Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 6. BỒ TÁT THỰC HÀNH PHÁP KHỔ HẠNH
- Sáu năm Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh ở Uruvela
- Sự hiện khởi ba ví dụ so sánh trong tâm của Bồ tát
- Sự thực hành khổ hạnh pháp (dukkaracariya) của Bồ tát
- Bồ tát kiệt sức khi đang đi và ngã xuống trong tư thế ngồi
- Bồ tát tiết độ vật thực
- Ma vương giả bộ bày tỏ thiện ý đến Bồ tát mong lung lạc ý chí của Ngài
- Mười loại binh ma
- Những điểm đáng nghi vấn
CHƯƠNG 6. BỒ TÁT THỰC HÀNH PHÁP KHỔ HẠNH
Sáu năm Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh ở Uruvela
Sau khi rời khỏi giáo chủ Udaka, Bồ tát đi về vùng Magadha để tầm cầu Niết bàn và cuối cùng đến thị trấn Senā. Gần Senā là khu rừng Uruvelā. Địa thế tự nhiên của khu rừng đủ để làm hài lòng những bậc cao nhân và bậc giới đức. Tại chính khu rừng khả ái này, con sông Nerañjarā (Ni-liên-thiền) là khu vực rất hấp dẫn, không có bùn dơ, hai bên bờ cát trắng lấp lánh như bạc, nước sông trong vắt chứa đầy cá rùa, dòng sông miên man chảy không ngừng. Có những ngôi làng lân cận để những ẩn sĩ có thể dễ dàng kiếm vật thực. Khi trông thấy tất cả những nét đặc thù này, Bồ tát lưu ý đến chúng một cách kỹ lưỡng và khởi lên thiện ý như vầy: “ Quả thực là nơi lý tưởng dành cho những thiện nam tử tầm cầu Niết bàn đến để thực hành thiền tịnh.” Do đó, Ngài dựng lên một thảo am nhỏ bằng củi khô và lá có sẵn, rồi ngụ trong khu rừng Uruvelā ấy để hành thiền.
Sự hiện khởi ba ví dụ so sánh trong tâm của Bồ tát
Ba ví dụ so sánh sau đây khởi sanh trong tâm của Bồ tát
(1) Để tạo ra lửa, một người dù siêng năng đến mấy chăng nữa, nhưng nếu dùng cây mồi lửa mà cọ vào miếng gỗ ướt được nhúng trong nước, thì anh ta cũng không thể tạo ra lửa, chỉ làm phí sức mà thôi. Dường thế ấy, trong thế gian này, những bậc được gọi là Sa-môn và Bà-la-môn mà nội tâm bị nhầy nhụa do các phiền não dục, chưa được làm khô héo và chưa xa lìa vật dục thì sẽ không giác ngộ được Đạo Quả, chỉ bị đau khổ dầu họ cố gắng tự thanh lọc các phiền não ấy đến mấy chăng nữa. Đây là ví dụ thứ nhất hiện khởi trong tâm của Bồ tát.
(Trong ví dụ này, những người có phiền não dục nhầy nhụa chưa được làm khô sạch thì giống như thanh củi ướt. Hành động trầm mình trong ngũ dục giống như hành động nhúng miếng gỗ sung vào trong nước. Tính chất không thể tạo ra ngọn lửa của Đạo tuệ dù siêng năng đến mấy, nếu chưa từ bỏ ngũ dục giống như tính chất không thể tạo ra ngọn lửa khi cọ cây kích lửa với miếng gỗ ướt. Ví dụ này ám chỉ đời sống tu hành của những đạo sĩ đang sống đời sống gia đình với vợ con – saputtabhariyā-pabbajjā).
(2) Để tạo ra lửa, một người tuy siêng năng, cọ cây kích lửa vào một miếng gỗ ướt được để trên đất cách xa nước, người này cũng không thể tạo ra lửa vì miếng gỗ còn ướt; thay vào đó, anh ta chỉ trở nên khốn khổ. Dường thế ấy, trong thế gian này, những người được gọi là Sa-môn và Bà-la-môn mà nội tâm còn những phiền não dục chưa được đoạn trừ sẽ không thể giác ngộ được Đạo Quả, chỉ đi hoài trong đau khổ dù thân tâm của họ đã xa rời nước ngũ dục và có sự siêng năng tu tập. Đây là ví dụ thứ hai hiện khởi trong tâm của Bồ tát.
(Trong ví dụ này, những người mà nội tâm chưa khô héo các phiền não dục thì cũng giống như miếng gỗ lớn ẩm ướt. Khả năng không thể tạo ra ngọn lửa của Đạo tuệ dù họ tinh tấn hành đạo đến mấy, thân tâm đã xa rời ngũ dục, cũng giống như việc không thể tạo ra ngọn lửa. Thay vào đó chỉ tạo ra đau khổ, vì tánh chất ẩm ướt của gỗ, dầu nó được dụng công cọ xát liên tục đến mấy. Ví dụ này ám chỉ sự tu hành của những vị Bà-la-môn đã từ bỏ vợ con, siêng năng hành đạo trong pháp môn của ngoại đạo (pāsaṇḍa). Sự tu tập này được gọi là Brāhmaṇadhammikā-pabbajjā).
(3) Để tạo ra ngọn lửa, một người lấy cây kích lửa cọ vào miếng gỗ khô được để trên đất khô cách xa nước và anh ta tạo ra ngọn lửa một cách dễ dàng vì miếng gỗ khô lại được đặt trên đất cách xa nước. Dường thế ấy, trong thế gian này, những người được gọi là Sa- môn và Bà-la-môn mà nội tâm đã khô héo các phiền não dục và thân tâm đã xa rời các cảnh dục, có thể giác ngộ Đạo Quả khi họ thực hành theo Sa-môn pháp chân chánh với sự dụng công nhiều hoặc ít. Đây là ví dụ thứ ba hiện khởi trong tâm của Bồ tát. Ví dụ này ám chỉ con đường tu chứng của Bồ tát.
