Nội Dung Chính

Đức Phật dạy bài kinh Ratana để bảo vệ và sự an lành cho kinh thành Vesali

Kinh thành Vesali phát triển và hưng thịnh giống như kinh thành Rājagaha và Sāvatthi vào thời của Đức Phật. Lúc bấy giờ kinh thành có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vua trú ngụ với những vị thái tử, nguyên soái và các vị quan thân khác. Số lượng của mỗi hàng tước vị cũng có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy. Về cơ ngơi chỗ ở của họ, có bảy ngàn khu vực và cung điện với mái tầng có trang trí hoa văn và những tòa án, hội trường, vườn, lạc viên và hồ cũng có số lượng tương tự. Kinh thành có dân cư đông đúc và vật thực dồi dào.

Khi năm tháng trôi qua, các nhà cai trị và những người dân của họ đã không còn thọ trì những phận sự đúng pháp của họ (aparithaniya-dhamma).

Kết quả là họ phải chịu những tai họa lớn như nạn hạn hán, mất mùa, thiếu lương thực, đói kém, v.v…

 

Tai họa thứ nhất

Tai họa này đã làm cho nhiều người nghèo bị chết. Nhưng xác chết bị vứt bừa bãi khắp kinh thành, làm bốc lên mùi hôi thối. Tình trạng như vậy tạo cơ hội cho những dạ xoa đi vào kinh thành và quấy phá dân chúng.

Tai họa thứ hai

Nạn đói và nạn phi nhân quấy nhiễu đem lại sự chết chóc và đau khổ nhiều hơn. Xảy ra nạn dịch của loại bịnh có tên là bịnh gió rắn (ahivata roga) làm cho mọi việc càng trở nên tệ hại hơn, gây kinh sợ cho mọi người và thiệt hại nặng nề hơn trước.

 

Tai họa thứ ba

 

Dân chúng liên tục bị hoảng sợ do những cú sốc liên tiếp của ba loại tai họa, đó là : nạn đói, nạn phi nhân quấy nhiễu và nạn dịch, họ đi đến đức vua và tâu lên rằng: “ Tâu bệ hạ, kinh thành Vesali đang gặp phải ba loại tai họa, không có tai họa nào như vậy từng xảy ra trong các triều đại của bảy vị vua trước. Ý kiến chung bây giờ là những tai họa như vậy xảy ra do sự chểnh mảng phận sự của các nhà cai trị.”

Đức vua cho triệu tập dân chúng ở pháp đình và nói với họ rằng: “ Này các thần dân, các người có thể điều tra xem có sự thiếu sót vi phạm nào về các phận sự của trẫm đối với chúng dân.” Khi điều tra xem xét những việc hằng ngày của đức vua, họ thấy rằng không có thiếu sót nào nơi vị hoàng đế trong việc trị dân. Rồi họ lại cùng nhau để tìm phương cách khắc phục những tai họa đã giáng xuống cho họ.

Những đệ tử của sáu vị giáo chủ ngoại đạo cho rằng kinh thành Vesali sẽ được thoát khỏi ba tai họa ngay khi sáu vị giáo chủ đặt chân vào kinh thành. Nhưng một số cư dân (có niềm tin nơi Tam bảo) thì nói rằng: “ Này các bạn, nghe nói rằng Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian. Ngài đã thuyết giảng Chánh pháp để đem lại lợi lạc và sự hưng thịnh cho tất cả chúng sanh. Ngài là bậc có nhiều oai lực. Kinh đô của chúng ta sẽ được thoát khỏi tất cả tai họa một khi Ngài ở trong kinh đô của chúng ta.”

Tất cả mọi người đều hoan hỉ với lời đề nghị này. Nhưng một số người muốn biết chỗ trú ngụ của Đức Phật và bày tỏ sự ngờ vực của họ: “ Ngài có thể không quan tâm việc đi đến đây cho dù chúng ta thỉnh mời Ngài.” Nhân đó, một số người có trí bày tỏ ý kiến lạc quan của họ:“ Chư Phật luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Vì vậy, tại sao Ngài không đến nếu chúng ta cung thỉnh Ngài ? Tuy nhiên, có điều cần ghi nhớ: Đức Phật bây giờ đang ngụ ở Rājagaha. Vua Bimbisāra (bậc sotāpanna và là thí chủ dâng cúng tịnh xá) đang hộ độ Ngài với đầy đủ bốn món vật dụng. Có thể vị ấy đã cản trở Đức Phật đi đến kinh đô của chúng ta.”

Dân chúng đồng lòng quyết định rằng họ sẽ đi đến vua Bimbisāra và cho vị ấy biết những hoàn cảnh đã xảy ra và với sự đồng ý của vị ấy, họ sẽ thỉnh Đức Phật đến viếng kinh thành Vesali. Họ phái hai vị hoàng tử Licchavī đi đến Rājagaha với trách nhiệm yết kiến vua Bimbisāra, mang nhiều tặng vật để dâng lên vị ấy cùng lính hầu và quân đội đi theo.

Hai vị hoàng tử đi đến Rājagaha và dâng những vật tặng quý giá lên vua Bimbisāra. Rồi họ kể lại với đức vua về tình trạng ở kinh đô của họ và lý do họ đã được cử đến Rājagaha, thỉnh cầu rằng:“ Cầu xin bệ hạ thay mặt chúng tôi mà thỉnh Đức Phật đến viếng kinh thành Vesali.” Đức vua không đáp ứng yêu cầu của họ, nhưng khuyên họ rằng: “Các ngươi nên tự thân đi đến Đức Phật và thăm dò ý định Ngài.”

Hai vị hoàng tử Licchavī đi đến Đức Phật và thành kính bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, kinh thành Vesali của chúng con đang gặp phải ba tai họa. Xin Ngài rủ lòng bi mẫn đến viếng kinh thành Vesali. Đó sẽ là vinh hạnh cho tất cả chúng con, những dân cư của kinh thành Vesali.”

 

Khi suy xét về lời thỉnh cầu của họ, Đức Phật biết rằng: “Sự tụng đọc và thuyết giảng bài kinh Ratana tại kinh thành Vesali sẽ đem lại sự bảo vệ cho một trăm ngàn koṭi thế giới tránh khỏi các loại bệnh tật; và vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh sẽ được giải thoát do giác ngộ Tứ Diệu Đế.” Do đó, Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của hai vị Licchavī.

Sự chuẩn bị của vua Bimbisāra cho buổi lễ tiễn đưa

 

Khi nghe tin Đức Phật chấp nhận lời mời đến viếng Vesali, vua Bimbisāra truyền lịnh cho dân chúng trong kinh thành rằng: “Thưa dân chúng, hãy biết rằng Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh mời đến viếng kinh thành Vesali.” Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và hỏi rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài đã nhận lời mời của dân chúng thành Vesali ?” Đức Phật đáp lại: “ Đúng vậy, tâu bệ hạ. Như Lai đã nhận lời.” “ Nếu vậy, cầu xin Đức Thế Tôn hãy chờ cho đến khi tất cả những sự chuẩn bị cần thiết cho lễ tiễn đưa hoàn tất.”

