Chương 20 – Sự Chứng Đắc Khác Nhau Của Sáu Vị Hoàng Tử – Câu Chuyện Về Trưởng Giả Anāthapiṇḍika (cấp-cô-độc)

Câu chuyện về Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc)

Đức Phật cho phép các vị tỳ khưu được thọ dụng tịnh xá để làm chỗ ngụ theo đúng lời thỉnh cầu của một vị trưởng giả ở kinh thành Rājagaha. Ông ta đã nhờ các vị tỳ khưu chuyển lời thỉnh cầu lên Đức Phật trong khi Ngài đang trú ngụ ở đó trong mùa an cư kiết hạ lần thứ hai.

Vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha và trưởng giả Anāthapiṇḍika của kinh thành Savatthi là anh em rễ cột chèo, cả hai kết hôn với hai chị em. Khi nào vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha thấy giá cả của hàng hóa ở Rājagaha thấp hơn giá cả ở Sāvatthi thì ông ta mua hết số hàng hóa ấy và chất lên năm trăm cỗ xe bò rồi đi đến Sāvatthi để bán chúng. Khi đoàn xe cách Sāvatthi khoảng một do tuần, thì ông ta cho người đi trước để báo tin với trưởng giả Anāthapiṇḍika rằng mình sắp đến và trưởng giả Anāthapiṇḍika khi ấy sẽ lo sắp xếp mọi thứ để tiếp đón người anh em rễ của mình và hai người sẽ đi vào thành phố trong cùng một chiếc xe kéo. Nếu thị trường ở Sāvatthi đã có sẵn người mua thì vị trưởng giả của thành Rājagaha sẽ bán ngay số hàng hóa ấy. Nếu chưa tìm thấy người mua thì ông ta gởi chúng trong nhà của em gái ông ta rồi trở về. Trưởng giả Anāthapiṇḍika cũng làm như thế.

Vào lúc Đức Thế Tôn đang trong mùa an cư thứ hai, thì truởng giả Anāthapiṇḍika của thành Sāvatthi đã cho chất đầy hàng hóa vào năm trăm cỗ xe và lên đường đi đến Rājagaha. Ông ta gởi thư báo về việc đi đến của ông ta đến vị trưởng giả của thành Rājagaha từ một khoảng xa một do tuần (giống như những lần trước).

Tuy nhiên, vị trưởng giả của thành Rājagaha không thể quan tâm đến lời thông báo của ông ta, vì vị ấy vừa mới trở về từ tịnh xá Sitavana nơi vị ấy đã nghe pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng và đã thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng về nhà để thọ thực vào ngày hôm sau, ông ta đang bận rộn lo sắm sửa lễ vật và vật thực cúng dường.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika đi vào thành phố với ý nghĩ rằng một sự đón tiếp lớn sẽ chờ đón ông ta như những trường hợp trước, nhưng ông thấy rằng không có sự tiếp đón nào ngay cả khi ông ta đến cửa nhà của ông trưởng giả thành Rājagaha, là khi vào nhà cũng không có nhiều lời chào hỏi nồng hậu của chủ nhà, chỉ là những câu như “ Này ông trưởng giả của thành Sāvatthi, con gái của ông có khỏe không? Tôi hy vọng ông đi đường được bình an và thuận lợi.” Và ông ta lại bận rộn thu xếp công việc.

Như đã giải thích ở trên, vị trưởng giả của thành Rājagaha chỉ có thể nói vài lời chào hỏi trưởng giả Anāthapiṇḍika. Ông ta phải ưu tiên cho những phận sự trong cuộc lễ cúng dường trai Tăng. Và ông ta tiếp tục ban những lời hướng dẫn đến những người trong nhà: “ Hãy nhớ dậy sớm vào ngày mai và lo nấu nước dùng, nấu cơm và món cà- ri, và chuẩn bị những đĩa rau trộn, tất cả phải sẵn sàng trước khi Đức Phật và chư Tăng đến.”

Trưởng giả Anāthapiṇḍika chợt nghĩ rằng: “ Vị trưởng giả của thành Rājagaha thường gác bỏ tất cả những công việc khác và nói chuyện nhiệt tình với ta vào những trường hợp trước, nhưng bây giờ ông ta bận rộn tổ chức một buổi tiệc lớn vì một lý do nào đó. Phải chăng ông ta cùng với những người hầu làm những điều này để cưới vợ cho con trai (āvāha) hoặc gả con gái của ông ta cho con trai của một người nào đó (virāha), hay ông ta mời vua Bimbisāra và quân thần của vị ấy đến dự tiệc vào ngày mai?”

