CHƯƠNG 8. ĐỨC PHẬT TRÚ NGỤ Ở BẢY CHỖ

(1) Tuần lễ trên vô địch bảo tọa (Pallaṅka Sattāha)

Sau khi chứng đắc Phật quả như vậy, vào lúc rạng sáng của ngày mười sáu tháng Vesakha (tháng tư), Đức Phật xuất khỏi cảm hứng kệ (udāna) và trong khi đang ngồi trên Vô địch bảo tọa, Ngài khởi lên ý nghĩ:

“Để đạt được Vô địch bảo tọa này, Ta đã phải đi từ kiếp này sang kiếp khác suốt bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp, thực hành mười pháp Ba-la-mật một cách phi thường. Trong bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp, để có được Vô địch bảo tọa này, đã nhiều lần Ta cho đi đầu của mình kèm theo vương miện quí báu; đã nhiều lần Ta cho tim và mắt của mình; đã nhiều lần Ta cho đến bất cứ ai xin đứa con trai yêu quý như Jāli, đứa con gái yêu quý như Kanhajinā và người vợ như Maddī, làm nô lệ. Đây là Bảo tọa mà khi ngồi trên nó, Ta đã hoàn toàn thắng phục Ngũ ma. Chỗ ngồi đầy oai lực và kiết tường. Khi ngồi trên bảo tọa này, tất cả mọi ước  nguyện của Ta, cả ước nguyện thành Phật đều được thành tựu viên mãn. Ta sẽ không vội rời khỏi Bảo tọa này nơi mà Ta chịu ơn rất nhiều.”

Như vậy, Đức Phật đã trải qua bảy ngày trên Vô địch bảo tọa, nhập vào tứ thiền dẫn đến chứng đắc Arahatta-phala với trên một trăm ngàn koṭi pháp chứng.

Suốt ngày mười sáu tháng Vesakha, trú trong định của thiền quả như vậy, Đức Phật thọ hưởng sự an lạc của trạng thái giải thoát (vimutti – an lạc của đạo quả A-la-hán). Trong canh đầu của đêm, Ngài quán   pháp   Duyên   khởi   (Paṭiccasampuddā):   “   Avijjā   paccayā saṅkhārā – do vô minh (avijjā), ba loại hành (saṅkhāra): phúc hành (puññābhi-saṅkhāra), phi phúc hành (apuññābhi-saṅkhāra), và bất động hành (anañjabhi-saṅkhāra) sanh khởi.” Bắt đầu bằng cách này, Đức Phật tiếp tục quán quá trình sanh khởi của vòng đau khổ theo thứ tự xuôi (thuận thứ). Ngài lại quán : “ avijjāya tv’eva asesavirāganirodho saṅkhāra nirodhā – do sự diệt tắt của vô minh bởi A-la-hán đạo, ba loại hành: puññābhi-saṅkhāra, apuññābhi-saṅkhāra và anañjabhi-saṅkhāra cũng diệt.” Bắt đầu bằng cách quán như vậy, Đức Phật tiếp tục quán quá trình diệt của vòng đau khổ theo thứ tự nghịch (nghịch thứ).

(Ở đây cần đặc biệt chú ý rằng, dầu Đức Phật đã liễu tri tất cả các Pháp, Ngài chỉ quán pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) theo thứ tự xuôi và ngược bởi vì khi Ngài đi vào pháp thiền Quán, Ngài bắt đầu bằng pháp quán này và cũng vì giáo lý này rất vi tế thâm diệu và khó hiểu).

Khi Đức Phật quán đi quán lại pháp Duyên khởi này theo thứ tự cả xuôi lẫn ngược, Ngài càng thấy rõ hơn, sâu rộng hơn quá trình sanh khởi của vòng khổ đau trong saṁsāra theo thứ tự xuôi như sau: do sự khởi sanh của các nguyên nhân như vô minh, v.v… thì khởi sanh liên tục các quả như hành, v.v… Dường thế ấy, Đức Phật cũng biết rõ quá trình diệt tắt của luân hồi khổ theo thứ tự nghịch như sau: do sự diệt tắt của các nguyên nhân như vô minh, v.v… thì có sự diệt tắt các kết quả như hành, v.v… Sự quán xét này làm khởi sanh liên tục trong dòng tâm của Đức Phật một loạt những đổng lực tâm đại hạnh, câu hành hỉ, tương ưng trí, vô trợ (mahā-kriyā somanassasahagata ñāṇasampayutta asaṅkhārika javana).

Khi một cái bình đựng bơ lỏng hoặc dầu đầy đến miệng thì lượng thừa sẽ tràn ra ngoài; tương tự, khi tâm của Đức Phật ngập tràn hỷ lạc do trí tuệ thông suốt pháp Duyên khởi càng lúc càng rõ rệt hơn thì tâm của Đức Phật cũng tràn đầy hoan hỉ kệ như sau:

Yadā have pātubhavanti dhamma

ātāpino jhāyato brāhmanassa

Athassa kankhā vapayanti sabba

Yato pājanāti sahetudhammaṁ.

Khi ba mươi bảy Pháp trợ đạo (Bodhipakkhiya Dhamma) xuất hiện một cách sống động trong dòng tâm của vị arahat, bậc đã đoạn trừ tất cả điều ác, bậc có sự nỗ lực chân chánh để thiêu đốt một ngàn năm trăm phiền não, có pháp thiền vững chắc đến mức độ chứng đắc An chỉ định (Appanā-jhāna), nhờ pháp quán về ba đặc tánh vô  thường, khổ và vô ngã của nhiều đề mục thiền chỉ như Hơi thở vô ra và Danh sắc uẩn. Do sự xuất hiện sống động của ba mươi bảy Pháp Trợ đạo, vị ấy liễu tri khổ uẩn bao gồm vô minh, v.v… là nhân và hành, là quả. Do thấy rõ pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) này, tất cả mọi hoài nghi liên quan đến các pháp hoặc tất cả mười sáu hoài nghi liên quan đến danh sắc mà xảy ra trong ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) do vô minh không thấy Paticcasamuppāda. Tất cả hoài nghi ấy đều biến mất trong dòng tâm của vị A-la-hán ấy, như những giọt sương tan biến theo sức nóng mạnh mẽ của ánh sáng ban mai.

Đến canh giữa của đêm, Đức Phật quán đi quán lại Paticcasamuppāda theo thứ tự thuận nghịch suốt cả canh ấy. Khi Ngài quán như vậy thì trí tuệ liễu tri Niết bàn, sự diệt tắt của nguyên nhân, càng lúc càng rõ ràng hơn. Điều này dẫn đến sự sanh khởi trong dòng tâm của Ngài một loạt những đổng lực tâm đại hạnh, câu hành hỉ, tương ưng trí và vô trợ (mahā-kriyā somanassa-sahagata ñāṇasampayutta asaṅkhārika javana). Vì Ngài không thể kềm chế hỉ lạc ấy, Ngài lại thốt lên một bài kệ hoan hỉ tựa như hỉ lạc đang tuôn tràn ra ngoài:

Yadā have pātubhavanti dhammā

ātāpino jhāyato brāhmanassa.

Atthassa kaṅkhā vapayanti sabha

yato khayaṁ paccayānaṁ avedi.