Rồi vua Bimbisāra truyền lịnh cho san bằng con đường giữa Rājagaha và con sông Hằng dài năm do tuần, dựng lên những giả ốc ở mỗi do tuần dọc theo con đường. Khi Đức Phật được báo tin là mọi việc đã sẵn sàng, Ngài bắt đầu lên đường cùng với đoàn tháp tùng gồm năm trăm vị tỳ khưu.

Con đường dài năm do tuần được rải hoa đủ năm màu sắc cao ngập đầu gối, những cờ phướn màu sắc rực rỡ được dựng lên dọc theo con đường, những cái lu đựng đầy nước và những cây chuối được sắp đặt có thứ tự ở hai bên đường. Hai cái lọng trắng che Đức Phật tránh thời tiết nắng mưa, cũng vậy mỗi vị tỳ khưu cũng được che bằng một cái lọng trắng. Đức vua và tùy tùng của vị ấy gồm quan thần và binh lính, cúng dường hoa và vật thơm dọc theo con đường và ở mỗi trạm dừng, giúp Đức Thế Tôn và chúng tỳ khưu có đủ thì giờ để nghỉ ngơi. Sau chuyến đi năm ngày rất thuận lợi, toàn thể đoàn người đến bờ sông Hằng.

Trong khi chiếc thuyền rồng đang được trang hoàng, vua Bimbisāra gởi bức thư báo đến các nhà cai trị Licchavī, nội dung nói rằng: “ Đức Phật đang trên đường đến Vesali, những sự sắp xếp cần thiết mà tất cả những nhà cai trị Licchavī nên làm là sửa sang con đường cho tốt để tiếp đón Đức Phật và chúng tỳ khưu.”

Khi các thành viên trong dòng dõi Licchavī nhận được tin báo trọng đại, họ đồng lòng quyết định tổ chức lễ tiếp đón to lớn gấp đôi so với sự tôn kính được thể hiện bởi vua Bimbisāra. Họ sửa sang bằng phẳng các con đường từ Vesali đến bờ sông Hằng dài ba do tuần. Họ dành bốn cái lọng trắng cho Đức Phật và hai cái lọng trắng, mỗi cái dành cho các vị tỳ khưu theo hầu Đức Phật. Toàn thể kinh đô đi ra trong một đám rước trọng đại đến bờ sông Hằng để chờ Đức Phật đến.

Trong khi đó, vua Bimbisāra cho kết hai chiếc thuyền lại với nhau làm thành một chiếc bè lớn. Bên trên của nó có dựng lên một giả ốc được trang hoàng lộng lẫy bằng những chùm hoa và các loại vật thơm, có treo những tràng hoa sắp hình cái quạt. Bên trong giả ốc có đặt một bảo tọa được cẩn bằng bảy loại ngọc quý dành cho Đức Phật. Khi đến bờ sông Hằng, Đức Phật và các vị tỳ khưu bước lên thuyền rồng, Ngài ngồi trên bảo tọa còn các vị tỳ khưu ngồi vào những chỗ ngồi thích hợp của họ.

Sau khi đưa Đức Thế Tôn và các vị tỳ khưu lên thuyền, vua Bimbisāra đi xuống nước đến ngang cổ và vịn vào chiếc thuyền, vị ấy bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ chờ Ngài trở về từ bờ sông Hằng này.” Rồi vị ấy nhẹ nhàng buông tay khỏi thuyền rồi lội lên bờ.

Chư thiên bao gồm cả những vị Phạm thiên ở cõi Akanittha Brahma đều đến đảnh lễ cúng dường Đức Phật. Cũng thế, các chúng sanh ở cõi thấp như long vương Kamhala và long vương Assatara cũng đến đảnh lễ Đức Phật.

Như vậy, giữa lễ hội trọng đại tưng bừng, nhân loại và chư thiên tranh đua nhau bày tỏ sự tôn kính đến Đức Phật, Ngài được đưa qua bên kia sông Hằng. Con sông rộng một do tuần từ bờ bên này đến bờ bên kia, cuối cùng chiếc thuyền cập bờ trên vùng đất của những nhà cai trị Licchavī.

Đức Phật được tiếp đón từ bên kia bờ sông Hằng bởi các vị Licchavī đang chờ sẵn. Họ bày tỏ sự tôn kính đến Đức Phật nhiều gấp đôi so với vua Bimbisāra bằng cách đi xuống nước đến ngang cổ để đón tiếp Đức Phật với sự tôn kính sâu sắc.

Đám mưa Pokkhravasa rơi xuống khi Đức Phật đặt chân xuống bờ bên kia

Ngay khi chiếc thuyền rồng chở Đức Phật cập bờ bên kia thì những đám mây đen dồn dập kéo đến từ bốn phía, theo sau là những tia chớp và tiếng gầm vang của sấm sét, cuồng phong vần vũ. Việc Đức Phật đặt bàn chân phải của Ngài xuống bờ sông được đánh dấu bằng trận mưa Pokkharavasa – làm ướt những ai muốn được thấm ướt và không làm ướt những ai không muốn bị ướt. Dòng nước mưa tràn ngập với những độ sâu khác nhau, từ đầu gối đến ngang bụng, từ ngực đến ngang cổ, dòng nước chảy len vào các ngõ ngách khắp kinh thành Vesali, cuốn đi tất cả những xác chết bốc mùi xú uế xuống dòng sông Hằng. Toàn thể kinh đô trở nên sạch sẽ như trước.

Các vị Licchavī dẫn Đức Thế Tôn từ bờ sông Hằng vào thành Vesali, đoạn đường dài ba do tuần, giữa sự tung hô đón chào tưng bừng, nồng nhiệt, dừng lại một đêm ở mỗi trạm dừng cách nhau một do tuần. Trên đường đi, những sự cúng dường được thực hiện nhiều gấp đôi so sới sự cúng dường về phía vua Bimbisāra. Cuối cùng, sau ba ngày, Đức Phật đến tại Vesali.

Khi Đức Phật đến tại Vesali, Đế Thích cùng thiên chúng đến từ các cõi trời của họ để làm lễ cúng dường Đức Thế Tôn. Thiên chúng hùng mạnh hiện diện ở Vesali đã khiến cho tất cả dạ-xoa hốt hoảng bỏ chạy ra khỏi kinh thành.

Đức Thế Tôn đứng ở cổng kinh thành và ban lời chỉ giáo đến đại đức Ānanda:

“ Này Ānanda, sau khi học thuộc lòng bài kinh Ratana từ Như Lai, con nên tụng kinh trong ba vòng tường thành của kinh đô như là biện pháp ngăn ngừa, khi đi quanh kinh đô có các vị hoàng tử Licchavi đi theo, họ nên được hướng dẫn cách làm lễ vật cúng chư thiên.”