Khi mọi việc đã được sửa soạn xong, vị trưởng giả của thành Rājagaha gặp Anāthapiṇḍika và trò chuyện thân mật với ông ta như trước. Nhân đó, trưởng giả Anāthapiṇḍika hỏi trưởng giả của thành Rājagaha rằng:

“Này ông trưởng giả, trong những trường hợp trước, ông thường dẹp bỏ tất cả công việc và nói chuyện vui vẻ với tôi. Nhưng bây giờ xem ông bận chăm lo tổ chức một buổi lễ cúng dường vật thực, chỉ quan tâm sắp xếp mọi việc cùng với những người hầu của ông để chuẩn bị cho cuộc lễ sẽ được tổ chức vào ngày mai. Có phải đó là lễ Āvāha, là gả cưới con gái? Hay ông đang sửa soạn cho một cuộc lễ cúng dường vật thực to lớn hoặc ông đã mời vua Bimbisāra và triều thần của vị ấy đến dự tiệc vào ngày mai?”

Vị trưởng giả của thành Rājagaha đáp lại rằng:

“ Này ông trưởng giả, tôi không tổ chức lễ avāha hay vivāha, cũng không mời vua Bimbisāra và triều thần của vị ấy đến dự tiệc. Thực ra, tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho một lễ cúng dường vật thực to lớn. Tôi đã thỉnh Đức Phật và chư Tăng để làm phước vào ngày mai.”

Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika nghe từ “Đức Phật – Buddha” được nói ra một cách thành kính bởi ông trưởng giả của thành Rājagaha, thì toàn thân của ông tràn ngập năm loại hỉ (pīti) đó là tiểu hỉ (khuddakā pīti), sát na hỉ (khanikā pīti), kế khởi hỉ (okkantika pīti), dũng dược hỉ (ubbegā pīti) và biến mãn hỉ (pharanāpīti).

Trưởng giả Anāthapiṇḍika trải qua năm loại hỉ lạc này từ đầu xuống chân và từ chân lên đầu, chúng lan tỏa từ ngoài thân vào giữa thân và từ giữa thân lan khắp thân. Trong trạng thái sung sướng hỉ lạc không ngừng nghỉ như vậy, ông ta hỏi vị trưởng giả của thành Rājagaha: “Này ông trưởng giả, có phải ông vừa thốt ra tiếng ‘Đức Phật’ đó chăng?” Ông ta hỏi đến ba lần và cả ba lần ông ta đều nhận được câu trả lời “Vâng, tôi đã nói ‘Đức Phật.’”

Rồi trưởng giả Anāthapiṇḍika dò hỏi về Đức Phật: “ Trong thế gian này quả thật hy hữu ngay khi được nghe tiếng ‘Đức Phật’, có thể nào để tôi đi ngay bây giờ và đảnh lễ Đức Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác?”

Vị trưởng giả của thành Rājagaha suy nghĩ: “Đến gặp Đức Phật thật khó như đi đến gần một con rắn độc. Tịnh xá xa vắng nơi Ngài đang ngụ nằm gần bãi tha ma mộ địa và việc ông ta đi đến đó vào lúc chiều tối thì không thể được.” Do đó, trưởng giả của thành Rājagaha đáp lại rằng:

“Này ông trưởng giả, bây giờ không có thời gian để ông đi đảnh lễ Đức Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác. Ông chỉ có thể đi đảnh lễ Ngài vào sáng sớm ngày mai.”

Nghe qua lời này, trưởng giả Anāthapiṇḍika tự suy nghĩ: “ Ta chỉ có thể đảnh lễ Đức Phật vào sáng sớm ngày mai ” và ông ta đi ngủ mà trong tâm không nghĩ gì khác ngoài Đức Phật.

Giải thích: Ông Anāthapiṇḍika không còn vui thích với hàng hóa mà ông ta đã mang đến và những người hầu phục vụ cho ông ta từ lúc ông ta nghe từ ‘Đức Phật’. Không quan tâm đến bữa ăn tối, ông ta đi lên phòng ngủ cao nhất của toà nhà bảy tầng và đặt mình xuống chiếc giường sang trọng, lộng lẫy và ngủ thiếp, miệng lầm thầm tiếng ‘Đức Phật! Đức Phật!’

