Sự chứng ngộ Tam minh: Pu, Di, Ā

Sau khi chiến thắng Ma vương Vasavatti, cũng được gọi là Devaputta Māra, vào ngày rằm tháng tư, năm 103 Mahā Era, trước khi mặt trời lặn, Bồ tát lần lượt chứng ngộ Tam minh (vijja): Túc mạng minh (pubbenivasanussati-ñāṇa) trong canh đầu, Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-ñāṇa) trong canh hai và Lậu tận minh (āsavakkhaya- ñāṇa) trong canh cuối của đêm, và chứng đắc Phật quả trong chính canh cuối ấy của đêm rằm tháng Vesakha. Những biến cố này được mô tả như sau:

Sự chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivasanussati-abhiññā)

Những tiến trình danh sắc đã xảy ra trong quá khứ. Niết bàn được chứng ngộ từ những tiến trình danh sắc này; những tên riêng hay họ tộc của một người, v.v… chỉ là những từ chế định – Tất cả những điều này (thuộc về quá khứ) được gọi theo từ Pāḷi là ‘Pubbenivasa’. Thắng trí hay thần thông (abhiññā) đi chung với pubbenivasa thì được gọi là Pubbennivasanussati-abhiññā – Trí biết rõ những kiếp quá khứ. Đức Phật thuyết giảng loại trí này là Minh thứ nhất (Vijjā-ñāṇa). Vijjā-ñāṇa được các Chú giải sư tiền bối gọi tắt là Pu – hai mẫu tự đầu tiên của chữ Pubbennivasanussati-ñāṇa. Sau đây là bài mô tả chi tiết về cách giác ngộ Minh thứ nhất (Vijjā-ñāṇa) của Bồ tát:

Khi Bồ tát ngồi trên Vô địch bảo tọa, đầy hân hoan và hạnh phúc sau khi chiến thắng Ma vương Vasavati, chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới, bao gồm chư thiên địa cầu đều đi đến Bồ tát hội họp và dõng dạc hô to rằng: “Này các bạn, chư thiên và Phạm thiên, sự chiến thắng của Bồ tát và sự thất bại của Ma vương đã rõ ràng. Chúng ta hãy cùng nhau tổ chức lễ tôn vinh chiến thắng của Bồ tát và sự chứng đắc Phật quả sắp đến của người.”

Vào lúc ấy, mặt trời, rộng năm mươi do tuần, rực rỡ với ngàn tia sáng, sắp biến mất như bánh xe bằng vàng chìm vào dòng nước xoáy của đại dương. Bánh xe mặt trăng, rộng bốn mươi do tuần, đem lại sự mát mẻ, tỏa ra những chùm tia sáng, làm sáng rực toàn thể thế giới, đang chầm chậm đi lên từ đại dương có màu sữa ở về hướng đông, như bánh xe bằng bạc được ném lên không trung. Giữa trời đất bao la, Bồ tát trông rất rực rỡ, màu vàng trên thân của Ngài làm cho mô đất dưới cội cây bồ-đề và tất cả vạn vật ở quanh đó tựa như được thấm nhuần trong ánh sắc vàng ấy. Ngồi kiết già ung dung trên Vô địch bảo tọa dưới cội cây bồ-đề được ví như cái lọng làm bằng những viên ngọc Indanila quý giá, Bồ tát quán xét về Pháp. (Chi tiết về sự quán Pháp của Bồ tát sẽ được trình bày sau).

Sự tôn vinh vĩ đại của chư thiên và Phạm thiên

Lúc bấy giờ, tại cõi Ba-mươi-ba (Tāvatiṁsa deva), Sakka cầm cái tù-và Vijayuttara dài 120 do tuần và thổi vang để triệu tập chư thiên và Phạm thiên. Âm thanh chiếc tù-và của vị ấy có thể nghe xa đến mười ngàn do tuần trong cõi chư thiên. Khi thổi chiếc tù-và Vijayuttara liên tục, Đế thích vừa thổi vừa chạy nhanh đến cây bồ-đề. (Không chỉ Đế thích của vũ trụ này mà tất cả Đế thích của mười ngàn thế giới khác cũng liên tục thổi những chiếc tù-và của họ khi đang đi đến Bồ tát).

Đại phạm thiên đến và tôn kính bằng cách cầm cái lọng trắng mà đã bị bỏ lại trên đỉnh núi Cakkavāla và đứng che trên đầu của Bồ tát. (Tất cả những vị Đại phạm thiên từ mười ngàn thế giới khác cũng đến và đứng cầm những chiếc lọng trắng của họ, chiếc này sát chiếc kia, dày đặc không có kẽ hở).

Suyama, thiên vương của cõi Dạ-ma (yāmā) cũng đến và đứng gần Bồ tát, tôn kính Ngài bằng cách đứng quạt cho Ngài bằng chiếc quạt phất trần dài ba gavuta. (Tất cả chư thiên cõi yāmā từ mười ngàn thế giới khác cũng đến tôn vinh, mỗi vị cầm một cái phất trần, họ đứng đầy cả thế giới này).

Santusita, thiên vương của cõi Đâu suất đà (Tusitā) cũng đến và tôn vinh Bồ tát bằng cách đứng quạt cho Ngài  bằng cái quạt tròn  được cẩn những viên hồng ngọc, cái quạt rộng ba gāvuta. (Tất cả chư thiên Tusitā từ mười ngàn thế giới khác cũng đến tôn vinh, mỗi vị cầm một cái quạt tròn bằng hồng ngọc, đứng đầy cả thế giới này).

Vị thiên Pañcasika cũng đến mang theo cây đàn luýt Beluva cùng với nhóm vũ nữ chư thiên, và tôn vinh bằng cách múa hát và tấu nhạc. (Tất cả những vũ nữ chư thiên từ mười ngàn thế giới khác cũng đến và tôn vinh bằng cách múa, hát và tấu nhạc).

Hơn nữa, tất cả chư thiên nam nữ trú ngụ trong mười ngàn thế giới đều cu hội về thế giới này và đứng ở vùng chung quanh để làm lễ tôn vinh. Một số đứng cầm cái cổng hình cung bằng châu báu, số khác đứng vòng tròn tạo thành một nhóm riêng, một số mang đến những  vật cúng dường được làm bằng bảy loại châu báu, một số cầm những cây chuối bằng vàng, một số cầm những lâu đài rực rỡ, một số cầm những cái quạt bằng lông đuôi của con bò Tây tạng, một số cầm những chiếc gậy hích (để điều khiển voi), một số cầm những cặp cá chép, một số cầm những bông hoa Anh thảo (loại hoa dại màu vàng nhạt nở vào mùa xuân), những cái bệ tròn bằng vàng, những cái bát chứa đầy nước, những cái bình đầy nước, những cái tù và, những cái chân đèn dầu bằng hồng ngọc, những tấm gương bằng vàng, những tấm gương bằng loại đá studded, những tấm gương có cẩn bảy loại châu báu, những đèn dầu bằng đá hồng ngọc, các loại cờ phướn, và những cây như ý. Tất cả chư thiên trong mười ngàn thế giới đều đến, họ hóa ra những nghệ sĩ chư thiên, và cúng dường Bồ tát bằng điệu múa, bài ca, thiên hoa, trầm hương và bột thơm. Lúc bấy giờ, toàn thể không trung đầy những trận mưa hoa và vật thơm đang đổ xuống địa cầu.