Nhóm năm vị đạo sĩ đến hầu hạ Bồ tát
Nhóm năm vị đạo sĩ đã xuất gia làm Sa-môn ngay sau khi Bồ tát đản sanh như đã trình bày ở trước, họ đang dò hỏi xem Bồ tát đã từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn hay chưa. Khi hay tin Bồ tát đã xuất gia, họ bắt đầu đi đến các làng mạc, phố chợ, v.v… từng nơi một, để tìm kiếm Bồ tát và gặp Ngài ở khu rừng Uruvelā. Họ vốn đã hy vọng mạnh mẽ rằng: “ Không bao lâu nữa, Bồ tát sẽ thành Phật! Không bao lâu nữa Bồ tát sẽ thành Phật!”, họ hầu hạ Ngài khi Ngài đang thực hành khổ hạnh pháp (dukkaracariya) trải qua sáu năm ròng rã. Họ luôn theo Bồ tát để thực hiện các phận sự của họ như quét dọn phòng ốc, đem đến Ngài nước nóng và nước lạnh, v.v…
Sự thực hành khổ hạnh pháp (dukkaracariya) của Bồ tát
Pháp tinh tấn được thành lập bởi bốn điều thệ nguyện, đó là (1) “ Dù chỉ còn da!”, () “ Dù chỉ còn gân!”, (3) “ Dù chỉ còn xương!” và (4) “ Dù thịt và máu bị khô héo.” Chúng được gọi là ‘dõng mãnh tinh tấn – padhāna-viriya’. Những sự thực hành được nêu ra ở đây được gọi là việc làm tinh tấn (padhāna) vì chúng được thực hiện với sự dõng mãnh tinh tấn. Chúng cũng được gọi là hạnh tinh tấn – dukkaracariya (dukkara: khó làm, cariya: hạnh) vì chúng rất khó thực hành đối với những người bình thường.
(a) Sau khi đã đi đến thị trấn Senā để khất thực, Bồ tát trải qua nhiều ngày thực hành pháp thiền bác ái (mettā-bhāvanā). Rồi ý nghĩ sau đây chợt khởi lên trong tâm của ngài: “ Lợi ích nào sẽ phát sanh khi sống nhờ vào những vật thực thấp hèn và thô thiển này? Qua việc ăn thứ vật thực như vậy đến no bụng và tu tập pháp bác ái, ta sẽ không chứng đạt Nhất thiết trí, là mục đích của ta.” Và vì thế, Ngài từ bỏ việc sống nhờ vào vật thực khất thực, chỉ ăn những trái cây lớn nhỏ, những trái rụng xuống trong khu rừng Uruvelā. Ngay cả bằng cách này vẫn không đạt được Nhất thiết trí, Bồ tát tự nghĩ: “ Vật thực này gồm những trái cây lớn nhỏ vẫn còn thô. Còn đi tìm kiếm trái cây thì vẫn còn bị ràng buộc (palibodha).” Do đó, Ngài chỉ sống bằng trái cây rụng xuống quanh gốc cây nơi Ngài trú ngụ.
(b) Rồi Bồ tát suy xét như vầy: “ Thật tốt thay nếu ta, bằng sự nghiến răng và tặc lưỡi áp chế tâm bất thiện kết hợp với những ý nghĩ ác như dục tầm, v.v… với tâm thiện kết hợp với những tư tưởng chân chánh và hùng mạnh. Thật tốt thay nếu ta đoạn tận nó. Thật tốt thay nếu ta đoạn diệt nó bằng ngọn lửa tinh tấn.” Bởi vậy, bằng sự nghiến răng và tặc lưỡi, Ngài áp chế tâm bất thiện bằng tâm thiện. Ngài không để nó sanh khởi mà đoạn diệt nó. Ngài loại trừ nó ra khỏi người bằng ngọn lửa của sự tinh tấn. Vì vậy, mồ hôi chảy ra và nhỏ giọt xuống từ hai nách của ngài. Ví dụ: giống như mồ hôi nhỏ giọt từ hai nách của một người yếu ớt khi có một người mạnh khỏe kẹp đầu hoặc vai của anh ta và đè anh ta xuống. Vào lúc ấy, sự tinh tấn của Bồ tát rất mạnh mẽ. Nó chẳng bị vơi giảm chút nào. Chánh niệm của Ngài cực kỳ vững chắc và ưu trội. Ngài chẳng bao giờ đánh mất sự giác tỉnh. Nhưng sự tinh tấn đầy đau đớn của Ngài mãi gia tăng, tựa như toàn thân Ngài bị nóng cháy, chỉ có gia tăng mà không vơi giảm. Dầu ở trong trạng thái đau đớn như vậy, nhưng ý chí quyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không thối giảm.
(c) Rồi ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của Bồ tát: “ Thật tốt thay nếu ta tu tập An chỉ định bằng cách chế ngự việc thở vô và thở ra.” Thế nên, với tinh tấn không giảm sút, Ngài chế ngự việc thở vô và thở ra ở miệng và mũi khiến không khí không thể đi vào hoặc đi ra. Khi ấy, vì không có cơ hội, không khí tích tụ và thoát ra qua lỗ tai, lỗ miệng và lỗ mũi. Âm thanh được tạo ra do gió thoát ra như vậy rất mạnh giống như âm thanh từ hai ống bể của thợ rèn. Vào lúc ấy sự tinh tấn của Bồ tát rất mạnh mẽ, nó chẳng bị vơi giảm chút nào. Chánh niệm của Ngài cực kỳ vững chắc và ưu trội. Chưa bao giờ Ngài đánh mất giác tỉnh. Khi sự tinh tấn đầy đau đớn được lập đi lập lại nhiều lần; toàn thân của Ngài bị nóng cháy, chỉ có gia tăng mà không vơi giảm. Dầu ở trong trạng thái đau đớn như vậy, nhưng ý chí quyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không vơi giảm.
(d) Rồi ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của Bồ tát: “ Thật tốt thay nếu ta lập lại pháp An chỉ định nầy.” Như thế, với sự tinh tấn không giảm sút, Ngài chế ngự hơi thở vô ra qua đường miệng, mũi và tai. Khi ấy, vì không có cơ hội để thoát ra qua đường miệng mũi và tai, hơi thở bên trong bắn lên đầu và thấu vào óc. Ví như một người mạnh khỏe bị cái khoan bén nhọn khoan vào đầu của anh ta. Ngay cả lúc ấy sự tinh tấn của Ngài vẫn mạnh mẽ như trước, nó không vơi giảm chút nào. Chánh niệm của Ngài cũng vẫn cực kỳ vững chắc ưu trội. Không bao giờ Ngài đánh mất giác tỉnh. Khi sự tinh tấn đầy đau đớn mãi gia tăng, toàn thân bị nóng cháy, chỉ có gia tăng mà không vơi giảm. Dầu ở trong trạng thái đau đớn như vậy, nhưng ý chí qưyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không thối giảm.
