Nội Dung Chính

Câu chuyện về Đạo sĩ Lõa thể Jambuka

Bài pháp này bắt đầu bằng những từ “Mase mase kusaggena”do Đức Phật thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha, liên quan đến đạo sĩ lõa thể Jambuka.

Những ác nghiệp trong quá khứ của Jambuka

Vào thời kỳ của Đức Phật Kassapa, có một trưởng giả tại một ngôi làng xây dựng một tịnh xá cho một vị tỳ khưu. Ông thường xuyên cúng dường vật thực, y phục, tịnh xá và thuốc chữa bịnh, gọi là bốn món vật dụng của vị tỳ khưu, đến vị tỳ khưu thường trú ấy. Vị tỳ khưu thường trú ấy thường đến nhà vị trưởng giả để thọ thực mỗi ngày.

Một hôm có một vị trưởng lão tỳ khưu là bậc A-la-hán, khi đang khất thực, đã đến tại cửa nhà của vị trưởng giả. Vị trưởng giả rất hoan hỉ với oai nghi tướng mạo của vị tỳ khưu này và vì thế ông ta đã mời trưởng lão vào nhà và dâng cúng vật thực với sự tôn kính sâu đậm, rồi ông ta nói rằng: “ Bạch ngài, xin hãy thọ nhận tấm vải này để làm y sau khi nhuộm và khâu may, tóc của ngài cũng đã dài cần được cạo, con sẽ đem đến một người thợ cạo và một cái giường dành cho ngài đến tại tịnh xá.”

Vị tỳ khưu thường trú trông thấy cách cúng dường của ông thí chủ đến vị tỳ khưu A-la-hán rất mực tôn kính. Ngay tức thì bất thiện tâm khởi sanh trong vị ấy, vị ấy ganh tỵ với những vật cúng dường đến vị A-la-hán tỳ khưu (lābha-macchariya) và cũng ganh tỵ với dòng dõi cao hơn của vị ấy (kula-macchariya). Vị ấy cảm thấy bị thương tổn và nghĩ rằng: “ Vị trưởng giả này đã tỏ sự tôn kính nhiều hơn đến vị tỳ khưu mà ông ta mới gặp so với ta là người thường xuyên đến nhà ông ta để thọ thực mỗi ngày.” Vị tỳ khưu ấy trở về tịnh xá trong tâm trạng đầy sân hận.

Vị tỳ khưu khách, vốn là bậc A-la-hán, đi theo vị tỳ khưu thường trú đến tịnh xá. Vị ấy nhuộm và mang tấm vải do vị trưởng giả dâng cúng và ngồi xuống đắp nó vào người. Khi vị trưởng giả đi đến dẫn theo người thợ cạo để cạo tóc cho vị tỳ khưu A-la-hán, vị trưởng giả đặt xuống cái khung giường mà ông ta đã mang đến và thỉnh vị tỳ khưu A-la-hán nghỉ trên đó. Rồi sau khi thỉnh cả hai vị tỳ khưu đến nhà ông ta để thọ thực vào ngày hôm sau, ông ta trở về nhà.

 

Vị tỳ khưu thường trú khởi ác tâm với vị tỳ khưu khách đến nỗi vị ấy đi đến chỗ nghỉ của vị tỳ khưu A-la-hán và trút cơn giận của vị ấy bằng những lời rất xúc phạm.

(1)    Này ông khách kia, tốt hơn ông nên ăn phẩn hơn là ăn vật thực được dâng cúng tại nhà của vị trưởng giả, là thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi.

(2)     Tốt hơn ông nên nhổ tóc của ông bằng vỏ ngoài của hạt thốt nốt hơn là cạo tóc bằng con dao của người thợ cạo do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi đem đến.

(3)    Tốt hơn ông nên đi lại trong thân hình lõa thể hơn là mặc y do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi dâng cho ông.

(4)     Tốt hơn ông nên ngủ trên đất hơn là nằm trên giường do thí chủ dâng cúng tịnh xá của tôi dâng cho ông.

Vị Đại trưởng lão A-la-hán (arahant-bhikkhu) rời khỏi tịnh xá vào lúc sáng sớm để tìm một chỗ ngụ an lạc, bỏ qua sự thỉnh mời thọ thực của vị trưởng giả, với ý nghĩ rằng: “Mong sao chẳng có điều không hay xảy đến với vị tỳ khưu ngu si.”