Khi qua canh đầu của đêm, trưởng giả Anāthapiṇḍika ngồi dậy và quán các ân đức của Phật nhiều lần. Tâm tịnh tín sâu đậm của ông ta đối với Đức Phật trở nên vô cùng mạnh mẽ (balavasaddhā) đến nỗi thân của ông phát ra hào quang nhờ hỉ lạc (pīti). Tựa như một ngàn cây đèn dầu được thắp sáng hay như mặt trời, mặt trăng hiện lên bầu trời xua tan bóng tối của đêm. Rồi ông ta tự nghĩ: “ Ta đã quên không chú ý đến thời gian đã qua đi. Ngay cả khi mặt trời đã lên, ” ông ta thì thầm như vậy và ra khỏi giường. Nhưng ông ta thấy trên bầu trời mặt trăng vẫn còn, ông ta nhận ra rằng còn hai canh nữa trời mới sáng.  Thế nên, ông ta trở lại giường và nằm xuống.

Như vậy ông ta đã trải qua hai canh giờ của đêm, ngồi dậy vào cuối của mỗi canh. Gần canh cuối ngay trước khi mặt trời mọc, ông ta bước dọc theo hàng song của hành lang cho đến khi ông ta đến cửa chính của lối vào. Ông ta thấy những cánh cửa vào của toà lầu bảy tầng đã tự mở sẵn. Ông ta đi xuống bảy tầng lầu và đi dọc theo con đường chính trong thành phố.

Khi ông ta đến gần cổng thành có tên là Sivaka, thì chư thiên bảo vệ (họ là những bậc thánh ariya) đã mở sẵn cánh cửa. Họ suy nghĩ: “ Vị trưởng giả này đến với ý định đảnh lễ Đức Phật và hầu hạ Ngài. Vị trưởng giả này khi đảnh lễ Đức Phật lần đầu tiên sẽ được an trú trong quả Thánh nhập lưu (sotāpatti-phala) và sẽ trở thành vị đệ tử cao quý nhất vượt trội tất cả những kẻ khác về việc phục vụ Tam bảo, Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Ông ta sẽ xây dựng tịnh xá lộng lẫy, vô song và ông sẽ mở cửa cửa để đón tiếp tất cả chư thánh Tăng từ khắp bốn phương. Đóng cánh cửa ngăn chặn ông ta thì thật không thích hợp.”

Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika ra khỏi thành phố thì hào quang phát ra từ thân của ông ta biến mất và bóng tối trở lại khiến sự sợ hãi khởi sanh trong ông ta khiến tóc lông trên thân dựng đứng. Do đó ông ta muốn rút lui ngay từ chỗ đó. (Rājagaha là một kinh đô đa sắc tộc với dân số 180 triệu người, 90 triệu ở bên trong kinh đô và 90 triệu ở bên ngoài kinh đô. Các cổng thành được đóng lại sau hoàng hôn và những thi thể của những người chết vào những giờ xấu trong đêm thì được quăng ra ngoài những bức tường ở quanh cổng thành. Do trời tối, trưởng giả Anāthapiṇḍika đã vô tình giẫm lên một xác chết đã bị quăng bỏ còn tươi và lại giẫm phải thêm một xác chết khác. Điều này đã khiến bọn ruồi nhặng trên các tử thi bay ào lên phát ra âm thanh đáng sợ trong đêm vắng và mùi hôi thối từ các tử thi bốc lên đi vào mũi của ông ta. Bởi vậy niềm tịnh tín của ông ta đối với Đức Phật bắt đầu yếu đi dẫn đến kết quả là hào quang đã từng phát ra từ thân của ông ta do hỉ lạc biến mất. Bóng tối ập đến, nỗi kinh hãi khởi lên và tóc lông của ông ta dựng đứng. Do đó, ông ta cảm thấy muốn rút lui ngay từ chỗ ấy.

