Nội Dung Chính

Lời tác bạch của Cula Anāthapiṇḍika

Trong số những đệ tử nam nữ của Đức Phật, công bố những lời nói dũng cảm, Cula Anāthapiṇḍika là người đã nói ra như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, khi có một đệ tử bậc anāgāmi của Thế Tôn như con đây thì Thế Tôn không cần phải nhọc công. Xin hãy cho phép con được phô diễn thần thông.”

Nhân đó, Đức Phật hỏi vị ấy: “ Này con Anāthapiṇḍika…con sẽ phô diễn thần thông như thế nào?” Vị thiện nam bậc thánh anāgāmi Anāthapiṇḍika đáp lại rằng: “ Con sẽ hóa thân của con thành thân của vị Phạm thiên, kích thước 12 do tuần, và rồi khi vỗ bàn tay này với bàn tay kia, con sẽ tạo ra những âm thanh sấm sét giữa đông đảo mọi người hiện diện ở đây.”

Sau đó, mọi người sẽ hỏi: “Loại âm thanh gì thế? ”, và những người khác sẽ trả lời: “Đây là tiếng vỗ tay của vị phú hộ trẻ Anāthapiṇḍika, là một vị anāgāmi thinh văn của Đức Phật.” Sự kiện này sẽ khiến các ngoại đạo sư nói rằng: “Đây chỉ là bước mở đầu, là năng lực thần thông của thiện nam đệ tử trẻ. Còn năng lực thần thông của Đức Phật thì không thể đoán biết được. Kết quả là họ tự nhiên mất can đảm và bỏ chạy mà không dám quay lại nhìn Đức Phật. ”

Đức Phật bảo vị ấy rằng: “ Này con Anāthapiṇḍika… Như Lai biết con có năng lực thần thông, nhưng tốt hơn con hãy chờ đợi.”

Lời tác bạch của vị sa-di ni bảy tuổi, tên Cira

Một vị sa-di ni bảy tuổi tên là Cira, là bậc có Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhidā-ñāṇa) sau khi đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch với Ngài rằng: “Bạch Đức Thế Tôn… xin cho phép con được phô diễn thần thông.” Đức Phật hỏi sa-di ni rằng: “ Này con Cira, con sẽ phô diễn thần thông của con dưới hình thức nào?”

“Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ đem ba ngọn núi Sineru, Cakkavalapabbata và Himalaya đến tại chỗ này và đặt chúng thành hàng, rồi con sẽ biến mình thành con vịt Braminy, và khi đi ra từ những ngọn núi ấy, con sẽ bay lượn khắp nơi một cách tự do, không chướng ngại.”

Sau đó, mọi người sẽ hỏi: “ Cô gái nhỏ này là ai?” Và những người khác sẽ trả lời: “ Đây là Cirā, vị sa-di ni nhỏ của Đức Phật.” Điều này sẽ khiến các ngoại đạo sư nói rằng: “ Đây chỉ là sự phô diễn khởi đầu, là năng lực thần thông của vị sa-di ni mới bảy tuổi. Còn năng lực thần thông của Đức Phật thì không thể đoán biết được. Kết quả là họ sẽ tự nhiên bỏ chạy mà không dám quay lại liếc nhìn Đức Phật.”

(Những lời nhận xét như vậy có thể áp dụng cho những trường hợp sau có nội dung tương tự và không cần phải lập lại). Đức Phật cũng đáp lại như các trường hợp trước và vị sa-di ni không được Đức Phật cho phép phô diễn thần thông.

Lời tác bạch của vị sa di A-la-hán 7 tuổi, tên Cunda

Tiếp theo, một vị sa-di A-la-hán bảy tuổi, tên Cunda, bậc có Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhidā-ñāṇa), sau khi đảnh lễ Đức Phật, vị ấy bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn… Xin Thế Tôn cho phép con được phô diễn thần thông.” Đức Phật hỏi: “Này con Cunda, con sẽ phô diễn thần thông dưới hình thức nào?”

“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ nắm vào thân của cây vàng (được xem là cá cờ chiến thắng của vũ trụ) và mang về những trái rụng xuống từ đó rồi phân phát cho tất cả mọi người ở đây. Lại nữa, con sẽ mang những bông hoa từ cây san-hô ở cõi Tam thập Tam thiên và đem chúng đến hội chúng ở đây.

Đức Phật cũng đáp lại như trước và không cho phép vị sa-di trẻ phô diễn thần thông.

Tiếp theo, Trưởng lão ni Uppalavana thỉnh cầu Đức Phật cho phép phô diễn thần thông và Đức Phật hỏi nàng: “Con sẽ phô diễn thần thông dưới hình thức nào?”

