu họ muốn đem lại điều rủi ro cho người kia. Người ta trông thấy tất cả những cảnh này do thần lực của chư thiên.

(4) Khi mơ thấy điềm mộng, người ấy sẽ thấy những cảnh vừa lòng hoặc nghịch ý báo trước biến cố sẽ xảy ra do kết quả của nghiệp thiện hoặc bất thiện trong quá khứ. Những giấc mộng giống như giấc mộng của hoàng hậu Mahā Māyā về việc thọ sanh người con trai, hoặc giống như giấc mộng của vua Kosala báo trước 16 đại sự, hoặc giống như 5 Đại mộng của Bồ tát.

Trong 4 loại giấc mộng này, những giấc mộng được tạo ra do (1) rối loạn tiêu hóa và do (2) những kinh nghiệm quá khứ thường không đúng, (3) những giấc mộng do chư thiên hóa hiện thì có thể đúng hoặc không đúng với thực tế. Thực vậy, khi chư thiên hóa hiện thì có thể đúng hoặc không đúng với thực tế; khi chư thiên phẫn nộ, họ thường cho thấy những cảnh sai sự thật trong giấc mộng như là  một mưu mẹo để gây ra tai họa (xem câu chuyện ở dưới) (4) Những câu chuyện báo trước những biến cố sắp xảy ra thường đúng với thực tế.

Câu chuyện chư thiên tạo ra những cảnh sai sự thật trong giấc mộng xuất phát từ sự phẫn nộ của họ

Tại tịnh xá Nāga, xứ Rohana, thuộc hải đảo Sihala, vị sư trụ trì sai người đốn hạ một cây thiết mộc lớn mà không thông báo với chư Tăng. Vị thọ thần (rukkha deva) ở trong cây thiết mộc ấy, đầu tiên tạo ra những giấc mộng đúng trong giấc ngủ của vị trụ trì kia để đánh lừa vị này tin vào những giấc mộng ấy. Sau khi lấy được lòng tin của vị này, vị thiên mới bảo với vị này trong giấc mộng rằng: “ Bạch đại đức, sau bảy ngày nữa kể từ hôm nay, đức vua, người hộ độ của đại đức sẽ chết.” Sư trụ trì tin vào những lời này, bèn báo tin dữ này đến các cung nữ của vua, hay tin dữ họ đồng loạt khóc. Đức vua cho gọi họ đến và hỏi duyên cớ. Họ bèn kể lại những lời mà vị sư trụ trì đã nói. Đức vua chờ đợi qua từng ngày, nhưng khi bảy ngày đã trôi qua mà vua vẫn còn sống, vị ấy tức giận truyền lịnh chặt tay chân của sư trụ trì. (Câu chuyện này được nêu ra trong cuốn II của bộ Sāraṭṭha Dīpanī Ṭīkā).

Bốn loại giấc mộng kể trên dành cho những kẻ phàm phu, những bậc thánh Nhập lưu (Sotāpanna), bậc Nhất lai (Sakadāgāmi) và bậc Bất lai (Anāgāmi) vì họ chưa rủ sạch điên đảo vọng tưởng (vipallāsa). Các vị A-la-hán đã viễn ly điên đảo vọng tưởng thì không còn mộng thấy những giấc mơ như vậy.

Về thời gian, các giấc mộng xảy ra vào ban ngày, trong canh đầu, canh giữa hoặc canh cuối của đêm thì thường là không đúng. Những giấc mộng xảy ra vào lúc gần sáng khi vật thực trong bụng đã được tiêu hóa và chất dinh dưỡng từ đó được truyền đi khắp cơ thể thì có khả năng đúng. Một giấc mộng mang điềm tốt thường đem đến điều may mắn; còn giấc mộng có điềm xấu thường đem đến điều rủi ro, tai họa. (Những chi tiết này được rút ra từ những bài trình bày về bài kinh Mahāsupina, trong Brāhmaṇa Vagga, Catuṭṭhapaṇṇāsaka Pañcaka Nipāta của Chú giải Tăng chi bộ kinh).