(e) Rồi ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của Bồ tát : “ Thật tốt thay nếu ta tu tập An chỉ định bằng cách chế ngự thở vô và thở ra.” Bởi vậy, với sự tinh tấn không giảm sút, Ngài chế ngự thở vô và thở ra ở miệng và mũi khiến không khí không thể đi vào hoặc đi ra. Thế nên, luồng khí mạnh đập vào đầu Ngài, hậu quả là Ngài chịu những cơn nhức đầu kinh khủng. Ví như cơn đau đớn xảy ra do người đàn ông khỏe mạnh bị cột chặt sợi dây vòng quanh đầu rồi xiết sợi dây lại. Vào lúc ấy sự tinh tấn của Bồ tát rất mạnh mẽ, nó chẳng bị vơi giảm chút nào. Chánh niệm của ngài cực kỳ vững chắc và ưu trội. Chẳng bao giờ Ngài đánh mất giác tỉnh. Khi sự tinh tấn đầy đau đớn lập đi lập lại nhiều lần, toàn thân của Ngài bị nóng cháy, chỉ có gia tăng mà không vơi giảm. Dù ở trong trạng thái đau đớn như vậy, nhưng ý chí quyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không vơi giảm.
(f) Lại nữa, Bồ tát lại suy nghĩ như vầy: “ Thật tốt thay nếu ta vẫn tiếp tục thực hành pháp An chỉ định (Appānaka Jhāna).” Bởi vậy, bằng sự cố gắng không giảm sút, Ngài tiếp tục kềm chế hơi thở vô ra qua đường mũi, miệng và tai, như trước. Do đó, hơi thở bị dồn nén gây đau đớn dữ dội tựa như đang cắn xé trong bụng của Ngài. Ví dụ như một người bán thịt lanh lẹ (hay người phụ việc của ông ta) cầm cây dao bén mổ vào bụng vậy. Vào lúc ấy cũng vậy, sự tinh tấn của Ngài vẫn mạnh như trước, nó không vơi giảm chút nào. Chánh niệm của Ngài vẫn cực kỳ vững chắc và ưu trội. Không bao giờ Ngài đánh mất giác tỉnh. Khi sự tinh tấn đầy đau đớn của Ngài mãi gia tăng dồn dập; toàn thân nóng cháy, chỉ có tăng mà không vơi giảm. Dù ở trong trạng thái đau đớn như vậy, nhưng ý chí quyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không thối giảm.
(g) Lại một ý nghĩ khác khởi sanh trong tâm của Bồ tát: “ Thật tốt thay nếu ta vẫn tiếp tục tu tập phương pháp An chỉ định (Appānaka Jhāna).” Bởi vậy, với sự tinh tấn không chùn bước, Ngài tiếp tục kềm chế hơi thở vô ra qua đường miệng, mũi và tai như trước. Nhân đó, toàn thân của ngài bị đốt cháy dữ dội (ḍāharoga). Ví như một người đàn ông yếu ớt bị hai người đàn ông mạnh khỏe ghì giữ hai cánh tay của ông ta và đặt ông ta trên đống lửa lớn, ông ta bị đốt cháy như vậy. Vào lúc ấy, toàn thân của Bồ tát ở trong trạng thái nóng cháy. Cũng vào lúc ấy, sự tinh tấn của Ngài vẫn không vơi giảm mà vẫn mạnh như trước. Chánh niệm của Ngài rất rõ ràng và vững chắc. Tuy nhiên, vì đớn đau tạo ra do sự tinh tấn mạnh mẽ nên Ngài không được an lạc. Tuy thế, ý chí quyết tâm phấn đấu của Ngài vẫn không suy thối.
Chú ý: Đoạn (a) được trích dẫn từ bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā. Đoạn (b) được trích dẫn từ bài kinh Mahāsaccaka Sutta.
Bồ tát kiệt sức khi đang đi và ngã xuống trong tư thế ngồi
Bị hành hạ bởi sức nóng mãnh liệt đang đốt cháy khắp châu thân, Bồ tát kiệt sức và ngã xuống trong tư thế ngồi khi đang đi. (Là người có chánh niệm mạnh mẽ, Ngài chỉ ngã xuống trong tư thế ngồi trong khi đang đi kinh hành, không té sấp). Khi Bồ tát ngã xuống như vậy thì chư thiên có mặt ở gần đó đưa ra ba cách nhận xét.
(1) Một số chư thiên nói rằng: “ Sa-môn Gotama đã chết.” (2) Số khác nói rằng: “ Sa-môn Gotama chưa chết.” (3) Một số khác nữa thì nói rằng: “ Sa-môn Gotama không phải đã chết cũng không phải đang chết. Sa-môn Gotama đã thành bậc A-la-hán. Đó là tư thế ngồi của bậc A-la-hán.”
Từ chư thiên đưa ra ba lời nhận xét này, những vị mà nói rằng: “ Sa-môn Gotama đã chết”, đi đến đức vua Suddhodāna và báo cho vị ấy biết rằng: “ Con trai của bệ hạ đã chết.” Khi đức vua hỏi lại: “ Con trai của ta đã chết trước khi chứng đắc Phật quả hay sau khi chứng đắc Phật quả?” Họ đáp lại rằng: “ Con trai của bệ hạ không có cơ hội để thành Phật.Trong khi đang nỗ lực phấn đấu thì vị ấy ngã xuống và chết tại đó, trên con đường kinh hành.” “ Ta không tin lời nói của các vị chút nào cả. Nếu chưa chứng đắc Nhất thiết trí thì cái chết không thể xảy đến cho con trai ta.” Đức vua nhấn mạnh một cách quả quyết.