“ Bạch Đức Thế Tôn… Con sẽ tạo ra một hội chúng trải dài 12 do tuần, chiếm một khoảng không gian có chu vi 36 do tuần. Con sẽ biến mình thành một vị Chuyển luân vương và cùng với đoàn tùy tùng, con sẽ đến đảnh lễ Thế Tôn.”

Đức Phật đáp lại: “ Như Lai biết con có năng lực thần thông như vậy.”Ngài cũng không cho phép trưởng lão ni phô diễn thần  thông như những trường hợp trước.

Lời tác bạch của đại đức Moggallāna

(Moggallāna): Xin cho phép con được phô diễn thần thông.

(Tathagata): Này con Moggallāna…Con sẽ phô diễn như thế nào ? (Moggallāna): Con sẽ thâu nhỏ ngọn núi Meru bằng cỡ hạt cải, để nó trong kẽ răng của con và nhai nó trước mặt Đức Thế Tôn.

(Tathagata): Còn cách nào khác không ?

(Moggalāna): Quả đất sẽ được làm dẹp như tấm chiếu mỏng và con sẽ giữ nó giữa những ngón tay của con.

(Tathagata): Còn cách nào khác không ?

(Moggallāna): Như bánh xe của người thợ gốm (dùng để nghiền đất), con sẽ lật lên lớp đất mặt của quả đất và lấy chất dinh dưỡng ở bên dưới rồi cho tất cả mọi người ở đây ăn.

(Tathagata): Còn cách nào khác nữa không ?

(Moggallana): Bạch Đức Thế Tôn…Con sẽ dùng ngọn núi Meru làm cán dù và đặt quả đất trên đỉnh của nó, rồi con sẽ đi lui đi lại trên hư không tay nắm chúng như vị tỳ khưu cầm cái dù đi lại vậy.

Đức Phật dạy đại đức Mahā Moggallāna:“Này con Moggallāna… Như Lai biết con có đại lực để phô diễn thần thông,” nhưng không cho phép vị ấy. Đại đức Maha Moggallāna hiểu rằng: “ Sở dĩ Đức Phật không cho phép vị ấy vì thần thông của Ngài to lớn hơn và cao quý hơn vị ấy nhiều. Bởi vậy vị ấy ngồi xuống ở chỗ thích hợp.”

Đức Phật còn dạy thêm rằng: “ Này con… Chùm hoa chiến thắng này không phải dành cho con… Như Lai có năng lực để hoàn thành bất cứ phận sự nào vượt xa sự thành đạt của bất cứ ai khác. Chẳng lạ gì rằng không có ai khác ngang bằng với Như Lai khi Như Lai đã thành một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Như Lai đã không có người ngang bằng khi Như Lai sanh ra làm một chúng sanh mà sự thành tựu Ba-la-mật của Như Lai vẫn chưa viên mãn.” Theo lời thỉnh cầu của đại đức Moggallāna, Đức Phật đã kể lại Bổn sanh Kanha Usaha (xem Ekanipata.3- Kurunga vagga, Bổn sanh thứ 9).

Tạo ra con đường kinh hành

Sau khi kể lại Bổn sanh Kanha Usabha, Đức Phật tạo ra con đường kinh hành bằng châu báu từ tận cùng đầu này đến tận cùng đầu kia của mười ngàn thế giới, từ Đông sang Tây. Mười ngàn ngọn núi Mahā Meru trong mười ngàn thế giới được dùng làm những cột trụ chống đỡ con đường châu báu. Đầu phía Đông của con đường châu báu tựa trên mé ngoài của thế giới xa nhất về phía Đông. Đầu phía Tây của con đường châu báu nằm dựa trên mé ngoài của thế giới xa nhất ở về phía Tây. Bề rộng của con đường châu báu là 12 do tuần. Bề mặt ở hai bên của con đường châu báu có màu vàng. Phần giữa của toàn thể con đường bằng hồng ngọc, các rui mè bằng các loại ngọc sáng chói, mái che bằng vàng, và những trụ ngắn nằm thành hàng trên con đường châu báu đều bằng vàng; những hạt hồng ngọc và những hạt ngọc trai được rải như cát trên toàn thể bề mặt của con đường.

Ở mỗi mặt trong bốn phía của con đường, rộng đến 12 do tuần, là thính chúng nhân loại. Số lượng nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thì vô số kể. Giữa thính chúng như vậy, Đức Phật đã thị hiện song thông. Sau đây là đoạn trích tóm tắt từ kinh tạng Pāḷi.

(1)   Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần trên của thân, có những dòng nước chảy ra từ phần dưới của thân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần dưới của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần trên của thân.