Khi ba mươi bảy Pháp Trợ đạo xuất hiện sống động trong dòng tâm của vị A-la-hán, bậc đã đoạn trừ tất cả điều ác, bậc có sự nỗ lực chân chánh, để thiêu đốt một ngàn năm trăm phiền não, có pháp thiền vững chắc đạt đến mức độ An chỉ định (Appanā-jhāna), nhờ pháp quán về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của nhiều đề mục thiền như hơi thở vô ra và danh sắc uẩn. Do sự xuất hiện sống động của ba mươi bảy Pháp Trợ bồ đề, Ngài thông đạt Niết bàn vô vi, sự diệt tắt của tất cả các nhân như vô minh, v.v… Nhờ thấy rõ vô vi Niết bàn tối thượng, còn được gọi là sự diệt tắt các nhân (paccayakkhaya), tất cả mọi hoài nghi xảy ra trong ba thời do bởi vô minh không thấy Niết bàn đều biến mất trong dòng tâm của vị A-la-hán ấy, như những giọt sương tan biến theo sức nóng của mặt trời ban mai.

Qua canh cuối của đêm, Đức Phật quán pháp Paticcasamuppāda lập đi lập lại theo thứ tự thuận nghịch suốt canh. Khi Ngài quán như vậy thì trí tuệ liễu tri thánh đạo của Ngài thấy thông suốt quá trình khởi sanh liên tục và sự diệt tắt của vòng khổ đau trở nên càng lúc càng rõ rệt. Điều này dẫn đến sự khởi sanh liên tục trong dòng tâm của Ngài một loạt những đổng lực tâm đại hạnh, câu hành hỉ, tương ưng trí và vô trợ (mahā-kriyā somanassa-sahagata ñāṇasampayutta asaṅkhārika javana). Bởi vì Ngài không thể kềm chế hỉ lạc ấy, Ngài lại thốt lên bài cảm hứng kệ thứ ba tựa như hỉ lạc đang tuôn tràn ra ngoài.

Yadā have pātubhavanti dhammā

ātāpino jhāyato brahmanassa

vidhūpayaṁ tiṭṭhati mārasenaṁ

sūriyo va obhāsayaṁ antalikkhaṁ.

Khi ba mươi bảy Pháp trợ đạo xuất hiện sống động trong dòng tâm của vị A-la-hán, bậc đã đoạn trừ tất cả điều ác, bậc có sự nỗ lực chân chánh để thiêu đốt một ngàn năm trăm phiền não, có pháp thiền vững chắc đạt đến An chỉ định, nhờ pháp quán về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của nhiều đề mục thiền như hơi thở vô ra và danh sắc uẩn. Như mặt trời mọc trên đỉnh núi Yugandhara, chiếu sáng khắp bầu trời; cũng vậy, vị A-la-hán ấy nhờ ba mươi bảy Pháp Trợ đạo, đã đánh tan mười đạo binh ma như dục, v.v… và sáng chói bằng ngọn đuốc trí tuệ của vị ấy giống như mặt trời.

(Trong bộ Udāna Pāḷi, có giải thích rằng suốt canh đầu của đêm, pháp Paticcasamuppāda được quán theo thứ tự xuôi; suốt canh giữa pháp được quán theo thứ tự ngược và suốt canh cuối của đêm pháp được quán theo thứ tự cả xuôi lẫn ngược. Lời giải thích này, ám chỉ sự quán pháp của Đức Phật vào đêm thứ bảy, đêm cuối cùng của tuần lễ ngụ trên Vô địch bảo tọa).

Sau khi quán pháp Paticcasamuppāda thứ tự thuận và nghịch suốt cả ba canh của đêm trong ngày mười sáu tháng Vesakha, Đức Phật đã thốt lên ba bài cảm hứng kệ kể trên – thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy cũng vậy, Ngài vẫn ngồi trên Vô địch bảo tọa, thọ hưởng an lạc của Đạo A-la-hán.

(2)  Tuần lễ ngắm nhìn (Animisa Sattāha)

(Bảy ngày Đức Phật nhìn chăm chú vào Đại thọ Bồ-đề và Vô- địch bảo tọa mà không hề nhắm mắt thì được gọi là Animisa sattāha)

Sau khi chứng đắc Phật quả và thọ hưởng sự an lạc của Đạo Quả A-la-hán, Đức Phật vẫn ngồi trên Vô địch bảo tọa suốt bảy ngày trong tư thế ngồi kiết già. Trong dòng tâm của một số chư thiên và Phạm thiên còn phàm phu (khác với chư thiên và Phạm thiên bậc thánh biết được những ân đức của Đức Phật, một phần là do đã chứng đắc Đạo Quả trong thời kỳ của các vị Phật quá khứ), khởi sanh những hoài nghi rằng : “ Đến giờ mà Đức Phật vẫn chưa rời khỏi bảo tọa. Ngoài những ân đức mà Ngài đã có, phải chăng vẫn còn những ân đức khác giúp Ngài có thể chứng đắc Phật quả?”

Rồi đến ngày thứ tám, Đức Phật xuất khỏi thiền quả, ra khỏi sự thọ hưởng pháp giải thoát. Khi biết được những hoài nghi của chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật bay vào không trung thị hiện Song thông gồm nước và lửa để đoạn diệt những hoài nghi của họ. (Song thông được thị hiện ở đây tại cây đại thọ Mahābodhi, song thông ấy cũng được thị hiện trước hội chúng quyến thuộc của Đức Phật tại kinh thành Kapilavatthu, và cũng được thị hiện trước hội chúng do ngoại đạo sư Pathikaputta dẫn đầu ở kinh thành Vesali, song thông này giống như song thông được thị hiện gần cây xoài Kandamba. Sự mô tả chỉ tiết của phần cuối sẽ được trình bày sau).

Sau khi đoạn trừ các hoài nghi trong tâm của chư thiên và Phạm thiên bằng sự thị hiện Song thông gồm nước và lửa, Đức Phật từ không trung đi xuống và đứng thẳng như cột trụ bằng vàng tại chỗ ở hướng Đông Bắc của Vô địch Bảo tọa. Rồi với ý nghĩ: “ Ta quả thực đã chứng đắc Nhất thiết trí trên Vô địch bảo tọa này.” Ngài trải qua bảy ngày đứng thẳng không nhắm mặt, chỉ nhìn chăm chú vào Bảo tọa và Đại thọ Bồ-đề, nơi mà Ngài đã chứng đắc A-la-hán đạo trí (Arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbañuta-ñāṇa) do kết quả của những pháp Ba-la-mật mà Ngài đã thực hành suốt bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp. Nơi đó được gọi là Animisa Cetiya.

(3)  Tuần lễ kinh hành (Cankama Sattāha)

Đến tuần lễ thứ ba, Đức Phật đi kinh hành trên con đường châu báu do chư thiên và Phạm thiên tạo ra và trải dài từ đông sang tây nằm giữa Vô địch bảo tọa (Aparājita pallaṅka) và nơi Đức Phật đứng (Animissa cetiya), đồng thời Ngài cũng quán các pháp và nhập vào quả định (phala-samāpatti). Chỗ ấy được gọi là Ratanācankama Cetiya.

(4)  Tuần lễ tại Bảo ốc (Ratanāghara Sattāha)

Vào tuần lễ thứ tư, Đức Phật quán pháp vi diệu Abhidhammā trong khi đang ngồi kiết già trong bảo ốc bằng vàng (Ratanāghara) do chư thiên và Phạm thiên tạo ra ở hướng đông bắc của đại thọ bồ-đề.

