CHƯƠNG 16

HAI ĐẠO SĨ UPATISSA VÀ KOLITA ĐẾN DƯỚI CHÂN ĐỨC PHẬT TOÀN GIÁC

 

(Nghe tin Đức Phật đã đến tại Vương xá thành (Rājagaha), Tịnh Phạn vương (Suddhodāna) cử một số vị quan, mỗi vị dẫn theo một ngàn tùy tùng, để thỉnh Đức Phật về kinh đô của vị ấy. Sự kiện này xảy ra vào hạ huyền tháng Phussa. Điều cần lưu ý là nếu chúng tôi mở đầu chương này bằng đoạn này thì sẽ khó bao gồm được câu chuyện về  hai vị Thượng thủ Thinh văn đương lai. Do đó, bài miêu tả tóm tắt về hai vị Thượng thủ Thinh văn đương lai sẽ được nêu ra ở đây như là phần mở đầu của chương này).

Vào khoảng mồng một tháng Māgha, Đức Phật đến Rājagaha và trú ở nơi đây khoảng nửa tháng. Lúc bấy giờ vị đạo sư của các đạo sĩ hành cước là Sañjaya, ông ta sống ở Rājagaha cùng với hai trăm năm mươi đạo sĩ. Suốt thời gian ấy, hai đạo sĩ hành cước Upatissa và Kolita, là hai vị Thượng thủ Thinh văn đương lai – Sāriputta và Moggallāna, đang hành đạo dưới sự hướng dẫn của đại giáo chủ Sañjaya.

Upatissa và Kolita là đôi bạn thân từ lúc thiếu thời, sau khi đã nắm vững toàn bộ giáo lý của Sañjaya trong vòng hai hoặc ba ngày, họ nhận ra rằng giáo lý của giáo chủ Sañjaya không dẫn đến Niết bàn bất tử.

“ Này bạn, giáo lý của vị giáo chủ này không có quả, nó không có thực chất. Chúng ta hãy giao ước rằng: từ nay trở đi, nếu người nào trong chúng ta giác ngộ Niết bàn bất tử trước thì nên báo cho người kia biết.”

Rồi vào một buổi sáng của thượng tuần trăng tháng Phagguna, Đại đức A-xà-Chí (Assaji), vị tỳ khưu của nhóm năm anh em Kiều trần Như (Pancavaggi), sau khi mặc y, mang bát và đắp Tăng-già-lê lên đường đi đến Rājagaha để khất thực. Oai nghi và diện mạo của vị ấy trông thật trang nghiêm, đáng kính trọng, dù đi tới hoặc đi lui, nhìn tới trước hoặc nhìn sang một bên, đôi mắt Ngài nhìn xuống xa không quá bốn hắc tay.

Khi đạo sĩ Upatissa – Sāriputta tương lai trông thấy đại đức Assaji đang đi vào Rājagaha với oai nghi diện mạo trang nghiêm và sáng chói, vị ấy khởi lên ý nghĩ:

“ Ta tin chắc vị tỳ khưu này phải là một trong những người trên thế gian này đã chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-magga-phala). Lành thay nếu ta đi đến vị ấy và hỏi rằng: ‘Này hiền giả, hiền giả đã xuất gia theo ai? Ai là đạo sư của hiền giả? Hiền giả đã thực hành giáo pháp của ai?’ Nhưng vị ấy lại tiếp tục suy nghĩ thêm:

“Bây giờ chưa phải lúc để hỏi vị tỳ khưu này, vị đang bận khất thực. Đôi bạn chúng ta đã rất mong mỏi Niết bàn bất tử, sau khi đã luận ra rằng: ‘ Nếu có chết ắt phải có trạng thái bất tử.’ Về phần ta là người đang tầm cầu mục tiêu Niết bàn bất tử, ta nên theo sát vị Sa- môn này.”

Do đó, vị ấy theo sát phía sau đại đức Assaji.

Khi đại đức Assaji đã đi khất thực xong, Upatissa nhận biết ngài muốn ngồi xuống để thọ thực. Do đó, vị ấy bày ra một cái giá có chân ngắn mà vị ấy đã mang theo bên mình rồi cúng dường một ít nước từ cái bình nước khi đại đức đã thọ thực xong. Sau khi đã làm xong những phận sự cần thiết của một người đệ tử đối với ông thầy, Upatissa bắt đầu cuộc đàm đạo thân mật với vị trưởng lão và nói rằng: “ Thưa hiền giả, các căn của hiền giả hoàn toàn trong sáng và

thanh tịnh, nước da của hiền giả tươi sáng thuần khiết. Thưa hiền giả, chẳng hay ngài xuất gia theo ai? Ai là đạo sư của ngài? Hiền giả thọ  trì giáo pháp của ai?”

Đại đức Assaji đáp lại rằng: “Này hiền giả, bần Tăng xuất gia theo Đức Phật Chánh biến tri, một hậu duệ của dòng dõi Thích ca, đã từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn. Ngài là đạo sư của bần Tăng. Bần Tăng là người thọ trì giáo pháp của Ngài.”

Rồi Upatissa lại hỏi: “Thưa tôn giả, Đức Phật đạo sư của tôn giả thuyết giảng pháp gì?”

Đại đức Assaji nghiền ngẫm: “ Những vị đạo sĩ hành cước này thường chấp theo tà kiến, và ta phải chỉ cho đạo sĩ hành cước này thấy rõ bản chất thậm thâm và vi diệu của giáo pháp.” Rồi trả lời rằng: “ Này hiền giả, bần Tăng chỉ là một thành viên bậc thấp trong Tăng chúng, mới đi vào giáo pháp đây thôi. Bần Tăng không có khả năng giảng rộng giáo pháp. Bần Tăng sẽ nói tóm tắt ý nghĩa nòng cốt của giáo pháp.”

Đạo sĩ Upatissa định nói với đại đức Assaji rằng: “ Tôi là Upatissa, một đạo sĩ hành cước là người có trí tuệ, hãy giảng giải cho tôi theo hết khả năng của ngài dù ít dù nhiều. Trách nhiệm của tôi là cố gắng hiểu bài pháp của ngài bằng cách giải rộng nó với một trăm hoặc một ngàn cách.” Nhưng Upatissa chỉ nói rằng:

“ Cứ vậy đi, thưa hiền giả. Hãy giảng cho tôi dầu ít dầu nhiều, chỉ cần giảng giải ý nghĩa cốt lõi. Tôi chỉ muốn nghe ý nghĩa cốt lõi của giáo pháp ấy.”

Do đó, đại đức Assaji thuyết một câu pháp cô đọng, hàm chứa ý nghĩa cốt lõi về Tứ Diệu Đế:

Ye dhammā hetuppabhavā

Tesaṁ hetuṁ Tathāgato āha

Tesañca yo nirodho

Evaṃ vādi Mahāsamano.

“Này hiền giả, năm uẩn nói theo cách khác là Khổ đế (Dukkha saccca), có nguyên nhân của chúng là ái dục hay Khổ tập đế (Samudaya sacca). Đức Phật, bậc đạo sư của bần Tăng đã giảng dạy về Dukkha saccca và Samudaya sacca. Ngài cũng giảng dạy về Khổ diệt đế (Nirodha sacca) và Khổ diệt đạo đế (Magga sacca). Đó là giáo pháp của bậc Đại Sa-môn, đạo sư của chúng tôi, bậc thuyết giảng Tứ Thánh Đế này một cách chi tiết.”

Sau khi nghe qua nửa phần đầu của câu pháp trên, đạo sĩ Upatissa chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpanna), khi nghe nốt nửa câu pháp còn lại khi vị ấy đã trở thành bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna).

Rồi Sāriputta đương lai ứng khẩu câu kệ này:

Eseva dhammo yadi tāvadeva,

paccavyyatha padamasokaṁ;

adiṭṭhaṁ abbhatītaṁ,

bahukehi kappanahutehi.

Đây chính là Giáo pháp, là chân lý mà đôi bạn chúng con đã tầm cầu, dầu Giáo pháp ấy đã giúp con tự thân chứng đắc và giác ngộ chỉ sơ quả thôi (sotāpatti-phala). Kính bạch đại đức, ngài đã chứng đắc và giác ngộ trạng thái nơi không có sầu muộn, đó là Niết bàn. Vì đã không nhận thấy được chân lý này, chúng con đã chịu sự mất mát to lớn trải qua vô số kiếp luân hồi.

Ngay trước khi vị ấy chứng đắc các tầng thánh cao hơn, đạo sĩ Upatissa chợt nghĩ rằng chắc phải có những điều đặc biệt hơn trong pháp siêu thế này. Do đó, vị ấy thỉnh cầu với đại đức Assaji: “Xin cứ để yên các pháp khác như vậy; đừng giảng thêm các tầng cao hơn của giáo pháp. Cầu xin ngài hãy nói cho con biết hiện giờ Đức Phật, đạo sư của chúng ta đang ở đâu?” “Này hiền giả, Đức Như Lai (Tathāgata) hiện đang trú ngụ tại tịnh xá Veḷuvana,” đại đức Assaji đáp lại. Nhân đó, đạo sĩ Upatissa nói rằng: “ Nếu vậy, bạch đại đức xin hãy đi trước. Con có một người bạn mà với người ấy con phải hoàn thành lời cam kết là nói cho vị ấy biết pháp Bất tử mà con đã chứng đắc. Sau khi hoàn thành lời cam kết với vị ấy, con và bạn của con sẽ đến yết kiến Đức Phật.” Rồi đạo sĩ Upatissa đảnh lễ vị Trưởng lão và đi quanh vị ấy ba vòng để bày tỏ lòng biết ơn rồi ra đi đến nơi ngụ của các đạo sĩ hành cước.

Đạo sĩ Kolita chứng đắc tầng thánh Nhập lưu (Sotāpanna)

 

Khi đạo sĩ Kolita trông thấy đạo sĩ Upatissa đang đến từ xa, ý nghĩ sau đây chợt khởi lên trong tâm của vị ấy: “ Nét mặt của bạn ta hoàn toàn khác hẳn so với mấy ngày trước đây. Chắc vị ấy đã giác ngộ Niết bàn bất tử.” Thế nên, vị ấy hỏi đạo sĩ Upatissa rằng: “ Này hiền hữu, các căn của hiền hữu hoàn toàn tươi sáng và thanh tịnh. Nước da của hiền hữu trong sáng và thuần khiết. Lý do thế nào? Phải chăng hiền hữu đã chứng đắc trí tuệ thông đạt Niết bàn bất tử?” “ Đúng vậy, hiền hữu, tôi quả thực đã giác ngộ Niết bàn bất tử.” Rồi sau khi được hỏi rằng vị ấy đã chứng ngộ Niết bàn bất tử trong hoàn cảnh nào, Upatissa bèn kể lại đầy đủ chi tiết những điều đã xảy ra suốt cuộc gặp gỡ của vị ấy với đại đức Assaji và đọc lại câu kệ: “ Ye dhammā hetuppabhāva…, v.v…”

Sau khi nghe hết câu kệ, Kolita chứng đắc sotāpatti-phala và hỏi rằng: “ Này bạn Upatissa, Đức Phật, bậc đạo sư của chúng ta hiện giờ đang ở đâu?” Upatissa đáp lại: “ Theo lời của đại đức Assaji, Đức Phật, đạo sư của chúng ta hiện đang trú ở tịnh xá Veḷuvana.” Nhân đó, Kolita (là người nôn nóng) bèn nói rằng: “ Nếu vậy, này bạn, chúng ta hãy đi ngay đến Đức Tathāgata, bậc Chánh đẳng Chánh giác, bậc Giác ngộ, là bậc đạo sư của chúng ta, bậc Ân nhân của chúng ta.”

Upatissa và Kolita đến gặp giáo chủ Sañjay

 

Upatissa, đương lai là Sāriputta, bản tánh thích giúp đỡ, hằng quan tâm đến cảm nghĩ của các đồ đệ với tâm nhẫn nại và lo xa, đã đề nghị với Kolita rằng: “ Này bạn, hai trăm năm mươi đạo sĩ hành cước đã sống nương tựa vào chúng ta, luôn luôn kính trọng chúng ta, hằng nhìn vào phẩm hạnh và tánh tình của chúng ta. Chúng ta hãy thông báo cho các vị ấy. Chỉ khi chúng ta thông báo đến họ, họ mới có thể thực hành đúng theo ước muốn của họ,” và là người có lòng tôn kính sâu sắc đối với vị thầy nên vị ấy tiếp tục đề nghị rằng: “ chúng ta cũng nên chỉ cho đạo sư Sañjaya của chúng ta biết về pháp mà chúng ta đã giác ngộ, là Niết bàn bất tử. Nếu vị ấy có trí tuệ, vị ấy sẽ tin chúng ta và chắc chắn sẽ đi với chúng ta đến yết kiến Đức Tathāgata. Nhờ nghe pháp do Đức Phật thuyết giảng, vị ấy có thể chứng ngộ đạo quả nhờ thông đạt tuệ.” Khi nói vậy, hai người bạn trước hết đi đến hai trăm năm mươi môn đệ và nói với họ rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến Đức Tathāgata, Đức Phật, bậc Giác ngộ, là đạo sư của chúng tôi, bậc ân nhân của chúng tôi.”

Tất cả hai trăm năm mươi đệ tử đồng thanh đáp lại: “ Tất cả chúng tôi đã từng sống nơi đây chỉ nương nhờ vào hai sư huynh và noi theo phẩm hạnh, tính tình của hai sư huynh. Nếu hai sư huynh quyết định đi đến Đức Tathāgata và thực hành phạm hạnh dưới sự chỉ đạo của Đức Phật thì tất cả chúng tôi sẽ đi theo hai sư huynh.”

Rồi hai người bạn đi đến đại giáo chủ Sañjaya và ba lần ra sức thuyết phục vị ấy đi đến Đức Tathāgata cùng với họ. Cuối cùng vị đại giáo chủ nói rằng: “ Này hai bạn trẻ, trên đời này, kẻ ngu có nhiều hay bậc trí có nhiều?” Khi họ đáp lại rằng: “ Thưa thầy, trên thế gian này, kẻ ngu thì nhiều, còn bậc trí thì ít,” đại giáo chủ Sañjaya bèn kết luận: “ Này các bạn trẻ, nếu thế thì những người có trí sẽ đi đến Sa-môn Gotama, bậc trí tuệ. Còn những người ngu si sẽ đi đến với người ngu si như ta. Các ngươi cứ đi đi, còn ta dù thế nào chăng nữa cũng không thể đi theo các ngươi.” Thế nên đôi bạn cùng với hai trăm năm mươi môn đệ lên đường đi đến tịnh xá Veḷuvana, nơi mà Đức Phật đang trú ngụ.

Vì hai người bạn Upatissa và Kolita đã dẫn đi hai trăm năm mươi đồ đệ đến tịnh xá Veḷuvana nên ẩn xá của đại giáo chủ Sañjaya trở nên hoàn toàn vắng lặng và trống rỗng. Các đệ tử của vị ấy đã ra đi, và khi nhìn thấy cảnh hoang vắng, đạo sư Sañjaya cảm thấy cô đơn, buồn bã khiến cho ngọn lửa phẫn nộ, ưu sầu dồn nén bên trong làm cho máu sôi sục và trào ra khỏi miệng.

Lúc bấy giờ, Đức Tathāgata đang ngồi thuyết pháp giữa chúng Tăng. Khi Ngài trông thấy từ xa đôi bạn đi đến tịnh xá Veḷuvana, Ngài hướng sự chú ý của các vị tỳ khưu đang nghe pháp đến các vị đạo sĩ ấy và nói rằng:

“Này các tỳ khưu, đằng kia là đôi bạn Kolita và Upatissa; hai người này sẽ trở thành hai vị Thượng thủ Thinh văn bên phải và bên trái của Như Lai.”

Hai người bạn và hai trăm năm mươi đồ đệ của họ đi đến trước mặt Đức Phật và thành kính đảnh lễ dưới chân Ngài.

Trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu (Ehi-bhikkhu)

Sau khi đã đảnh lễ Đức Phật, tất cả họ thỉnh cầu rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn! Bạch Đức Thế Tôn! Cầu xin Ngài truyền phép xuất gia bậc hạ và bậc thượng cho chúng con.” Đức Phật duỗi cánh tay màu vàng ròng và gọi đến như vầy: “ Etha Bhikkhave v.v… – Này các tỳ khưu, hãy đến! Hãy thọ lãnh phép xuất gia bậc hạ và bậc thượng mà các ngươi đã thỉnh cầu, các con của Như Lai. Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng, hãy cố gắng thọ trì ba pháp học ngõ hầu chấm dứt luân hồi sanh tử.” Khi Đức Phật vừa nói ra như vậy thì hai người bạn và hai trăm năm mươi đồ đệ của họ tức thì trở thành những vị tỳ khưu cụ túc, như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ lạp, với y phục đầy đủ và tám món vật dụng do thần thông hóa ra, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang thành kính đảnh lễ Đức Phật. Tướng mạo thế tục của họ biến mất một cách kỳ diệu vì họ đã được biến thành những vị bhikkhu.

Hai trăm năm mươi đồ đệ chứng đắc đạo quả A-la-hán

Sau khi họ đã trở thành những vị thiện lai tỳ khưu (ehi- bhikkhu), Đức Phật bèn thuyết pháp thích hợp với trình độ và căn tánh của hai trăm năm mươi đồ đệ của hai người bạn kia (ngoại trừ hai vị Thượng thủ Thinh văn – Agga sāvaka). Kết quả là hai trăm năm mươi vị tỳ khưu này chứng đắc đạo quả A-la-hán trong oai nghi ngồi.

Còn hai vị Thượng thủ Thinh văn, họ chưa thành đạt ba đạo bậc cao, bởi vì trong ba loại Thinh văn trí (sāvaka-ñāṇa), những điều kiện để chứng đắc Tối thắng thinh văn Ba-la-mật trí (Agga-sāvaka pāramī-ñāṇa) sâu rộng hơn, vượt trội hai Thinh văn trí, đó là Đại thinh văn Ba-la-mật trí (Mahā-sāvaka pāramī-ñāṇa) và Phổ thông thinh văn Ba-la-mật trí (Pakati-sāvaka pāramī-ñāṇa).

Đại đức Mahā Moggallāna chứng đắc đạo quả A-la-hán

Sau khi trở thành vị thiện lai tỳ khưu, đại đức Mahā Moggallāna thực hành đời sống phạm hạnh một cách tinh tấn trong một khu rừng, nuôi sống bằng cách khất thực ở một ngôi làng nhỏ có tên là Kalavalaputta, thuộc xứ Magadha. Trong khi tinh tấn đi kinh hành suốt bảy ngày, vị ấy cảm thấy mệt và đuối sức vào ngày thứ bảy và ngồi xuống ở cuối con đường kinh hành ngủ gật, do bị hôn trầm. Đức Phật hướng dẫn vị ấy thoát khỏi cơn hôn trầm và cuối cùng vị ấy vượt qua được. Khi nghe Đức Phật giảng dạy pháp thiền về các nguyên chất (Dhātu-kammaṭṭhāna), vị ấy chứng đắc ba đạo bậc cao và thành đạt Thinh văn Ba-la-mật trí (sāvaka pāramī-ñāṇa).

Đại đức Sāriputta chứng đắc đạo quả A-la-hán

Sau mười lăm ngày kể từ ngày thọ cụ túc giới (vào ngày rằm tháng Magha), Đại đức Sāriputta, khi đang trú ngụ với Đức Phật trong hang động Sukarakhata (do những con heo rừng đào nên) trên núi Gijjhakūta (Linh thứu sơn) thuộc xứ Rājagaha đã nghe Đức Phật thuyết bài kinh Vedānapariggaha, cũng được gọi kinh Dīghanakha (thuộc Phẩm Paribhajaka Vagga, Majjhima Paññāsa, Majjhima Nikāya) bài pháp được thuyết đến người cháu trai của đại đức Sāriputta, là đạo sĩ hành cước Dīghanakha. Trong khi chú tâm theo dõi bài pháp, đại đức Sāriputta thực hành pháp thiền niệm thọ (vedanā kammaṭṭhāna), nhờ đó mà phát triển tuệ quán thông đạt. Kết quả là vị ấy trở thành bậc A-la-hán sau khi chứng đắc giai đoạn cao nhất của Thinh văn Ba-la-mật trí (savaka pāramī-ñāṇa). Vị ấy có thể ví như người thọ hưởng vật thực được dọn sẵn dành cho một người khác. Vị ấy cũng thông đạt 16 loại trí.

(Ở đây, một câu hỏi có thể được nêu ra là: Tại sao đại đức Sāriputta có trí tuệ to lớn như thế mà lại chứng đắc đạo quả A-la-hán sau đại đức Mahā Moggallāna? Câu trả lời tóm tắt là: Những bước chuẩn bị để đi vào pháp thiền của đại đức Sāriputta rộng hơn hoặc to lớn hơn những bước thực hành của đại đức Mahā Moggallāna. Đây là một ví dụ minh chứng: Khi những người thường dân thực hiện một chuyến đi xa, thì thời gian chuẩn bị của họ rất ngắn vì họ chỉ cần đem theo chút ít hành trang và tư lương, trong khi các vị vua không thể chuẩn bị ngay được, họ còn phải sắp xếp nào là tượng binh, xa binh, bộ binh, kỵ binh, v.v… với số lượng lớn. Do đó, thời gian chuẩn bị của các vị vua cho một chuyến đi lâu hơn so với những người thường.

Giải rộng: Các vị Sammā-Sambodhisatta hay chư Phật đương lai, các vị Paccekabodhisatta hay chư đương lai Bích chi Phật, và các vị Sāvakabodhisatta hay chư đương lai Thinh văn đệ tử Phật, đều lấy danh sắc uẩn làm đề mục thiền. Loại uẩn này, hình thành đề mục của thiền quán được gọi là Sammāsanacara, có nghĩa là chỗ thực hành để phát triển tuệ quán về vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Nó cũng được gọi là Quán Địa (Vipassanā-bhūmi), nghĩa là tập hợp các danh sắc hình thành nền tảng cho sự phát triển quán trí (Vipassanā-ñāṇa).

Trong các loại Bồ-tát:

(1)   Các vị đương lai Phật quán các đặc tánh anicca, dukkha, anatta của các nội pháp; tức là các danh sắc đang khởi sanh liên tục trong chúng sanh cũng như những đối tượng vô tri trong một ngàn triệu thế giới.

(2)   Các vị Paccekabodhisatta (Bích chi Bồ tát) quán các đặc tánh anicca, dukkha, anatta của các danh sắc pháp xảy ra trong chính mình, trong chúng sanh ở vùng Majjhima cũng như những đối tượng vô tri ở bên ngoài.

(3)   Các vị Sāvakabodhisatta (Thinh văn Bồ tát) quán các đặc tánh anicca, dukkha, anatta của các danh sắc pháp mà không có sự phân biệt là đang xảy ra trong chính mình hoặc trong kẻ khác, xem chúng là toàn thể ngoại pháp.

Đại đức Mahā Moggallāna không quán trọn vẹn các đặc tánh anicca, dukkha, anatta của từng pháp hữu vi đang xảy ra trong dòng sanh diệt của chính mình và của kẻ khác, Ngài chỉ chọn một số pháp hữu vi để quán. Tuy nhiên, đại đức Sāriputta khi quán ba đặc tánh của các pháp hữu vi đã phát triển tuệ minh sát một cách toàn diện, khi chú ý vào riêng từng pháp.

Đại đức Mahā Moggallāna có thể ví như người chạm vào đất chỉ bằng đầu của cây gậy khi vị ấy đang đi. Vị ấy chỉ chạm vào một phần nhỏ không đáng kể trên mặt đất. Điều này ám chỉ rằng trong thời gian vị ấy quán đối tượng của thiền quán và chứng đắc đạo quả A-la- hán sau bảy ngày, vị ấy chỉ quán một phần tập hợp các pháp hữu vi. Trái lại, đại đức Sāriputta, suốt mười lăm ngày trước khi chứng đắc arahatta-phala đã thực hành đầy đủ pháp thiền (sammāsana) dành  cho các vị Thinh văn bồ tát (không chú ý đến những pháp đạo hành dành cho các vị Đương lai Chánh giác Phật (Samāsambodhisatta) và đương lai Bích chi Phật (Paccekabodhisatta) để không có pháp nào bị bỏ sót trong việc quán các đặc tánh nổi bậc của các pháp hữu vi. Sau khi chứng ngộ arahatta-phala, vị ấy nhận biết với niềm tin vững chắc rằng, ngoài chư Phật Toàn giác và chư Phật  độc giác, không ai khác có thể sánh ngang vị ấy về trí tuệ.

Đây là ví dụ so sánh: Có hai người đi kiếm cho họ mỗi người một cây gậy. Người thứ nhất sau khi tìm thấy bụi tre, nghĩ rằng phải mất thời gian để phát những lùm bụi để chặt một cây tre tốt làm gậy. Bởi vậy, anh ta chặt một cây tre tốt ở bụi tre. Dầu người này có được cây gậy, nhưng cây gậy của anh ta không được thẳng và chắc cho lắm. Người thứ hai cũng tìm thấy một bụi tre; anh ta nghĩ rằng sẽ không kiếm được một cây gậy tốt nhất như ý muốn nếu không dọn sạch những đám bụi và những dây leo chằng chịt. Rồi anh ta xắn quần vén áo và với cây rựa bén, phát dọn những đám bụi cây và dây leo chằng chịt, chặt một cây tre thẳng và chắc như ý muốn, rồi ra đi. Tuy người này có được một cây gậy tre với thời gian lâu hơn, nhưng anh ta có được cây gậy tốt, thẳng và chắc. Đại đức Mahā Moggallāna có thể được ví như người thứ nhất làm công việc chặt cây tre và có được cây gậy thứ nhất, là cây gậy không được tốt, thẳng và chắc lắm. Đại đức Moggallāna cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán trước nhưng không ở mức cao nhất của Thinh văn Ba-la-mật trí. Đại đức Sāriputta có thể được ví như người thứ hai, phải mất thời gian lâu hơn, chịu nhiều lao nhọc để đốn được cây thẳng và chắc. Đại đức Sāriputta kiên trì, chuyên tâm vào pháp thiền trong mười lăm ngày để chứng đắc đạo quả A-la-hán nhưng vị ấy đạt đến đỉnh cao nhất của Thinh văn Ba-la- mật trí (sāvaka pāramī-ñāṇa).

Những khác biệt về sự hành đạo nhanh chậm và sự chứng đắc giữa hai vị Tối thắng Thinh văn

 

Pháp đạo hành (paṭipadā) đối với ba đạo bậc thấp của đại đức Mahā Moggallāna thuộc loại Lạc hành đạo trí thông đạt – Sukhapaṭipadādandabhiñña (sau khi đã đoạn trừ năm triền cái (nivarana) một cách dễ dàng, các quán trí (vipassanā-ñāṇa) được tu tập một cách chậm chạp để chứng đắc ba đạo trí bậc thấp – magga- ñāṇa). Sự đạo hạnh (paṭipadā) của vị ấy để chứng đắc arahatta- magga thuộc loại Khổ hành đạo tốc thông đạt (Dukkhapaṭipadākhippabhiñña) (sau khi đã có khả năng đoạn trừ năm triền cái (nivarana) một cách tinh tấn, không chướng ngại, các quán trí (vipassanā-ñāṇa) được tu tập một cách nhanh chóng và sắc bén để chứng đắc A-la-hán đạo – arahatta-magga).

Sự đạo hành (paṭipadā) của đại đức Sāriputta đối với ba đạo bậc thấp là Lạc hành đạo trí thông đạt (sukhapaṭipadādandbhiñña) (giống đại đức Mahā Moggallāna). Nhưng paṭipadā của vị ấy để chứng đắc arahatta-magga là Lạc hành đạo tốc thông đạt (Sukhapaṭipadākhippābhiññāṇa) (sau khi đoạn trừ năm triền cái (nivarana) một cách dễ dàng, không chướng ngại, các quán trí (vipassanā-ñāṇa) được tu tập một cách nhanh chóng và sắc bén để chứng đắc A-la-hán đạo (arahatta-magga).

 

Đại hội Thánh Tăng (Sannipāta) duy nhất

 

Sau khi thuyết bài pháp có nhan đề ‘Vedanāpariggha Sutta hay Dīghanakha   Sutta’,   Đức Phật bước   xuống   từ núi   Kỳ-xà-quật (Gijjhagutta) trước khi trời tối và đi đến tịnh xá Veluvana. Một sự  kiện quan trọng là Đại hội Thánh Tăng – Sannipāta, đại hội này có  bốn đặc điểm:

  1. Đại hội diễn ra vào đêm rằm tháng Magha,
  2.     Chư Tăng tự cu hội đến không có lời thỉnh mời, vì đó là quy luật tự nhiên, số lượng 1250 vị tỳ khưu (gồm có một ngàn vị tỳ khưu do ba anh em Kassapa dẫn đầu, và hai trăm năm mươi vị tỳ khưu thuộc nhóm của hai vị Thượng thủ Thinh văn).
  3.     Tất cả 1250 vị tham dự đều là những vị ehi-bhikkhu.
  4.     Tất cả những vị tỳ khưu tham dự này đều là những bậc đã chứng đắc Lục thông (Chaḷabinna).

Tại Đại hội Thánh Tăng này, Đức Phật đã ban danh hiệu Tối thắng Thinh văn (Agga-sāvaka) cho hai vị đệ tử dẫn đầu, là đại đức Sāriputta và đại đức Mahā Moggallāna. Vào dịp này, Đức Phật đã ban lời giáo huấn về các phận sự của vị tỳ khưu, Ovāda Pāṭimokkha là truyền thông của tất cả chư Phật.

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Đại Phật Sử 3, tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw

Link  cuốn Đại Phật Sử 3
Link  tải sách ebook Đại Phật Sử 3
Link  video cuốn Đại Phật Sử 3
Link  audio cuốn Đại Phật Sử 3
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mingun Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app