CHƯƠNG 1. PHẬT BẢO – CÂU CHUYỆN VỀ VỊ THIÊN SETAKETU VỊ PHẬT TƯƠNG LAI
Đức Gotama tương lai của chúng ta đã mang trên mình cánh hoa thọ ký: “ Người này chắc chắn sẽ thành Phật giữa ba loài chúng sanh (nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).” Đây là lời tiên tri của hai mươi bốn vị Phật, từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkarā) đến Đức Phật Ca-diếp (Kassapa). Tuy nhiên thời gian suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp mà Bồ tát Gotama của chúng ta thực hành các pháp Ba-la-mật thì có đến hai mươi bảy vị Phật đã xuất hiện trong thế gian. Suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ấy, Bồ tát đã tinh tấn thực hành các pháp Ba-la-mật, sự xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya) qua bốn cách tu tập (bhāvanā) và đã đạt đến đỉnh cao của sự viên thành tất cả những pháp cần thiết dẫn đến sự chứng đắc Phật quả. Đến kiếp cuối cùng, kiếp sanh làm thái tử Vessantara, Ngài đã thực hiện những việc phước tối thượng, rốt ráo, vượt trội tất cả mọi việc phước, vô song, báo hiệu giai đoạn giác ngộ mục tiêu tối thượng sắp xảy ra. Những việc phước này làm chấn động trời đất, ngay cả đại địa vô tình cũng phải rùng mình rung chuyển đến bảy lần. Và sau khi hết thọ mạng của kiếp ấy ở cõi người, Bồ tát sanh về cõi Đâu-suất-đà (Tusitā), làm một vị thiên có tên là Setaketu. Ngài vượt trội các chư thiên khác về mười điều phước, đó là (1) Tuổi thọ, (2) Sắc đẹp, (3) Sự an lạc, (4) Tài sản và tùy tùng, (5) Quyền lực, (6) Sắc, (7) Thinh, (8) Hương, (9) Vị và (10) Xúc.
(Khi nói rằng : “ Đại dương bắt đầu từ dãy núi Cakkavāla càng lúc càng sâu thẳm đến khi gặp chân núi Meru (Tu-di-sơn), chiều sâu của nó là tám mươi bốn ngàn do-tuần,” đếm được hết những giọt nước trong đại dương ấy là điều không thể được. Cũng vậy, khi những bậc giới đức nhờ nghe hoặc đọc mà biết được rằng vị Bồ tát suốt bốn A- tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp thực hành các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya) tu tập liên tục, không mỏi mệt. Người ta suy quán thâm sâu với niềm tin rằng vị Bồ tát đã thực hành các pháp Ba-la-mật,v.v… trong nhiều kiếp luân hồi còn nhiều hơn vô số giọt nước trong đại dương).
Lời công bố vang rền thông báo Đức Phật sẽ xuất hiện (Buddha kolāhala)
Vị thiên Setaketu, vị đương lai Phật, thọ hưởng hạnh phúc tối thượng ở cõi Đâu-suất-đà (Tusitā) trong bốn ngàn năm, theo cách tính của chư thiên, tương đương với năm trăm bảy mươi sáu triệu năm ở cõi người. Theo cách tính ở cõi nhân loại, một ngàn năm trước khi thọ mạng của vị ấy kết thúc ở cõi Tusitā, khi ấy các vị Phạm thiên của cõi Suddhāvāsa (Ngũ tịnh cư) công bố rằng: “ Này các bạn, trong một ngàn năm nữa kể từ hôm nay sẽ có một vị Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong thế gian.”
Do lời công bố vang lên từ cõi trời, tiếng reo vui về sự xuất hiện của Đức Phật (Buddha kolāhala): “ Đức Phật Chánh biến tri sắp ra đời ! Đức Phật Chánh biến tri sắp ra đời!” vang dội khắp toàn thể thế gian một ngàn năm, trước khi sự kiện diễn ra.