Theo bộ Jinālaṅkāra Tīkā, khi Đức Phật ngồi kiết già trong Bảo ốc và quán pháp, dò xét những chúng sanh hữu duyên để tế độ, Ngài thông suốt quá trình của pháp hành bao gồm giới (sīla), định (simādhi) và tuệ (paññā). Những chúng sanh hữu duyên trong các cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả và Niết bàn nhờ an trú trong giới nhờ có tâm tập trung do định (sāmadhi) và nhờ nỗ lực tinh tấn trong pháp quán do tuệ (paññā). Do đó, Đức Phật trước hết quán về tạng Luật (Viniya Piṭaka) trong đó giảng dạy về giới (sīla), rồi đến tạng Kinh (Sutta Piṭaka) giảng dạy về định (samādhi), và cuối cùng quán về tạng Abhidhamma Piṭaka là tạng dạy về tuệ (paññā).

Khi Ngài quán tạng Abhidhamma Piṭaka, trước hết Ngài quán sáu bộ có nội dung ít cao siêu hơn, đó là Dhammasaṅganī Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggala Paññatti, Kathā Vatthu và Yamaka. Lúc ấy hào quang sáu màu của Ngài không phát ra vì Nhất thiết trí của Ngài rất quảng đại mà giáo lý trong đó thì tương đối hữu hạn. Nhưng khi Ngài quán về bộ thứ bảy, bộ Paṭṭhāna với vô số phương pháp (anantanaya samanta), Nhất thiết trí của Ngài tìm thấy cơ hội để phát ra hào quang cực mạnh của nó (như con cá khổng lồ Timiñgala, dài một ngàn yojana, có dịp vùng vẫy trong đại dương to lớn).

Khi Đức Phật suy xét những điểm vi tế và thậm thâm nhất trong tất cả giáo lý Paṭṭhāna với vô số phương pháp thì dòng tâm của Đức Phật khởi sanh hỉ lạc to lớn. Do hỉ lạc như vậy, máu huyết của Ngài trở nên trong sáng hơn; do máu huyết trong sáng, da của Ngài tinh khiết hơn; do da tinh khiết, vầng hào quang có kích thước bằng một ngôi nhà hay một quả núi phát ra từ phần thân trước của Ngài và tỏa ra xuyên thấu vô số thế giới ở về hướng Đông, như voi chúa Chaddanta bay xuyên qua bầu trời.

Tương tự vậy, hào quang xuất hiện từ phần thân sau của Đức Phật xuyên thấu vô số thế giới về hướng tây; hào quang từ bên phải của Đức Phật chiếu sáng vô số thế giới về hướng nam; hào quang phát ra từ bên trái chiếu sáng vô số thế giới về hướng bắc. Và từ dưới hai bàn chân của Đức Phật, hào quang màu san hô phát xuyên khoảng không gian bên dưới sau khi xuyên qua lớp đất, lớp nước, và lớp gió, như sợi dây chuyền bằng ngọc bích được làm cho quay tròn, những quả cầu của hào quang màu xanh nổi lên nối tiếp nhau từ trên đầu của Ngài thấu đến không gian ở bên trên sau khi đi xuyên qua sáu cõi chư thiên và hai mươi cõi Phạm thiên. Vào lúc ấy, vô số chúng sanh trong vô số thế giới đều ánh lên sắc vàng.

Chú thích: Hào quang phát ra từ thân của Đức Phật, vào ngày Ngài quán giáo lý Paṭṭhāna, cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục đi sâu đến vô số thế giới như là chuỗi liên tục của sắc do thời tiết sanh (utujarūpa).

Những bài kệ tán dương hào quang sáu màu (Chabbaṇa-raṁsi Buddha Vandanā)

Về vấn đề này, những bài kệ tán dương hào quang sáu màu của Đức Phật và những bản dịch của chúng do Mahāvisuddhārāma Sayadaw thực hiện sẽ được nêu ra để đem lại lợi ích cho những người muốn tầm cầu trí tuệ (sutakāmi).

(1) Sāttasattāhamajjhambi

nātho yo sattā sammasi

patvā samantapaṭṭhānaṃ

okāsaṁ labhate tadā.

Đức Phật, Đấng Thế Tôn sanh trong ba cõi, suy xét về bảy bộ Abhidhammā, đó là Dhammasaṅganī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggala Paññatti, Kathāvatthu, Yamaka và Paṭṭhāna trong khi đang ngụ trong ngôi nhà bằng châu báu (ratanāghara) suốt tuần lễ thứ tư. Ngài suy xét bằng Nhất thiết trí – thậm thâm, vi tế và quảng đại vô song, là kết quả của những pháp Ba-la-mật phi thường được thực hành trải qua vô số đại kiếp. Sau đó, khi vận dụng trí tuệ Ngài thâm nhập vào giáo lý Paṭṭhāna, mà bằng nhiều phương pháp mới, sâu rộng hơn đại dương có kích thước tám mươi bốn ngàn do tuần, được bao quanh bởi rặng núi đá. Sau khi thâm nhập vào giáo lý Paṭṭhāna như vậy, Nhất thiết trí của Ngài, thậm thâm, vi tế và hùng mạnh vô song, là kết quả của những pháp Ba-la-mật phi thường đã được thực hành trải qua nhiều đại kiếp, có cơ hội để phô diễn tánh rực rỡ của nó.

(2)    Yojanānaṃ satāyāmo

pañca timirapiṅgalo

kīl’okāsaṁ samudd’eva

gambhīre labhate yathā.

Đây là ví dụ chứng minh; có một con cá khổng lồ tên là Timirapiṅgala, dài năm trăm do tuần. Con cá này được dịp vẫy đuôi, bơi lội và nô giỡn trong đại dương sâu tám ngàn do-tuần, bao quanh bởi những dãy núi đá. Tương tự, Nhất thiết trí của Đức Phật, thậm thâm, vi diệu và hùng mạnh vô song, là kết quả của những pháp Ba-la-mật phi thường đã được tu tập trải qua nhiều đại kiếp liên tục, có cơ hội phô diễn tánh rực rỡ của nó.

(3)      Sammantassa taṁ

tadā satthu sarīrato

Taṁ taṁ dhāvanti chabbaṇṇā

lohitādi-pasīdanā.

Khi Ngài có dịp phô diễn như vậy, thì hào quang sáu màu – xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng và màu hỗn hợp của những màu này trải phủ khắp các chỗ, bên phải và bên trái, phía trước và phía sau, bên trên và bên dưới, từ thân cao mười tám hắc tay của Đức Phật. Do bởi trạng thái trong suốt và phát sáng của máu huyết, v.v… của Đức Phật khi Ngài đang quán pháp Paṭṭhāna vi diệu như những hạt nguyên tử. Bậc đạo sư thốt ra những lời khuyến giáo đến chúng sanh trong ba cõi gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.

(4)       Nīlāyo nīlaṭṭhānehi

pitodātā ca lohitā

tamhā tamhā tu mañjeṭṭhā

nikkhamiṁsu pabhassarā.

Từ những phần màu xanh trên thân của Đức Phật như tóc và con ngươi, phát ra những tia hào quang màu xanh có kích thước bằng ngôi nhà hay quả núi. Hào quang có màu hơi xám, hơi xanh và hơi xanh lục như màu của hạt đậu xanh, hoa sen xanh chiếu sáng rực rỡ làm cho toàn thể trời đất có màu xanh, hoặc xanh như những cái quạt bằng ngọc bích và những chiếc khăn đang phe phẩy nhẹ nhàng, êm ả, đã tỏa sáng liên tục từ ngày Đức Phật quán pháp Paṭṭhāna cho đến chiều hôm nay.