(2)    Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần trước của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần sau của thân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ phần sau của thân thì có những dòng nước chảy ra từ phần trước của thân.

(3)     Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mắt phải thì có những dòng nước chảy ra từ mắt trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mắt trái thì có những dòng nước chảy ra từ mắt phải.

(4)    Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tai phải thì có những dòng nước chảy ra từ tai trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tai trái thì có những dòng nước chảy ra từ tai phải.

(5)   Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ lỗ mũi phải thì có những dòng nước chảy ra từ lỗ mũi trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ lỗ mũi trái thì có những dòng nước chảy ra từ lỗ mũi phải.

(6)    Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ vai phải thì có những dòng nước chảy ra từ vai trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ vai trái thì có những dòng nước chảy ra từ vai phải.

(7)      Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tay phải thì có những dòng nước chảy ra từ tay trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ tay trái thì có những dòng nước chảy ra từ tay phải.

(8)      Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ bên phải của thân thì có những dòng nước chảy ra từ bên trái của thân; và ngược lại, khi  có những ngọn lửa xuất hiện từ bên trái của thân thì có những dòng nước chảy ra từ bên phải của thân.

(9)     Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ chân phải thì có những dòng nước chảy ra từ chân trái; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ chân trái thì có những dòng nước chảy ra từ chân phải.

(10)  Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mỗi ngón tay và mỗi ngón chân thì có những dòng nước tuôn ra từ mỗi kẽ hở của mười ngón tay và mười ngón chân; và ngược lại, khi có những ngọn lửa xuất hiện từ mỗi kẽ hở của mười ngón tay và mười ngón chân thì có những dòng nước chảy ra từ mỗi ngón tay và mỗi ngón chân.

(11)  Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ một số sợi lông trên thân thì có những dòng nước tuôn ra từ một số sợi lông khác trên thân.

(12)   Khi có những ngọn lửa xuất hiện từ một số lỗ chân lông trên thân thì có những dòng nước chảy ra từ một số lỗ chân lông khác trên thân.

Từ những phần khác nhau này của thân chiếu ra hào quang sáu màu khác nhau, đó là: xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, hồng, rực rỡ, từng cặp, từng chùm.

 

(Chú thích: Khi Đức Phật thị hiện song thông, Ngài vừa nhập định đề mục lửa (teso-kasiṇa-jhāna) để khiến những ngọn lửa xuất hiện, vừa nhập định đề mục nước (āpo-kasiṇa-jhāna) để khiến những dòng nước tuôn ra).

 

Cần lưu ý rằng, những ngọn lửa không hòa chung với những dòng nước và ngược lại, chúng tách riêng. Vì không thể có hai sát na tâm xảy ra cùng một lúc, nên sự tạo ra những ngọn lửa và sự tạo ra những dòng nước xảy ra trong hai sát na riêng biệt thay đổi luân phiên, dầu chúng có vẻ như đồng bộ và xảy ra cùng một lúc trước mắt của những người bình thường. Sự biến hóa của tâm dù riêng biệt, nhưng vô cùng mau lẹ. Điều này do bởi (a) khoảnh khắc giữa mỗi trạng thái tâm của Đức Phật cực kỳ ngắn, (b) độ nhanh của tâm, (c) đã đạt đến sự thuần thục tột đỉnh trong sự nhập định. Những ngọn lửa và những dòng nước phát ra từ thân của Đức Phật đi lên đến chỗ cao nhất của mười ngàn thế giới và đi xuống chỗ thấp nhất của mười ngàn thế giới.

 

Thế giới khai hiện thần thông

 

Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật thị hiện thần thông đặc biệt gọi là Thế-giới-khai-hiện-thần-thông. Đây là cách thị hiện thần thông. Đức Phật nhập tứ thiền – rūpa-vacara-kiriya, đề mục màu trắng (odata kasina) ; sau khi xuất khỏi tứ thiền, Đức Phật chú nguyện: “ Hãy chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới.” Ngay tức thì, toàn thể đại thế  giới,  từ  cõi  người  đến  cõi  Phạm  thiên  sắc  cứu  cánh  (Akkaniṭha Brhamā) đều được chiếu sáng.

 

Tất cả nhân loại đều có thể thấy rõ các cõi từ cõi Tứ đại thiên vương (Catumahārajika Deva) đến cõi Phạm thiên sắc cứu cánh (Akkaniṭha Brhamā)   ngay khi họ ở chỗ ngụ riêng của họ. Họ có thể thấy tất cả chư thiên tại các cõi ấy đang đi lại sinh hoạt hàng ngày với những hồ nước, khu vườn, bảo tọa, trường kỹ, những lâu đài có mái chồng nhau, những cỗ xe, các biểu chương của vua, trong kiểu cách vui sướng hạnh phúc, họ đang vui sướng thọ hưởng cuộc sống xa hoa trong những cung điện bằng châu báu lấp lánh do họ tạo ra, bản thân họ và mọi thứ đều lấp lánh rực rỡ.