Bồ tát tiết độ vật thực
Khi hồi tỉnh, Bồ tát suy nghĩ như vầy: “ Thật tốt thay nếu ta thực hành phương pháp nhịn ăn.” Nhân đó, chư thiên nói với Ngài rằng: “ Hỡi Bồ tát, bậc Sa-môn cao quý! Đừng nhịn ăn hoàn toàn. Hỡi Bồ tát, vị Sa-môn cao quý! Nếu Ngài nhịn ăn hoàn toàn thì chúng tôi phải đưa vật thực của chư thiên qua các lỗ chân lông của Ngài và Ngài sẽ được nuôi sống bằng vật thực ấy.” Rồi ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của Bồ tát: “ Nếu ta quyết định không ăn chút nào cả, nếu chư thiên cho vật thực qua các lỗ chân lông của ta thì sự tuyệt thực sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.” Thế nên, Ngài nói với chư thiên: “ Hỡi chư thiên, đừng đưa vào vật thực qua các lỗ chân lông của ta. Ta sẽ độ vật thực vừa đủ để giữ mạng sống.”
Từ đó trở đi, Bồ tát không tuyệt thực, mà chỉ ăn ít dần lại. Với bữa ăn trong một ngày, có khi Ngài độ một nắm súp lentil, có khi Ngài độ một nắm súp đậu, có khi Ngài độ một nắm súp ngũ cốc và lúc khác độ một nắm súp đậu xanh. Do chỉ ăn một nắm súp đậu như vậy trong một ngày nên thân của Bồ tát gầy ốm cùng cực và kiệt quệ.
Vì dùng quá ít vật thực, nên tứ chi lớn nhỏ của Ngài nhô ra ở các chỗ nối các khớp xương, gầy ốm và teo tóp ở những chỗ khác giống như những loại cây keo có mắc nối ở mỗi đoạn như cây āsītika và cây kāla. Hai mông của Bồ tát bị nhăn nheo giống như hai cái mông của con lạc đà, còn hậu môn thì bị lún sâu vào bên trong. Xương sống của Bồ tát lồi ra và lõm xuống ở những khoảng giữa hai đốt xương sống giống như xâu chuỗi lớn. Thịt giữa các đốt xương sống lõm xuống tạo thành hình thù xấu xí, thô kệch giống như sườn của một cái chòi cũ kỹ. Hai con mắt chìm sâu trong hốc mắt như hai bong bóng nước nổi lên trong một cái giếng sâu. Da đầu teo tóp và nhăn nheo giống như trái bầu non bị phơi khô dưới nắng.
Vì da bụng dính vào cột xương sống, nên khi sờ vào da bụng thì đụng cột xương sống, và khi sờ cột xương sống thì cũng đụng vào da bụng. Khi ngồi vệ sinh thì nước tiểu không ra ngoài vì không có đủ vật thực lỏng ở trong bụng để biến thành nước tiểu. Còn nói về phẩn thì chỉ có một hoặc hai viên cứng cỡ bằng hạt cau được thải ra một cách khó khăn. Mồ hôi toát ra nhễ nhại khắp toàn thân và Ngài đã ngã xuống tại chỗ với mặt úp xuống đất. Khi Bồ tát dùng bàn tay xoa vào thân thể để làm vơi dịu nỗi đau chút ít, do không được thịt và máu nuôi dưỡng, nên lông trên thân của Ngài bị chết ở gốc đã rụng theo bàn tay của Ngài khi Ngài sờ đến.
Nước da tự nhiên của Bồ tát vốn có màu vàng óng ánh như màu của vàng siṅgīnikkha. Nhưng trong số những người trông thấy Ngài khi Ngài đang chuyên tâm hành pháp khổ hạnh, họ nói rằng: “ Sa-môn Gotama có nước da đen sẫm.” Số khác thì nói rằng: “Nước da của Sa-môn Gotama không phải màu đen sẫm, mà màu nâu.” Số khác nữa thì nói rằng: “Da của Sa-môn Gotama không phải màu đen sẫm cũng không phải màu nâu; nó có màu xám như màu của con cá trê.”
(Độc giả của bộ Buddhavaṃsa này có thể ngừng đọc một lát và suy nghĩ: “ Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh mà người bình thường nhận thấy khó thực hiện, không phải trong vài ngày hoặc vài tháng. Thực vậy, Ngài thực hành như vậy suốt sáu năm ròng rã. Dù phấn đấu như vậy suốt sáu năm dài, nhưng chưa bao giờ Ngài khởi lên ý nghĩ như vầy: “ Ta chưa thành đạt Nhất thiết trí dù đã thực hành với biết bao gian nan. Thôi được, trong tình huống này, ta sẽ trở về hoàng cung và được hầu hạ bởi bốn chục ngàn cung nữ có hoàng hậu Yasodharā dẫn đầu. Ta sẽ hạnh phúc phụng dưỡng người mẹ Gotamī và cha Suddhodāna của ta, cùng tám chục ngàn quyến thuộc vẫn còn sống của ta.” hoặc “Sau khi thọ hưởng vật thực thượng vị giống như vật thực của chư thiên, ta sẽ ở trên chiếc giường lộng lẫy một cách sung sướng.” Chẳng bao giờ dù một ý nghĩ mơ hồ nhất về một cuộc sống phóng đãng và buông thả mà khởi sanh trong Ngài. Đối với người bình thường, chỉ nghĩ về lối thực hành các hình thức khổ hạnh này, họ cũng không dám nghĩ đến, đừng nói đến việc bắt tay thực hành nó. Do đó, nó được gọi là khổ hạnh (dukkaracariyā).
Ma vương giả bộ bày tỏ thiện ý đến Bồ tát mong lung lạc ý chí của Ngài
Vào lúc Bồ tát đi xuất gia, Ma-vương (Māra) đã nói những lời mong làm nhụt chí Ngài như sau: “ Hỡi này thái tử Siddhattha, vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, xe báu sẽ đến. Đừng đi xuất gia.” Nhưng Bồ tát đáp lại một cách quả quyết: “ Hỡi Ma vương, Ta biết rằng xe báu sẽ đến với Ta. Tuy nhiên Ta không muốn thọ hưởng lạc thú của vị Chuyển luân vương. Ngươi hãy đi đi! Đừng ở lại đây! Ta sẽ nhiệt tâm phấn đấu để chứng đắc Phật quả, nhờ đó khiến mười ngàn thế giới đều vang dội.” Kể từ đó Ma vương đã theo sát Bồ tát suốt sáu năm để tìm cơ hội đánh bại Ngài với ý nghĩ: “ Nếu những ý nghĩ về dục tầm (kamavitakka), hay sân tầm (vyāpādavitakka) hay hại tầm (vihiṁsāvitakka) mà khởi sanh trong dòng tâm của vị ấy thì ta sẽ giết vị ấy ngay tại chỗ.” Nhưng kể từ đó suốt sáu năm, Ma vương không thể tìm thấy một tà tư duy nào trong tâm của Bồ tát.
