CHƯƠNG  27

TRƯỞNG GIẢ GHOSAKA CỦA NƯỚC KOSAMBI

 

(Bài mô tả ngắn gọn này về vị trưởng giả của nước Kosambi đã được biên soạn dựa vào cuốn I của bộ Chú giải Pháp cú và cuốn I của bộ Chú giải Ankuttara Atthakatha, nội dung được trình bày đầy đủ chi tiết hơn).

Trước khi Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện trong thế gian, một nạn dịch chết người (ahivataka) đã xảy ra trong nước Allakappa, và sự thiệt hại do bệnh dịch này gây ra làm chết từ mười tới hai chục người trong một gia đình thời bấy giờ. Nhiều người ra đi đến các nước khác để tránh khỏi cái chết. Có một người trong những cư dân của thành phố rời khỏi Allakappa cùng với vợ và một đứa bé trai. Nhưng họ chịu đói khát khi đi qua vùng sa-mạc và họ ở trong tình trạng bị kiệt quệ. Trên đường đi hai vợ chồng thay phiên nhau bồng ẳm đứa con.

Người chồng có ý nghĩ rằng sẽ không thể vượt qua sa mạc nếu phải mang theo đứa con trên vai của họ. Bởi vậy anh ta đi chậm lại tựa như muốn đi vệ sinh, rồi anh ta đặt đứa con trên đất trong thế ngồi và đi tiếp. Khi người vợ không thấy đứa con trong tay của chồng, nàng hỏi: “ Ông à…thằng nhỏ đâu rồi ?” Người chồng đáp lại: “ Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế này, nó có thể giúp được gì cho chúng ta. Chúng ta có thể sanh thêm nhiều đứa con khác nếu chúng ta còn sống!” Người vợ tức giận la toáng lên: “ Anh thật là tàn nhẫn vô nhân đạo… Tôi sẽ không đi chung với con người độc ác như anh.” Người chồng thú nhận hành động khinh xuất của anh ta và xin lỗi vợ: “ Anh xin lỗi.” Họ lại tiếp tục chuyến đi sau khi bế đứa con lên.

Hai vợ chồng mệt lữ, với đứa con trên tay, đi qua vùng đất cát với nhiều vất vả. Đến chiều họ đến một cái chòi của những người chăn bò, họ đã nấu xong món cơm sữa để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Khi họ trông thấy hai vợ chồng và đứa con, họ nhận ra ngay là những người khách lạ đang bị đói lã, vì thế họ cho hai vợ chồng kia cả nồi cơm sữa. Người vợ ăn chừng mực và chỉ vừa đủ lượng thực phẩm trong khi người chồng tham lam ăn quá nhiều, hậu quả là anh ta bị chết vào sáng hôm sau do chứng bội thực. Vì anh ta quá luyến ái với những người chăn bò ấy trước khi chết, nên tái sanh vào bào thai của con chó cái nuôi trong cái chòi ấy.

Về sau, con chó cái sanh ra một chó con rất dễ thương. Nó được người chăn bò chăm sóc rất chu đáo tựa như nó chính là con đẻ của ông ta vậy. Hai bên thường xuyên quấn quýt bên nhau, hễ người chăn bò đi đâu thì con chó nhỏ cứ lẽo đẽo theo sau.

Một buổi sáng nọ, một vị Phật Độc giác dừng lại trước cửa nhà của người chăn bò để khất thực. Người chăn bò đảnh lễ Đức Phật Độc giác và dâng vật thực đến ngài, rồi thỉnh ngài ở lại để ông ta cúng dường bốn món vật dụng. Đức Phật Độc Giác ngụ trong một khu rừng không cách xa chỗ ngụ của người chăn bò. Người chăn bò thường dẫn con chó nhỏ đi theo bất cứ khi nào ông ta đi thăm Đức Phật Độc giác. Ông ta thường gõ vào những cục đá và những gốc cây khô bằng cây gậy ngắn trên đường đi đến chỗ ngụ của Đức Phật Độc Giác để dọa cho những con thú mồi sợ hãi mà chạy đi. Con chó chú ý cẩn thận đến những hành vi của ông chủ.

