CHƯƠNG 3. SỰ TRÔNG THẤY BỐN ĐIỀM TƯỚNG

Bồ tát đến vườn ngự uyển

Như vậy, Thái tử Bồ tát Siddhattha đã lên ngôi vua trị vì vương quốc Kapilavatthu vào năm mười sáu tuổi. Năm hai mươi chín tuổi, sau khi thọ hưởng sự xa hoa và tiện nghi của vị Chuyển luân vương, được hầu hạ bởi bốn chục ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Yasodharā. Một hôm nọ, Ngài bỗng khởi lên ước muốn được ngoạn cảnh vườn thượng uyển. Thế nên, Thái tử cho gọi người đánh xe đến và truyền lịnh: “ Này xa phu, hãy chuẩn bị xe! Ta sẽ viếng vườn thượng uyển.” “Thưa vâng,” người xa phu đáp lại và đi sửa soạn chiếc long xa thù thắng thích hợp với những nhân vật cao quý; được trang trí bằng những vật trang sức và được kéo bởi bốn con tuấn mã thuần trắng như trăng tròn hay như hoa sen kumuda và phi nhanh như gió hoặc như Kim-xí-điểu (garuda), chúa của các loài chim. Khi được xa phu cho biết rằng xe đã được chuẩn bị sẵn sàng, Thái tử bước lên chiếc xe lộng lẫy như cung điện của chư thiên và đi đến vườn thượng uyển trong đám diễu hành rất rầm rộ.

(1)    Điềm báo một người già

Khi Thái tử Bồ tát đi được một khoảng xa trên đường đến vườn thượng uyển, chư thiên bàn bạc với nhau: “ Thời gian để Thái tử Siddhatta thành Phật đang đến gần. Chúng ta hãy cho Thái tử nhìn thấy các điềm tướng để khiến vị ấy từ bỏ thế gian và trở thành Sa- môn.” Họ yêu cầu một vị thiên hóa hình một người già, tóc bạc, răng rụng, lưng khòm và đang run rẫy chống gậy bước đi. Hình ảnh một người già được chư thiên tạo ra không ai có thể thấy ngoại trừ Thái tử và người đánh xe.

Khi nhìn thấy ông lão, Thái tử hỏi xa phu: “ Này xa phu, tóc của người đàn ông kia không giống những người khác; tóc của ông ta trắng hết. Thân của ông ta cũng không giống những người khác: không có răng, ít thịt, lưng khòm, lại đang run rẫy. Đó là người gì?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, ông ta được gọi là người già.”

Trước kia, Thái tử chưa bao giờ nghe tiếng ‘người già’, lại càng không bao giờ trông thấy người như vậy. Ngài lại hỏi xa phu: “ Ta chưa bao giờ trông thấy người như vậy: tóc bạc, không có răng, gầy và đang run rẫy với lưng khòm. Tại sao có người già như vậy ?” Xa phu đáp: “ Tâu bệ hạ, người không thể sống lâu hơn nữa thì được gọi là người già (người già là người chỉ còn sống thêm một thời gian ngắn).”

Khi ấy Ngài lại hỏi: “ Này xa phu, thế là thế nào? Phải chăng ta cũng bị già ? Phải chăng ta cũng không thể khắc phục được tuổi già?” Khi xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, tất cả chúng ta bao gồm cả bệ hạ cũng như thần đây đều phải già; không ai có thể tránh khỏi tuổi già.” Thái tử bèn nói: “ Này xa phu, nếu tất cả loài người, không ai có thể tránh khỏi tuổi già thì ta đây chắc chắn cũng vậy, hãy quay trở về, ta không muốn đến vườn thượng uyển và vui chơi ở đó nữa. Hãy quay lại ngay bây giờ, đánh xe thẳng về hoàng cung.” “ Thưa vâng, tâu bệ hạ.” Xa phu đáp lại và thay vì đi tiếp đến vườn thượng uyển, cho xe quay trở về hoàng cung.