Những phần màu vàng trên thân của Đức Phật như da của  Ngài, phát ra những tia hào quang màu vàng có kích thước bằng ngôi nhà hay quả núi. Chiếu sáng rực rỡ, hào quang bao trùm khắp mười phương làm cho tất cả thân phủ vàng như những tấm vải vàng được trải ra trên một khu vực rộng lớn hay như bột nghệ và hoa kanikara bằng bạc khắp không trung, đã tỏa sáng liên tục từ ngày Đức Phật quán pháp Paṭṭhāna cho đến chiều hôm nay.

Những phần màu trắng trên thân của Đức Phật như xương, răng và những phần trắng của hai con mắt, những tia hào quang màu trắng có kích thước bằng ngôi nhà hay quả núi. Chiếu sáng rực rỡ, những tia hào quang ấy giống như dòng sữa tuôn ra khắp quanh từ cái bình bằng bạc, hay như cái lọng bằng bạc che khắp bầu trời, hoặc như những chiếc quạt bằng bạc phe phẩy nhẹ nhàng và êm ả từ những đám mây ở trên cao, hay như hoa lài trắng, hoa maghya, hoa sen trắng, hoa sumana và muggara được trộn chung với nhau, đã chiếu sáng liên tục từ ngày Đức Phật quán pháp Paṭṭhāna cho đến chiều hôm nay.

Những phần màu đỏ trên thân của Đức Phật như mắt, thịt và máu, phát ra những tia hào quang đỏ có kích thước bằng ngôi nhà hay quả núi. Chiếu sáng một cách rực rỡ, hào quang đỏ giống như bột chì đỏ, sơn dầu chảy, hoa hồng, hoa parijata của Ấn độ, làm cho mặt đất và mặt nước và toàn thể không gian được nhuộm màu đỏ, đã tỏa sáng liên tục từ ngày Đức Phật quán pháp Paṭṭhāna cho đến chiều hôm nay.

Ngoài ra, từ những chỗ khác trên thân của Đức Phật phát ra những tia hào quang có những màu đậm và nhạt (mañjettha) do sự pha trộn của màu đen, đỏ và xanh và những tia hào quang có những màu óng ánh, lấp lánh và chói lọi (pabhassara) có kích thước bằng ngôi nhà hoặc quả núi. Chiếu sáng rực rỡ, hào quang giống như tia chớp trong trời suốt tháng Vesakha, hoặc như những tia lửa loé sáng, đã chiếu sáng từ ngày Đức Phật quán pháp Paṭṭhāna cho đến chiều hôm nay.

(5)      Evaṃ chabbaṇṇaraṁsiyo

etā yāvajjavāsarā

sabhā disā vidhāvanti

pabhā nassanti tatthikā.

Như vậy, hào quang sáu màu, gồm xanh, vàng, đỏ, trắng, xám và sáng lấp lánh đã chiếu khắp mười phương cho đến hôm nay – thời gian mà giáo pháp của Đức Phật vẫn còn chiếu sáng. Hào quang phát ra từ thân và hào quang của chư thiên và Phạm thiên chiếu sáng từ những cây Như ý hoặc những cây kapparukkha, những lạc viên, cung điện chiếu sáng toàn thể mười ngàn thế giới chỉ bằng mười ngón tay của họ, tất cả hào quang ấy đều biến mất khi chạm phải hào quang sáu màu của Đức Phật.

(6) Iti chabbaṇṇaraṁsitā

aṅgiraso ti nāmaso

loke patthaṭagunaṃ taṁ vande

Buddhaṁ namassiyaṁ.

Đức Phật, Thế Tôn, bậc có danh hiệu Angirasa vì Ngài có hào quang sáu màu, bậc có danh tiếng thấu khắp ba cõi, xứng đáng được toàn thể thế gian tôn kính cúng dường, bậc thông suốt Tứ diệu Đế như thấy rõ viên ngọc trong lòng bàn tay.

Con với thân ba mươi hai thể trược, con xin cúi đầu đảnh lễ Ngài khi hồi tưởng lại thời gian Thế Tôn còn tại tiền.

Giáo lý Paṭṭhāna với phương pháp chia chẻ nhiều vô số như bầu trời, rộng lớn như quả đất và sâu thẳm như đại dương. Tuy vậy, Đức Phật, bằng Nhất thiết trí rộng lớn và mẫn tiệp, Ngài đã thông đạt hết giáo lý ấy trong vòng bảy ngày. Chỗ mà Đức Phật quán pháp bảo trong bảy ngày được gọi Ratanaghara-cetiya.

(5) Tuần lễ tại cây Ajapāla

Sau khi trải qua bốn tuần lễ (hai mươi tám ngày) gần cây Đại thọ Bồ-đề và vào tuần thứ năm Đức Phật đi đến cội cây đa Ajapāla, ở hướng Đông của cây Bồ-đề và trú ngụ bảy ngày dưới cội cây ấy, quán pháp và nhập quả định (phala-samāpatti) (Cây đa này được gọi là Ajapāla bởi vì đây là nơi mà những người chăn dê đến tụ họp và trú mát).

Lúc bấy giờ, một vị Bà-la-môn không rõ tên họ, tánh tình ngã mạn và thô bạo, đi đến Đức Phật và chuyện trò vui vẻ với Ngài. Sau khi trao đổi những lời thăm hỏi vui vẻ, đáng ghi nhớ, vị Bà-la-môn ngã mạn đứng ở nơi thích hợp và hỏi Đức Phật. “Kính bạch Đức Gotama, những ân đức nào tạo nên một vị Bà-la-môn thực sự trong  thế gian này? Phải tu tập pháp môn nào để trở thành bậc Thánh?”

Ở đây, vị Bà-la-môn ngã mạn sẽ không thông đạt Tứ Diệu Đế cho dù Đức Phật thuyết pháp cho ông ta. Thực ra, những người nghe pháp kệ của Đức Phật trước khi Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân chỉ được lợi ích là có ấn tướng trong tâm mà thôi, như trường  hợp hai vị thương buôn Tapussa và Bhallika chỉ được lợi ích qua sự quy y mà thôi, họ không bao giờ thông đạt Tứ Diệu Đế để chứng đắc Đạo Quả. Đó là pháp tánh (dhammata) hay qui luật tự nhiên (Sārattha Dīpanī Ṭīkā). Do vị Bà-la-môn ngã mạn không thể thâm nhập giáo pháp được (vì không phải là người có khả năng giác ngộ Tứ Diệu Đế), nên Đức Phật không thuyết pháp đến ông ta. Nhưng vì hiểu rõ ý nghĩa trong câu hỏi của vị Bà-la-môn, Đức Phật nói lên cảm hứng kệ này:

Yo brahmaṇo bāhitapāpadhammo

nihuṅhutṅko nikkasāvo yatatto

vedantagū vusitabrahmacariyo

dhammena so brahmavādaṃ vadeyya

yass’ ussadā n’athi kuhiṅci loke.