Vào một dịp nọ, người chăn bò bày tỏ với Đức Phật Độc Giác rằng anh ta không thể thường xuyên hầu hạ Đức Phật Độc giác mỗi ngày vì lý do này hay lý do khác. Ông ta bảo đảm với Đức Phật Độc Giác rằng con chó nhỏ của ông ta sẽ đi đến chỗ ngụ của Ngài để đưa ngài về nhà của ông ta rồi đưa ngài về lại, khi nào ông bận việc.

Một hôm người chăn bò sai con chó nhỏ đi rước Đức Phật Độc giác từ khu rừng về nhà của ông ta. Con chó nhỏ đi đến đó và khi đến nơi, nó nằm sãi bụng dưới chân Đức Phật Độc Giác. Đức Phật Độc Giác biết rằng con chó được sai tới để rước ngài. Ngài bèn mang y và bát. Vì muốn thử trí thông minh của con chó, ngài đi theo một con đường riêng và đi về hướng khác. Thấy vậy, con chó đi đến trước mặt ngài và chắn ngang đường. Nó chỉ tránh qua một bên khi Đức Phật Độc Giác đi đúng đường. Nó sủa lớn ở những chỗ mà chủ của nó thường đập vào những viên sỏi và những gốc cây khô bằng cây gậy ngắn để dọa những con thú săn mồi chạy đi.

Đức Phật Độc giác thường cho nó một miếng vật thực từ cái bát của ngài mỗi ngày. Con chó rất quyến luyến với Đức Phật Độc giác vì sự quan tâm của ngài đối với nó theo cách dịu dàng như vậy.

Vào cuối mùa an cư, người chăn bò dâng Đức Phật Độc Giác một tấm vải để may y và bạch với ngài rằng: “ Kính bạch ngài…mùa an cư đã hết và con muốn để ngài tùy ý quyết định ở lại nơi này hoặc đi đến một nơi khác.” Vì Đức Phật Độc Giác hình như muốn đi đến một nơi khác, người chăn bò tiễn ngài đi một đoạn đường rồi trở về nhà. Khi con chó nhỏ nhận ra rằng Đức Phật Độc Giác đã ra đi, nó đau buồn và chết vì vỡ tim, và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba (Tāvatiṃsa).

Vị ấy có giọng nói thù thắng hơn các vị chư thiên khác là quả phước của việc sủa vang và đe dọa những con thú săn mồi khi đi qua khu rừng cùng với Đức Phật Độc Giác trong kiếp quá khứ của vị ấy. Do đó vị ấy được gọi tên là Ghosaka vì có giọng nói vang khắp cõi chư thiên.

Trong khi vị thiên Ghosaka đang thọ hưởng cuộc sống khoái lạc của chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa thì Udena là vua của nước Kosambi ở cõi người.

Rồi vị thiên Ghosaka chết và tái sanh trong bào thai của một cô gái điếm ở Kosambi, triều đại của vua Kosambi. Khi cô gái điếm biết rằng nàng mới sanh đứa bé trai, nàng bèn quăng nó vào đống rác.

Một trong những người quản công của vị trưởng giả nước Kosambi, trên đường đi đến nhà của ông chủ, lưu ý thấy đứa bé giữa đàn quạ. Ông ta bị thu hút bởi khuôn mặt dễ thương của đứa bé và nghĩ rằng nó sẽ có một tương lai sáng lạng. Do đó ông ta bế đứa bé lên và gởi nó về nhà của ông, một trong những người làm công của ông chăm sóc khi ông ta tiếp tục đi đến nhà ông chủ.

Vào buổi sáng hôm ấy, vị trưởng giả của xứ Kosambi gặp một nhà thông thái trên đường đi đến cung điện của vua Udena. Vị trưởng giả hỏi nhà thông thái: “ Thưa thầy… phải chăng thầy đã nghiên cứu điềm tướng của các vì sao và phương hướng của chúng?” Nhà chiêm tinh xem xét sự di chuyển và cách hoạt động của các tinh tú tại nơi ấy rồi đáp rằng:“ Bất cứ ai sanh ra ngày hôm nay đều có số mạng trở thành trưởng giả của xứ Kosambi vì người ấy sanh ra dưới những ngôi sao như vậy.”