Năm đại mộng kể trên không xảy đến với người phàm phu, hay vua chúa, hay Chuyển luân vương, hay các đại đệ tử, hay chư Độc giác Phật và chư Phật Toàn Giác. Chỉ chư Bồ tát mới thấy những giấc mộng như vậy. Bồ tát của chúng ta thấy năm Đại mộng kể trên sau nửa đêm, ngay trước khi mặt trời mọc, vào ngày 14 tháng Vesakha ( tháng Tư) của năm 103, lịch Mahā Era.

Bồ tát tự giải Năm Đại mộng

Sau khi tỉnh giấc, Bồ tát ngồi kiết già, suy nghĩ về Năm Đại mộng và kết luận: “Nếu Ta mơ thấy Năm Đại mộng này khi đang  sống tại kinh đô Kapilavatthu, thì có lẽ Ta sẽ kể lại với phụ vương, vua Suddhodāna, hoặc kể lại với mẹ của Ta, nếu bà còn sống. Nhưng bây giờ, trong khu rừng Uruveḷā này, không có ai lắng nghe Ta kể lại Năm Đại mộng ấy và diễn giải chúng. Thôi vậy, Ta sẽ tự mình giải lấy.” Và rồi Ngài tự giải năm điềm mộng như vầy: Điềm mộng thứ nhất báo trước sự chứng đắc những lợi ích như thế như thế, điềm mộng thứ hai báo trước sự hoạch đắc như vậy như vậy, v.v… như đã được trình bày ở trên.

Sự cúng dường món cơm sữa Ghana của nàng Sujātā

Sau khi mộng thấy năm Đại mộng và tự mình diễn giải ý nghĩa của chúng, Bồ tát kết luận rằng: “ Sự thật là Ta sẽ chứng đắc Phật quả chính ngày hôm nay.” Khi mặt trời ló dạng vào ngày rằm tháng tư, Ngài tắm rửa sạch sẽ rồi rời khỏi chỗ ấy, đi đến cây đa to lớn (banyan), nơi mà con gái của một vị trưởng giả, nàng Sujātā, hằng năm đến cúng dường lễ bái. Đến nơi, Ngài dừng lại và ngồi xuống dưới cội cây, mặt quay về hướng đông và đợi đến giờ đi khất thực. Trong lúc ấy, toàn thể cây đại thọ sáng rực lên do hào quang phát ra từ thân của Bồ tát.

Vào lúc ấy, tại thị trấn Sena, trong khu vực của khu rừng Uruvelā, người con gái của vị trưởng giả Senānī, tên nàng là Sujātā, khi đến tuổi dậy thì, đã cầu nguyện dưới cội cây banyan như sau : “ Kính thưa thọ thần của cây banyan, nếu con được gã vào một gia đình giàu có cùng giai cấp, con sẽ cúng lễ đến ngài món cơm sữa Ghana.” Lời cầu nguyện của nàng Sujāta được thành tựu. Thế nên, cứ đến ngày rằm tháng tư hằng năm thì nàng Sujātā đem món cơm sữa đến cúng dường vị thọ thần của cây banyan.

(Khi đọc lý do nàng Sujātā cúng dường món cơm sữa, nếu độc giả không suy xét kỹ, có thể nghĩ rằng Sujātā cúng lễ món cơm sữa đến thọ thần của cây banyan lần đầu tiên vào ngày rằm tháng tư, ngày Bồ tát chứng đắc Phật quả. Thực ra, lời cầu nguyện đã được thành tựu và sự cúng dường món cơm sữa đến thọ thần banyan tính đến thời gian ấy thì được khoảng 20 lần.

Nàng Sujātā đã sửa soạn món cơm sữa một cách kỹ lưỡng để làm lễ vật cúng dường đến thọ thần banyan vào ngày rằm tháng tư ấy, khi Bồ tát đã thực hành xong sáu năm khổ hạnh. Nàng chuẩn bị trải qua những bước sau đây: (1) Đầu tiên nàng cho một ngàn con bò sữa đến ăn ở rừng cây cam thảo, rồi sữa lấy được từ một ngàn con bò này được dùng để nuôi năm trăm con bò sữa khác. (2) Sữa của 500 con bò này được dùng để nuôi hai trăm năm mươi con bò khác. (3) Lần nữa, sữa của 250 con bò này được dùng để nuôi một trăm hai mươi lăm con bò khác. (4) Rồi sữa của 125 con bò này được dùng để nuôi sáu mươi bốn con khác. (5) Rồi sữa của 64 con bò này được dùng để nuôi ba mươi hai con khác. (3) Rồi sữa của 32 con bò này được dùng để nuôi mười sáu con khác. (7) Rồi sữa của 16 con này được dùng để nuôi 8 con bò khác. Như vậy, nàng Sujātā đã theo tuần tự mà tạo ra một lượng sữa cực kỳ bổ dưỡng và thơm ngon để nấu thành món cơm sữa. (Bài này được kể lại trong Chú giải Bổn sanh Kinh)

Theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì nàng Sujātā đầu tiên cho một trăm con bò sữa đến ăn ở rừng cây cam thảo. Rồi một trăm con bò sữa khác sanh ra từ một trăm con bò trước, nàng cũng cho vào ăn trong rừng cây cam thảo ấy. Và cứ thế cho đến một trăm con bò sữa thuộc thế hệ thứ bảy cũng được công nương Sujātā cho vào ăn trong rừng cây cam thảo. Đến thế hệ bò sữa thứ bảy nàng mới lấy sữa của chúng và đem nấu cơm sữa Ghana.

Với ý định rằng: “ Ta sẽ dâng lễ món cơm sữa Ghana vào sáng sớm ngày mai,” nàng Sujātā đã thức dậy lúc sáng sớm của ngày rằm tháng tư và cho người lấy sữa từ tám con bò sữa nói trên. Những bê con sanh ra từ tám con bò mẹ ấy cũng không đến bú sữa nơi mẹ của chúng. Và kỳ lạ thay, ngay khi những bình sữa được đặt dưới vú của những con bò sữa thì sữa chảy xuống liên tục đến đầy bình mà không cần đến bàn tay của con người nặn. Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu ấy, nàng Sujātā đã tự tay bưng những bình sữa ấy đem đổ vào nồi và tự tay nhúm lửa, đích thân nấu món cơm sữa Ghana.

Sự trợ giúp của chư thiên và Phạm thiên

Khi món cơm sữa Ghana đang được nấu như vậy thì (1) những bong bóng lớn nổi lên và quay tròn theo chiều kim đồng hồ nhưng chẳng có một giọt nhỏ nào tràn ra ngoài; (2) không có một chút khói nào bốc lên từ dưới lò; (3) Bốn vị Thiên vương – những vị hộ trì thế gian, đến và đứng canh giữ lò; (4) Đại Phạm thiên cầm cái lọng đứng che trên cái nồi cơm sữa Ghana; (5) Đế thích sắp những cây củi cho bằng phẳng và đốt lửa; (6) chư thiên dùng năng lực thần thông thâu về những chất bổ dưỡng dành cho chư thiên, và nhân loại đang sống khắp bốn châu, có hai ngàn hải đảo nhỏ bao quanh. Tựa như họ đang lấy mật từ những tổ mật ong ở trên các cành cây. Rồi đem những chất bổ dưỡng đã thâu gom như vậy đổ vào nồi cơm sữa Ghana.

Chú thích : Những lúc khác, chư thiên thường đưa những chất bổ dưỡng ấy vào mỗi miếng vật thực của Đức Phật khi Ngài đang ăn. Tuy nhiên, trong hai trường hợp đặc biệt, ngày Đức Phật chứng đắc Phật quả và ngày Ngài viên tịch Đại Niết bàn, thì chư thiên bỏ những chất bổ trên vào trong nồi vật thực.