Vị A-la-hán được gọi là Bà-la-môn, là bậc đã đoạn diệt tất cả điều ác, đã thoát khỏi tánh thô bạo và ngã mạn; vị ấy đã thoát khỏi ô nhiễm; vị ấy chuyên tâm hành thiền hoặc vị ấy đã chế ngự tâm bằng giới; hay vị ấy đã đạt đến Niết bàn, sự diệt tận các pháp hữu vi qua tứ Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), hoặc vị ấy đã đạt đến arahatta-phala, đỉnh cao của tứ magga-ñāṇa. Vị ấy đã thành tựu pháp hành của bậc thánh về Đạo dẫn đến Niết bàn. Trong thế gian này, nơi mà các pháp khởi sanh và hoại diệt, tuyệt đối không có năm bất thiện tăng thịnh pháp (ussadā) trong con người của vị A-la-hán đối với năm vật dục. Năm bất thiện pháp tăng thịnh ấy là tham ái tăng thịnh (rāg’ussāda), sân tăng thịnh (dos’ussāda), si tăng thịnh (moh’ussāda), ngã mạn tăng thịnh (mān’usada) và tà kiến tăng thịnh (diṭṭh’ussāda). Vị A-la-hán mà được gọi Bà-la-môn ấy sẽ dũng cảm công bố rằng : “ Ta đích thực là một vị Bà-la-môn !”

(Có nghĩa là : người được gọi là Bà-la-môn có bảy ân đức sau đây: (1) đã đoạn tận các điều ác, (2) thoát khỏi tánh thô bạo và cống cao ngã mạn, (3) thoát khỏi các pháp ô nhiễm, (4) tâm được chế ngự bằng giới, (5) giác ngộ Niết bàn, (6) thành tựu thực hành bậc thánh của con đường Đạo và (7) tâm không còn sanh khởi năm bất thiện pháp tăng thịnh (ussada).

Sự chấp nhận thất bại của Ma Vương

Ma vương đã theo sát Đức Phật suốt bảy năm để chờ có dịp tìm thấy lỗi lầm nơi Ngài, nhưng không thể có được cơ hội như vậy dù nhỏ nhất. Do đó, y đi đến Đức Phật khi Ngài đang ngồi dưới gốc cây đa Ajapāla và nói lên câu kệ sau đây:

“Này ông Sa-môn Gotama, phải chăng do bị phiền não nên ông mới ngồi ở đây trong khu rừng này? Phải chăng ông đã bị mất mát của cải trị giá đến hằng trăm, hằng ngàn? Hay phải chăng ông ngồi đây trong khu rừng này vì ông đã phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng trong một ngôi làng hay thị trấn mà không dám gặp mặt mọi người? Tại sao ông không kết bạn với mọi người? Ông hoàn toàn không có sự thân thiện với mọi người!”

Đức Phật trả lời: “ Này Ma-vương, Ta đã đoạn tận tất cả nguyên nhân của phiền não, ngay cả một chút điều ác Ta cũng không có. Hoàn toàn thoát khỏi lo âu, ta an trú trong hai loại định (jhāna). Ta đã cắt đứt hữu ái (bhava-taṅhā). Ta không luyến ái bất cứ điều gì, Ta sống an lạc trong hai loại định. (Trái ngược với điều ngươi nghĩ, Ta ngồi suy nghĩ nơi đây không phải vì thương tiếc cho sự mất mát của cải hoặc vì muốn được nó). 

Ma vương lại nói: “ Này ông Sa-môn Gotama, trong thế gian này có một số người và một số Sa-môn chấp thủ những đồ vật quí giá của họ như vàng và bạc và những vật dụng như y phục, v.v… Họ cho rằng : “ Cái này là của ta. Nếu tâm của ông cũng như những người này và những Sa-môn này mà bám chấp vào vàng, bạc ấy và y phục, v.v… thì ông không thoát khỏi quyền kiểm soát của ta trong ba cõi.”

Đức Phật : “ Này Ma vương, Ta không chấp thủ chút nào đối với những vật quí giá như vàng, bạc, v.v… và những vật dụng như y phục, v.v… khi nói rằng “ Cái này là của ta.” “ Này Ma-vương, hãy biết Ta là con người như vậy! Bởi vì Ta đã khước từ ba cõi, ngươi sẽ không bao giờ thấy được con đường của ta trong những vùng kiểm soát của ngươi như ba cõi hữu (bhava), bốn hình thức tái sanh (yoni), năm  sanh  thú  (gati),  bảy  thức  trú  (viññanaṭhiti),  và  chín  trú  xứ  của chúng sanh hữu tình.”

Ma vương: “ Này Sa-môn Gotama, nếu ông biết được con đường an toàn, thánh thiện dẫn đến Niết bàn thì ông hãy đi một mình. Tại sao ông muốn giảng dạy cho kẻ khác và tiếp độ họ?”

Đức Phật: “ Này Ma vương (dầu ngươi ra sức ngăn cản Ta đến mấy chăng nữa), Ta vẫn cứ giảng dạy cho họ con đường chân chánh của bậc Thánh dẫn đến Niết bàn nếu chư thiên, nhân loại và Phạm thiên yêu cầu Ta giảng dạy về con đường thánh thiện dẫn đến Niết bàn, thoát khỏi tử sanh.”

Khi nghe vậy, Ma vương đã hết phương quanh co như con cua bị bọn trẻ trong làng đập gãy càng, bèn nói lên hai câu kệ chấp nhận thất bại:

Medāvaṇṇaṅ ca pāsānaṁ, vāyaso anuparrigā

apettha muduṁ vindema, api assādanā siyā.

Aladdha tattha assādaṁ, vāyasetto apakkame

kāko’va selamāsajja nibbijjāpema Gotama.

“Đức Phật, danh hiệu Gotama, hậu duệ của Đại vương Mahāsammata! Ví như con quạ đói ngây ngô nhảy quanh tám hướng, đi quanh một tảng đá trông giống như cục mỡ và dùng mỏ mổ vào tảng đá ấy, vì nó nghĩ rằng nó sẽ kiếm được một miếng mỡ mềm với một ít thịt, hương vị của nó sẽ thật sự thơm ngon và tràn ngập khắp châu thân.

Nhưng không thể kiếm được hương vị thơm ngon từ tảng đá ấy, con quạ ngớ ngẩn rời bỏ tảng đá. Giống như con quạ ngu si ấy, chẳng thưởng thức được chút hương vị nào dù đã ra sức mổ quanh tảng đá giống như cục mỡ ấy, phải rời bỏ cục đá mà đi; chúng tôi từ bỏ, chịu thất bại trong buồn bã và chán nản tột độ, vì không thể thành công điều gì sau khi quấy nhiễu, xúc phạm và ngăn cản Ngài, thưa Thế Tôn.”