Khi nghe những lời tiên tri của nhà chiêm tinh, vị trưởng giả của xứ Kosambi quay sang những người hầu của ông ta và cho những lời chỉ bảo. “ Này các ông… những lời tiên tri của nhà thông thái này luôn luôn chính xác. Vợ của ta sắp sanh và các ngươi nên đi về nhà của ta xem bà ấy đã sanh chưa.” Những người hầu đi nhanh về nhà và trở lại ngay để báo cho ông ta biết rằng vợ của ông ta chưa sanh. Ông ta lại sai những người hầu đi dò xem có đứa bé nào sanh ra trong thành phố vào ngày hôm ấy không.

Những người hầu đi khắp thành phố để tìm xem có đứa bé nào sanh ra vào ngày hôm ấy không. Họ khám phá ra rằng có một đứa bé mới sanh đang ở trong nhà người quản công của vị trưởng giả. Khi tin này được thông báo với vị trưởng giả, ông ta cho gọi người quản công đến rồi hỏi vị ấy mấy câu như sau :

Trưởng giả: Có thật chăng đứa bé ở trong nhà ông là mới sanh ra ngày hôm nay?

Quản công: Dạ có…thưa ông chủ. Trưởng giả: Hãy cho ta đứa bé ấy. Quản công: Tôi không thể…thưa ông.

Trưởng giả: Hãy lấy một ngàn đồng để đổi lấy đứa bé.

Người quản công đắn đo suy nghĩ: “ Đứa bé này có thể sống lâu hoặc không thể. Vấn đề sống chết vượt ngoài khả năng quyết định của ta.” Vì không biết chắc điều này, ông ta quyết định trao đổi đứa bé để nhận món tiền một ngàn đồng.

Vị trưởng giả nuôi dưỡng ý định: “ Nếu vợ ta sanh bé gái thì đứa bé trai kia sẽ được cư xử như con ruột của ta. Nếu bà ấy sanh ra con trai thì đứa con trai được mua về kia sẽ bị giết chết.” Vài ngày sau, người vợ của vị trưởng giả sanh ra một đứa con trai.

Hành động nhẫn tâm của vị trưởng giả xứ Kosambi

 

(1)  Ông ta nghĩ đặt đứa con nuôi (Ghosaka, con trai của một kỹ nữ) trong chuồng bò để cho những con bò giết chết đứa bé. Bởi vậy ông ta bảo gia nhân đặt đứa bé ở cửa ra vào của chuồng bò. Đứa bé được đặt ở lối ra từ chuồng bò, đúng như lời chỉ bảo của vị trưởng giả.

 

Một con bò đực to lớn, là con đầu đàn, đi ra khỏi chuồng trước tiên và thấy đứa bé đang nằm bơ vơ trên đất. Con bò lớn bèn che chở đứa bé bằng cách đứng trên đứa bé, bốn chân như một hàng rào chắn để bảo vệ đứa bé tránh khỏi tai họa do những con bò khác có thể đạp lên nó. Khi trông thấy Ghosaka, những người chăn bò bày tỏ ý kiến của họ là: “ Đứa bé này chắc là đứa bé may mắn, ngay cả những con vật xem ra cũng cảm nhận những phước đức của nó.” Và họ đem đứa bé về nhà của họ để nuôi nấng sau khi đã thỏa thuận với nhau.

 

(2)   Vị trưởng giả dò hỏi về số phận của đứa bé và được thông báo rằng đứa bé được an toàn dưới sự chăm sóc của những người chăn bò. Ông ta lại trao đổi đứa bé với giá một ngàn đồng. Rồi ông ta sai người quăng đứa bé vào bãi tha ma.

Đứa bé được bỏ lại ở bãi tha ma vào lúc người chăn dê của vị trưởng giả đang chăn đàn dê ở đó. Một con dê cái trông thấy đứa bé, nó rời khỏi đàn và đến đứng để bụng của nó gần miệng đứa bé để đứa bé bú sữa của nó. Nó chỉ rời khỏi đứa bé sau khi đứa bé đã bú sữa no nê. Khi rời khỏi bải cỏ vào buổi chiều, nó quay lại để cho đứa bé bú sữa như nó đã làm vào buổi sáng. Người chăn dê chú ý đến những hành vi kỳ lạ của con dê cái vào ngày hôm ấy và tận mắt trông thấy con dê đang cho đứa bé bú sữa tựa như đứa bé là con ruột của nó vậy. Người chăn dê tự nghĩ: “ Đứa bé này chắc là đứa bé có phước lớn, ngay cả những con vật cũng cảm biết những phước đức của nó.” Vì vậy ông ta bồng đứa bé về nhà nuôi.

