CHƯƠNG 15. ĐỨC PHẬT VIẾNG THĂM KINH THÀNH RĀJAGAHA

Khi Đức Phật lưu lại Gayāsīsa trong thời gian dài đủ để tế độ cho một ngàn ẩn sĩ giúp họ chứng đắc arahatta-phala, Ngài lên đường đến Rājagaha với một ngàn vị tỳ khưu mà giờ đây là những bậc A-la- hán (arahat). Việc Đức Phật viếng thăm Rājagaha để đáp ứng lời thỉnh cầu của vua Bimbisāra (mà Ngài đã gặp trong thời gian mới xuất gia): “ Kính bạch Ngài, xin cho trẫm được nói lời thỉnh cầu? Khi Ngài đã thành Phật, xin hãy về tế độ cho xứ sở của trẫm trước tiên.” Trải qua một thời gian, cuối cùng Ngài đến tại khu rừng cây thốt nốt lớn gần Rājagaha, tại đó Ngài vào ngụ dưới cội cây đa Suppatittha có tán lá sum sê, rất mát mẻ, thường được mọi người đến cúng bái.

(Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ (vassa) đầu tiên tại Isipatana, Migadāya. Cuối mùa an cư, sau khi làm lễ tự tứ, Ngài đi đến khu rừng Uruvela. Khi ngụ ở nơi này đúng ba tháng, Ngài giáo hóa cho ba anh em ẩn sĩ và một ngàn đệ tử của họ cho đến khi họ chứng đắc arahatta-phala. Rồi vào ngày rằm tháng Phussa (tháng 12 – tháng 1), Đức Thế Tôn cùng với một ngàn vị arahat đi đến Rājagaha nơi đây Ngài lưu lại trong hai tháng). ( Theo Chú giải Jātaka và Chú giải Buddhavaṃsa).

Lúc bấy giờ vua Bimbisāra nghe người giữ vườn ngự uyển báo tin vui rằng Đức Phật đã đến tại Rājagaha: “Này các bạn, Đức Phật Gotama, vị thái tử của dòng Thích ca, người trước kia đã từ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi sống không nhà, nay đã đến kinh thành Rājagaha và đang ngồi dưới cội cây đa Suppatittha trong rừng cây thốt nốt.

Danh tiếng của Đức Phật lan rộng thấu đến cõi Hữu đảnh thiên (bhavagga) như vầy: Đức Thế Tôn có chín ân đức, bắt đầu bằng ân đức của bậc A-la-hán (arahaṁ) và cuối cùng có sáu đại oai đức (bhagavā); Ngài đã công bố khắp thế gian của loài hữu tình với chư thiên và Phạm thiên về Pháp mà Ngài đã tự mình giác ngộ (abhiññā).

Đức Phật Gotama thuyết giảng Pháp toàn thiện ở phần đầu, toàn thiện ở phần giữa và toàn thiện ở phần cuối, tròn đủ văn và nghĩa. Ngài chỉ dạy cho chư thiên và nhân loại pháp hành cao quý sīla, samādhi và paññā toàn hảo và thanh tịnh, thoát khỏi những ô nhiễm của các ác nghiệp. Nếu được yết kiến những bậc Toàn giác đáng tôn kính như vậy, lợi ích sẽ vô cùng to lớn.”

Vua Bimbisāra đi đến Đức Thế Tôn cùng với sự tháp tùng bởi một trăm hai mươi ngàn gia chủ Bà-la-môn của xứ Magadha, và sau khi đảnh lễ Ngài, ngồi xuống ở nơi phải lẽ, thoát khỏi sáu khuyết điểm

– không quá xa, không quá gần, không ở ngay trước mặt, không ở sau lưng, không ở chỗ cao và không ở dưới hướng gió. Trong số một trăm hai chục ngàn vị gia chủ theo hầu đức vua :

(1)    Một số đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở chỗ tránh khỏi sáu khuyết điểm.

(2)    Một số chào hỏi Ngài, chuyện trò lịch sự với Ngài và ngồi xuống nơi tránh khỏi sáu khuyết điểm (hai loại Bà-la-môn này thuộc nhóm có chánh kiến).

