Sự thuyết giảng Bổn sanh Mahū Paduma

Vào ngày hôm sau, tất cả các vị tỳ khưu hội họp tại giảng đường chánh pháp và bàn luận về chủ đề của ngày: “Thưa các tôn giả… Cincamana đã bị suy sụp vì những lời vu khống của nàng chống lại Đức Phật chí kính của chúng ta, bậc đáng được thế gian kính ngưỡng.” Đức Phật đi vào giảng đường chánh pháp và hỏi: “ Này các tỳ khưu… Các thầy đang bàn luận về chủ đề gì vậy?” Khi các vị tỳ khưu đáp lại rằng họ đang bàn luận về số phận của Cincamana, Đức Phật bèn kể lại câu chuyện quá khứ của nàng qua bổn sanh Mahā Paduma, Ngài nói rằng: “Đây không phải là lần đầu tiên nàng ta vu khống Như Lai và lãnh chịu hậu quả của nó.” Rồi Ngài tiếp tục kể lại Bổn sanh Mahā Paduma.

Bổn sanh Mahā Paduma

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī, lúc bấy giờ Bồ tát thọ sanh vào bào thai của hoàng hậu. Khi ra đời, vị ấy được đặt tên là hoàng tử Mahā Paduma, vì khuôn mặt của vị ấy giống như hoa sen mới nở.

Khi đến tuổi trưởng thành, hoàng tử được gởi đến Takkasīla để học các môn nghệ thuật và thủ công; và sau khi hoàn tất việc học, vị ấy trở về nước của mình và thấy rằng mẫu hậu đã mạng chung còn phụ vương thì tôn phong một người đàn bà khác lên ngôi chánh hậu. Vị ấy được chính thức tấn phong thái tử, là người kế thừa duy nhất  của ngai vàng.

 

Một thời gian sau, đức vua thân chinh đi dẹp loạn ở các vùng biên giới, vị ấy căn dặn hoàng hậu rằng: “ Này chánh hậu… trẩm phải đi dẹp loạn ở các vùng biên giới và ái hậu sẽ ở lại trong hoàng cung này.” Hoàng hậu bèn nói rằng: “Thiếp không muốn ở lại; thiếp muốn theo bệ hạ ra biên giới.” Đức vua bèn giải thích với hoàng hậu về những nguy hiểm của chiến trận: “ Này chánh hậu… hậu nên ở lại trong hoàng cung cho đến khi trẫm trở về. Đừng u sầu vì vắng trẫm. Trẫm sẽ cho lời chỉ bảo đến thái tử để chăm sóc ái hậu chu đáo.” Rồi đức vua đi đến những vùng có dấy loạn và trở về sau khi dẹp yên loạn tặc, nhưng vị ấy không đi ngay vào kinh đô. Vị ấy lưu lại một thời gian tạm thời ở ngoài kinh thành.

 

Khi Bồ tát, thái tử Mahā Paduma nghe tin phụ vương đã trở về, vị ấy lo sắp xếp mọi việc để đón tiếp phụ vương bằng cách trang hoàng kinh đô thật hoa lệ. Sau khi đã làm xong tất cả mọi việc, vị ấy một mình đi vào căn phòng của bà chánh hậu. Khi trông thấy tướng mạo xinh đẹp diệu kỳ của thái tử, bà chánh hậu khởi lòng say đắm thái tử. Thái tử làm lễ hoàng hậu và hỏi: “Thưa mẫu hậu… Con có thể giúp mẫu hậu bằng cách nào đây ?” Hoàng hậu đáp lại : “Đừng gọi thiếp là mẹ.” Khi nói vậy, bà ta đứng dậy ôm ghì lấy thái tử và truyền lịnh thái tử lên nằm trên giường: “Hai chúng ta sẽ thọ hưởng khoái lạc dục tình đến ngây ngất trước khi đức vua trở về .”

 

Vốn là người có đạo đức và giới hạnh, thái tử trả lời dứt khoát :

“ Thưa mẫu hậu… Mẫu hậu đã trở thành mẹ của con từ khi mẹ ruột của con qua đời. Mẫu hậu là người đàn bà đã có chồng. Trong đời con, con chưa bao giờ nhìn vào một người đàn bà đã có chồng hợp pháp với tâm ái nhiễm, làm sao một người có tự chế như con có thể phạm phải một tội lỗi đáng ghê tởm như vậy?”