(Đề cập về tên của vị thiên Bồ tát này, chương Ratanasaṅkama của bộ Buddhavaṃsa Pāḷi có nêu ra như sau: Yadā’haṃ tusite kāye santusito nāma’haṃ tadā. Câu này cho thấy rằng vị thiên có tên là Santusita. Cũng trong Chú giải Buddhavaṃsa và bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā, tên Santusita cũng được nêu lên. Nhưng trong bộ Pubbenivāsa-kathā, Verañja-kaṇḍa của Chú giải Pārājika và trong kinh Bhayabherava của Chú giải Mūlapaṇṇāsa thì tên của vị thiên là Setaketu. Hơn nữa các tác giả của các bộ Buddhavaṃsa bằng tiếng Miến như bộ Tathāgata- Udāna Dīpanī, Mālalaṅkāra Vatthu, Jinatthapakāsanī, v.v… cũng nêu tên của vị thiên là Setaketu. Do đó, nhiều vị A-xà-lê đã giải thích rằng Santusita là tên chung dành cho chư thiên ở cõi Tusita, còn Setaketu là tên riêng của vị thiên sẽ thành Phật danh hiệu Gotama).
Sự thỉnh cầu đến vị thiên Bồ tát (Bodhisata Deva)
Sau khi nghe tiếng reo vang báo tin về sự xuất hiện của một vị Phật, tất cả các vị vua chư thiên thuộc mười ngàn thế giới như Catu Mahārāja, Sakka, Suyāmā, Santusita, Sunimmita , Vasavattī và tất cả chư đại Phạm thiên đồng cu hội ở một vũ trụ nọ để bàn bạc về Đức Phật đương lai, bậc có tuổi thọ ở cõi chư thiên chỉ còn bảy ngày theo cách tính của loài người và dấu hiệu chấm dứt thọ mạng đã hiện khởi qua năm tiền tướng (pubbanimitta). Rồi tất cả cùng đi đến vị thiên Setaketu chấp tay thành kính và nói lời thỉnh cầu đến vị thiên Bồ tát ấy như sau:
“ Thưa Bồ tát thiên, Ngài đã thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật, không mong cầu địa vị Đế thích thiên vương, Ma vương, Phạm thiên hoặc Chuyển luân vương. Ngài đã thực hành các pháp Ba- la-mật này chỉ với ước nguyện thành bậc Chánh đẳng giác để giải thoát chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Hỡi Bồ tát thiên, đây là thời gian thích hợp nhất để Ngài thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác! Quả thật đã đúng lúc để Ngài trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác! Do đó, cầu mong Ngài hãy thọ sanh vào lòng mẹ của Ngài ở cõi nhân loại. Sau khi chứng đắc sự Giác ngộ tối thượng, cầu xin Ngài hãy giải thoát cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi luân hồi bằng sự thuyết giảng về pháp Bất tử, Niết bàn.”
Bồ tát suy xét năm điều trọng đại
Vị thiên Bồ tát Setaketu không vội vả nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên đến từ khắp mười ngàn thế giới. Theo đúng truyền thống của chư Bồ tát trong quá khứ, Ngài thực hiện năm điều suy xét trọng đại sau:
- Thời kỳ thích hợp cho sự xuất hiện của một vị Phật,
- Châu thích hợp để một vị Phật xuất hiện,
- Quốc độ thích hợp để một vị Phật xuất hiện,
- Dòng tộc mà vị Bồ tát sẽ tái sanh trong kiếp chót của Ngài, và
- Thọ mạng người mẹ của Bồ tát.
(1) Trong năm điều quán xét trọng đại này, trước tiên Bồ tát suy xét: “ Đã đúng thời kỳ để Đức Phật xuất hiện trong thế giới nhân loại chưa ?” Thời kỳ không thích hợp là khi thọ mạng của loài người đang tăng đến một trăm ngàn tuổi. Vì tuổi thọ quá cao nên khổ sanh, khổ già, khổ bịnh và khổ chết không hiện khởi rõ rệt. Bị che khuất bởi thọ mạng lâu dài, loài người có khuynh hướng không quan tâm đến mọi khổ đau. Các bài pháp được chư Phật thuyết giảng bằng nhiều cách, thường tập trung quanh các đặc tánh về vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). Nếu chư Phật xuất hiện khi thọ mạng của loài người nhiều hơn một trăm ngàn tuổi mà thuyết các bài pháp về anicca, dukkha và anattā thì những người trong thời kỳ ấy sẽ phân vân, tự hỏi chư Phật đang thuyết giảng gì. Họ sẽ không lắng nghe và cũng không tin vào những bài pháp. Do không lắng nghe hoặc không có niềm tin, loài người chắc chắn sẽ phân vân tự hỏi chư Phật đang thuyết giảng gì. Họ sẽ không bao giờ giác ngộ Tứ Thánh Đế và không bao giờ chứng đạt Niết bàn. Thật vô ích khi thuyết giảng với những người không có niềm tin về Tam tướng để giải thoát họ ra khỏi luân hồi. Do đó, thời kỳ mà thọ mạng của loài người trên một trăm ngàn năm là thời kỳ không thích hợp để chư Phật xuất hiện.