Sáu năm trôi qua, Ma vương suy nghĩ: “ Thái tử Siddhattha có sự tinh tấn vĩ đại. Pháp khổ hạnh của vị ấy rất dũng mãnh. Vị ấy có thể thành Phật trong một ngày nào đó. Ta nên đến và cho vị ấy một vài lời khuyên, nhờ đó khiến vị ấy ngưng tu tập.” Rồi Ma-vương đến gặp Bồ tát và nói cho Ngài biết những ý định của hắn.
(Sau khi thành đạo, Đức Phật đã thuyết pháp đến các vị tỳ khưu bài kinh Padhāna Sutta, nói về việc Ma vương đến thuyết phục Ngài qua sự thiện ý giả bộ, và Ngài đã dũng cảm đối đáp với Ma vương như thế nào. Cuộc đàm thoại giữa Ma vương và Bồ tát sẽ được kể lại bây giờ).
Ma vương đến gặp Bồ tát khi Ngài đang tu tập pháp Chỉ tức định (Appānaka jhāna) trong khu rừng Uruvela, gần con sông Nerañjarā với chí nguyện duy nhất là chứng đạt Niết bàn, Ma-vương nói rằng: “ Này bạn thái tử Siddhattha, toàn thân của bạn đã quá gầy ốm vì thiếu thịt và máu. Tướng mạo xinh đẹp và nước da của bạn đã xấu đi rất nhiều. Cái chết đang đến rất gần, cơ hội sống sót của bạn rất mỏng manh, chỉ còn một phần ngàn. Hỡi thái tử Siddhatta, hãy chăm lo bản thân may ra bạn có thể sống lâu hơn. Sự trường thọ là tối thắng và đáng trân trọng. Nếu bạn sống lâu, bạn có thể làm nhiều việc phước. Bạn có thể tạo phước bằng cách thọ giới hoặc tổ chức những buổi lễ cúng tế. Có lợi ích gì mà sống như vậy trong rừng và thực hành pháp khổ hạnh đến khổ sở và tiều tụy như vậy mà không biết liệu sẽ chết hay không. Để đạt được mục tiêu của bạn là Niết bàn, con đường cổ xưa ấy quả thật rất khó theo. Thật khó đạt đến và khó bước theo con đường như vậy.”
Bằng cách này, Ma vương đã nói những lời thương cảm bằng đầu môi chót lưỡi, tựa như hắn có thiện ý đối với Bồ tát và tựa như hắn đang thương xót cho Ngài. (Người bình thường có thể bị thuyết phục bởi những lời đường mật như vậy của Ma vương).
Khi nghe những lời có vẻ đầy thiện ý của Ma vương, Bồ tát quả quyết đáp lại rằng: “ Này Ác-ma, ngươi là kẻ chỉ có thể trói buộc những chúng sanh không có chánh niệm gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên để họ không thể thoát khỏi luân hồi! Ngươi đến trước mặt Ta vì lợi ích của riêng ngươi và với ẩn ý gây tai hại và rối ren cho kẻ khác.” (Qua những lời này, Bồ tát đã chối từ cuộc viếng thăm với thiện ý đầy thâm độc của Ma-vương). “ Ta không ưa thích chút nào về loại phước chỉ dẫn đến luân hồi khổ (vaṭṭagāmi). Lẽ ra ngươi nên nói như vậy với những ai khao khát phước hữu lậu. (Với những lời này, Bồ tát phủ nhận lời nói của Ma-vương rằng: “ Nếu bạn sống lâu, bạn có thể làm nhiều việc phước.”)
“Này Ác-ma, có những người không có niềm tin (saddhā) chút nào đối với Niết bàn; có những người có niềm tin như vậy nhưng tinh tấn (viriya) quá yếu, lại có những người có đủ cả hai, niềm tin lẫn tinh tấn nhưng không có trí tuệ (paññā), ngươi nên nói chuyện với họ và khuyến khích họ nên trân trọng sự sống lâu. Về phần Ta, Ta có sự tin tưởng tuyệt đối rằng, nếu phấn đấu hết mức thì ngay trong kiếp này Ta sẽ giác ngộ Niết bàn – nơi mà thân Ta sẽ ngưng hiện hữu. Ta có sự tinh tấn nhiệt tình, có khả năng đốt cháy, và biến tất cả cỏ rác phiền não thành tro bụi. Ta có trí tuệ vô song, giống như cái chày sấm sét của Đế thích và có thể nghiền nát ngọn núi vô minh (avijjā) ra thành mảnh vụn. Ta cũng có cả niệm (sati) lẫn định (samādhi). Niệm giúp Ta có thể thành Phật – Bậc không bao giờ quên điều gì đã làm và được nói đến trải qua nhiều thế hệ, và định tâm đứng vững trước ngọn cuồng phong của các pháp thăng trầm, giống như cột trụ bằng đá được chạm trổ, không lay chuyển trước cơn bão lớn. Nhờ có đầy đủ năm đức tánh này giúp Ta có thể đạt đến bờ bên kia của Niết bàn, Ta đang xả thân để tinh tấn hành đạo. Với một người như Ta, tại sao ngươi muốn bàn về sự trường thọ và tại sao ngươi lại huênh hoang khuyên bảo Ta hãy tiếp tục sống? Thực ra, đối với một người chỉ sống một ngày trong cõi nhân loại, có sự siêng năng vững chắc và sự kiên trì mạnh mẽ, có trí tuệ nhờ An chỉ định (appanā-samādhi) và thông đạt sự sanh và diệt của các danh sắc uẩn, sống như vậy không đáng ca ngợi lắm sao?” (Với những lời này, Bồ tát đã đe dọa lại Ma vương khi hắn nói lời dọa dẫm rằng: “ Hỡi thái tử Siddattha, cái chết của người đang đến rất gần, cơ hội sống sót của người rất mỏng manh chỉ có một phần ngàn.”)