Đại đức Ānanda thực hiện những biện pháp ngăn ngừa bằng cách tụng kinh Paritta

Sau khi nghe xong bài kinh Ratana từ Đức Phật tại cổng thành Vesali vào ngày vừa mới đến, đại đức Ānanda đi quanh ba vòng thành Vesali tụng kinh Ratana có nhịp điệu, ngữ điệu, cách phát âm, cách nhấn âm và chấm câu đúng chỗ. Khi đang đi quanh như vậy, vị ấy mang theo bình bát đựng đầy nước của Đức Phật để rảy khắp kinh thành.

Ngay khi đại đức Ānanda bắt đầu tụng câu kệ đầu tiên với những chữ ‘Yaṁ kiñci vittaṁ’ thì các loại phi nhân như dạ-xoa, a-tu- la, quỷ sứ, v.v… mà chưa chạy ra khỏi kinh thành vẫn còn nán lại, núp vào những đống rác hay bám vào các bức tường, v.v… bèn vội vả bỏ chạy xuyên qua bốn cổng thành. Vì các cổng thành bị các phi nhân ác chen chúc nhau tìm đường thoát thân nên một số trong bọn chúng bắt buộc phải mở đường đi xuyên qua các bức tường thành của kinh đô. Khi các phi nhân ác bỏ chạy ra khỏi thành thì những người bị sự hành hạ, quấy nhiễu của chúng được khỏe mạnh trở lại và tất cả bệnh dịch đều biến mất. Những người dân thành phố ra khỏi nhà của họ với những bó hoa và vật thơm, và tôn kính đảnh lễ đại đức Ānanda.

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Ratana tại hội trường Lập pháp của kinh thành

Đức vua và dân chúng trang hoàng hội trường Lập pháp ở trung tâm của thành phố bằng những tràng hoa và vật thơm, dựng lên một cái trần che có đính các loại vật trang sức. Rồi họ đặt vào đó một bảo tọa dành cho Đức Phật ở một nơi thích hợp và cung dẫn Ngài đến hội trường. Đức Phật ngồi vào bảo tọa trong khi các vị tỳ khưu – các vị vua và các hoàng tử, và dân chúng ngồi vào những chỗ thích hợp của họ. Sakka dẫn theo thiên chúng ở hai cõi Catumahārājika và Tāvatiṃsa cũng như các vị Phạm thiên và chư thiên khác cũng đến để đảnh lễ Đức Phật.

Đại đức Ānanda, sau khi tụng kinh Paritta khắp kinh thành Vesali, đã đến tại hội trường với đám đông dân chúng và tất cả họ đều ngồi vào chỗ ngồi phải lẽ.

Tại hội chúng đông đảo này gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài kinh Ratana (bài kinh mà Ngài dạy đại đức Ānanda).

(Chú thích: Bài kinh Ratana mà hàng Phật tử thấy, đọc và nghiên cứu ngày nay, gồm có ba phần:

(a)    Phần đầu bắt đầu bằng ‘Panidhānato patthāya…’ đến ‘Parittaṃ taṃ bhanāmahe’ là đoạn mở đầu ở thể văn xuôi và kệ được biên soạn bởi các vị A-xà-lê trong quá khứ.

(b)   Mười lăm câu kệ, bắt đầu từ ‘Yānīdha bhūtāni samāgatāni…’ đến ‘Khinaṃ purānaṃ nava natthi sambhavaṃ…’ là kinh Pāḷi gốc do Đức Phật thuyết giảng.

(c) Ba câu kệ cuối cùng ‘Yanidha bhūtāni samāgatāni’ v.v… được nói ra bởi Sakka giữa hội chúng).

Vào lúc kết thúc thời pháp về bài kinh Ratana vào ngày đầu tiên, những gia đình hoàng tộc Licchavī cùng tất cả dân cư của kinh thành Vesali thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc. Tất cả các tai họa và bệnh dịch đều bị tiêu diệt và sự an bình được trở lại. Tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế.

Khi ấy Sakka chợt hiểu ra rằng: “ Đức Phật đã đem hạnh phúc và sự thịnh vượng đến cho dân chúng kinh thành Vesali bằng cách thuyết ra những lời của chân lý về các ân đức của Tam bảo vì phúc lợi của dân cư thành Vesali.” Do đó, vị ấy đứng dậy đọc lên ba câu kệ: “Yānidha bhūtāni samāgatāni…” Đây là đoạn kệ cuối cùng của bài kinh.

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Ratana suốt bảy ngày

Sau khi đọc lên ba câu kệ, Sakka nhiễu quanh Đức Phật ba vòng để tỏ sự tôn kính đến Ngài rồi trở về cõi chư thiên dẫn theo tùy tùng thiên chúng. Đức Phật tiếp tục thuyết bài kinh ấy trong ngày thứ hai, khi ấy có tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ diệu đế. Theo cách này, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bài kinh trên trong bảy ngày liên tục, mỗi ngày giải thoát cho tám mươi bốn ngàn chúng sanh.

Tổng số chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế là (84.000 x 7 = 588.000) chúng sanh.

Nguyên tắc căn bản trong việc tụng đọc kinh Paritta

 

Paritta có nghĩa là ‘Kim ngôn của Đức Phật’ hay nói cách khác là kinh – sutta được dùng làm kinh hộ trì, xua tan tất cả tai họa từ bốn hướng, khiến cho những tai họa hiện đang sanh khởi phải chấm dứt và biến mất; ngăn ngừa những tai họa sắp xảy ra không cho sanh khởi.

Bài Maṅgala Sutta, Ratana Sutta, v.v… là những bài kinh do Đức Phật thuyết giảng, và những bài kinh này có đủ năng lực bảo vệ cho cả người tụng lẫn người nghe tránh khỏi tai họa sắp xảy ra, đồng thời đẩy lùi và xua tan tai họa hiện đang xảy ra. Bài kinh có những năng lực đặc biệt là đem lại an lạc và sự thịnh vượng; do đó có tên đặc biệt là kinh Paritta.

Để có được những kết quả lợi ích như vậy, điều cần thiết là người tụng đọc phải có đủ bốn điều kiện và người nghe cũng thế.

(a)   Bốn điều kiện cần thiết của người tụng đọc là:

1)    Người tụng phải có khả năng tụng đọc những đoạn kinh, những nhóm chữ, những mẫu tự của kinh Pāḷi đúng cách phát âm và cách nhấn âm.

2)  Người ấy phải có sự hiểu biết đầy đủ và chính xác bài kinh Pāḷi mà người đang tụng.

3)  Người tụng kinh Paritta với tâm không mong cầu những vật tặng hay của bố thí cúng dường.

4)    Kinh Paritta nên được tụng với tâm thuần khiết, đầy đủ từ ái và bi mẫn.