Sau khi trông thấy nhiều điều kỳ lạ xảy ra trong một ngày tại nơi nồi cơm sữa đang được nấu, nàng Sujātā cho gọi người tớ gái Puṇṇā đến và bảo rằng: “ Này Puṇṇā con, ngày hôm nay thọ thần banyan của chúng ta xem ra có tâm trạng vui vẻ. Hai mươi năm qua, ta chưa bao giờ chứng kiến những điều kỳ lạ như vậy. Hãy gấp rút đi đến cây banyan và quét dọn sạch sẽ chỗ ngụ của vị thọ thần ấy.” Người tớ gái Puṇṇā vội vàng đi đến cây banyan và trông thấy Bồ tát đang ngồi dưới cội cây, mặt nhìn về hướng đông và khắp cây banyan đều phát ra ánh sáng màu vàng do hào quang phát ra từ thân của Bồ tát. Người tớ gái Puṇṇā lấy làm kinh sợ và nghĩ rằng: “Hôm nay thọ thần Banyan đã đi xuống khỏi cây. Theo ta nghĩ, vị ấy dường như ngồi ở đó để tự tay nhận lấy lễ vật cúng dường.” Rồi nàng vội vã chạy về nhà và thưa lại mọi chuyện với nàng Sujātā. Nghe qua những lời của người tớ gái, nàng Sujātā cảm thấy rất vui mừng và nói rằng: “ Kể từ hôm nay, con sẽ là đứa con gái lớn của ta.” Rồi ban tặng cho người tớ gái Puṇṇā tất cả y phục và đồ nữ trang phù hợp với vị trí đứa con gái.

Theo thông lệ (dhammatā), vị Bồ tát sẽ thọ lãnh món cơm sữa Ghana vào ngày vị ấy thành Phật; và vật thực dâng đến Bồ tát được đựng trong cái bát bằng vàng. Rồi, nàng Sujātā với ý nghĩ rằng : “ Ta sẽ đặt món cơm sữa Ghana trong cái bát bằng vàng,” rồi lấy cái bát vàng ở trong phòng của nàng. Đoạn nàng nghiêng cái nồi cơm sữa và trút nó vào bát bằng vàng cho đến giọt cuối cùng như giọt nước lăn xuống từ ngọn lá sen. Toàn thể lượng cơm sữa vừa đủ để làm đầy cái bát đến ngang miệng, không hơn không kém.

Sujātā đặt bát ấy trong một cái bát bằng vàng khác và phủ lên bằng một tấm vải trắng tinh. Rồi nàng mặc vào bộ y phục lộng lẫy và trang sức rực rỡ, đặt bát sữa lên đầu, nàng đi đến cây banyan. Thấy Bồ tát đang ngồi dưới cội cây và quá đỗi vui mừng nhầm tưởng đó là thọ thần, nàng đến gần trong thái độ khiêm cung và tôn kính. Sau khi đã dừng lại ở một nơi phải lẽ và để xuống bát sữa mà nàng đang đội trên đầu, dở nắp khăn ra và mang một cái bình bằng vàng đựng nước thơm được ngâm bằng tất cả các loại hoa thơm, nàng tiếp tục tiến đến phía Bồ tát và đứng gần Ngài.

Cái bát bằng đất mà Phạm thiên Ghaṭikāra đã dâng tặng Bồ tát lúc Ngài xuất gia đã theo Ngài suốt sáu năm thực hành khổ hạnh, bỗng biến mất vào lúc công nương Sujātā đến dâng món cơm sữa Ghana. Vì không trông thấy cái bát, Bồ tát đưa bàn tay phải ra để nhận lấy nước. Công nương Sujātā bèn dâng cúng bát cơm sữa Ghana và đặt nó trong đôi tay của Bồ tát. Bồ tát nhìn công nương Sujātā, hiểu rõ cách nhìn của Ngài, nàng kính cẩn thưa rằng: “ Kính lạy Ngài, con xin dâng cúng đến Ngài món cơm sữa Ghana trong cái bát bằng vàng. Mong ngài hoan hỉ thọ nhận nó cùng với cái bát bằng vàng và đi bất cứ nơi nào Ngài thích.” Rồi nói lời khấn nguyện: “ Ước nguyện của con đã được thành tựu, cầu mong ước nguyện của Ngài cũng được thành tựu.” Nàng rời đi mà không hề luyến tiếc chút nào về cái bát bằng vàng đắt giá ấy, tựa như nó là chiếc lá úa vàng.