“Này Ác ma, gió trong thân Ta, được tạo ra do tốc độ tinh tấn trong việc thực hành thiền An chỉ định (appanā-samādhi) có khả năng làm khô cạn nước sông Hằng, sông Yamuna. Tại sao nó không thể làm khô lượng máu ít ỏi trong thân ta, người mà tâm đang hướng đến Niết bàn? Thật vậy, gió này đủ mạnh để làm cạn kiệt. Khi máu trong thân ta, dung lượng chừng 4 ambaṇa, đã khô do gió dồn nén được tạo ra bởi sự nỗ lực của ta trong việc hành thiền để chứng ngộ Niết bàn. Mật có hai loại, được kết hợp (baddha) và không được kết hợp (abaddha); và đàm dung lượng khoảng 4 ambaṇa, nó che phủ tất cả những gì được ăn và nuốt vào trong bụng để mùi thối không bốc ra ngoài, và nước tiểu cùng những dưỡng chất cũng chừng 4 ambaṇa, chắc chắn cũng khô cạn. Nếu máu, mật, đàm, nước tiểu và dưỡng chất khô cạn, tâm của Ta sẽ càng trở nên trong sáng hơn. (Sự cạn kiệt như vậy sẽ không khiến Ta rút lui. Vì ngươi không biết rằng tâm của Ta rất kiên định nên ngươi nói những lời về ‘sự yêu thích đời sống’ (jīvitanikanti) như: ‘ Hỡi thái tử Siddhattha, toàn thân của người rất gầy ốm do mất máu và thịt.’ v.v…) Không những tâm của Ta được trong sáng mà niệm của Ta, giống như châu báu của vị Chuyển luân, và trí tuệ của Ta giống như kim cang chùy bằng kim cương, và định của Ta cũng như núi Meru không bị lay chuyển, càng trở nên mạnh hơn và vững chắc hơn.”
“Dù máu và thịt trong Ta hoàn toàn cạn hết, tâm của Ta vẫn tươi tỉnh và càng trở nên trong sáng hơn và đạt đến cảm thọ vô song mà chỉ những vị Bồ tát cao quý mới trải qua. Dù toàn thân đã khô héo đến mức phát lửa khiến Ta phải kiệt quệ hoàn toàn, tâm của Ta cũng không hướng về các dục lạc, như kinh thành và những cung điện của nó, có Yasodharā, Rāhula, bốn chục ngàn cung nữ và những người hầu, v.v… Này Ác ma, ngươi hãy nhìn vào sự thanh tịnh và tâm chánh trực vô song của Ta – người đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật.” (Với những lời này, Bồ tát đã chứng tỏ tinh thần kiên cố của Ngài).
Mười loại binh ma
(1) “Này Ác Ma, có những vật dục (vatthu-kāma) hữu tình lẫn vô tình, và những phiền não dục (kilesa-kāma), là sự ái luyến những vật dục này. Cả hai loại dục này khiến các gia chủ mê muội không thấy được Chân lý. Do đó, hai loại vật dục này, vatthu-kāma và kilesa-kāma, tạo thành đội quân thứ Nhất của ngươi. Một số gia chủ phàm phu (putthujjana) đã chết giữa những tài sản (gihibhoga) của chính họ, vì họ không thể rũ bỏ tài sản dù họ biết sự xuất hiện của một vị Phật (Buddh’uppada dullabha) là khó và đời sống của một vị Sa-môn (pabbajitabhāva dullabha) khó có được. Đối với những vị Sa-môn, thì các vật dụng như y phục, bình bát, thiền viện, khu rừng, giường ghế, khăn trải giường mà họ ưa thích và thọ hưởng, là tất cả vật chất thuộc dục lạc. Và có những vị Sa-môn còn phàm phu chết giữa những vật chất thuộc dục lạc của Sa-môn, gồm có bốn thứ: vật thực, y phục, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh được cư sĩ cúng dường. Họ chết như vậy vì họ không thể buông bỏ chúng, dù khi mới xuất gia đã được chỉ dạy, sử dụng cội cây làm chỗ ngụ, dùng y phục được may bằng những tấm vải vụn lấy từ những đống rác, ăn vật thực do đi bát và dùng nước tiểu bò đen làm thuốc trị bịnh. Những gia chủ và những Sa-môn này gặp phải cái chết ghê tởm vì bị giam hảm bởi đoàn binh ma thứ Nhất, là vật dục và phiền não dục.” (từ bản dịch Nissaya của ngài Ledi Sayadaw về bài kinh Padhāna).
(2) “Sau khi kiên quyết từ bỏ các tài sản thế tục sống cuộc đời Sa- môn, một số có chiều hướng hay chán ghét (arati) và bất mãn (ukkaṇthita) đời sống Sa-môn, không thích thú trong việc học pháp và hành pháp, không thích ẩn cư trong rừng, và không thích thực hành thiền Chỉ và thiền Quán. Do đó, sự chán ghét (arati) và bất mãn (ukkaṇṭhita) tạo thành đoàn binh ma thứ Hai của ngươi.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết do bị rơi vào biển sâu của đội binh ma thứ Hai).
(3) “Một số Sa-môn đã thắng phục đội binh ma thứ Hai, khi thọ trì các pháp đầu đà (dhutaṅga) và vì giới luật của pháp đầu đà rất nghiêm ngặt, là pháp buộc họ phải ăn những gì có sẵn như tất cả các loại vật thực được trộn chung với nhau; một số không thể ăn theo ý thích (nghĩa đen, một số không thể ăn một cách ngấu nghiến, như cách con bò bị khát nước khi được dẫn đến bến nước, uống nước một cách ngon lành), và vì họ không được thỏa mãn và lại đói bụng, khổ như con giun đất quằn quại do chạm phải muối. Vì đói và khát (khuppipāsa) khởi lên và hoành hành, họ mất đi sự ưa thích trong đời sống Sa-môn và bị ám ảnh bởi nỗi khao khát cháy bỏng việc ăn vật thực. Sự đói và khát (khuppipāsa) này tạo thành đội binh ma thứ Ba của ngươi, này Ác ma.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết vì họ đắm chìm trong biển đói khát của đoàn binh ma thứ Ba).
