CHƯƠNG 17

CHUYẾN ĐI CỦA ĐỨC PHẬT ĐẾN KAPILAVATTHU

 

Đức Phật rời khỏi tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha để lên đường đi đến Kapilavatthu, tháp tùng có hai chục ngàn vị la-hán, gồm mười ngàn vị xuất thân từ những gia đình phạm hạnh thuộc hai nước Aṅga và Magadha và mười ngàn vị A-la-hán còn lại xuất thân từ những gia đình ở Kapilavatthu. (Vào thời kỳ hạ tuần trăng của tháng Phagguna, 103 Mahā Era), đi với nhịp độ một do tuần mỗi ngày với hy vọng sẽ đến Kapilavatthu trong vòng hai tháng, trải qua chặng đường dài sáu mươi do tuần. Nhịp độ đi không quá nhanh như vậy được gọi là ‘aturita’.

Đức vua Suddhodana cung cấp vật thực đến Đức Phật

Khi Đức Phật lên đường đi đến kinh đô Kalipavatthu với nhịp độ có tên gọi là aturita thì Trưởng lão Kaludāyi tự nghĩ: “ Ta phải đi trước để báo tin với vua Sudhodana về sự lên đường đến Kalipavatthu của Đức Phật,” rồi vị ấy vận thần thông đi đến kinh đô bằng con đường hư không và đáp xuống hoàng cung. Vua Suddhodana lấy làm vui sướng khi trông thấy trưởng lão Kaludāyi và tiếp đón vị ấy bằng những lời thăm hỏi ấm cúng: “ Xin chào, hỡi Kaludāyi yêu quí, hãy an tọa (trên chỗ ngồi dành cho những nhân vật quí tộc).” Rồi đức vua dâng đến trưởng lão một bát vật thực gồm những món ăn thượng vị được sửa soạn dành cho chính đức vua.

Khi trưởng lão Kaludāyi tỏ dấu hiệu chuẩn bị ra đi, vua Suddhodana bèn nói rằng: “Xin hãy thọ thực trên bảo tọa,” trưởng lão đáp lại: “ Tâu bệ hạ, bần Tăng chỉ độ món vật thực này trước mặt Đức Thế Tôn.” Rồi đức vua dò hỏi: “ Này Kaludāyi yêu quí, Đức Phật hiện giờ đang ở đâu?” Trưởng lão đáp lại: “ Đức Phật với hai chục ngàn vị A-la-hán tháp tùng đang trên đường đến thăm bệ hạ,” đức vua vô cùng vui sướng khi nghe tin kiết tường này và nói rằng: “ Vậy trẫm thỉnh Ngài hãy độ thực tại đây và đem vật thực đến Đức Thế Tôn mỗi ngày cho đến khi Đức Thế Tôn đến đây.” Trưởng lão Kaludāyi nhận lời bằng cách làm thinh.

Sau khi chờ đến khi trưởng lão Kaludāyi độ thực xong, đức vua cho người rửa sạch bát bằng bột thơm trước khi bỏ đầy vào đó một bát vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm, rồi trao nó đến trưởng lão và nói rằng: “Xin ngài hãy dâng bát vật thực này đến Đức Phật.” Trưởng lão Kaludāyi làm cho cái bát bay lên không trung đi trước vị ấy rồi chính trưởng lão cũng bay lên đi theo cái bát trước sự ngạc nhiên và thán phục của các quan thần. Rồi trưởng lão dâng bát vật thực đến Đức Phật và Ngài độ lấy nó. Mỗi ngày trưởng lão Kaludāyi đều đi đến hoàng cung và đem vật thực về dâng lên Đức Phật. Như vậy suốt chuyến đi, Đức Phật được hộ độ bằng vật thực do vua Suddhodana gởi đến.

Mỗi ngày sau bữa ăn tại hoàng cung, đại đức Kaludāyi thường công bố tin tức về Đức Phật như vầy: “ Ngày hôm nay, Đức Thế Tôn đã đi được chừng này chặn đường.” Qua lời công bố này, trưởng lão đã cho mọi người trong hoàng cung biết về các ân đức kỳ diệu của Đức Phật. Sở dĩ trưởng lão làm như vậy là để gieo niềm tin vào các quyến thuộc trong hoàng cung trước khi họ được tận mắt nhìn thấy Ngài.

(Vì lý do này mà Đức Phật đã công bố trước chúng Tăng là: “Etadagga, etadaggaṁ bhikkhave mama sāvakānaṁ bhikkhūnaṁ kulappasādakānaṁ yadidaṁ Kāludāyi – Này các tỳ khưu, Kāludāyi vượt trội những vị khác về việc làm gia tăng niềm tin trong các quyến thuộc hoàng tộc đối với Như Lai.”)

Đây là cách Đức Thế Tôn và hai chục ngàn vị La-hán đi đến kinh đô Kapilavatthu trong an lạc, trải qua hai tháng, vào ngày mồng 1 tháng Vesakha, năm 104, Đại lịch, suốt lộ trình dài sáu mươi do tuần với nhịp độ aturita là đi một do tuần trong một ngày.

