Nội Dung Chính

Anudīpanī

TRÍCH DẪN: TIẾNG ĐỒN VANG CÔNG BỐ SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐỨC PHẬT – Năm loại Kolāhala

Kolāhala có nghĩa là tiếng xôn xao ầm ĩ khởi lên từ một số ít người rằng: “ Điều ấy sẽ xảy ra như thế ”, trước khi biến cố đã được tiên tri thực sự xảy ra; nó khởi sanh trong những người tụ họp với nhau để nói về sự kiện sắp xảy ra cùng một ngôn ngữ và cùng một giọng nói.

Nói chung, kolāhala chính là tiếng đồn vang được tạo ra bởi nhiều người đang xôn xao về điềm báo trước một sự kiện thực sự sẽ xảy ra. Nó không phải là tiếng đồn thất thiệt lan truyền trong làng mạc và phố chợ về sự tiên đoán một sự kiện không thể xảy ra như “ Hoàng tử Setkya sắp trở về!”

Có năm loại kolāhala trong thế gian này:

(1)   Kappa-kolāhala.

(2)   Cakkavatti-kolāhala.

(3)   Buddha-kolāhala.

(4)   Maṅgala-kolāhala

(5)   Moneyya-kolāhala.

(1)  Kappa-kolāhala

Kolāhala cảnh báo với dân chúng về sự tiêu hoại của thế giới thì gọi là kappa-kolāhala. Khi thời gian tiêu hoại của thế giới đến gần, thì chư thiên có tên là Lokavyūha thuộc cõi dục giới (kāmāvacara- deva) mặc y phục màu đỏ, để tóc xõa, tay quệt nước mắt trên mặt, đi thất thiểu khắp các nẻo đường của nhân loại, kêu to đến mọi người ở khắp mọi nơi về biến cố sắp xảy ra sau một trăm ngàn năm.

“Hỡi các bạn, một trăm ngàn năm kể từ hôm nay, thế giới sẽ tiêu hoại ! Các biển sẽ khô cạn! Quả đất, núi Tu-di và tất cả mọi thứ sẽ bốc cháy và tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu diệt bởi lửa), sẽ bị cuốn đi trong những cơn đại hồng thủy và tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu diệt bởi nước), sẽ bị những cơn cuồng phong thổi vào và làm tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu hoại bởi gió)! Sẽ có sự tiêu hoại của thế giới lan rộng từ quả đất với núi Tu-di và các đại dương cho đến các cõi Phạm thiên ! Các bạn, hãy tu tập từ vô lượng tâm (mettā), bi vô lượng tâm (karuṇā), hỉ vô lượng tâm (muditā) và xả vô lượng tâm (upekkhā), là những pháp của các vị Phạm thiên! Hãy tôn kính, phụng dưỡng mẹ cha! Hãy siêng năng làm các việc phước ! Đừng dể duôi!

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là kappa-kolāhala.

(2)  Cakkavatti-kolāhala

Kolāhala khởi lên trong cõi người, công bố rằng: “ Một vị Chuyển luân vương sẽ xuất hiện”, là bậc trị vì khắp cõi nhân loại bao gồm bốn đại châu và hai ngàn đảo nhỏ phụ thuộc được gọi là Cakkavatti-kolāhala. Những chư thiên hộ trì thế gian (lokapāla), những chư thiên cõi dục giới (kāmāvacana-devas), do biết trước sẽ có vị Chuyển luân vương xuất hiện, nên rảo đi khắp các nẻo đường của nhân loại, thông báo đến mọi người ở mọi nơi về sự xuất hiện của vị Chuyển luân vương sau một trăm năm.

“Các bạn, một trăm năm nữa kể từ hôm nay, vị Chuyển luân vương sẽ xuất hiện trong thế gian này.”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Cakkavatti-kolāhala.