(3)  Sáng hôm sau, vị trưởng giả sai gia nhân đi tìm hiểu xem điều gì đã xảy đến cho đứa bé. Khi ông ta được thông báo là đứa bé vẫn an toàn dưới sự chăm sóc của người chăn dê, ông ta bèn sai người đi mua lại đứa bé với giá một ngàn đồng, rồi sai người đặt đứa bé giữa con đường có những chiếc xe bò kéo thường đi qua với hy vọng rằng đứa bé sẽ bị xe bò cán chết vào ngày hôm sau.

Những người hầu đã làm theo lệnh của ông chủ. Một đoàn xe bò đi vào thị trấn qua con đường ấy, nhưng những con bò của chiếc xe đầu tiên trông thấy đứa bé đang nằm giữa lối đi. Bởi vậy chúng đứng yên với bốn chân bất động như bốn cột trụ. Ông chủ của đoàn thương buôn trông thấy hiện tượng kỳ lạ và rất ngạc nhiên đến nỗi ông ta ẳm đứa bé lên và nhận nuôi nó, vì đứa bé được xem là có phước lớn với tương lai sáng lạng.

(4)   Vị trưởng giả cho người đi tìm hiểu xem đứa bé đã bị giết chết bởi đoàn xe thương buôn chưa, và khi được báo tin là đứa bé vẫn được an toàn dưới sự chăm sóc của người trưởng đoàn thương buôn, ông ta đến mua lại đứa bé với giá một ngàn đồng và cho quăng đứa bé xuống vách núi ở cách xa thành phố.

Đứa bé bị những người hầu ném xuống, nhưng đứa bé rơi ngay trên cái giàn của những người làm chiếu thảm từ những cây sậy. Những tấm thảm bằng lau sậy trở nên mềm như bông gòn do nhờ oai lực phước đức của đứa bé. Ông thợ cả cho rằng đứa bé là người có phước lớn với tương lai sáng lạng, nên ông ta đem đứa bé về nhà để nuôi.

(5)      Vị trưởng giả lại cho người đi tìm hiểu xem đứa bé như thế nào. Khi ông ta biết tất cả mọi chuyện về đứa bé, ông ta bảo người hầu đi chuộc lại đứa bé với giá một ngàn đồng, và đem nó về nhà của ông ta.

Về sau đứa con ruột của ông ta và Ghosaka cùng lớn lên và trưởng thành. Vị trưởng giả lại bày mưu để giết chết chàng trai Ghosaka qua tay của người thợ gốm. Do đó, ông ta đi đến người thợ gốm và nói với người kia rằng có một đứa con trai khờ khạo ở trong nhà của ông ta mà ông ta muốn giết một cách kín đáo bằng cách này hay cách khác. Người thợ gốm nói rằng: “ Thưa ông trưởng giả… Ông không nên nói ra những lời như vậy, đó là những lời nói tội lỗi.”

Vị trưởng giả nghĩ rằng người thợ gốm sẽ không làm điều gì không công, và vì vậy ông ta trả cho ông thợ gốm một ngàn đồng để thuyết phục. Ông ta đã thành công vì không có ai mà không bị tối mắt trước món tiền lớn. Người thợ gốm nhận lấy món tiền và đáp lại: “ Tôi sẽ sắp xếp cho đốt lửa những lò nung vào ngày đó. Và ông hãy sai cậu ta đi đến tôi vào ngày đã định ấy.”

Vị trưởng giả chờ đợi và đến ngày đã định, ông ta nói với Ghosaka rằng: “ Này con, ta cần nhiều cái nồi và ta đã bàn bạc với ông thợ gốm sẽ giao hàng vào một ngày nọ, vậy con hãy đi ngay đến người thợ gốm và bảo ông ta hãy giao hàng đúng hẹn không chậm trễ.” Ghosaka đáp lại: “ Dạ vâng, ” rồi ra đi.

