Nội Dung Chính
CHƯƠNG 10. CÂU CHUYỆN VỀ HAI VỊ THIÊN SĀTĀGIRA VÀ HEMAVATA (KINH HEMAVATA)
Đức Phật thuyết bài kinh Dhammacakka ngay trước khi mặt trời lặn của ngày rằm tháng Āsaḷha, năm 103 Mahā Era. Lúc nửa đêm Ngài thuyết bài kinh Hemavata (hay Sātāgiri). Lý do để thuyết bài kinh trên:
Trong Hiền kiếp (Bhadda-kappa) này, khi thọ mạng của loài người là 20.000 năm, Đức Phật Kassapa xuất hiện và nhập Niết bàn sau khi Ngài sống đến 16.000 năm (4/5 của thọ kiếp). Lễ trà tỳ nhục thân của Ngài được tổ chức rất long trọng. Xá lợi của Đức Phật không rời rạc thành những ngôi nhỏ mà kết lại như một khối vàng to lớn. Điều này thường xảy ra đối với tất cả chư Phật có thọ mạng lâu dài.
Đối với những vị Phật có tuổi thọ ngắn, các Ngài viên tịch ngay trước khi nhiều người có cơ hội được nhìn thấy Ngài. Vì vậy, do sự ân cần, tâm bi mẫn và ước muốn rằng: “ Nhiều người đang sống trong các thị thành, làng mạc sẽ được phước nhờ lễ bái cúng dường xá lợi sau khi Như Lai viên tịch.” Ngài chú nguyện như vầy: “ Xá lợi của Ta hãy rời ra thành những ngôi nhỏ và phân tán đi khắp nơi.” Đúng như vậy, những vị Phật có tuổi thọ ngắn giống như Đức Phật của chúng ta, xá lợi đã rời ra thành những ngôi nhỏ và phân tán đi như những bụi vàng.
Dân chúng đã xây dựng lên một bảo tháp to lớn, cao một yojana và đường tròn cũng một yojana để tôn trí khối xá lợi độc nhất của Đức Phật Kassapa. Mỗi mặt của bảo tháp, ở mỗi hướng có kích thước một gāvuta bề dài và mỗi mặt có một cái cổng vào to lớn, cổng này cách cổng kia một gāvuta.
Vua Kīli của xứ Bārāṇasī cúng dường một cái cổng. Thái tử Pathavindhara, con trai của vị ấy cúng dường cái cổng khác. Các quan trong triều cúng dường cái cổng thứ ba; và dân chúng do một vị đại thương gia dẫn đầu cúng dường cái cổng cuối cùng. Những viên gạch được sử dụng để xây dựng Đại bảo tháp toàn bằng vàng và ngọc quí, và mỗi viên gạch trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Trong việc xây dựng Đại bảo tháp, chất ‘realgar’ được dùng làm xi măng và dầu bơ thơm được dùng để thay thế nước.
Sau khi đại bảo tháp đã được xây dựng như vậy, có hai thiện nam tử từ bỏ thế gian và xuất gia tỳ khưu trước sự chứng minh của các vị Thinh văn trưởng lão, là những vị đã đi theo Đức Phật lúc Ngài còn tại tiền. (Cần lưu ý rằng trong giáo pháp của những vị Phật có thọ mạng lâu dài, thì những vị Thinh văn trưởng lão như vậy có đủ tư cách để truyền phép xuất gia sa-di (sāmaṇera) và bhikkhu và làm thầy hướng dẫn cho họ. Những vị Thinh văn ở trong thời kỳ sau khi Đức Phật viên tịch thì không đủ định danh làm những phận sự như vậy).
Rồi đôi bạn tỳ khưu ấy hỏi các vị Thinh văn trưởng lão rằng: “ Kính bạch các ngài, các vị tỳ khưu phải làm những phận sự nào trong giáo pháp của Đức Phật?” Nhân đó, các vị Thinh văn trưởng lão đáp lại rằng: “ Này các vị tỳ khưu, thực ra có hai phận sự mà các vị tỳ khưu cần phải thực hành trong giáo pháp của Đức Phật, đó là (1) Vāsa-dhura: thực hành thiền minh sát (vipassanā-kammaṭṭhāna) và (2) Pariyatti-dhura: phận sự học giáo pháp. Trong hai phận sự này, (1) vị tỳ khưu ở lại với thầy tế độ trong thời gian 5 năm, hầu hạ thầy và học cho rành mạch Biệt biệt giải thoát giới (patimokkha) và hai hoặc ba tụng phẩm (bhāṇavāra) của Tạng kinh, thực hành pháp thiền Vipassanā và cắt đứt sự luyến ái trong việc đồng hành với các tỳ khưu khác cũng như với các cận sự nam nữ. Khi đi vào rừng cách xa mọi người, vị ấy thực hành thiền quán để giác ngộ đạo quả A-la-hán. Đây là phận sự về pháp hành của vị Sa-môn, được gọi là vāsā-dhura. (2) Tùy theo khả năng có được, vị tỳ khưu nên học cho thông suốt một bộ Nikāya của kinh tạng, hoặc hai bộ Nikāya hoặc ba hoặc bốn bộ Nikāya, hoặc năm bộ Nikāya và nên cố gắng xiển dương giáo pháp về văn và nghĩa. Đây là phận sự về pháp học của vị tỳ khưu, được gọi là pariyatti-dhura.