Kinh Paritta nên được tụng với đầy đủ bốn điều kiện này để đem lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn và đẩy lùi những tai họa sắp xảy ra cho người nghe. Nếu người tụng không có đầy đủ những điều kiện này thì sẽ không có những kết quả lợi ích phát sanh như mong muốn.

Nhưng cách tụng và nghe kinh Paritta ở trên được nêu ra trong bộ Chú giải của Trường bộ kinh. Sự nghiên cứu có hệ thống và sự xem xét tỉ mỉ những chữ và những nhóm chữ nên được thực hiện, sự chú ý đúng mức cần được vận dụng để hiểu rõ những thuật ngữ tiếng Pāḷi. Cần chú ý nghiên cứu cách phát âm đúng và ý nghĩa của bài kinh Pāḷi thì cơ hội đạt được kết quả mong muốn mới thành hiện thực. Chỉ có sự tụng đọc của những người đã nghiên cứu cẩn thận những cách tụng đọc mới có hiệu quả lớn. Sự tụng đọc kinh Paritta của những người có ý định thọ lãnh những vật thí cúng dường sẽ không tạo ra kết quả thiết thực nào cả. Sự tụng đọc kinh Paritta của những người có đầy đủ tâm từ ái và bi mẫn và có khuynh hướng muốn thoát khỏi luân hồi sẽ đem lại nhiều lợi ích.

(Chú thích: Do đó người chủ trì sự tụng kinh Paritta trước tiên phải nghiên cứu kinh Pāḷi cùng với những bộ Chú giải có liên quan dưới sự chỉ dạy của vị thầy có khả năng chuyên môn, phải có sự chú ý đặc biệt đến cách phát âm, dấu nhấn và cách chấm câu. Mọi sự đọc sót, thiếu chữ trong bài kinh khiến cho sự tụng đọc hoàn toàn trở nên vô nghĩa, cách tụng đọc chính xác với sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của kinh là những sức mạnh chính yếu của kinh Paritta, đem lại kết quả mong muốn.

Những lỗi lầm trong cách chủ xướng, sự thiếu chính xác trong phát âm và trong sự hiểu biết ý nghĩa chân thật của kinh, kèm theo  ước muốn tài vật cúng dường đền đáp, sẽ làm giảm thiểu sức mạnh của kinh Paritta và không đem lại kết quả mong muốn.

Do đó, cần nhấn mạnh rằng điều cần thiết là chủ xướng kinh Paritta theo đúng những điều kiện đã nêu ra với tâm đầy đủ từ ái và bi mẫn và khuynh hướng kiên định muốn giải thoát khỏi luân hồi và sự kiềm chế không cho ước muốn thọ lãnh lễ vật cúng dường sanh khởi.

(A) Sự thất bại và thành công của người tụng kinh Paritta

 

Sự thất bại của người tụng kinh Paritta khởi sanh từ hai nguyên nhân, đó là Payoga vippatti và Ajjhāsaya vippatti.

(1) Payoga vippatti nghĩa là sự thiếu khả năng diễn đạt những từ ngữ và những nhóm chữ trong bài kinh với sự chính xác và sự hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của chúng, vì thiếu cố gắng và chuyên cần.

(2)   Ajjhāsaya vippatti nghĩa là sự tụng kinh Paritta với ước muốn được lợi lộc và danh tiếng.

Sự thành tựu của người tụng kinh Paritta phát sanh từ hai nguyên nhân, đó là Payoga sampatti và Ajjhāsaya sampatti.

(1)    Payoga sampatti nghĩa là sự thành thạo trong việc tụng kinh Paritta do siêng năng, do học đúng cách phát âm, với đầy đủ hiểu biết về ý nghĩa.

(2)  Ajjhāsaya sampatti nghĩa là sự thành thạo trong việc tụng kinh Paritta do tâm từ ái và bi mẫn với khuynh hướng giải thoát và không có động cơ tư lợi.

 (Phần nói về Vippatti và Sampatti được trích ra từ Phụ chú giải của bài kinh Atanātiya).

(B) Bốn điều kiện thành tựu của người nghe

(1) Người nghe nên tránh không vi phạm năm trọng tội, là những tội cho quả nhãn tiền (pañcanatariya kamma – ngũ vô gián nghiệp), đó là: (a) giết cha, (b) giết mẹ, (c) giết bậc A-la-hán, (d) cố gắng làm cho Đức Phật bị chảy máu, (e) gây chia rẽ Tăng.

(2) Người nghe không được chấp theo định kiến (niyata-micchāditthi).

(3)    Người nghe nên có niềm tin vững chắc vào hiệu lực và những kết quả lợi ích của kinh Paritta.

(4)    Người nghe nên có sự chú ý, tôn kính và không giải đãi khi nghe tụng kinh Paritta.

Đây là những điều kiện cần thiết mà người nghe kinh Paritta cần phải có, trong bộ kinh Milinda Pañha (chương Mendaka Pañha, Pasamatti Pañha) có nêu ra ba điều kiện đầu như sau: “ Tâu bệ hạ, những chướng ngại như (a) năm vô gián tội, (b) tà kiến, (c) và sự không tin tưởng vào kinh Paritta, không thể đem lại sự hộ trì chống lại các tai họa.” Đây là những lời của đại đức Nāgasena nói với vua Milinda. Xét về vấn đề này, nên có kết luận rằng: Những người không có ba chướng ngại này có khả năng hưởng được lợi ích của kinh Paritta.

Sự thất bại và thành công của người nghe tụng kinh Paritta

Sự thất bại của người nghe kinh Paritta xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là Payoga vippatti và Ajjhāsaya vippatti.

(1)    Payoga vippatti nghĩa là nghe tụng kinh Paritta mà không có sự tôn kính đúng mức, không chấp tay, thiếu chú tâm vào kinh Paritta do thiếu tinh tấn.

(2)    Ajjhāsaya vippatti nghĩa là nghe kinh Paritta thiếu nhiệt tình, không có niềm tin trong hiệu quả và kết quả lợi ích của kinh Paritta, nghe kinh Paritta do bổn phận và để làm vui lòng người mời mình đến dự lễ cầu an.

Sự thành tựu của người nghe kinh paritta xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là Payoga sampatti và Ajjhāsaya sampatti.

(1)   Payoga sampatti nghĩa là có sự tinh tấn cần thiết khi nghe tụng kinh Paritta bằng cách chấp tay với lòng thành kính sâu sắc, tâm chuyên chú vào kinh Paritta, không phóng dật.

(2)   Ajjhāsaya sampatti nghĩa là nghe kinh Paritta với sự nhiệt tình, với sự tin tưởng đầy đủ trong hiệu lực và kết quả lợi ích của kinh Paritta khi nghe, không phải vì bắt buộc và miễn cưỡng làm vui lòng người mời mình đến nghe kinh Paritta mà với ước muốn thiện là để tạo phước.

