CHƯƠNG 22

SỰ THÀNH LẬP VESALI

 

Thuở xưa, chánh hậu của vua nước Bārāṇasī có thai. Hoàng hậu báo tin này với đức vua và nhà vua chỉ định một số cung nữ chăm sóc hoàng hậu trong suốt thời gian mang thai. Hoàng hậu sống thoải mái nhàn nhã, chăm sóc cẩn thận bào thai, và đến đúng thời kỳ bà chuẩn bị sanh.

Những phụ nữ có địa vị cao, khi thọ hưởng quả báu của những việc phước trong quá khứ thường sanh con vào lúc rạng sáng.

Hoàng hậu, vốn thuộc giai cấp quyền quý, vào một buổi sáng nọ, đã sanh ra một khối thịt đỏ như đoá hoa hồng hay chất sơn. Hoàng hậu tự nghĩ: “ Đức vua chắc chắn sẽ cho rằng: ‘Những thứ phi sanh ra những đứa bé giống như những pho tượng vàng. Còn nàng chánh hậu của ta thì sanh một khối thịt’ và như vậy ta sẽ không còn được đức  vua sủng ái.” Vì không muốn bị mất sự sủng ái, hoàng hậu cho người đặt khối thịt vào trong một cái bát được đậy lại bằng một cái bát khác và thả trôi nó trên dòng sông Hằng.

Những biến cố kỳ diệu đã xảy ra lúc cái bát chứa khối thịt rời khỏi tay của con người, nó được bảo vệ bởi chư thiên. Họ đặt vào trong cái bát một cái đĩa vàng, trên đó được ghi dòng chữ son: “ Đây là những đứa con trai được sanh ra từ bà chánh hậu của vua nước Bārāṇasī.” Do được bảo vệ bởi chư thiên, cái bát trôi êm ả theo dòng nước, không gặp chướng ngại bởi những con sóng to và thủy triều.

Lúc bấy giờ, một ẩn sĩ đang ngụ bên cạnh con sông Hằng, sống nhờ vào vật thực đi khất thực từ một ngôi làng của những người chăn bò. Khi vị ấy ra bờ sông vào một buổi sáng nọ, vị ấy trông thấy cái bát đang trôi xuôi theo dòng nước và nhận ra đó là vật bị quăng bỏ bởi một người nào đó ở trên dòng nước. Vị ấy nhìn thấy biểu tượng của vua được in trên cái bát bọc ngoài và khám phá ra cái đĩa có chữ vàng và khối thịt ở trong cái bát nhỏ. Ngay khi ẩn sĩ trông thấy khối thịt, vị ấy nhận xét rằng khối thịt chắc đang ở thời kỳ của cái phôi vì nó không có mùi hôi. Vị ấy đem nó về thảo am và giữ nó trong một góc am sạch sẽ.

Sau một thời gian khoảng mười lăm ngày, khối thịt được nhìn thấy tách ra hai phần riêng biệt. Ẩn sĩ rất quan tâm đến khối thịt khi trông thấy những sự phát triển kỳ lạ này. Sau mười lăm ngày nữa, mỗi khối thịt nhú ra ở năm chỗ nơi mà cái đầu, hai tay và hai chân sẽ xuất hiện. Ẩn sĩ chăm sóc chúng càng chu đáo hơn trước. Thêm mười lăm ngày nữa, một cái phôi tượng hình đứa bé trai với thân vàng ròng và cái phôi kia thành bé gái với thân vàng ròng.

 

Tình yêu của vị ẩn sĩ đối với hai đứa bé trai và gái rất mãnh liệt đến mức giống như tình yêu của cha mẹ đối với những đứa con ruột của chính họ. Hai ngón tay cái của vị ẩn sĩ trở thành hai cột nước mà từ đó những dòng sữa tuôn ra. Từ đó trở đi, ẩn sĩ thọ lãnh món cháo được nấu bằng sữa từ ngôi làng của những người chăn bò (do năng lực phước báu của hai đứa bé). Ẩn sĩ ăn phần đặc của món cháo và nuôi hai đứa bé bằng nước lỏng còn lại. Bất cứ vật gì đi vào bên trong thân của chúng đều có thể thấy được như những vật đang đi qua một cái bình bằng thủy tinh. Thế nên, chúng được đặt tên là ‘Licchavi’ vì  nước da mỏng, mềm và tinh tế của chúng.

Vì phải chăm sóc đứa bé, ẩn sĩ chỉ có thể đi vào làng rất muộn vào buổi sáng để khất thực và phải vội vàng trở về ẩn xá. Khi dân làng biết được những lo lắng của vị ấy, họ nói với ẩn sĩ rằng: “ Kính thưa ngài, việc chăm sóc những đứa bé là chướng ngại lớn cho việc thọ trì những giới cấm vốn là phận sự của bậc Sa-môn. Xin ngài hãy trao những đứa bé để chúng con chăm sóc. Chúng con sẽ giúp ngài bớt đi gánh nặng chăm sóc chúng. Khi ấy ngài mới có thể chuyên tâm thực hành pháp mà không bị chướng ngại.” Ẩn sĩ đồng ý với yêu cầu của họ và nói rằng: “ Được, cứ thế đi.”