Một vị dạ xoa thiên với ý định động viên trưởng giả can đảm lên để tiếp tục chuyến đi, bèn đi đến trưởng giả Anāthapiṇḍika mà không hiện ra hình tướng và nói với ông ta bằng giọng nói ngọt ngào như tiếng của cái chuông vàng nhỏ:

Sataṃ hatthi sataṃ assā

satam assatarīrathā

satam kaññā sahassāni

āmukkamanikuṇḍalā

ekassa padavīti harassa

kalan nāgghanti solasiṁ.

 

Này ông trưởng giả có danh tiếng to lớn, dù một trăm ngàn con voi hoàng gia quý báu của các vị vua, một trăm ngàn long xa do những con tuấn mã thuần chủng kéo (assatara), và một trăm ngàn cung nữ của vua trang sức những nữ trang vô giá cũng không bằng 1/256 của thiện tư (cetanā) theo sau mỗi bước chân đưa ông tiếp tục đi đến tịnh xá để đảnh lễ Đức Tathāgata, nghe pháp và phụng sự chúng Tăng.

Này ông trưởng giả Anāthapiṇḍika, hãy đi về phía trước. Hãy tiến về phía trước. Chỉ việc tiến về phía trước của ông là cao quý và đáng ca ngợi. Sự rút lui của ông là hèn nhát và không đáng ca ngợi.

Khi nghe qua những lời này, trưởng giả Anāthapiṇḍika suy xét: “ Ta nghĩ ta cô đơn một mình nhưng giờ đây ta nhận thấy có một số bạn đồng hành đi chung với ta. Tại sao ta phải sợ hãi?” Ông ta trở nên can đảm và tự tin. Tâm tịnh tín mạnh mẽ của ông ta đối với Đức Phật bắt đầu lấy lại sức mạnh của nó. Do đó, bóng tối biến mất và ánh sáng xuất hiện, nỗi kinh hãi cũng được xua tan.

Ông ta lại tiếp tục bước đi trên con đường đầy kinh hãi xuyên qua bãi tha ma, với những tử thi đủ dạng nằm ngổn ngang khắp nơi. Những tiếng sủa của những con chó nhà và những con giả can làm dao động tâm can của ông ta, ánh sáng biến mất và bóng tối lại tràn ngập như trước. Vị dạ xoa Sivaka lại đến động viên và ông lại tiếp tục chuyến đi.

Lần thứ ba, giống như những trường hợp trước, ông ta đối mặt với những hoàn cảnh làm thối chí khiến ánh sáng biến mất, dạ xoa Sivaka khiến ông nuôi dưỡng và duy trì tâm tịnh tín với Đức Phật nhiều lần lập đi lập lại, giúp ông vượt qua mọi nguy hiểm.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika tiếp tục đi và cuối cùng ông đến tại khu rừng Sitavana. Khi ấy trời sắp sáng và Đức Phật đang đi kinh hành trên một lối đi.

Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika đang bước đi như vậy thì một ý nghĩ chợt nảy lên trong tâm của ông ta: “Trong thế gian này, Purāna Kassapa và những giáo chủ khác đã tự cho mình là những vị Phật Toàn giác. Làm sao ta có thể biết Đức Phật phải chăng là một vị Phật Toàn giác thật sự? Rồi một ý nghĩ khác lại nảy lên trong tâm của ông ta: “ Tất cả mọi người đều biết ta là Anāthapiṇḍika vì tánh hào phóng trong việc bố thí giúp đỡ những người nghèo khổ đơn độc. Nhưng cái tên của ta do cha mẹ đặt cho là Sudatta thì không ai biết ngoài chính ta. Nếu Ngài thực sự là vị Phật Toàn giác, thì Ngài sẽ gọi ta bằng cái tên do cha mẹ đặt là Sudatta.”

Khi thấy Anāthapiṇḍika đang đi đến từ xa thì Đức Phật quay lui trên con đường kinh hành và ngồi xuống trên chỗ ngồi dành sẵn cho Ngài. Khi Anāthapiṇḍika đi đến gần hơn, Đức Phật biết được tâm của ông ta, bèn nói với ông ta rằng: “ Hãy đến đây, này Sudatta.” Anāthapiṇḍika cảm thấy vui sướng khi nghe Đức Thế Tôn gọi ông bằng cái tên do cha mẹ đặt cho. Ông ta đi đến Đức Phật và đảnh lễ bằng cách phủ phục dưới chân Ngài rồi bạch với rằng: “ Bạch Đức Đức Thế Tôn, Ngài ngủ ngon không?” Đức Thế Tôn đáp lại:

Sabbada ve sukhan seti

brahmano parinibbuto

yo na limpati kāmesu

sitibhuto nirūpadhi.