Những người nghe kinh Paritta nên tránh xa hai yếu tố Vippatti như đã nêu ra ở trên và cố gắng thành tựu cho được hai Sampatti để đạt được lợi ích của sự hộ trì tránh khỏi những tai họa sắp xảy ra.

Người tụng kinh Paritta cũng phải tránh xa hai yếu tố thất bại và thành tựu cho được hai yếu tố thành công và người nghe cũng phải như vậy.

Những bài kinh Paritta có oai lực lớn nhất

 

  1.     Ratana Sutta – Kinh Châu báu có oai lực tỏa rộng khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Bài kinh đem lại sự giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa) và sự chứng ngộ Niết bàn cho năm trăm (5 lakhs) tám mươi ngàn nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Do đó đây là bài kinh Paritta có oai lực hay ảnh hưởng rất lớn.
  2.   Maṅgala Sutta –Hạnh phúc Kinh có oai lực tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Vô số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã giác ngộ đạo quả và chứng ngộ Niết bàn do nghe bài kinh này.
  3.   Metta Sutta – Từ bi Kinh là bài kinh nổi tiếng có oai lực to lớn.  Oai lực của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Bài kinh đã giúp cho những vị tỳ khưu trú ngụ trong rừng sâu chứng đắc đạo quả A-la-hán do chấm dứt các lậu hoặc (āsava). Bằng sự tu tập siêng năng và đầy đủ đúng theo những lời chỉ dạy trong bài kinh, người ta chắc chắn sẽ đạt được đạo quả giải thoát. Do đó, bài kinh có oai lực lớn.
  4.     Khandha Sutta – Kinh Hộ trì uẩn là bài kinh có nhiều oai lực, ảnh hưởng của kinh tác động đến một trăm ngàn koṭi thế giới. Kinh có khả năng làm vô hiệu hóa chất độc trong mọi lúc. Bài kinh là những phần mô tả ân đức và oai lực của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng và những kết quả lợi ích của pháp từ ái (metta). Như vậy đây là bài kinh Paritta đem lại những kết quả lợi ích lớn nhất.
  5.     Dhajagga Sutta – Kinh Ngọn cờ cũng là bài kinh có oai lực lớn, ảnh hưởng của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koti thế giới. Sự quán niệm về các ân đức của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng được tán dương trong bài kinh là phương tiện làm tăng trưởng năng lực trí tuệ, thọ hưởng hạnh phúc của chư thiên suốt ba ngàn đại kiếp, được tái sanh làm Sakka tám chục lần, làm Chuyển luân vương một ngàn lần, làm một vị vua hay hoàng đế một ngàn lần; luôn luôn giàu có và thịnh vượng trong mỗi kiếp sống, tài sản mà người sở hữu không thể bị mất, bị đánh cắp hoặc bị tiêu diệt. Trong một trăm ngàn đại kiếp thế giới, người ấy sẽ không tái sanh vào các khổ cảnh cũng không bị sợ hãi khiến lông tóc dựng đứng và nổi da gà. Đó là oai lực hùng mạnh của bài kinh này mà cứu cánh là đưa người đến chỗ chứng đắc đạo quả A-la-hán.
  6.     Bojjhañga Sutta – Hộ Kinh Thất giác chi là bài kinh có oai lực to lớn, tác động đến một trăm ngàn koṭi thế giới, có năng lực ngăn ngừa tai họa và bịnh tật. Sự tu tập đầy đủ các pháp Thất giác chi được chỉ rõ trong bài kinh dẫn đến chứng ngộ Niết bàn ngay trong kiếp hiện tại này do nhờ giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa)
  7.     Āṭānāṭiya Sutta – Kinh hộ trì Āṭānāṭiya đầu tiên được soạn ra bởi Tứ thiên vương ở cõi Catumahārājika sau khi ngồi lại với nhau ở thành phố chư thiên Alanata. Trước hết họ đảnh lễ bảy vị Phật,  tán dương ân đức của các Ngài. Rồi họ soạn ra bài kinh và công bố rằng: “ Những vị chư thiên ngang ngạnh và phóng đãng như dạ-xoa, là những kẻ không chịu nghe theo những lời dạy của Đức Phật, không chịu tuân theo những điều cấm kỵ do chính chúng tôi soạn ra sẽ bị trừng phạt theo những điều luật của chư thiên. Rồi Tứ thiên vương đi đến Đức Phật dẫn theo thiên binh thiên tướng và trình bày với Đức Phật về bài kinh rất oai lực này do họ soạn ra. Đức Phật dạy bài kinh này đến các vị tỳ khưu và như vậy nó trở thành bài Hộ kinh – Paritta có quyền lực rất hùng mạnh.

Bộ Chú giải tương ứng có nêu ra phương pháp tụng bài kinh này như sau:

Trường hợp những người bị nhập bởi các loài dạ-xoa, quỷ và phi nhân ác, thì không nên tụng bài Ātānātiya Sutta đầu tiên. Trong bảy ngày liên tục, nên tụng các bài Mettā Sutta, Dhajagga Sutta và Ratana Sutta. Nếu người bị nhập hết bịnh và bình thường lại sau khi tụng những bài kinh này, thì không cần thiết phải tụng thêm bài kinh Ātānātiya Sutta.

Sau khi đã tụng đọc ba bài kinh đầu liên tục bảy ngày mà kết quả không đạt được thì tụng bài kinh Ātānātiya Sutta. Vị tỳ khưu tụng bài kinh Ātānātiya Sutta không nên ăn các loại bánh làm bằng bột mì, thịt và cá. Vị ấy cũng không nên trú ngụ ở bãi tha ma. Sở dĩ như vậy vì nếu một vị tỳ khưu ăn bánh bột, thịt và cá và ở nơi bãi tha ma, vị ấy có thể bị phi nhân ác nhập vào. Chỗ được chọn để tụng kinh Paritta phải sạch sẽ, gọn gàng và nên rắc bột nghệ.

Vị tỳ khưu tụng kinh Paritta khi đi từ tịnh xá đến tư gia nên được hộ tống bởi một nhóm người bảo vệ có trang bị cung tên, khiên, gươm và giáo. Vị tỳ khưu không nên tụng kinh Paritta ở ngoài trời ; cổng, cửa sổ và cửa lớn của căn nhà phải được đóng kỹ và vị tỳ khưu nên ngồi gần nhóm người hộ vệ. Rồi với tâm đầy từ ái, vị ấy tụng kinh Paritta đúng theo sự hướng dẫn sau đây:

Điều chính yếu là người bị nhập trước hết phải thọ trì ngũ giới, tiếp theo là tụng kinh Paritta. Nếu những biện pháp ngăn ngừa như vậy không đuổi được phi nhân ác đi thì người bị nhập nên được dẫn đến tịnh xá và để nằm trên cái bục cao của chùa. Cái bục nên được quét dọn sạch sẽ và đốt những ngọn đèn cúng. Rồi những bài kệ và văn xuôi bằng tiếng Pāḷi như ‘Diva tapati adicco’, v.v… được tụng lên để đem lại sự an lành. Sau đó công bố rằng tất cả các vị tỳ khưu đã hội họp tại chỗ ấy.