Đức Phật thị hiện song thông

Tất cả mọi người trong bộ tộc Thích ca do vua Suddhodāna dẫn đầu đã tụ họp để bàn bạc nên tỏ sự tôn kính đến Đức Phật, người quyến thuộc cao quý của họ, như thế nào khi Ngài đến tại kinh đô Kapilavatthu. (Điều đầu tiên trong chương trình nghị sự) là chỗ ăn ở dành cho Đức Thế Tôn, và cuối cùng họ đi đến kết luận nhất trí rằng khu vườn Nigrodha là địa điểm thích hợp và khả ái nhất, đầy đủ mọi tiện nghi như cây to bóng mát, nguồn nước, gần thị trấn, dễ liên lạc và trên hết là sự thanh tịnh vắng vẻ. Có đầy đủ năm thứ dự phòng cần thiết làm hài lòng chư Phật. Và họ đã xây dựng già lam ấy với đầy đủ mọi tiện nghi dành cho Đức Phật. Khi tất cả mọi thứ đều sẵn sàng, họ đi thành đoàn, mỗi người trên tay cầm những bông hoa, để cung đón Đức Phật.

  1. a)      Những bé trai và bé gái ăn mặc xinh đẹp (là con cái của thường dân trong kinh thành) dẫn đầu đoàn người.
  2. b)        Theo sau chúng là các hoàng tử và công chúa mặc lễ phục rực rỡ.
  3. c)      Tiếp theo là những người còn lại trong bộ tộc Thích Ca, họ mang theo những cành hoa và bột thơm để làm lễ vật cúng dường Đức Phật. Đoàn người cung rước đi đến khu vườn Nigrodha.

Khi đến khu vườn Nigrodha cùng với hai chục ngàn vị la-hán, Đức Phật vào ngồi trên pháp tọa đã được sắp sẵn dành cho Ngài.

Vốn mang bản tánh kiêu mạn về dòng tộc, những vị Thích ca tự nghĩ: “Thái tử Siddhattha về tuổi tác thì rất nhỏ so với chúng ta, chỉ đáng vai em, vai con hoặc cháu của chúng ta.” Bởi vậy họ bảo các vị hoàng tử trẻ rằng: “Này các con, các con hãy đảnh lễ. Về phần chúng ta, chúng ta sẽ ngồi sau các con.” Trông thấy vậy, Đức Thế Tôn nhận ra cảm nghĩ trong lòng về sự kiêu mạn mạnh mẽ của dòng tộc đang trỗi dậy trong các vị Thích ca và Ngài khởi quyết định: “Những quyến thuộc đầy cao ngạo của Ta về tuổi tác đã già đi một cách vô ích và vì thế mà không tỏ sự tôn kính đến Ta. Những quyến thuộc đầy ngã mạn ấy họ hoàn toàn không biết ‘Thực tánh của một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác; uy lực của chư Phật. Họ không biết bản tánh của vị  Chánh biến tri và thế nào là uy lực của chư Phật.’ Bây giờ Ta sẽ cho họ thấy uy lực của một vị Phật bằng cách thị hiện Song thông gồm nước và lửa, đồng loạt phun ra từ các nơi trên thân của Ta, và đồng thời sẽ hóa ra một con đường kinh hành trong hư không chạy dài qua mười ngàn thế giới và Ta sẽ đi kinh hành trên đó, trút xuống cơn mưa Pháp đến những chúng sanh đã tụ họp nơi đây tùy theo căn tánh của họ.” Vì quyết định này của Đức Phật mà chư thiên và Phạm thiên khắp mười ngàn thế giới đồng thanh hô vang ‘Sadhu! Sadhu! Lành thay ! Lành thay!’ để tán dương Đức Phật.

Ngay sau khi suy nghĩ và quyết định, Đức Phật nhập vào tứ thiền lấy màu trắng (odāta kasina) làm đề mục. Khi bay lên không trung, Ngài tác nguyện ‘Mười ngàn thế giới hãy sáng rực lên’ và mười ngàn thế giới trở nên sáng rực trước sự hoan hỉ vô cùng của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong khi họ đang hân hoan như vậy thì Đức Phật đi lên không trung bằng thần thông xuất phát từ tứ thiền và thị hiện Song thông gồm nước và lửa phát ra từ mười hai chỗ khác nhau trên thân: (1) phần trên và phần dưới, (2) đằng trước và đằng sau của thân, (3) ở mắt phải và mắt trái, (4) ở hai tai, (5) ở mũi, (6) ở hai vai, (7) ở hai tay, (8) ở các mặt của thân, (9) ở hai chân (10) ở các ngón tay, ngón chân và kẽ giữa của chúng, (11) ở mỗi sợi lông trên thân, (12) ở các lỗ chân lông.

Song thông gồm nước và lửa, phát ra từng cặp từ những phần ấy trên thân, và tạo ra những kiểu khác nhau bằng sự hoán chuyển là đối tượng của sự ngưỡng mộ và những lời tán dương bất tận. Song thông ấy trông giống như những đám bụi từ dưới hai bàn chân của Đức Thế Tôn rải xuống đầu của những người trong bộ tộc Thích ca. Một cảnh tượng kỳ diệu trước sự chứng kiến của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.

Đức vua Suddhodāna đảnh lễ con lần thứ ba

 

Khi trông thấy cảnh thị hiện Song thông rất kỳ diệu, vua Suddhodāna cúi đầu đầy kính cẩn và bạch với Đức Phật rằng: “Hỡi con trai tôn kính, vinh quang, vào ngày sanh của con, khi ta cố gắng đưa lên hai bàn tay chấp lại hướng đến đạo sĩ Kaladevila để tỏ sự tôn kính đến vị ấy, ta trông thấy đôi chân của con được nâng lên và được đặt vững chắc trên đầu của vị đạo sĩ. Lần ấy là lần đầu tiên ta cúi đầu đảnh lễ con. Và vào ngày diễn ra lễ hạ điền, chúng ta để con ở một  chỗ thù thắng dưới bóng mát của cây trâm (dầu bóng râm của những cây khác đã bị lệch đi theo thời gian), bóng râm của cây trâm ấy vẫn tiếp tục che mát cho con mà không thay đổi bóng che của nó dù thời gian đã qua đi, đó là lần thứ hai ta đảnh lễ con. Giờ đây, sau khi đã chứng kiến cái cảnh tượng Song thông kỳ diệu khác thường mà trước kia ta chưa từng thấy, lần thứ ba ta đảnh lễ dưới chân.”