Lễ tôn vinh và cúng dường to lớn này được chư thiên và Phạm thiên tự nguyện thực hiện vì tâm của họ hân hoan với niềm tin rằng: “Khi vị Bồ tát này chứng đắc Phật quả, chúng ta chắc chắn sẽ được cơ hội nghe Pháp từ nơi Ngài, và nhờ đó mà nhận được pháp siêu thế bất tử là Đạo Quả và Niết bàn; và chúng ta sẽ có được hỉ (pīti) nhờ trú tâm vào chín Pháp siêu thế (bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn). Chúng ta cũng sẽ chứng kiến tất cả những pháp thần thông, là những cảnh đem lại hoan hỉ cho mắt. Đức Phật, bằng cách thuyết giảng cho chúng ta Pháp Bất tử, sẽ đem lại cho chúng ta sự giải thoát khỏi sanh (jāti), già (jarā), bịnh (vyādhi), chết (marāṇa), sầu (soka), than (parideva), khổ (dukkha), ưu (domanassa) và não (upāyāsa).

Dù chư thiên và Phạm thiên tôn vinh và cúng dường Ngài bằng sự tôn kính và đầy hoan hỉ, kín cả mười ngàn thế giới với lý do trên và Ngài tận mắt nhìn thấy những hành động tôn kính phi thường bằng đủ mọi cách. Tuy nhiên, Bồ tát không lấy đó mà vui sướng và luyến ái chút nào cả, Ngài hoàn toàn không chú ý đến tất cả những sự tôn kính ấy. Ngài chỉ trú trong Pháp là nơi nương tựa duy nhất của Ngài.

Dãy núi Cakkavāla nâng đỡ cho Bồ tát khi Ngài đang ngồi như vậy, giống như tấm màng che và bầu trời bao la ở bên trên với vô vàn tinh tú giống như cái lọng được cẩn những ngôi sao bằng vàng và bạc. Mười ngàn thế giới với bảy cõi hạnh phúc của nó (sugati bhumi), giống như lâu đài lớn với bảy tầng. Gò đất cao dưới cội cây bồ-đề giống như cái lọng lớn được làm bằng bảy loại đá quý – tất cả đều ở bên trong cung điện bảy tầng này của mười ngàn thế giới.

Trong khi Bồ tát đang ngồi trên Vô địch bảo tọa giống như đại pháp tọa, ở trên mô đất cao của cây đại bồ-đề giống như đại giảng đường, được che mát ở bên trên bởi cây đại bồ-đề cao 100 hắc tay và rộng một trăm hắc tay, trông như chiếc lọng lớn được trang trí bởi các loại ngọc lục bảo, Ngài không chú ý đến chư thiên và Phạm thiên ở quanh Ngài đang đứng đầy cả mười ngàn thế giới và đang tôn kính cúng dường Ngài vì Ngài đang quán xét về Pháp, sự tinh tấn (viriya) của Ngài không thối giảm và rất kiên định, niệm (sati) của Ngài vững chắc và trong sáng, và thân tâm của Ngài rất an tịnh. Do đó, Ngài chứng và trú trong Sơ thiền sắc giới (rūpavacara).

Dòng tâm của Bồ tát an trú trong sơ thiền, hoàn toàn thoát khỏi năm triền cái (nivarana) và xa lìa ngũ dục (vatthu-kāma), phiền não dục (kilesa-kāma); hỉ (pīti) và lạc (sukha) sanh khởi trong Ngài rất sung mãn.

Lại nữa, khi Bồ tát chứng và trú trong nhị thiền sắc giới (rūpavacara), dòng tâm của Ngài thoát khỏi tầm và tứ (vitakka và vicara); nội tâm thanh tịnh và trong sáng và định của Ngài tuyệt đối vững chắc, pīti và sukha của Ngài được gia tăng.

Lại nữa, khi Bồ tát chứng và trú trong tam thiền sắc giới (rūpavacara), ngay cả pīti mà đã hiện khởi trong dòng tâm của Ngài cũng biến mất và Ngài chỉ trú trong lạc thọ (sukha-vedanā). Hoàn toàn xa lìa cả lạc thọ ấy ở đỉnh cao của nó, Ngài được thấm nhuần trong trạng thái trung bình xả (tatramajjhattatā) hoặc thiền xả (jhānupekkhā). Niệm của Ngài trở nên trong sáng và tuệ của Ngài rất nhạy bén.

Lại nữa, khi Bồ tát chứng trú trong tứ thiền sắc giới (rūpavacara), vì Ngài đã loại trừ khổ và lạc của thân và tâm ra khỏi dòng tâm của Ngài, Ngài trú trong xả thọ (upekkhā-vedanā) và nhìn ngắm ngũ dục với tâm an tịnh. Do năng lực của upekkhā-vedanā này và tatramajjhattatā, và các sở hữu tâm như niệm, v.v… là những chi pháp của Tứ thiền, trong sáng như ánh trăng rằm.

Tám đặc tánh trong dòng tâm của Bồ tát

Nếu xét đến dòng tâm của Bồ tát xuất phát từ lòng tịnh tín, chúng ta sẽ thấy rằng suốt sáu năm Ngài thực hành khổ hạnh (dukkaracariya); dòng tâm của Ngài cực kỳ thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi ba tà tư duy (miccha-vitakka) là dục tầm (kama-vitakka), sân tầm (vyapada-vitakka) và hại tầm (vihimsa-vitakka), khiến ma vương không thể tìm thấy cơ hội để chỉ trích Ngài. Lại nữa, khi Ngài trải qua thời gian trong rừng cây sala vào ngày rằm tháng Vesakha, ngày mà Ngài đắc quả vị Phật, dòng tâm của Ngài thật đáng kính ngưỡng vì bát thiền làm cho thanh tịnh. Hơn nữa, khi tất cả chư thiên và Phạm thiên từ khắp từ khắp mười ngàn thế giới đến cu hội ở thế giới này và tôn kính cúng dường Bồ tát trong khi Ngài đang ngồi trên Vô địch bảo tọa sau khi chiến thắng Ma vương Devaputta, Ngài không chú ý đến họ, chỉ chú tâm vào việc thực hành Pháp. Và như thế, dòng tâm của Bồ tát, bậc đã chứng đắc và an trú trong tứ thiền sắc giới (rūpavacara) – (nét đặc thù của những bậc có trí tuệ nhạy bén) có  năng lực định tâm tăng lên rất mạnh nhờ định vào tứ thiền sắc giới, dòng tâm ấy mang tám đặc tánh như sau:

(1)   Do trạng thái tâm tứ thiền sắc giới (rūpa jhāna cittuppāda) rất thanh tịnh, dòng tâm hoàn toàn thanh tịnh suốt quá trình họat động.

(2)   Do sự thanh tịnh như vậy, dòng tâm có tính chất chói sáng như vàng ròng mới được chùi bóng.

(3)   Sau khi đã loại bỏ hỉ lạc (sukha somanassa), là nguyên nhân của tham (lobha), và sau khi loại bỏ ưu khổ (dukkha domanassa), là nguyên nhân của sân (dosa), dòng tâm thoát khỏi các trạng thái ô nhiễm là lobha và dosa.