Vị tỳ khưu thường trú đã thức dậy rất sớm để làm tất cả công việc thường ngày trong tịnh xá, và khi đã đến giờ đi khất thực, vị ấy suy nghĩ: “ Vị khách lười biếng vẫn còn ngủ, ta có thể gõ chuông để đánh thức vị ấy dậy.” (Nhưng vị ấy cảm thấy không muốn vị khách thức dậy khi nghe tiếng chuông), nên chỉ dùng móng tay gõ nhẹ vào cái chuông rồi bỏ đi vào làng để thọ lãnh vật thực. Sau khi bày dọn tươm tất mọi thứ cho buổi lễ cúng dường vật thực, vị trưởng giả dâng cúng tịnh xá chờ đợi hai vị tỳ khưu đến. Khi trông thấy vị tỳ khưu thường trú đến một mình, ông ta hỏi rằng: “Bạch đại đức, vị đại trưởng lão khách đâu rồi?” Vị tỳ khưu kia đáp lại: “Đừng nói về vị ấy, này ông chủ? Vị tỳ khưu của ông đã đi vào phòng để ngủ từ khi ông rời khỏi tịnh xá lúc chiều hôm qua và đã không thức dậy trong khi tôi quét dọn tịnh xá, và châm nước vào cái lu chứa. Vị ấy cũng không nghe tiếng chuông mà tôi đã đánh khi đến giờ đi khất thực.”

Vị trưởng giả thí chủ tự nghĩ: “Thật vô lý, là một nhân vật đáng kính như vậy với tác phong đáng ngưỡng mộ lại ngủ lâu như vậy. Vị tỳ khưu thường trú này, do ganh tỵ khi thấy ta tỏ sự tôn kính lớn và lịch sự đến vị tỳ khưu khách chắc đã nói những lời xúc phạm đến vị ấy.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vì là người thông minh, có trí, ông ta duy trì những ý nghĩ ấy và cúng dường vật thực một cách tôn kính đến vị tỳ khưu. Sau khi bữa ăn đã xong, ông ta lấy cái bát không của vị tỳ khưu thường trú, sai người rửa sạch nó rồi bỏ đầy vật thực thượng vị. Sau đó ông ta trao bát vật thực cho vị tỳ khưu thường trú với lời yêu cầu: “Bạch đại đức, xin ngài hoan hỉ cho vật thực này đến vị tỳ khưu khách khi ngài gặp vị ấy.”

Trở về tịnh xá mang theo vật thực dành cho vị tỳ khưu A-la- hán, vị tỳ khưu thường trú có tâm ganh tỵ đã khởi lên ý nghĩ tà vậy: “ Vị khách lười biếng sẽ tiếp tục ở lại tịnh xá nếu vị ấy được ăn vật thực ngon như thế này.” Bởi vậy vị ấy quăng bỏ số vật thực do vị thí chủ tịnh xá dâng cúng. Khi về đến chỗ mà vị tỳ khưu khách ở, vị ấy tìm kiếm vị tỳ khưu A-la-hán, nhưng ngài không còn ở đó nữa.

Nghiệp ác của vị tỳ khưu ganh tỵ chống lại vị tỳ khưu A-la-hán (là sự huỷ hoại vật thực cúng dường dành cho bậc A-la-hán) trầm trọng đến nỗi những ảnh hưởng xấu của nó đã lấn lướt những phước đức phát sanh suốt hai chục ngàn năm tu hành của vị tỳ khưu kia. Kết quả là sau khi chết, vị ấy bị đọa xuống địa ngục A-tỳ (mahā avici) để thọ lãnh đau đớn cùng cực suốt thời gian dài giữa hai vị Phật, sau khi Đức Phật Kassapa nhập diệt cho đến khi Đức Phật Gotama xuất hiện. Sau khi trải qua thời gian khổ hình lâu dài như vậy, vị ấy tái sanh vào một gia đình có dồi dào vật thực tại Rājagaha trong thời kỳ của Đức Phật Gotama.

Jambuka vẫn còn chịu đau khổ trong kiếp hiện tại

Vị ấy được cha mẹ đặt tên là Jambuka. Jambuka không muốn ngủ trên giường từ khi cậu ta biết đi, và thay vì ăn vật thực như mọi người thì cậu ta tiếp tục ăn phẩn của chính mình. Cha mẹ và quyến thuộc của cậu ta đầu tiên nghĩ rằng sở dĩ cậu ta làm như vậy vì bản tánh ngu si của con nít và cố gắng giúp cậu ta đi vào cuộc sống tốt hơn, chịu khó hầu hạ cơm nước và tắm rửa cho cậu ta. Nhưng ngay khi cậu ta lớn khôn, cậu ta cũng không muốn mặc áo quần, sống trần truồng như vậy, ngủ trên đất và ăn phẩn của chính mình.