(4) “Khi bị hành hạ bởi đói và khát, thân và tâm của một số Sa-môn trở nên nhu nhược và tuyệt vọng. Họ nhụt chí, lười biếng và khổ sở. Do sự giải đãi (tandi) khởi sanh, họ không muốn hành đạo. Sự giải đãi này tạo thành đội binh ma thứ Tư của ngươi, này Ác ma.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết vì bị đắm chìm trong biển giải đãi của đoàn binh ma thứ Tư).
(5) “Vì không tiến bộ về mặt tâm linh và trở nên lười biếng, tuyệt vọng, họ buồn chán và thối thất. Từ ngày đó, vì hôn trầm và thụy miên, họ thường xuôi tay nằm ngủ trong tịnh xá, lăn qua lăn lại, nằm úp mặt xuống đất. Sự hôn trầm thụy miên (thinamiddha) này tạo thành đội binh ma thứ Năm của ngươi, Ác ma.” (Một số Sa- môn gặp phải cái chết vì bị đắm chìm trong biển hôn trầm thụy miên của đoàn binh ma thứ Năm).
(6) “Ngủ quá độ do lười biếng sẽ gây nên sự bế tắc trong pháp thiền và sự u tối trong tâm của họ. Bị chế ngự bởi tham ái, họ trở nên yếu đuối và bị lẫn lộn trong những việc vụn vặt. Do sợ hãi (bhiru) sanh khởi, họ bị dao động vì kinh hãi, và với tâm dao động, họ nhầm lẫn cội cây với con voi, con cọp với dạ-xoa. Sự sợ hãi (bhiru) này là đội binh ma thứ Sáu của ngươi, Ác ma.” ( Một số Sa-môn gặp phải cái chết vì bị đắm chìm trong biển của đội binh ma thứ Sáu).
(7) “Sau khi khắc phục được sợ hãi và lấy lại can đảm nhờ pháp hành, họ cố gắng hành thiền nhưng Đạo dẫn đến thiền định và quả đã chìm sâu. Do hoài nghi (vicikicchā) sanh khởi, họ không biết chắc là họ đã thực sự bước vào Đạo hay chưa về cả hai mặt pháp học và pháp hành. Hoài nghi (vicikicchā) này là đội binh ma thứ Bảy của ngươi, Ác ma.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết do bị đắm chìm trong biển của đội binh ma thứ Bảy).
(8) “Sau khi bản thân tự khắc phục được hoài nghi (vicikicchā), một số nỗ lực hành thiền ngày đêm không gián đoạn. Vì những tướng bất thường của thiền khởi sanh trong họ, nên họ sanh ra ngã mạn. Do cống cao và ngã mạn (makkha-thambha) sanh khởi; họ không hòa đồng với những vị Sa-môn khác; họ phá hoại danh tiếng của họ; họ không tôn kính những vị trưởng lão. Sự cống cao và khinh mạn này là đạo binh ma thứ Tám của ngươi, Ác ma.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết do bị đắm chìm trong biển của đạo binh ma thứ Tám).
(9) “Sau khi đã khắc phục được cống cao và khinh mạn (makkha- thambha), họ tiếp tục hành thiền, họ thấy thêm nhiều ấn tướng lạ thường hơn và trở nên ngã mạn về sự tiến bộ của họ. Nhiều hình thức của ái mạn (taṇhā-māna) rất có thể khởi sanh, như họ vui thích thỏa mãn vì có nhiều vật cúng dường; họ hài lòng thỏa mãn vì tiếng tăm của họ được lan truyền khắp nơi; họ hài lòng thỏa mãn vì nhận được những lợi lộc quí hiếm mà không ai có; và họ hài lòng thỏa mãn vì danh tiếng và tùy tùng của họ có được do sự thuyết giảng tà pháp, khoe khoang ước muốn bất chánh vì sự gia tăng lợi lộc của họ. Những hình thức ái mạn này là đạo binh ma thứ Chín của ngươi, Ác ma.” (Một số Sa-môn gặp phải cái chết do bị đắm chìm trong biển của đạo binh ma thứ Chín).
(10) “Một số Sa-môn có sự ái mạn như vậy lại sanh ra tật xấu khác là tự tán thán (att’ukkaṁsana) và chê bai kẻ khác (paravambhana). Sự tự tán và hủy tha này là đạo binh ma thứ Mười của ngươi, Ác ma.”
“Này Ác ma, ngươi dùng quyền lực ngăn cản nhân loại, chư thiên và Phạm thiên không cho thoát khỏi luân hồi khổ, kẻ có những đạo binh to lớn ! Mười pháp này như dục (kāma), chán ghét (arati), v.v… là những chiến hữu của ngươi. Này Ác ma, kẻ có tâm không trong sáng mà hoàn toàn đen tối và đầy tham vọng! Chúng cũng là khí giới của ngươi nhằm giết chết từng vị Sa-môn hoặc ẩn sĩ trên đường đi của họ. Những kẻ phàm phu đáng thương mà đức tin, ý chí, tinh tấn và trí tuệ của họ yếu ớt và là những kẻ thiếu can đảm, họ không thể chống chỏi và thoát ra khỏi sự tấn công của ngươi. Chỉ những bậc anh hùng cực kỳ gan dạ, có niềm tin, ý chí, tinh tấn và trí tuệ to lớn mới có thể đối đầu chống lại và thoát khỏi vòng vây của ngươi. Sau khi chiến đấu và kháng cự, sự vượt thoát này có thể đem lại sự an lạc của Đạo, Quả và Niết bàn, thoát khỏi những nguy hiểm của gươm đao và những loại khí giới khác mà thuộc về mười đạo Ma binh của ngươi, Ác ma.”