 

(Này trưởng giả Anāthapiṇḍika), vị A-la-hán không bị ô nhiễm bởi tham muốn dục trần, thoát khỏi những ái dục thiêu đốt, được vắng lặng và an tịnh. Vị ấy cũng thoát khỏi ba sanh y (upadi), đó là phiền não sanh y (kilesa), hành tác sanh y (abhisaṅkhāra), diệu dục sanh y ( kamaguna). Sau khi đoạn trừ tất cả điều ác và mọi phiền não, tất cả sầu khổ đều chấm dứt và như thế vị A-la-hán ấy, cả ngày lẫn đêm, trong mọi thời gian, ngủ và sống với thân tâm an lạc.

 

Sabbā āsattiyo setvā

vineyya hadaye daraṁ

upasanto sukhaṁ seti

santiṅ pappuyya cetasā.

 

(Này trưởng giả Anāthapiṇḍika), vị A-la-hán đã cắt đứt năm dục lạc bằng tứ phần A-la-hán đạo (arahatta-magga), và đã dập tắt những ngọn lửa phiền não, đã thường xuyên nhập vào trạng thái an tịnh của Niết bàn bằng A-la-hán quả định (Arahatta-phala-samāpatti). Sau khi dập tắt ngọn lửa phiền não, vị ấy ngủ và sống trong an lạc thanh tịnh.

Sau khi đã giải thích cách sống trong an lạc của Đức Phật như vậy, trong tất cả bốn oai nghi, Đức Phật bèn thuyết giảng đến trưởng giả Anāthapiṇḍika về pháp tuần tự dẫn đến Đạo Quả (như đã giải thích ở trước), đó là (1) Dāna-kathā – Bố thí thoại, (2) Sīla-kathā – Trì giới pháp, (3) Sagga-kathā – Sanh thiên thuyết, (4) Magga-kathā – Đạo luận, kamanamādinava, nikkhame-ānisana-kathā – Xuất ly ngũ dục. Khi Đức Phật biết rằng tâm của trưởng giả đã trở nên nhu nhuyến, dễ thích nghi và thoát khỏi các triền cái, có nhiệt tâm, hân hoan, thanh tịnh và trong suốt, Ngài thuyết bài pháp đầu tiên Ngài giác ngộ (Sammukkamsīla-dhamma-desana – Tứ Diệu Đế). Khi ấy trưởng giả Anāthapiṇḍika được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti- phala).

Rồi trưởng giả Anāthapiṇḍika bạch Đức Thế Tôn như vầy:

“ Thật vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn! Thật vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn. Giống như vật bị úp xuống đã được lật lên, như vật bị đậy kín đã được giở ra. Như người bị lạc đường được hướng dẫn đi đúng hướng, như cây đèn dầu được thắp sáng trong đêm tối, với ý nghĩ rằng: ‘những người có mắt sẽ thấy được các hình dạng của các đồ vật’, cũng thế Đức Phật đã giảng dạy rõ ràng cho con về pháp bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con chấp nhận quy y Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Cầu xin Đức Thế Tôn hãy nhận con là thiện nam đã quy y Tam bảo, từ nay cho đến trọn đời.”

 

Sau khi quy y Tam bảo, trưởng giả Anāthapiṇḍika nói lời thỉnh cầu Đức Phật và chúng Tăng thọ thực vào ngày mai như sau: “ Bạch Đức Thế Tôn, để con được phước và sự hoan hỷ, cầu xin Đức Thế Tôn thọ lãnh sự cúng dường vật thực của con vào ngày mai, cùng với chúng Tăng.”

 

Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của trưởng giả Anāthapiṇḍika bằng cách làm thinh.

Nhân đó, trưởng giả Anāthapiṇḍika vui sướng đứng dậy khỏi chỗ ngồi và sau khi tỏ sự tôn kính đến Đức Phật bằng cách đi quanh Ngài ba vòng theo chiều kim đồng hồ, bèn trở lại chỗ ngụ là nhà vị trưởng giả của thành Rājagaha.