Jambuka được gởi đến tịnh xá của các vị Ajivaka

Cha mẹ của Jambuka sau đó bắt đầu nhận ra rằng: “Cậu ta không thích hợp để sống trong một gia đình danh giá như gia đình của họ, cậu ta không biết hỗ thẹn và nên sống chung với các vị Ajivaka, một giáo phái ngoại đạo.” Bởi vậy, họ đưa cậu ta đến tịnh xá của các vị Ajivaka và giao cậu ta cho họ trông coi.

Rồi các vị Ajivaka tiến hành việc xuất gia bước đầu cho Jambuka và sau đây là bài mô tả về cách thức xuất gia của Jambuka.

Vị ấy được đặt trong một cái hố sâu ngang cổ, rồi những tấm ván được đặt vào che lấp miệng hố, chỉ chừa lại cái đầu của vị ấy (để vị ấy không thể vùng vẫy thoát ra ngoài). Ngồi trên những tấm ván, các vị Ajivaka bắt đầu nhổ tóc của Jambuka (đây là cách thức mà các vị Ajivaka truyền phép xuất gia sa-di cho một chàng trai). Rồi cha mẹ của Jambuka ra về sau khi mời họ đến nhà để thọ thực vào sáng hôm sau.

Ngày hôm say, các vị Ajivaka bảo Jambuka: “Hãy ra đây, chúng ta sẽ đi vào làng.” Vị ấy đáp lại: “ Các ngài hãy đi đi, còn tôi sẽ ở lại tịnh xá.” Sau nhiều cố gắng để thuyết phục vị ấy đi theo nhưng thất bại, họ bỏ vị ấy ở lại một mình và đi vào làng. Một khi Jambuka biết rõ họ đã đi rồi, thì vị ấy dở những tấm ván đậy nhà xí lên, rồi đi vào hố xí dùng hai bàn tay bốc lấy phẩn để ăn đến no bụng.

Các vị Ajivaka (vì không biết rõ sự thực), đã gởi vật thực từ xóm về cho vị ấy. Nhưng vị ấy không thích vật thực và đã từ chối nó mặc cho các vị Ajivaka khuyên bảo, thuyết phục vị ấy. Câu trả lời của vị ấy là: “Tôi không muốn những thứ này. Tôi đã có đủ vật thực (vihara) dành cho tôi rồi.” Khi vị ấy được hỏi: “ Ngươi nhận chúng từ đâu?” Vị ấy đáp lại: “ Từ bên trong khuôn viên của tịnh xá này.” Ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư cũng trôi qua như thế, Jambuka từ chối lời mời đi ra ngoài để thọ lãnh vật thực, chỉ ở lại một mình trong tịnh xá.

Các vị Ajivaka bắt đầu thắc mắc liệu Jambuka đã xoay xở như thế nào: “ Vị Jambuka này cứ từ chối mỗi ngày đi vào xóm, từ chối vật thực được gởi đến cho vị ấy, mà nói rằng vị ấy kiếm vật thực cho mình từ bên trong khuôn viên của tịnh xá. Vị ấy có khả năng gì ? Chúng ta sẽ phải điều tra.” Rồi họ quyết định để lại một hoặc hai vị đồng đạo để thăm dò động tịnh của Jambuka. Khi họ đi vào thôn xóm, những vị được giao trách nhiệm điều tra họ giả bộ đi theo nhóm các vị Ajivaka, nhưng lén quay trở lại để thăm dò Jambuka. Khi cho rằng tất cả những vị Ajivaka đã đi vào làng, Jambuka đi xuống hố xí giống như những ngày trước và ăn phân.

Jampuka bị trục xuất ra khỏi tịnh xá của các vị Ajivaka

Jambuka bị bắt quả tang bởi những người bí mật điều tra và vấn đề được trình lên các vị trưởng bối. Các vị trưởng bối sau khi nghe lời tường trình, họ xì xào: “Hành động của Jambuka thật là tệ hại. Nếu những đệ tử của Sa-môn Gotama biết được sự việc này, chắc chắn họ sẽ chê bai chúng ta là bộ lạc du cư gồm những kẻ ăn phẩn, lại tổn hại nhiều cho sự tôn nghiêm của chúng ta. Cậu ta không còn thích hợp để ở lại với chúng ta.” Khi nói vậy, họ nhất trí trục xuất cậu ta ra khỏi tập thể của họ.

