SỰ NHẬP THAI CỦA BỒ TÁT (BODHISATTA)

Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā, chánh hậu vua Suddhodana của vương quốc Kapilavatthu, hiện đang thọ hưởng các dục lạc vương giả tuyệt trần. Lúc bấy giờ bà đang qua thời kỳ trung niên của cuộc đời – majjhima vaya. (Thọ mạng của loài người lúc bấy giờ là một trăm tuổi. Như vậy tuổi của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā vào khoảng năm mươi lăm tuổi và bốn tháng. Điều này được giải thích chi tiết trong bộ Samanta Cakkhu Dīpanī).

Lễ hội chòm sao Uttarāsāḷha

Vào ngày mồng chín tháng 6 (tháng Āsāḷha) năm 67, theo lịch Mahā Era, hoàng hậu Sirī Mahāmāyā được năm mươi lăm tuổi và bốn tháng. Dân chúng trong vương quốc vui mừng tổ chức lễ hội chòm sao Uttarāsāḷha – lễ hội truyền thống hằng năm. Muôn người như một đều hết mình tham gia lễ hội, người nào cũng ra sức tổ chức hội hè trội hơn người khác.

Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā cũng tham gia lễ hội, được tổ chức từ ngày mồng chín đến ngày mười bốn. Điểm đặc biệt của lễ hội là mọi người hoàn toàn kiêng rượu và thi nhau làm đẹp bằng các loại hoa, vật thơm và những vật trang sức. Vào ngày trăng tròn của tháng, hoàng hậu thức dậy lúc sáng sớm, tắm bằng nước thơm, bố thí tiền bạc và vật dụng trị giá bốn trăm ngàn đồng tiền vàng. Rồi ăn mặc, trang điểm và dùng điểm tâm với những món thượng vị nhất. Sau đó bà nhận Bát quan trai giới (từ vị thầy của bà là đạo sĩ Devila), rồi đi đến khuê phòng cực kỳ xinh đẹp. Nơi đây bà trải qua suốt ngày trên chiếc trường kỷ lộng lẫy và thọ trì Bát quan trai giới.

Giấc mộng của hoàng hậu Mahāmāyā

Vào canh cuối của đêm trăng tròn ấy, khi đang nằm trên chiếc trường kỷ lộng lẫy và thọ trì Bát quan trai giới, hoàng hậu Sirī Mahā Māyā bỗng chìm vào giấc ngủ ngắn và trải qua một giấc mộng báo hiệu sự nhập thai của Bồ tát như sau:

Bốn vị Thiên vương (Catummahārājā) đến nhấc chiếc trường kỷ và đưa hoàng hậu đến hồ Anotatta ở Himalaya. Rồi bà được đặt trên mặt một tảng đá bằng phẳng có kích thước sáu mươi do tuần, dưới bóng cây Sala cao bảy do tuần. Sau đó, bốn vị hoàng hậu của bốn vị thiên vương xuất hiện, đưa hoàng hậu Mahāmāyā xuống hồ Anotatta và tắm cho bà thật sạch sẽ. Rồi họ mặc cho hoàng hậu y phục cõi thiên và tô điểm cho bà với những đóa hoa trời xinh đẹp. Rồi họ đặt bà nằm trở lại, đầu hướng đông, trong căn phòng của tòa lâu đài vàng nằm trong ngọn núi bạc, không xa hồ Anotatta.

Ngay lúc ấy, trong giấc mơ bà trông thấy một con voi thuần trắng đang gặm cỏ quanh núi vàng, gần núi bạc nơi có tòa lâu đài bằng vàng mà bà đang nằm ngủ ở trong. Rồi con bạch tượng đi xuống từ núi vàng, bước lên núi bạc và đi vào lâu đài bằng vàng. Khi ấy con bạch tượng đi quanh hoàng hậu theo chiều kim đồng hồ, rồi đi vào thai bào của hoàng hậu từ hông bên phải.