Thời kỳ mà tuổi thọ của loài người dưới một trăm tuổi cũng không thích hợp để chư Phật xuất hiện vì chúng sanh trong thời kỳ ấy tâm chất chứa quá nhiều phiền não dục. Những bài pháp về vô thường, khổ và vô ngã được thuyết giảng đến những người như vậy sẽ không có tác dụng. Thực tế những bài pháp sẽ biến mất ngay mà không để lại dấu vết, giống như người cầm cây gậy mà viết chữ trên mặt nước. Do đó, thời kỳ mà thọ mạng của loài người đang suy giảm dưới một trăm tuổi, cũng không phải là thời kỳ thích hợp để chư Phật xuất hiện.
(Chỉ những thời kỳ thọ mạng của loài người dao động từ một trăm ngàn tuổi xuống một trăm tuổi mới thích hợp để một vị Phật xuất hiện. Đây là những thời kỳ mà trong đó các tướng sanh, già và chết hiện bày rõ nét nhất. Giáo pháp về Tam tướng: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), và giáo pháp dạy con đường thoát khỏi luân hồi cũng dễ dàng lãnh hội; chúng sanh trong những thời kỳ ấy cũng không chất chứa quá nhiều phiền não dục. Thế nên những thời kỳ như vậy là cơ hội thích hợp nhất để một vị Phật xuất hiện. Do đó, chỉ thời kỳ thọ mạng dưới một trăm ngàn tuổi và trên một trăm tuổi là thời kỳ thích hợp nhất để vị Bồ tát kiếp chót chứng đắc Phật quả. (Trùng hợp thay, khi chư thiên và Phạm thiên đến thỉnh cầu Bồ tát Setaketu thì thọ mạng của loài người đang ở trong thời kỳ một trăm tuổi). Như vậy, Bồ tát Setaketu sau khi quán xét về thời kỳ thấy rõ ràng là đúng thời và quyết định, “ Đây là thời kỳ thích hợp nhất để ta thành Phật.”
(2) Tiếp theo, Bồ tát suy xét về châu đảo, là nơi mà chư Phật xuất hiện. Có bốn đại châu, mỗi châu có năm trăm đảo nhỏ bao quanh. Trong bốn châu này, Nam thiện bộ châu còn được gọi là Diêm phù đề châu (Jambudīpa) vì có cây Jambu, cây táo hồng mọc lên ở đó. Bồ tát thấy rõ chỉ có châu này là nơi mà chư Phật quá khứ hằng xuất hiện.
(3) Rồi Ngài tiếp tục suy xét như vầy: “ Diêm phù đề này rất rộng lớn với kích thước mười ngàn do tuần. Chư Phật quá khứ đã xuất hiện ở đâu trong miền đất rộng lớn này?” Rồi Bồ tát trông thấy Majjhimadesa – Trung thổ, ở trong xứ Jambudīpa, là nơi thích hợp để chư Phật quá khứ xuất hiện.
(Xứ Trung thổ, Majjhimadesa có mốc ranh giới ở hướng đông là cây đại sāla nằm phía đông của thị trấn Gajaṅgala; ở hướng đông nam có con sông Sallavatī; ở hướng nam có thị trấn Setakaṇṇika; ở hướng tây có ngôi làng Bà-la-môn Thūna; ở hướng bắc có núi Usiradhaja. Xứ Trung thổ được cho là dài ba trăm do tuần, rộng hai trăm năm mươi do tuần, chu vi chín trăm do tuần. Những vùng ở bên ngoài ranh giới được gọi là biên địa (paccanta). Chư Phật Chánh Đẳng Giác, chư Độc giác Phật, hai vị Thượng thủ Thinh văn, tám mươi Đại đệ tử, các vị Chuyển luân vương, những vị Khattiya (Sát-đế- lỵ), các Bà-la-môn, các gia chủ giàu có và quyền lực chỉ sống ở vùng Trung thổ hưng thịnh này).
Xứ Trung thổ có thành Kapilavatthu, là kinh đô của một vương quốc do các vị Sakya cai trị. Bồ tát Setaketu quyết định sanh vào kinh đô vương giả ấy.