 

Sau ba hoặc bốn lần cố gắng cám dỗ thái tử không thành công, hoàng hậu dùng đến biện pháp đe dọa vị ấy khi hỏi rằng : “ Ngươi cải lịnh ta à?” “Vâng… Con không thể,” thái tử mạnh dạn đáp lại. Rồi bà ta đe dọa vị ấy: “ Ta sẽ vu khống người trước mặt đức vua để vị ấy đập vỡ cái đầu của người thành trăm mảnh.” “ Bà có thể vu cáo tôi nhưng tôi sẽ không chìu theo những cám dỗ của bà.” Thái tử rời khỏi phòng của bà ta sau khi làm cho bà ta phải xấu hổ.

 

Hoàng hậu biết lỗi của mình, bèn quyết định thoát tội bằng cách vu khống thái tử trước mặt đức vua không chậm trễ, vì mạng sống của nàng có thể gặp nguy hiểm nếu thái tử tiết lộ những bí mật của nàng trước khi nàng gặp đức vua. Nàng bèn dùng những móng tay cào khắp thân mình và nằm trên giường mà không ăn uống gì cả, giả bệnh. Nàng căn dặn các nữ tỳ phải trả lời như thế nào khi đức vua hỏi họ về nàng.

 

Đức vua, đi vào kinh thành sau khi nhiễu quanh thành phố và ngồi trên ngai vàng. Khi đức vua không nhìn thấy hoàng hậu, vị ấy dò hỏi về nàng và những nữ tỳ của nàng tâu rằng nàng không được khỏe. Vị ấy đi vào khuê phòng của nàng và hỏi: “ Này ái hậu… Ái hậu bị bịnh gì thế?” Nàng giả bộ như không nghe những lời của đức vua đến hai hoặc ba lần và cuối cùng nàng đáp lại như vầy: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ đừng bắt thiếp phải trả lời điều mà thiếp không muốn nói, xin hãy im lặng để thiếp khỏi bị xấu hổ; trường hợp của thiếp khác xa với những người đàn bà đã có chồng.” Nghe qua lời bóng gió như vậy, đức vua bèn nói rằng: “Hãy nói cho trẫm biết ngay rằng ai đã làm điều sai trái với nàng và trẫm sẽ đập vỡ cái đầu của kẻ đó.” Để trả lời đức vua, hoàng hậu hỏi lại: “Tâu bệ hạ… Khi bệ hạ xuất chinh, ai nắm quyền điều hành kinh đô này?” “ Trẫm đã giao cho con trai của trẫm, là thái tử Paduma,” đức vua nói. Rồi hoàng hậu bắt đầu kể lại câu chuyện bịa đặt của nàng để vu khống thái tử: “ Tâu bệ hạ… Chính người mà bệ hạ đã giao quyền điều hành kinh đô, là thái tử Paduma, đã một mình đi vào phòng của thiếp và cưỡng ép thiếp phải chìu theo những quyến rũ của vị ấy, và khi thiếp khiêm tốn van xin vị ấy đừng xúc phạm mẹ của mình, vị ấy đã nói lời hổn xược với thiếp rằng: ‘ Có vị vua nào khác ngoài ta ra… Ta sẽ giữ nàng ở trong nhà và hưởng khoái lạc dục tình với nàng.’ Khi thiếp cự tuyệt không chìu theo vị ấy, thì vị ấy giật tóc của thiếp và đánh đập khắp thân mình của thiếp rồi ném thiếp xuống sàn nhà, vị ấy đã thô bạo với thiếp rồi bỏ đi.”

Đức vua truyền lệnh xử tử thái tử Mahā Paduma

Đức vua đánh mất lý trí do tức giận như con rắn độc và truyền lịnh xử tử thái tử. Các đao phủ thủ đi đến chỗ ở của thái tử, đánh đập vị ấy rất dã man, trói hai tay vị ấy ra sau lưng và lôi thái tử ra khỏi chỗ ở của vị ấy bằng một cái vòng màu hồng buộc quanh cổ vị ấy, như người tù bị phán tội chết.

 

Thái tử biết rằng hoàng hậu đứng đằng sau toàn thể vấn đề. Vị ấy đi theo các đao phủ thủ và nài xin rằng: “Này các đao phủ thủ. Ta chẳng làm điều gì chống lại đức vua, ta vô tội.” Toàn thể kinh đô đầy kinh động và dân chúng trao đổi quan điểm với nhau: “ Đức vua đã hiểu lầm thái tử Paduma và truyền lịnh xử tử vị ấy do những lời vu khống của hoàng hậu.” Họ xúm lại quanh thái tử và khóc to: “ Ôi thái tử… Lời phán tội giáng xuống cho ngài quả thật không công bằng và không hợp lý.” Họ tiếp tục gào khóc quanh thái tử.