Nhân đó, sau khi nói rằng “ Trong hai phận sự mà vị tỳ khưu nên thọ trì, phận sự về pháp hành (vāsā-dhura) quí báu hơn và đáng được tán dương hơn.” Tuy nhiên, đôi bạn tỳ khưu thỏa thuận với nhau rằng : “ Chúng ta vẫn còn trẻ. Chúng ta chỉ thọ trì vāsā-dhura khi nào chúng ta lớn tuổi. Trong lúc còn trẻ, chúng ta nên thọ trì phận sự về pháp học (pariyatti-dhura)”. Vốn bẩm chất thông minh, đôi bạn tỳ khưu đã thông suốt tất cả Tam tạng (Piṭaka) chỉ trong một thời gian ngắn và cũng rất rành mạch trong việc đưa ra những quyết định về các vấn đề liên quan đến Vinaya. Do nhờ kiến thức uyên thâm về Piṭaka, đôi bạn tỳ khưu trở nên nổi tiếng trong giáo pháp (sāsana) và họ luôn luôn có đông đảo tùy tùng và nhiều tài vật cúng dường. Mỗi vị có năm trăm đồ đệ.
Sự bất hòa về Luật (Vinaya) giữa tỳ khưu về Dhammavādī & tỳ khưu về Adhamavādī
Lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu, một vị là pháp thuyết giả (Dhammavādī – Người thuyết Pháp) và vị kia là phi pháp thuyết giả (Adhammavādī – Người thuyết không đúng Pháp), trong một tịnh xá nọ gần ngôi làng. Trong hai vị này, vị tỳ khưu về adhammavādī thường nói lời thô lỗ và độc ác. Một hôm nọ khi vị tỳ khưu về dhammavādī biết rõ vị tỳ khưu kia phạm tội liên quan đến điều luật, vị ấy quở trách vị kia như vầy: “ Này hiền giả, hạnh kiểm của hiền giả không thích hợp với Giáo pháp (sāsana).” Nhân đó, vị tỳ khưu về adhammavādī, để làm vô hiệu hóa lời buộc tội kia bèn vặn lại như vầy: “ Này hiền giả, hiền giả đã thấy gì về tôi? Hiền giả đã nghe gì về tôi? Không nên buộc tội bất cứ điều gì một cách thiếu suy nghĩ.” Vị tỳ khưu về dhammavādī đáp lại: “ Này hiền giả, những vị trưởng lão luật sư (Vinayadhara thera), người giữ gìn giới luật, các ngài sẽ biết rõ hơn.”
Vị tỳ khưu về adhammavādī suy nghĩ: “ Nếu các vị Vinayadhara thera mà phán xử vấn đề này theo luật thì chắc chắn ta sẽ không được sự ủng hộ nào để trụ trong sāsana này.” Vị ấy bèn tức tốc đi đến gặp các vị Vinayadhara thera với quà cáp ngõ hầu mua chuộc và thuyết phục họ che chở giùm vị ấy. Vị ấy tôn kính đảnh lễ và cúng dường những thứ mà vị ấy đem đến và cố gắng tìm sự dẫn dắt của họ. Vị ấy làm ra vẻ rất tôn kính họ và muốn được ở lại hầu hạ họ.
Một hôm, vị tỳ khưu về adhammavādī đi đến chỗ họp mặt của các vị Vinayadhara thera và sau khi đảnh lễ họ, vị ấy đứng một cách kính cẩn cho dù các vị trưởng lão đã cho phép vị ấy ra đi. Các vị trưởng lão hỏi: “ Này hiền giả, phải chăng hiền giả có điều gì đặc biệt cần nói với chúng tôi?” Vị ấy đáp: “ Thưa có, bạch chư đại đức. Con đã có một mối bất hòa với một vị tỳ khưu khác về sự phạm giới. Nếu vị ấy, tức người tố cáo (codaka) mà đến với chư đại đức và trình bày vấn đề này thì xin các ngài đừng phán xử theo luật.” Các vị trưởng lão nói: “ Bất cứ vấn đề nào được đem ra trước Tăng mà không xét xử theo đúng Luật thì không thích hợp.” Vị tỳ khưu adhammavādī bèn van xin họ: “ Kính bạch chư đại đức, nếu sự phán xử như vậy được thực hiện, thời sẽ không có sự ủng hộ nào cho con, để con ở lại trong giáo pháp. Hãy để điều sái quấy này tồn tại trong con. ( Con sẽ chịu hậu quả của nó trong saṁsāra). Cầu xin các ngài đừng phán xử vấn đề ấy!”
Do vị tỳ khưu về adhammavādī luôn miệng nài nỉ và không thể tránh được, các vị Vinayadhara thera cuối cùng phải nhận lời và nói rằng: “ Thôi được rồi, này hiền giả!” Sau khi được sự đồng ý của các vị Vinayadhara thera, vị tỳ khưu về adhammavādī trở về tịnh xá và suy nghĩ như vầy: “ Ta đã làm mọi chuyện mà ta muốn đối với các vị Vinayadhara thera”, vị ấy trở nên hống hách, ngang tàng, không coi ai ra gì, thô bạo và cứng rắn với vị tỳ khưu về dhammavādī.
Vị tỳ khưu về dhammavādī nghĩ rằng, “ Vị tỳ khưu về adhammavādī này quả thật không biết sợ hãi!” Ngay lập tức rời khỏi tịnh xá và đi đến một ngàn vị tỳ khưu, là tùy tùng của các vị Vinayadhara thera, và nói với họ rằng, “ Thưa chư đại đức, phải chăng vấn đề trình lên Tăng đoàn sẽ không được xét xử theo Luật? Hay vấn đề không được phép trình lên Tăng đoàn, tỳ khưu nguyên cáo (codaka) và bị cáo (cuditaka) phải tự nhận lỗi của họ và tự giải quyết vấn đề trong tình thân ái? Nhưng xét thấy rằng các vị Vinayadhara thera không đứng ra xét xử vấn đề cũng không đứng ra chứng minh để chúng tôi tự giải quyết trong ổn thỏa. Như vậy nghĩa là sao?” Khi nghe qua những lời của vị tỳ khưu về dhammavādī và suy nghĩ: “ Chắc phải có một điều bất thường nào đó mà các vị Vinayadhara thera đã biết rồi!” nên một ngàn tỳ khưu đệ tử của các vị Vinayadhara thera không đáp lại lời nào mà giữ im lặng.