(4)  Tham và sân được đoạn trừ dẫn đến các tùy phiền não (upakkilesa) cũng được đoạn trừ.

(5)   Tâm được kiểm soát bởi năm pháp tự tại (vāsibhāva), và được điều phục bởi mười bốn cách, nên dòng tâm của Bồ tát trở nên nhu nhuyến, tế nhị dễ phục tùng theo những ước muốn của Ngài, như miếng da được khéo thuộc hay như khối cây được khéo chế biến.

(6)   Nhờ tánh chất mềm dẽo như vàng ròng khéo tinh luyện, dễ kéo thành sợi và dễ dát mỏng để làm ra các vật trang sức, dòng tâm ấy dễ phục tùng theo những ước muốn của Bồ tát, giúp Ngài dễ dàng thành tựu tất cả các loại thần thông như nhớ lại, thấy rõ các sự kiện trong những kiếp quá khứ, hoặc thấy bằng thiên nhãn các vật ở cách xa, các vật tinh vi và ẩn khuất.

(7) Sau khi dòng tâm đã được khéo tu tập để không bị mất đi những đặc tánh trên, hoặc nhu nhuyến và thích ứng để đem lại sự thành tựu bất cứ điều gì được mong muốn nên dễ phục tùng theo ước muốn của Bồ tát.

(8) Sau khi được an trú vững chắc như vậy, tâm của Ngài hoàn toàn kiên cố; hay nhờ an trụ như vậy, dòng tâm của Ngài rất mạnh về đức tin (saddhā), tinh tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi), và ánh sáng của trí tuệ (paññā). Do đó, không hề có sự dao động của tâm xảy ra do thiếu đức tin, lười biếng, dể duôi, phóng dật, vô minh và bóng tối khởi sanh từ các phiền não. Nói cách khác, sự thiếu đức tin, v.v… không thể len lỏi vào dòng tâm của Bồ tát.

Cách trình bày khác

(1) Dòng tâm của Bồ tát được khéo an trú trong tứ định. (2) Dòng tâm hoàn toàn thanh tịnh nhờ thoát khỏi năm triền cái (nivarana). (3) Sau khi đã vượt qua các chi thiền thô thiển (jhānanga) như tầm (vitakka), v.v… dòng tâm được thanh tịnh và trong sáng tựa như sắp phát sáng.

(4)     Dòng tâm thoát khỏi các phiền não như mạn (māna), gian dối (māya),  phản  bội  (sāṭheyya),  v.v…  thường  khởi  sanh  do  sự  chứng thiền. (5) Dòng tâm ấy cũng thoát khỏi trạng thái tham dục (abhijjhā), v.v… là nguyên nhân của các tùy phiền não (upekkilesa). (6) Dòng tâm trở nên dễ phục tùng sau khi đạt được năm pháp tự tại (vasibhāva). (7) Sau khi trở thành nền tảng cho các loại thần thông (iddhi), dòng tâm đạt đến khả năng làm thành tựu mọi điều mong ước của Bồ tát. (8)  Sau khi được hoàn thiện do bởi sự tu tập (bhāvanā), dòng tâm của Ngài trở nên bất động và được an trú vững chắc.

Tâm của bồ tát có được tám đức tánh như vậy nên sẽ dễ dàng giác ngộ các pháp cần được giác ngộ nhờ thắng trí (abhiññā). Khi tâm hướng về đối tượng abhiññā, thì những tốc lực tâm thắng trí (abhiññā- javana) khởi sanh một cách dễ dàng.

(1)   Sự chứng đắc Túc mạng thông (Pubbenivāsanussati- abhiññā) (Vijjañāna – Minh thứ nhất)

Dòng tâm có tám đặc tánh kể trên, rất thanh tịnh và trong suốt, Thắng trí (abhiññā-javana) dễ dàng khởi sanh trong trạng thái hoàn hảo khi tâm hướng đến đối tượng của abhiññā-javana. Bồ tát hướng tâm đến Túc mạng thông (pubbenivasanussati-abhiññā), là thắng trí có thể nhớ lại những hoạt động, những sự kiện và những kinh nghiệm trong quá khứ. Thế nên, pubbenivasanussati-abhiññā đã khởi sanh trong Ngài một cách dễ dàng. Qua thần thông ấy, Ngài nhớ lại và thấy tất cả những hoạt động, những sự kiện và những kinh nghiệm trong những kiếp quá khứ từ kiếp trước cho đến kiếp Ngài sanh làm đạo sĩ Sumedha. Ngài cũng nhớ lại nhiều kiếp và nhiều đại kiếp xa hơn, rồi lần lượt quay trở về kiếp gần nhất là kiếp Ngài sanh vào làm vị thiên có tên gọi là Setaketu.

(Loại thắng trí này được chứng đắc trong canh đầu của đêm. Ở đây, có nghi vấn là làm sao có thể biết được những điều xảy ra và những kinh nghiệm trong rất nhiều kiếp quá khứ chỉ bằng một tốc lực tâm thắng trí (abhiññā-javana) khởi sanh chỉ một lần trong một lộ trình tâm (vithi).

Câu trả lời: Tuy chỉ có khởi sanh một tốc lực thắng trí trong một lộ trình tâm, nhưng si mê (moha) mà đã che lấp những sự kiện xảy ra và những kinh nghiệm trong những kiếp quá khứ ấy đã bị đoạn diệt do bởi tốc lực tâm ấy. Tất cả các loại biến cố và kinh nghiệm của những kiếp quá khứ được nhớ lại chỉ ngay sau đó bằng lộ trình quán sát (paccavekkhanā-vīthi) theo sau lộ trình thắng trí (abhiññā-vīthi).

Đức Bồ tát lần lượt nhớ lại những kiếp quá khứ nhờ Túc mạng minh (Pubbenivasanussati Vijjāñāṇa), cũng đắc được những thắng trí mà có thể quả quyết rằng Ngài sẽ chứng đắc Đạo Quả siêu thế (lokuttarā magga-phala) bằng thông đạt tuệ như vầy:

“Chỉ có những hiện tượng danh-sắc (nāma-rūpa) trong vô số kiếp luân hồi; sự bắt đầu của vòng luân hồi hay khởi thủy của kiếp sống không thể biết được. Trong ba giai đoạn: sanh, tồn tại và tử, chỉ có hai hiện tượng nāma và rūpa mà thôi. Quả thật vậy, trong tất cả các cõi và trong mọi lúc, hiện tượng nāma-rūpa ở trong trạng thái trôi chảy liên tục, như ngọn lửa của cây đèn dầu hay như dòng nước của con sông, và qua sự nối tiếp nhau của nhân và quả, chỉ có dòng nāma- rūpa làm thành tựu nhiều phận sự khác nhau như thấy cảnh sắc, nghe cảnh thinh, v.v… ở sáu cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và như vậy làm khởi sanh nhiều loại biểu tri (viññatti) bởi cử động của thân và sự diễn đạt bằng lời. Trên thực tế, không có một nhân vật hữu tình nào được gọi là ‘ta’, ‘anh ta’, ‘người đàn ông’, v.v… Quả thật vậy, không có vị thiên, Ma vương hay Phạm thiên nào có thể tạo ra một chúng sanh hữu tình như vậy.”