 

Trưởng giả của thành Rājagaha tập họp các vị thương nhân và vua Bimbisāra đề nghị được hùn phước

 

Tin Đức Phật nhận lời thỉnh cầu thọ thực của trưởng giả Anāthapiṇḍika tức thì lan truyền khắp thành phố. Vị trưởng giả của thành Rājagaha, khi nghe tin ấy, đã đề nghị được hùn phước với những lời như vầy: “ Tôi nghe tin rằng ông đã thỉnh mời chư Tăng, có Đức Phật dẫn đầu, đến thọ thực vào ngày mai để ông tạo phước. Ở đây ông là một vị khách; xin cho tôi được phụ giúp ông về vật thực và tiền chi trả cho các công việc.” Anāthapiṇḍika từ chối lời đề nghị, nói rằng ông ta có thể lo liệu mọi thứ bằng tất cả những gì ông ta có được.

 

Những  thành  viên  trong  hội  các  thương  nhân  của  thành Rājagaha cũng đi đến giúp đỡ bằng cách cung cấp vật thực và tiền chi trả cho các công việc như cách đề nghị của trưởng giả thành Rājagaha. Nhưng sự đề nghị của họ cũng bị từ chối như trường hợp trước.

Vua Bimbisāra cũng đề nghị được phụ giúp giống như những người kia, và lời yêu cầu của ông ta cũng bị từ chối như những trường hợp trước: “Tâu bệ hạ, tôi không cần sự giúp đỡ như vậy. Tôi có thể tổ chức lễ cúng dường vật thực bằng những gì mà tôi có.”

Vào ngày hôm sau, Anāthapiṇḍika tổ chức lễ cúng dường vật thực tại chỗ ngụ của người anh vợ, vị trưởng giả của thành Rājagaha, cúng dường vật thực thượng vị, quý báu. Rồi ông ta ngồi ở chỗ ngồi thích hợp và thành kính đưa ra lời thỉnh mời về thị trấn quê nhà của ông ở Sāvatthi: “Bạch Đức Thế Tôn, con xin thành kính thỉnh mời Đức Thế Tôn hoan hỉ đến an cư kiết hạ ở thị trấn Sāvatthi của chúng con cùng với tất cả các vị tỳ khưu.” Đức Phật đáp lại : “ Này thiện nam Anāthapiṇḍika, chư Phật Chánh đẳng Chánh giác vui thích trú ở những nơi thanh vắng.” Anāthapiṇḍika đáp lại : “ Đức Phật là bậc luôn nói lời thiện (sugata), người thiện nam của Ngài hiểu rõ, người thiện nam của Ngài hiểu rõ.” Rồi sau thuyết Pháp đến Anāthapiṇḍika, Đức Phật trở về tịnh xá.

Xây dựng những tịnh xá tạm thời cách nhau mỗi do tuần (yojana) giữa Rājagaha và Sāvatthi

Thời bấy giờ, trưởng giả Anāthapiṇḍika là người có đông đảo bạn bè, và lời nói của ông ta được nhiều người kính nể. Ông ta vội vã gởi lại hàng hóa và trở về Sāvatthi. Trên đường về nhà ông ta hối thúc những cư dân ở những trạm giữa đường như sau:

 

“ Hãy trồng những vườn cây, xây dựng những nhà nghỉ và chỗ ngụ. Hãy xây dựng lên những tịnh xá và tích trữ những vật thực dự phòng để bố thí. Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian. Ngài sẽ đi đến khu vực của các bạn theo con đường này do lời thỉnh cầu của tôi.”

Đáp lại lời kêu gọi của trưởng giả Anāthapiṇḍika, tất cả những thương nhân trong hội đoàn và những người bạn thời thơ ấu của ông, đã xây dựng nhà nghỉ, công viên và vườn hoa, tích trữ lương thực dự phòng để bố thí bằng chi phí của họ mà không nhận bất cứ sự phụ giúp nào từ vị trưởng giả, trong khi những người có thu nhập thấp thì lãnh trách nhiệm xây dựng chỗ trú ngụ và tịnh xá, và cũng tích trữ lương thực dự phòng để bố thí bằng số tiền họ nhận được từ trưởng giả Anāthapiṇḍika.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika đóng góp một lakh tiền mặt (tiền Ấn Độ xưa) và bằng hiện vật như gỗ và vật liệu xây dựng trị giá một lakh để hoàn thành công trình xây dựng chỗ trú ngụ và vườn cây ở mỗi do tuần, dọc theo con đường giữa Rājagaha và Sāvatthi, dài bốn mươi lăm do tuần. Vị ấy trở về thị trấn quê nhà ở Sāvatthi sau khi hoàn thành công việc.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika tìm chọn và mua đất để xây dựng tịnh xá Jetavana