Lợi dụng điều này, vị tỳ khưu về adhmmavādī nói lời thách thức: “ Này hiền giả, trước đây hiền giả đã nói rằng các vị Vinayadhara thera sẽ biết rõ, vậy bây giờ hiền giả tốt hơn nên trình bày vấn đề ấy với họ.” Rồi vị ấy bỏ đi sau khi nói những lời thô lỗ: “ Từ bây giờ, hiền giả hoàn toàn bị tàn rụi! Đừng có trở lại tịnh xá nơi chúng ta trú ngụ.”
Sau đó vị tỳ khưu về dhammavādī đi đến các vị Vinayadhara thera và than phiền với họ rằng: “ Thưa chư đại đức, vì nghĩ rằng ‘vị tỳ khưu về adhammavādī đã hầu hạ chúng ta và làm vui lòng chúng ta”, các ngài đã không quan tâm đến sāsana của Đức Phật mà chỉ quan tâm đến cá nhân. Các ngài không bảo vệ sāsana mà chỉ bảo vệ ‘kẻ ác giới, vô sĩ (alajjī dussīla puggala). Thưa chư đại đức, kể từ hôm nay trở đi, các ngài không còn xứng đáng đứng ra xét xử bất cứ vấn đề gì liên quan đến Luật. Chỉ trong chính ngày hôm nay, Đức Phật Kassapa mới thực sự nhập diệt!” Rồi vị ấy rời khỏi các vị Vinayadhara thera, vừa đi vừa khóc than: “ Sāsana của Đức Phật Kassapa đã thực sự suy tàn không phương cứu chữa!”
Nhân đó, hai vị Vinayadhara thera cảm thấy như bị đốt cháy và đầy ân hận (kukkucca) nói rằng: “ Do quan tâm và chỉ che chở cho kẻ ác giới, vô sĩ, chúng ta đã vô tình quăng đi viên ngọc của giáo pháp vào trong bể nước sâu thẳm”. Tâm bị thương tổn, bị đè nặng trong hối tiếc (kukkucca), họ đã không được tái sanh vào cõi chư thiên bậc cao sau khi chết. Trong hai vị trưởng lão này, một vị sanh làm Dạ-xoa thiên (devayakkha) tên Hemavata, ở trên ngọn núi Hemavata của dãy Hy-mã-lạp-sơn và vị kia cũng sanh làm Dạ-xoa thiên mang tên Sātāgiri ở trên ngọn núi Sata của Trung độ (Majjhima Desa). Một ngàn tỳ khưu đồ đệ của hai vị trưởng lão kia cũng không sanh vào cõi chư thiên bậc cao, bởi vì họ đã theo pháp hành giống như của hai vị trưởng lão, họ sanh làm tùy tùng của hai vị Devayakkha, mỗi vị năm trăm. Tuy nhiên, những thí chủ hằng dâng cúng bốn món vật dụng đến hai vị Vinayadhara thera thì tái sanh vào những cõi chư thiên cao hơn.
Cả Hemavata và Sātāgiri đều là chư thiên có đại oai thần lực và được bao gồm trong số hai mươi tám vị thiên tướng. Trong chư thiên có tục lệ là tám kỳ vào mỗi tháng có những cuộc họp để xét xử những vị kiện cáo theo đúng pháp lý tại giả ốc Nāgavatī (hay Bhagalavatī, theo bản dịch Tiếng Tích-lan), trên bề mặt núi đá bằng phẳng ở trong khu rừng Himavanta. Hai vị devayakkha này thường tham dự trong các buổi họp.
Hai vị Sātāgiri và Hemavata khi gặp nhau trong hội trường to lớn của chư thiên và nhớ lại những kiếp quá khứ của họ ở cõi người, bèn hỏi nhau về nơi chốn trong kiếp sống hiện tại của họ như vầy: “
Này bạn, bạn đã tái sanh ở chỗ nào?” “ Còn bạn, bạn tái sanh ở nơi nào?” Và họ rất tủi thân khi kể lại số phận của họ. “ Này bạn, chúng ta đã thực sự bị suy tàn một cách tệ hại! Dù chúng ta đã thực hành Sa- môn pháp suốt hai mươi ngàn năm trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa trong quá khứ, chúng ta bị tái sanh làm Devayakkha vì một người bạn ác giới vô sĩ. Tuy nhiên, những thí chủ của chúng ta thì tái sanh những cõi chư thiên cao hơn.”
Sự cam kết giữa hai vị thiên
Sau đó Sātāgiri Deva nói với Hemavata Deva rằng: “ Này bạn Hemavata, Himavanta nơi mà bạn đang sống được xem là nơi kỳ diệu và phi thường. Bởi vậy, bất cứ khi nào bạn thấy hoặc nghe điều gì kỳ lạ và bất thường, hãy đến và báo cho tôi được biết.” Hemavata cũng nói với Sātāgiri rằng : “ Này bạn Sātāgiri, xứ Trung độ (Majjhima Desa), nơi bạn đang sống là xứ sở có những bậc thánh đang sống hoặc xuất hiện, được xem là xứ sở kỳ diệu và phi thường. Vậy bất cứ khi nào bạn được thấy hoặc nghe điều gì kỳ lạ và khác thường, xin vui lòng hãy đến và báo cho tôi biết.” Theo cách này hai người bạn, Sātāgiri Deva và Hemavata Deva đã lập giao ước với nhau và sống mà không thể rời bỏ cuộc sống làm devayakkha của họ cho dù một trung gian Phật kiếp đã trôi qua (trung gian Phật kiếp là khoảng thời gian dài giữa hai vị Phật). Suốt thời gian này đại địa cũng lớn thêm một yojana và ba gāvuta.
Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta vẫn đang thực hành mười pháp ba-la-mật trải qua bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp, từ lúc Ngài được Đức Phật Dīpaṅkarā (Nhiên Đăng) thọ ký về sự chứng đắc Phật quả của Ngài đến thời gian Ngài làm vua Vessantara. Rồi Ngài sanh vào cõi Đâu suất đà thiên (Tusita) và sống hết thọ mạng của một vị thiên. Theo sự thỉnh cầu của chư thiên từ mười ngàn thế giới, Ngài đồng ý thành Phật sau khi thực hiện năm điều suy xét trọng đại. Tiếp theo Ngài thọ sanh trong bào thai như hoa sen của hoàng hậu Mahāmāyā trong cõi nhân loại này, khiến cho mười ngàn thế giới rung chuyển với ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu xuất hiện.
Hai người bạn này, Sātāgiri Deva và Hemavata Deva, biết rõ sự xuất hiện của ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu vào lúc Bồ tát thọ sanh, nhưng vì quá tình cờ nên họ không chú ý đến chúng. Họ không suy xét để biết rằng: “ Những hiện tượng vĩ đại này xuất hiện vì Bồ tát đang thọ sanh.” Ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu này cũng xuất hiện rõ ràng vào lúc Bồ tát đản sanh, vào lúc Ngài xuất gia và thành đạo. Nhưng dù họ biết rõ sự xuất hiện của những điềm tướng ấy, họ không suy xét để biết rằng : “ Những hiện tượng kỳ diệu này xuất hiện do bởi những sự kiện này.”
Khi Đức Phật gọi nhóm năm vị tỳ khưu lại và thuyết bài kinh Chuyển pháp luân thì quả đất cũng rung chuyển dữ dội kèm theo sự xuất hiện của ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu. Lần đầu tiên, một trong hai vị thiên, Sātāgiri đã lưu ý đến chúng, khi biết rằng Đức Phật đang thuyết bài kinh Chuyển pháp luân, nguyên nhân chính của sự xuất hiện các hiện tượng kỳ diệu, vị ấy đi đến Đức Phật cùng với năm trăm tùy tùng và nghe Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân. Nhưng vị ấy không thể chứng đắc đạo quả nào.
Lý do là Sātāgiri Deva, trong khi đang nghe bài kinh Chuyển pháp luân thì nhớ lại người bạn Hemavata Deva và nhìn quanh mà tự hỏi: “ Người bạn Hemavata Deva của ta đã đến Pháp hội này chưa? Hay vị ấy chưa đến?” Vì không tìm thấy người bạn Hemavata Deva, tâm của vị ấy trở nên nôn nóng với ý nghĩ: “ Làm sao người bạn Hemavata Deva của ta có thể chậm trể như vậy? Chắc vị ấy không thể nghe Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, là bài pháp rất vi diệu về văn và nghĩa.” Vì lý do này, vị ấy không thể giác ngộ được đạo quả nào.
Tuy nhiên, Đức Phật vẫn chưa kết thúc thời pháp Chuyển pháp luân dù mặt trời đã lặn. Nhân đó, với ý định rằng : “ Ta sẽ đi và đem người bạn Hemavata cùng đến nghe pháp”, vị ấy tạo ra những phương tiện gồm voi, ngựa, kim xí điểu, v.v… và đi xuyên qua hư không về hướng Himavata cùng với năm trăm tùy tùng.
Hai vị thiên gặp nhau giữa không trung
Cho dù ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu xảy ra vào lúc Bồ tát thọ sanh, đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn, nhưng chúng không tồn tại lâu mà biến mất tức thì vào lúc Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân. Ba mươi hai điềm tướng lớn không chỉ có tánh chất kỳ diệu, phi thường, gây kinh hãi mà còn có đặc điểm là không biến mất tức thì, thực tế thì chúng tồn tại trong thời gian khá lâu trước khi biến mất. Khi nhìn thấy sự xuất hiện phi thường và kỳ diệu của ba mươi hai điềm tướng to lớn ở bên trong những khu rừng của dãy núi Hy mã lạp sơn, Hemavata Deva cũng khởi lên ý định như vầy: “ Kể từ lúc ta sanh ra trong khu rừng này, ngọn núi to lớn này chưa bao giờ khả ái và hoàn hảo một cách kỳ diệu và phi thường như thế này.” Bây giờ nó đã xảy ra. Do đó, theo đúng với sự cam kết giữa ta và vị ấy, ta sẽ đi và cùng người bạn Sātāgiri trở lại và thưởng ngoạn trong khu rừng đầy những bông hoa kỳ diệu này.” Và, giống như trường hợp của Sātāgiri, vị ấy tạo ra những phương tiện gồm voi, ngựa, kim-xí-điểu, v.v… và đi xuyên qua hư không về hướng Majjhima Desa cùng với nhóm tùy tùng gồm năm trăm devayakkha.
Hai vị thiên gặp nhau giữa hư không trên bầu trời của thành phố Rājagaha. Khi được hỏi bởi Sātāgiri về lý do cuộc viếng thăm, Hemavata trả lời rằng: “ Này bạn Sātāgiri, kể từ khi tôi trở thành vị thiên trong rừng núi Hymalaya, ngọn núi to lớn này chưa bao giờ có sự xuất hiện vui tươi như vậy, cây cối ra hoa sái mùa. Bởi vậy, tôi đến đây để mời bạn cùng tôi thưởng ngoạn những bông hoa kỳ diệu này.”