Qua Túc mạng trí (Pubbenivasanussati-ñāṇa), Bồ tát tạm thời đoạn trừ (vikkhambhana-pahāna) hai mươi ngã kiến; đó là bốn ngã kiến liên quan đến sắc uẩn – sắc là ta; ta có sắc; sắc hiện hữu trong ta; ta hiện hữu trong sắc và tương tự, thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy. Như vậy, Ngài cũng đã loại trừ si mê (moha) mà đã xảy ra trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ.

(2)   Sự chứng đắc Thiên Nhãn Thông (Dibbacakkhu-abhiññā) (Vijjañāna – Minh thứ hai)

Sau khi Đức Bồ tát đã chứng đắc Túc mạng minh (pubbenivasanussati-abhiññā) trong canh đầu của đêm, Ngài nhớ được nhiều sự kiện trong quá khứ và nhiều kiếp quá khứ, và sau khi đoạn trừ hai mươi thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), cùng với moha đã xảy ra trong quá khứ, Ngài hướng dòng tâm có tám đặc tánh của Ngài đến Sanh tử trí (cutūpupāta-ñāṇa) – trí trông thấy sự sanh và tử của chúng sanh, và hướng đến Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) – trí phân biệt và thấy chính những hành động tội phước của chúng sanh tạo thành nguồn gốc của chúng sanh.

(Sanh tử trí – cutūpupāta-ñāṇa cũng giống như Thiên nhãn trí – dibbacakkhu-ñāṇa vì Thiên nhãn trí cũng được gọi là Sanh tử trí. Khi dibbacakkhu-ñāṇa được tu tập và chứng đắc thì Như nghiệp sanh trí – yathakammūpaga-ñāṇa và Vị lai trí – anāgataṁsa-ñāṇa cũng được tu tập và chứng đắc).

Khi tâm được hướng đến Thiên nhãn trí – dibbacakkhu-ñāṇa như vậy, cũng được gọi là Sanh tử trí – cutūpupāta-ñāṇa, thì Thiên nhãn thông (dibbacakkhu abhiññā – Minh thứ hai) sanh lên rất dễ dàng. Qua thần thông (abhiññā) này, Bồ tát có thể nhìn thấy chúng sanh đang lúc mạng chung, hoặc ngay sau tái sanh; những chúng sanh thấp hèn hoặc cao quý, những kẻ xinh đẹp hoặc xấu xí sanh đến cõi an vui hoặc đau khổ. Nói cách khác, Ngài thấy những chúng sanh giàu có, thịnh đạt do bởi phước quá khứ của họ có nền tảng là vô tham (alobha), và những chúng sanh nghèo khổ do bởi những ác nghiệp quá khứ của họ sanh lên từ căn tham (lobha).

Qua Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā) trông thấy những tội đồ chịu khổ trong khổ cảnh (apāya), Ngài suy xét: “ Những chúng sanh này chịu những đau khổ đáng sợ như vậy là do những ác nghiệp nào?” Nhân đó Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) khởi sanh trong Bồ tát và Ngài thấy những ác nghiệp của họ.

Qua Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā) trông thấy những chúng sanh đang thọ hưởng hạnh phúc ở cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Ngài suy xét : “ Các chúng sanh ở cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đang thọ hưởng hạnh phúc thù thắng hơn là do họ đã gieo tạo nghiệp gì?” Nhân đó, Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāna) sanh khởi trong Ngài và Ngài thấy được những thiện nghiệp mà họ đã làm.

Do nhờ Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāna), Ngài quan sát chi tiết những thiện nghiệp và ác nghiệp của chúng sanh và biết rõ chúng như thật: “ Những chúng sanh ở khổ cảnh này trong quá khứ đã phạm vào những ác nghiệp về hành vi, lời nói và ý nghĩ. Họ đã nói xấu, chưởi mắng và lăng mạ các bậc thánh; họ bảo thủ tà kiến, và vì sống theo các tà kiến này, họ tự thân làm ác và bảo kẻ khác làm ác. Sau khi thân hoại mạng chung, họ bị tái sanh vào các khổ cảnh (apāya), đó là địa ngục (niriya), súc sanh (tiracchana), ngạ quỷ (peta), a-tu-la (asūrahya). Và “ Các chúng sanh ở các cõi hạnh phúc, họ đã từng làm các thiện nghiệp về thân, khẩu và ý; họ không nói xấu hoặc lăng mạ các bậc thánh (ariyā); họ có chánh kiến và với chánh kiến họ làm nhiều loại phước và cũng bảo kẻ khác làm phước. Sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào nhàn cảnh ở cõi nhân loại, chư thiên và hai mươi cõi Phạm thiên.”

Bồ tát chứng đắc Minh thứ hai này – Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-abhiññā) vào lúc canh hai của đêm. Nhờ có Minh thứ hai này, dòng tâm của Bồ tát không có hai yếu tố là vô minh và si mê (avijjāmoha-dhātu), là những yếu tố làm che lấp sự mạng chung và tái sanh của chúng sanh. Và nhờ Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga- abhiññā) khởi sanh từ Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-abhiññā), Ngài có thể dò xét và thấy rõ những sự kiện có thật về những nghiệp quá khứ của chúng sanh, và sau khi đoạn trừ mười sáu loại hoài nghi (kaṅkhā), Bồ tát đạt đến giai đoạn Đoạn nghi thanh tịnh – Kaṅkhā vitarana visuddhi.

(3)   Sự chứng đắc Lậu Tận Minh (Asavakkhaya Ñāna) và thành một vị Phật (Vijjañāna- Minh thứ ba)

(Bài này được chia làm hai phần: phần tóm tắt và phần chi tiết)

TÓM TẮT:

Đức Bồ tát chứng đắc A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa), cũng được gọi là Lậu tận trí (Asavakkhaya-ñāṇa) vào canh cuối của đêm và nhờ đó mà giác ngộ Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa). Rồi trở thành một vị Phật giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Ngài hướng dòng tâm của Ngài đến tám đặc tính để đạt A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa); sau đó trú tâm trong Pháp Duyên khởi gồm có 12 chi, đó là : Vô minh (avijjā), Hành (sankhāra), Thức (viññāna), Danh sắc (nāma-rūpa), Lục nhập (salāyatana), Xúc (phassa), Thọ (vedanā), Ái (taṇhā), Thủ (upadāna), Hữu (bhava), Sanh (jāti), Lão (jarā), Tử (maraṇa). Sau khi quán xét toàn bộ giáo lý Duyên khởi này theo thứ tự xuôi và ngược trong nhiều lần, Ngài chứng đắc Thánh đạo (Ariya-magga),  cũng  được  gọi  là  Như  thật  tri  kiến  (Yaṭhābhūta ñāṇadassana).