Trong mười sáu cõi Phạm thiên sắc giới (rūpavaraca), một số Phạm thiên sáng chói và thuần tịnh như những pho tượng làm bằng nhiều loại châu báu được trông thấy đang thọ hưởng lạc định (samapatti), trong khi những vị khác thì đang say sưa bàn luận về bản chất vi tế và thâm sâu của giáo pháp. Họ trông thấy rõ ràng bằng mắt của loài người do bởi oai lực của Đức Phật.

Tương tự, nhìn xuống phía dưới sâu thẳm của quả đất, có tám cõi đại địa ngục, và mỗi cõi có bốn mặt, mỗi mặt có 4 tiểu địa ngục, tổng cộng là mười sáu tiểu địa ngục trong mỗi đại địa ngục, được gọi là Ussada niraya. Ở giữa của ba thế giới có một địa ngục gọi là Thế giới địa ngục trung gian (Lokanta niraya, mỗi thế giới có 31 cõi). Những địa ngục này hoàn toàn tối tăm. Trong mỗi cõi địa ngục có những chúng sanh đang chịu cực hình thống khổ khốc liệt, tùy theo những loại ác nghiệp khác nhau mà họ đã gây ra trong kiếp trước. Tất cả mọi người trên quả đất này đều có thể trông thấy những cõi khổ  này và những chúng sanh chịu khổ trong đó một cách rõ ràng do oai lực của Đức Phật.

Tất cả chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới mà đã đến bằng đại thần thông của họ đều được loài người trông thấy đang chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Đức Phật với tâm đầy tịnh tín và thán phục. Họ ngâm lên những câu kệ để tán dương các oai đức của Đức Phật và nói những lời bày tỏ sự hạnh phúc và niềm vui sướng.

Tất cả những hiện tượng kỳ lạ ấy, như Song thông, hào quang sáu màu từ thân của Đức Phật và mười ngàn thế giới có thể được trông thấy bởi tất cả mọi người trên quả đất này tạo ra nhiều hoan hỉ và tịnh tín.

Thần thông thị hiện hào quang sáu màu

 

(1)   (Nīla) Hào quang màu xanh đậm: Khi thị hiện Song thông, do oai lực của Song thông trí (yamaka patihāriya-ñāṇa), Đức Phật khiến hào quang phát ra từ thân của Ngài: hào quang màu xanh đậm phát ra từ chỗ tóc râu mọc lên và hai con ngươi của mắt, kết quả là toàn thể không trung tựa như được phun rải bởi loại bột Antimon hay được bao trùm bởi màu xanh của loại đậu và những hoa sen xanh. Toàn thể không gian tràn ngập ánh sáng màu xanh lục bảo.

 

(2)   (Pīta) Hào quang màu vàng: phát ra từ da và hai hốc mắt và tất cả những chỗ có màu vàng trên thân của Đức Phật. Tất cả những vùng chung quanh đều được chiếu sáng bởi ánh sáng màu vàng tựa như khắp nơi đều được tưới lên bằng chất lỏng vàng hoặc được che phủ bằng tấm vải bằng vàng, hoặc tựa như bột nghệ được phun ra và những bông hoa bằng lụa vàng được rải trên đó.

(3)   (Lohita) Hào quang màu đỏ: phát ra từ thịt, máu và phần nào của hai mắt và những phần khác có màu đỏ của thân. Toàn thể không gian chung quanh sáng rực lên bởi ánh sáng màu đỏ tựa như được nhuộm thắm bởi màu châu sa hay được phủ lên lớp sơn đỏ, hay được bao phủ bởi tấm thảm nhung màu đỏ hay tựa như được rải đầy những bông hoa san hô của Ấn Độ ở trên đó. Toàn thể không gian được chiếu sáng một cách kỳ diệu và xinh đẹp bởi hào quang ấy. 

(4)   (Odata) Hào quang màu trắng: Hào quang màu trắng phát ra từ xương, răng của Đức Phật và những phần trắng của con mắt. Khắp vùng chung quanh trông như được bao bọc bởi dòng sữa tuôn ra liên tục từ những cái hũ bằng bạc, hoặc bằng lớp trần che bằng bạc ở trên cao, những ngọn lá bạc và những cái đĩa bạc được sắp thành từng lớp hoặc như cái quạt bằng bạc đang di động, hoặc như hoa lài, hoa sen trắng được tung rải khắp nơi.