Vào ngày hôm sau, dân làng dọn dẹp, san bằng và làm sạch các con đường, rải hoa trên đó và sau khi dựng lên những cờ phướn ở hai bên đường, họ kéo đến ẩn xá và tấu lên các loại nhạc cụ để tiếp nhận hai đứa bé từ vị ẩn sĩ. Rồi ẩn sĩ căn dặn họ: “ Này các đệ tử, những đứa bé này có oai lực lớn (do nhiều phước báu của chúng đã tích lũy trong quá khứ). Hãy nuôi dưỡng chúng thật kỹ lưỡng cho đến khi chúng lớn khôn và khi chúng đến tuổi trưởng thành, hãy tổ chức lễ thành hôn cho chúng. Rồi các ngươi hãy đi đến đức vua Bārāṇasī và sau khi dâng lên vị ấy sữa, sữa đông, bơ lỏng, sữa bơ, bơ (năm loại  sản phẩm của bò, gorasa) hãy cầu xin vị ấy ban cho các ngươi một vùng đất nào đó để thành lập kinh đô. Sau khi đã thành lập kinh đô  rồi, hãy tôn vương chàng trai này và tổ chức lễ đăng quang tại thành phố mới này.” Với những lời khuyên này, ẩn sĩ trao hai đứa bé cho dân làng chăm sóc. Dân làng hứa với ẩn sĩ sẽ làm đúng lời khuyên của vị ấy và bế chúng đi về làng.

 

Khi lớn lên, chúng chơi chung với những đứa con của những người chăn bò. Nhưng bất cứ khi nào có xung đột trong cuộc chơi thì chúng đánh đá bạn bè. Cha mẹ trông thấy con kêu khóc, họ hỏi tại sao kêu khóc. Bọn trẻ đáp lại: “ Hai đứa bé do vị ẩn sĩ đỡ đầu đã đánh đá tụi con.” Ngay cả cha mẹ nhận nuôi hai đứa trẻ cùng với dân làng đều nhận xét rằng: “Hai đứa trẻ này hăm dọa các con của chúng ta; chúng quá phiền phức. Chúng ta không nên chìu chuộng chúng; chúng ta nên tránh xa hai đứa bé này.” Kể từ đó, vùng đất rộng ba mươi do tuần nơi có ngôi làng của người chăn bò được gọi tên là “nước Vajjī.”

(Chú thích : dựa vào những lời được thốt ra bởi những người dân làng bao gồm cha mẹ nuôi của hai đứa bé, câu nói ấy là : ‘Vajjetabba Ime – chúng ta nên tránh xa hai đứa bé anh em này’. Nên vùng đất rộng ba mươi do tuần có tên gọi là nước Vajjī).

Khi thời gian thích hợp đã đến, những người chăn bò đi đến đức vua, đúng theo lời hướng dẫn của vị ẩn sĩ, họ mang theo những lễ vật dâng tặng gồm năm sản phẩm của bò (gorasa) và thỉnh cầu đức vua cấp cho họ một vùng đất và thành lập kinh đô ở đó.

Khi cậu bé trai đã đến tuổi mười sáu, cậu ta được tôn phong làm vua của kinh đô ấy. Sau đó là lễ đăng quang của hai người trẻ tuổi. Dân chúng của vùng đất ấy đồng ý lập ra một luật lệ rằng:

“Không người đàn bà nào từ nơi khác được làm hoàng hậu của họ, và không ai trong những người đàn bà của họ được phép gả cho những người ở ngoài nước của họ.”

 

Về sau đức vua và hoàng hậu sanh ra một cặp song sinh đầu tiên, đó là một trai và một gái. Trải qua mười sáu lần, hoàng hậu đã sanh ra mười sáu cặp song sinh. Khi những đứa bé ấy đến tuổi trưởng thành, mỗi cặp song sinh ấy kết hôn với nhau và mỗi đôi vợ chồng cũng sanh ra mười sáu cặp song sinh.

 

Dân số trong kinh thành gia tăng rất nhanh, nhiều đến nỗi trong kinh thành không còn đủ đất làm chỗ ở cho tất cả những vị hoàng tử và công chúa với đông đảo tùy tùng của họ cùng với những khu lạc viên. Do đó, kinh đô phải được mở rộng ở bốn mặt, mỗi mặt thêm 1 gāvuta, kéo theo sự xây dựng một thành trì thứ hai bao quanh toàn thể kinh đô.

Sau một thời gian dài, sự tăng trưởng của dân số trong kinh thành đòi hỏi phải được mở rộng thêm để đáp ứng với số lượng đang gia tăng trong các thành viên của hoàng gia. Giống như trước, kinh đô lại được mở rộng thêm 1 gāvuta ở mỗi phía trong bốn phía. Đây là lần thứ ba kinh đô được mở rộng. Như vậy kinh đô lớn mạnh và hưng thịnh theo thời gian. Đến đúng lúc, nó được nổi danh là kinh đô Vesali khắp cả trời nam của cõi ta bà, đó là Jambudīpa.

Phần này nói về nguồn gốc của những tên gọi như các vị vua Licchavi, nước Vajji và kinh đô Vesali (như đã được nêu ra trong bộ chú giải Khuddakapatthavà bộ Sarattha Dipani Tika).

Kết thúc bài mô tả về kinh thành Vesali

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app