Rồi một người nào đó đi đến khu rừng gần đó, nơi có cây đại thọ và thỉnh mời vị hộ thần ấy với những lời như vầy: “ Tất cả các vị tỳ khưu đều muốn mời ngài đến chỗ hội họp.” (Lời mời như vậy của các vị tỳ khưu không bao giờ bị chối từ).

Rồi người bị nhập được hỏi: “ Ngươi tên gì?” (Ví dụ người ấy tên là Naradeva). Người ấy nên được gọi bằng cái tên ấy, “Này Naradeva, ông đã được phần phước từ sự cung cấp chỗ ngụ đến chư Tăng, phần phước từ sự cúng dường hoa và vật thơm, từ sự cúng dường vật thực đến chư Tăng; các vị tỳ khưu cũng đã tụng những bài kinh an lành như bài Maṅgala Sutta, v.v… như là món quà Pháp thí đến ông. Do vậy, khi suy xét những hành động thiện này và sự tôn kính đến chúng Tăng, chúng tôi nguyện cho ông được khỏi bịnh.”

Nếu những biện pháp như vậy không đem lại sự giải thoát khỏi việc chiếm nhập của phi nhân, tình thế nên được công bố đến chư thiên thiện: “ Hỡi chư thiên thiện, các vị biết rõ rằng vị phi nhân ác, ngang bướng này không quan tâm đến yêu cầu của chúng tôi được thực hiện bởi lòng từ bi. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầu đến oai lực của Đức Phật.” Khi nói vậy, bài kinh Ātānātiya Sutta nên được tụng lên.

Phương pháp kể trên chỉ có thể áp dụng cho những người cư sĩ. Đối với vị tỳ khưu bị phi nhân nhập thì phòng của vị ấy nên được quét dọn sạch sẽ gọn gàng. Rồi thỉnh tất cả chúng Tăng đến tại nơi đó. Sau khi chia sẻ những việc phước từ sự cúng dường hoa và vật thơm,v.v… thì bài kinh Ātānātiya Sutta nên được tụng lên giống như trên.

Như vậy cách tụng bài Ātānātiya Sutta được mô tả chi tiết trong bộ Chú giải về bài Ātānātiya Sutta. Một khi sự tụng đọc đúng phương pháp, có hệ thống như đã được mô tả trong bộ Chú giải thì bài Ātānātiya Sutta sẽ có oai lực, quyền lực và ảnh hưởng lớn.

Cũng vậy, những bài kinh Paritta khác cũng có oai lực và ảnh hưởng to lớn theo cách riêng của chúng. Nói tóm lại, những lời dạy của Đức Phật, như Piṭaka chứa năm bộ Nikāya, đều có oai lực to lớn, ảnh hưởng của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới, làm tăng trưởng hạnh phúc và sự thịnh vượng trong lãnh vực thế gian lẫn siêu thế gian. Kinh xua tan tất cả các loại tai họa và dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường đến chứng ngộ Niết bàn do nhờ sự giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa). Những kim ngôn của Đức Phật được tôn trí trong  các  bộ  Nikāya  của  kinh  tạng  Piṭaka  là  những  lời  dạy cao  quý nhất và những lời kinh được xem là có oai lực vô lượng, sức mạnh và ảnh hưởng lớn.

Yaṃ Buddho bhāsatte vācaṁ

khemaṁ Nibbanna pattiyā

dukkhassantakiriyāya

sā ve vācānamuttamā.

Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác, do lòng bi mẫn to lớn đã thuyết giảng năm bộ Nikāya, với mục đích chứng đắc Niết bàn, chấm dứt tất cả sầu khổ. Những lời do Đức Phật nói ra như được ghi lại trong các bộ Nikāya của tạng Kinh thắng trội hơn tất cả những ngôn từ khác, hoàn toàn trong sáng và dẫn đến an lạc.

(Sagatha Vagga Saṁ yutta Pāḷi Text)

Tích chuyện Bồ tát Bà la môn Sankha

 

Sau nửa tháng ngụ ở kinh thành Vesali, Đức Phật bảo các vị hoàng tử Licchavi rằng: “ Chúng tôi sẽ ra đi,” là cách nói lời tạm biệt.

Nhân đó các vị Licchavī tôn kính cúng dường Đức Phật gấp đôi so với sự tôn kính cúng dường của vua Bimbisāra và trong ba ngày, họ cung tiễn Ngài đến bờ sông Hằng.

Các vị rồng ở khu vực dưới sông Hằng bàn luận và nhất trí với nhau rằng: “ Loài người đã tôn kính cúng dường Đức Phật rất to lớn, tại sao chúng ta không làm như thế? Chúng ta cũng sẽ làm như vậy.” Họ bắt đầu tạo ra những chiếc thuyền bằng vàng, bằng bạc và những chiếc thuyền bằng ngọc lục bảo, phủ khắp mặt nước sông Hằng năm loại hoa sen. Rồi họ đi đến Đức Thế Tôn và tác bạch rằng: “ Bạch Đức Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đối với chúng con mà cho chúng con đặc ân được tôn kính cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tăng.”

Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của các vị long vương và  bước lên chiếc thuyền do họ hóa ra, được trang hoàng bởi các loại châu báu. Mỗi vị tỳ khưu trong số năm trăm vị cũng được thỉnh lên một chiếc thuyền bằng châu báu. Rồi các vị long vương đưa Đức Thế Tôn và năm trăm vị tỳ khưu đến cõi rồng. Đức Phật thuyết pháp suốt đêm để đem lại lợi ích cho chúng sanh ở cõi rồng. Sáng hôm sau, lễ cúng dường to lớn bằng vật thực của chư thiên được các vị long  vương dâng cúng đến Đức Phật và năm trăm vị tỳ khưu. Sau khi thuyết pháp tùy hỉ công đức cúng dường của họ, Đức Thế Tôn lên đường từ giã cõi rồng.

Các vị chư thiên địa cầu (bhumma deva) cũng thỏa thuận rằng: “ Loài người và loài rồng đã cúng dường to lớn đến Đức Phật, tại sao chúng ta không làm như thế? Chúng ta cũng sẽ làm giống như họ.” Họ bắt đầu cúng dường Đức Phật bằng cách dựng lên những cái lọng thù thắng quý báu khắp các ngọn đồi, khu rừng và cây cối. Tương tự như thế, những sự cúng dường được chư thiên thực hiện cho đến cõi Phạm thiên sắc cứu cánh (Akanittha).