(3)     Một số chấp tay hướng về Đức Thế Tôn và ngồi xuống ở chỗ không khuyết điểm. (Số này ngồi trên hàng rào, họ thuộc nhóm trung lập, họ không nghiêng về phe chánh kiến, cũng không nghiêng về phe tà kiến. Quan điểm của họ là (a) Nếu phe tà kiến nói chúng ta đảnh lễ Sa-môn Gotama, thời chúng ta sẽ nói rằng: “ Chỉ chấp tay thôi làm sao có thể được xem là hành động đảnh lễ được?” và (b) Nếu phe chánh kiến tìm lỗi chúng ta mà nói rằng: “ Tại sao quý vị không đảnh lễ Đức Thế Tôn?” chúng ta sẽ đáp lại rằng: “ Thế nào? Phải chăng chỉ khi nào đầu chạm đất mới được xem là đảnh lễ? Thực ra, chỉ cần chấp tay thôi cũng có thể được xem là hành động đảnh lễ trang nghiêm rồi.” Với quan điểm trung lập này, họ ngồi riêng theo một nhóm).

(4)    Một số xưng tên trước mặt Đức Thế Tôn: “ Chào bạn Gotama, tôi là Datta, con trai của … Tôi là Mitta, con trai của …và ngồi xuống ở chỗ không khuyết điểm. Một số xưng họ của mình trước mặt Đức Thế Tôn: “ Chào bạn Gotama, tôi thuộc dòng Vasettha; tôi thuộc dòng họ Kaccāya…” và ngồi xuống ở chỗ không khuyết điểm (những vị Bà-la- môn này và những người nghèo và tầm thường. Qua cách xưng tên và dòng tộc của họ giữa hội chúng, họ hy vọng rằng họ sẽ được mọi người biết đến và nhận ra).

(5)    Một số Bà-la-môn giàu có chỉ ngồi xuống mà không nói lời nào. Những vị Ba-la-môn này là những kẻ xảo quyệt và cứng đầu. Họ nghĩ rằng: “ Một hoặc hai lời nói với họ sẽ dẫn đến sự thân thiện. Khi một người trở nên thân thiện rồi mà không đãi họ ăn một hoặc hai lần thì không khôn ngoan.” Do sợ sự thân thiện và sợ phải đãi ăn, họ đã ngồi im lặng. Chỉ vì họ ngu dốt, si mê như vậy, mà họ ngồi trơ ra như những nắm đất to nằm trên mặt đất.

Hoài nghi của các vị Bà la môn

Khi đã ngồi yên như thế, một trăm hai chục ngàn vị Bà-la-môn khởi tâm ngờ vực và tự hỏi: “ Phải chăng vị Đại Sa-môn hướng dẫn đời sống phạm hạnh cho đại giáo chủ Uruvela-Kassapa hay giáo chủ Uruvela-Kassapa hướng dẫn đời sống phạm hạnh cho Đại Sa-môn?” Biết được ý nghĩ trong tâm của các Bà-la-môn, Đức Phật hỏi đại đức Uruvela-Kassapa qua câu kệ sau đây:

Ki meva disvā Uruvelavāsi

pahāsi aggiṁ kisakovadāno

pucchāmi taṁ Kassapa etamathaṁ

kathaṁ pahīnaṁ tava aggihuttaṁ.

Này con Kassapa, kẻ ngụ ở khu rừng Uruvela, bản thân là một đại giáo chủ thường chỉ dạy cho những ẩn sĩ gầy guộc (vì họ tu theo pháp khổ hạnh). Con đã tìm thấy điểm sai nào mà từ bỏ sự thờ cúng lửa? Ta hỏi con, này Kasapa, điều gì khiến con từ bỏ sự thờ cúng lửa?

Đại đức Kassapa đáp lại Đức Phật bằng câu kệ sau đây:

Rūpe ca sadde ca atho rase ca

kāmi’itthiyo cābhivadanti yaññā,

etaṁ malantī upadhīsu ñatvā

tasmā na yiṭṭhe na hute aranjiṁ.