Khi về đến Sāvatthi, trưởng giả Anāthapiṇḍika dò tìm các khu vực chung quanh để chọn một vị trí thích hợp xây dựng tịnh xá, vị trí này phải hội đủ năm điều kiện sau: (1) không quá xa thành phố, (2) không quá gần thành phố, (3) có những con đường lưu thông dễ liên lạc, (4) mọi người dễ dàng đi đến bất cứ lúc nào cần thiết, (5) không bị tiếng ồn của phố chợ, làng mạc và những người vui say náo nhiệt với năm loại dục lạc. Ông ta thấy rằng khu vườn của thái tử Jeta (Kỳ đà) hội đủ năm điều kiện kể trên và vì vậy ông ta đến gặp thái tử và đề nghị mua nó: “ Thưa thái tử, tôi mong Ngài bán cho tôi khu vườn của Ngài với một giá nào đó.” Thái tử Jeta đáp lại: “ Này ông trưởng giả, ta không thể cho ông khu vườn của ta dù ông lát đầy những đồng tiền vàng khắp cả khu vườn.”

(Hãy lưu ý rằng nếu thái tử Jeta nói rằng: ‘Ta không thể bán khu vườn của ta.’ thì nó sẽ không được là một sự định giá. Nhưng vị ấy nói rằng: ‘Ta không thể cho ông khu vườn của ta cho dù ông đem những đồng tiền vàng được lát giáp mí cả khu vườn.’ Đó là câu nói hàm ý không những là sự định giá mà còn là sự định giá cắt cổ quá mức).

Trưởng giả Anāthapiṇḍika lợi dụng sự hứa hẹn trong lời nói của thái tử và yêu cầu rằng: “ Thưa thái tử, ngài đã nói ra những lời chịu bán khu vườn.” Thái tử phủ nhận: “ Ta đã không nói một lời nào về việc bán khu vườn của ta.”

 

Trưởng giả Anāthapiṇḍika khẳng định rằng thái tử phải bán khu vườn trong khi thái tử thì tranh cãi rằng vị ấy chưa bao giờ nói một lời nào về việc bán khu vườn. Và cuối cùng hai người đồng ý nghe lời phán quyết của quan toà. Các vị quan tòa đã đưa ra lời phán quyết rằng: “ Thưa thái tử điện hạ, vì thái tử điện hạ đã vô tình nói ra sự định giá bằng những từ: ‘cho dù những đồng tiền vàng được lát giáp mí’ thái tử đã tự mình mặc cả việc bán khu vườn của thái tử.” (Đây là một câu nói rất tế nhị trong thế gian và vì thế, nó đòi hỏi nhiều trí tuệ để nghiền ngẫm và diễn giải mới thấy ra được).

Sau khi đã thắng vụ kiện ở toà, Anāthapiṇḍika sai người chất đầy những đồng tiền vàng vào những cỗ xe bò và chở đến khu vườn của thái tử Jeta để lát đầy chúng trên khắp bề mặt của khu vườn. Đối với những chỗ không thể đem tiền vàng lát lên được như chỗ bị choán bởi cây cối và hồ nước, ông ta cho người đo kích thước của những chỗ ấy, và lát tiền vàng trên những chỗ khác tương đương với chỗ ấy. Bằng cách này, trưởng giả Anāthapiṇḍika đã bỏ ra 18 koṭi đồng tiền vàng mà ông đã cất giữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trong việc mua vị trí xây dựng tịnh xá.

Số lượng tiền vàng được chất đầy trong những cỗ xe đầu tiên đủ để lát giáp mí khắp khu vườn. Ngoại trừ một khoảnh đất nhỏ được chừa lại để xây dựng lối đi có cổng vòm. Anāthapiṇḍika truyền lịnh cho những người hầu: “ Này các vị, hãy đi và lấy thêm những cỗ xe vàng để lát vào khoảng trống được dùng để xây dựng lối đi có cổng vòm.”

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app