Vì bị các vị Ajivaka trục xuất, Jambuka đi đến sống ở gần một tảng đá to bên cạnh chỗ mà dân cư của kinh thành Rājagaha dùng làm hố xí công cộng. Cũng có một cái ống lớn dẫn chất thải nằm kế cận tảng đá to ấy. Dân chúng thường đến đại tiểu tiện ở sau tảng đá lớn che chắn ấy. Jambuka ăn phẩn vào ban đêm, và khi mọi người đến đại tiểu tiện vào ban ngày, thì vị ấy đứng với một tay vịn vào tảng đá và một chân gác trên đầu gối của chân kia, đầu thẳng và miệng hả ra.

Những người đến vệ sinh ở đó khi trông thấy vị ấy, họ đi đến và hỏi rằng: “Kính thưa ngài, tại sao ngài đứng như thế này với miệng hả ra vậy?” “Tôi sống bằng gió, không có vật thực nào khác dành cho tôi ngoài gió.” Vị ấy mạnh dạn trả lời. Mọi người tiếp tục hỏi: “Kính thưa ngài, tại sao ngài chỉ đứng một chân, với chân này gác lên trên đầu gối của chân kia?” “Ta là người thực hành pháp khổ hạnh. Nếu ta đứng bằng cả hai chân chạm đất thì quả đất sẽ không thể chịu nổi những oai lực và đức độ của ta và sẽ rung chuyển dữ dội. Đó là lý do khiến ta đứng trong tư thế này. Sự thực thì, vì quả đất rung chuyển  nên ta đã phải đứng một chân cả ngày lẫn đêm, không ngồi, không nằm ngủ.” Jambuka đáp lại với giọng điệu phô trương ngông cuồng.

 

(Theo thói thường thì người ta sẵn sàng chấp nhận những gì kẻ khác nói, chỉ hơi thắc mắc một chút là liệu nó có thực không). Bởi vậy họ thán phục nói rằng: “ Ôi, kỳ diệu thật! Trong thế gian này có những nhân vật như thế thực hành các pháp khổ hành. Trước kia chúng ta chưa bao giờ thấy những nhân vật có những pháp hành khắc khe khổ hạnh như vậy.” Một số đông người từ Aṅga và Magadha lấy làm cảm kích và kinh ngạc do nghe tin về những pháp hành khổ hạnh của Jambuka, đã lũ lượt kéo đến mang theo những lễ vật cúng dường vị ấy và tiếp tục lễ bái cúng dường vị ấy hằng tháng.

Jambuka chịu khổ suốt năm mươi lăm năm

 

Jambuka tiếp tục từ chối vật thực tốt và ngon của mọi người dâng cúng, khăng khăng nói rằng: “Ta chỉ sống bằng không khí. Ta không dùng vật thực nào khác. Nếu ta ăn cái gì khác ngoài không khí tức là ta đã phá hỏng pháp hành của ta.” Mọi người van nài vị ấy, nói rằng: “Kính thưa ngài, xin ngài đừng từ chối cơ hội tạo phước của chúng tôi. Giá mà có một nhân vật như ngài, tiến sâu trong các pháp hành khổ hạnh, mà thọ lãnh vật cúng dường của chúng tôi, thì sự thịnh vượng và hạnh phúc của chúng tôi sẽ tăng trưởng lâu dài.” Jambuka không thích bất cứ loại vật thực nào ngoài phẩn, nhưng bị nài ép bởi những lời cầu khẩn tha thiết của mọi người, vị ấy bắt buộc nếm những vật thực như bơ và mật đường mà dân chúng đem đến, nhận lấy chúng bằng đầu của cọng cỏ Kusa, chỉ để làm thỏa mãn họ mà thôi. Rồi vị ấy giải tán họ bằng cách nói rằng: “Bây giờ, các người có thể đi. Bấy nhiêu đây cũng đủ để đem lại lợi ích to lớn cho các người rồi.”

Như vậy Jambuka phải lãnh chịu hậu quả của ác nghiệp xúc phạm bậc A-la-hán, phải chịu khổ suốt năm mươi lăm năm bằng bốn cách sau :

(1)   Vị ấy không mặc y phục.

(2)   Vị ấy không ăn gì khác ngoài phẩn.

(3)   Vị ấy phải dùng vỏ của trái thốt nốt để nhổ tóc mình.

(4)   Vị ấy ngủ trên đất.