Gieo gió gặt bão

 

Khi trông thấy Ghosaka trên đường, đứa con trai ruột của vị trưởng giả chạy đến cậu ta và yêu cầu giúp đỡ: “ Anh ơi… em đã bị thua nhiều viên bi trong khi đang chơi với mấy đứa bạn. Anh cố gắng gỡ lại giùm em đi.” Ghosaka đáp lại: “ Bây giờ không thể được, vì  bây giờ cha của chúng ta đã sai anh đi công chuyện rồi.” Đứa con ruột của vị trưởng giả lại yêu cầu: “ Nếu vậy, hãy chơi giùm em để gở lại những viên bi đã bị thua. Em sẽ thay anh đi lo công chuyện.”

Rồi Ghosaka nói: “ Nếu vậy, em hãy đi đến chỗ ngụ của ông thợ gốm và đem lời nhắn của cha nói rõ với người thợ gốm, còn anh ở đây chơi giùm cho em.”

Đứa con trai của vị trưởng giả ra đi và đem lời nhắn của cha cậu ta đến cho ông thợ gốm. Ông thợ gốm nói sẽ thực hiện theo những lời căn dặn của cha cậu ta. Rồi ông ta dẫn cậu bé vào nhà và chém cậu ta thành từng đoạn, rồi bỏ những đoạn thịt của xác chết vào trong một cái hũ chưa nung, sau đó ông ta đem cả cái hũ đựng xác chết ấy bỏ vào lò nung.

Chàng trai Ghosaka đã chơi ăn rất nhiều viên bi và đợi em trai trở về. Khi đợi hoài mà không thấy em trở về, Ghosaka đi đến gần chỗ của ông thợ gốm để tìm kiếm đứa em rồi trở về nhà nhưng vẫn không thấy cậu ta.

Vị trưởng giả lấy làm ngạc nhiên khi thấy Ghosaka từ xa đang trở về và nóng lòng muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Ông ta đứng lên trước khi Ghosaka ngồi xuống để trình bày mọi việc: “ Này con…con không đi đến chỗ của ông thợ gốm à ?” Chàng trai đáp lại:“ Không, thưa cha, con không đi.” Ông ta lại hỏi: “ Tại sao con không đi ?” Chàng trai giải thích lý do tại sao cậu ta không đi và tại sao đứa em trai đi đến đó thay thế cậu ta.

Vị trưởng giả ngã phịch xuống đất trong choáng váng và quở trách cậu ta: “ Con ơi là con…Tại sao con làm thế ?” Và khi nói vậy, ông ta vội vả chạy đến chỗ ông thợ gốm với tâm chấn động. Khi ông ta vào nhà của ông thợ gốm, ông ta không thể nói hết những sự thật và tấn bi kịch mà chỉ nói: “ Này… ông à! Này … ông à!” Nhưng người thợ gốm đã đáp lại cộc lốc: “ Thưa ông trưởng giả…ông muốn gì khi mọi chuyện đã quá trễ?” Vị trưởng giả trở về nhà ngay mà chẳng còn lời gì để nói. Ông ta bị suy sụp trong tuyệt vọng kể từ đó.

(6)      Kể từ đó, vị trưởng giả của xứ Kosambi không ăn chung với Ghosaka, và nghĩ cách giết chết kẻ thù của con trai ông ta. Ông ta thảo ra những lời chú thích về kế hoạch trả thù của ông ta và bảo Ghosaka đem nó giao cho một trong những người đốc công của ông ta ở một ngôi làng nọ và bảo cậu ta nói miệng rằng nội dung của bức thư phải được thực hiện ngay. Ông ta cũng dặn Ghosaka hãy ghé lại nhà của người bạn thời thơ ấu của ông ta, là vị trưởng giả của ngôi làng Gamaka, dừng chân trên đường đi đến chỗ của người đốc công. Chàng trai Ghosaka lúc bấy giờ đã đến tuổi trưởng thành.

Ghosaka làm lễ dưới chân vị trưởng giả, và khi đến tại ngôi làng Gamaka, cậu ta tìm đường đến nhà của vị trưởng giả và kính cẩn đứng trước ông ta. Vị trưởng giả địa phương đang cạo râu bên cửa sổ. Khi ông ta trông thấy chàng trai, ông ta hỏi: “ Này cậu kia, cậu từ đâu đến vậy?” Ghosaka từ tốn đáp lại: “ Thưa cha… con là con trai của vị trưởng giả xứ Kosambi.” Trưởng giả Gamaka vui mừng khi thấy con trai của người bạn thời thơ ấu của ông ta.