Vua Bimbisāra lại cúng dường tôn vinh Đức Thế Tôn một cách trọng đại gấp đôi sự cúng dường của các vị Licchavī khi cung rước Đức Thế Tôn và chúng tỳ khưu đến tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha suốt cuộc hành trình mất năm ngày.

Khi Đức Thế Tôn về đến tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha, các vị tỳ khưu cu hội ở giảng đường chánh pháp vào buổi chiều để bàn luận các vấn đề liên quan đến thiền. Sự bàn luận của họ thường bị cắt ngang bởi những lời đàm thoại như:

“ Oai đức của Đức Thế Tôn quả thật kỳ diệu! Dãi đất bên này sông Hằng dài năm do tuần và dãi đất bên kia sông Hằng dài ba do tuần, tổng cộng tám do tuần. Mặt đất ở cả hai bên không bị lồi lõm ở bất cứ chỗ nào. Mặt đường ở khắp nơi đều bằng phẳng, được phủ lên một lớp cát trắng và rải hoa các loại.

Mặt nước sông Hằng, rộng một do tuần, phủ đầy các loại sen năm sắc. Khắp vùng được trang hoàng bởi những cái lọng trắng thấu đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh.” Sự bàn luận của họ về pháp thiền thường bị gián đoạn bởi những lời như vậy để tán dương ân đức của Đức Phật.

Hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, Đức Phật rời Hương phòng đi đến giảng đường Chánh pháp và ngồi vào Phật tọa. Đoạn Ngài hỏi các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, các vị đang luận bàn về đề tài gì vậy?” Khi nghe câu trả lời của họ, Đức Phật nói rằng:

“ Cách thức tôn vinh kỳ diệu như vậy không phải do oai đức của một vị Phật, cũng không phải do năng lực của các vị rồng, chư thiên và Phạm thiên. Sự tôn vinh như vậy nên xem là những quả phước phát sanh từ một việc thiện nhỏ mà Như Lai đã làm trong quá khứ.”

Khi Đức Thế Tôn gợi ý như vậy, các vị tỳ khưu bèn đến trước Ngài và thỉnh cầu rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không biết gì về việc bố thí nhỏ trong quá khứ của Đức Thế Tôn. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con mong rằng có thể biết rõ đầy đủ về hành động bố thí ấy. Nhân đó, Đức Phật bắt đầu kể lại câu chuyện quá khứ như sau:

“ Này các tỳ khưu, chuyện xảy ra trong quá khứ là thế này. Có một vị Bà-la-môn tên là Saṅkha ở tại thành phố Takkasila. Vị ấy có một đứa con trai tên là Susima, mười sáu tuổi. Một hôm Susima đi đến cha với thái độ đầy tôn kính. Khi ấy cha của cậu ta hỏi rằng: “ Này con thân, có chuyện gì với con vậy?” Susima đáp lại rằng: “ Thưa cha, con muốn đi đến Bārāṇasī để học các môn học”. Cha của cậu ta nói rằng: “ Này con thân, có một vị giáo sư Bà-la-môn tại Bārāṇasī. Ông ấy là bạn thân thời thơ ấu của cha, con có thể đi đến và học với vị ấy.” Rồi ông ta trao cho con trai một ngàn đồng để chi dụng cần thiết.

Susima cúi lạy cha mẹ rồi cầm số tiền lên đường đi đến Bārāṇasī. Khi đến nơi, cậu ta đi đến vị giáo sư và làm lễ thầy với sự tôn kính sâu sắc. Cậu thưa với vị giáo sư rằng cậu ta là con trai của Bà-la-môn Saṅkha ở Takkasila. Vị giáo sư vui vẻ đón tiếp cậu ta và nói rằng: “ Như vậy con là đứa con trai của bạn ta.”

Nghỉ ngơi một lúc, Susima đi đến vị giáo sư và đặt túi tiền dưới chân ông, cậu xin phép thầy truyền đạt kiến thức của các môn học. Vị thầy hoan hỉ nhận lời. Susima cố gắng hết sức mình để học hỏi càng nhiều càng tốt, trong thời gian ngắn nhất, bổ túc mọi thứ cho kiến thức vốn có của cậu ta, giống như mỡ quí báu của con sư tử được cất giữ trong cái bát bằng vàng. Vì cậu ta có sẵn các pháp Ba-la-mật nên cậu ta đã hoàn thành khóa học trong vài tháng thay vì phải mất mười hai năm đối với một cậu học sinh bình thường.

Khi Susima đang học về kinh Phệ đà, cậu khám phá ra rằng chỉ có phần đầu và phần giữa của chủ đề được bàn đến, còn phần cuối thì không được tìm thấy ở trong đó. Cậu ta trình bày vấn đề ấy với vị giáo sư và nói rằng: “ Thưa thầy, bộ kinh Phệ đà này chỉ bàn đến phần đầu và phần giữa của chủ đề, còn phần cuối thì không tìm thấy.” Nhân đó, vị giáo sư thừa nhận rằng vị ấy cũng không tìm thấy nó. Rồi Susima hỏi vị giáo sư: “ Thưa giáo sư, có ai biết tất cả từ đầu đến cuối của chủ đề ấy không ạ?” Vị giáo sư đáp lại: “ Này Susima con, chư Độc giác Phật sống trong rừng Isipathana Migadaya chắc chắn có thể biết.” “Nếu vậy, xin thầy cho phép con đi hỏi những vị Độc giác Phật ấy về điều đó.” Chàng trai Susima yêu cầu. Vị giáo sư cho phép cậu ta và nói rằng: “ Này con Susima, con hãy làm theo ý con.”

Susima vốn là người đã thành tựu các pháp Ba-la-mật, bèn đi vào khu rừng Isipathana, Migadaya, rồi đi đến các vị Phật Độc giác với tâm thành kính và hỏi rằng: “ Kính thưa chư đại đức, các ngài có biết các đề tài trong kinh Phệ đà từ đầu chí cuối không?” “Biết, chúng tôi biết, này thiện nam Susima,” họ đáp lại. Rồi cậu ta thỉnh cầu họ: “ Xin vui lòng dạy cho con phần cuối của kiến thức mà không có trong kinh Phệ đà.” Chư Phật Độc giác nói với cậu ta rằng: “ Này thiện nam Susima, con sẽ phải từ bỏ thế gian và trở thành vị Sa-môn. Chỉ có vị tỳ khưu mới học được điều ấy.” Susima đồng ý và nói rằng: “ Lành thay, thưa chư đại đức. Xin hãy truyền phép xuất gia Sa-môn cho con. Các ngài có thể hướng dẫn con làm bất cứ điều gì cần thiết, miễn là nó giúp con học được phần cuối của kiến thức Phệ đà.” Cậu ta được truyền phép xuất gia tỳ khưu như đã yêu cầu và được dạy cách mặc y cho đúng và gọn gàng. Họ chỉ có thể dạy cậu ta về Đẳng chánh hành giới – ābhisamācārika sīla, và không dạy pháp thiền nào (không giống như chư Phật Toàn Giác, họ không có khả năng chỉ dạy cách thực hành thiền Minh sát – Vipassanā).