Sự động tâm của Thái tử

Theo bản tánh của loài sư tử, khi bị trúng tên không tìm cách lấy ra cây tên, mà lao đến người thợ săn đã bắn cây tên và cũng là nguyên nhân đầu tiên tạo ra sự thương tích cho nó. Chư Phật cũng không tìm cách đoạn trừ kết quả, như cây tên, mà các Ngài dùng trí tuệ tìm kiếm nguyên nhân như con sư tử tìm kiếm người thợ săn thù địch đã bắn cây tên. Do đó, chư Phật được ví như những chúa tể sơn lâm. Vị xa phu chỉ giải thích bản chất già lão của thế gian theo khả năng hiểu biết của ông ta, nhưng Thái tử Bồ tát là người có chí nguyện thành Phật nên biết rõ bằng quán sát trí rằng sanh (jāti) là nguyên  nhân đầu tiên của quá trình già (jarā). Sau khi trở về hoàng cung, Thái tử suy xét bằng kinh cảm trí (saṁvega). “ Ôi, sự sanh quả thật đáng ghét. Sự sanh rõ ràng đối với ai, thì sự già cũng hiển nhiên đối với người đó.” Sau khi suy xét như vậy, Ngài trở nên buồn bã chán chường.

Vua Suddhodāna tăng cường thêm lính canh

Vua Suddhodāna cho gọi xa phu đến và hỏi: “ Này xa phu, tại sao con trai của ta lại vội vã trở về mà không đi tiếp đến vườn thượng uyển?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, Thái tử nhìn thấy một người già nên vị ấy mới vội vã quay về.” Vua Suddhodāna trầm ngâm suy nghĩ: “ Con trai của ta nên lên ngôi trị vì vương quốc này. Nó không được từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn. Sự tiên tri của các vị Bà-la-môn rằng thái tử sẽ xuất gia và trở thành Sa-môn phải được chứng minh là sai. Này hỡi các triều thần, tại sao các ngươi phá hoại những kế hoạch của ta! Hãy nhanh chóng sắp xếp các cung hầu nhiều hơn trước; rồi hãy tăng thêm nữ hầu và vũ nữ vây quanh thái tử, khi thái tử thọ hưởng ngũ dục sẽ không còn nghĩ đến việc trở thành Sa-môn.” Khi  nói vậy, đức vua truyền lịnh cho tăng cường thêm lính canh ở mỗi chốt canh, mỗi chốt canh cách nhau nửa do tuần, trong cả bốn hướng.

(Khi Thái tử đến vườn thượng uyển để vui chơi, Ngài được tháp tùng bởi những đội quân đông nửa do tuần; khi chiếc xe đi đến chỗ mà nó được định trước thì tất cả lính hầu bị rớt lại phía sau, các vị Phạm thiên A-la-hán của cõi Ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa) bằng năng lực thần thông đã hóa hình một người già ở ngay trước chiếc xe để Thái tử và xa phu trông thấy. Các vị Phạm thiên A-la-hán của cõi Suddhāvāsa suy xét: “ Thái tử Bồ tát giờ đây đang bị đắm chìm trong vũng lầy ngũ dục như con voi chúa bị sa lầy. Chúng ta nên giúp vị ấy lấy lại chánh niệm”, và họ đã cho Thái tử trông thấy một người già. Những điềm tướng khác mà sẽ xuất hiện sau đó cũng nên được hiểu theo cách như thế. Bài mô tả này được trích dẫn từ Chú giải của bài kinh Mahāpadāna).

(2)   Điềm báo một người bệnh

Bị vây hãm và mê đắm trong năm loại dục lạc mà đức vua Suddhodana, phụ vương của Thái tử đã cung cấp nhiều hơn trước, ngõ hầu ngăn cản việc Thái tử từ bỏ thế gian và xuất gia làm Sa-môn, Thái tử Siddhattha ngày đêm vui hưởng khoái lạc và xa hoa trong cung vàng điện ngọc. Cảm giác chán chường về sự sanh và sự già dần dần nguôi ngoai.

Bốn tháng sống cuộc đời xa hoa như vậy trôi qua, Thái tử Bồ tát lại xuất cung đến vườn thượng uyển bằng xe ngựa như trước. Trên đường đi, thái tử trông thấy một người bịnh do chư thiên hóa hiện lần thứ hai, người đàn ông kia đang quằn quại đau đớn vì bịnh tật, và không thể ngồi dậy hoặc nằm xuống trừ khi có người khác phụ giúp. Ông ta đang nằm trên chiếc giường bịnh bị dính đầy những vật dơ của chính ông. Nhân đó, Thái tử hỏi xa phu: “ Này xa phu, đôi mắt của người đàn ông kia không giống như đôi mắt của những người khác, chúng yếu ớt và nhợt nhạt. Giọng nói của ông ta cũng không giống giọng nói của những người khác, ông liên tục kêu lên the thé khó chịu. Thân của ông ta cũng không giống như những người khác. Nó trông tiều tuỵ và kiệt quệ. Người như vậy gọi là gì ?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, ông ta được gọi là người bịnh.”