Bạch Đức Thế Tôn, tương truyền (từ các thầy tế lễ) rằng qua sự hiến tế người ta có thể thọ hưởng năm loại dục lạc, đó là: sắc, thinh, hương, vị, và xúc, cũng như đàn bà – đặc biệt hạng đàn bà giống như con cọp vồ mồi bằng móng vuốt nhục dục của nó. Do thấy và biết rõ rằng các dục lạc và đàn bà chỉ là những cấu uế của năm uẩn, con không còn ưa thích cúng hiến các tế vật. Con không còn ưa thích pháp hành thờ cúng lửa mỗi ngày.

Đức Phật lại hỏi vị ấy bằng kệ ngôn:

Etth’eva te mano na ramittha (Kassāpāti Bhagavā)

rūpesu saddesu atho rasesu

atho ko carahi devamanussaloke

rato mano Kassapa bruhi metaṁ.

Này con Kassapa, nếu tâm của con không vui thích trong năm dục lạc là sắc, thinh, hương, vị, xúc và đàn bà, vậy con thích loại cảnh nào trong thế giới chư thiên và nhân loại. Hãy trả lời Ta, này Kassapa.

Đại đức Uruvela Kassapa đáp lại bằng kệ ngôn:

Disvā padaṁ santamanūpadhīkaṁ

akincanaṁ kāmabhave asattaṁ

anannathābhāvimanannaneyyaṁ

tasmā na yitthe na hute arinjiṁ.

Bạch Thế Tôn, vì con đã thấy rõ Niết bàn, là pháp tịch tịnh, thoát khỏi bốn sanh y (upadhi)*, người khác không thể biết (chỉ tự mình chứng ngộ bằng thánh đạo), pháp ấy không chịu sự thay đổi (vì đã thoát khỏi sanh, già và chết), và vĩnh viễn thoát khỏi sự luyến ái đối với kiếp sống. Con không còn ưa thích sự cúng hiến tế, con không còn ưa thích pháp hành thờ cúng lửa mỗi ngày.

*(Sanh y – upadhi : vợ và con, gia cầm và gia súc, vàng và bạc)

Sau khi đưa ra câu trả lời, để công bố rằng chính vị ấy là đệ tử của Đức Phật, đại đức Kassapa đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đắp y vai trái, phủ phục dưới chân Đức Phật và nói rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là đạo sư của con; con chỉ là đệ tử của Thế Tôn.” Rồi vị ấy bay lên hư không, đầu tiên bay cao một cây thốt nốt. Sau khi hạ xuống từ không trung, vị ấy đảnh lễ Đức Phật. Lần thứ hai, vị ấy bay cao hai cây thốt nốt rồi hạ xuống làm lễ Đức Phật; cứ lần lượt như thế, vị ấy ba cao ba cây thốt nốt, rồi đến bốn cây thốt nốt, năm cây thốt nốt, sáu cây thốt nốt và cuối cùng là bảy cây thốt nốt. Sau khi hạ xuống từ không trung, đại đức Uruvela-Kassapa đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở chỗ phải lẽ, tránh khỏi sáu khuyết điểm.

Sau khi chứng kiến những phép kỳ diệu này, toàn thể hội chúng Bà-la-môn đồng thanh nói lời tán dương các ân đức của Phật: “ Ôi, Đức Phật đầy oai lực biết bao! Ngay cả ẩn sĩ, giáo chủ Uruvela- Kassapa, bậc có tà kiến rất mạnh mẽ và kiên cố, và tự cho mình là bậc A-la-hán, thế mà đã được Đức Phật nhiếp hóa bằng cách đoạn diệt lưới tà kiến của vị ấy.”

Nghe qua những lời tán dương của các vị Bà-la-môn, Đức Phật bèn nói với họ: “ Này các vị Bà-la-môn, việc nhiếp hóa Uruvela- Kassapa khi Ta đã thành đạt Nhất thiết chủng trí (sabbaññuta-ñāṇa) rồi quả thật chẳng kỳ diệu lắm. Trong kiếp quá khứ khi còn là vị Bồ tát chưa thoát khỏi phiền não, sanh làm vị Ba-la-môn tên là Nārada, Như lai đã đoạn diệt mạng lưới tà kiến của vua Aṅgati, là tiền thân của Uruvela-Kassapa hiện nay. Theo lời thỉnh cầu của thính chúng Bà-la- môn, Đức Phật bèn kể lại câu chuyện về Mahānārada-Kassapa.