 

Khi các đao phủ thủ đã dẫn thái tử đến trước mặt đức vua, vị ấy, trong cơn giận dữ tức thì truyền lịnh xử tử thái tử bằng cách ném vị ấy xuống vách núi sâu (là nơi dùng để ném những tên cướp xuống đó) với đầu trút xuống. Khi ban hành mệnh lệnh, đức vua nêu tội thái tử, dầu là con trai của vị ấy, nhưng phạm tội lộng quyền và xúc phạm hoàng hậu. Rồi thái tử phản kháng rằng: “Tâu phụ vương…  con không phạm những tội như vậy. Xin đừng giết con vì những lời cáo buộc của hoàng hậu.” Những lời van xin của vị ấy rơi nhằm lỗ tai điếc của đức vua.

Không chỉ riêng dân chúng trong kinh thành khóc cho số phận của thái tử và mười sáu ngàn vị quan cũng khóc than: “Ôi con trai yêu quý… Mahā Paduma… thật là một điều đáng tiếc to lớn khi hình phạt như vậy dành cho ngài, không phải vì lỗi của ngài.” Tất cả các vị hoàng tử, công chúa, quan lại, bà-la-môn, trưởng giả, và tất cả mọi tầng lớp xã hội đều nối nhau van xin đức vua: “Tâu bệ hạ, Mahā Paduma có nhân cách vô song, là người thừa kế hợp pháp ngai vàng, cả về lẽ phải và truyền thống, xin đừng giết người thừa kế vương vị vì những lời cáo buộc của hoàng hậu mà không xem xét vấn đề dưới danh nghĩa của công lý. Đây là lời cầu xin của chúng thần.”

Lời thỉnh cầu của họ được làm thành bảy câu kệ như sau:

 

(1)   Nadaṭṭhā parato dosaṃ

aṇuṃthulani sabbasso

issaro panaye daṇḍaṃ

sāmaṃ appaṭiyekkhiya.

 

Hỡi đức vua cao quý… Người cai trị không nên phán tội chết và chặt tay chân bị cáo mà không vận dụng lý trí; không điều tra kỹ lời cáo buộc người bị hại.

(Chú thích: Trong thời của Mahā Paduma (người được dân chúng tôn phong địa vị của người cai trị tối cao) không có tội nào bị bắt phải nộp nhiều hơn 100 tiền vàng, không có tội tử hay chặt tay chân. Những hình phạt nặng nề hơn được áp dụng bởi những vị bạo chúa vào những thời về sau. Do đó, các vị quan đã đưa ra lời cầu xin trên liên quan đến quyền ưu tiên như vậy).

(2)  Yo ca appaṭivekkhitvā

daṇḍam kubbati khattiyo

sakaṇūkam so gilati

jaccandhova samakkhikaṃ.

 

Một vị vua cao quý phán tội chết và chặt tay chân người bị cáo mà không tra xét đúng đắn lời cáo buộc, thì giống như người sanh ra bị mù, nuốt vào vật thực hư thối, bị ruồi vấy bẩn với những phiền phức kéo theo; hành động như vậy giống như ăn vật thực có gai nhọn.

 

(3)  Adaṇḍhiya dandhayati

daṇḍhiyañca adaṇḍhiyaṃ.

 

andhova visamaṃ maggaṃ

na jānāti samāsamaṃ.

 

Một vị vua ngẫu nhiên trừng phạt người vô tội mà không đáng bị trừng phạt, và đã để cho người có tội thoát thân mà không trừng phạt, do say sưa trong quyền lực, thì được xem là đã đi trên một con đường không bằng phẳng, đầy những nguy hiểm như người sanh ra bị mù. Người ấy không có sự phân biệt con đường bằng phẳng gồm mười điều phước và con đường không bằng phẳng gồm mười điều tội và chắc chắn sẽ bị đọa vào khổ cảnh.

 (4)  Yo ca etāni tṭhānāni

aṇuṃthulani sabaso

suḍiṭhamanusāseyya

sa ve voharitumarahati.

Một vị vua mà xem xét các vụ kiện theo đúng thủ tục, và xét xử người có tội hay các vụ kiện, nhỏ hoặc lớn, nhân danh công lý, là người cai trị giỏi, xứng đáng trị vì đất nước.

