Nội Dung Chính

Một sự bất hòa to lớn xảy ra trong chúng Tăng

Khi Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Ghositārāma, có khởi sanh xích mích giữa hai vị bhikkhu, vị thì thông suốt Tạng Luật (Vinaya) và vị khác thì thông suốt Tạng Kinh (Sutta), cả hai sống trong cùng một tịnh xá. Một hôm vị tỳ khưu thông thạo sutta đi vào nhà cầu và sau khi đi ra, đã để lại một ít nước trong cái gáo. Vị tỳ khưu tinh thông vinaya đi vào sau vị kia, trông thấy một ít nước còn lại trong cái gáo ; vị ấy đi ra và hỏi vị tỳ khưu tinh thông sutta: “ Này hiền giả…có phải hiền giả đã để lại một ít nước trong cái gáo này chăng?” Vị tỳ khưu thông  sutta đáp lại một cách thành thật: “ Đúng vậy, thưa tôn giả.” Vị tỳ khưu tinh thông vinaya gắt gỏng: “ Này hiền giả, vậy hiền giả không biết làm như vậy là phạm tội (āpatti) sao?” Vị tỳ khưu tinh thông sutta đáp lại: “ Không, tôi không biết, thưa tôn giả.” Rồi vị tỳ khưu tinh thông vinaya giải thích: “Này hiền giả, chừa nước lại trong cái gáo, nhiều hay ít cũng là một tội (āpatti).”

Vị tỳ khưu tinh thông sutta nói rằng: “ Nếu tôi phạm tội thì tôi sẽ trừ diệt tội bằng sự sám hối.” Rồi vị tỳ khưu tinh thông vinaya giải thích: “ Này hiền giả, nếu hành động như vậy làm do quên hoặc không cố ý thì không có tội.” Nghe vậy, vị tỳ khưu tinh thông sutta nghĩ rằng mình không phạm tội khi chừa lại nước trong cái gáo.

(Ở đây, vị tỳ khưu tinh thông vinaya nghĩ rằng ‘hành động như vậy’ không kể là tội (āpatti) vì sơ xuất hoặc không cố ý. Thực tế thì, hành động như vậy được xem là tội tác ác (dukkata-āpatti), cho dù nó làm do sơ ý hoặc không cố ý).

Vị tỳ khưu tinh thông vinaya nói với các đồ đệ của mình rằng vị tỳ khưu tinh thông sutta đã không biết mình phạm tội khi nào, để chê bai vị tỳ khưu tinh thông sutta. Và khi các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông vinaya gặp các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta nói rằng thầy của các vị tỳ khưu này không biết tội mà vị ấy đã phạm. Khi các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta đem vấn đề ấy thuật lại với thầy của họ, vị tỳ khưu thông sutta nói rằng: “ Chính vị tỳ khưu tinh thông vinaya nói với ta rằng ta không phạm tội, thế mà bây giờ vị ấy lại tráo trở và tố cáo ta phạm tội ấy. Vị ấy đã nói dối.”

Các đệ tử của vị tỳ khưu tinh thông sutta bèn đi đến các đệ tử của vị tỳ khưu thông vinaya và nói với họ rằng: “ Thầy của các người là một kẻ nói dối.” Và sự bất hòa bắt đầu xảy ra! Vị tỳ khưu thông vinaya sắp xếp để được sự ủng hộ của những người cùng nhóm cùng phe và kết tội vị tỳ khưu tinh thông sutta về tội có lỗi mà không thấy lỗi (āpattiyā adassane ukkhepaniyakaṃ) và quyết tâm treo tội vị ấy.

Vị tỳ khưu bị hài tội như vậy, là người đa văn và có địa vị trong Tăng chúng, bèn đi đến các bạn bè và những người cùng phe mà nói rằng: “ Thực ra, kẻ không có tội thì bị kết tội, còn kẻ có tội thì không bị kết tội, tôi không bị ngã, chưa bị ngã, tôi không bị treo (dầu họ đã treo tôi), tôi không có tội, tôi đã bị treo bởi một việc làm công khai mà không có giá trị hợp pháp. Tôi muốn cầu xin các vị hãy đứng bên cạnh tôi, làm người cùng phe với tôi về pháp và luật (dhamma-vinaya).” Như vậy vị ấy đã có được nhiều bạn bè, nhiều người ủng hộ. Một người đưa tin cũng được cử đi đến các vị tỳ khưu trong các ngôi làng và các xứ để giải thích vấn đề. Như vậy các vị tỳ khưu trong nước đã từng qua lại với vị ấy đã trở thành những người cùng phe.

Các đệ tử của những vị tỳ khưu bị treo đi đến những vị tỳ khưu đã treo họ và nói lời chống bác: “Này các hiền giả… đó không phải là trường hợp có tội, đó không phải là trường hợp để bắt người ta phải chịu tội. Do đó, vị tỳ khưu tinh thông sutta không có tội. Vị ấy không phải bị treo dầu vị ấy đã bị treo bởi một việc làm công khai mà không có giá trị hợp lý.”

Đáp lại, các vị tỳ khưu tố cáo nói với những vị tỳ khưu bị treo rằng đó là trường hợp có tội (āpatti), không phải không có tội. Do đó, vị tỳ khưu tinh thông sutta đã phạm tội. Không phải là vị ấy không có tội. Do đó vị ấy đáng bị treo bởi một hành động treo tội công khai có giá trị hợp pháp. Này các hiền giả… đừng nên đi theo con đường của vị ấy. Đừng hầu hạ vị ấy nữa.” Nhưng những lời kêu gọi của họ đã đi ra ngoài tai của những vị tỳ khưu thiêng về sutta; họ tiếp tục phục vụ cho vị tỳ khưu bị treo, và đi theo vị ấy bất cứ nơi đâu vị ấy đi đến.

 

Đức Phật khuyến giáo các vị tỳ khưu của hai phe

 

Một vị tỳ khưu không rõ danh tính đi đến Đức Phật và kính cẩn thuật lại tất cả mọi chuyện. Nhân đó, Đức Phật thốt lên: “ Chúng Tăng đã chia rẽ. Chúng Tăng đã chia rẽ.” Hai lần liên tục và đi đến các vị tỳ khưu đã treo tội vị tỳ khưu thông sutta và sau khi ngồi xuống chỗ ngồi đã dành sẵn, Ngài khuyên họ như vầy:

(Chúng tỳ khưu lúc bấy giờ chưa thực sự bị chia rẽ, nhưng Đức Phật đã nói như vậy để đề phòng tai họa chia rẽ Tăng sắp xảy ra sau này. Ví dụ: người ta có thể nói rằng: “ Lúa đã chín” khi người ta thấy không còn những cơn mưa là hiện tượng báo hiệu đã đến mùa gặt).

‘Này các bhikkhu… các thầy không nên vì ngã mạn tự cao mà nghĩ đến việc treo tội hay trục xuất một vị tỳ khưu vì một chuyện nhỏ nhoi. Giả sử chúng ta cho rằng một vị tỳ khưu nọ phạm tội (āpatti) dù vị ấy không nghĩ rằng đó là tội. Nói cách khác, có thể có những vị tỳ khưu cho đó là tội. Này các bhikkhu … nếu những vị bhikkhu ấy biết mà quan tâm đến vị tỳ khưu kia: “ Vị bhikkhu này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp, Luật và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp: (1) “Nếu chúng ta cô lập vị tỳ bhikkhu này vì không thấy tội, nếu chúng ta không hành Tăng sự với vị bhikkhu này, và hành Tăng sự riêng không có vị bhikkhu này, do làm như vậy, sẽ có sự xung đột, bất hòa, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng; sẽ có sự đấu khẩu trong chúng Tăng ; sẽ có sự phân biệt kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các bhikkhu, khi biết rõ điều này, các bhikkhu không nên treo tội hay cô lập một vị bhikkhu như vậy vì không thấy tội, ngõ hầu dẹp yên sự chia rẽ Tăng và phát triển sự đoạn kết.

Này các bhikkhu … các thầy không nên vì ngã mạn tự cao mà nghĩ đến việc treo tội hay cô lập một vị bhikkhu vì một chuyện nhỏ nhoi. Chúng ta hãy giả sử rằng vị bhikkhu nọ có thể đã phạm tội (āpatti) dù vị ấy nghĩ rằng về mặt này không có tội. Nói cách khác, có những vị bhikkhu cho đó là tội. Này các bhikkhu … Nếu những vị bhikkhu ấy biết mà quan tâm đến vị bhikkhu kia: “ Vị đại đức này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp, Luật và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp. (2) Nếu chúng ta cô lập vị bhikkhu này vì không thấy tội, và không làm lễ tự tứ chung; nếu chúng ta làm lễ tự tứ mà không có vị bhikkhu này. (3) Nếu chúng ta không hành Tăng sự chung với vị bhikkhu này; nếu chúng ta hành Tăng sự mà không có vị bhikkhu này. (4) Nếu chúng ta không ngồi chung với vị bhikkhu này; nếu chúng ta ngồi ở chỗ không có vị bhikkhu này. (5) Nếu chúng ta không ngồi uống cháo chung với vị bhikkhu này, nếu chúng ta ngồi uống cháo mà không có vị bhikkhu này. (6) Nếu chúng ta không ngồi trong phòng ăn chung với vị bhikkhu này, nếu chúng ta ngồi trong phòng ăn không có vị bhikkhu này. (7) Nếu chúng ta không ở dưới cùng một mái nhà với vị bhikkhu này; nếu chúng ta ở dưới một mái nhà mà không có vị bhikkhu này. (8) Nếu chúng ta không thực hiện pháp tôn kính theo hạ lạp, không đón chào hay đảnh lễ theo thứ tự hạ lạp đối với vị bhikkhu này, nếu chúng ta chỉ thực hiện pháp tôn kính, chào hỏi và đảnh lễ theo hạ lạp mà không có vị bhikkhu này, do làm như vậy, sẽ có sự bất hòa, xung đột, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng, sẽ có sự đấu khẩu, sự phân biệt kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các thầy bhikkhu … khi biết rõ điều này, các tỳ khưu không nên treo tội hay cô lập một vị bhikkhu vì không thấy tội, ngõ hầu dập tắt sự chia rẽ và đẩy mạnh sự đoàn kết trong chúng Tăng.

Sau khi thuyết giảng thời pháp trên vì sự đoàn kết của chư Tăng đến các vị bhikkhu đã treo tội một vị bhikkhu, Đức Phật đi đến những đệ tử của vị tỳ khưu bị treo tội và thuyết một thời pháp.

‘Này các thầy bhikkhu … khi các thầy đã phạm tội, các thầy không nên nghĩ rằng không cần phải sám hối tội, vì cho rằng : “  Chúng ta chưa phạm tội.”

Này các thầy bhikkhu … giả sự rằng một vị bhikkhu nọ có thể đã phạm tội (āpatti) dù vị ấy nghĩ rằng không có tội, về mặt này, và về mặt khác, có những vị bhikkhu khác cho đó là tội (āpatti).

Này các thầy bhikkhu, nếu vị bhikkhu ấy cho rằng vị ấy chưa phạm tội, và vị ấy biết quan tâm đến những vị bhikkhu kia: “ Những vị đại đức này đa văn, thông thuộc kinh tạng, rành mạch Pháp Luật (dhamma-vinaya) và Pāṭimokkha, thông minh và có trí tuệ, có kinh nghiệm, tận tâm, cẩn trọng và ưa thích ba học pháp. Cho dù vì mình hay vì bất cứ ai khác những vị bhikkhu này không nên hành động sai lầm do tham muốn vị kỷ, thù ghét, ngu si, do sự hãi.

Nếu những vị bhikkhu này treo tội ta vì không thấy tội và (1) nếu họ không thọ trì giới chung với ta, nếu họ thọ trì giới mà không có ta; (2) nếu những vị bhikkhu này không làm lễ tự tứ chung với ta, nếu họ làm lễ tự tứ mà không có ta; (3) nếu họ không hành Tăng sự chung với ta ; nếu họ hành Tăng sự mà không có ta; (4) nếu họ không ngồi chung với ta, nếu họ ngồi ở chỗ không có ta; (5) nếu họ không ngồi uống cháo chung với ta, nếu họ ngồi uống cháo ở chỗ không có ta; (6) nếu họ không ngồi trong phòng ăn chung với ta, nếu họ ngồi trong phòng ăn khi không có ta; (7) nếu họ không ở chung mái nhà với ta, nếu họ ở dưới mái nhà không có ta; (8) nếu họ không tôn kính, chào hỏi, hay đảnh lễ theo thứ tự hạ lạp mà không có ta, do làm như vậy, sẽ có sự bất hòa, sự xung đột, sẽ có sự chia rẽ trong chúng Tăng, sẽ có sự đấu khẩu, sự phân biệt, kỳ thị trong chúng Tăng.” Này các thầy bhikkhu, khi biết rõ điều này, vị bhikkhu ấy nên sám hối tội vì niềm tin đối với Tăng bảo để dập tắt sự chia rẽ và đẩy mạnh sự hòa hợp.

Sau khi thuyết giảng thời pháp này vì sự đoàn kết của chư Tăng, Đức Phật đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.

(Chú thích: Vị bhikkhu thông sutta đã thành thật bày tỏ ước muốn của vị ấy là ‘ xin được sám hối tội nếu vị ấy đã phạm tội khi vị bhikkhu thông vinaya đầu tiên đã khiển trách. Nhưng sau đó, khi vị bhikkhu ấy được vị kia cho biết rằng: “ Bất cứ tội nào đã vi phạm do sơ ý và không có chủ tâm thì không được kể là tội hay hành vi có tội nên vị ấy tin rằng mình không có tội. ”

Nếu Đức Phật quyết định quở trách những vị bhikkhu tinh thông vinaya vì đã treo tội các vị bhikkhu tinh thông sutta trong những vấn đề như vậy thì họ ắt sẽ phân bua là Đức Phật đã nghiêng về phe đối lập, như vậy khiến họ bị tội chống lại Đức Phật, là tội có thể dẫn họ đến bốn khổ cảnh.

Lại nữa, nếu vị bhikkhu tinh thông sutta cố ý để lại một ít nước trong cái gáo, và như vậy, vị ấy phạm tội tác ác (dukkata āpatti). Những đệ tử của vị ấy đã bày tỏ quan điểm của họ là sự kết tội như vậy không có giá trị hợp pháp do sự binh vực thầy của họ.

Nếu Đức Phật quyết định tán đồng sự kết tội của những vị bhikkhu khưu tinh thông vinaya về vấn đề ấy, thì những đệ tử của vị bhikkhu tinh thông sutta tự nhiên sẽ tố cáo Đức Phật đã nghiêng về phe đối lập họ, như vậy chính họ rơi vào tội chống báng Đức Phật, một tội có thể dẫn họ đi vào các khổ cảnh.

Do vậy, nên nhớ rằng Đức Phật đã tránh không khiển trách bất cứ ai trong hai phe vì sự an lạc và thanh tịnh, và Ngài thuyết các thời pháp vì sự đoàn kết của chư Tăng, rồi Ngài ra đi khỏi chỗ ấy).

Thuyết giảng về hai Ñānā Saṁvāsa và hai Samānā Saṁvāsa

 

Bấy giờ, những vị bhikkhu đã bị treo tội thọ trì giới và hành Tăng sự trong Sima (bên trong khu vực có phân giới hạn) của cùng tịnh xá, trong khi đó những vị bhikkhu đã cô lập nhóm trước thì thọ trì giới và hành Tăng sự sau khi đã đi ra bên ngoài Sima của tịnh xá.

Một trong những vị bhikkhu của nhóm sau đi đến Đức Phật và kính cẩn bạch với Đức Phật:

“ Bạch Đức Thế Tôn… những vị bhikkhu bị treo tội đã làm lễ phát lồ và hành Tăng sự trong Sima của cùng tịnh xá, trong khi đó Tăng chúng mà đã cô lập nhóm trước thì làm lễ phát lồ và hành Tăng sự sau khi đã ra bên ngoài Simā của tịnh xá.”

Nhân đó, Đức Phật cho câu trả lời sau đây :

“ Này bhikkhu … trường hợp những vị bhikkhu bị treo tội làm lễ phát lồ và hành Tăng sự theo đúng thủ tục về tuyên ngôn Ñatti kammavācā do Như Lai ban hành, trong khu vực Sima của tịnh xá, sự thực hành của họ phải được xem là hợp lệ, có giá trị hợp pháp.

Này bhikkhu … dường thế ấy, nếu những vị tỳ khưu treo tội nhóm trước, làm lễ phát lồ và hành Tăng sự đúng với thủ tục về tuyên ngôn do Như Lai ban hành, trong Sima của tịnh xá, thì sự thực hành của các thầy cũng được xem là hoàn toàn hợp lệ, có giá trị hợp pháp.

Này bhikkhu …tại sao như vậy? Những vị bhikkhu bị  treo thuộc về một hội chúng khác với hội chúng của thầy và thầy thuộc về một hội chúng khác với hội chúng của họ.”

Hai loại Biệt trú – Ñānā Saṁvāsa

Này các bhikkhu …có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng khác – Ñānā Saṃvāsa (1) Bằng sự cố gắng của bản thân, vị bhikkhu tự mình đi theo một hội chúng khác. (2) Do bị treo tội bởi Tăng chúng vì không thấy tội (āpatti), vì không sám hối, không từ bỏ tà kiến. Như vậy có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng khác.

Hai loại đồng trú – Samānā Saṁvāsa

 

Này các bhikkhu …Có hai trường hợp để thuộc về một hội chúng- Samānā saṃvāsa: (1) Sự cố gắng của chính mình, vị tỳ khưu tự làm cho mình trở thành người theo cùng một hội chúng (2) Toàn thể chúng Tăng tháo gỡ sự treo tội và phục vị (osaraniva kamma) cho vị bhikkhu đã bị treo tội (ukkhepaniya kamma).

Như vậy, có hai trường hợp Biệt trú (Ñānā saṃvāsa) và hai trường hợp Đồng trú (Samānā saṃvāsa), do Đức Phật giáo giới.

 

(Chú thích: Có hai nhóm hay hai loại chúng bhikkhu : đó là (1) Những vị bhikkhu đúng luật (Dhammavādi) là những vị đã treo tội các bhikkhu phạm tội, (2) Những vị bhikkhu phạm luật (Adhammavādi). Nếu một vị bhikkhu trú ngụ với nhóm này hay nhóm khác, sau khi xem xét cẩn thận các quan điểm của cả hai nhóm, quyết định rằng những vị bhikkhu bị treo là phạm luật, còn những vị bhikkhu mà treo tội họ thì đúng luật, chính vị ấy đã làm cho mình thuộc về hội chúng với những vị tỳ khưu treo tội).

Hành vi của các bhikkhu đang xung đột

 

Lúc bấy giờ, các vị bhikkhu rơi vào xung đột, tranh cãi nhau trong nhà ăn ở các làng mạc. Họ cư xử không thích hợp về thân và lời nói. Họ đi đến đấm đá. Mọi người tỏ thái độ xem thường và chỉ trích họ. Những vị bhikkhu có hành kiểm tốt và khiêm tốn bèn thuật lại tình trạng đáng buồn này đến Đức Phật và Ngài cho gọi các vị bhikkhu ẩu đả nhau đến. Sau khi hỏi rõ mọi chuyện và quở trách họ, Đức Phật bèn thuyết một thời pháp thoại thích hợp và dạy họ rằng:

‘Này các Tỳ khưu, khi chúng Tăng bị chia rẽ, không cư xử với nhau đúng theo luật, nếu có sự bất hòa, các thầy nên ngồi riêng ra, nghĩ trong tâm rằng: “ Ít nhất, chúng ta cũng không thể cư xử một cách không thích đáng với nhau về thân và lời nói; chúng ta không thể đi đến ẩu đả nhau.”

Này các bhikkhu, khi chúng Tăng bị chia rẽ nhưng nếu cư xử với nhau đúng theo luật và nếu có sự thân ái, thì các thầy có thể ngồi cạnh bên nhau.”

Đây là những lời khuyên nhủ của Đức Phật đến các vị tỳ khưu khi có sự chia rẽ trong chúng Tăng.

Bài pháp về Bổn sanh Dighavu

Hai phe bhikkhu đối địch tiếp tục cải vả, xung đột nhau, làm thương tổn nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Chúng Tăng không thể dập tắt sự xung đột.

Rồi một vị bhikkhu nọ đi đến Đức Phật. Sau khi đến đảnh lễ Đức Phật và đứng ở chỗ phải lẽ, rồi bạch lại vấn đề với Đức Phật và thỉnh Ngài đi đến chỗ các vị tỳ khưu đang xung đột.

Nhân đó, Đức Phật đi đến các vị tỳ khưu và giáo giới họ:

“Này các bhikkhu… thật hoàn toàn không thích hợp để các thầy tranh cãi nhau, chiến đấu với nhau và đối chọi lẫn nhau. Đủ lắm rồi ! Hãy chấm dứt xung đột, hãy chấm dứt tranh cãi. ”

Nhân đó, một vị bhikkhu trong nhóm bị treo, do quan tâm đến sự an lạc của Đức Phật, đã bạch rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn… Xin đấng Pháp vương hãy chờ đợi, xin Thế Tôn đừng quan tâm đến, hãy trú trong an lạc vào lúc này. Chúng con sẽ chịu trách nhiệm về những sự xung đột này.” Đây là lời thỉnh cầu của vị ấy đến Đức Phật.

Đức Phật đã khuyên nhủ họ đến hai lần, và vị bhikkhu trong nhóm bị treo tội vẫn lập lại lời thỉnh cầu hai lần liên tục.

(Chú thích: Vị bhikkhu bị treo tội là người có thiện ý đối với Đức Phật. Vị ấy thành tâm thỉnh cầu Đức Phật đừng lo buồn về vấn đề hiện tại khi ngọn lửa thù hận đang dâng cao.

Nhưng Đức Phật biết rằng hai nhóm đối lập, sẽ hồi tỉnh một khi ngọn lửa hận thù được dập tắt, và vì vậy do lòng bi mẫn đối với những vị bhikkhu này, Đức Phật thuyết một thời pháp về tích chuyện Dighavu).

 

Câu chuyện Dighavu

 

Một thuở nọ có một vị vua ở xứ Benares, tên là Kasi đại vương, nhà vua có tài sản lớn, quân binh, chiến xa, voi, ngựa, có lãnh thổ rộng mênh mông, kho báu to lớn và đầy những kho thóc. Vua nước Kosala, tên là Dīghiti là người nghèo hơn, ít tài sản, quân binh ít hơn, số lượng chiến xa, voi ngựa có giới hạn, kho báu và kho thóc có giới hạn. Này các bhikkhu, vua Brahmadatta danh hiệu là Kasi đại vương, chuẩn bị chiến tranh chinh phục vua Dighiti, và xuất chinh đến nước Kosala với binh lực hùng hậu gồm chiến xa, tượng binh, mã binh và bộ binh.

Kẻ yếu không chống lại kẻ mạnh

Khi nghe tin cấp báo, vua Dighiti của nước Kosala cân nhắc suy nghĩ: “ Vua Brahmadatta của nước Kāsi là người giàu có, sở hữu tài sản khổng lồ, có binh lực vĩ đại, gồm xa binh, tượng binh, mã binh và bộ binh. Có kho báu to lớn, lãnh thổ rộng mênh mông và nhiều kho thóc trong khi đó ta tương đối nghèo, có ít tài sản, binh lực yếu và ta chắc chắn sẽ bị đánh bại bởi trận đánh đầu tiên của vị vua ấy. Hay nhất là trốn đi trước hơn để bị đánh bại.” Do đó nhà vua dẫn theo hoàng hậu trốn khỏi kinh đô trước khi kẻ thù tiến đến.

Này các thầy bhikkhu … vua Brahmadatta đã chiếm lấy tất cả mọi thứ mà vua Dighiti để lại gồm quân binh, xe ngựa, đất đai, tài sản và những kho thóc và sáp nhập nước Kosala vào nước Kasi, còn vị vua lưu vong và hoàng hậu của ông ta đến tại Benares và ẩn náu tại một lò gốm ở ngoại thành; cả hai cùng cải trang làm đạo sĩ.

Hoàng hậu mang thai

 

Này các bhikkhu… sau một thời gian, hoàng hậu của vua Dighati có thai, bà có sự thèm muốn những thứ đặc biệt như muốn thấy mặt trời mọc trên bốn lực lượng quân binh, trang phục chỉnh tề đầy đủ khí giới đang đứng trên đất bằng và muốn uống nước rửa kiếm.

Hoàng hậu bèn đem ước muốn thuật lại với chồng, vua Dighati của nước Kosala, rằng nàng đã có thai và có sự khao khát mãnh liệt, muốn thấy quân binh, binh giáp đầy đủ vào lúc mặt trời mọc và muốn uống nước được dùng để rửa đao kiếm. Nhân đó, nhà vua nói rằng: “

Này ái hậu… làm sao chúng ta có thể thấy quân binh trang bị đầy đủ và có được nước được dùng để rửa đao kiếm… khi chúng ta ở trong hoàn cảnh thấp hèn này. Hoàng hậu đáp lại: “ Tâu bệ hạ… thiếp sẽ chết nếu những ước muốn của thiếp không được thỏa mãn.”

Nhà hiền triết thấy xa trông rộng và cũng là một người bạn

Lúc bấy giờ, người bạn thời thơ ấu của vua Dighati là vị tư tế quan của vua Brahmadatta, vua nước Kāsi. Này các bhikkhu… Dighati, vua nước Kosala bèn đi đến người bạn thời thơ ấu của vị ấy là vị tư tế quan và nói với ông ta rằng: “ Này ông bạn… người bạn của ông, hoàng hậu đang có thai, và nàng có ước muốn mãnh liệt là được thấy quân binh đang đứng ở chỗ đất bằng phẳng và rộng lớn, và muốn uống nước được dùng để rửa đao kiếm.” Nghe nói vậy, vị Bà-la-môn nói rằng: “ Tâu bệ hạ…nếu vậy, tôi muốn được gặp hoàng hậu.”

 

Này các bhikkhu… hoàng hậu đi đến vị tư tế quan. Khi vị Bà-la- môn trông thấy hoàng hậu từ xa đang đi đến ông ta đứng dậy, sửa y áo chỉnh tề và với hai tay chấp lại, ông ta vui sướng thốt lên: “ Quả thật vậy, một vị vua của nước Kosala đang ở trong bào thai của hoàng hậu.” Ông ta đã nói lên ba lần như vậy. Và ông ta đảm bảo với hoàng hậu rằng: “ Chúc hoàng hậu được an vui và tốt đẹp. Hoàng hậu sẽ có cơ hội trông thấy bốn loại quân binh trang bị đầy đủ vào lúc mặt trời mọc tại chỗ đất bằng phẳng và uống nước được dùng để rửa đao kiếm.”

Này các bhikkhu… Vị tư tế quan đi đến vua Brahmadatta của nước Kāsi và tâu rằng: “ Tâu bệ hạ…những điềm tướng mà hạ thần có thể trông thấy là quân binh với đầy đủ binh phục và khí giới phải xuất hiện trên một chỗ đất bằng phẳng rộng lớn vào lúc mặt trời mọc và những cây kiếm của vua phải được rửa vào lúc ấy.” Đức vua truyền lịnh cho các vị quan thực hiện những lời chỉ dẫn của vị tư tế quan.

Hoàng hậu của vua Dighati được thỏa mãn những khao khát của nàng (nhờ sự sắp xếp của vị tư tế quan). Nàng đã thấy quân binh trang bị đầy đủ, đang đứng trên chỗ đất bằng phẳng, rộng lớn và uống nước được dùng để rửa đao kiếm. Này các bhikkhu… nàng đã hạ sanh một bé trai và đặt tên là Dighavu.

Này các bhikkhu… khi hoàng tử Dighavu đến tuổi trưởng thành, vua Dighiti bèn nảy sanh ý nghĩ: “ Vua Brahmadatta của nước Kāsi bấy lâu nay đã làm hại chúng ta, vị ấy đã chiếm lĩnh quân binh, xe ngựa, voi, ngựa, và đất đai của chúng ta bao gồm những khu làng mạc, đã tước đoạt những kho báu và thóc lúa. Vị ấy sẽ giết ba người chúng ta một khi vị ấy biết được chỗ ở của chúng ta. Tốt hơn, đứa con trai Dighavu của chúng ta nên ở ngoài kinh đô để được an toàn. Do đó, vị ấy sắp xếp để Dīghāvu ở tách biệt họ tại một chỗ ở ngoại thành. Này các bhikkhu … Hoàng tử Dighavu đã học nhiều môn nghệ thuật và khoa học của thời bấy giờ trong suốt cuộc đời xa xứ.

Người thợ cạo phản bội

 

Này các bhikkhu… một người thợ cạo của vua Dighiti nước Kosala được quyền tự do đi đến hoàng cung của vua nước Kasi. Này các bhikkhu… khi người thợ cạo trông thấy vua và hoàng hậu của nước Kosala đang nương náu trong một ngôi nhà cũ kỹ của người thợ gốm, mang tướng mạo những đạo sĩ ở vùng ngoại ô, ông ta đi đến vua Brahmadatta của nước Kasi và tâu lên rằng: “ Tâu bệ hạ…vua Dighiti và hoàng hậu của vị ấy đang nương trú trong một ngôi nhà cũ của người thợ gốm và mang tướng mạo của những đạo sĩ ở vùng ngoại ô của thành phố.” Này các tỳ khưu, vua Brahmadatta đã sai quân binh đi bắt vua và hoàng hậu của nước Kosala. Quân hầu làm theo  lịnh truyền.

 

Này các bhikkhu… vua Brahmadatta đã truyền lịnh quân binh: “ Này các khanh… hãy trói tay vua Dighiti và hoàng hậu của ông ta ra sau lưng thật chắc. Hãy cạo trọc đầu của chúng, đánh trống cho vang trời và dẫn chúng đi từ con đường này đến con đường khác, từ ngã tư đường này đến ngã tư đường khác, hãy đánh đập chúng trên đường đi, và cuối cùng đưa chúng ra khỏi kinh thành ở cổng phía nam và chặt chúng thành bốn mảnh. Xác của chúng phải được quăng đi bốn hướng.” Các đao phủ đã làm theo lịnh truyền của vua Brahmadatta.

Giáo thuyết hòa bình của vua Kosala

Lúc bấy giờ, hoàng tử Dighavu nóng lòng muốn gặp cha mẹ. Hoàng tử tự nghĩ: “ Đã lâu rồi ta chưa gặp cha me của ta, tốt hơn ta nên đi thăm họ ngay bây giờ.” Do đó, hoàng tử đi vào thành phố và đến gặp mặt hai đấng sanh thành bạc mệnh với đôi tay bị trói ngược sau lưng, đầu bị cạo, bị đánh đập khi đi qua các con đường, các ngã tư đường với những tiếng trống vang trời. Hoàng tử vô cùng xúc động và bàng hoàng, đau đớn, nhưng cậu ta vẫn cố gắng đến gần cha mẹ.

 

Này các bhikkhu… khi vua Dighiti trông thấy con, hoàng tử Dighavu đi đến từ xa, vị ấy nói lên những lời khuyên như nhắm vào con trai của vị ấy.

Này Dighavu con thân… đừng nhìn xa và cũng đừng trông gần. Này con thân Dighavu… sự trả thù không đem lại hạnh phúc.

Này con thân Dighavu… chỉ có sự không oán hận mới đem lại hạnh phúc.

Khi vua Dighiti nói lên những lời khuyên như vậy, các quan hiểu lầm vị ấy và nói rằng :

“Vị vua Dighiti của nước Kosala này đã mất cái đầu của ông ta rồi, con trai Dighavu của ông ta đâu? Ông ta đang nói chuyện với ai mà nói rằng: ‘Này Dighavu con… đừng nhìn xa cũng đừng nhìn gần. Này Dighavu con thân… sự trả thù không đem lại hạnh phúc. Này Dighavu con thân… chỉ có không hận thù mới đem lại hạnh phúc.’ ”

Khi vua Dighiti nghe những lời nhận xét của họ, vị ấy nói rằng: “ Này các ngươi… không phải ta nói ra do mất cái đầu của ta. Thực  ra, những người có trí tuệ sẽ hiểu ý nghĩa trong câu nói của ta.”

Vua Dighiti đã nói ra những lời khuyên như vậy đến ba lần và các đao phủ thủ cũng nói lời nhận xét như vậy ba lần. Và vua Dighiti cũng giải thích cho họ biết rằng tâm trạng của vị ấy hoàn toàn tỉnh táo và lời nói của vị ấy các bậc trí tuệ có thể hiểu được, là nhắm đến con trai của vị ấy.

Này các bhikkhu… các đao phủ tiếp tục đánh đập đức vua và hoàng hậu suốt đường đi và cuối cùng dẫn họ ra ngoài thành phố qua cổng phía nam theo lệnh truyền của vua Brahmadatta. Vua Dighiti và hoàng hậu bị chặt thành bốn mảnh và những phần xác của họ bị ném đi bốn hướng. Các đao phủ trở về kinh đô sau khi cắt cử lính gác ở pháp trường.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app