(4) Rồi Bồ tát suy xét về dòng tộc mà chư vị Bồ tát sẽ sanh vào trong kiếp chót và thấy rõ rằng: “ Chư Bồ tát quá khứ trong kiếp chót không sanh vào giai cấp thương nhân hoặc giai cấp bần cùng. Các Ngài chỉ sanh vào dòng dõi vua chúa hoặc dòng dõi Bà-la-môn, dòng dõi nào được dân chúng trong thời đó tôn vinh nhất. Vào thời kỳ mà dân chúng tỏ sự tôn quý cao nhất đến dòng dõi vua chúa thì Bồ tát tái sanh vào dòng dõi ấy. Vào thời kỳ mà dân chúng xem dòng dõi Bà-la- môn là cao nhất trong xã hội thì Bồ tát tái sanh vào dòng dõi Bà-la- môn. Trong thời hiện tại này, dân chúng tôn trọng các vị Khattiya (vua chúa) nhiều nhất, ta sẽ tái sanh vào một trong những gia đình này. Trong số những gia tộc này, thì vua Suddhodana (Tịnh phạn) của thành Kapilavatthu là con cháu trực hệ của vua Mahāsammata, là vị vua đầu tiên được tuyển chọn từ lúc khai thiên lập địa, đây là dòng dõi Khattiya thuần túy của những người Sakya (Thích ca). Vua Suddhodana thuộc dòng cao quý và thuần khiết sẽ là phụ vương của ta.”
(5) Cuối cùng Bồ tát suy xét về người mẹ trong kiếp cuối làm người của Ngài. Ngài thấy rõ: “ Mẹ của một vị Phật là người mẫu mực đoan chính và khiêm tốn. Bà không bao giờ uống rượu và các chất say. Bà là người đã gieo tạo nhiều phước báu và đã thực hành các pháp Ba-la-mật trải qua một trăm ngàn đại kiếp với chí nguyện được làm mẹ của một vị Phật. Từ lúc bà sanh ra làm người mẹ tương lai của một vị Phật, bà luôn luôn thọ trì nghiêm ngặt ngũ giới, không bị khuyết phạm. Sirī Mahāmāyā, chánh hậu của vua Suddhodana, là người có đầy đủ tất cả những đức tánh này. Như vậy chánh hậu Sirī Mahāmāyā này sẽ là mẹ của ta.” Rồi Ngài suy xét thêm về thọ mạng của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā và thấy rằng bà chỉ sống được mười tháng bảy ngày nữa là hết tuổi thọ.
Sự chấp thuận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên
Sau khi thực hiện năm điều suy xét, Bồ tát chư thiên Setaketu quyết định: “ Ta sẽ xuống cõi nhân loại và thành Phật.” Khi đã quyết định như vậy, Bồ tát chấp thuận sự thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới: “ Hỡi chư thiên và Phạm thiên, bây giờ là lúc Ta thành Phật đúng như sự thỉnh cầu của các vị. Bây giờ các vị có thể yên tâm ra về. Ta sẽ xuống cõi nhân loại để chứng đắc Phật quả.”
Sau khi đã hứa chuẩn và nói lời từ biệt tất cả chư thiên và Phạm thiên, Bồ tát Setaketu đi vào khu vườn Nandavana có chư thiên cõi Tusitā theo hầu.
Vườn Nandavana
Bài nói về vườn Nandavana được nêu ra ở đây dựa vào phẩm Nandana Vagga của bộ Chú giải Sagāthā Vagga, Saṁyutta. Sở dĩ vườn chư thiên này có tên Nandavana là vì nó làm hài lòng tất cả chư thiên đến ngoạn lãm nơi đó.
Mỗi cõi của sáu cõi chư thiên dục giới đều có riêng khu vườn Nandavana. Tất cả những khu thiên lâm viên này đều đem lại niềm vui thích giống nhau dù chúng ở những cõi thấp hơn hoặc những cõi cao hơn. Tuy nhiên, chỉ có thiên lâm viên Nandavana của cõi Tāvatiṃsa (Ba mươi ba hay Tam thập Tam thiên) được mô tả đầy đủ chi tiết trong các bộ kinh.
Thiên lâm viên Nandavana là khu vườn lộng lẫy, được tô thắm rực rỡ bởi tất cả những loại kỳ hoa dị thảo, những ngôi giả ốc, những loại xe thuyền và các phương tiện vận chuyển khác, cùng tất cả mọi thú vui của cõi dục giới, đầy quyến rũ, kỳ diệu và làm nức lòng kẻ phàm trần. Đó là một hí viện thực sự, nơi lui tới của chư thiên để tiêu khiển, thưởng ngoạn những bài ca, điệu múa và những khoái lạc khác do các vũ nữ và các nhạc sĩ nhiều hạng tuổi, xinh đẹp muôn vẻ, các loại giọng, muôn hình và muôn sắc. Mỗi nhóm đều cố gắng phục vụ khách vượt trội hơn nhóm khác bằng tất cả các loại dục lạc.