Vì Thái tử chưa bao giờ trông thấy hay nghe nói chữ ‘người bịnh’ nên Ngài lại hỏi xa phu rằng: “Này xa phu, ta chưa từng trông thấy một người nào như vậy, người mà muốn ngồi dậy, hay nằm xuống phải nhờ người khác phụ giúp; lại nằm lăn lộn trên những vật dơ của chính mình và mãi rên siết. Người bịnh có nghĩa là gì? Hãy giải thích về bản chất của người bịnh.” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, người bịnh là người không biết liệu mình có bình phục hay không.” Thái tử lại hỏi: “ Này xa phu, làm sao có thể như thế được ? Phải chăng ta cũng bị bịnh? Phải chăng ta cũng là người không thể tránh khỏi bệnh?” Khi xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, tất cả chúng ta bao gồm cả bệ hạ cũng như thần đây đều phải bị bịnh. Không ai có thể tránh khỏi tướng bịnh.” Thái tử bèn nói: “ Này xa phu, nếu tất cả mọi người ai ai cũng không thể tránh khỏi tướng bịnh thì ta đây chắc chắn bị bịnh. Không đến vườn thượng uyển và vui chơi nữa. Hãy quay xe lại, ngay tại chỗ này, nơi nhìn thấy người bịnh, và đưa ta quay về hoàng cung.” “Thưa vâng, tâu bệ hạ.” Xa phu đáp lại và thay vì cho xe đi tiếp đến vườn thượng uyển, đã quay xe trở về hoàng cung.

Sự động tâm của Bồ tát

Như đã nói ở trên, mặc dầu xa phu chỉ giải thích bản chất đau đớn, khó chịu và bức bách của bịnh trong thế gian (vyādhi), theo khả năng hiểu biết của vị ấy. Nhưng Thái tử, giống như vua của loài sư tử, Ngài là người có chí nguyện thành Phật nên qua sự quán xét biết rõ rằng sanh là nguyên nhân đầu tiên của bịnh và lão. Trở về hoàng cung, qua sự xúc động mạnh mẽ Ngài suy xét: “ Ôi, sự sanh quả thật đáng ghét ! Sự sanh rõ ràng đối với người nào, thì sự già và lão cũng hiển nhiên đối với người ấy.” Sau khi suy xét như vậy Ngài trở nên buồn bã và chán nãn.

Vua Suddhodāna tăng cường thêm lính canh

Vua Suddhodāna cho gọi xa phu đến và cũng hỏi như trước. Khi xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, Thái tử vội vã quay về vì vị ấy trông thấy một người bịnh.” Vua Suddhodāna lại suy nghĩ như trước và lại truyền lịnh tăng cường thêm lính gác ở mỗi khỏang cách ba gavuta khắp bốn hướng. Đức vua cũng chỉ định thêm cung nữ và vũ nữ.

(3)   Điềm báo một người chết

Bị vây hãm và say đắm trong năm loại dục lạc do phụ vương Suddhodāna của Ngài sắp xếp để ngăn cản việc Thái tử từ bỏ thế gian và trở thành vị Sa-môn, Thái tử Siddhattha lại tiếp tục thụ hưởng khoái lạc và xa hoa trong cung vàng điện ngọc. Ấn tượng đầy xúc động về bản chất đáng ghét của sự sanh và già có phần nguôi ngoai và mờ nhạt.

Bốn tháng sống cuộc đời xa hoa như vậy trôi qua, Thái tử Bồ tát lại xuất cung đi đến vườn thượng uyển bằng xe tuấn mã. Trên đường đi, Thái tử Bồ tát trông thấy điềm tướng do chư thiên hóa hiện lần thứ ba, đó là một đám người và một chiếc kiệu khiêng áo quan được trang trí bằng tấm vải nhiều màu. Nhân đó Thái tử hỏi xa phu: “ Này xa phu, tại sao tất cả những người này đứng chung quanh?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, những người này đang xúm quanh và sửa soạn chiếc kiệu khiêng áo quan vì có người vừa chết.” Vì Thái tử chưa từng trông thấy người chết hay nghe tiếng ‘ người chết’ nên truyền lịnh cho xa phu rằng: “ Này xa phu, hãy đưa ta đến chỗ người chết đang nằm nơi người ta xúm lại và sửa soạn chiếc kiệu khiêng áo quan.” Xa phu đáp lại: “ Thưa vâng, tâu bệ hạ,” và đánh xe đến chỗ người chết đang nằm. Khi Thái tử trông thấy người chết, Ngài bèn  hỏi: “ Này xa phu, người chết này có đặc tánh gì?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, khi một người đã chết thì tất cả quyến thuộc sẽ không bao giờ gặp lại người ấy, người ấy cũng không còn gặp lại quyến thuộc của mình.”