CHI TIẾT:

Tứ đạo tuệ (Magga-ñāṇa), cũng được gọi là Như thật tri kiến (Yathābhūtañānadassana), không xuất hiện trong dòng tâm của những nhân vật như Đế Thích và Phạm thiên, là những bậc có quyền lực rất lớn trong thế gian, và những ẩn sĩ cao quý Kaladevila và Nārada, những bậc đã chứng đắc các thiền và các thắng trí (abhiññā). Bởi vậy, có thể hỏi rằng : “Tại sao Tứ đạo tuệ rất vi tế và rất thâm sâu, thậm chí không được mơ tưởng đến suốt chuỗi dài luân hồi không khởi thủy và không bao giờ được giác ngộ trước kia, lại xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát, bậc tự mình đi vào đời sống Sa-môn mà không có một người thầy nào hướng đạo?” Câu trả lời là:

Tánh chất vĩ đại của các pháp Ba-la-mật

Đức Phật của chúng ta, suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và 100.000 đại kiếp, trải qua vô số kiếp mà không thể đếm được bằng con số hằng trăm, hằng ngàn, và hằng trăm ngàn, đã tích lũy nhiều việc phước về bố thí Ba-la-mật (dāna-pāramī), đã thực hành trên bốn cách tu tập (đã được giải thích ở Chương Tạp phẩm), thậm chí đến mức độ hy sinh cả mạng sống của chính Ngài. Và trong mỗi kiếp như vậy, Ngài đã tự mình đoạn diệt hoàn toàn, hoặc làm giảm thiểu tham phiền não khởi sanh vào mỗi lúc Ngài chú ý đến đối tượng này hay đối tượng khác. Nhờ thế Ngài đạt đến giai đoạn mà người khác phải ngạc nhiên nhận xét rằng : “Phải chăng không có tham phiền não trong con người cao quý này?”

Tương tự, qua giới ba-la-mật (sīla-pāramī), nhẫn nại ba-la-mật (khantī-pāramī), và từ ái ba-la-mật (mettā-pāramī) được tu tập suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và 100.000 đại kiếp, Ngài đã ngăn chặn được sân (kodha) và tội (dosa) và nhờ tu tập pháp từ ái mát mẻ suốt thời gian dài như vậy, Ngài đã dập tắt ngọn lửa kodha và cũng đoạn trừ những tùy phiền não của nó, gồm có ganh tỵ (issā), bỏn xẻn (macchariya) và hối (kukkucca).

Do nhờ Trí tuệ Ba-la-mật (paññā-pāramī) được khéo tu tập và tích lũy trải qua nhiều kiếp và nhiều đại kiếp, Ngài đã loại trừ trạng thái tối tăm là si mê (moha). Ngài cũng đã loại bỏ các tà kiến. Nhờ đó Ngài trở thành bậc vĩ đại có trí tuệ rất thanh tịnh. Ngài cũng đã đi đến tất cả chư Phật, chư Bích chi Phật và chư Thinh văn đệ tử, cũng như những bậc thông thái khác mà Ngài tình cờ gặp được và hỏi họ những câu hỏi như: “ Pháp nào là có tội và Pháp nào là vô tội? Pháp nào là pháp đen và nhơ bẩn; và Pháp nào là pháp trắng và trong sạch?” Do nhờ sự tầm cầu học hỏi như vậy, Ngài đã loại trừ các hoài nghi liên quan đến Pháp và được tăng trưởng về trí tuệ từ kiếp này đến kiếp khác.

Trong gia tộc, Ngài tôn kính các bậc bề trên như cha mẹ, chú bác, v.v… bằng cách cúi đầu, tỏ sự quý trọng, mời ngồi, đứng dậy chào đón họ. Ngài cũng tỏ sự kính trọng đến những bậc trí tuệ có giới hạnh. Nhờ vậy, Ngài đoạn trừ được ngã mạn (māna) và trạo hối (uddhacca) và được thoát khỏi kiêu ngạo như con rắn bị mất đi những cái răng độc, hay con bò bị gãy cặp sừng, hay như cuộn dây thừng được dùng để chà chân. Ngài có thói quen hay khen ngợi pháp nhẫn nại, đức vị tha và khen ngợi những người có hảo tâm giúp đỡ những kẻ bất hạnh.

Bằng pháp xuất gia, Bồ tát đã từ bỏ những vinh hoa phú quý của đời sống đế vương, và trở thành vị Sa-môn. Sau khi chứng đắc các tầng thiền lúc ngụ ở rừng, Ngài đoạn trừ được năm triền cái và xa lìa dục ái (kāmarāga), và trong mỗi kiếp sống Ngài cũng từ bỏ sự mê đắm nữ sắc (itthirati) mỗi khi họ xuất hiện trước mặt.

Với Chân thật Ba-la-mật, Ngài tránh xa tà ngữ (micchavaca) dẫn đến sự sai lạc của thế gian; với Tinh tấn Ba-la-mật, Ngài cũng đoạn trừ trạng thái bất lạc (arati) và giải đãi (kosajja) trong thiền Chỉ và thiền Quán bằng cách giữ tâm họat động liên tục, và siêng năng trong các việc phước. Bằng sự tu tập như vậy, Bồ tát đã cố gắng làm cho dòng tâm của Ngài mỗi kiếp một thanh tịnh hơn.

Đức Bồ tát, Bậc đã đoạn trừ các phiền não (kilesa) như vậy bằng sự tích lũy phước phát sanh từ những việc phước ba-la-mật như bố thí (dāna), v.v… đã phải trải qua quá trình thanh lọc nhiều lần, dầu chỉ trong một kiếp, những phiền não mà Ngài đã đoạn trừ lại xuất hiện. Rồi Ngài lại đoạn trừ chúng mỗi khi chúng xuất hiện trở lại (vì chúng chưa được đoạn diệt hoàn toàn bằng Đạo Tuệ (magga-ñāṇa). Tuy nhiên, Bồ tát không đầu hàng mà cố gắng đoạn trừ chúng tạm  thời hoặc bằng sự áp chế đoạn trừ qua những việc phước to lớn (mahā-kusala) và những việc phước phi thường (mahāggata-kusala).

Những điểm chú thích sau đây được trích ra từ bộ Vipassanā Dīpanī của Thượng tọa Ledi Sayadaw để làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của đoạn này. Các phiền não khởi sanh trong những kẻ phàm phu tầm thường trải qua ba giai đoạn: Vitikkamabhūmi là giai đoạn phiền não bộc phát rất mạnh và dữ dội dẫn đến những hành vi và những lời nói ác. Phiền não trong giai đoạn này có thể đoạn trừ bằng giới (sīla) nhưng chỉ tạm thời. Do đó, sự đoạn trừ bằng sīla, v.v.., được gọi là Tadaṅgapahāna, nghĩa là đoạn trừ tạm thời. Phiền não ở giai đoạn kế tiếp: Pariyutthānabhūmi – Triền xứ, là giai đoạn mà phiền não khởi sanh ở cửa tâm (ý môn) khi cảnh có sức mạnh đánh thức chúng tạo ra sự xáo động ở một trong sáu môn. Những phiền não như vậy có thể được áp chế bằng thiền định. Sự đoạn trừ phiền não bằng thiền định (Samādhi) được gọi là Trấn phục đoạn trừ (Vikkhambhana-pahāna). Lại nữa, tầng thiền có thể trấn áp phiền não trong một thời gian thích hợp. Nhưng vẫn còn các phiền não ở giai đoạn thứ ba, Anusayabhūmi – Tuỳ miên xứ: là chỗ mà các phiền não nằm tiềm ẩn trong dòng tâm, không xuất hiện thành các sở hữu tâm. Chúng không thể được đoạn trừ bằng sīla và samādhi. Chỉ có Tuệ Đạo (magga-ñāṇa) đạt được  nhờ tu tập thiền Quán phát sanh ra Tuệ (pañña) mới có thể đoạn diệt tận gốc những phiền não này. Sự đoạn trừ các phiền não bằng Tuệ như vậy được gọi là Chánh đoạn (Samuccheda-pahāna – sự đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não.