 

Sự giải thoát của đạo sĩ lõa thể Jambuka

 

Vào lúc sáng sớm mỗi ngày, chư Phật thường dò xét khắp thế gian để xem ai có đủ căn duyên để giải thoát khỏi vòng luân hồi. Đức Phật của chúng ta cũng vậy, vào một buổi sáng sớm nọ, Ngài dò xét thế gian và trông thấy Jambuka. Khi suy xét thêm, Ngài nhận ra rằng Jambuka đã tích lũy những việc phước và chính những việc phước ấy làm cận y duyên cho sự chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala) của vị ấy, kèm theo Tứ-vô-ngại-giải trí (patisambhida-ñāṇa). Ngài biết rằng Ngài sẽ phải thuyết một bài pháp bằng kệ đến đạo sĩ lõa thể Jambuka, và thời pháp của Ngài cũng sẽ đem lại sự tỏ ngộ Tứ Diệu Đế cho tám chục ngàn chúng sanh, giúp họ giải thoát khỏi vòng đau khổ. “Do con người Jambuka này mà hằng ngàn chúng sanh sẽ đạt được hạnh phúc.” Do vậy, sau khi đi khất thực quanh kinh thành Rājagaha, Ngài báo tin với đại đức Ānanda rằng: “ Này con Ānanda, Như Lai sẽ đi gặp Jambuka.”

“Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài một mình đi đến đó,” đại đức Ānanda hỏi. “ Đúng vậy, này Ānanda, Như Lai sẽ đi một mình.” Đức Phật đáp lại rồi đi đến chỗ của Jambuka vào chiều hôm ấy.

Các chư thiên chánh pháp suy xét: “Đức Phật đang viếng thăm đạo sĩ lõa thể Jambuka chiều hôm nay; nhưng chỗ ở của vị đạo sĩ lõa thể ấy là tảng đá lớn đầy phẩn hôi hám, dơ bẩn, lại thêm nước tiểu và đồ chà răng bị vất bỏ bừa bãi. Chúng ta sẽ tẩy sạch khối xú uế ấy bằng đám mưa lớn.” Như vậy, họ đã dùng thần lực tạo ra đám mưa lớn, tẩy sạch tất cả vật dơ từ tảng đá lớn ấy, làm cho nó trở nên sạch sẽ. Rồi chư thiên tạo ra đám mưa hoa ngũ sắc rơi xuống trên tảng đá.

Khi đến chỗ của Jambuka vào lúc chiều tối, Đức Phật gọi vị đạo sĩ lõa thể bằng cái tên ‘Jambuka’ khiến cho vị ấy cảm thấy bị xúc phạm khi bị một người không rõ lai lịch gọi đích danh mình bằng cái tên Jambuka, vì vị ấy cho rằng đó chắc là một người thấp hèn. Vị ấy tức giận đáp lại: “Ai đang gọi ta bằng cái tên của ta vậy?” Đức Phật đáp lại: “Ta là vị Sa-môn cao quý.” Jambuka lại hỏi: “ Ông muốn gì đây?” Khi Đức Phật nói: “Ta muốn ngươi chỉ cho ta một chỗ để nghỉ lại qua đêm.” Jambuka trả lời cụt ngủn: “Ở đây không có chỗ nào dành cho ông cả.” Nhưng Đức Phật vẫn cương quyết: “ Này Jambuka, đừng nói thế. Hãy chỉ cho ta một chỗ để trú ngụ qua đêm. Theo lệ thường thì Sa-môn tìm nhờ Sa-môn, loài người tìm nhờ loài người và thú vật tìm nương trú nơi đồng loại của chúng.” Nhân đó đạo sĩ lõa thể hỏi rằng: “ Ông có thật là Sa-môn chăng?” “ Phải, ta là Sa-môn cao quý,” Đức Phật trả lời. Rồi Jambuka dò hỏi: “ Nếu ông là Sa-môn, vậy thì những vật dụng của Sa-môn như trái bầu đựng nước, cái vá để khơi lửa, những sợi chỉ thiêng đâu?” Đức Phật đáp lại: “Ta có những vật dụng của Sa-môn mà ngươi hỏi đến. Nhưng thiết nghĩ mang theo chúng thì rất vướng víu trong khi đi lại, ta chỉ đem theo chúng ở bên trong con người của Ta.” Jambuka rất bực mình và trách Đức Phật: “Là Sa-môn, làm sao ông có thể đi lại mà không có những vật dụng của Sa-môn?” Đức Phật từ tốn đáp lại: “Này Jambuka, cứ vậy đi,  đừng nổi nóng với Ta. Chỉ cần chỉ cho Ta một chỗ.” Nhưng Jambuka trả lời cộc lốc: “Không có chỗ nào dành cho ông ở quanh đây.”