 (3)    Buddha-kolāhala

Kolāhala tiên báo trong cõi nhân loại rằng: “ Một vị Phật sẽ xuất hiện” thì được gọi là Buddha-kolāhala. Các vị Phạm thiên của cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa), do biết trước rằng sắp có một vị Phật xuất hiện trong thế gian nên mặc y phục Phạm thiên, đội mão và mang những vật trang sức, vui sướng đi khắp các nẻo đường của nhân loại, thông báo đến mọi người ở mọi nơi, một ngàn năm trước khi biến cố xảy ra. “ Các bạn, một ngàn năm nữa kể từ hôm nay, một vị Phật Chánh đẳng giác sẽ xuất hiện trong thế gian này!”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Buddha-kolāhala.

(4)    Maṅgala-kolāhala

Vì không có kết luận đúng đắn về ý nghĩa của chữ Maṅgala (hạnh phúc) nên dân chúng tụ họp lại và mỗi người định nghĩa chữ Maṅgala theo suy nghĩ riêng của họ, rằng “Đây mới là hạnh phúc!”, “Kia mới là hạnh phúc!”, và sự bàn tán xôn xao khởi lên rằng: “ Họ nói hạnh phúc là như thế.” Tiếng xôn xao như thế được gọi là Maṅgala-kolāhala. Các vị Phạm thiên cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa), do biết trước rằng Đức Phật sẽ thuyết bài kinh Maṅgala và biết rõ ý nghĩ của mọi người đang mong mỏi muốn biết ý nghĩa chân thực của chữ ‘hạnh phúc’, nên rảo đi trên các nẻo đường lớn nhỏ của nhân loại và kêu to đến mọi người ở khắp mọi nơi mười hai năm trước, thông báo rằng Đức Phật sẽ thuyết giảng bài kinh ấy.

“Các bạn, sau mười hai năm nữa kể từ hôm nay, Đức Phật sẽ thuyết giảng bài kinh Maṅgala!”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Maṅgala-kolāhala.

(5)  Moneyya-kolāhala

 Kolāhala liên quan đến việc thực hành tu sĩ về Moneyya được gọi là Moneyya-kolāhala (bài giải thích về Moneyya đạo hành được nêu ra ở chương nói về trưởng lão Nālaka, như là một phần của Thinh văn sử trong Tăng bảo). Các vị Phạm thiên cõi Suddhāvāsa, do biết trước rằng, một vị tỳ khưu trong cõi nhân loại sẽ đi đến Đức Phật để hỏi về Moneyya đạo hành, nên đã rảo đi trong các nẻo đường lớn nhỏ của nhân loại và kêu to đến mọi người ở mọi nơi, bảy năm trước khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh ấy:

 “Các bạn, bảy năm nữa kể từ hôm nay, một vị tỳ khưu sẽ đi đến Đức Phật và hỏi về Moneyya Pháp.”

 Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Moneyya-kolāhala.

 Đây là năm loại kolāhala. Những bài giải thích về năm loại kolāhala này được nêu ra ở những bộ Chú giải của bộ Buddhavaṃsa, Jātaka, Kosala Saṁyutta, Khuddaka-pāṭha, Sutta-nipāta và Jinālaṅkāra.

Trích dẫn: LỜI THỈNH CẦU ĐẾN VỊ BODHISATTA DEVA.

Năm tiền tướng (pubba-nimitta) báo hiệu sự mạng chung của chư thiên.

Năm pubba-nimitta gồm có:

(1)   Thiên hoa héo úa,

(2)    Y phục và các vật trang sức của chư thiên bị cũ dơ,

(3)    Mồ hôi chảy ra từ hai nách,

(4)    Sắc đẹp trên thân trở nên xấu đi, và

(5)    Tâm trạng buồn bã.

(1)    Thiên hoa héo úa: nghĩa là sự khô héo của những bông hoa đã từng xuất hiện trên thân của họ để làm vật trang sức từ lúc họ sanh làm chư thiên. Những bông hoa này đã hiện ra trên thân của họ cùng lúc họ sanh làm chư thiên, chúng luôn luôn tươi thắm, không bao giờ héo úa suốt cuộc đời làm chư thiên của họ. Những bông hoa này chỉ héo úa bảy ngày trước khi họ mạng chung tính theo thời gian ở cõi nhân loại. (Những bông hoa trên thân của Bồ tát Bodhisatta Deva Setaketu mãi tươi thắm suốt cuộc đời của chư thiên đang sống ở cõi Đâu suất đà (Tusita), tức là suốt thời gian năm trăm bảy mươi sáu triệu năm theo cách tính thời gian ở cõi người. Chúng bắt đầu héo úa bảy ngày trước khi Bồ tát Setaketu mạng chung).