Ở đây, sự thực hành các pháp Ba-la-mật (như Lục độ vạn hạnh) và sự thọ trì giới dẫn đến sự đoạn trừ tạm thời các phiền não – những việc phước ấy thuộc về Đại thiện (mahā-kusala); sự thực hành thiền Chỉ dẫn đến chứng thiền đắc định, trấn áp phiền não trong một thời gian, được xem là những việc thiện đáo đại hay đáo quảng (mahāggatā kusala). Sự thực hành thiền Quán sanh Tuệ (paññā), Đạo Tuệ (magga-ñāṇa) dẫn đến sự đoạn diệt hoàn toàn các phiền não (samuccheda-pahāna) thuộc về thiện siêu thế (lokuttara-kusala).

Như vậy, suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṇkkheyya) và 100 ngàn đại kiếp, Ngài đã đoạn diệt các nhóm phiền não làm ô nhiễm tâm của Ngài, và cũng loại trừ vô minh và si mê (avijjā-moha) hành động như vị tướng dẫn đầu những đạo binh phiền não, theo sát bên Ngài. Đồng thời Ngài cũng làm cho năm Quyền: Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ tăng trưởng mỗi kiếp một mạnh hơn. Như vậy, Ngài đã trải qua những kiếp luân hồi khó khăn, liên tục thực hành các pháp ba-la-mật với sức tinh tấn mãnh liệt, cho đến lúc Ngài sanh làm vua Vessantara, Ngài đã bố thí hoàng hậu Maddī, như là việc phước tối hậu giúp Ngài có thể chứng đắc Phật quả. Sau đó, Ngài tái sanh vào cõi Đâu suất đà thiên (Tusīta), thọ hưởng lạc thú của chư thiên và chờ đúng thời gian để Ngài thành Phật.

Bởi vì Ngài là bậc đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ sau khi đã đoạn trừ các phiền não như tham, sân, v.v… bằng sự tích lũy các việc phước ba-la-mật như bố thí, v.v… nên Tứ Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), rất thâm diệu chỉ xuất hiện trong dòng tâm của bồ tát.

Hơn nữa, bắt đầu từ lúc Ngài đem cả thân mạng phục dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkarā), Ngài đã nỗ lực cố gắng tu tập và tích lũy các việc phước qua sự thực hành các pháp Ba-la-mật (pāramī) như bố thí (dāna), v.v… là quả phước thiện, không mong cầu khoái lạc ở bất cứ cõi nào mà kẻ phàm phu tầm thường khó có thể làm được. Bằng tất cả những việc phước mà Ngài thực hiện, Bồ tát chỉ có ước nguyện như vầy : “ Cầu mong những việc phước Ba-la-mật này hãy là cận y duyên (những điều kiện đầy đủ – upanissaya- paccaya) để Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) sanh khởi trong ta.”

Còn đối với những kẻ khác, họ cầu ước các lạc thú của chư thiên và nhân loại sau khi làm các việc phước. Và đúng theo ước nguyện họ, họ đạt được những lạc thú của chư thiên và nhân loại, là quả của những việc phước. Nó giống như sự tiêu xài phung phí bất cứ tài sản nào có được từ những việc phước mà họ đã tích lũy. Không giống như những người này, vị Bồ tát, theo cách của người cho lúa vào vựa và luôn luôn gìn giữ nó mà không sử dụng, Ngài tích lũy các việc phước kiếp này qua kiếp khác với ước nguyện như vầy: “ Mong rằng việc phước này sẽ góp phần tạo ra túc duyên cho sự giác ngộ Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), với đỉnh cao của sự giác ngộ là Nhất thiết trí (sabaññūta-ñāṇa).

Sự tích luỹ các việc phước từ những ba-la-mật suốt 4 A-tăng- kỳ (asaṇkkheyya) và 100 ngàn đại kiếp để rồi cho quả một lần là sự chứng đắc Phật quả trong kiếp cuối cùng của Ngài sanh làm thái tử Siddhattha. Nhưng vì có vô số phước đều trổ quả chỉ trong một kiếp nên kiếp này xem ra dày đặc quả phước.

Do bởi ước nguyện duy nhất là sự chứng đắc Phật quả, nên các việc phước của Ngài trổ quả tràn đầy trong kiếp cuối cùng này thật mạnh mẽ. Cho nên, chỉ trong dòng tâm của Bồ tát mới xuất hiện Tứ đạo tuệ rất thâm diệu mà không cần sự trợ giúp của bất cứ ai.

Sự triển khai 3.600.000 koṭi Đại Kim Cang Quán Trí của Bồ tát (Mahāvajira Vipassanā Ñāṇa)

Sau khi đã đoạn trừ các phiền não như tham (lobha), sân (dosa), v.v… nhờ những việc phước được tích lũy qua sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī) như bố thí (dāna), v.v… như đã nói ở trước, Bồ tát, Bậc đã loại trừ si mê (moha) – moha là kẻ dẫn đầu các phiền não cùng với những tùy tùng của chúng thường hay ngăn cản và che lấp con đường dẫn đến Niết bàn. Ngài đã thực hành và phát triển thiền Đại kim cang quán trí (Mahāvajira Vipassanā) vào lúc rạng đông (trong canh cuối của đêm), ngày rằm tháng Vesakha. Phương pháp thực hành và khai triển được tóm lượt như sau:

Có mười trăm ngàn triệu hay triệu triệu thế giới được gọi là Oai lệnh sát thổ (Āṇākhetta), phạm vi thuộc quyền lực của một vị Phật (1) . Khi Bồ tát quán thật tánh của những chúng sanh sống trong mỗi thế giới và thuộc về ba thời kỳ (quá khứ, hiện tại và vị lai), Ngài thông suốt rằng, dầu số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên trong một số thế giới có nhiều đến bao nhiêu, cũng được thu gọn trong 12 nhân duyên (Paṭiccasamuppāda), được xem là thực tại tối thượng: vô minh (avijjā) và hành (saṅkhara) – hai chi quá khứ là nhân; thức (viññāna), danh sắc (nāma-rūpa), lục nhập (salāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā) – những yếu tố hiện tại là nguyên nhân; và sanh (jati) (hay sanh hữu – upapatti-bhava), lão (jara) và tử (maraṇa) – những yếu tố tương lai là kết quả.

Có ba loại lãnh vực (sát thổ – khetta) liên quan đến Đức Phật, theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và bộ Parajika Aṭṭhakathā:

1- Sanh đản sát thổ (Jāti khetta) được giới hạn bởi mười ngàn thế giới mà chấn động vào lúc Bồ tát thọ sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót.

2-   Oai lệnh sát thổ (Āṇākhetta): được giới hạn bởi triệu triệu thế giới nơi mà những bài kinh hộ trì (paritta) có năng lực: Ratana Sutta, Khandha Paritta, Dhajagga Paritta, Ātanātiya Paritta và Mora Paritta.