Sự thọ sanh của Bồ tát

Khi hoàng hậu đang nằm mộng như vậy, thì vị thiên Bồ tát Setaketu đang dạo quanh khu vườn Nandavana ở cõi Tusitā, đang thọ hưởng sắc thinh khả ái; và ngay lúc đó Bồ tát mạng chung từ cõi chư thiên với tâm hoàn toàn giác tỉnh. Ngài thọ sanh vào bào thai như hoa sen của mẹ bằng tâm Đại quả (mahāvipāka citta) – một trong 19 tâm tục sanh (paṭisandhi citta), kết quả của tâm đại thiện (mahākusala citta), câu hành hỉ (somanassa sahagata), tương ưng trí (ñāṇa sampayutta), vô trợ hay tự phát (asaṅkhārika) và được tạo ra bởi trạng thái chuẩn bị (parikamma bhāvanā) của thiền Tâm Từ (mettā jhāna). Sự kiện ấy xảy ra vào sáng thứ năm ngày rằm, tháng Āsāḷha năm 67, lịch Mahā Era do vua Añjana, ông nội của Bồ tát lập nên. Bồ tát thọ sanh đúng vào lúc mặt trăng giao hội với chòm sao Uttarāsāḷha.

(Năm tháng, ngày thọ sanh và đản sanh của Bồ tát được nêu ra theo đúng với cách tính trong các tác phẩm tục sự về khoa chiêm tinh và biên niên sử của các vị vua. Các bộ kinh Pāḷi, Chú giải và Phụ chú giải đều không đề cập về vấn đề này. Bộ Gotamapurāṇa cho rằng năm thứ 2570 của thời kỳ kaliyuga là năm sanh của Đức Phật Gotama).

Đại địa chấn động

Ngay vào lúc Bồ tát thọ sanh, đại địa chấn động dữ dội. Mười ngàn thế giới rung chuyển và chao đảo theo sáu cách sau đây:

(1) Mặt đất nổi phồng ở hướng Đông và chìm xuống ở hướng Tây.

(2) Mặt đất nổi phồng ở hướng Tây và chìm xuống ở hướng Đông.

(3) Mặt đất nổi phồng ở hướng Bắc và chìm xuống ở hướng Nam.

(4) Mặt đất nổi phồng ở hướng Nam và chìm xuống ở hướng Bắc.

(5) Mặt  đất  nổi phồng ở chính giữa và chìm xuống ở chung quanh.

(6) Mặt đất nổi phồng ở chung quanh và chìm xuống ở chính giữa.

Ba mươi hai hiện tượng khác thường

Thêm nữa, cùng với sự thọ sanh của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài xuất hiện ba mươi hai hiện tượng khác thường, là thông lệ đối với chư Bồ tát trong kiếp chót. Qua các hiện tượng kỳ diệu này, các bậc trí có thể biết được rằng: “ Vị Bồ tát đã thọ sanh.” Ba mươi hai hiện tượng báo trước này được kể ra trong phần giới thiệu của Chú giải Bổn sanh như sau:

(1) Ánh sáng rực rỡ tối thắng chiếu khắp mười ngàn thế giới.

(2) Người mù được sáng mắt vào lúc ấy, tựa như họ muốn trông thấy oai lực của vị Bồ tát.

(3) Người điếc cũng nghe được vào lúc ấy.

(4) Người câm nói được vào lúc ấy.

(5) Người khuyết tật trở lại bình thường vào lúc ấy.

(6) Người què có khả năng đi được vào lúc ấy.

(7) Chúng sanh bị giam giữ, cột trói, đều thoát khỏi lao tù, xiềng xích.

(8) Lửa trong mọi địa ngục đều tắt.

(9) Những chúng sanh ở cõi ngạ quỹ đều thoát khỏi đói khát.

(10)  Muôn thú thoát khỏi hiểm nguy.

(11)  Tất cả chúng sanh có bệnh đều được bình phục.

(12)  Chúng sanh nói lời thân ái với nhau.

(13)  Loài ngựa hí vang trong niềm hân hoan.

(14)  Loài voi cũng rống lên tiếng rống hay nhất của chúng.

(15)  Tất cả các loại nhạc khí như đàn hạc, kèn, v.v… đều tự phát ra tiếng nhạc rộn rã.