 

Có một thung lũng nhỏ ở gần chỗ ngụ của Jambuka và Đức Phật hỏi rằng: “Ai trú ngụ ở đó ?” Jambuka đáp lại: “Không có ai.” “ Nếu vậy, ta muốn trú ngụ ở đó,” Đức Phật nói. Nhân đó, Jambuka đáp lại: “ Tùy ông quyết định cho dù nó tốt hay xấu.” Ám chỉ rằng vị ấy không phản đối nhưng không chịu trách nhiệm gì cả.

 

Đức Phật đặt tấm tọa cụ một nơi trong thung lũng và ngồi trên đó. Vào canh đầu của đêm, Tứ đại thiên vương từ cõi Catumaharajika đi đến, chiếu sáng bốn phương và đứng hầu Đức Phật. Khi Jambuka nhìn thấy sự chiếu sáng như vậy, vị ấy tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra ở đó. Đến canh hai của đêm, Sakka, vua của chư thiên đến hầu Đức Phật. Và Jambuka vẫn ngạc nhiên tự hỏi như trước. Đến canh cuối của đêm khi Đại phạm thiên, bậc có năng lực chiếu sáng một thế giới chỉ bằng một ngón tay của vị ấy, hai thế giới bằng hai ngón tay, mười thế giới bằng mười ngón tay, đến hầu Đức Phật, chiếu sáng toàn thể khu rừng, Jambuka lại nghiền ngẫm suy nghĩ: “ Sự chiếu sáng ấy có thể là gì?”

 

Khi trời rạng sáng, Jambuka đi đến Đức Phật và sau những lời chào hỏi lịch sự, vị ấy ngồi xuống ở chỗ thích hợp và thưa với Ngài rằng: “ Thưa ngài đại Sa-môn, ai mà đến với Ngài trong canh đầu của đêm, chiếu sáng bốn phương như vậy?” “Này Jambuka, họ là Tứ đại thiên vương ở cõi Catumahārājika,” Đức Phật đáp. “Tại sao họ đến? ” Jambuka hỏi. “Họ đến để đảnh lễ và hầu hạ Như Lai,” là câu trả lời. Jambuka lại hỏi: “Thưa đại Sa-môn, làm sao lại như thế, có phải Ngài lớn hơn họ ?” “Đúng vậy, này Jambuka. Như Lai lớn hơn họ,” Đức Phật trả lời.

Đạo sĩ Jambuka lại hỏi: “ Thưa ngài đại Sa-môn, người đến vào canh giữa của đêm là ai vậy?” “ Vị ấy là Sakka, vua của chư thiên,” Đức Phật đáp lại. “Tại sao vị ấy đến?”, Jambuka hỏi. Đức Phật đáp : “Vị ấy đến để đảnh lễ và hầu hạ Như Lai.” Jambuka lại hỏi: “ Thưa đại Sa-môn, làm sao lại như thế, có phải Ngài cũng lớn hơn Sakka? ”“Đúng vậy, này Jambuka,” Đức Phật nói “Như Lai lớn hơn Sakka, Sakka chỉ giống như người hầu hạ Như Lai hoặc như vị sa-di thị giả của Như Lai.”

Jambuka hỏi tiếp Đức Phật: “ Thưa ngài đại Sa-môn, ai mà đến vào canh cuối của đêm, làm ngập sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy?” “ Này Jambuka, người đến vào canh cuối của đêm không ai khác chính là Đại phạm thiên (Mahā Brahma), là bậc mà tên của vị ấy thường được các vị Bà-la-môn và những người khác thì thầm: ‘Con kính lạy đấng Đại phạm thiên’ mỗi khi họ hách xì hoặc giật mình và mất tự chủ.” Jambuka lại hỏi: “ Thưa ngài đại Sa-môn, làm sao có thể như thế? Có phải Ngài cũng lớn hơn Mahā Brahma ?” “Phải, Ta là vua của các Phạm thiên, lớn hơn cả Mahā Brahma.”

Rồi đạo sĩ Jambuka nói lời nhận xét đầy phô trương: “Thưa ngài đại Sa-môn, Ngài quả thật xứng đáng được kính ngưỡng bằng sự vỗ tay hoan hô. Không có ai trong những nhân vật ấy đến đảnh lễ ta tại chỗ này, chỗ mà ta đang thực hành các pháp khổ hạnh suốt năm mươi lăm năm. Quả thật vậy ! Suốt năm mươi lăm năm ròng rã, ta đã tự nuôi sống mình bằng không khí và suốt những năm ấy, những chư thiên, Sakka và các vị Phạm thiên chưa bao giờ đến đảnh lễ ta.”