 

(5)  Nekantamudunā sakkā

ekantatikhi nena vā

attaṃ mahāṇte ṭhapetuṃ

tasmā ubhayamācare.

Hỡi đức vua cao quý… không thể để cho bất cứ người nào giữ mãi địa vị bằng cách luôn luôn sử dụng những biện pháp cực đoan hoặc mềm mỏng hoặc thô bạo. Người trị vì cần có sự xét xử công minh thận trọng để phân biệt rõ tội nào cần nhẹ tay hay tội nào cần nghiêm khắc.

(6)   Paribhūto mudu hoti

atitikkho ca veravā

etañca ubhayaṃ ññatvā

anumajjaṃ samācare.

 

Hỡi đức vua cao quý… Người cai trị dân chúng mà quá nhân từ thì bị thần dân của vị ấy coi thường. Nói cách khác, người lãnh đạo cai trị dân chúng mà khắc khe thô bạo thì có thể gây thù địch và giận ghét trong dân chúng. Một vị vua nên có khả năng phân biệt giữa hai cực đoan và đi theo con đường trung đạo để đem lại sự thái bình và an ổn.

(7)  Bahompi ratto bhāseyya

duṭhopi bhahu bhāsati

na itthikāranā rāja

puttam ghāte umarahati.

Hỡi đức vua cao quý… Người bị đốt cháy bởi ngọn lửa tình ái có thể nói nhiều cách khác nhau; người bị đốt cháy bởi ngọn lửa sân hận cũng có thể nói nhiều cách khác nhau. Do đó, không có sự công bằng trong việc phán tội chết cho thái tử mà không có sự suy xét đúng đắn và chủ yếu dựa vào lời vu cáo của một người đàn bà do ảnh  hưởng của dục tình bốc cháy và hại tâm.

Những lời đệ trình và thỉnh cầu của các quan không lay chuyển được đức vua. Chính thái tử Paduma cũng đã cố gắng nhiều lần xin đức vua thâu hồi mệnh lệnh bằng nhiều cách, nhưng không kết quả. Đức vua kiên quyết với sự phán xét của vị ấy và truyền lịnh: “Tất cả các ngươi hãy đi đến vách núi và ném kẻ phạm tội ngu đần này xuống đó ngay.”

 

(8)   Sabbova loko ekato

itthi ca ayamekikā

te nā haṃ patipajjissam.

gacchatha pakkhipathe va taṃ.

 

Tất cả dân cư trong kinh thành đều về phe thái tử, còn chánh hậu của trẫm thì hoàn toàn một mình, trẫm sẽ về phe của hoàng hậu. Tất cả các người hãy đi đến vách núi và ném kẻ phản bội này, thái tử Paduma, xuống vách núi của những tên cướp ngay.

Khi nghe lịnh truyền này, không người đàn bà nào trong đám đông mà không khóc. Tất cả mọi người đều đưa tay phản đối và hô vang những lời ủng hộ thái tử khi họ đi theo vị ấy với tóc xoã xuống người trong tâm trạng sầu não. Vị vua ngu si nghĩ rằng mọi người sẽ đứng cản đường ngăn không cho ném thái tử xuống vực thẳm, thế nên vua đi theo đoàn người đang khóc lóc đến vực thẳm. Vị ấy truyền lịnh cầm chân thái tử treo ngược xuống dưới và quăng thái tử xuống vực thẳm trước sự hiện hiện của vị ấy.

Năng lực tâm từ của Bồ tát

Do ảnh hưởng tâm từ của Bồ tát, vị hộ thần của ngọn núi ấy hiện ra và an ủi thái tử: “ Này thái tử Paduma… đừng lo lắng.” Rồi vị hộ thần ôm thái tử sát vào ngực của vị ấy, để thái tử được thoải mái nhờ hơi ấm tỏa ra của vị sơn thần. Rồi vị sơn thần đưa thái tử xuống dưới vách núi và đặt vị ấy trên cái mang xòe ra của vị long vương đang trú ngụ dưới chân núi.

Long vương đưa thái tử đến cõi rồng và cùng chung hưởng lạc xa thú hoa trong xứ sở của những vị rồng. Sau khi ở lại trong hội chúng rồng suốt một năm, Bồ tát bày tỏ ước muốn được trở về cõi người: “ Tôi sẽ trở lại cõi người.” Long vương hỏi: “ Ngài định đi đến đâu?” “Đến Himalaya,” là câu trả lời. Long vương đưa thái tử đến Himalaya và sau khi dâng đến vị ấy các món vật dụng của Sa-môn bèn trở về long cung. Bồ tát, sau khi trở thành ẩn sĩ, siêng năng tu tập  thiền định và chứng đắc định và thần thông, hằng ngày sống bằng rau cỏ, các loại củ và trái cây.

Sau một thời gian, một người thợ săn ở kinh thành Bārāṇasī đi đến chỗ ở của Bồ tát và nhận ra Ngài là thái tử. Thợ săn hỏi ẩn sĩ: “ Thưa thái tử… ngài có phải là thái tử Paduma không ạ?” “Phải…Ta là thái tử Paduma,” ẩn sĩ trả lời. Người thợ săn đảnh lễ Bồ tát và ở lại với vị ấy vài ngày trước khi trở về kinh thành Bārāṇasī. Khi về đến nơi, thợ săn đi đến đức vua và tâu rằng: “Tâu bệ hạ, con trai của bệ hạ, thái tử Paduma hiện đang sống trong khu rừng của dãy núi Himalaya, làm một vị ẩn sĩ. Hạ dân đã trông thấy vị ấy và đã ở lại với vị ấy vài  ngày”. Rồi đức vua hỏi: “ Phải chăng ngươi đã tận mắt trông thấy thái tử?” “Thưa vâng, tâu bệ hạ… Hạ dân đã tận mắt trông thấy vị ấy,” thợ săn đáp lại.

Đức vua bèn lên đường đi đến chỗ ấy cùng với quan binh và trú tạm trong một giả ốc ở bìa rừng hy vọng gặp con trai. Đức vua đối  mặt ẩn sĩ khi vị ấy đang ngồi trước thảo am như một pho tượng vàng, vị ấy đảnh lễ ẩn sĩ và ngồi xuống ở chỗ thích hợp. Các quan trao đổi những lời chào hỏi thân mật với ẩn sĩ. Bồ tát dâng đến đức vua các loại trái cây và chuyện trò thân mật.

Đức vua bắt đầu hỏi dưới dạng kệ: “ Này con thân… Trẫm đã cho người ném con xuống vách núi có tên là ‘Corapapata’ với đầu của con bị treo ngược và trẫm tự hỏi làm sao con có thể bảo toàn tánh mạng?”

(9)  Anekatāle narake

gambhīre ca suduttare

pātito giriduggasmiṃ

kena tum tattha nāmari.

Này con thân… Bằng cách nào con được sống sót sau khi bị ném ngược xuống vách núi sâu bằng chiều dài của nhiều cây thốt nốt thật khó thoát mạng?

Rồi một cuộc đàm thoại diễn ra giữa hai cha con:

 

(10)    Nāgo jātaphano tattha

thāmavā girissānujo

paccaggahi mam bhogehi

tenāhaṃ tattha nāmariṃ.

Tâu phụ vương… Một vị long vương đầy oai lực từ dưới vực sâu đã đỡ lấy con từ cái mang được xòe ra của vị ấy qua tay một vị sơn thần ở đó, và đó là lý do khiến con khỏi bị tan xác sau khi bị ném xuống vực thẳm.

Vua cha lấy làm hoan hỉ bởi câu trả lời của Bồ tát và trân trọng nói rằng; “ Ta quả thật là kẻ ác độc đã xúc phạm đứa con trai chánh trực như con khi nghe lời xúi bẩy của vợ ta, trẫm xin hạ mình xin lỗi con,” và đầu cúi xuống dưới chân của Bồ tát. Rồi Bồ tát thuyết phục vua cha: “ Tâu bệ hạ… Xin hãy đứng lên… Con đã tha thứ tất cả lỗi lầm của bệ hạ và ước nguyện chân thành của con là mong bệ hạ hãy tránh trở thành con người hành động mù quáng, thiếu suy xét và không điều tra kỹ lưỡng. ” Đức vua đáp lại: “ Này con thân…Việc con đảm nhận vương quyền với tất cả sự vinh quang của nó trên khắp xứ sở chính là sự tha thứ của con đối với trẫm.”

(11)  Ehi tam paṭnessāmi.

rajaputtam sakam gharaṃ

rajjaṁ kārehi bhaddante,

kiṁ aranne karissasi.

Này thái tử Mahā Paduma… Trẫm sẽ đưa con về làm người kế thừa ngai vàng của vương quốc Bārāṇasī, cầu mong con hãy trị vì với sự vinh quang và vĩ đại. Ta cầu xin con hãy nhận lãnh vương quyền với sự thống trị khắp xứ sở. Làm sao con có thể đem lại lợi lạc và sự thịnh vượng cho dân chúng ở nơi hoang vắng xa lìa sự văn minh như vầy?