Những đứa con gái của Ma Vương đến mê hoặc Đức Phật

Sau đó, Ma vương ngồi trầm ngâm suy nghĩ như vầy : “ Tuy ta luôn theo sát Đức Phật để tìm lỗi của Ngài, ta không thể tìm thấy nơi thái tử Siddhattha một lỗi nhỏ nào đáng chê trách. Giờ đây, thái tử Siddhattha đã thoát khỏi quyền kiểm soát của ta trong ba cõi.” Như vậy, y đã ngồi ủ rũ, buồn bã cô độc trên con đường chính không xa Đức Phật mấy và vạch xuống đất mười sáu đường kẻ sau khi xuy xét mười sáu vấn đề sau đây:

  1. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn pháp Bố thí Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì lý do này, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này Ma vương vạch đường kẻ thứ nhất.
  2. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Giới Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì lý do này, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ hai.
  3.   “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ ba.
  4. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Trí tuệ Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ tư.
  5. “Không như Thái Tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ năm.
  6. “Không như Thái Tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Nhẫn nại Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ sáu.
  7. “Không như Thái Tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Chân thật Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ bảy.
  8. “Không như Thái Tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Chí nguyện Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ tám.
  9. “Không giống như Thái Tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Từ Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ chín.
  10. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn Xả Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta. Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười.
  11. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Căn thượng hạ trí (Indriya-paropariyatti-ñāṇa). Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười một.
  12. “Không như thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được ý lạc Tuỳ miên trí (āsayanusaya-ñāṇa). Vì thế ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười hai.
  13.   “Không như Thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Đại bi định trí (mahā-karunā-samāpatti-ñāṇa). Vì thế, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười ba.
  14.   “Không như Thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Song thông trí (yamaka-pāṭihāriya-ñāṇa). Vì thế, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười bốn.
  15. “Không như Thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Vô chướng trí (anāvaraṇa-ñāṇa). Vì thế, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười lăm.
  16. “Không như Thái tử Siddhattha, ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa). Vì thế, ta không thể sánh bằng Thái tử.” Với ý nghĩ này, Ma vương vạch đường kẻ thứ mười sáu.

Lúc bấy giờ, ba người con gái của Ma vương: Taṅhā, Arati và Rāga, nhìn quanh suy nghĩ: “ Chúng ta không nhìn thấy cha của  chúng ta. Hiện giờ ông đang ở đâu?” và chúng thấy Ma vương đang ngồi ủ rũ, gạch những đường kẻ trên mặt đất. Bởi vậy, chúng vội vã đi đến Ma vương và hỏi rằng: “ Thưa cha, tại sao cha trông có vẻ buồn bã và tuyệt vọng như thế?” “ Này các con,” Ma vương đáp lại: “ Vị Sa-môn Gotama này đã thoát khỏi quyền kiểm soát của chúng ta trong 3 cõi. Dù ta đã theo sát vị ấy suốt bảy năm để tìm lỗi nơi vị ấy, nhưng ta không thể tìm thấy cơ hội nhỏ nhất để chỉ trích lỗi lầm của vị ấy.  Do đó, ta rất buồn chán và tuyệt vọng.” “Thưa cha, xin đừng lo. Chúng con sẽ mê hoặc Sa-môn Gotama này và đem vị ấy về trước mặt cha.” Ba người con gái đã hứa với Ma vương như thế.

Rồi Ma vương đáp lại: “ Này các con, không ai trong thế gian này có thể mê hoặc được Sa-môn Gotama. Ngài đã khéo an trú trong niềm tin bất động.” “ Thưa cha, chúng con là phái nữ. Chúng con sẽ đưa vị ấy vào trong cạm bẩy dục tình và nhanh chóng đem vị ấy đến trước mặt cha. Xin đừng ưu tư, tuyệt vọng.” Khi nói vậy, ba cô gái đi đến trước mặt Đức Phật và nói lời dụ dỗ với Ngài rằng: “ Kính thưa Sa-môn, hãy cho phép chúng con được hầu hạ Ngài. Chúng con sẽ cung kính ngồi dưới chân Ngài và làm thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu của Ngài.” Tuy nhiên, Đức Phật không để tâm đến chúng, mắt Ngài khép lại, thọ hưởng sự an lạc của Niết bàn qua sự an trú thiền quả (phala-samapatti).

Rồi ba người con gái của Ma vương lại bàn bạc với nhau như vầy: “ Đàn ông có những sở thích khác nhau. Một số thích những cô gái trẻ và dịu dàng, số khác thích đàn bà ở thời kỳ đầu, một số thích đàn bà ở thời kỳ giữa. Bởi vậy, chúng ta hãy hóa làm các nữ nhân đủ loại tuổi tác và chiêu dụ vị Sa-môn này.” Do đó, mỗi nàng trong bọn họ hóa ra một trăm nữ nhân:

(1)      Một số mang tướng mạo những cô gái trẻ,

(2)  Một số mang tướng mạo những cô gái ở thời kỳ đầu,

(3)  Một số mang tướng mạo những thiếu phụ một con,

(4)  Một số mang tướng mạo những thiếu phụ hai con,

(5)  Một số mang tướng mạo những công nương ở thời kỳ giữa,

(6)     Một số mang tướng mạo những mệnh phụ phu nhân. Tất cả đều có vẻ đẹp riêng của từng lứa tuổi.

Rồi chúng đi đến Đức Phật sáu lần và nói lời mê hoặc như lần trước: “Kính bạch Sa-môn, hãy cho phép chúng con được hầu hạ Ngài, chúng con sẽ tôn kính ngồi dưới chân Ngài và làm thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu của Ngài.” Y như trước, Đức Phật không để ý đến chúng mà vẫn ngồi nhắm mắt, nhập thiền quả định và thọ hưởng sự an lạc của Niết bàn.

Sau đó, Đức Phật nói rằng: “ Hãy đi đi, này chư thiên. Các ngươi ra sức dụ dỗ ta để được lợi ích gì? Các ngươi có thể làm như vậy đối với những kẻ chưa thoát khỏi tham (rāga), sân (dosa) và si mê (moha). Còn về phần Ta, Ta đã hoàn toàn đoạn diệt tham; Ta đã hoàn toàn đoạn diệt sân; Ta đã hoàn toàn đoạn diệt si mê.” Rồi Đức Phật nói lên hai câu kệ sau đây như đã được nêu ra trong Pháp cú kinh (Dhammapada Sutta).

Yassa jitam nāvajīyati

Jitamassa no yāti kosi loke

taṁ Buddhaṁ ananta gocaraṁ

apadaṁ kena padena nessatha.

Yassa jālinī visattikā

taṅhā natthi kahin ci netave

taṁ Buddhaṁ ananta gocaraṁ

apadaṁ kena padena nessatha.

Đức Phật, sau khi đã chiến thắng phiền não, không còn gì để chiến thắng nữa. Không phiền não nào đã bị đoạn diệt còn đi theo Ngài. Đức Phật với trí tuệ vô biên đã thông suốt tất cả. Các ngươi sẽ dẫn Đức Phật đi bằng cách nào?

Đức Phật không còn những yếu tố như ái dục (taṅhā) – giống như cái lưới trói buộc chúng sanh trong luân hồi, có đặc tánh của chất độc cực mạnh, đặc biệt có khả năng bám dính vào mọi thứ. Đức Phật ấy, với trí tuệ vô biên Ngài đã thông suốt tất cả, Bậc không còn những phiền não như tham ái. Các ngươi sẽ dẫn Ngài đi bằng cách nào?

Sau khi nói lời tán dương Đức Phật, chúng nói với nhau rằng: “ Cha của chúng ta đã nói đúng sự thật. Sa-môn Gotama này có những ân đức như Ứng cúng (Arahaṁ) và Thiện Thệ (Sugata), Ngài không thể dễ dàng bị mê hoặc bằng tham ái.”  Ba nàng con gái của Ma  vương bèn trở về với cha của chúng.