(2)   Y phục và các vật trang sức của chư thiên bị cũ dơ: Giống như trường hợp trước, trang phục và các vật trang sức thường không bao giờ trở nên cũ dơ; chỉ bảy ngày trước khi vị thiên mạng chung, chúng mới hiện bày tướng cũ dơ.

(3)   Mồ hôi chảy ra từ hai nách: Trong cõi chư thiên, không giống như ở cõi nhân loại, tuyệt đối không có sự thay đổi về thời tiết như quá nóng hoặc quá lạnh. Chỉ bảy ngày trước khi mạng chung, những giọt mồ hôi mới tiết ra và chảy xuống từ các phần trên thân của vị thiên (đặc biệt là từ hai nách).

(4)   Sắc đẹp trên thân trở nên xấu đi: Những dấu hiệu của tuổi già như răng rụng, tóc bạc, da nhăn, v.v… làm mất đi tướng mạo xinh đẹp, trẻ trung, không bao giờ xảy đến với chư thiên; các thiên nữ luôn luôn mang tướng mạo của lứa tuổi mười sáu và các thiên nam thì luôn luôn mang tướng mạo của những chàng trai ở độ tuổi hai mươi. Dầu họ luôn trẻ trung, xinh đẹp, tươi sáng, nhưng những tướng già lão, mệt mỏi và tàn tạ hiện khởi trên thân của họ khi thời gian mạng chúng của họ đến gần.

(5)   Tâm trạng buồn bã: Chư thiên không bao giờ cảm khó chịu, buồn bã trong suốt cuộc đời ở cõi chư thiên của họ; chỉ khi nào họ sắp mạng chung khi ấy họ mới cảm thấy buồn chán với đời sống trong cõi chư thiên.

Không phải năm pubba-nimitta đều xảy đến với các chư thiên

Dù năm pubba-nimitta xảy đến với chư thiên sắp mạng chung như đã giải rõ ở trên, nhưng không nên hiểu rằng những pubba-nimitta ấy đều xảy đến với các chư thiên. Như trong cõi nhân loại, những hiện tượng như sao băng, động đất, nhật thực hoặc nguyệt thực và những hiện tượng tương tự khác xuất hiện liên quan đến các vị vua, quan có uy quyền v.v… Cũng vậy, trong cõi chư thiên, những pubba-nimitta này chỉ xuất hiện với những chư thiên có oai lực lớn; chúng không bao giờ xảy đến với những chư thiên tầm thường.

Những điều tốt hoặc xấu do các điềm tướng báo trước xảy ra trong cõi nhân loại chỉ được biết bởi những nhà giải đoán có trí tuệ, cũng vậy những sự kiện tốt hoặc xấu do các tiền tướng ấy báo trước trong cõi chư thiên chỉ được biết rõ bởi những chư thiên có trí tuệ, còn những chư thiên thiếu trí tuệ thì không biết được.

Khi những tiền tướng xảy đến với những chư thiên có phước không đáng kể thì họ rất kinh hãi và tự hỏi rằng: “ Ai biết ta sẽ tái sanh nơi nào?” Những chư thiên có phước lớn thì không cảm thấy sợ hãi chút nào, vì biết rằng: “ Chúng ta sẽ tiếp tục thọ hưởng hạnh phúc trong những kiếp sống chư thiên cao hơn do phước phát sanh từ sự bố thí, trì giới và tu thiền của chúng ta.” (Bài luận giải về bài kinh Mahāpadāna trong bộ Chú giải kinh Mahāvagga).

Trích dẫn: VIỆC THỌ THAI BỒ TÁT – SỰ MANG THAI VÀO THỜI KỲ THỨ HAI CỦA CUỘC ĐỜI

Câu hỏi có thể được đặt ra: Tại sao Hoàng hậu Māyā mang thai Bồ tát chỉ ở giai đoạn thứ ba trong thời kỳ thứ hai của cuộc đời? Câu trả lời là: Dục lạc của người đàn bà trong thời kỳ đầu thường rất  mạnh. Vì thế những người đàn bà có thai vào thời kỳ đầu không thể chăm sóc bào thai kỹ lưỡng. Phần đông không thể chăm sóc bào thai. Việc không có khả năng như vậy tạo ra nhiều hình thức tổn thương đến bào thai.

Thời kỳ giữa là thời kỳ thứ hai trong ba thời kỳ của đời người, có thể được phân chia làm ba giai đoạn bằng nhau. Khi người đàn bà đạt đến giai đoạn thứ ba thì bào thai của người ấy được sạch sẽ và tinh khiết. Đứa bé ở trong bào thai sạch sẽ và tinh khiết như vậy sẽ được khỏe mạnh, không bị các bịnh tật.

Mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài thọ hưởng dục lạc  trong thời kỳ đầu; và theo thông lệ, bà sẽ mạng chung sau khi hạ sanh Bồ tát trong giai đoạn thứ ba của thời kỳ thứ hai. (Việc bà qua đời bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát là qui luật. Thực tế là vị thiên Bồ tát chỉ giáng sanh vào lòng mẹ khi vị ấy thấy rằng người mẹ mà Ngài sẽ giáng sanh vào chỉ còn sống thêm mười tháng bảy ngày nữa thôi. Như vậy, rõ ràng là cái chết của bà không phải do sanh con. Nên hiểu rằng mẹ của Bồ tát mạng chung chỉ vì thọ mạng của bà đã hết) (Dīgha Nikāya Aṭṭhakathā, v.v…)

Trích dẫn: CHUYẾN ĐI CỦA HOÀNG HẬU MAHĀ MĀYĀ TỪ KAPILAVATTHU ĐẾN DEVADAHA.

Trong câu chuyện về chuyến viếng thăm của Hoàng hậu Mahā Māyā, từ Kapilavatthu đến Devadaha được ghi lại trong bộ sách Jinattha Pakāsanī như sau: “Sau khi làm sạch sẽ và san phẳng con đường dài năm do-tuần giữa Devadaha và Kapilavatthu giống như một dãi đất bằng và cứng…”

Tuy nhiên, trong bộ Tathāgata-Udāna Dīpanī có đoạn sau đây được nêu ra: “Sau khi cho sửa soạn con đường dài ba mươi do tuần từ Kapilavatthu đến Devadaha bằng cách đào bới, mở rộng và lấp bằng những hố rãnh để làm cho con đường được khang trang…”

Tuy nhiên, trong bộ Đại Phật Sử này, chúng tôi y theo Chú giải của bộ Buddhavaṃsa và bộ Jātaka, trong đó khoảng cách giữa hai vương quốc Kapilavatthu và Devadaha không được nêu ra. Hai bộ Chú giải này chỉ nói đơn giản về sự đắp vá và san bằng con đường mà thôi.

Phương tiện đi lại của hoàng hậu Mahā-Māya được đề cập trong tác phẩm này là chiếc kiệu vàng theo hai bộ Chú giải ấy. (Không nên thắc mắc là làm thế nào chiếc kiệu được khiêng bởi một ngàn người, vì như trong câu nói: “ Bồ tát được cho bú bởi hai trăm bốn mươi vú nuôi”, có thể rằng họ thay phiên nhau. Hoặc có thể là chiếc kiệu được họ đồng loạt kéo bởi những sợi dây vải dài).

Trong cuốn đầu của bộ Tathāgata Udāna Dīpanī, v.v… được viết và giải thích một cách khác thường như sau:

“Toàn thể chặng đường dài 30 do tuần được đắp vá, tu chỉnh và trang hoàng rực rõ. Hoàng hậu ngồi trên chiếc xe do tám con ngựa Valāhaka Sindhi có màu hoa sen trắng kéo đi; vua Suddhodana tiễn hoàng hậu đi một quãng xa nửa do tuần, sau khi hoàng hậu lễ chào và ban lời dặn dò đến hoàng hậu, vị ấy nhìn hoàng hậu đi xa khuất mới quay về. Những con bạch mã kéo xe một cách vui mừng vì chúng nghĩ rằng: “Công việc của chúng ta đưa rước hoàng hậu có Bồ tát trong bào thai của bà, sẽ đem lại cho chúng ta quả phước dẫn đến Niết bàn.”

Các Chú giải của hai bộ Buddhavaṃsa, Jātaka và bộ Jinālaṅkāra Tīkā không nêu ra nội dung vậy. Tất cả những gì mà chúng ta được biết là chuyến đi được thực hiện bằng kiệu vàng; thế nên bài viết của tôi trong bộ Đại Phật sử này dính liền với các bộ Aṭṭhakathā và các bộ Tīkā.

Trích dẫn: SỰ ĐẢN SANH CỦA BỒ TÁT

Liên quan đến sự đản sanh của Bồ tát, bộ Tathāgata Udāna Dīpanī và những bộ sách bằng tiếng Miến về chủ đề Buddhavaṃsa  nói rằng: “ Thời gian sanh con của hoàng hậu Mahā Māyā đang đến rất gần thì em gái của hoàng hậu, bà Pajāpati Gotamī, phụ giúp hoàng hậu bằng cách đỡ cho bà ở bên trái; hoàng hậu sanh con với sự phụ giúp của những nữ hầu đứng quanh.” Tuy nhiên, trong Chú giải Buddhavaṃsa, Jātaka và Jinālaṅkāra Ṭīkā thì nói rằng: “ Khi thời gian sanh con đã đến gần kề vì bà cảm thấy có sức đẩy trong bào thai, những người đi theo bà bèn dựng lên những bức màng che rồi đứng ra xa; trong khi họ đứng ra xa như vậy, thì hoàng hậu hạ sanh Bồ tát.” Tác phẩm này y theo sự trình bày trong các Chú giải nói trên.

Câu nói rằng hai dòng nước ấm và lạnh, làm cho người mẹ và thai nhi có thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài ngay sau khi sanh, câu nói ấy dựa theo bài trình bày bài kinh Mahāpadāna trong hai bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka.

Điều đặc biệt được nói đến trong bộ kinh Mahāvagga Aṭṭhakathā là như thế này: “ Trong hai dòng nước, dòng nước lạnh chảy vào cái lọ bằng vàng và dòng nước ấm chảy vào cái lọ bằng bạc. Hai dòng nước này chảy xuống từ trên hư không dành cho người mẹ và đứa con không bị dính bởi bất cứ cấu uế nào trên mặt đất, để uống và vui đùa. Ngoài hai dòng nước ấm và lạnh từ không trung chảy xuống, nước còn được đem đến trong những cái chum bằng vàng và bằng bạc, nước từ những hồ haṃsa, v.v… Nước dành cho mẹ con của Bồ tát quả thật dồi dào và vô hạn. Đây là điểm đặc biệt cần chú ý.

Trích dẫn: CÂU CHUYỆN VỀ ẨN SĨ KĀLADEVILA

(Tên của vị ẩn sĩ này trong bản dịch bằng tiếng Sinhalese là Devala. Trong bản dịch bằng tiếng Miến, tên của vị ấy là Devila). Câu chuyện về ẩn sĩ Devila sẽ được sao y từ Chú giải của bộ kinh Nipāta, cuốn II.

Vị ẩn sĩ Devila này là vị quốc sư (Purohita) của vua Sīhahanu, vua của nước Kapilavatthu và là cha của vua Suddhodana. Do vì có nước da ngâm đen nên vị ẩn sĩ Bà-la-môn cũng được gọi tên là Asita. Vị ấy là người cố vấn cho vua Sīhahanu về mọi công việc liên quan đến quốc sự.

Suốt triều đại của vua Sīhahanu, vị ấy làm giáo thọ sư và người bảo vệ cho thái tử Suddhodana. Devila dạy cho thái tử những kiểu cách của vương gia và các tục lệ trong hoàng cung, dạy cho vị ấy về tài lãnh đạo và những tài năng khác.