(16)  Các vật trang sức trên người chúng sanh như vòng cổ, vòng đeo tay, v.v… đều phát ra tiếng kêu thanh tao mà không cần chạm vào nhau.

(17)  Tất cả mọi cảnh vật trong khắp các hướng đều trở nên thông suốt và rõ ràng.

(18)  Gió thổi hiu hiu đem lại sự an bình và thoải mái cho tất cả chúng sanh.

(19)  Mưa sái mùa rơi nặng hạt.

(20)  Những luồng nước ngầm thoát ra khỏi lòng đất và chảy đi khắp các hướng.

(21)  Trên trời không có chim bay (thời điểm đó không có chim bay trên không trung).

(22)  Nước ở các con sông, suối đều ngưng chảy “ như người hầu sợ hãi ngưng di chuyển khi nghe tiếng la của ông chủ.”

(23)  Nước mặn ở dưới biển vào lúc ấy trở nên ngọt.

(24)  Mặt sông hồ ở khắp nơi đều được phủ đầy năm loại hoa sen ba màu.

(25)  Tất cả các loại hoa ở dưới nước và trên đất đồng loạt nở rộ vào lúc ấy.

(26)  Hoa ở trên thân cây (khandha paduma) nở thắm tuyệt đẹp.

(27)  Hoa ở trên cành (sākhā paduma) cũng nở thắm tuyệt đẹp.

(28)  Hoa ở trên các dây leo (latā paduma) cũng nở thắm tuyệt đẹp.

(29)  Những cụm hoa (daṇḍa paduma) hiện lên từ những tảng đá lớn và nở ra đủ bảy tầng.

(30)  Hoa sen của chư thiên rơi từng chùm xuống mặt đất.

(31)  Mưa hoa rơi xuống liên tục khắp vùng.

(32)  Các nhạc cụ chư thiên tự nhiên trỗi nhạc.

Trong chương nói về lịch sử của hai mươi bốn vị Phật, mỗi vị Phật lúc thọ sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót của các Ngài đều có xảy ra ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu này.

Các vị Bà-la-môn thông thái tiên đoán điềm mộng của hoàng hậu

Khi hoàng hậu Sirī Mahāmāyā thức dậy, bà kể lại giấc mộng  của bà với vua Suddhodana.

Sáng hôm sau vua Suddhodana cho triệu tập sáu mươi bốn vị Bà-la-môn thông thái bậc thầy, mời họ ngồi trên những chỗ ngồi đã được sửa soạn dành cho những bậc cao quí và trên nền đất đã được trát phân bò bằng phẳng và mặt trên có rải bánh tráng, hột nổ và những thứ khác để tỏ dấu hiệu tôn kính. Đức vua cũng dâng cúng đến các vị Bà-la-môn món cơm sữa được nấu bằng sữa tươi , mật ong và đường đựng trong những cái tô bằng vàng có nắp đậy bằng vàng và bạc. Đức vua còn tặng cho họ những bộ y phục mới, những con bò sữa, và những hình thức tôn kính khác để làm cho họ thỏa mãn và hài lòng.

Sau khi đã thết đãi các vị Bà-la-môn và tôn kính họ khiến họ được vui vẻ thỏa mãn, đức vua Suddhodana cho người kể lại giấc mộng của hoàng hậu rồi hỏi họ rằng: “ Giấc mộng như vậy báo điềm gì? Hên hay xui? Hãy giải thích cho trẫm rõ.”

Sau khi đã phân tích tỉ mỉ những chi tiết của giấc mộng, các vị Bà-la-môn tâu rằng: “ Tâu đại vương, hãy yên tâm. Hoàng hậu đã có thai. Bệ hạ chắc chắn sẽ có một người con trai. Nếu khi lớn lên hoàng tử chọn cuộc đời đế vương thì hoàng tử chắc chắn sẽ trở thành vua Chuyển luân trị vì khắp bốn châu thiên hạ. Nếu hoàng tử từ bỏ đời sống gia đình, xuất gia làm Sa-môn, thì chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác, phá tan mọi phiền não trong tam giới.”