Bồ tát cũng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, sau khi đi vòng quanh cây banyan, Ngài đi tiếp đến bờ sông Nerañjarā mang theo cái bát bằng vàng có đựng cơm sữa Ghana. Ở dòng sông Nerañjarā, có bãi tắm tên Suppatitthita nơi chư Bồ tát đến và tắm vào ngày chư vị đắc Phật quả. Sau khi tắm xong, Bồ tát ngồi dưới bóng mát của một cội cây, mặt hướng về phía đông. Rồi Ngài đem món cơm sữa vắt thành bốn mươi chín vắt lớn bằng trái cau già và ăn hết những vắt cơm ấy mà không uống nước. Bốn mươi chín vắt cơm sữa Ghana ấy, sau khi ăn vào biến thành chất dinh dưỡng (āhāra) để nuôi sống Ngài đủ bốn mươi chín ngày (sattasattāha), khi Ngài đang ngụ trong khu vực gần cây bồ-đề sau khi chứng đắc Phật quả. Suốt bốn mươi chín ngày này, Đức Phật trú trong sự an lạc của Quả giải thoát mà không dùng đến chút vật thực nào cả, không tắm, không rửa mặt và không lau rửa tay chân.

Sau khi độ xong món cơm sữa Ghana do nàng Sujātā dâng cúng, Bồ tát cầm lên cái bát bằng vàng và phát nguyện rằng: “ Nếu Ta thành Phật trong ngày hôm nay thì hãy cho cái bát bằng vàng này trôi ngược dòng nước; nếu Ta không thành Phật ngày hôm nay thì cái bát này hãy trôi xuôi dòng nước.” Rồi Ngài quăng cái bát ra giữa dòng sông Nerañjarā, cái bát bằng vàng kia cắt ngang dòng nước đi vào giữa con sông, rồi trôi ngược dòng với tốc độ của một con ngựa đang phi nhanh, xa khoảng tám mươi hắc tay, rồi chìm xuống trong một luồng nước xoáy. Khi chìm xuống đến cung điện của chúa Rồng – Kala, nó chạm vào ba cái bát vàng của ba vị Phật quá khứ – Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana và Đức Phật Kassapa, vào ngày các Ngài sắp thành Phật, tạo ra tiếng “leng keng” và rồi nằm dưới ba cái bát vàng trên.

Khi nghe tiếng leng keng, chúa Rồng bèn nói rằng “ Chỉ mới hôm qua có một vị Phật xuất hiện, hôm nay thêm một vị Phật khác xuất hiện.” Rồi vị ấy ngâm lên những bài kệ tán dương. (Thời gian xuất hiện giữa Đức Phật Kassapa và Đức Phật của chúng ta dài bằng một kiếp trái đất. Nhưng đối với chúa Rồng thì thời gian ngắn ngủi đến độ vị này nói sự xuất hiện như ‘hôm qua và hôm nay’).

Rồi Bồ tát vào nghỉ trong rừng cây sala, trên bờ sông Nerañjarā, nơi có nhiều loại hoa thơm, cây cối xanh tươi và dễ mến. Rồi Ngài thực hành pháp niệm Ānapana. Sau khi chứng đắc bát định và ngũ thông (abhiññā), Ngài đi dọc theo con đường đã được chư thiên và Phạm thiên trang hoàng xinh đẹp buổi chiều tối. Sau khi xuống con sông Nerañjarā và tắm nơi đó, Ngài hướng đến cây đại bồ- đề bằng con đường do chư thiên và Phạm thiên mở ra. Nhân đó, các vị rồng (naga), dạ-xoa (yakkha) và càn-thát-bà (gandhabba) tôn kính cúng dường Ngài bằng các loại hương liệu và hoa thơm của chư thiên. Họ cũng trỗi lên những khúc ca và tiếng nhạc đầy hân hoan và khả ái. Khi ấy toàn thể mười ngàn thế giới hầu như được phủ đầy hương liệu và hoa của chư thiên, không trung vang dội tiếng tung hô của chư thiên và Phạm thiên.