Lâm viên Nandavana này được chư thiên xem là vật trang điểm vĩ đại cho trú xứ của họ do sự nguy nga tráng lệ của khu vườn, là nơi thưởng ngoạn hấp dẫn nhất và chư thiên đi vào đó để tầm cầu năm loại dục lạc – sắc khả ái, thinh khả ái, hương khả ái, vị khả ái và xúc khả ái – tất cả đều cảm thấy vui sướng và thỏa mãn.
Lâm viên Nandavana này cũng là nơi đem lại sự khuây khỏa cho chư thiên sắp chấm dứt thọ mạng. Năm điềm tướng báo hiệu sự sắp mạng chung của họ xuất hiện. Nhiều vị thiên bị sụp đổ, sầu muộn và ta thán khi phải đối diện với những điềm tướng báo hiệu sự mất mát đời sống hạnh phúc vĩnh viễn sắp xảy ra. Nhưng khi họ đã đi vào khu lâm viên đầy mê hoặc này, họ sẽ quên hết mọi sầu não, cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng và an lạc ngay.
Dù bị bất an, buồn khổ hay thất vọng bởi bất cứ điều gì, khi chư thiên bước vào khu lâm viên Nandavana thì họ bị cuốn ngay vào các khoái lạc. Như màn sương mai bỗng tan biến khi chạm phải những tia nắng của mặt trời, như ngọn đèn dầu chập chờn và tắt lịm trước luồng gió mạnh; cũng vậy những lo âu, buồn khổ của chư thiên sắp mạng chung cũng được lắng dịu. Có một câu nói bất hủ như sau : “ Ai chưa đến khu vườn Nandavana, nơi quy tụ tất cả các loại dục lạc thù thắng nhất của thế gian thì không thể hiểu được hạnh phúc thực sự của thế gian.” Đó là sự hấp dẫn của khu lâm viên Nandavana đối với tất cả những kẻ phàm phu.
Trong bài trình bày về Verañjakaṇḍa trong bộ Vinaya Sārattha Dīpanī, cuốn I, mô tả như sau: “ Khu lâm viên Nandavana của chư thiên ở cõi Tāvatiṁsa rộng sáu mươi do tuần. (Theo một số vị A-xà-lê thì nó rộng năm trăm do tuần). Khu vườn được tô điểm rực rỡ bởi một ngàn loại cây quý hiếm của cõi chư thiên.
Bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā trong bài bình giải về Tividha Buddha Khetta cũng nói rằng: “Khu vườn Nandavana nằm phía Đông của thành phố Sudassana ở cõi Tāvatiṁsa, được bao quanh bởi những dãy tường thành, những tấm màn lửa và những cổng vào hình vòng cung làm bằng bảy loại châu báu. Khu vực rộng một ngàn do tuần. Đó là khu giải trí dành cho tất cả chư thiên. Hai cái hồ xinh đẹp Mahānanda và Cūlananda, nằm giữa khu vườn Nandavana và thành phố Sudassana, mặt hồ màu xanh lá thẫm hợp với bầu trời trong sáng.”
Thời điểm mạng chung của vị thiên Bồ tát (Bodhisatta Deva)
Khi vị thiên Bồ tát Setaketu đi vào khu vườn Nandavana, nhóm chư thiên tùy tùng nam nữ thưa với Bồ tát rằng:
“ Sau khi mạng chung từ cõi chư thiên này, cầu chúc Ngài đi đến cõi hạnh phúc khác, chỗ mà chúng sanh đạt được do quả của những việc phước!”
Khi Bồ tát đang du lãm quanh khu vườn Nandavana cùng với hội chúng chư thiên, họ vừa đi vừa thỉnh Ngài nhớ đến những việc phước trong kiếp quá khứ, thì giờ phút Bồ tát mạng chung đã tới.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Đại Phật Sử 2, tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link cuốn Đại Phật Sử 2
Link tải sách ebook Đại Phật Sử 2
Link video cuốn Đại Phật Sử 2
Link audio cuốn Đại Phật Sử 2
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda