Nội Dung Chính

Câu chuyện về một người nhào lộn tên Uggasena

 

Vào thời Đức Phật, có một đoàn nghệ sĩ sân khấu gồm năm trăm diễn viên, thường trình diễn giải trí cho vua nước Rājagaha một năm một lần hoặc hai lần trong bảy ngày. Nhờ đó họ nhận được món tiền thưởng to lớn bằng vàng và bạc. Số tiền thưởng mà dân chúng ái mộ thưởng cho trong khoảng thời gian giữa buổi biểu diễn thì rất nhiều. Công chúng ngồi trên những hàng ghế, dãy sau cao hơn dãy trước, cứ thế nối dài.

Buổi biểu diễn của họ thường bắt đầu bằng sự xuất hiện trên sân khấu một cô gái trẻ đẹp, là con gái của diễn viên xiếc trưởng đoàn. Nàng trổ tài nhào lộn bằng nhiều cách trên một sợi dây bằng tre ở một độ cao nào đó cách mặt đất, nàng vừa múa vừa hát với giọng ca rất khả ái.

Uggasena, con trai của vị trưởng giả

 

Trong số những khán giả xem xiếc, có chàng trai Uggasena, con trai của vị trưởng giả. Cậu ta thưởng thức buổi trình diễn cùng với một người bạn. Cậu chăm chú nhìn ngắm nữ diễn viên đầy ấn tượng đang biểu diễn màn xiếc với nhiều kiểu cách và tư thế khác nhau. Sự uốn người một cách mềm dẽo, đưa người lên, duỗi tay và duỗi chân rất nhẹ nhàng của nàng. Cậu ta đi về nhà trong tâm trạng mê mẫn và luyến ái mãnh liệt đối với nàng diễn viên trẻ đẹp. Về đến nhà, cậu nằm dài trên giường, miệng lẩm bẩm: “ Ta chỉ có thể sống nếu ta lấy được nàng, bằng không thì ta sẽ chết ngay trên chiếc giường này,” và nằm như vậy mà chẳng ăn uống gì cả.

 

Cha mẹ của cậu thấy vậy mới hỏi rằng: “ Này con yêu, con bị bệnh gì vậy?” “Thưa cha mẹ, … con chỉ sống được nếu con chiếm được đôi tay của nàng nghệ sĩ xiếc mà con đã xem trình diễn trong khuôn viên của hoàng cung. Nếu không con sẽ chết trên chiếc giường này,” câu trả lời của cậu rất dứt khoát. Cha mẹ của cậu an ủi rằng: “ Này con yêu, đừng có ủy mị như thế. Chúng ta sẽ kiếm cho con một cô gái xinh đẹp cùng giai cấp, địa vị giàu sang như chúng ta.” Nhưng Uggasena chẳng động lòng chút nào. Cậu ta vẫn lập lại ước muốn của mình như trước, không hề thay đổi và vẫn nằm lì trên giường.

Cha của Uggasena đã cố gắng nhiều lần để thuyết phục cậu ta thay đổi ý định, nói thỏ thẻ bên tai cậu ta bằng những lời xoa dịu, nhưng không có kết quả. Cuối cùng cha mẹ của cậu cho mời người bạn của cậu đến và nhờ người kia thay mặt họ đi nói chuyện với người lãnh đạo gánh xiếc, là cha của cô gái kia, với lời căn dặn rằng: “ Này con, hãy cầm món tiền một ngàn đồng này và trao nó đến người cha của cô gái diễn viên xiếc, yêu cầu ông ta nhận lấy nó và gả con gái của ông ta cho đứa con trai Uggasena của ta.”

Ông trưởng gánh xiếc trả lời với người đại diện như sau: “ Tôi chưa sẵn sàng nhận món tiền để trao đổi đứa con gái của tôi. Nếu cậu Uggasena, con trai của vị trưởng giả, không thể sống trừ khi cậu ta chiếm được đôi tay của con gái tôi thì cậu ta phải đi theo chúng tôi. Tôi sẽ gả con gái của tôi chỉ với điều kiện là cậu ta, phải theo chúng tôi bất cứ nơi nào chúng tôi đi đến.”

Uggasena đi theo cô gái diễn viên xiếc

 

Khi cha mẹ báo tin ấy đến Uggasena, thì cậu nói rằng: “Thưa cha mẹ, nếu vậy con sẽ đi theo họ,” và khi nói vậy, cậu đi đến chỗ của ông trưởng gánh xiếc, bất chấp lời nói của cha mẹ và quyến thuộc. Người trưởng gánh xiếc giữ lời, ông ta đã gả đứa con gái cho Uggasena và họ đi khắp thành thị và làng mạc để biểu diễn những  màn xiếc của họ.

 

Về sau người vợ của Uggasena sinh ra một đứa con trai. Người mẹ thường ru con, vỗ về bằng những lời như:

 

“Hãy ngủ đi con…Hỡi con trai của người giữ các cỗ xe bò.

Hãy ngủ đi con… Hỡi con trai của người xấu ác, người trông coi tiền thưởng.

Hỡi con trai của kẻ ngu si…Hãy ngủ đi con.”

 

Lời ru con như vậy ám chỉ đời sống của Uggasena. Khi nào nhóm biểu diễn dừng nghỉ trên đường đi lưu diễn thì Uggasena được giao trách nhiệm đi kiếm vật thực cho bò ăn và bảo vệ trại. Anh ta cũng làm công việc cất giữ số tiền thu được từ các buổi diểu diễn.

Uggasena nhận ra rằng những lời ru con đầy khiêu khích và có tánh chất trêu chọc của cô vợ đang ám chỉ đến mình. Anh ta bèn hỏi cô vợ: “ Phải chăng em ru con như vậy là để miệt thị anh?” Nàng đáp lại: “ Đúng như vây.” Uggasena giận dữ quát: “ Vậy thì anh sẽ bỏ em và trở về với cha mẹ của anh.” Cô vợ không động tâm với lời đe dọa này và đáp lại rằng: “ Tôi không quan tâm việc anh đi hay ở,” và tiếp tục lập đi lập lại lời ru con như thế (dầu biết rằng nó đang chọc tức Uggasena). (Nàng diễn viên này rất cao ngạo về sắc đẹp và tài năng múa hát của mình vì nó giúp nàng kiếm sống dễ dàng).

Uggasena trở thành diễn viên xiếc

Uggasena suy nghĩ tại sao cô vợ của mình lại quá kiêu mạn như vậy và cuối cùng cậu ta nhận ra rằng: “ Sở dĩ nàng kiêu ngạo như vậy vì nàng là một diễn viên xiếc có tài.” Cậu quyết định học các ngón nghệ thuật xiếc. Gặp người cha vợ, bậc thầy của môn xiếc, cậu xin phép và được chấp thuận cho học đến khi trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Cậu ta đi từ nơi này đến nơi khác biểu diễn nghệ thuật xiếc trong làng mạc và phố chợ, và cuối cùng cậu trở lại kinh thành Rājagaha. Nơi đây, cậu cho công bố khắp kinh thành rằng “Sau bảy ngày, Uggasena, con trai của vị trưởng giả, sẽ biểu diễn những ngón xiếc và nhào lộn rất đẹp mắt và đầy kinh ngạc.”

Dân chúng tranh nhau đặt những ghế ngồi có chân cao hơn để xem biểu diễn rõ hơn và họ kéo đến chỗ biểu diễn vào ngày ấn định. Cuối cùng, Uggasena xuất hiện và trèo lên một cái cột cao sáu mươi hắc tay được làm bằng nhiều đoạn tre, gắn chắc lại với nhau. Vị ấy đứng trên đỉnh của cây sào và biểu diễn.

Uggasena xuất hiện trong võng trí của Đức Phật

Vào ngày Uggasena biểu diễn, Đức Phật dò xét chúng sanh trong thế gian vào lúc sáng sớm và bằng Nhất thiết trí của Ngài, Ngài nhận thấy hình ảnh Uggasena đã lọt vào võng trí của Ngài, như con cá đi vào lưới, và khi quán xét điều gì sẽ xảy ra, Ngài thấy bằng Phật nhãn:

Sáng hôm nay, Uggasena sẽ đứng trên đỉnh của cái sào cao sáu mươi hắc tay để biểu diễn và dân chúng sẽ xuất hiện để chứng kiến. Tại hội chúng ấy, Ta sẽ thuyết pháp gồm bốn câu kệ. Nhờ nghe bài pháp của ta, sẽ có tám mươi bốn ngàn chúng sanh, đạt đến giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế và Uggasena sẽ chứng đắc đạo quả A-la- hán.

Khi đến giờ khất thực, Đức Phật cùng chúng tỳ khưu đi vào kinh thành như thường lệ. Trước khi Đức Phật đi vào kinh thành, Uggasena đã ra hiệu với khán giả bằng cách chỉ ngón tay trỏ của vị ấy về phía họ rằng anh ra sẽ bắt đầu biểu diễn và tiếng vỗ tay vang lên từ phía khán giả. Uggasena khi ấy đang đứng trên đỉnh của cây sào, bèn nhảy vào không trung và nhào lộn bảy lần trong không trung trước khi vị ấy rơi xuống và đứng trên cây sào.

Lúc bấy giờ, Đức Phật đã đi vào thành phố, Ngài dùng thần thông khiến khán giả chú ý đến Ngài. Như vậy Ngài đã hướng sở thích của họ đang nhắm vào Uggasena bỗng chuyển về phía Ngài. Khi đứng trên đỉnh sào nhìn thái độ của khán giả, Uggasena lưu ý rằng sự chú ý của họ đang hướng đến vị ấy bỗng chuyển sang Đức Phật. Vị ấy thất vọng và nghĩ rằng khán giả đã không còn quan tâm đến vị ấy nữa. Vị ấy tự nghĩ: “ Ta có thể biểu diễn màn xiếc này chỉ một lần trong một năm. Thế mà khi Đức Phật đi vào thành phố, khán giả đã không còn chú ý đến ta, họ chỉ chú ý đến Ngài. Tất cả những cố gắng để trình diễn tài năng xiếc đều trở thành vô nghĩa, chẳng kết quả gì.”