Nhân đó, Thái tử hỏi thêm: “ Này xa phu, làm sao có thể như thế được ?” Ta cũng phải chết như người kia chăng? Phải chăng Ta cũng là người không thể tránh khỏi cái chết? Phải chăng vào một ngày nào đó, cha, mẹ và quyến thuộc của Ta sẽ không còn trông thấy Ta? Một ngày nào đó Ta cũng sẽ không gặp họ?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, tất cả chúng ta bao gồm cả bệ hạ cũng như thần đây đều phải chết. Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Điều chắc chắn là vào một ngày nào đó, cha, mẹ và quyến thuộc của bệ hạ sẽ không còn trông thấy bệ hạ và bệ hạ cũng sẽ không còn trông thấy họ nữa.” (Mẹ của Thái tử trong nội dung này ám chỉ di mẫu của Ngài là bà Mahāpajāpati Gotamī).

Nhân đó, Thái tử nói: “ Này xa phu, nếu tất cả mọi người, ai ai cũng không thể tránh khỏi sự chết thì Ta đây cũng phải chết, thế nên Ta không muốn đến vườn thượng uyển nữa và vui chơi nữa. Hãy cho xe quay lại, ngay tại chỗ mà nhìn thấy người chết và đi thẳng về hoàng cung”. “ Thưa vâng, tâu bệ hạ.” Xa phu đáp lại và thay vì đánh xe đi tiếp đến vườn thượng uyển, bèn quay xe lại ngay và đi thẳng về hoàng cung.

Sự động tâm của Bồ tát

Như đã nói ở trên, mặc dầu xa phu chỉ giải thích về bản chất của sự chết theo khả năng hiểu biết của vị ấy, rằng khi một người đã chết thì quyến thuộc bị bỏ lại sẽ không bao giờ gặp lại người ấy, người chết cũng sẽ không bao giờ gặp lại quyến thuộc anh ta. Tuy nhiên  Thái tử, như chúa của loài sư tử và là người có chí nguyện thành Phật, qua sự quán xét, Ngài biết rõ rằng sanh là nguyên nhân đầu tiên của ba tướng già, bịnh và chết mà Ngài đã trông thấy trước đó. Sau khi trở về hoàng cung, bằng kinh cảm trí, Ngài thấy rằng: “ Ôi, sự sanh quả thật đáng ghét! Sự sanh rõ ràng đối với người nào thì với người ấy, già cũng hiển nhiên, bịnh cũng hiển nhiên và chết cũng hiển nhiên.” Sau khi suy xét như vậy, Ngài trở nên buồn bã và chán nản.

Vua Suddhodāna tăng cường thêm lính canh

Vua Suddhodāna lại gọi xa phu đến và hỏi anh ta như trước. Khi xa phu tâu lại: “ Tâu bệ hạ, Thái tử vội vã trở về vì vị ấy đã trông thấy một người chết.” Vua Suddhodāna cũng suy nghĩ như trước và truyền lịnh tăng cường thêm lính gác ở khắp bốn hướng, mỗi chỗ cách nhau một do tuần; vị ấy cũng chỉ định thêm cung nữ và vũ nữ.

(4)   Điềm báo một vị Sa-môn

Bị vây hãm và say đắm trong năm loại dục dạc mà phụ vương Suddhodāna của thái tử cung cấp thêm để ngăn cản việc ngài từ bỏ thế gian và trở thành vị Sa-môn, Thái tử Siddhattha lại tiếp tục sống hưởng thọ khoái lạc và vinh hoa trong cung vàng điện ngọc và ấn tượng gây xúc động về sanh, già, bịnh và chết có phần vơi giảm.

Bốn tháng sống cuộc đời xa hoa như vậy đã trôi qua, Thái tử Bồ tát lại xuất cung đến vườn thượng uyển bằng xe tuấn mã. Và trên đường đi, ngài trông thấy điềm tướng do chư thiên hóa hiện lần thứ tư, đó là người đàn ông sống cuộc đời của vị Sa-môn với râu tóc được cạo nhẵn, mang chiếc y bằng vỏ cây. “ Này xa phu”, Thái tử nói “ Đầu của người đàn ông này không giống đầu của những người khác, đầu được cạo nhẵn và râu cũng được cạo sạch. Y phục của người này cũng không giống như những người khác và được nhuộm bằng vỏ cây. Người ấy được gọi người gì?” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, người ấy được gọi là vị Sa-môn.”