 

Nhân đó, Đức Phật nói lời rất thẳng thắn: “Này Jambuka, ngươi là người đã từng chơi trò chơi bịp bợm với những kẻ dốt nát, lại nghĩ sẽ dối gạt với cả Như Lai ! Há không phải rằng người đã từng ăn phẩn suốt năm mươi lăm năm, ngủ trên đất, đi lại trần truồng và nhổ tóc bằng vỏ của hạt thốt nốt đó chăng ? Vậy mà người đã lường gạt tất cả mọi người, nói với họ rằng “Ta chỉ sống bằng không khí, đứng bằng một chân mà không ngồi và nằm và bây giờ ngươi lại chơi trò dối gạt với một vị Phật Toàn giác Như Lai đây ! ”

“ Này Jambuka, bởi vì đã theo tà kiến thấp hèn này mà ngươi phải ăn phẩn, ngủ trên đất, đi lại trần truồng, và nhổ tóc bằng vỏ của hạt thốt nốt (suốt những năm này, chịu đau khổ cùng cực), thế mà bây giờ ngươi vẫn chấp giữ theo tà kiến thấp hèn, bịnh hoạn này”.

Rồi Jambuka hỏi Đức Phật: “Thưa ngài đại Sa-môn, con đã phạm ác nghiệp nào?” Nhân đó, Đức Phật giải thích cho vị ấy về những ác nghiệp trầm trọng mà vị ấy đã phạm phải trong quá khứ. Khi nghe Đức Phật thuyết giảng thì Jambuka đầy ân hận, hổ thẹn và ghê  sợ hậu quả của những ác nghiệp của vị ấy trong quá khứ. Vị ấy xúc động đến nỗi nằm bẹp xuống đất để che giấu những phần kín của cơ thể.

Nhân đó, Đức Phật đưa đến cho vị ấy một chiếc y tắm mưa. Jambuka mặc ngay chiếc y và ngồi ở nơi thích hợp, đảnh lễ Đức Phật. Rồi Đức Phật thuyết pháp tuần tự liên quan đến Bố thí luận (dāna- katha), Trì-giới-luận (sīla-katha), v.v… và cuối cùng là Tứ Diệu Đế.

 

Vào lúc kết thúc thời pháp, Jambuka chứng đắc đạo quả A-la-hán với đầy đủ Tứ-vô-ngại-giải trí (patisambhida-ñāṇa). Vị ấy đứng dậy từ chỗ ngồi, đảnh lễ Đức Phật và xin Ngài được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật.

 

(Chú thích: Như vậy, những quả xấu của các ác nghiệp mà vị ấy đã phạm phải trong kiếp quá khứ đã đến hồi kết thúc. Giải rõ: Vì tội của vị ấy xúc phạm vị tỳ khưu A-la-hán trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa (như đã đề cập ở trên), vị ấy đã phải chịu khổ cùng cực, bị thiêu đốt trong địa ngục A-tỳ, suốt một thời gian dài đủ để quả đất nhô cao một do tuần và 3 gāvuta. Và sau đó, vì dư báo của ác nghiệp quá khứ vẫn còn đeo bám vị ấy, nên vị ấy phải trải qua một cuộc sống phi nhân tính hèn hạ, đáng ghê tởm suốt năm mươi lăm năm mới hết nghiệp ấy. Sau khi trả hết món nợ ác nghiệp, những khổ quả của ác nghiệp đã đến hồi kết thúc. Nhưng sự tích lũy công đức mà vị ấy đã tạo được do sự thọ trì giới luật của vị tỳ khưu suốt hai chục ngàn năm vẫn không bị quấy nhiễu bởi những ác nghiệp của vị ấy).

Do đó, khi Jambuka xin phép được xuất gia, thì Đức Phật duỗi ra cánh tay phải và gọi đến: “ Ehi bhikkhu, carabrahmacariyam samma dukkhassa antakiriyaya – Hãy đến, này tỳ khưu, (hãy thực hành phạm hạnh mà ngươi mong ước), hãy cố gắng thọ trì ba pháp hành của bậc thánh ngõ hầu chấm dứt vòng sanh tử.” Ngay khi ấy, Jambuka trở thành vị tỳ khưu cụ túc như vị trưởng lão sáu mươi hạ  với đầy đủ tám món vật dụng.