Qua việc đại đức Uruvela-Kassapa nhận là đệ tử của Đức Phật, một trăm hai mươi ngàn vị Bà-la-môn cuối cùng đã tin rằng: “ Chính đại giáo chủ Uruvela-Kassapa là đệ tử, sống đời phạm hạnh theo Đức Phật.” Khi Đức Phật bằng tha tâm thông (cetopariya-abhiñña) biết rằng tâm của họ đã hết hoài nghi, Ngài bèn giảng dạy cho thính chúng do vua Bimbisāra dẫn đầu, về tuần tự pháp dẫn đến sự chứng đắc Đạo Quả (magga-phala): (1) Bố thí thoại (dāna-kathā), (2) Trì giới thoại (sīla-kathā), (3) Sanh thiên thuyết (sagga-kathā) và (4) Đạo thuyết (magga-kathā) và Nibbāna, cũng như Dục trần tội quá thuyết (Kāmānaṃ-adīnava-kathā) và Xuất gia công đức thuyết (Nekkhamma- ānisaṅsa-kathā). Sau đó, khi Đức Phật nhận biết rằng tâm của vua Bimbisāra và một trăm hai mươi ngàn gia chủ Bà-la-môn đã kiên cố và điềm tĩnh, nhu nhuyến và dễ dạy, thoát khỏi triền cái, có nhiệt tâm, hân hoan, thanh tịnh và trong sáng, Ngài bèn thuyết pháp Tứ diệu đế mà Ngài đã giác ngộ. Và một trăm mười ngàn gia chủ Bà-la-môn do vua Bimbisāra dẫn đầu được an trú trong quả thánh Dự lưu (sotāpatti- phala), mười ngàn Bà-la-môn còn lại trở thành những cận sự nam an trú trong Tam quy.

Năm ước nguyện của vua Bimbisāra

Vua Bimbisāra của nước Magadha, giờ đây đã trở thành bậc thánh Dự lưu (sotāpatti-phala), bạch với Đức Phật như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, trước kia khi là vị thái tử trẻ, con đã có năm điều ước. Giờ đây năm điều ước ấy đã được thành tựu.”

“Bạch Đức Thế Tôn, khi con là vị hoàng tử nhỏ, con đã ước rằng dân chúng của nước Magadha sẽ tôn phong con lên ngôi vua. Bạch Đức Thế Tôn, đây là điều ước thứ nhất của con và giờ đây điều ước này đã được thành tựu.”

“Bạch Đức Thế Tôn, khi con là vị hoàng tử nhỏ, con đã ước rằng: ‘Ước rằng Đức Phật sẽ đến vương quốc này khi ta đã lên ngôi vua.’ Bạch Đức Thế Tôn, đây là điều ước thứ hai của con và giờ đây điều ước này đã trở thành hiện thực.”

“Bạch Đức Thế Tôn, khi con là vị hoàng tử nhỏ, con đã ước rằng: ‘ Ước rằng ta sẽ được đảnh lễ và tôn kính Đức Phật khi Ngài đến viếng vương quốc của ta.’ Bạch Đức Thế Tôn, đây là điều ước thứ ba của con và giờ đây điều ước này cũng đã thành hiện thực.”

“Bạch Đức Thế Tôn, khi con là vị hoàng tử nhỏ, con đã ước rằng: ‘ Ước rằng khi Đức Phật đến viếng vương quốc của ta, Ngài sẽ thuyết đến ta về Pháp dẫn đến Niết bàn.’ Bạch Đức Thế Tôn, đây là điều ước thứ tư của con và giờ đây điều ước này cũng thành hiện thực.”

“Bạch Đức Thế Tôn, khi con là vị hoàng tử nhỏ, con đã ước rằng: ‘Ước rằng ta có thể hiểu thông suốt Pháp do Đức Phật thuyết giảng.’ Đây là điều ước thứ năm của con và giờ đây điều ước này cũng được thành tựu.”