Khi Sātāgiri Deva lại hỏi Hemavata Deva:“ Này bạn Hemavata, bạn có biết tại sao những bông hoa này nở sái mùa và khác thường như vậy không?” Vị kia, đáp lại: “ Tôi không biết, bạn Sātāgiri ạ.” Rồi Sātāgiri bèn giải thích cho Hemavata hiểu: “ Này bạn Hemavata Deva, hiện tượng kỳ diệu khác thường này đã xảy ra không riêng tại Hymalaya này. Thực ra, nó cũng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trong mười ngàn thế giới. Này bạn Hemavata, Đức Phật đã xuất hiện trong ba cõi (nhân loại, chư thiên và Phạm thiên). Đức Phật hiện đang thuyết bài kinh Chuyển pháp luân tại khu rừng Nai, được gọi là Isipatana, ở gần thành Bārānasī. Do sự kiện Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân mà ba mươi hai điềm tướng to lớn, kỳ diệu và khác thường đã xuất hiện rõ rệt khắp toàn thể thế giới.”
Sau khi đã nói với Hemavata Deva rằng Đức Phật đã thật sự xuất hiện trong thế gian, và vì muốn dẫn vị ấy đi đến Đức Phật để nghe pháp, Sātāgiri bèn nói với vị ấy như vầy:
Ajja paññāraso upsatho,
dibbā ratti upaṭṭhitā.
Anoma-nāmaṃ Satthāraṁ,
handa passāma Gotamaṁ.
“Này bạn Hemavata, hôm nay đúng là ngày rằm uposatha! Tối nay quả thật là đêm rất khả ái trong đó toàn xứ Jambudīpa tựa như được tô điểm xinh đẹp bởi ánh sáng từ thân của chư thiên và Phạm thiên (đến từ mười ngàn thế giới để nghe Pháp, vì chính hôm nay Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân), do những màu sắc sáng chói từ y phục và những cung điện của chư thiên, do ánh sáng của mặt trăng, của những tinh tú và cũng do ánh sáng từ thân của Đức Phật, của vị Visuddhi Deva. Này bạn Hamavata, đừng hoài nghi, lưỡng lự rằng Ngài có phải là Đức Phật hay không. Nào! Chúng ta hãy đi ngay bây giờ và làm lễ Đức Phật của dòng dõi Gotama, bậc có những danh hiệu đặc biệt như Phật, Thế Tôn, v.v… là đấng Đạo sư của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.”
Khi nghe những lời của Sātāgiri Deva như vậy, Hevmavata Deva bèn suy nghĩ và khởi lên ý định như vầy: “Ông bạn Sātāgiri này đã quả quyết rằng nhân vật mà vị ấy đã gặp và đã thấy thực sự là Đức Phật Chánh biến tri khi nói rằng: ‘ Ngay bây giờ chúng ta hãy đi và làm lễ Đức Phật của dòng dõi Gotama, bậc có những danh hiệu đặc biệt như Phật, Thế Tôn, v.v.. (Anoma nāmaṃ Sattharaṃ v.v…). Chư Phật Chánh đẳng Chánh giác quả thật hy hữu và khó gặp trong thế gian. Chỉ những người như Pūraṇa Kassapa và những người khác mới tự cho mình là Đức Phật Chánh biến tri và làm suy sụp nhiều người bằng cách gieo rắc vào họ những quan điểm sai lạc. Nếu Sa-môn Gotama mà Sātāgiri đã thấy là Đức Phật Chánh biến tri thực sự thì vị ấy phải là người thực sự có Như thị đức (tādiguṇa), là đức tánh không dao động trước những cảnh vừa lòng và trái ý của thế gian. Do đó, trước hết ta phải tìm hiểu xem vị ấy có phải là người có tādiguṇa hay không và với mong muốn dò hỏi về Như thị tướng (tādilakkhaṇa), vị ấy đọc lên câu kệ này:
Kici mano supaṇihito,
sabbabhūtesu Tādino.
Kacci iṭṭhe aniṭṭhe ca,
saṅkappassa vasīkatā.
“Này bạn Sātāgiri, vị ấy như thế nào? Có phải vị Phật mà bạn đã nhìn thấy, tâm của Ngài hoàn toàn thoát khỏi thương và ghét một cách tự nhiên đối với tất cả chúng sanh và vững chắc như người có Như thị đức (tādiguṇa)? Vị ấy như thế nào? Có phải Đức Phật Gotama mà bạn đã trông thấy có khả năng tự mình thoát khỏi hoặc thắng phục dục tầm (kāma-vitakka), sân tầm (vyāpāda-vitakka) và hại tầm (vihiṁsā-vitakka) mà thường làm khởi sanh thương và ghét đối với những cảnh vừa lòng và những cảnh trái ý chăng?”
Sātāgira Deva vì tuyệt đối tin tưởng rằng Đức Phật là vị Phật Toàn tri (Sabbaññū Buddha) và muốn trả lời những câu hỏi do Hemavata Deva đặt ra liên quan đến toàn bộ những ân đức của Đức Phật Toàn giác, nên đọc lên câu kệ sau đây:
Mano c’assa supaṇihito,
sabbabhūtesu Tādino.
Atho iṭṭhe aniṭṭhe ca,
saṅkappassa vasīkatā.
“Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi đã gặp, tâm của Ngài hoàn toàn thoát khỏi thương và ghét đối với tất cả chúng sanh một cách tự nhiên, là bậc có Như thị đức (tādiguṇa). (Ngay cả khi các pháp Ba-la-mật đang được thực hành và phát triển cho sự chứng đắc Phật quả, Bồ tát cũng đã có tādiguṇa rồi, không cần nói thêm về tādiguṇa hiện tại khi Ngài chứng đắc Phật quả! Trong kiếp sanh làm voi chúa Chaddanta, Ngài đã không nuôi dưỡng thù oán đối với người thợ săn Sonuttara, là người đã tìm cách giết chết Ngài, thay vào đó, Ngài tự mình bẻ gãy hai cái ngà và trao tặng cho người thợ săn. Trong kiếp sanh làm khỉ chúa cũng vậy, Ngài đã không nổi giận đối vị Bà-la- môn độc ác đã cầm cục đá đánh vào đầu của Ngài để giết chết Ngài, thay vào đó, Ngài còn chỉ cho vị Bà-la-môn lối ra khỏi rừng. Trong kiếp sanh làm bậc trí tuệ Vidhura cũng vậy, Ngài đã không giận ghét dạ-xoa Puṇṇaka, là kẻ đã nắm hai chân của Ngài và ném Ngài xuống vực thẳm dưới chân núi Kāḷa cao sáu mươi do tuần; Ngài còn thuyết pháp đến dạ-xoa Puṇṇaka). [Đó là lý do khiến Sātāgira Deva trả lời một cách tự tin rằng: “Đức Phật mà tôi đã nhìn thấy, tâm của Ngài hoàn toàn thoát khỏi yêu và ghét một cách tự nhiên đối với tất cả chúng sanh, là bậc có tādiguṇa (Mano c’assa supaṇihito v.v…”)]. Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi đã trông thấy có khả năng tự mình thoát khỏi hoặc thắng phục dục tầm (kāma-vitakka), sân tầm (vyāpāda-vitakka) và hại tầm (vihiṁsā-vitakka) thường làm sanh khởi yêu và ghét đối với với những cảnh vừa lòng và trái ý.”
Như vậy, khi Hemavata đầu tiên đặt câu hỏi liên quan đến ý môn (mano dvāra) để xem Đức Phật có đầy đủ tādiguṇa hay không thì vị ấy nhận được câu trả lời đầy quả quyết của Sātāgira. Vì muốn hỏi lại cho chắc chắn hơn là liệu Đức Phật có thanh tịnh ba môn không, hay nói cách khác, sau khi nghe câu trả lời quả quyết của Sātāgira Deva về câu hỏi cách Đức Phật có thực sự có tādiguṇa liên quan đến ba môn, và muốn hỏi lại lần nữa để có câu trả lời chắc chắn hơn, Hemavata lại hỏi qua câu kệ sau đây:
Kacci adinnaṃ n’ādiyati,
kacci pāṇesu saññato.
Kacci ārā pamādamhā,
kacci jhānaṃ na riñcati.
“Này bạn Sātāgira, Ngài như thế nào? Đức Phật mà bạn đã trông thấy, có phải vị ấy là người đã thoát khỏi việc lấy của không cho của người khác, bằng thân và khẩu chăng? Ngài như thế nào? Vị ấy có phải là người đã hoàn toàn kiên tránh sự sát sanh? Ngài như thế nào? Có phải vị ấy đã thoát khỏi sự luyến ái năm vật dục và đã viễn ly sự thất niệm (bao gồm hành vi tình dục hay phi phạm hạnh)? Ngài như thế nào? Có phải vị ấy là người đã loại trừ năm triền cái mà không để cho các tầng thiền bị tiêu hoại?”
(Đức Phật kiên tránh sự trộm cắp (adinnādāna) và những hình thức ác nghiệp khác không chỉ trong kiếp sống này khi Ngài đã thành Phật, mà suốt thời gian dài trong quá khứ Ngài cũng đã kiên tránh ác nghiệp này. Do phước nghiệp về lời nói, Ngài có những tướng của bậc đại nhân (Mahāpurisa Lakkhaṇa). Toàn thể thế gian cũng tán dương Đức Phật như vầy: “ Sa môn Gotama đã kiên tránh các ác nghiệp như nói dối, v.v…) Cho nên Sātāgira Deva, vì muốn trả lời bằng những từ ngữ rõ ràng và đầy niềm tin, bèn đọc lên câu kệ này:
Na so adinnaṁ ādiyati,
atho pāṇesu saññato.
Atho ārā pamādamhā,
Buddho jhānaṁ na riñcati.
“Này bạn Hemavata, đúng là Đức Phật mà tôi đã trông thấy là người đã thoát khỏi việc lấy của không cho của người khác, bằng thân và khẩu. Ngài cũng là người hoàn toàn kiên tránh sát sanh. Ngài hoàn toàn không còn chấp thủ 5 cảnh trần của dục lạc và không còn thất niệm. Ngài cũng là người đã đoạn diệt năm triền cái mà không để cho các tầng thiền bị tiêu hoại.”
Sau khi nghe câu trả lời quả quyết như vậy liên quan đến sự thanh tịnh về lời nói (kāyā-dvāra) và muốn hỏi xem hiện tại Đức Phật có ngữ thanh tịnh hay không, vị thiên Hemanvata đọc câu kệ sau:
Kacci musā na bhaṇati;
kacci na khīṇabyappatho.
Kacci vebhūtiyaṁ nāha;
kacci samphaṁ na bhāsati.
“Này bạn Sātāgiri, Ngài như thế nào? Có phải Đức Phật mà bạn gặp là người không nói dối? Ngài như thế nào? Có phải Ngài là người không nói lời thô thiển khiến cho chúng sanh buồn bã và thất vọng? Ngài như thế nào? Có phải là người không nói lời ác ý hủy hoại tình bằng hữu của hai người. Có phải Ngài không nói chuyện phiếm giống như lúa non chưa phát triển?”
(Đức Phật không chỉ ngay trong kiếp sống hiện tại mà suốt những kiếp dài trong quá khứ Ngài cũng không nói dối và nói lời bất thiện. Do giới đức của Ngài tránh xa những ngữ bất thiện, Ngài có hiện tướng của bậc Đại nhân như mỗi lỗ chân lông có một sợi lông duy nhất. Toàn thể thế gian nói lên lời tán thán Ngài: “Sa môn Gotama đã tránh xa bất thiện như nói dối,” và v.v… Tuy nhiên, Sātāgiri mong có câu trả lời rõ ràng và quả quyết nên đặt câu kệ sau:
Musā ca so no bhaṇati,
atho na khīṇabyappatho
Atho vebhūtiyaṁ nāha,
mantā atthaṁ subhāsati.
“Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi gặp, thật sự là người không nói dối. Ngài không nói lời ác độc và thô thiển. Ngài không nói lời phù phiếm. Ngài chỉ nói những lời cẩn trọng và lợi ích.” Hemanvata Deva, sau khi nghe câu trả lời quả quyết như vậy liên quan đến sự thanh tịnh về lời nói và muốn hỏi xem Đức Phật hiện tại có tâm ý thanh tịnh hay không, xem Ngài đã đoạn diệt vô minh hay chưa và xem Ngài có phải là bậc có ngũ nhãn không, bèn hỏi bằng câu kệ này:
Kacci na rajjati kāmesu,
kacci cittaṃ anāviham.
Kacci mohaṃ alikkanto,
Kacci Dhammesu Cakkhunmā.
“Này bạn Sātāgira, Ngài như thế nào? Có phải Đức Phật mà bạn đã thấy thực sự là người đã thoát khỏi tham dục (abhijjhā), sự tham luyến đối với năm loại dục lạc? Ngài như thế nào? Có phải tâm của Đức Phật, vị mà bạn thấy, đã thoát khỏi sân nhuế (vyapāda)? Ngài như thế nào? Có phải Đức Phật, vị mà bạn đã thấy thực sự là người đã đoạn diệt bốn loại vô minh (moha), là nguyên nhân cơ bản của tà kiến (micchā-diṭṭhi)? Ngài như thế nào? Có phải Ngài là người thực sự có con mắt trí tuệ thông đạt tất cả các pháp không chướng ngại chăng?”
(Hãy nhớ rằng: “Người có tam nghiệp thanh tịnh chưa hẳn là Đức Phật. Người trở thành Đức Phật thực sự chỉ khi có được Nhất thiết trí (subhaññūta-ñāṇa) hoặc ngũ nhãn.” Vị ấy hỏi: “Phải chăng vị ấy thực sự là người có con mắt trí tuệ thông đạt tất cả các pháp không chướng ngại? – Kacci Dhammesu Cakkhumā?
(Ngay cả trước khi giác ngộ arahatta-phala và trong khi vẫn còn ở giai đoạn A-na-hàm đạo (anāgami-magga), Đức Phật cũng đã thoát khỏi dục ái và sân vì Ngài đã loại bỏ dục ái phiền não (kāma- rāga-kilesa) và sân nhuế phiền não (vyāpāda-kilesa). Ngay vào lúc chứng đắc Dự lưu đạo (sotāpatti- magga), Ngài đã là người đoạn diệt vô minh vì Ngài đã loại trừ bức màn vô minh che lấp bốn chân lý (sacca-paṭicchādaka-moha), là nguyên nhân của tà kiến (micchā- diṭṭhi). Ngài đã có được danh hiệu “Phật” vì Ngài đã tự mình giác ngộ Tứ thánh đế bằng Tự-sanh-trí (sayambhū-ñāṇa). Cho nên vị thiên Sātāgira vì muốn quả quyết một sự thật rằng Đức Phật có sự thanh tịnh về tâm và sau khi chứng đắc Nhất thiết trí, là một vị Phật thực sự, bèn đáp lại bằng câu kệ này:
Na so rajjati kāmesu,
atho cittaṃ anāvilaṃ.
Sabbamohaṁ atikkanto,
Buddho Dhammesu Cakkhumā.
“Này bạn Hemavanta, Đức Phật mà tôi đã trông thấy là bậc đã thoát khỏi tham dục (abhijjhā). Tâm của Đức Phật đã thoát khỏi sân (vyāpāda). Đức Phật mà tôi đã trông thấy, thực sự là bậc đã đoạn trừ bốn loại vô minh (moha), là nguyên nhân cơ bản của tà kiến (micchā- diṭṭhi). Vì Ngài đã giác ngộ tất cả các pháp bằng Tự-sanh-trí (sayambhū-ñāṇa), nên Ngài có danh hiệu ‘Phật’ và có ngũ nhãn.”
Giờ đây Hemavata Deva rất vui sướng nhờ đã nghe và biết rằng Đức Phật có sự thanh tịnh về ba căn môn và cũng thật sự là một vị Phật Toàn tri (Sabbaññū-Buddha). Là một người cao quý đã từng tích lũy đa văn trí (bāhusacca-maṅgala) trong quá khứ suốt thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa và do đó là người nói lưu loát, uyên thâm và hiệu quả bằng kiến thức và trí tuệ rất thuần túy, nhưng muốn nghe thêm về những đức tánh kỳ diệu và phi thường của Đức Phật, vị ấy hỏi bằng câu kệ sau đây:
Kacci vijjāya sampanno,
kacci samsuddhacāraṇo.
Kaccissa āsava khīṇā,
kacci n’alibi punabbhavo.
“Này bạn Sātāgira, có phải Đức Phật mà bạn đã nhìn thấy thực sự là người có mắt trí tuệ (vijjā) mà tất cả chư Phật đều phải có chăng? Ngài như thế nào? Có phải Ngài thực sự là người có đủ mười lăm loại Hạnh, như đôi chân khỏe mạnh để đi đến Niết bàn chăng? Ngài như thế nào? Có phải Đức Phật mà bạn nhìn thấy, đã diệt tận hết bốn lậu hoặc (āsava) rồi? Ngài như thế nào? Có phải Đức Phật mà bạn đã thấy không còn tái sanh vào kiếp sống mới?”
Nhân đó, vị thiên Sātāgira vì có niềm tin sâu đậm và vững chắc đối với Phật quả của Đức Phật và muốn khẳng định rằng Đức Phật có đầy đủ những đức tánh mà vị thiên Hemavata muốn biết, bèn đáp lại bằng câu kệ này:
Vikkāya c’eva sampanno,
atho saṃsuddhacāraṇo.
Sabbassa āsava khīna,
N’atthi tassa punabbhavo.
“Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi đã thấy thực sự là người có con mắt vijjā mà tất cả chư Phật đều có. Ngài cũng thực sự là người có mười lăm loại hạnh, giống như đôi chân khỏe được dùng để đi đến Niết bàn. Đức Phật mà tôi thấy, Ngài không còn bốn lậu hoặc (āsava). Đức Phật mà tôi đã thấy không còn tái sanh vào kiếp sống mới.”
Vị thiên Hemavata lúc bấy giờ hết hoài nghi về Đức Phật, vị ấy suy nghĩ: “ Đức Phật mà Sātāgira đã trông thấy đúng thật là Đức Phật, bậc Chánh đẳng giác (Sammā-sambuddha), bậc Vô thượng sĩ .” Do đó, khi vẫn đang đứng giữa hư không, vị ấy đọc lên câu kệ này để tán dương Đức Phật và làm vui lòng vị thiên Sātāgira:
Sampaññāṁ munino cittaṁ,
kammanā vyappathena ca.
Vijjācarana-sampaññāṁ,
dhammato naṃ pasaṁsasi.
“Này bạn Sātāgira, Đức Phật mà bạn đã nhìn thấy, tâm của Ngài có Như thị đức (tādiguṇa). Ngài có sự thanh tịnh về hành vi, lời nói và ý nghĩ. Này bạn Sātāgira, bạn đã đúng khi tán dương Đức Phật là bậc có ba minh (vijjā), tám minh (vijjā) và mười lăm hạnh (carana).”
Nhân đó, Sātāgira Deva cũng vậy, với ý định làm vui lòng Hemavata Deva một lần nữa, bèn đọc lên câu kệ với nội dung là: ‘Này bạn Hemavata, những lời mà bạn nói hoàn toàn đúng. Giờ đây bạn đã biết rõ những đức tánh của Đức Phật và rất hoan hỉ.”
Sampaññāṁ munino cittaṁ,
kammunā vyappathena ca.
Vijjācaranā-sampaññāṁ,
dhammato anumodasi.
“Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi đã nhìn thấy, tâm của Ngài có Như thị đức (tādiguna). Ngài có sự thanh tịnh về hành vi, lời nói và ý nghĩ. Này bạn Hemavata, bạn đã hoan hỷ đúng pháp vì Đức Phật là bậc có ba minh (vijjā), tám minh (vijjā) và mười lăm hạnh (carana).”
Sau khi nói vậy, Sātāgira Deva, muốn hối thúc Hemavata Deva cùng đi đến Đức Phật nên nói lên câu kệ này:
Sampaññāṁ munino cittaṁ,
kammunā vyappathena ca.
Vijjācaraṇa-sampaññāṁ,
handa passāma Gotamaṁ.
“Này bạn Hemavata, Đức Phật mà tôi đã trông thấy, tâm của Ngài có Như thị đức (tādiguṇa). Ngài có sự thanh tịnh về hành vi, lời nói và ý nghĩ. Vậy ngay bây giờ chúng ta hãy đi và tôn kính chiêm ngưỡng Đức Phật, bậc có ba minh (vijjā), tám minh (vijjā), và mười lăm Hạnh (carana).”
Nhân đó, Hemavata Deva vốn đã có đa văn trí từ kiếp trước, muốn nói lời tán dương những đức tánh của Đức Phật và mời Sātāgira cùng đi đến chiêm ngưỡng Đức Phật, bèn đọc lên những câu kệ này:
Enījaṅghaṃ kisaṁ vīraṁ,
appahāraṁ alolupaṁ.
Muniṁ vanasmiṁ jhāyantaṁ,
ehi passacāma Gotamaṁ.
Sīhaṁ v’ekacaraṁ nāgaṁ;
kāmesu anapekkhinaṁ.
Upasaṅkamma pucchāma,
maccupāsa-ppamocanaṁ.
“Này Sātāgira, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Phật của dòng dõi Gotama. Ngài có đôi chân tròn và xinh xắn như cổ chân của con sơn dương (eṇī) đang sống ở trên những ngọn núi cao; Ngài có tứ chi và những phần khác của thân, lớn nhỏ dài cân đối trong năm yếu tố, ngắn cân đối trong bốn yếu tố, nhỏ cân đối trong bốn yếu tố, cao cân đối trong sáu yếu tố, và tròn đều ở chỗ cần tròn đều; Ngài chuyên cần và có khả năng chống lại mọi hiểm nguy từ trong thân và ngoài thân; Ngài ăn chỉ một bữa trong một ngày để nuôi thân; Ngài đã đoạn trừ tham muốn quá độ (loluppa-taṇhā) đối với vật thực; Ngài có đầy đủ bốn đạo trí (magga-ñāṇa) và Ngài thường trú trong thiền định ở nơi rừng núi vắng vẻ.
Này bạn Sātāgira, chúng ta hãy đi yết kiến Đức Phật, bậc giống như sư tử chúa Kesara, những kẻ phàm phu không dễ gì đến gần được; bậc có thể chịu đựng những pháp thăng trầm của thế gian; bậc vô uý, bậc vô song xuất hiện trong thế gian; giống như voi chúa Chaddanta, bậc có năm lực to lớn về cả thân lẫn tâm; và bậc đã thoát khỏi ham muốn đối với tất cả mọi dục lạc. Chúng ta hãy hỏi Ngài về pháp Niết bàn, là pháp chắc chắn sẽ giải thoát chúng ta khỏi vòng đau khổ trong ba cõi, cái bẫy của tử thần.”
Bằng cách này, Hemavata đã thúc dục Sātāgira Deva và một ngàn tùy tùng của họ cùng đi đến đảnh lễ Đức Phật và nghe Pháp.