Khi vua cha Suddhodāna đảnh lễ dưới chân Đức Phật, thì tất cả những người trong bộ tộc Thích ca không trừ một ai, đều đảnh lễ Đức Phật.

 

Đức Phật hóa ra con đường châu báu và thuyết pháp

 

Sau khi nhiếp phục tánh ngã mạn của các quyến thuộc trong hoàng gia bằng sự thị hiện Song thông ở trên không trung và sau khi xem xét những vận hành trong tâm của họ, vì Đức Phật muốn thuyết pháp đến họ tùy theo căn tánh của họ, trong khi Ngài đang đi kinh hành, Ngài tạo ra con đường châu báu bằng tất cả các loại ngọc trải rộng từ đông sang tây xa đến mười ngàn thế giới.

Sau đây là bài mô tả tóm tắt về quy mô của con đường kinh hành. Lấy vũ trụ này làm trung tâm, mười ngàn ngọn núi Tu di (Meru) của mười ngàn thế giới hình thành chỗ dựa chính của toàn bộ cấu trúc của con đường và các dãy cột đều lấp lánh màu vàng như những cái cột bằng vàng. Phía trên là mặt đường châu báu, rộng rãi và sạch sẽ. Viền ngoài phía đông của con đường nằm ở rìa phía đông của thế giới xa nhất. Cũng thế, viền ngoài phía tây nằm ở rìa phía tây của thế giới xa nhất.

Bề mặt hai bên lề đường có màu vàng ròng. Phần giữa của con đường được chứa đầy các loại hồng ngọc, và những rui mè, xà, đều được làm bằng các loại ngọc lấp lánh. Mái che bằng vàng và những trụ ngắn ở hai bên đường đều bằng vàng. Hồng ngọc và ngọc trai phủ kín mặt đường giống như rải cát. Con đường rực rỡ như mặt trời đang chiếu sáng khắp các hướng.

Đức Phật với uy lực vô song bước đi chậm rãi trên con đường châu báu. Chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới đã hội về mang theo những bông hoa Mandārava, hoa sen và hoa san hô của Ấn độ và rải chúng trên con đường kinh hành để làm lễ vật cúng dường.

(Chú thích: nói về cây san hô Ấn độ, điều cần nêu ra ở đây là trong khi ba mươi ba chàng trai có giới đức, dẫn đầu là chàng trai Magha, đang làm các việc phước ở cõi người, họ đã trồng một cây để đem bóng mát cho mọi người. Do kết quả của việc phước ấy, một cây san hô xuất hiện ở cõi Tāvatiṁsa, nơi mà họ tái sanh đến, mùi hương thơm ngát từ những bông hoa nở theo mùa của nó tràn ngập khắp mười ngàn do tuần trong cõi chư thiên ấy).

Khi Đức Phật đang đi kinh hành trên con đường châu báu thì chư thiên từ chỗ ngụ của họ hướng đến đảnh lễ Ngài, trong khi chư thiên khác do vui sướng đã tụ họp ở nhiều nơi khác nhau. Tất cả nhân loại, chư thiên, Phạm thiên, rồng (naga), kim-xí-điểu (garuda) và Thích-đề-hoàn-nhân (kinnara) đều hân hoan đảnh lễ cúng dường đến Đức Thế Tôn khi Ngài đang đi kinh hành trên con đường châu báu, như trăng rằm trên cao. (Ngoại trừ các vị Phạm thiên Vô tưởng và Vô sắc) tất cả Phạm thiên trong mười lăm cõi Phạm thiên hữu sắc (rupāvacara) với y phục trắng tinh khiết đã chấp tay đảnh lễ và thốt lên những lời tán dương như: “Bậc chiến thắng ngũ ma, Bậc đem lại phúc lạc cho tất cả chúng sanh, Bậc bảo vệ hạnh phúc của tất cả chúng sanh, Bậc có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh.” Những bông hoa màu nâu, đỏ, trắng, vàng, xanh cùng với bột chiên đàn được tung vào không trung để cúng dường. Giống như những cờ xí phất phơ trong không trung, họ cũng tung vẫy những chiếc khăn của họ như là hành động tôn vinh.

Đại đức Sāriputta cùng 500 vị A-la-hán đi đến

Sau khi thị hiện Song thông và tạo ra con đường châu báu, khi Đức Phật đang đi kinh hành trên con đường ấy trước sự tôn kính lễ  bái cúng dường của chư thiên và Phạm thiên, thì đại đức Sāriputta và năm trăm đệ tử của vị ấy đang ngụ ở trên sườn núi Kỳ-xà-quật (Gijjakutta) ở Rājagaha. Đại đức Sāriputta bằng thiên nhãn thông (dibbacakkhu abhiñña), trông thấy Đức Phật đang đi kinh hành trên con đường châu báu giữa bầu trời của kinh thành Kapilavatthu. Vị ấy nghĩ sẽ đi ngay đến Đức Phật và thỉnh cầu Ngài kể lại đầy đủ về các kiếp quá khứ khi Ngài còn làm vị Bồ tát. Đại đức liền triệu tập năm trăm vị A-la-hán đồng cư và nói với họ rằng:

“Thưa chư đại đức, Đức Phật đang thị hiện Song thông cùng với Thế giới khai hiện thần thông (lokavivaraṇa abhiñña) để thế gian kính ngưỡng và tôn kính. Chúng ta sẽ đến xem sự thị hiện của những năng lực thần thông này và đảnh lễ Đức Thế Tôn. Nào, thưa chư đại đức, tất cả chúng ta sẽ đến yết kiến Đức Phật và thỉnh cầu Ngài kể lại quá trình thực hành các pháp Ba-la-mật dẫn đến giác ngộ trong những kiếp quá khứ làm Bồ tát để diệt trừ hoài nghi mà chúng ta có lẽ có về vấn đề này.”

(Chú thích: Về câu nói của đại đức Sāriputta: “để diệt trừ hoài nghi – kankhaṁ vinodayussāma” có thể được hỏi rằng: “Tại sao đại đức Sāriputta lại nói như vậy, vì sự thật là các vị A-la-hán là những bậc đã đoạn diệt tất cả các lậu hoặc (āsava), các ngài đã hết hoài nghi?” Câu trả lời: Mười sáu loại hoài nghi (vicikiccha) đã bị đoạn tận ở tầng thánh Nhập lưu (sotāpatti-magga). Do đó các vị A-la-hán không còn bất cứ hoài nghi nào (về Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng hoặc về các kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai của họ). Hoài nghi (kankha) được đại đức Sāriputta nêu ra, không phải chỉ về hoài nghi đặc trưng (vicikicchā). Đại đức muốn đề cập là sự thiếu hiểu biết về những kiếp sống quá khứ của vị Bồ tát – vị Phật Chánh đẳng giác, trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, về những chi tiết liên quan đến đại kiếp mà các Ngài xuất hiện, tên, dòng dõi, thứ tự về sự xuất hiện của các Ngài, và thời gian tồn tại của giáo pháp của các Ngài, v.v… Giải rõ hơn: Đại đức Sāriputta  muốn hỏi Đức Phật về  Phật sử (Buddhavaṁsa) mà chỉ có Đức Phật mới có khả năng kể lại, chư Độc giác Phật và Thinh văn Phật không có khả năng như vậy. Vì không nằm trong sự hiểu biết của đại đức Sāriputta nên vị ấy mới nói rằng: “Chúng ta hãy loại trừ hoài nghi bằng cách đi đến Đức Phật và nêu lên thỉnh cầu này.” (Phần giải thích này được trích từ bộ Chú giải Buddhavaṃsa).

Sau khi đại đức Sāriputta nói như vậy, năm trăm vị La-hán đồng cư đã nhanh chóng kéo đến quanh vị ấy, mang theo y và bát.

Rồi đại đức Sāriputta cùng năm trăm vị A-la-hán đồng cư vận dụng thần thông bay xuyên qua hư không và đảnh lễ Đức Phật khi Ngài đang đi kinh hành trên con đường châu báu. Ngoài ra, cũng có các vị trưởng lão Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, v.v… họ cũng ở trên hư không và đang đảnh lễ Đức Phật.

Đức Phật thuyết giảng về những ân đức tối thắng của Ngài

Vì Đức Thế tôn biết rõ nhiệt tâm mạnh mẽ và tịnh tín đang khởi sanh trong năm trăm vị A-la-hán do đại đức Sāriputta dẫn đầu, Ngài tiếp tục thuyết giảng về những ân đức tối thắng và những pháp chứng của Ngài, bắt đầu bằng câu kệ:

Cattāro te asancheyyā Koti yesam na nāyati…

Này con, Sāriputta, có bốn pháp bất khả tư nghì, vô lượng, vô biên; sự khởi đầu và kết thúc của chúng không thể nào biết được, không thể dò hết được. Đó là: (1) chúng sanh, (2) hư không bao la, (3) các thế giới, (4) Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác.

(Vào lúc này, tâm của chư thiên và nhân loại đầy kinh ngạc về sự biến hóa kỳ diệu của Đức Phật. Tựa như Ngài muốn công bố với chư thiên và nhân loại rằng: “Vẫn còn những điều khác vượt trội các phép lạ này. Hãy lắng nghe Như Lai tiết lộ những điều kỳ diệu ấy.”)

“ Này Sāriputta, ngoài những phép lạ này, còn có nhiều điều rất kỳ diệu mà trước kia chưa bao giờ xảy ra và khi được phơi bày ra chắc chắn sẽ làm cho lông tóc của con phải dựng đứng.

“ Khi Như Lai mạng chung ở kiếp sanh làm vua Vessantara, sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp đại thí (cāga) và những hạnh đức khác (cariya), trong khi đang chờ đợi thời gian để chứng đắc Phật quả, Ta là vị thiên mang tên Santusita, đang thọ hưởng lạc thú ở cõi Tāvatiṁsa trải qua năm trăm bảy mươi sáu triệu năm (theo cách tính ở cõi người); chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới đến trước mặt Ta và nói lời thỉnh cầu:

Thưa Đức Bồ tát thiên (Bodhisatta Deva), Bậc đã thoát khỏi tất cả đau khổ, Ngài đã thực hành viên mãn mười pháp pāramī được mở rộng thành ba mươi pháp, ba hạnh (cariya) và mười pháp xả ly (cāga), mà không mong cầu đạt được hạnh phúc của vị Chuyển luân vương, hay Đế Thích – vua của chư thiên, hoặc Ma-vương hay Phạm thiên; Ngài đã thực hành viên mãn các pāramī với ước nguyện duy nhất là thành Phật để độ thoát phần đông chúng sanh. Thưa Đức Bodhisatta Deva, Bậc đã thoát khỏi tất cả đau khổ, thời gian thích hợp mà Ngài mong mỏi để chứng đắc Phật quả đã đến!

Thưa Đức Bodhisatta Deva, thời gian đã chín muồi để Ngài trở thành vị Phật toàn giác. Ngài có lẽ thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Maya. Vì để cứu vớt tất cả chúng sanh bao gồm chư thiên thoát khỏi luân hồi, cầu chúc Ngài chứng ngộ Niết bàn bất tử. Như vậy, chư  thiên và Phạm thiên đã nói lời thỉnh cầu Bồ tát.

Tuy nhiên, Như Lai chưa đồng ý ngay lời thỉnh cầu của họ.

Trước hết Như Lai thực hiện năm điều suy xét trọng đại như sau:

(1)   Thời gian thích hợp cho sự xuất hiện của một vị Phật,

(2)   Châu đảo thích hợp cho sự xuất hiện của một vị Phật,

(3)   Quốc độ thích hợp cho sự xuất hiện của một vị Phật,

(4)   Dòng dõi để Bồ tát tái sanh vào,

(5)   Thọ mạng của mẹ Bồ tát.

Sau khi thực hiện năm điều suy xét trọng đại, Như Lai mới cho lời đồng ý đến họ như vầy: “Này các bạn chư thiên và Phạm thiên, thời gian quả thật đã chín muồi để ta thành Phật (như các bạn đã nói).” Sau khi sống hết thọ mạng ở cõi Tāvatiṁsa, Ta nhập vào bào thai của mẫu hậu, là hoàng hậu Mahā Māyā, một người con cháu của dòng dõi Thích ca không bị gián đoạn.

Khi Ta thọ sanh vào lòng của mẫu thân với chánh niệm và giác tỉnh, mười ngàn thế giới đã chấn động rung chuyển.

Không từ bỏ chánh niệm và giác tỉnh, Ta ra khỏi bào thai của mẹ, đứng thẳng, hai tay và hai chân duỗi thẳng, giống như vị pháp sư đang đi xuống từ pháp tòa hay như người đi xuống bậc thang của ngôi chùa, không hề có chút bất tịnh nào dính trên thân Ta (vào ngày rằm, tháng vesakha, năm 68 Đại lịch). Vào lúc ấy, mười ngàn thế giới cũng chấn động, rung chuyển.

“Này con Sāriputta, không có ai ngang bằng với Ta, vị Bồ tát về tư cách thọ sanh và ra khỏi lòng mẹ. (Vào lúc đi vào lòng mẹ, suốt mười tháng ở trong bào thai của mẹ, và vào lúc sanh ra, trong cả ba trường hợp ấy, Ta đều trú trong chánh niệm và giác tỉnh, cho nên Đức Phật mới nói như vậy) (A-la-hán đạo tuệ (arahatta-magga-ñāṇa) của một số vị Thinh văn chỉ dẫn đến kết quả arahatta-magga-ñāṇa. Arahatta-magga-ñāṇa của một số Thinh văn chỉ làm sanh khởi ba minh (vijjā) hay sáu thắng trí (abhiñña) đối với số thinh văn khác. Trong khi đó một số Thinh văn khác thì chứng đắc Vô ngại giải trí (patisambhida-ñāṇa) qua A-la-hán đạo (arahatta-maga), một số khác thì chỉ đắc Thanh văn Ba-la-mật trí (sāvaka pārami ñāṇa) ; và những vị Độc giác Phật thì chứng đắc Bích chi Phật trí (Pacceka bodhi-ñāna) qua arahatta-magga-ñāṇa của các Ngài. Tuy nhiên, arahatta-magga- ñāṇa của tất cả chư Phật thì đem lại lợi ích là thành tựu tức khắc tất cả những ân đức tối thắng của bậc Chánh đẳng Chánh giác). Do đó, về vấn đề chứng đắc arahatta-magga-ñāṇa, không có ai bằng Ta cả. Về thuyết thị trí (desanā ñāṇa), Ta giữ địa vị tối cao.” Như vậy, Đức Phật đã phơi bày rốt ráo những ân đức tối thắng của Ngài.

Lúc bấy giờ, có sự rung chuyển dữ dội của quả đất giống như lúc Bồ-tát thọ sanh. Mười ngàn thế giới đã rung chuyển theo sáu cách sau đây.

(1)   Mặt đất nâng cao ở hướng đông và chìm xuống ở hướng tây.

(2)   Mặt đất nâng cao ở hướng tây và chìm xuống ở hướng đông.

(3)   Mặt đất nâng cao ở hướng bắc và chìm xuống ở hướng nam.

(4)   Mặt đất nâng cao ở hướng nam và chìm xuống ở hướng bắc.

(5)   Mặt đất nâng cao ở trung tâm và chìm xuống ở viền quanh.

(6)   Mặt đất nâng cao ở viền ngoài và chìm xuống ở trung tâm.

Sự chiếu tỏa vĩ đại của ánh sáng với sự rực rỡ vô song, vượt xa năng lực của chư thiên và Phạm thiên.

Chư thiên và Phạm thiên chứng kiến hiện tượng kỳ diệu và biết được qua sự thuyết giảng của Đức Phật là những hiện tượng này, chỉ diễn ra trong một số trường hợp như lúc Bồ tát thọ sanh, họ đọc lên câu kệ tán dương như sau:

Aho acchariyaṁ loke Buddhānaṃ gunamahāntatā dasasahassi lokadhātu chappakāraṁ pakampatha obhātso ca Mahāssi accheram lomahāṁ sanaṁ.

Hỡi các bạn chư thiên và Phạm thiên! Uy đức của chư Phật đã khiến cho địa cầu rung chuyển làm chấn động mười ngàn thế giới và mặt đất nâng lên chìm xuống luân phiên ở khắp các hướng : Đông, Tây, Bắc, Nam, trung tâm và viền ngoài. Hào quang rộng lớn vượt trội năng lực của chư thiên và Phạm thiên cũng chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới này. Cảnh tượng kỳ diệu đầy kinh cảm này khiến chúng ta thán phục, vỗ tay khen ngợi và tóc lông của chúng ta dựng đứng. Ôi, những ân đức tối thắng của Đức Phật quả thật khiến chúng ta vỗ tay trong kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Lúc bấy giờ, Đức Phật đang thị hiện Song thông và đi kinh hành trên con đường châu báu. Và khi Ngài đang đi kinh hành như vậy, Ngài ngồi trên tảng đá bằng hồng ngọc, thuyết pháp như sư tử chúa hùng mạnh cất lên tiếng gầm của nó, như bầu trời đang sấm sét, như người đàn ông đang bơi qua con sông giữa bầu trời. Bằng giọng nói mang tám đặc tánh, bằng nhiều phương cách thiện xảo, Ngài thuyết pháp về Tứ Diệu Đế dẫn đến các đặc tánh nổi bậc là vô thường, khổ và vô ngã.

Dù con đường châu báu chạy dài đến mười ngàn thế giới, nhưng Đức Phật đi hết con đường và trở lại chớp nhoáng tựa như Ngài đang đi kinh hành trên con đường mòn chỉ dài 4 hắc tay, Ngài thực sự đã đi hết con đường châu báu, từ đầu này đến đầu kia, không quay lại khi chưa đi hết con đường.

[Ở đây có thể nêu ra câu hỏi rằng: Có phải Đức Phật đang dùng thần thông của Ngài để thâu ngắn con đường quá dài ấy? Hay Ngài đã hóa thân của Ngài thật to lớn cho tương xứng với con đường kinh hành ấy? (Nghĩa là, có phải đó là sự vận dụng thần thông cảnh (iddhi visaya) không?

Câu trả lời: Không, đó không phải là sự vận dụng thần thông – iddhi visaya. Năng lực của một vị Phật, Phật cảnh giới  (Buddhavisaya) thì không thể nghĩ bàn, vượt ngoài sự tưởng tượng của con người. Đúng vậy, Đức Phật đi kinh hành trên con đường châu báu tựa như Ngài đang đi trên một lối đi nhỏ chỉ dài 4 hắc tay.

Chính do năng lực bất khả tư nghì của chư Phật mà toàn bộ cảnh tượng kỳ diệu có thể thấy được từ những vị Phạm thiên ở cõi Sắc cứu  cánh  (akaniṭṭha)  đến  những  chúng  sanh  ở  cõi  A-tỳ  (avici),  địa ngục thấp nhất mà không bị bất cứ cái gì ngăn che. Tất cả các thế giới đều thông suốt như một dãi đất bằng phẳng bao la, đến nỗi loài người có thể trông thấy chư thiên, Phạm thiên và ngược lại.

Tất cả đều có thể trông thấy Đức Phật đang đi kinh hành trên con đường châu báu ấy như thấy Ngài đang đi trên con đường ở trước nhà của họ vậy. Đức Phật thuyết pháp khi Ngài đang đi kinh hành, và sau khi đạt đến tâm tự tại hoàn toàn (cittissariya), Ngài nhập vào thiền quả (phala-samāpatti) trong khi thính chúng nói lời hoan hỉ : “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”].

Đại đức Sāriputta thỉnh cầu Đức Phật thuyết giảng về Phật sử Buddhavaṃsa

Đại đức Sāriputta, sau khi đảnh lễ Đức Phật bằng tất cả lòng thành kính khi Ngài đang đi kinh hành trên con đường châu báu với oai lực vô song, thuyết pháp Tứ Diệu Đế trước hội chúng đông đảo gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đến từ mười ngàn thế giới, đại đức Sāriputta tự nghĩ:

“ Một cuộc hội họp hòa hợp như vậy gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới là một đại hội chưa từng thấy trước kia. Một thời pháp trọng đại nên được thuyết vào dịp này. Một thời pháp về Buddhavaṃsa đặc biệt sẽ có lợi ích to lớn làm gia tăng tịnh tín đối với Đức Phật. Lành thay nếu ta thỉnh cầu Đức Thế Tôn kể lại câu chuyện về cuộc đời của Ngài và những pháp Ba-la-mật mà Ngài đã thực hành kể từ khi Ngài được thọ ký thành Phật.” Rồi đại đức Sāriputta đi đến Đức Phật sau khi đắp y vai trái và chấp tay, nói lời thỉnh cầu bằng ba câu kệ bắt đầu là: ‘Kediso te mahāvīra, v.v…’ để thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng đầy đủ về Buddhavaṃsa (Phật sử) cùng với các pháp hành mà Ngài đã tu tập trong quá khứ.

Kediso te Mahāvīra abhinihāro naruttama kamhi kāle tayā dhīra pattitā Bodhimuttamā.