Bạch Thế Tôn! Quả thật rất kỳ diệu! Bạch Thế Tôn! Quả thật rất kỳ diệu ! Giống như một người dựng lại một vật bị úp ngược, như người cầm cây đèn trong đêm tối để cho những ai có mắt có thể nhìn thấy mọi vật. Dường thế ấy, Thế Tôn đã khai mở giáo pháp cho con bằng nhiều cách. Bạch Thế Tôn! Con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nhận con là cận sự nam đã quy y Tam bảo từ nay cho đến trọn đời. Bạch Thế Tôn ! Để con được gieo tạo thêm công đức, cầu xin Thế Tôn bi mẫn đến thọ thực tại cung điện của con vào ngày mai cùng với chúng tỳ khưu.” Khi được thỉnh mời như vậy, Đức Phật nhận lời bằng cách làm thinh.

Khi biết rõ Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu của mình, vua Bimbisāra đứng dậy khỏi chỗ ngồi, làm lễ Đức Phật và nhiễu quanh Ngài ba vòng để tỏ sự tôn kính, và trở về cung điện.

Chú Thích: CÁC LOẠI QUY Y

(1) Phàm quy y (Lokiya saraṇagamana): việc quy y của hạng phàm phu (puthujjana) bằng cách quán niệm các ân đức của Phật, Pháp và Tăng –Tam bảo. Sự quy y này không bền vững, vô thường, dễ bị hoại.

(2) Thánh quy y (Lokuttara saraṇagamana): việc quy y của các bậc Thánh được thành tựu ngay vào lúc chứng đắc Đạo, Quả và Niết bàn.

(1) Sự quy y Nhị bảo (Dvevācika saraṇagamana): Giống như sự quy y của Tapussa và Bhallika bằng cách đọc lên hai câu: Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi vào thời gian chưa có Tăng đoàn.

(2) Quy y Tam bảo (Tevācika saraṇagamana): giống như sự quy y của cha mẹ, vợ của Yassa và những người khác, bằng cách đọc lên đầy đủ ba câu: Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi, Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

Bốn cách quy y Tam bảo

(1) Quy y bằng cách giao phó thân mạng – Atta sanniyyātana saraṇagamana: Ajja adiṁ katvā ahaṁ attanaṁ Buddhassa niyyātemi – Để thoát khỏi vòng luân hồi, con xin giao phó thân mạng của con đến Đức Phật, đức Pháp, và đức Tăng và xin quy y Tam bảo kể từ ngày hôm nay.

(2) Chỉ quy y Tam Bảo – Tapparayāna saraṇagamana: Ajja adiṁ katvā ahaṁ, Buddhassa parayāno…Dhammassa parayāno…Saṅghassa parayāno – Kể từ hôm nay, con chỉ quy y Phật Bảo, quy y Pháp bảo, và quy y Tăng bảo.

(3) Quy y bằng cách tự nhận mình là đệ tử – Sissabhavupa gamaṇa saraṇagamana: Ajja adiṁ katvā ahaṁ Buddhassa antevāsiko… Dhammassa antevāsiko… Saṅghassa antevāsiko – Kể từ hôm nay, con là đệ tử của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.

(4) Quy y bằng hành động tôn kính – Paṇipāta saraṇagamana: Ajja adiṁ katvā ahaṁ, Buddhassa Abhivadanaṁ paccuppaṭṭhanaṁ añjaḷī kammaṁ sāmīcikammaṁ karomi… Dhammassa… Saṅg- hassa…karomi – Kể từ hôm nay, xin hãy bi mẫn xem con là người hằng đảnh lễ, đứng dậy tiếp rước và tôn kính Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.

Đức Phật đi vào thành Rājagaha để thọ thực

Sau khi đêm đã mãn và ngày lại đến, khi đã chuẩn bị sẵn các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vua Bimbisāra sai các sứ giả đi báo tin với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ thọ thực. Vật thực đã sẵn sàng.”

Sakka đi xuống để sắp xếp cho đám đông khổng lồ

Khi gần đến giờ Đức Phật đi vào thành Rājagaha để thọ thực, dân chúng của thành Rājagaha, những người đã thấy và những người chưa thấy Đức Phật, số lượng lên đến một trăm tám chục triệu người, đã rời khỏi thành phố lúc trời mới tờ mờ sáng. Với mong ước được gặp Đức Phật, họ đi thành từng nhóm đến rừng cây thốt nốt. Con đường đến đó dài ba gāvuta, đầy người và người. Toàn thể rừng cây thốt nốt cũng đông nghẹt người đến nỗi không còn một chỗ trống. Dân chúng cảm thấy không chán khi nhìn ngắm Đức Phật với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ và hào quang sáu màu tỏa ra từ thân của Ngài.