Bấy giờ, một trong những nữ tỳ của cô con gái ông trưởng giả đang trên đường đi đến chợ để mua hoa cho cô chủ. Nàng dừng lại  gần bên ông trưởng giả và ông ta bảo nàng rằng “ Này nữ tỳ…hãy nán lại một chút, người hãy rửa chân cho chàng trai Ghosaka này và sửa soạn phòng nghỉ cho cậu ta.” Người tớ gái làm theo lời dạy bảo của ông chủ rồi đi ra chợ mua hoa như thường lệ.

Khi trông thấy người tớ gái với bó hoa, cô con gái của vị trưởng giả bèn quở trách cô ta: “ Ngày hôm nay ngươi đã la cà trên đường đi. Trên đời này có điều gì khiến người đi mua hoa phải mất một thời gian lâu như vậy ?” Người tớ gái đáp lại: “ Dạ thưa cô chủ, con chưa bao giờ trông thấy một chàng trai nào xinh đẹp như vậy, được biết cậu ta là con trai của một người là bạn thời thơ ấu của ông chủ, con không tài nào mô tả hết vẻ đẹp và nét duyên dáng của cậu ta. Ông chủ đã bảo con rửa chân cho cậu ta và sửa soạn giường ngủ cho cậu ta khi con đang trên đường đi mua hoa cho cô chủ, vì thế mới chậm trễ như vậy.”

(Đứa con gái của trưởng giả Gamaka vốn là vợ của Ghosaka cách bốn kiếp quá khứ. Khi nghe nói về cậu ta, nàng khởi sanh tình cảm dạt dào không thể kiềm chế được ).

Đứa con gái của trưởng giả Gamaka cùng với cô tớ gái, đi vào phòng ngủ và thấy Ghosaka đang ngủ say. Nàng nhìn thấy một bức thư được buộc vào chéo quần của cậu ta, và do tò mò, nàng nhẹ nhàng gở lấy bức thư và đọc nội dung của nó. Nàng khám phá ra rằng chàng trai kia đang mang theo bức thư mà sẽ đem lại cái chết cho chính cậu ta. Nàng bèn xé vụn bức thư và viết một bức thư khác thế vào trước khi chàng trai thức dậy:

Này ông Đốc công thân mến… Tôi sai đứa con của tôi đi đến ông. Tôi có ông bạn thời thơ ấu của tôi là trưởng giả Gamaka, ông ta có một đứa con gái đã đến tuổi dậy thì. Tôi muốn ông thâu gom tất cả sản phẩm từ ruộng đất của chúng ta và lại chia nhóm thành những lô, gồm một trăm mỗi loại sản phẩm để làm quà tặng nhân dịp lễ cưới giữa con gái của trưởng giả Gamaka và con trai của tôi, và tôi mong ông làm người đại diện mà tôi phó thác trong dịp hỉ sự ấy.

Tôi cũng mong ông cho tôi một bài tường trình về lễ cưới ấy kèm theo bảng liệt kê về chi phí được trang trải cho lễ cưới, rồi gởi đến cho tôi.

Trưởng giả xứ Kosambi.

Nàng đã làm một bức thứ giả với dấu ấn triện giả và buộc nó vào chéo quần của Ghosaka tựa như chẳng có điều gì xảy ra trong lúc cậu ta đang ngủ say.

Ghosaka đã trải qua một ngày trong ngôi nhà ấy và tiếp tục lên đường sau khi cáo từ vị trưởng giả. Khi đến tại chỗ của người đốc công, cậu ta lập tức trao bức thư với lời nhắn là nội dung của bức thư nên được thực hiện ngay. Người đốc công, sau khi đọc xong bức thư bèn cho gọi tất cả dân làng và nói với họ rằng: “ Thưa quý vị, dầu quý vị không quan tâm nhiều đến tôi, nhưng ông trưởng giả của xứ Kosambi, đã giao cho tôi trách nhiệm đại diện ông ta để lo tổ chức lễ cưới cho đứa con trai Ghosaka của ông ta và con gái của trưởng giả Gamaka. Vấn đề là tất cả sản phẩm có được từ vùng đất này nên được gom lại và chia nhóm thành nhiều lô gồm một trăm cho mỗi loại để làm quà mừng cho lễ cưới cho đôi tân nhân.”