Thái tử lại hỏi xa phu: “ Này xa phu, Sa-môn nghĩa là gì? Hãy giải thích cho ta nghe về đặc tánh của Sa-môn.” Xa phu đáp lại: “ Tâu bệ hạ, Sa-môn là người hằng tâm niệm rằng điều tốt là thực hành  mười thiện nghiệp (kuslakammapatha), bắt đầu bằng bố thí (dāna), là người đã ra khỏi cuộc đời thế tục và mặc y phục nhuộm màu vỏ cây. Người ấy tâm niệm rằng điều tốt nhất là thực hành mười thiện nghiệp phù hợp với chánh pháp; thoát khỏi những nhiễm ô, hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xuất ly khỏi thế gian và mặc y phục nhuộm màu vỏ cây. Vị ấy tâm niệm rằng điều tốt nhất là tránh cư xử ác với các loài hữu tình, làm điều lợi ích cho chúng sanh, từ bỏ đời sống thế tục và mặc y phục nhuộm màu vỏ cây.”

(Ở đây, xa phu không có kiến thức về vị Sa-môn hay những đức tánh của vị ấy vì đó là thời kỳ trước khi Đức Phật và giáo pháp của Ngài xuất hiện nhưng vị ấy nói được như vậy nhờ năng lực của chư thiên, rằng người kia là vị Sa-môn và giải thích về những đức tánh của vị Sa-môn. Đoạn này được trích dẫn từ bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Phụ chú giải Jinālaṅkāra).

(Những vị Bồ tát có thọ mạng lâu hơn thì trông thấy bốn điềm tướng lần lượt cách nhau một trăm năm. Tuy nhiên, trong trường hợp Bồ tát của chúng ta, Ngài xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng ngắn hơn nhiều, khoảng cách thời gian để trông thấy mỗi điềm tướng chỉ cách nhau bốn tháng. Theo các vị Tụng sư của bộ Dīgha Nikāya thì Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng trong một ngày – Chú giải Buddhavaṃsa).

Nhân đó, Bồ tát nói với xa phu: “ Người đàn ông này thật sự cao quý và đáng ngưỡng mộ vì đã xuất gia, tâm niệm rằng điều tốt nhất là thực hành mười thiện nghiệp theo đúng với chánh pháp, trong sạch và thanh tịnh. Người đàn ông ấy đáng ngưỡng mộ và cao quý vì đã xuất gia với tâm luôn luôn khắc ghi điều tốt là không đối xử ác với các loài hữu tình và làm việc vì lợi ích của chúng sanh. Vị ấy thật đáng ngưỡng mộ và cao quý, này xa phu, hãy đánh xe đến chỗ vị Sa- môn.” “Thưa vâng, tâu bệ hạ.” Xa phu đáp lại và đánh xe đến chỗ vị Sa-môn. Khi đến đó, Thái tử hỏi vị Sa-môn, thật ra là do chư thiên hóa hiện: “Thưa ngài, ngài đang làm gì? Đầu của ngài không giống như đầu của những người khác; y phục của ngài cũng không giống như y phục của những người khác.” Khi vị Sa-môn đáp lại: “ Tâu bệ hạ, bần đạo được xem là một Sa-môn.” Thái tử lại hỏi thêm: “ Sa-môn nghĩa là gì?” Vị Sa-môn kia đáp lại: “ Tâu bệ hạ, tôi là người đã ra đi từ bỏ đời sống gia đình, sau khi cạo bỏ râu tóc và mặc y phục màu vỏ cây, và tâm niệm rằng điều tốt nhất là thực hành mười thiện nghiệp, bắt đầu bằng bố thí. Những thiện nghiệp được biết qua bốn từ đặc biệt: Dhamma, vì đó là chánh pháp; Sama vì phù hợp với chánh pháp; Kusala vì trong sạch, và Puñña vì thanh tịnh về cả nhân lẫn quả; và cũng tâm niệm rằng điều tốt nhất là không đối xử ác với các loài hữu tình và làm điều đem lại lợi lạc cho chúng sanh.” Nhân đó, Thái tử tỏ lời tán đồng: “ Ngài quả thật cao quý và đáng ngưỡng mộ. Ngài đã ra đi từ bỏ đời sống gia đình, đã cạo bỏ râu tóc, và mặc y phục nhuộm màu vỏ cây. Lại tâm niệm rằng điều tốt đẹp là thực hành mười thiện nghiệp có bốn tên gọi là Dhamma, Sama, Kusala và Puñña; và cũng tâm niệm rằng điều tốt nhất là không đối xử ác với các loài hữu tình, làm điều lợi ích cho chúng sanh.”