Toàn thể khu rừng thốt nốt và khắp cả con đường trải dài ba gāvuta đã dày đặc người đến nỗi một vị tỳ khưu cũng khó có thể tìm thấy lối ra khỏi khu rừng, dường như Đức Phật sẽ phải từ bỏ chuyến đi thọ thực của Ngài. Lúc bấy giờ, tảng đá có trang sức màu da cam (paṇḍukambala) dùng làm chỗ ngồi của Đế Thích trở nên nóng. Khi suy xét duyên cớ, Đế Thích thấy rõ hoàn cảnh khó xử đang diễn ra tại rừng cây thốt nốt. Sau khi hóa thành một chàng thanh niên tuấn tú, Đế Thích lập tức xuất hiện trước mắt Đức Phật và ngâm lên những bài tán dương Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Bằng năng lực thần thông của mình, Đế Thích tạo ra một lối đi dành cho chúng tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu, còn chính vị ấy thì đi trước mở lối và công bố tin Đức Phật đi vào kinh thành bằng những câu kệ sau đây:

Danto dantehi saha purāṇa jatilehi

vippamutto vippamuttehi

singīnikkha-savaṇṇo

Rājagahaṃ pāvisi Bhagavā.

Hỡi dân chúng! Đức Phật, bậc có nước da màu vàng như vàng ròng siṅgī tuyệt hảo; theo lời thỉnh cầu của vua nước Magadha, Ngài di chuyển như mặt trời và mặt trăng, đi vào kinh thành Rajagaha cùng với một ngàn vị A-la-hán, trước kia là những ẩn sĩ đã được Đức Phật giải thoát ra khỏi cạm bẫy của Ma vương gồm một ngàn năm trăm phiền não. Ngài đã giải thoát họ bằng cách chỉ cho họ con đường ra khỏi cạm bẫy của Ma vương. Đức Phật, bậc Ngưu vương, đã tự mình thoát khỏi ba hữu – tibhava: (dục hữu – kāma bhava, sắc hữu – rūpabhava và vô sắc hữu – arūpabhava ) và ba luân hồi – tivaṭṭa (phiền não luân hồi – kilesa vaṭṭa , nghiệp luân hồi – kamma vaṭṭa và quả luân hồi – vipāka vaṭṭa), Ngài đã giải thoát họ ra khỏi ba hữu và ba luân hồi bằng cách thuyết giảng Diệu pháp mà Ngài đã tự mình chứng ngộ.

Mutto muttehi saha purāṇa-jatilehi

vippamutto vippamuttehi

siṅgīnikkha-savaṇṇo

Rājagahaṁ pāvisi Bhagavā.

Hỡi dân chúng! Đức Phật, bậc có nước da màu vàng như vàng ròng siṅgī tuyệt hảo, theo lời thỉnh cầu của vua Magadha, Ngài di chuyển như mặt trời và mặt trăng đi vào thành Rājagaha cùng với một ngàn vị A-la-hán, trước kia là những ẩn sĩ đã được Đức Phật giải thoát ra khỏi cạm bẫy của Ma vương gồm một ngàn năm trăm phiền não. Ngài đã giải thoát họ bằng cách chỉ cho họ con đường ra khỏi cạm bẫy của Ma vương. Đức Phật, bậc Ngưu vương, đã tự mình thoát khỏi ba hữu và ba luân hồi, Ngài đã giải thoát họ ra khỏi ba hữu và ba luân hồi bằng cách thuyết giảng Diệu pháp mà Ngài đã tự mình chứng ngộ.

Tiṇṇo tiṇṇehi saha pūraṇa-jatilehi

vippamutto vippamuttehi

siṅgīnikkha-savanno

Rājagahaṃ pāvisi Bhagavā.