Khi mọi việc đã được chuẩn bị đâu vào đó. Ông ta bèn đứng ra tổ chức lễ cưới theo truyền thống và gởi bài tường trình đến trưởng giả xứ Kosambi với nội dung là đám cưới đã được tổ chức xong và mọi việc đã được làm đúng như lời dặn bảo của trưởng giả, kèm theo bài liệt kê chi phí đã được trang trải cho đám cưới ấy.

Khi nghe tin, ông trưởng giả của xứ Kosambi cảm thấy đau đớn như bị nhiều ngọn lửa thiêu đốt và thốt lên: “ Than ôi ! Ta đã bị tàn rụi không phương cứu vãn.” Ông ta đau đớn về cả tâm hồn lẫn thể xác và cuối cùng ông ta mắc phải bịnh lỵ, và tuy thế ông ta vẫn không từ bỏ ý định từ chối cho chàng trai Ghosaka kế thừa tài sản bằng cách này hay cách khác. Do đó, ông ta viết một bức thư đầy ẩn ý và gởi nó đến chàng trai Ghosaka. Nội dung của bức thư là: “Này con, tại sao đã kết hôn rồi mà con vẫn ở đó lâu như vậy. Ta muốn con trở về nhà gấp.”

Khi nhận được bức thư, chàng trai Ghosaka có tâm chất phát bèn sửa soạn để lên đường trở về nhà. Đứa con gái của trưởng giả Gamaka nhận biết rằng chàng trai khờ khạo Ghosaka này không bao giờ biết rằng chính nàng đã đem lại cuộc sống hiện tại cao sang cho cậu ta. Bởi vậy nàng ra sức trì hoãn cậu ta bằng mưu mẹo khôn khéo của nàng. Nàng thuyết phục cậu ta bằng cách nói rằng: “ Này anh yêu… đừng quá vội vã. Ai cũng vậy, khi muốn về thăm quyến thuộc của mình, trước hết phải lo sửa soạn những thứ cần thiết cho chuyến đi.” Thế là nàng đã trì hoãn sự lên đường của cậu ta bằng những lý do hợp lý.

Vị trưởng giả Kosambi không nản chí, bèn gởi một bức thư khác nói rằng sức khỏe của ông ta đã trở nên suy kiệt do bịnh kiết lỵ trầm trọng và đang trong tình trạng hấp hối và vì thế cậu ta nên trở về gấp.

Lúc bấy giờ, cô con gái của trưởng giả Gamaka không thể nào dấu mãi sự thực về sự kết hợp của họ và những điều không hay khác.

“Này anh yêu… Trưởng giả Kosambi không phải là cha ruột của anh, tuy rằng lâu nay anh đã xem ông ta là cha ruột. Ông ta đã sai anh đi đến người đốc công của ông ta với bức thư chứa đựng những lời dặn bảo phải giết chết anh ngay. Em đã xé bỏ bức thứ định mệnh ấy và thay vào đó một bức thư khác do em viết dẫn đến sự thành đôi của chúng ta. Ông ta chẳng phải gọi anh về suông đâu mà để công bố cho mọi người biết rằng anh không phải là người thừa kế của ông ta. Anh nên chờ đợi cho đến khi ông ta chết.”

Ngay sau đó, có tin đồn rằng: “ Trưởng giả Kosambi đã chết” được lan truyền khắp nơi và đôi vợ chồng đi đến đó với đoàn tùy tùng. Người vợ thông mình căn dặn chồng phải cẩn thận hết sức khi đi vào nhà và cho bố trí những người bảo vệ ở quanh nhà trước tiên. Nàng đi theo chồng khi anh ta bước vào nhà. Hai tay của nàng đưa lên và khóc lớn. Nàng lần mò đi đến nơi trưởng giả đang nằm ở một góc tối; và dùng đầu của nàng đánh xuống ngực của ông ta như đang thể hiện sự đau buồn to lớn, khiến cho người hấp hối thêm kiệt sức chết sớm hơn.

Sau lễ hỏa táng thi thể của trưởng giả Kosambi, Ghosaka dùng những món tiền mua chuộc hậu hỉ để thuyết phục những người hầu thân tín của vị trưởng giả khiến họ đi nói với mọi người là cậu ta chính là con ruột của trưởng giả Kosambi.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app