Ngày Thái tử xuất gia

Trước khi xuất gia ra đi từ bỏ đời sống gia đình, Thái tử bốn lần viếng thăm vườn thượng uyển. Trên đường đến vườn thượng uyển trên chiếc long xa tuấn mã vào ngày rằm tháng Āsaḷha (tháng 6-7 dương lịch) trong năm 96, theo lịch Mahā Era, Ngài nhìn thấy điềm tướng đầu tiên, đó là một người già. Khi nhìn thấy điềm tướng này, Ngài từ bỏ sự kiêu mạn về tuổi trẻ (yobhana māna).

Lần thứ hai, khi Thái tử đến vườn thượng uyển vào ngày rằm tháng Kattikā (tháng 10-11 dương lịch), Ngài nhìn thấy điềm tướng thứ hai trên đường đi, đó là một người bịnh. Khi nhìn thấy điềm tướng này, Ngài từ bỏ ngã mạn khởi sanh từ sức khỏe sung mãn (ārogya māna).

Lần thứ ba, khi đến vườn thượng uyển vào ngày trăng tròn tháng Phagguna (tháng 2-3 dương lịch), Ngài nhìn thấy điềm tướng thứ ba trên đường, đó là một người chết. Khi nhìn thấy điềm tướng này, Ngài từ bỏ ngã mạn về mạng sống (jīvita māna).

Lại dịp khác, vào ngày rằm tháng Asaḷha trong năm 93, lịch Mahā Era, Thái tử đến vườn thượng uyển như trước. Ngài trông thấy trên đường đi điềm tướng vị Sa-môn. Hình ảnh của điềm tướng này đánh thức trong Ngài sự ưa thích đời sống Sa-môn và phát nguyện : “ Ta sẽ trở thành vị Sa-môn trong chính ngày hôm nay,” Ngài đi tiếp đến vườn thượng uyển cùng ngày hôm ấy.

(Bộ Dhammasaṅganī của tạng Abhidhamma Piṭaka có bài về saṃvega (sự động tâm) trong chương Nikkhepa Kaṇḍa như sau: Sự sợ hãi về sự sanh (jāti) hay trí tuệ thấy rằng sanh là mối nguy hiểm lớn đáng sợ, được gọi là jātibhaya; sự sợ hãi về tuổi già (jarā) hay trí tuệ thấy rằng già là mối nguy hiểm đáng sợ, được gọi là jarābhaya; sự sợ hãi về bịnh (vyādhi) hay trí tuệ thấy rằng bịnh là mối nguy hiểm lớn đáng sợ, được gọi là vyādhibhaya; và sự sợ hãi về sự chết (maraṇa) hay trí tuệ thấy rằng chết là mối nguy hiểm lớn đáng sợ, được gọi là maraṇabhaya. Nhóm bốn loại trí này được gọi là saṃvega (sự động tâm hay kinh cảm trí).

(Trong bốn loại điềm tướng lớn này mà đã được mô tả, ba loại điềm tướng đầu tiên được gọi là kinh cảm trí tướng – saṃvega nimitta, là những điềm tướng làm khởi sanh cảm giác khẩn cấp của đạo tâm. Vì nếu sự sanh xảy ra thì điều chắc chắn không thể tránh khỏi là có hiện khởi sự già, bịnh và chết. Vì có sự sanh khởi của sự sanh, chắc chắn không thể tránh khỏi là có hiện khởi sự già, bịnh và chết. Không có sự thoát khỏi già, bệnh và chết vì người ta đã sanh ra. Với người nhìn vào những mối nguy hiểm này của các tướng là đáng sợ, thô thiển và đầy kinh tởm, chúng hình thành nguyên nhân cho sự sợ hãi kinh hoàng và báo động về các mối nguy hiểm ấy).

(Điềm tướng cuối cùng, điềm tướng của một vị Sa-môn, là sự hiện khởi để khuyến tấn sự thực hành pháp, là con đường thoát khỏi mối nguy hiểm già, bịnh và chết. Do đó, điềm tướng này được gọi là padhāṇa nimitta – tinh cần tướng).