Vị tỳ khưu mới xuất gia Susima chuyên tâm thọ trì Đẳng chánh hành giới – ābhisamācārika sīla theo đúng sự chỉ dẫn của chư Phật Độc giác. Vì những việc phước trong quá khứ tạo thành cận y duyên (upanissaya) cho việc chứng đắc Độc giác Phật trí (Paccekabuddha- ñāṇa) nên thực hành sau một thời gian ngắn, vị ấy trở thành Độc giác Phật. Vị ấy đạt đến đỉnh cao của sự vinh quang, đạt được nhiều danh tiếng và đông đảo đệ tử và đồ chúng. Nhưng vì những ác nghiệp trong quá khứ làm hạn chế tuổi thọ, vị ấy sống không lâu và nhập Niết bàn khi còn trẻ. Nhục thân của vị ấy được chư Phật Độc giác và dân cư của kinh thành Bārāṇasī đem hỏa thiêu. Xá lợi của vị ấy được tôn trí trong một bảo tháp được xây ở gần cổng thành.

Một hôm nọ, người cha già, vị Bà-la-môn Saṅkha, nghĩ đến đứa con trai của ông ta: “ Con trai của ta ra đi đã lâu mà không có tin tức gì từ nó cả.” Thế nên ông rời khỏi Takkasila lên đường với mong mỏi được gặp đứa con trai và cuối cùng ông ta đến cổng thành Bārāṇasī. Ông thấy đông người đang tụ tập gần một bảo tháp tại chỗ đó, và nghĩ rằng một người nào đó trong đám đông có thể sẽ biết một điều gì đó về con trai của ông, ông đi đến họ và dò hỏi: “ Thưa các bạn, có một chàng trai tên là Susima, đã đến Bārāṇasī để học, có lẽ một người nào đó trong các bạn biết được nó?”

 

“Vâng, chúng tôi biết, thưa ông Bà-la-môn. Chàng trai Susima ấy sau khi học hết kiến thức của kinh Phệ-đà dưới sự chỉ dạy của một vị giáo sư ở kinh thành Bārāṇasī, đã xuất gia Sa-môn ở chỗ của các vị Phật Độc giác. Và cuối cùng trở thành một vị Phật Độc giác do chứng đắc Độc giác Phật trí (Paccekabuddha-ñāṇa). Bây giờ vị ấy đã nhập Vô dư Niết bàn (Anupādisesa Nibbāna). Đây là bảo tháp tôn trí Xá-lợi của vị ấy.”

 

Sau khi nghe tin đầy xúc động này, ông lão Bà-la-môn đáng thương khóc lóc thảm thiết, lăn lộn và đập tay xuống đất nhiều lần. Sau khi than khóc thương tiếc vì sự mất mát đứa con trai yêu quí, ông đi vào khuôn viên của bảo tháp và nhổ cỏ, lấy cát trắng ở gần đó và rải quanh bảo tháp. Ông dùng cái bình múc nước đổ xuống quanh nền của bảo tháp để bụi đất không dấy lên, rồi ông ta đi hái thật nhiều hoa dại dâng cúng bảo tháp. Cuối cùng ông ta lấy cái khăn đắp vai của mình xếp thành hình lá cờ, rồi buộc vào cái dù mà ông ta đã mang theo và dựng nó lên trên đỉnh của bảo tháp. Rồi ông ta ra đi.

 

Sau khi đã kể lại câu chuyện quá khứ như vậy, Đức Phật chỉ ra mối tương quan giữa những biến cố trong quá khứ với những biến cố trong hiện tại như sau:

“ Này các tỳ khưu, các con ắt thắc mắc muốn biết vị Bà-la-môn Saṅkha là ai. Các con không cần suy nghĩ nhiều về điều đó. Vị Bà-la- môn Saṅkha chẳng ai khác, đó chính là Như Lai.

(1)     Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã quét dọn sạch sẽ khuôn viên của bảo tháp tôn trí xá-lợi của vị Phật Độc giác Susima. Do việc phước này cho quả lợi ích khiến dân chúng làm vệ sinh sạch sẽ và san bằng con đường dài năm do tuần ở bên này sông Hằng và ba do tuần ở bên kia sông.

(2)     Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã rải cát lên khuôn viên bảo tháp của Đức Phật Độc giác. Do kết quả lợi ích phát sanh từ việc phước ấy, nên mọi người đã rải cát suốt con đường dài tám do tuần.

(3)     Như Lai khi ấy, là một Bồ tát, đã hái thật nhiều hoa dại cúng dường bảo tháp. Việc phước này của Như Lai cho kết quả là nhân loại và chư thiên rải xuống nhiều loại hoa trên mặt đất và trên mặt nước xa khoảng chín do tuần.

(4)     Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã tưới nước xuống sân nền bảo tháp của Đức Phật Độc giác để ngăn chặn bụi đất không bay lên. Do kết quả lợi ích của việc phước này khiến đám mưa Pokkharavasa rơi xuống khi Như Lai đặt chân đến vùng đất của xứ Vesali.

(5)     Như Lai khi ấy, là một vị Bồ-tát, đã dựng lên một lá cờ ở bảo tháp của Đức Phật Độc giác và dựng lên một cái dù ở trên đỉnh của bảo tháp ấy. Do nguyên nhân của việc phước ấy khiến những lá cờ được dựng lên khắp lối đi thấu đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh  và những cái lọng trắng cũng được dựng lên ở khắp nơi.

Này các tỳ khưu, sự tôn kính cúng dường Như Lai một cách kỳ diệu như vậy không phải do những oai đức của Như Lai, là một vị Phật, cũng không phải do oai lực của các vị rồng, chư thiên và Phạm thiên. Sự cúng dường ấy được xem là những kết quả lợi ích phát sanh từ một việc phước nhỏ mà Như Lai đã thực hiện khi còn là Bồ tát, trong kiếp sanh làm Bà la môn Saṅkha. Rồi để kết thúc thời Pháp, Đức Phật thuyết giảng câu kệ sau đây:

 Mattāsukhapariccāgo

Passe ce vipulaṁ sukhaṁ

caje mattāsukhaṁ dhīro
sampassaṁ vipulaṁ sukhaṁ.

 

Khi biết rằng một hành động xả ly bằng cách hy sinh những cảm thọ lạc thú mà chỉ cho một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, lại đem đến quả báu to lớn như hạnh phúc của Niết bàn, khi ấy người có trí chắc chắn sẽ từ bỏ lạc thú nhỏ nhoi ấy để mưu cầu hạnh phúc Niết bàn.

Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều chúng sanh chứng đạo quả Nhập lưu (Sotāpatti-magga-phala), v.v…

Kết thúc bài pháp về bà la môn Saṅkha

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app