Hỡi dân chúng ! Đức Phật, bậc có nước da màu vàng như vàng ròng siṅgī tuyệt hảo, theo lời thỉnh cầu của vua nước Magadha, Ngài di chuyển như mặt trời và mặt trăng, đã đi vào kinh thành Rājagaha cùng với một ngàn vị A-la-hán mà trước kia là những ẩn sĩ đã được Đức Phật, sau khi Ngài tự mình vượt qua bốn bộc lưu và đến bờ bên kia, đưa các vị A-la-hán vượt qua bốn bộc lưu đến bờ bên kia bằng cách cho họ chiếc thuyền Bát Chánh đạo quý báu. Đức Phật, bậc Ngưu vương, đã tự mình thoát khỏi ba hữu và ba luân hồi. Ngài giải thoát họ ra khỏi ba hữu và ba luân hồi bằng cách thuyết giảng Diệu pháp mà Ngài đã tự mình chứng ngộ.

Santo santehi saha purāṇa-jatilehi

vippamutto vippamuttehi

siṅgīnikkha-savanno

Rājagahaṃ pāvisi Bhagavā.

Hỡi dân chúng ! Đức Phật, Bậc có nước da màu vàng giống như vàng ròng siṅgī tuyệt hảo, theo lời thỉnh cầu của vua nước Magadha, Ngài di chuyển như mặt trời và mặt trăng đã đi vào kinh thành Rājagaha cùng với một ngàn vị A-la-hán mà trước kia là những ẩn sĩ đã được Đức Phật tiếp độ, sau khi Ngài tự mình làm vắng lặng, dập tắt các ngọn lửa phiền não, đã giúp các vị A-la-hán dập tắt các ngọn lửa phiền não bằng cách cho họ dòng nước mát bất tử. Đức Phật, bậc Ngưu vương, đã tự mình thoát khỏi ba hữu và ba luân hồi, Ngài giải thoát họ ra khỏi ba hữu và ba luân hồi bằng cách thuyết giảng Diệu pháp mà Ngài đã tự mình chứng ngộ.

Dasavāso dasabalo dasadhammavidū

dasabhi cupato.

so dasasatapa-rivāro

Rājagahaṃ pāvisi Bhagavā.

Hỡi dân chúng! Đức Phật, Bậc có mười oai nghi của bậc thánh; mười loại sức mạnh của thân và mười loại sức mạnh về trí tuệ, Bậc biết rõ mười cách thành tựu các nghiệp (kammapatha), Bậc có mười đức tánh của bậc A-la-hán (asekha), theo lời thỉnh cầu của vua nước Madadha; Ngài di chuyển như mặt trời và mặt trăng đi vào kinh thành Rājagaha cùng với một ngàn vị A-la-hán mà trước kia là những ẩn sĩ.

Trong lúc đang ngâm nga những bài kệ tán dương Đức Phật, Sakka đi trước mở đường cho chúng tỳ khưu do Đức Phật dẫn đầu; vị ấy vừa đi vừa công bố báo tin Đức Phật và chúng tỳ khưu đang đi đến.

Dân chúng thành Rājagaha khi trông thấy Sakka trong tướng mạo của một chàng thanh niên, bèn bàn tán với nhau rằng: “ Này các bạn, chàng trai trẻ này hết sức xinh đẹp; chàng trai trẻ này trông rất tuấn tú; chàng trai trẻ này khiến người khác phải ngưỡng mộ, kính nể”, và họ tự hỏi : “ không biết chàng trai này là thị giả của ai.” Nghe qua những lời nhận xét của họ về mình, Sakka đáp lại bằng câu kệ sau đây:

Yo dhiro sabbadhi danto

suddho appaṭipuggalo

Arahaṃ Sugato loke

tassāhaṃ paricārako.

Hỡi dân chúng ! Trong tướng mạo của chàng trai, tôi chỉ là người hầu và hộ độ của bậc có ân đức kỳ diệu; Ngài là bậc đại trí tuệ toàn tri trong thế gian này, Bậc đã tự mình nhiếp phục sáu căn cho nên Ngài có thể thoát khỏi tất cả ác nghiệp. Bậc đã hoàn toàn thanh tịnh, hết sạch một ngàn năm trăm phiền não. Bậc Vô thượng tôn trong khắp tam giới. Bậc xứng đáng nhất để nhân loại, chư thiên và Phạm thiên tôn kính cúng dường. Bậc chỉ nói hai loại thiện ngôn dầu người ta có ưa thích hay không ưa thích, đó là lời nói có lợi ích, dẫn dắt người ta đi đến Đạo Quả và lời nói chân thật không hề thay đổi.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app