Sakka phái vị thiên Visukamma giúp Thái tử Bồ tát thay y

Thái tử trải qua suốt ngày trong vườn thượng uyển, vui chơi và thọ hưởng nét tươi vui của nó. Sau khi tắm, vào lúc mặt trời bắt đầu lặn, Ngài ngồi một cách tao nhã trên tảng đá kiết tường. Vào lúc ấy, Ngài có ý muốn thay y. Sakka, nhận biết ước muốn của Thái tử,  truyền lịnh cho chư thiên Visukamma hóa ra làm người thợ cạo để phục vụ Thái tử, đến giúp Ngài thay y với trang phục của chư thiên. ( Ở đây Bồ tát thay y phục của chư thiên được hình dung trong sự dự đoán).

Khi các nhạc sĩ đang trình tấu năm loại nhạc khí và những người khác thì múa và hát, và các vị Phạm thiên tán dương Ngài bằng những lời chúc tụng ngọt ngào: “ Cầu chúc bệ hạ được thành công trọn vẹn, thoát khỏi mọi điều nguy hiểm và thù địch; chúc bệ hạ được hạnh phúc và luôn luôn chói sáng.” Thái tử trang phục với năm loại trang sức của chư thiên, bước lên chiếc long xa, được trang trí bằng các loại trang sức quí báu, trở về hoàng cung.

Sự ra đời của Rāhula 

Vào thời điểm đó, vua Suddhodāna nghe tin rằng chánh hậu Yasodharā của Thái tử đã hạ sanh một bé trai. Đức vua cho người đi thông báo với Thái tử về tin mừng này: “ Hãy đem tin tốt lành đến con trai của ta.” Khi Thái tử Siddhattha nghe tin rằng một đứa bé trai đã được sanh ra, vì đang nuôi dưỡng kinh cảm trí trong tâm, Ngài nhận xét: “ Asura Rāhu! Là người sẽ bắt giữ ta làm nô lệ đã ra đời. Một trói buộc lớn đã ra đời.”

Khi đức vua Suddhodāna hỏi: “ Con trai của ta đã nói gì ?” Những người đưa tin kể lại với đức vua về những lời nhận xét của Thái tử Bồ tát, vua Suddhodāna liền đặt tên cho đứa cháu nội của vị  ấy như vầy: “ Từ nay trở đi, đứa cháu nội trai của ta sẽ được gọi là hoàng tử Rāhula.”

Bài kệ hoan hỷ về sự an lạc của công chúa Kīsa Gotami, thuộc dòng họ Thích ca

Thái tử đi vào kinh thành Kapilavatthu trên chiếc long xa, với sự uy nghi và rực rỡ cao tột, được theo hầu với đoàn tùy tùng đông đúc. Nàng công chúa Kisā Gotamī, xinh đẹp và duyên dáng thuộc dòng dõi Thích ca quí tộc, nhìn thấy thân sắc (rūpakāya) của Thái tử khi nàng đang đứng ở lan can trên lâu đài của nàng, cảm thấy hoan hỷ nói lên cảm nghĩ của nàng như sau:

Nibbutā nūna sā mātā.

Nibbutā nūna so pitā

Nibbutā nūna sā nārī

Yassā’yaṃ īdiso patī.

Hạnh phúc thay và an lạc thay tâm của người mẹ may mắn đã sanh ra một người con trai sở hữu sự rực rỡ như mặt trời ban mai, một người con trai phi thường tuấn tú, thông minh bậc nhất. Chỉ cần suy nghĩ hai đặc điểm – tài năng và vẻ đẹp của người con trai, thì sự mãn nguyện đầy vui sướng của bà qua mỗi ngày sẽ dẫn đến sự an lạc trong tâm.

Hạnh phúc và an lạc thay tâm của người cha may mắn, có được người con trai như vậy, rực rỡ như mặt trời mới mọc, một người con trai phi thường thuộc dòng họ cao quý, tuấn tú và thông minh bậc nhất. Chỉ cần suy nghĩ nhiều về hai đặc điểm – tài năng và sắc đẹp của người con trai thì sự mãn nguyện đầy vui sướng của ông ta qua mỗi ngày sẽ dẫn đến sự an lạc trong tâm.