Sự bảo vệ của các vị Thiên vương

Từ lúc Bồ tát thọ sanh, vị thiên vương (Catumahārājā), tên Vessavana và những vị khác sống trong cõi sa bà này, đến phòng của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā và liên tục bảo vệ ngày đêm. Mỗi vị cầm một cây đại đao để trấn giữ, ngăn chặn các loài dạ xoa và Atula, các loại chim thần và thú thần mà Bồ tát và hoàng hậu có thể nghe hoặc thấy. Bằng cách này, bốn chục ngàn vị thiên vương trong mười ngàn thế giới, canh giữ toàn thể không gian từ những cánh cửa phòng của hoàng hậu đến tận cùng của thế giới, đuổi đi các loài quỉ dữ, các loài dạ xoa, v.v…

Bảo vệ như vậy không phải vì e ngại ai đó làm hại đến tính mạng của Bồ tát và hoàng hậu; dù mười trăm ngàn triệu Ma-vương đem mười trăm ngàn triệu quả núi Tu-di (Meru) để đe dọa mạng sống của Bồ tát trong kiếp chót và mẹ của ngài, chắc chắn tất cả sẽ bị tiêu diệt, Bồ tát và mẹ của ngài sẽ bình an, vô hại.

Sự bảo vệ chỉ là phòng ngừa những cảnh và âm thanh trái ý, không vừa lòng có thể gây ra sự lo lắng và sợ hãi cho hoàng hậu. Một lý do khác, các vị thiên vương bảo vệ Bồ tát vì oai lực của Ngài làm khởi dậy sự tôn kính và ngưỡng mộ trong họ.

Một câu hỏi có thể được đặt ra là liệu các vị thiên vương đến bảo vệ hai mẹ con của Bồ tát, họ có hiện hình cho bà trông thấy không? Câu trả lời là họ không hiện ra khi bà đang tắm, làm sạch thân thể, đang mặc y phục và đang độ thực. Họ chỉ hiện ra cho bà thấy khi bà đi vào phòng và nằm trên chiếc trường kỹ quí báu.

Hình ảnh của các vị thiên vương có thể làm cho người bình thường phải sợ hãi; nhưng do oai đức của Bồ tát và hoàng hậu, bà không chút sợ hãi khi thấy họ. Bà thấy họ như thấy các dũng sĩ hoàng cung quen thuộc.

Sự thọ trì kiên định các giới hạnh

Mẫu thân của Bồ tát trong kiếp cuối của Ngài luôn thọ trì giới rất trong sạch. Trước khi Đức Phật xuất hiện, dân chúng thường thọ trì giới từ những vị du sĩ bằng cách thành kính quỳ lạy họ. Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā trước khi thọ thai Bồ tát, cũng thường thọ giới từ ẩn sĩ Kāḷadevila. Nhưng khi Bồ tát bắt đầu thọ sanh trong bào thai của bà thì việc bà quỳ lạy bất cứ ai không còn thích hợp nữa. Giới chỉ được thọ trì từ người có giới ngang bằng hoặc cao hơn, không phải người có giới thấp hơn. Từ lúc thọ thai Bồ tát, hoàng hậu tự mình thọ giới. Điều cần lưu ý, ở đây là giới tự nhiên phát sanh trong người của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā nên bà không cần phải xin giới từ đạo sĩ Kāḷadevila.

Không có tình dục

Mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài, từ lúc bà mang thai hoàn toàn không có dục tâm đối với bất cứ người đàn ông nào, ngay cả đối với cha của Bồ tát. Bản tánh tự nhiên của bà trong giai đoạn ấy là hoàn toàn trong sạch, vô nhiễm. Ngược lại, không thể nói rằng những kẻ phàm phu không sanh khởi dục tâm khi trông thấy sắc tướng của bà. Do oai đức của các pháp Ba-la-mật và các việc phước mà hoàng hậu đã tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp, bà có sắc đẹp siêu phàm, dung mạo tao nhã mà không một họa sĩ tài ba hay một điêu khắc gia lão luyện nào có thể vẽ hoặc tạc lại hình ảnh của bà một cách trung thực và chính xác.