“Này Ác ma, Ta muốn ngươi biết về Ta như sau: Vị thái tử Siddhattha này, là con người cao quý, bậc anh hùng thực sự, khi ra chiến trường không bao giờ lùi dù chỉ một bước. Vị ấy quả thật là vị tướng lãnh lỗi lạc, mang trên đầu những bông hoa dũng cảm, những bông hoa của loại cỏ muñja được xem là điềm tốt, là anh hùng thực sự, là lá cờ chiến thắng. Nếu Ta bị ngươi đánh bại mà rút lui khỏi trận chiến và còn sống trong thế gian này, thì quả thật đó là điều xấu hổ, nhục nhã và đáng khinh thường. Do đó, hãy xem Ta là người có niềm tin vững chắc như vầy: ‘Chết giữa chiến trận tốt hơn là nhận thất bại trước sức mạnh của ngươi!’ ”
“Vì trong thế gian này, có những vị Sa-môn và Bà-la-môn trong chiến trận phiền não, mặc chiếc y vàng và trang bị đầy đủ những món vật dụng như là bộ yên cương của họ, nhưng thiếu sức mạnh, sẽ bị mười đạo binh Ma của ngươi đánh bại. Như vậy, họ giống như những người không có ánh sáng của các đức như giới, v.v… đành phải chìm vào bóng tối. Vì họ bị khống chế bởi mười đạo binh của ngươi, này Ác ma, nên họ không còn cách nào có thể biết được con đường của bánh xe Pháp bảo, đó là Thất giác chi (Bojjhaṅga) – con đường tối thắng mà chư Phật Độc giác và Thinh văn Phật bước vào để đạt Niết bàn. (Do đó, Ta là người sẽ đánh bại mười đạo binh của ngươi và giương cao lá cờ chiến thắng).”
Nghe Bồ tát nói những lời cương quyết như thế, Ma vương đành biến mất khỏi chỗ ấy mà không thể đối đáp được một lời.
Những điểm đáng nghi vấn
Trong chương nói về khổ hạnh (dukkaracariyā) này, một số điểm nghi vấn có thể được nêu ra : “ Phải chăng Bồ tát không thể thành Phật nếu không thực hành dukkaracariyā?” (Nghĩa là : “ Phải chăng Phật quả chỉ được chứng đắc qua sự thực hành dukkaracariyā?” hoặc “Phải chăng Phật quả không thể chứng đắc nếu không có pháp hành dukkaracariyā?” Câu trả lời : “ Có hay không có dukkaracariyā, Bồ tát vẫn có thể thành Phật vì Ngài đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp xả ly (cāga) và các hạnh (cariya).”
“Nếu Phật quả có thể xảy ra mà không cần đến dukkaracariyā, thì tại sao Bồ tát thực hành pháp ấy một cách cần mẫn như vậy?” Phần vì Ngài muốn chứng tỏ trước nhân loại, chư thiên và Phạm thiên sức tinh tấn vô song của Ngài và phần vì Ngài đã suy xét rằng tâm của Ngài sẽ tràn ngập hỉ lạc mỗi khi nhớ lại những đức tính tinh tấn của Ngài sau khi chứng đắc Phật quả nên Bồ tát đã thực hành dukkaracariyā một cách cần mẫn như vậy. Ví như một vị vua thọ hưởng vương quyền do sự kế vị theo thông lệ mà không phải bỏ công chiến đấu với kẻ thù; khi đứng giữa chánh cung, vị ấy không thể có sự vui sướng to lớn như vị hoàng đế dành được vương quốc sau khi chiêu tập quân binh đã đánh bại và chiến thắng kẻ thù. Thực vậy, vị hoàng đế ấy rất vui sướng khi nghĩ rằng: “ Ta đã có được vương quyền này nhờ đã hành động như vậy, tại chỗ như vậy và nhờ chiến thắng kẻ thù bằng cách như vậy, như vậy.”
Một cách trả lời khác là: Bồ tát thực hành dukkaracariyā vì Ngài muốn làm gương cho các đệ tử sau này. Những đệ tử tương lai ấy khi biết về sự thực hành dukkaracariyā của Bồ tát sẽ suy tư như vầy: “ Ngay cả Đức Thế Tôn cũng chứng đắc Nhất thiết trí chỉ sau khi thực hành dukkaracariyā, dù Ngài đã thực hành viên mãn các pháp ba-la-mật trong bốn a-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Còn chúng ta thì như thế nào đây? Có lẽ chúng ta sẽ chứng đắc Đạo Tuệ (magga-ñāṇa) chỉ khi nào chúng ta tự mình nỗ lực trong pháp thiền. Khi nhận ra sự thật, họ sẽ tin rằng sự tinh tấn trong việc hành thiền (padhāna viriya) là điều đáng làm.
Khi họ đã tin tưởng như vậy và tự thân nỗ lực tinh tấn, họ có thể chấm dứt sanh, già và chết (Nibbāna). Do đó, Bồ tát thực hành dukkaracariyā do lòng bi mẫn của Ngài đối với các đệ tử trong tương lai bằng cách làm gương cho họ.
Theo thông lệ, mỗi vị Bồ tát trong kiếp cuối cùng của các Ngài đều thực hành dukkaracariyā ít nhất là bảy ngày; Đức Phật của chúng ta cũng làm như vậy và Ngài đã thực hành dukkaracariyā trong sáu năm. Nhưng Ngài thành Phật không phải do dukkaracariyā của Ngài. Thực ra, Ngài chứng đắc Phật quả chỉ nhờ pháp Trung đạo (Majjhima paṭipatti). Bồ tát thực hành dukkaracariyā để cho thế gian cùng với chư thiên thấy rằng đó không phải là con đường dẫn đến Đạo.
Tuy có một số Bồ tát thực hành khổ hạnh trong thời gian ngắn là bảy ngày hoặc một tháng hoặc gần như thế. Tuy nhiên, Bồ tát của chúng ta đã thực hành trong sáu năm do kết quả của một ác nghiệp về lời nói, mà Ngài đã gây nên khi Ngài sanh làm Bà-la-môn Jotipāla trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa vì do ngã mạn về dòng dõi, Ngài đã nói lời xúc phạm Đức Phật Kassapa: “ Làm sao vị Sa-môn đầu trọc này có thể giác ngộ Đạo Tuệ và Nhất thiết trí, là pháp khó thành đạt ?” (Majjhima Ṭīkā).