Hạnh phúc và an lạc thay tâm của người phụ nữ may mắn, có được người chồng như vậy, rực rỡ như mặt trời mới mọc, một người con trai phi thường thuộc dòng cao quý, tuấn tú và thông minh bậc nhất. Chỉ cần suy nghĩ nhiều về hai đặc điểm – tài năng và sắc đẹp của người chồng thì sự mãn nguyện đầy vui sướng của nàng qua mỗi ngày sẽ dẫn đến sự an lạc trong tâm.

(Khi dầu được rót vào bình và khi đầy bình, dầu sẽ tràn ra. Dường thế ấy, khi một người nào đó cảm thấy rất hoan hỷ và mãn nguyện vì lý do này hay lý do khác, cảm giác hoan hỷ và thỏa mãn nói trên (pīti & somanassa) sẽ tựa như tràn ngập trong lòng. Cảm giác hoan hỷ và mãn nguyện tràn trề như vậy được biểu lộ dưới dạng kệ (gāthā) hay văn xuôi (cuṇṇiya) được gọi là udāna – cảm hứng kệ hay hoan hỉ kệ).

Khi nghe bài cảm hứng kệ của nàng công chúa Kisā Gotamī, dòng Thích ca, Thái tử suy nghĩ: “ Cô em họ này của ta, Kisā Gotamī, đã nói lên bài cảm hứng kệ có nội dung rằng hình ảnh của một nhân vật (attabhāva) như vậy sẽ đem lại niềm vui sướng và tịnh lạc cho người mẹ, người cha và người vợ. Vậy điều gì mà khi diệt tắt sẽ đem lại sự an lạc thực sự cho tâm ?” Khi ấy Thái tử, người mà tâm đã xa lìa các phiền não (kilesa) khởi lên ý nghĩ như vầy: “ Sự an lạc thực sự chỉ có được khi ngọn lửa ái dục (rāga) bị diệt tắt; sự an lạc thực sự chỉ có được khi ngọn lửa của sân hận (dosa) bị diệt tắt; sự an lạc thực sự chỉ có được khi ngọn lửa của si mê (moha) bị diệt tắt; sự an lạc thực sự chỉ có được khi các ngọn lửa phiền não như ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), v.v… diệt tắt. Công chúa Kisā Gotamī đã nói những lời khả ái về pháp an lạc. Và ta, người đang tầm cầu Niết bàn, Thực tại Tối thượng – là sự diệt tắt thực sự tất cả khổ đau. Ngay trong ngày hôm nay, ta sẽ từ bỏ thế gian bằng sự xuất gia và trở thành vị Sa-môn sống trong rừng để tầm cầu Niết bàn, Thực tại Tối thượng.” Ý nghĩ xuất ly liên tục sanh khởi trong tâm của Thái tử nói rằng: “ Vòng chuỗi ngọc này là tiền công cho người thầy – công chúa Kisā Gotamī, vì đã nhắc nhở ta đi tìm pháp diệt tắt, nibbuti.” Ngài cởi vòng chuỗi ngọc trị giá một lakh ra khỏi cổ và cho người đem đến Kisā Gotamī. Công chúa vô cùng vui sướng, nghĩ rằng: “ Người anh họ của ta – Thái tử Siddhattha, đã cho ta món quà vì tâm của vị ấy chiếu cố đến ta.”

Thái tử về cung điện nơi trú ngụ của ngài, nguy nga, xinh xắn và diệu kỳ cho cuộc sống đầy khoái lạc và nằm tựa trên chiếc long sàng. Lúc ngài nằm tựa như vậy thì tất cả nữ hầu và vũ nữ có diện  mạo và nước da xinh đẹp như nữ thần và rành mạch nghệ thuật đờn ca, múa hát bèn quay quanh ngài, tay cầm năm loại nhạc khí và bắt đầu đánh đàn, ca múa để khiến thái tử thọ hưởng năm loại dục lạc. Nhưng vì tâm ghê tởm và chán ngấy những hoạt động làm nhen nhúm ngọn lửa phiền não, Ngài không còn vui thích trong những thú tiêu khiển đờn ca và múa hát nên thiếp đi trong chốc lát.

Ngay khi Thái tử chợp ngủ, thì các nữ hầu và vũ nữ bèn suy nghĩ như vầy: “ Chúng ta múa hát và chơi nhạc giúp vui cho Thái tử nhưng ngài đã ngủ rồi. Tại sao chúng ta không tranh thủ nghỉ ngơi  một lát?” và họ cũng lăn ra ngủ với những nhạc khí nằm ngổn ngang đây đó. Những ngọn đèn dầu thơm được thắp sáng bên trong cung điện tiếp tục tỏa sáng lung linh.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app