3-   Cảnh sở duyên sát thổ (Visaya khetta) được gọi là sát thổ không giới hạn, và vô cùng tận, trong đó Đức Phật có thể vận dụng Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) của Ngài để biết bất cứ điều gì ở bất cứ nơi nào.

Khi Ngài quán thật tánh của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên sống trong các thế giới còn lại và thuộc ba thời kỳ, Ngài biết thông suốt rằng: cũng như trường hợp của chúng sanh ở thế giới này, cũng chính mười hai yếu tố ấy của Pháp Duyên khởi (Paṭiccasamuppāda) hình thành những đối tượng của thiền quán, bắt đầu từ vô minh (avijjā) đến sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa).

Như vậy, số đối tượng của thiền quán được tổng kết như sau: vì có 100.000 koṭi thế giới (1 koti =10.000.000) nên cũng có 100.000 koti pháp duyên khởi sanh lên, mỗi pháp có 12 yếu tố, mỗi yếu tố là một đối tượng. Do đó, tổng cộng có 1.200.000 koṭi đối tượng.

Như một người đốn hạ và dọn sạch khu rừng rậm với những bụi cây và dây leo chằng chịt, anh ta mài bén cây rựa trên cục đá mài và mài nhiều lần; Bồ tát cũng vậy, để dọn sạch khu rừng rậm và  những bụi cây phiền não (kilesa), số lượng là một ngàn năm trăm, đã mài bén nhiều lần lưỡi dao Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā-ñāṇa) trên cục đá mài của tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) ( tức là nhiều lần nhập vào tứ thiền đề mục hơi thở – ānāpāna). Sau đó Ngài quán từng chi của 12 nhân duyên, số lượng là 1.200.000 koti, bằng cách quán 3 tướng của chúng là : vô thường (anicca-lakkhaṇā), khổ (dukkha-lakkhaṇā) và vô ngã (anatta- lakkhaṇā).

Vì  mỗi  chi  của  Paṭiccasamuppāda,  số  lượng  1.200.000  koti, khởi sanh ba loại Quán trí (ñāṇa) là Vô thường quán trí (Anicca Vipassanā-ñāṇa), Khổ quán trí (Dukkha Vipassanā-ñāṇa) và Vô ngã quán trí (Anatta Vipassanā-ñāṇa), tất cả khởi sanh 3.600.000 koti Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā-ñāṇa).

(Bài tóm tắt về Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā- ñāṇa) được chứa trong bài kinh Anupāda, Uparipaṇṇāsa Ṭīkā và trong bài Sariputta Moggallāna Pabbajjakathi, Mahākhandhaka Vinaya Sāraṭṭhadīpanī Ṭikā).

Theo thông lệ, sự thực hành của mỗi vị Bồ tát vào đêm trước khi chứng đắc quả Phật là quán Pháp Duyên khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Bồ tát của chúng ta, như chư Bồ tát quá khứ, cũng quán pháp Duyên khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Nhân đó, mười ngàn thế giới hình thành Sanh đản sát thổ (jāti-khetta) đã chấn động đến các đại dương tận cùng của thế giới.

Sau khi Bồ tát khai triển loại tuệ Sammāsana-ñāṇa, gồm có 3.600.00 koṭi Đại kim cang quán tuệ, bằng cách quán sát Paṭiccasamuppāda như tất cả các vị Bồ tát quá khứ đã từng quán sát, Ngài lại nhập vào tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) (Ngài làm như vậy để mài bén lưỡi gươm tuệ quán bậc cao như Sanh diệt trí – Udayabbaya-ñāṇa (trí biết sự sanh khởi và hoại diệt) trên cục đá mài tứ thiền đề mục hơi thở).

Khi đã nhập vào Tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) ( sau khi mài bén lưỡi gươm của tuệ quán bậc cao), Ngài xuất khỏi định ấy và chứng đắc dễ dàng trí tuệ bậc cao như Sanh diệt trí (Udayabbaya- ñāṇa).

Sanh diệt trí : Trí thấy sự sanh và diệt của các pháp hữu vi.

(Udayabbaya-ñāṇa)

Hoại diệt trí : Trí thấy sự hoại diệt của các pháp hữu vi

(Bhaṅga-ñāṇa)

Bố úy trí (Bhaya-ñāṇa): Trí thấy rõ và ghê sợ các pháp hữu vi.

Quá hoạn trí : Trí nhờm gớm và ghê sợ các pháp hữu vi.

(Ādinava-ñāṇa)

Yểm ly trí (Nibbidā-ñāṇa): Trí nhàm chán các pháp hữu vi.

Dục thoát trí : Trí muốn thoát khỏi các pháp hữu vi.

(Muccitukaṃyatā-ñāṇa)

Tỉnh sát trí : Trí làm khởi dậy sự tinh tấn đặc biệt.

(Paṭisaṅkhāra-ñāṇa)

Hành xả trí (Saṅkhārupekkhā-ñāṇa): Trí xả ly các pháp hữu vi.

(Cần lưu ý rằng Bồ tát đã dễ dàng giác ngộ Quán trí bậc cao (Vipassaṇa-ñāṇa) vì Ngài đã từng xuất gia tỳ khưu trong giáo pháp của chư Phật quá khứ, đã từng thông suốt Tam tạng và thực hành thiền Minh sát tuệ, đã khai triển và tu tiến đến mức chứng đạt Sanh diệt trí (Udayabbaya-ñāṇa), Hoại diệt trí (Bhaṅga-ñāṇa), Bố úy trí (Bhaya- ñāṇa), Quá hoạn trí (Ādinava-ñāṇa), Yểm ly trí (Nibbidā-ñāṇa), Dục thoát trí (Mucchitukamyatā-ñāṇa), Tỉnh sát trí (Paṭisaṇkha-ñāṇa), và Hành xả trí (Sankhārupekkha-ñāṇa). Và cũng vì tuệ quán của Ngài đã phát triển và lớn mạnh do bởi 3.600.000 koṭi Đại-kim-cang quán trí (Mahāvajīra Vipassanā Sammāsana Ñāṇa). Tất cả những chi tiết này được căn cứ vào bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và Sutta Mahāvagga Ṭīkā).

Như người sau khi trải qua chặng đường dài, về thấy cửa nhà mở, không dừng lại ở ngưỡng cửa mà đi thẳng vào trong. Đức Bồ tát sau khi giác ngộ dễ dàng các Quán trí bậc cao (Vipassanā-ñāṇa) đã trải qua lần lượt tám giai đoạn quán trí như Sanh diệt trí (Udayabbaya-ñāṇa), v.v… cuối cùng đạt đến giai đoạn Tuỳ thuận quán trí (Anuloma-ñāṇa), Ngài không dừng lại ở đó. Thay vì dừng lại ở Đế Tuỳ thuận trí (Saccānuloma-ñāṇa) như cái cổng đi vào thành phố Niết bàn, Ngài lập tức phá tan những đám mây mù và bóng tối của vô minh và si mê (avijjā-moha) đã che lấp Tứ Đế, đó là Khổ đế (Dukkha Saccā), Tập đế (Samudaya Saccā), Diệt đế (Nirodha Saccā) và Đạo đế (Magga Saccā) bằng ba loại Đế thuận thứ trí (Saccānuloma-ñāṇa) tên là Sơ đổng lực (parikamma), Cận hành đổng lực (upaccāra) và Thuận thứ đổng lực (anuloma), ba loại thuận thứ này diễn ra trong Đạo lộ (magga-vithī).