Khi thái tử Suddhodana lên ngôi vua kế vị vua Sīhahanu thì Devila trở thành quốc sư của vua Suddhodana.

Sau khi lên ngôi vua, Tịnh Phạn vương không còn tỏ sự tôn kính sâu sắc đến ông thầy của mình giống như trước kia khi còn làm thái tử. Trong những buổi họp triều, đức vua chỉ đưa lên hai tay chấp lại để tỏ sự tôn kính theo truyền thống của các vị vua Thích ca.

Vì không còn nhận được sự tôn kính đặc biệt của đức vua như trước kia, niềm kiêu hãnh của một vị quốc sư và dòng dõi Bà-la-môn của vị ấy đã bị tổn thương, do đó, Devila khởi tâm bất mãn, buồn bã và nhàm chán với các phận sự ở hoàng cung, vị ấy xin phép đức vua được xuất gia làm đạo sĩ.

Hiểu rõ quyết tâm của người thầy, vua Suddhodana nói lời thỉnh cầu: “ Trẫm đồng ý để thầy xuất gia làm đạo sĩ. Nhưng sau khi trở thành đạo sĩ rồi, xin thầy đừng đi xa. Hãy trú ngụ trong vườn thượng uyển của trẫm để trẫm tiện bề thăm viếng.” Nhận lời thỉnh cầu của đức vua bằng câu nói: “ Thưa vâng, tâu bệ hạ, thần sẽ làm như vậy”, và sau khi đã xuất gia làm đạo sĩ và nhận được sự đối đãi ưu ái của đức vua, đạo sĩ Devila đã trú ngụ ở vườn thượng uyển, chuyên tâm tu thiền đề mục kasiṇa. Rồi sau khi đã chứng đắc bát thiền và ngũ thông, đạo sĩ Devila hằng ngày đến thọ thực ở hoàng cung của vua Suddhodana rồi đi đến Himālya, cõi Tứ đại thiên vương (Catu- Mahārājā), cõi Đạo lợi thiên (Tavatiṁsa) hoặc những nơi khác để an nghỉ trong thời gian còn lại của ngày.

Trích dẫn: LỊCH SỬ TÓM TẮT VỀ DÒNG DÕI ĐẾ VƯƠNG CỦA BỒ TÁT

Nói về việc Bồ tát suy xét về gia tộc của Ngài (kuḷa olakana), lịch sử về các vị vua của dòng Thích ca (Sakyan) cần được lưu ý một cách tóm gọn như sau. Sự lưu ý như vậy hàm nghĩa sự ghi nhận dòng dõi thượng đẳng của Bồ tát (jātimahatta-guṇa).

Vào trung kiếp đầu tiên (antara) của thời kỳ thành trụ kiếp (vivaṭṭathāyī asaṅkhyeyya-kappa), vị vua đầu tiên của loài người vào lúc bắt đầu của thế giới là Bồ tát của chúng ta. Khi ấy Ngài có tên là Manu.

Bồ tát Manu tướng mạo xinh đẹp, khả ái, đáng kính, uy nghi và có giới đức hơn những người khác trong thế gian vào thời kỳ đầu tiên này.

Vào thời kỳ đầu tiên ấy, dân chúng có giới hạnh rất trong sạch. Về sau xuất hiện những người phạm các tội như trộm cắp, v.v… Để có thể sống trong thái bình, thoát khỏi những hiểm họa này, dân chúng lúc bấy giờ bàn bạc với nhau và đồng lòng bầu lên một người nào đó để lãnh đạo họ một cách đúng pháp.

Họ đồng ý rằng Bồ tát Manu là người cai trị tốt nhất vì vị ấy có tất cả những đức tính cần thiết. Rồi tất cả họ đi đến Bồ tát và thỉnh cầu vị ấy làm người cai trị đúng pháp.Vì Manu hoàn thành tất cả mọi phận sự của một nhà cai trị nên dân chúng hết mực tôn kính vị ấy và mỗi người tình nguyện trích ra một phần mười lợi nhuận của họ để thưởng công cho vị ấy, như là hình thức nộp thuế cho vua.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app