Lúc bấy giờ, một người cắt cỏ thuộc dòng Bà-la-môn tên là Sotthiya, đang đi đến từ hướng đối diện mang theo những bó cỏ. Hiểu được ước muốn của Bồ tát là cần đến một ít cỏ, ông ta dâng đến Ngài tám nắm cỏ. Bồ tát mang tám nắm cỏ ấy đi lên chỗ đất cao của cây bồ- đề, đứng ở phía nam của cây, mặt nhìn về phía bắc. Ngay khi ấy, phần phía nam của mười ngàn thế giới bỗng nhiên chìm xuống như thấu đến địa ngục A-tỳ (Mahā Avici); và phần phía bắc của mười ngàn thế giới thì nổi cao lên như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga). Trông thấy hiện tượng này, Bồ tát suy xét như vầy: “ Đây không phải là nơi mà A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) có thể được giác ngộ.” Rồi Ngài tiếp tục đi quanh cây bồ-đề theo chiều kim đồng hồ và dừng lại ở hướng Tây, mặt nhìn về hướng đông. Ngay khi ấy, phần phía tây của mười ngàn thế giới cũng chìm xuống như thấu đến địa ngục A-tỳ (mahā avici); và phần phía đông thì trồi lên cao như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga), Bồ tát lại suy nghĩ: “ Đây cũng không phải là chỗ mà A- la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta- ñāṇa) có thể được giác ngộ”. Rồi Ngài đi vòng tiếp đến hướng bắc và mặt nhìn về hướng nam. Ngay khi ấy, phần phía bắc của mười ngàn thế giới chìm xuống như thấu đến cõi A-tỳ địa ngục (mahā avici); và phần phía nam thì trồi cao lên như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga). (Vị trí của đại địa ở những chỗ tại hướng nam , hướng  tây và hướng bắc, nơi Bồ tát đã đứng, nó chìm xuống ở phía sau lưng Ngài và trồi lên ở trước mặt Ngài – giống như bánh xe bò nằm ngang trên đất, nó chao đảo hoặc chông chênh khi có người đạp lên ở mép vành). Trông thấy hiện tượng này, Bồ tát lại suy nghĩ: “Chỗ này cũng không phải là nơi mà A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) có thể được chứng đắc.” Rồi Ngài lại đi vòng tiếp về hướng đông và mặt nhìn về hướng tây.

(Về vấn đề này, bộ Chú giải Buddhavaṃsa chỉ nêu ra điều này: “ Bồ tát đi tiếp đến cây bồ đề, và sau khi đi quanh ba vòng, đứng tại góc đông bắc và rải tám nắm cỏ.” Bộ Chú giải không đề cập vấn đề đại địa nghiêng một bên khi Ngài đứng ở hướng nam, hướng tây và hướng bắc. Tuy nhiên, bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì giải thích rằng: “ Khi Bồ tát đứng ở hướng nam, hướng tây và hướng bắc thì đại địa rung chuyển như giọt nước rơi xuống ngọn lá sen” và đứng ở góc đông bắc, Ngài rải xuống nắm cỏ.”)

Vị trí mà vô địch bảo tọa (aparājita) xuất hiện ở hướng đông của cây bồ đề thì vững chắc không chao động  (avijahitaṭṭhāna), nơi mà các bảo tọa của chư Phật quá khứ đã xuất hiện. Khi biết rằng: “ Nơi đây chắc chắn là chỗ chiến thắng, là chỗ mà tất cả chư Phật đoạn trừ phiền não.” Và cầm ở đầu ngọn cỏ, Bồ tát rải ra tám nắm cỏ mà Ngài mang đến. Ngay khi tám nắm cỏ vừa được rải ra, chúng biến thành bảo tọa châu báu to lớn, kích thước mười bốn hắc tay, lộng lẫy đến nỗi không một họa sĩ hay nhà điêu khắc tài giỏi nào có thể vẽ hay chạm trổ lại y như thế.

Cây bồ-đề phía sau lưng, mặt nhìn về hướng đông và với tâm kiên quyết, Bồ tát công bố:

(1) Cho dù chỉ còn da,

(2) Cho dù chỉ còn gân,

(3) Cho dù chỉ còn xương,

(4) Cho dù toàn thân của ta, và tất cả thịt cùng máu đều khô cạn, nếu chưa chứng đắc Phật quả Ta sẽ không thay đổi thế ngồi kiết già này. Với tứ phần tinh tấn nguyện như vậy, Ngài ngồi trên bảo tọa châu báu trong thế ngồi kiết già bất khả chiến bại, dầu hằng trăm cái chùy sấm sét tấn công cùng một lúc.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app