Sau khi đã xua tan bóng tối dày đặc che lấp chân lý, Ngài thấy rõ ràng như người nhìn thấy rõ mặt trăng trong bầu trời không mây, và giác ngộ ánh sáng to lớn của Niết bàn nhờ Đệ nhất đạo tuệ (sotapatti- magga-ñāṇa) theo ngay sau Chuyển tộc trí (gotrabhū-ñāṇa), là những loại tuệ vượt qua những trói buộc của thế gian và chuyển qua dòng thánh (sát na đổng lực Đệ nhất đạo tuệ khởi sanh một lần và diệt mất). Ngay sau đó khởi sanh và hoại diệt ba đổng lực Dự lưu quả (sotapatti- phala) theo đúng ân đức của Pháp là Akālika (Quả khởi sanh ngay sau đạo). Rồi theo sau là dòng tâm bhavaṅga-citta (hữu phần).

Do bởi Dự lưu đạo tuệ (sotāpatti-phala) đã được chứng đắc như vậy, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi ba phiền não, là thân  kiến  (sakkāya-diṭṭhi),  hoài  nghi  (vicikicchā)  và  giới  cấm  thủ (sīlabbataparāmasa). Những phiền não này sẽ vĩnh viễn không bao giờ khởi sanh trở lại trong dòng tâm của Bồ tát.

Việc chứng đắc Phật quả do bởi sự giác ngộ các Đạo và các Quả bậc cao

Sau khi giác ngộ Dự lưu đạo (sotāpatti-magga) và Dự lưu quả (sotāpatti-phala), Bồ tát xem xét lại (1) sotāpatti-magga, (2) sotāpatti-phala, là kết quả của sotāpatti-phala, (3) Niết bàn là cảnh của chúng, (4) các phiền não đã bị đoạn tận bởi sotāpatti-phala và (5) các phiền não chưa được đoạn tận bởi đạo kể trên (năm loại trí quán sát này được gọi là Ngũ quán sát trí – Paccavekkhana-ñāṇa).

Sau khi đã xem xét bằng Ngũ quán sát trí về sotāpatti-magga và sotāpatti-phala, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn tận bởi Dự lưu đạo và các phiền não vẫn còn chưa được đoạn tận, Bồ tát lại trau dồi và phát triển các tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa) như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v… Ngay sau đó, Ngài chứng ngộ Nhất lai đạo (sakadāgāmi-magga) và Nhất lai quả (sakadāgāmi- phala). Qua sakadāgāmi-magga, Ngài đoạn trừ các phiền não ở dạng thô, đó là dục ái (kāma-rāga) và sân (vyāpāda hay dosa). Từ đó trở đi, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi các phiền não loại thô của kāma-rāga và vyāpāda (dosa).

Sau khi chứng ngộ Nhất lai đạo (sakadāgāmi-magga) và Nhất lai quả (sakadāgāmi-phala), Bồ tát bằng các tốc lực tâm của Ngũ quán sát trí (paccavekkhana-ñāṇa), quán về Nhất lai đạo, Nhất lai quả, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn diệt và các phiền não chưa được đoạn diệt. Ngài lại phát triển các tuệ Minh sát như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v… Ngay sau đó, Ngài chứng ngộ tầng thánh thứ ba, là đạo quả Bất lai hay A-na-hàm đạo (anāgāmi- magga) và A-na-hàm quả (anāgāmi-phala).

Qua anāgāmi-magga, Ngài đoạn tận hoàn toàn dục ái (kāma- rāga kilesa) và sân (dosa) vi tế. Từ đó trở đi, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi kāma-rāga và vyāpāda (dosa).

Sau khi chứng ngộ anāgāmi-magga và anāgāmi-phala, Bồ tát bằng các tốc lực tâm (javanavāra) của Ngũ quán sát trí (Paccavekkhana-ñāṇa), lại quán xét về anāgāmi-magga và anāgāmi- phala đã chứng đắc, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn diệt và những phiền não chưa được đoạn diệt. Lại nữa, Ngài phát triển các tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa) như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v… Ngay sau đó, Ngài chứng đắc tầng thánh thứ tư là A-la-hán đạo (arahatta-magga) và A-la-hán quả (arahatta- phala). Bằng arahatta-magga, Bồ tát đoạn diệt hoàn toàn tất cả những phiền não còn lại, đó là dục ái ở cõi sắc giới (rūpa-raga), dục ái ở cõi vô sắc giới (arūpa-raga), ngã mạn (māna), phóng dật (uddhacca) và vô minh (avijjā). Từ đó trở đi, tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khởi một ngàn năm trăm loại phiền não (kilesa) cùng với những huân tập trong quá khứ (vāsanā) và bảy pháp ngủ ngầm.

(Sau khi đã chứng ngộ A-la-hán đạo (arahatta-magga) và A-la- hán quả (arahatta-phala) thì những tốc lực tâm (javanavāra) của quán sát trí (paccavekkhana) sanh khởi để quán xét về arahatta-magga và arahatta-phala, cảnh của chúng là Niết bàn, và các phiền não đã được đoạn tận. Có tất cả mười chín Quán sát trí, năm Quán sát trí khởi sanh sau khi chứng đắc đạo quả Tu-đà-hườn (sotāpatti-magga-phala), đạo quả Từ-đà-hàm (sakadāgāmi-magga-phala), đạo quả A-na-hàm (anāgāmi-magga-phala) và bốn thắng trí khởi sanh sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-magga-phala). Mười chín quán sát trí này cũng được gọi là Giải thoát tri kiến (Vimutti Ñāṇa Dassana). Sau khi chứng đắc A-la-hán đạo (arahatta-magga), chẳng còn phiền não dư sót nên không có quán sát trí xem xét phiền não dư sót. Do đó, chỉ có 4 Quán sát trí – paccavekkhana-ñāṇa sau khi chứng đắc arahatta- magga-phala.)

Sự chứng đắc Phật quả giữa chúng sanh của ba cõi

Bồ tát giác ngộ arahatta-phala ngay sau khi giác ngộ arahatta- phala, dòng tâm của Ngài rất trong sáng và ngài chứng đắc trạng thái của bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), bậc lãnh đạo tối cao của ba cõi, bằng sự hoạch đắc Nhất thiết trí (Sabbannuta-ñāṇa) cùng với Tứ thánh đế, Tứ vô ngại giải trí (Patisambhidā-ñāṇa), Lục bất cộng trí (Assādhāraṇa-ñāṇa), tạo thành 14 loại trí của một vị Phật; và 18 Bất cộng pháp (Āvenika dhamma), Tứ vô sở uý trí (Vesārajja- ñaṇa). Đồng thời với sự chứng đắc Nhất thiết trí (sabbañuta-ñāṇa) thì bình minh vừa xuất hiện. (Sự giác ngộ sabbañuta-ñāṇa nghĩa là sự chứng đắc Phật quả).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app