Kính bạch Đức Thế Tôn, Bậc đã thực hành bốn pháp tinh tấn vĩ đại (sammappadhāna), Bậc cao quý hơn nhân loại, vượt trội chư thiên và Phạm thiên, bậc Chí tôn của tam giới! Ở đại kiếp nào Đức Thế Tôn đã phát nguyện thành Phật, vượt trội cả Bích chi bồ đề (Pacceka- bodhi) và Thanh văn bồ đề (Sāvaka-bodhi)?

Dānam Sīlanca nekkhamam. pañña viriyañca kidisaṃ khantī saccamadhitthanam mettupekkha ca kidisa

Kính bạch Đức Chánh biến tri Ứng cúng, Đức Thế Tôn của ba cõi, làm sao chúng con hiểu và biết được những pháp Ba-la-mật của Ngài như Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn? Làm sao chúng con hiểu và biết được những pháp Ba-la-mật của Ngài như Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Từ ái và Xả?

 

Dasa Pāramī tayā dhīra

kīdisī lokanāyaka

kathaṁ upapāramī punnā

paramatthapāramī kathaṁ.

Bạch Đức Chánh biến tri Ứng cúng, Đức Thế Tôn của ba cõi, cầu mong Ngài soi sáng để chúng con biết được cách thực hành các pháp Ba-la-mật của Ngài, cách Ngài đạt đến chỗ thành tựu viên mãn các pháp này? Tương tự vậy, với các pháp Ba-la-mật bậc cao (upapāramī) và các pháp Ba-la-mật bậc thượng (paramattha-pāramī), Ngài đã tu tập các pháp ấy như thế nào để đạt đến chỗ viên mãn?

Chú thích: (về Bố thí Ba-la-mật (dāna-pāram), bố thí những của cải ngoài thân là bố thí Ba-la-mật bậc thường (dāna-pāramī) ; bố thí các chi thể lớn nhỏ trong thân là bố thí Ba-la-mật bậc cao (dāna- upapāramī), bố thí mạng sống là bố thí Ba-la-mật bậc thượng (dāna- paramattha-pāramī). Cách phân loại tương tự áp dụng cho chín pháp Ba-la-mật còn lại. Như vậy sự thọ trì giới cho dù phải hy sinh của cải ngoài thân là Giới Ba-la-mật thông thường (sīla-pāramī), sự thọ trì giới phải đánh đổi các chi thể trong thân là Giới Ba-la-mật bậc cao (sīla-upapāramī) và sự thọ trì giới phải hy cả mạng sống là Giới Ba- la-mật bậc thượng (sīla-paramattha-pāramī). Đây là cách phân loại các pháp Ba-la-mật thành ba-bậc : thường, cao và thượng).

Trong vô số kiếp, Bồ tát đã tu tập Bố thí Ba-la-mật, và những pháp Ba-la-mật khác trong số đó những sự thực hành Ba-la-mật sau đây là đáng chú ý nhất.

(1)   Khi Ngài sanh làm con thỏ trí tuệ, trông thấy Sakka trong tướng mạo một vị Bà-la-môn, Ngài tưởng đó là vị Bà-la-môn thật sự đang đi xin ăn. Bởi vậy, Ngài bảo ông Bà-la-môn đốt lên đống lửa, rồi nhảy vào đống lửa để bố thí mạng sống đến ông ta. Sự bố thí như vậy là Bố thí Ba-la-mật bậc cao thượng, Dāna-paramattha- pāramī. (7- Sasa Pandita Jataka, 2-Pucimanda Vagga of Catuka Nipāta).

(2)   Khi Ngài sanh làm Long vương Saṅkhapāla, Ngài nhẫn nại chịu đựng những thương tích đau đớn do mười sáu người thợ săn dùng lao đâm vào tám chỗ trên thân Ngài, sau khi đâm xuyên Ngài bằng một cây cọc. Ngài không hề thể hiện chút thù hận nào, Ngài đã hy sinh mạng sống để giữ gìn giới Ba-la-mật của Ngài. Sự trì giới như vậy là Giới Ba-la-mật bậc cao thượng, Sīla-paramattha-pāramī. (Sankhapāla Jātaka of Catalisa Nipatta).

(3)   Khi Ngài sanh làm vua Cula Sutasoma, Ngài đã từ bỏ ngôi vua của nước Sudassana (xưa kia là Baranāsi) mà không sợ mối nguy hiểm đến tánh mạng của Ngài và không vương vấn chút nào về sự xa hoa của ngôi vị đế vương và với tâm từ bỏ cả chính Ngài. Hành động xuất gia như vậy được gọi là Xuất gia Ba-la-mật bậc cao thượng, Nekhama-paramattha-pāramī (Culasoma Jataka, Cattalisa Nipata).

(4)   Khi Ngài sanh làm bậc trí tuệ mang tên là Senaka, Ngài đã cứu mạng cho một vị Bà-la-môn bằng cách chỉ cho ông ta thấy con rắn độc đang nằm trong cái túi da đựng vật thực của ông, tựa như chính mắt Ngài đã nhìn thấy con rắn. Sự phơi bày trí tuệ như vậy đem lại sự cứu mạng cho chủ nhân của cái túi da, là Trí tuệ Ba-la- mật bậc cao thượng, Pañña-paramattha-pāramī (Sattubhasthe Jataka of Sattaka Nipāta).