Sau đây là câu trả lời của thái tử dưới dạng kệ:

(12)  Yathā gilitvā balisaṃ

uddbareyya salohitaṃ

uddharitvā sukhi assa

evaṃ passāmi attanaṃ.

Tâu phụ vương… Cũng như người tình cờ nuốt nhằm cái móc câu bèn lấy nó ra với máu chảy đầm đìa ngay trước khi nó đi đủ xa và thấu đến tim, nên người ấy có thể giữ thân tâm được an lạc. Cũng thế, con thấy mình giống như người đã nuốt nhằm cái móc câu nhưng đã lấy nó ra đúng lúc để sống trong an lạc và thanh tịnh.

(13)  Kiṇ nu tuṃ balisaṃ byūsi

kiṃ tum lyusi salohitam

kin nu tum ubbhataṃ vyusi

tam me akkhāhi pucchito

 

Này con thân… Con muốn nói gì qua cái móc câu? Con muốn nói gì khi đề cập đến máu? Con muốn nói gì qua việc nôn ra tức thì? Ta cầu xin con hãy khai sáng cho ta bằng cách trả lời những câu hỏi này của ta!

 

(14) Kāmāham blisam byūmi

hatthitassam salohitaṁ

cattāhaṁ ubbhataṃ byūmi

evam janahi khattiya.

Tâu phụ vương, bằng trí tuệ con đã thấy năm dục lạc là cái móc câu; tài sản và những vật sở hữu trong thế gian như voi, ngựa, xe, v.v… là máu; sự từ bỏ năm dục lạc là việc nôn ra ngay. Bệ hạ có thể hiểu rõ những điều này qua trí suy quán.

Sau khi đã đưa ra câu trả lời trên, Bồ tát tiếp tục cho lời giáo huấn để hướng dẫn trong việc điều hành công lý: “Hỡi đức vua cao quý… Như đã giải thích ở trên, con chẳng còn dính dáng gì đến vương quyền của nước Bārāṇasī, và điều con muốn nhắc nhở phụ vương là cai trị đúng theo thập vương pháp mà không bị ảnh hưởng bởi bốn pháp tây vị.”

* Thập vương pháp là: bố thí, trì giới, xả ly (paricāga), ngay thẳng (công bình), nhu hòa (ôn tồn), tự chế (khuynh hướng diệt ác), vô sân, nhẫn nại, không nuôi dưỡng thù oán (nghĩa là có tâm tha thứ), biết khổ hạnh.

* Bốn pháp tây vị: Hành động do tham, do sân, do si mê và do sợ hãi.

Đức vua trở về kinh đô và trừng phạt hoàng hậu

Đức vua, sau khi nhiều lần cố gắng thuyết phục con trai nhưng không thành, bèn trở về kinh đô, vừa đi vừa than khóc. Trên đường đi, đức vua hỏi quần thần rằng: “ Ai chịu trách nhiệm về sự chia cắt giữa đức vua với thái tử?” Tất cả họ đều đồng thanh đáp lại: “ Bệ hạ đã chịu sự mất mát đứa con trai cao quý và đáng kính trọng như vậy do bởi chánh hậu của bệ hạ.” Khi trở về tại kinh đô, đức vua lập tức truyền lịnh ném hoàng hậu xuống vực sâu, trước khi vị ấy đi vào hoàng cung. Từ đó trở đi, đức vua trị vì xứ sở và muôn dân rất công minh.

 

Đức Phật, sau khi thuyết giảng bài pháp trên, Ngài tiếp tục nói: “Này các tỳ khưu, như vậy Cincamana đã từng nói những lời vu khống để bêu xấu Như lai trong kiếp quá khứ.”

 

(15)  Cincamānavika māta

Devadatto ca me pita

Ānando pandito nāgo

Sāriputto ca devatā

Rājaputto aham āsiṃ evam dhāretha jātakaṃ.

Này các tỳ khưu… Cincamana lúc bấy giờ là hoàng hậu kế mẫu. Devadatta khi ấy là đức vua, Ānanda lúc bấy giờ là long vương, Sāriputta lúc bấy giờ là vị sơn thần, và Như Lai lúc bấy giờ là Mahā Paduma. Bổn sanh được kết thúc bởi câu kệ cuối cùng này.

Kết thúc bổn sanh Mahā Paduma

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app