Ý định của Đức Phật là sống tôn kính Pháp

Khi Đức Phật đang ngụ dưới cội cây đa Ajapāla, Ngài suy nghĩ: “Sống mà không có sự tôn kính đến kẻ khác (không có ai để tôn kính) quả thật là phiền muộn. Ta nên đi đến ai để bày tỏ sự tôn kính? Ai đã đoạn diệt tất cả phiền não? Ai đã đoạn trừ tất cả mọi điều ác?” Rồi Ngài tiếp tục suy gẫm: “ Ta nên sống gần người mà hơn Ta về giới, định, tuệ và giải thoát, nhờ vậy giới, định, tuệ và giải thoát của Ta chưa hoàn hảo sẽ được hoàn hảo và viên mãn.” Rồi Đức Phật dò xét bằng Nhất thiết trí để tìm có ai hơn Ngài về giới, định, tuệ và giải thoát. Khi thấy rằng chẳng có nhân vật nào như vậy trong cả ba cõi. Ngài suy nghĩ : “ Thật tốt thay nếu Ta sống chỉ tôn kính Đức Pháp mà Ta đã chứng đạt.”

Vào lúc ấy, biết được ý định của Đức Phật, Phạm thiên Sahampati ngay lập tức hiện diện trước Đức Phật và sau khi đắp vào chiếc khăn quàng bên vai trái, đầu gối phải chạm đất, vị ấy chấp tay tôn kính và bạch rằng: “ Bạch Đức Phật vinh quang, điều mà Ngài suy nghĩ là đúng. Thưa Đức Thế Tôn, chư Phật quá khứ cũng đã sống tôn kính Pháp, chư Phật đương lai cũng sẽ sống tôn kính Pháp. Thưa Đức Phật vinh quang, Ngài là vị Phật của hiện tại sống tôn kính Pháp”. Vị ấy cũng nói thêm ba câu kệ sau đây:

Ye ca atītā Sambuddhā, ye ca Buddhā anāgatā,

yo ce tarahi Sambuddho, bahīnaṁ sokanāsano.

Sabbe saddhammagaruno vihaṁsu viharanti ca,

atho pi viharissanti esā Buddhāna dhammatā

tasmā hi attakāmena mahāttaṁ abhikankhit,

saddhammo garukātabbo saraṁ Buddhāna sāsanaṁ.

Bạch Đức Thế Tôn, có những vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ, có những vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai và Ngài, vị Phật đang xuất hiện trong hiện tại, Bậc đoạn trừ ưu não của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Tất cả chư Phật trong ba thời đều sống tôn kính Pháp, đang và sẽ sống tôn kính Pháp. Sống tôn kính Pháp là tục lệ của chư Phật Chánh đẳng giác. Do đó, Ngài muốn được lợi ích và muốn làm người được tôn kính trọng vọng, thì ngày đêm Ngài nên tôn kính Pháp bảo – tài sản của những bậc giới đức, những bậc hằng ghi nhớ trong tâm ba khía cạnh của Giáo Pháp.

Sau khi nói lên ba câu kệ này, Phạm thiên Sahampati cung kính đảnh lễ Đức Phật, đi quanh Đức Phật rồi biến mất tại chỗ ấy và trở về cõi Phạm thiên. Sau khi biết rõ lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati là thích hợp đối với Ngài, Đức Phật sống chỉ tôn kính đến Pháp mà Ngài đã giác ngộ. (Về sau, chúng Tăng được tròn đủ bốn pháp quảng đại (mahātta), đó là (1) quảng đại về số lượng các vị trưởng lão (rattaññu-mahātta), (2) quảng đại về số thành viên của Tăng (vepulla-mahātta), (3) quảng đại về phạm hạnh pháp (brahmacariya-mahātta) và (4) quảng đại về số lượng bốn món vật dụng (lābhagga-mahātta). Lúc bấy giờ, Đức Phật cũng tỏ sự tôn kính đến Tăng (Saṅgha). Vì lý do này, khi di mẫu của Ngài – bà Mahā Pajapati Gotamī, dâng hai xấp vải để may y. Đức Phật nói rằng : “ Thưa Di mẫu, hãy cúng dường vải may y ấy đến Tăng. Cúng dường đến Tăng trong đó có cả Như Lai.” Như vậy, Đức Phật rõ ràng đã bày tỏ sự tôn kính của Ngài đến Tăng).

(6)  Tuần lễ tại hồ Mucalinda (Mucalinda Sattāha)

Sau khi trải qua bảy ngày quán pháp dưới cội cây đa Ajapāla, Đức Phật rời khỏi cội cây ấy và đi đến cây Mucalinda ở về hướng đông gần cây đại thọ bồ đề. Dưới cội cây Mucalinda, Đức Phật trải qua bảy ngày ngồi kiết già thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la-hán.

Vào lúc ấy, một trận mưa lớn bất thường (trước mùa mưa) đổ xuống trong bảy ngày. (Cơn đại vũ như vậy chỉ xảy ra trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là khi vị Chuyển luân vương xuất hiện và trường hợp thứ hai là khi Đức Phật xuất hiện). Khi cơn mưa đổ xuống thì một vị long vương (nāga) rất hùng mạnh, tên là Mucalinda, cai trị cõi rồng ở dưới hồ nước gần đó bèn suy nghĩ như vầy: “ Cơn mưa sái mùa này đổ xuống ngay khi Đức Phật đang trú ở chỗ ngụ của ta. Thật tốt thay nếu chỗ ngụ dành cho Đức Phật được tìm thấy.” Vị nāga này có đủ thần lực để tự mình tạo ra một lâu đài to lớn bằng bảy báu; nhưng vị ấy suy xét rằng: “ Sẽ không có lợi ích lớn nếu ta hóa ra một lâu đài to lớn bằng bảy báu và dâng nó đến Đức Phật. Ta sẽ đem thân của ta để che mưa cho Ngài.” Thế nên, nāga hóa thân ra to lớn và quấn quanh Đức Phật bảy vòng, còn cái đầu của vị ấy thì giương rộng ra để làm mái che Đức Phật, tránh khỏi lạnh, nóng, muỗi mòng, v.v…

(Phía bên trong những vòng thân của long vương rộng lớn như tầng dưới của Thanh đồng điện (Lohapasada). Ý định của long vương là để Đức Phật được thoải mái trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm và ngồi. Ở bên trong, trung tâm những vòng thân của long vương có đặt một bảo tọa bằng châu báu. Bên trên bảo tọa là chiếc lọng với những chuỗi hoa lơ lửng thơm ngát và những ngôi sao bằng vàng rất xinh  đẹp được thả xuống từ viền quanh của chiếc lọng. Ở bốn góc có những cây đèn được thắp sáng bằng dầu thơm, những chiếc hộp đựng bột thơm chiên đàn được mở nắp và được đặt ở bốn hướng. Trên chiếc bảo tọa bằng châu báu ấy, Đức Phật ngồi thọ hưởng sự an lạc của Quả chứng ( Majjhima Aṭṭhakathā).

Như vậy, Đức Phật đã ngụ bên trong bảy vòng thân của long vương Mucalinda và suốt bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của giải thoát tựa như Ngài đang ở trong một hương phòng không quá hẹp. Khi long vương nhìn lên trời cao và thấy không còn mưa, vị ấy bèn bỏ thân long vương và hóa ra một chàng trai trẻ tuấn tú, đứng chấp tay trước Đức Phật. Rồi sau khi quán xét và thấy rằng “Với ai thọ hưởng sự an lạc Niết bàn, hạnh phúc sẽ hiện hữu bất cứ nơi nào người ấy lưu lại.” Và với tâm tràn ngập hoan hỉ, Đức Phật thốt lên những cảm hứng kệ sau đây:

Sukho viveko tuṭṭhassa

sutadhammassa passato

Abyāpajjaṁ sukhaṁ loke,

pāṇabhutesu saṁyamo.