 

(5)   (Manjeṭṭha) Hào quang màu hồng: Phát ra từ lòng bàn tay và hai gót chân, tỏa sáng xinh đẹp tựa không gian được bao bọc bằng tấm lưới san hô và bằng những loại hoa có màu hồng.

 

(6)   (Pabhassara) Hào quang rực rỡ: phát ra từ một sợi lông trên trán của Đức Phật, trên móng tay và móng chân, và tất cả những phần sáng bóng, nhờ đó chiếu sáng khắp nơi tựa như có nhiều chòm sao hôm và những tia chớp. Không gian trông thật xinh đẹp diệu kỳ.

(Trích dẫn từ bộ Paṭisambhida Maggaṭṭhakatha, cuốn 2).

Sự chiếu sáng bằng hào quang sáu màu quả thật là một hiện tượng kỳ lạ.

 

Đức Phật thuyết pháp khi đang đi trên con đường châu báu

 

Vào ngày hôm ấy, Đức Phật thuyết những bài pháp khế hợp với những căn tánh của chúng sanh, suốt quá trình thị hiện Song thông trên con đường châu báu, dài từ đông sang tây, xuyên qua hàng ngàn cõi thế giới. Đức Phật tạm dừng thị hiện song thông trong một thời gian ngắn để hội chúng nói lời ‘Sādhu’ (Lành thay). Trong những khoảng thời gian như vậy, Đức Phật dò xét căn tánh của mỗi chúng sanh trong hội chúng, tạo nên một biển chúng sanh. Với mục đích này, Đức Phật quan sát quá trình tâm của mỗi chúng sanh bằng vận dụng Tâm-tùy-quán (cittānupassanā), lưu ý 16 thái độ tâm khác nhau của mỗi chúng sanh. Người ta có thể tưởng tượng tốc độ tâm của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác nhanh lẹ đến dường nào.

Như đã trình bày ở trên, Đức Phật thị hiện Song thông và thuyết pháp khế hợp với căn tánh của chúng sanh, chỉ sau khi Ngài đã nhìn vào và quan sát quá trình tâm của họ, kết quả là vô số chúng sanh được giải thoát khỏi luân hồi nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Quả thật vậy, đây là trường hợp tối thắng của Pháp – Dhammābhi samaya.

 

Việc tạo ra vị Phật thứ hai

Đức Phật nhìn vào tâm của các nhân vật trong đại chúng, để xem có chúng sanh nào có khả năng nêu lên những câu hỏi theo ý muốn riêng của vị ấy (để Ngài có thể cho câu trả lời đúng), nhưng Ngài không tìm thấy ai cả. Bởi vậy, Ngài tạo ra vị Phật thứ hai giống hệt Ngài, rồi dần dần tăng lên hai vị, ba vị, bốn vị đến hằng trăm vị Phật giống hệt Ngài.

Có một cuộc đàm đạo gồm một loạt câu hỏi và câu trả lời giữa chính Đức Phật và những vị Phật được hóa ra, thay phiên đưa ra những câu hỏi và trả lời. Chư Phật được hóa ra ở trong nhiều tư thế khác nhau: một số đang đứng, một số đang nằm, một số đang đi và một số đang ngồi, trong khi đang đàm đạo.

Sự rực rỡ và lộng lẫy của hào quang sáu màu cùng với những ngọn lửa và những dòng nước từ Song thông của Đức Phật, và sự chói lọi của chư Phật được hóa ra, kết hợp với ánh sáng trên bầu trời tạo ra một nét kỳ diệu vượt ngoài khả năng của các vị Thinh văn (savaka).

Một số Phạm-thiên và chư thiên ngâm lên những bài kệ tán dương oai lực, sự vinh quang và tánh chất vĩ đại của Đức Phật. Khắp không trung vang lên những bài hát của chư thiên. Họ tung rải những hoa trời, tiếng nhạc từ hằng ngàn nhạc cụ của chư thiên kết hợp với tiếng nhạc từ những nhạc cụ của nhân loại, làm cho không gian giống như ngày hội lớn của tất cả chúng sanh.

Hai mươi koṭi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đạt được sự giải thoát

Song thông phi thường như vậy được thị hiện bởi Đức Phật bằng bất cộng trí (asādhārana-ñāṇa), là trí của riêng chư Phật Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật Độc giác và Thinh văn giác không thể có được. Sau khi chứng kiến Song thông cũng như nghe thuyết pháp, hai mươi koṭi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đạt được sự giải thoát.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app