Vào ngày hôm ấy khi Jambuka chứng đắc đạo quả A-la-hán, dân chúng từ hai nước Aṅga và Magadha đến mang theo lễ vật cúng dường vị ấy. Khi họ trông thấy Đức Phật, họ bắt đầu tự hỏi : “ Làm sao thế ? Đạo sư Jambuka của chúng ta lớn hơn đại Sa-môn Gotama hay đại Sa-môn Gotama lớn hơn đạo sư Jambuka của chúng ta?” Rồi họ kết luận sai lầm vì cho rằng vị đại Sa-môn đến gặp đạo sư của họ, như vậy đạo sư Jambuka của họ chắc chắn lớn hơn đại Sa-môn Gotama.

Đức Phật biết được ý nghĩ đang khởi lên trong tâm của mọi người và Ngài bảo Jambuka: “ Này con Jambuka, con hãy đoạn trừ hoài nghi trong tâm của những tín đồ của con.” Jambuka đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, đó cũng là ý định của con.” Và khi nói vậy, đại đức Jambuka nhập vào tứ thiền rồi đứng dậy và bay lên không trung cao một cây thốt nốt, rồi đứng trên đó chấp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn là thầy của con. Con chỉ là đệ tử của người.” Rồi vị ấy đáp xuống đất và sau khi đảnh lễ Đức Phật, lại bay lên không trung. Vị ấy lập lại như vậy bảy lần cao đến bảy cây thốt nốt. Theo cách như vậy, vị ấy đã công bố đến hội chúng biết rõ là vị ấy chỉ là đệ tử của Đức Phật.

 

Khi trông thấy những hiện tượng kỳ lạ này, mọi người ngạc nhiên nói rằng: “ Ôi, Chư Phật đáng được vỗ tay khen ngợi. Các Ngài quả thật là đấng Chí Tôn và không ai sánh bằng các Ngài.” Đức Phật, vì muốn bàn luận giáo pháp với hội chúng, bèn nói với họ rằng: “ Này các cư sĩ, Jambuka đã sống ở đây suốt năm mươi lăm năm, đã khoe khoang với các ngươi rằng ‘ta đã thực hành pháp tiết chế, chỉ ăn cái gì dính trên đầu cọng cỏ, từ chối vật thực cúng dường mà các ngươi đã đem đến. Giả sử vị ấy thực hành pháp tiết chế này đến một trăm năm, và một số phước phát sanh từ đó; phước như vậy không bằng 1/256 lần phước của bậc thánh từ chối không ăn vật thực do hoài nghi liệu vật thực và thời gian dâng cúng có được phép hay không?” Rồi Đức Phật thuyết pháp bài kệ sau đây để đúc kết những gì mà Ngài đã nói với mọi người :

 

Mase mase kusaggena

bālo bhuñjeyya bhojanaṁ

na so sankhātadhammānaṁ

kalan agghati solasiṁ.

 

Cho dù từ tháng này qua tháng nọ (hay mỗi tháng một lần) kẻ ngu (không biết Tứ diệu đế) thiên về đời sống khổ hạnh, ăn vật thực rất ít bằng cách nhặt nó lên bằng đầu của cọng cỏ suốt một trăm năm. Người ấy không bằng 1/256 của bậc thánh đã giác ngộ Tứ diệu đế.

Câu kệ được thuyết giảng liên quan đến một nhân vật đặc biệt, tên là Jambuka. Khi được xét về ý nghĩa chung của nó thì :

(1)  Có sự cố ý hay Tư (cetana) khởi sanh khi vị Sa-môn ngoại đạo dốt nát thực hành khổ hạnh suốt một trăm năm.

(2)  Có sự cố ý hay Tư khởi sanh khi bậc thánh liễu ngộ Tứ diệu đế, từ chối vật thực cúng dường do hoài nghi liệu vật thực cúng dường và thời gian có cho phép hay không.

Trong hai loại Tư kể trên, những Tư được gieo tạo bởi vị Sa- môn ngoại đạo suốt một trăm năm thì không bằng 1/256 của Tư khởi sanh khi bậc thánh từ chối vật thực cúng dường do hoài nghi về vật thực và thời gian được dâng cúng.

Giải rõ: Số phước phát sanh từ Tư (cetana) tình cờ khởi sanh chỉ do hoài nghi của vị Sa-môn bậc thánh về loại vật thực và thời gian được cúng dường khiến vị ấy phải bỏ bữa ăn, thì lớn hơn 256 lần so với số phước mà vị Sa-môn ngoại đạo gặt hái được qua sự thực hành khổ hành tiết chế vật thực của vị ấy suốt một trăm năm.

Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát luân hồi do giác ngộ Tứ Diệu Đế.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app