Sukhā virāgatā loke,

kāmānaṁ samatikkamo.

Asmimānassa yo vinayo

etaṁ ve paramani sukhaṁ.

Niết bàn – sự trống vắng bốn hình thức tái sanh (upadhi), là tịnh lạc. Ngài không sân hận mà từ ái đối với nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Bậc hài lòng với thành quả của mình qua bốn đạo Tuệ. Bậc giác ngộ chánh pháp bằng tuệ nhãn của Ngài, hay Bậc đã thông đạt Pháp và Bậc bằng tuệ nhãn Ngài thấy Niết bàn, không có bốn hình thức tái sanh, thấy các Pháp nên thấy. Pháp từ ái của bậc như vậy là sự tịnh lạc trong thế gian này. Phát triển tâm bi mẫn – pháp hành của các vị Phạm thiên, tâm thoát khỏi sự độc ác cường  bạo,  là  sự  tịnh  lạc.  A-na-hàm đạo tuệ đoạn diệt ái, ly sân, ly dục là tịnh lạc. Đạo quả A- la-hán hoàn toàn đoạn tận ngã ‘Ta là’. Đạo quả A-la-hán quả thật là hạnh phúc tối thượng trong tất cả các pháp hữu vi.

(7)  Tuần lễ dưới cội cây Rājāyatana (Rājāyatana Sattāha)

Sau khi trải qua bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A- la-hán dưới cội cây Mucalinda và đến tuần lễ thứ bảy, Đức Phật rời khỏi chỗ đó và đi đến cội cây Rājāyatana ở về hướng nam của đại thọ bồ đề và ngồi dưới cội cây ấy thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la- hán trong bảy ngày.

(Suốt 49 ngày này, Đức Phật không làm bất cứ công việc như súc miệng, rửa mặt, đại tiểu tiện, tắm, độ thực, uống nước và nằm. Ngài trải qua thời gian ấy chỉ thọ hưởng sự an lạc của thiền (jhāna) và quả). Khi 49 ngày kết thúc, đến ngày mồng năm tháng năm (tháng Āsaḷha, khi Đức Phật đang trú ở Rājāyatana, Sakka đến và dâng đến Ngài trái thuốc myrobalan vì vị ấy biết Đức Phật muốn rửa mặt và vệ sinh thân thể. Đức Phật nhận lấy trái myrobalan. Khi Ngài vừa độ xong trái myrobalan thì Ngài đi đại tiện và tiểu tiện. Sau đó Sakka dâng cây chà răng lấy từ cõi rồng, và nước từ hồ Anotatta (để rửa mặt). Đức Phật dùng cây chà răng, súc miệng và rửa mặt bằng nước ở hồ Anotatta và vẫn ngồi dưới cội cây Rājāyatana.

Hai anh em thương buôn, Tapussa và Bhallika qui y Nhị Bảo

Hai anh em thương nhân, Tapussa và Bhallika đang đi trên đường từ quê nhà của họ ở Ukkalājanapada đến xứ Majjhimadesa với năm trăm cổ xe của họ để buôn bán. Họ đang đi theo con đường chính khi đến gần cây Rājāyatana, những cỗ xe bỗng nhiên dừng lại tựa như chúng bị dính trong bùn, dù mặt đất vẫn bằng phẳng và không có nước. Khi họ hỏi nhau: “ Do nguyên nhân gì?” và đang bàn bạc thì một vị thiên, đã từng là quyến thuộc của hai anh em thương buôn trong kiếp quá khứ, hiện hình ra trên nhánh cây và nói rằng : “ Này các bạn trẻ, sau khi chứng đắc Phật quả không lâu, Đức Phật đã trú trong sự an lạc của đạo quả A-la-hán và hiện đang ngồi dưới cội cây Rājāyatana, Ngài đã không thọ thực suốt 49 ngày rồi. Này các bạn trẻ, hãy tôn kính Đức Phật bằng sự cúng dường vật thực. Điều này sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc lâu dài cho các bạn.”

Nghe qua những lời này, hai vị thương buôn rất hoan hỉ và nghĩ rằng: “ Nếu nấu cơm sẽ mất nhiều thời gian.” Họ bèn đi đến Đức Phật mang theo những miếng bánh nướng bằng bột gạo và những viên vật thực có tẩm mật ong mà họ đã mang theo trên đường đi. Sau khi đến Đức Phật, họ tôn kính đảnh lễ Ngài, ngồi xuống ở nơi phải lẽ và bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Ngài thọ lãnh những chiếc bánh nướng và những viên mật ong này để chúng con được lợi ích và hạnh phúc lâu dài.”

Nhân đó, Đức Phật suy xét: “ Chư Phật quá khứ không bao giờ thọ lãnh vật thực bằng đôi tay của các Ngài. Như vậy, Ta sẽ dùng cái gì để nhận lấy những miếng bánh và những viên mật ong do hai vị thương nhân này dâng đến?” (Vì cái bát bằng đất do Phạm thiên Ghaṭikāra dâng tặng vào lúc Ngài xuất gia đã biến mất từ ngày Ngài thọ lãnh món cơm sữa của nàng Sujātā). Biết được ý nghĩ của Đức Phật,  bốn  vị  Thiên  vương  –  Dhataraṭṭa,  Viruḷhaka,  Virūpakkha  và Kuvera bèn dâng đến Ngài bốn cái bát bằng ngọc bích. Tuy nhiên, Đức Phật từ chối nhận chúng. Bốn vị Thiên vương lại dâng đến Ngài bốn cái bình bát khác bằng đá tự nhiên có màu lục. Đức Phật nhận lấy bốn cái bát này. Và do lòng bi mẫn đến Tứ đại thiên vương, Đức Phật đặt bốn cái bát chồng lên nhau và chú nguyện: “ Hãy biến thành chỉ một cái.” Và ngay lập tức, bốn cái bát tự biến thành một cái bát với bốn đường viền tròn.

Đức Phật thọ lãnh vật thực bằng cái bát ấy và độ thực rồi ban lời phúc chúc đến hai vị thương nhân. Sau đó hai vị thương nhân xin quy y Phật và Pháp ( vì lúc bấy giờ chưa có Tăng bảo) và vì vậy họ trở thành hai cận sự nam (Devācika-saraṇa) quy y Nhị bảo bằng lời nói tự nguyện: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin quy y Đức Thế Tôn và giáo pháp của Ngài – Ete mayhaṁ bhante, Bhagavantaṃ saranaṃ gacchāma dhammañ ca.” (Đây là hai vị thiện nam đầu tiên quy Nhị bảo).

Sau đó hai anh em thương nhân nói lời thỉnh cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin Đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đến chúng con mà ban cho chúng con một vật gì đó để chúng con tôn thờ về sau.” Đức Phật dùng bàn tay phải thoa lên đầu của Ngài và lấy xuống những sợi tóc của Ngài và ban tặng họ. Khi có được những sợi tóc, hai anh em thương nhân vô cùng vui sướng, tựa như nước cam lồ được tưới lên người của họ. Bán xong hàng hóa, họ trở về thị trấn Pukkharavatī của họ tại xứ Ukkalā, và tại đó, họ dựng lên một bảo tháp thờ Tóc xá-lợi, được đựng trong một cái hộp bằng vàng.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app