(5)   Khi Ngài sanh làm thái tử Janaka, sự tinh tấn ngoan cường của Ngài khi bơi vượt qua đại dương đối mặt với nhiều hiểm nguy và không thối chí, trong khi những kẻ đồng hành với Ngài trên chiếc thuyền bị đắm, thì phải đối mặt với cái chết làm mồi cho cá tôm. Sự tinh tấn vĩ đại ấy của thái tử Janaka là Tinh tấn Ba-la-mật bậc cao thượng, Vīriya-paramattha-pāramī (Mahā Janaka of Mahā Nipata).

(6)   Trong kiếp sanh ra làm vị ẩn sĩ tên Khantivadi, vua Kalabu nước Kasi đã chặt tay chân của Ngài bằng thanh gươm sắc bén. Ngài không hề dao động và chịu đựng những cơn đau kinh khủng tựa như Ngài là khúc gỗ vô tri vô giác. Ngài cũng không biểu lộ thái độ phẩn uất đối với đức vua. Sự nhẫn nại như vậy được gọi là Nhẫn nại Ba-la-mật bậc cao thượng, Khanti-paramattha-pāramī (3-Khantivada Jataka. 2-Pucimanda Vagga of Catuka Nipata).

(7)   Khi Ngài làm vua Sutasoma, Ngài đã đưa ra lời nói chân thật: ‘ Ta chắc chắn sẽ trở lại vào ngày mai’ đến kẻ ăn thịt người Porisada. Ngài đã giữ đúng lời hứa, bất chấp của mạng sống, nhờ vậy cuối cùng Ngài đã cứu sống được một trăm lẻ một vị vua. Sự chân thật về lời nói như vậy (vacisacca) là Chân thật Ba-la-mật bậc cao thượng, Sacca-paramattha-pāramī (Mahā Sutasoma Jataka, Asiti Nipāta).

(8)   Khi Ngài sanh làm thái tử Temi, Ngài đã giả điếc và câm và kiên trì với pháp hành này bất chấp cả mạng sống cho đến khi Ngài  xuất gia. Hành động cương quyết như vậy được gọi là Quyết định Ba-la-mật bậc cao thượng, Additthāna-paramattha-pāramī (Mugapakkha (Temiya) Jataka, Mahā Nipāta).

(9)   Khi Ngài làm vị ẩn sĩ Suvannasama, Ngài tu tập pháp từ ái (mettā) bất chấp cả tánh mạng. Hành động từ ái như vậy được gọi là Từ ái Ba-la-mật bậc cao thượng – Mettā-paramattha-pāramī (Suvannasama Jātaka Nipata).

(10)    Khi Ngài là vị đạo sĩ tu tập các pháp khổ hạnh, (như đã được mô tả trong bổn sanh Lomahāṃsa, 10 Litta Vagga of Ekakanipata), Ngài không để cho tâm của mình bị dao động theo sự lăng nhục, hành hạ của bọn trẻ trong làng hoặc hành động tôn kính, cúng dường của những người trí. Nhờ vậy, Ngài giữ được tâm bình thản giữa hai pháp tham và sân. Thái độ bình thản như vậy của Bồ tát được gọi là Xả ly Ba-la-mật bậc cao thượng, Upekkhā- paramattha-pāramī.

(Muốn biết chi tiết về loại Ba-la-mật bậc cao thượng này, hãy tìm đọc bộ Chú giải Hạnh Tạng hoặc những Chú giải Bổn sanh khác có liên quan).

Khi đại đức Sāriputta thỉnh cầu như vậy, Đức Phật nói lên hai câu kệ như thể Ngài đang trút xuống cơn mưa pháp bất tử khiến cho tâm của tất cả chúng sanh được mát mẻ hân hoan và nhắc nhở họ rằng:

(1)   Trước hết hãy thành kính chú tâm lắng nghe thời pháp về Phật sử, có khả năng đem lại hoan hỉ và tịnh tín cho thính chúng gồm nhân loại và chư thiên, đoạn trừ sầu khổ trong tâm đầy rối ren của họ và khiến họ đắc được các pháp chứng, và

(2)   Hãy nhiệt tâm tinh tấn thực hành theo con đường của bậc thánh dẫn đến Phật quả, tiêu diệt tất cả mọi hình thức ngã mạn cống cao, đoạn trừ các sầu não, ưu bi, cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử và dập tắt tất cả mọi khổ đau.

Sau đó, để khuyến khích thính chúng gồm chư thiên và nhân loại tha thiết khởi tâm mong cầu địa vị Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật bèn thuyết giảng về lịch sử của chư Phật, với chín trăm năm mười mốt bài kệ bắt đầu bằng:

Kappe ca satasahasse

caturo ca asaṅkhiye
amaraṁ nāma nagaraṁ

dassaneyyaṁ manoramaṁ.

Bài pháp được chư thiên và nhân loại hoan hỉ tín thọ.

Vào lúc kết thúc thời pháp về Phật sử, một trăm triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi đã đoạn tận các lậu hoặc; và vô số chúng sanh được an trú trong các tầng thánh thấp hơn.

(Ở đây, điều cần chú ý là có chín trăm năm mười mốt câu kệ hoàn toàn nói về Buddhavaṃsa. Trong bộ Nidānakatha, có chín mươi mốt câu kệ tổng hợp những lời của các vị đại trưởng lão (Mahathera), những lời của đại đức Sāriputta và những lời của Đức Phật, và mươi tám câu kệ trong phẩm Pakiṇṇaka và Dhatubhājaniya kathā và những lời của các vị Đại trưởng lão tham dự cuộc kiết tập (Saṅgītikaraka Mahā Thera), như vậy tổng cộng có một ngàn bảy mươi câu kệ trong bộ Buddhavaṃsa bằng tiếng Pāḷi).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app