Khi trông thấy hoàng hậu như vậy, nếu kẻ nhìn ngắm cảm thấy chưa thỏa mãn, hoặc nếu họ cố gắng đến gần bà do sự thôi thúc của ái dục, thì chân của họ sẽ bị chôn chặt tại chỗ, tựa như họ bị trói xiềng bởi những sợi xích sắt. Do đó, cần ghi nhớ rằng, mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài là một trang thục nữ cao quý, có một không hai, không thể bị xâm phạm bởi bất cứ ai dù là người hay chư thiên.

Bào thai của người mẹ giống như một bảo tháp

Bào thai kiết tường nơi Bồ tát ngự, thiêng liêng như bảo tháp mà không một ai khác xứng đáng ở trong đó. Ngoài ra, khi mẹ của Bồ tát còn sống thì không có người phụ nữ nào khác, ngoài chính bà có thể được tôn phong địa vị cao nhất là chánh hậu. Do đó, bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát thì quy luật tự nhiên là hoàng hậu sẽ tái sanh vào cõi Tusitā (Đâu-suất-đà). Bào thai giống như hoa sen của hoàng hậu Mahāmāyā, nơi Bồ tát ngự tựa như chứa đầy những viên kim cương lấp lánh.

Dâng tặng các lễ vật

Hay tin tốt lành rằng chánh hậu Mahāmāyā của vua Suddhodana, bậc trị vì vương quốc Kapilavatthu, đã thọ thai một hoàng tử có đầy oai lực, các vị vua khắp nơi xa gần đều gởi đến những món quà tặng có giá trị nhất như vải vóc, vật trang sức, dụng cụ âm nhạc, v.v… có thể làm Bồ tát hoan hỉ. Do quả phước của Bồ tát và mẹ của ngài trong những kiếp quá khứ, những lễ vật đến từ khắp nơi nhiều không kể xiết.

Người mẹ nhìn thấy đứa con trong bụng

Tuy hoàng hậu Mahā Māyā mang thai Bồ tát nhưng bà không bị khổ như những phụ nữ mang thai khác như chân tay bị sưng phồng, đau đớn, nặng nề, v.v… Do không bị những sự khó chịu này, bà dễ dàng vượt qua được thời kỳ thai nghén đầu tiên. Đến thời kỳ thứ hai, khi phôi thai hình thành đầy đủ năm phần chính của con người, bà thường ngắm nhìn đứa bé để xem liệu có đang ở vị trí thuận tiện, thích hợp và nếu không, thì có những phương thức chăm sóc đặc biệt theo cách của những người mẹ. Bất cứ khi nào ngắm nhìn, bà đều thấy rõ Bồ tát như sợi chỉ ngũ sắc xuyên qua viên ngọc tám cạnh, xinh đẹp và trong suốt; hoặc bà thấy Ngài đang ngồi kiết già trầm tịnh tựa vào xương sống của người mẹ, như vị pháp sư ngồi trên pháp tòa tựa vào lưng ghế.

Việc nhìn thấy được Bồ tát

Sở dĩ hoàng hậu Mahāmāyā từ bên ngoài có thể nhìn thấy được người con đang ở trong bào thai như hoa sen là do oai đức của các việc phước mà bà đã thực hiện trong nhiều kiếp quá khứ. Da sạch sẽ và láng mịn khác thường, không chút tỳ vết. Da ở vùng bụng của bà cũng sạch sẽ, láng mịn và trong suốt như tấm kính. Như vậy mẹ của Bồ tát có thể thấy thai nhi bằng mắt thường của bà xuyên qua lớp da mỏng trên bụng như món bảo vật đựng trong cái hộp bằng pha lê.

Chú ý: Dù hoàng hậu Mahāmāyā có thể trông thấy đứa con trong bụng của bà nhưng người con, Bồ tát thì không thể trông thấy mẹ của mình vì nhãn thức của Ngài (cakkhuviññāṇa) chưa phát triển đầy đủ trong khi còn ở trong bụng mẹ.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app