Đức Phật biết được những ý nghĩ đang diễn ra trong tâm của Uggasena và bảo đại đức Moggallāna rằng: “ Này con Moggallāna, con hãy đi đến với con trai của vị trưởng giả và nói với vị ấy rằng vị ấy nên tiếp tục biểu diễn.” Đại đức Moggallāna y theo lời dạy của Đức Phật và đứng gần cây sào, đại đức nói lời động viên Uggasena bằng câu kệ sau:

 

Igha passa naṭaputta

Uggasena mahābbala

karohi rañgaṃ parisāya

hāsayassu mahājanaṁ

Này  anh Uggasena, người diễn viên xiếc có sức mạnh to lớn,  ta yêu cầu anh hãy tiếp tục biểu diễn màn xiếc của anh với tâm thoải mái. Hãy nhìn vào đám đông đã hội họp. Hãy cho mọi người thưởng thức sự biểu diễn phi thường của anh và để họ tán dương tài nghệ của anh bằng tiếng reo hò vang dội.

Khi nghe những lời khuyến khích, cổ vũ của đại đức Moggallāna, Uggasena cảm thấy rất phấn khởi và đầy can đảm. Vị ấy nghĩ rằng Đức Phật muốn xem tài nghệ của mình. Cho nên, khi đang đứng trên đỉnh của cột sào, vị ấy đáp lại bằng câu kệ sau đây:

 

Igha passa Mahānna

Moggallāna mahiddhika

karomi rañgaṃ parisāya

hasayami mahājanaṃ

Thưa đại đức Moggallāna, bậc có đại trí tuệ và đại thần thông! Hãy xem con sẽ biểu diễn tài nghệ của con trước đám đông đã hội họp ở đây với tâm trạng thoải mái. Con sẽ biểu diễn một pha xiếc ngoạn mục để khán giả reo hò nồng nhiệt và khen ngợi vang dậy.

Khi nói vậy, vị ấy tung người lên và thực hiện mười bốn vòng nhào lộn trong không trung trước khi xuống đứng trở lại trên đỉnh của cột sào.

Sự khuyến giáo của Đức Phật

Ngay khi ấy, Đức Phật khuyến giáo Uggasena bằng những lời sau đây: “ Này con Uggasena, người có trí nên từ bỏ sự luyến ái đối với năm uẩn đã sanh lên trước kia, đối với năm uẩn sẽ khởi sanh trong tương lai và đối với năm uẩn đang khởi sanh trong hiện tại. Do không chấp thủ năm uẩn, người ấy nên cố gắng giải thoát khỏi khổ sanh, khổ già, khổ chết.” Đức Phật tiếp tục thuyết pháp bằng câu kệ sau đây:

 

Muñgca pure muñca pacchato

majjhe muñgca bhavassa paragu

sabbatta vimuttamānaso

na punaṃ jātijaraṃ upehisi.

 

Này con Uggasena, hãy từ bỏ, hãy đoạn trừ ái dục đối với năm uẩn gồm danh sắc trong quá khứ, …trong tương lai, …trong hiện tại. Một khi con đã hoàn toàn từ bỏ sự luyến ái đối với năm uẩn trong quá khứ, tương lai và hiện tại, con sẽ siêu thoát khỏi vòng đau khổ của tam giới. Đó là dục giới (kāma-bhava), sắc giới (rūpa-bhava) và vô sắc giới (arūpa-bhava), và đạt đến chỗ hoàn hảo, trở thành người rành mạch về thắng trí (abhiñña), biến tri (pariñña), sự trừ đoạn (pahana), tu tập (bhāvanā), và tác chứng (sacchikiriyā), con sẽ sống giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các pháp hữu vi và thoát khỏi sanh, già, bịnh và chết.

Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Uggasena, con trai của vị trưởng giả, chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhida-ñāṇa) trong khi còn đang đứng trên đỉnh của cột sào. Vị ấy xuống đất và đi đến Đức Phật, tôn kính đảnh lễ Ngài. Rồi vị ấy thỉnh cầu Đức Phật được thọ phép xuất gia. Ngài duỗi ra cánh tay ra và nói rằng “Ehi bhikkhu” để truyền phép thiện lai tỳ khưu cho vị ấy. Tướng mạo nghệ sĩ xiếc biến mất tức thì và Uggasena mang tướng mạo của vị đại trưởng lão sáu mươi hạ (tức tám mươi tuổi), đầy đủ tám món vật dụng của vị tỳ khưu.

Các vị tỳ khưu hỏi Uggasena có sợ hãi không

 

Các vị tỳ khưu đồng đạo bèn hỏi Uggasena: “Phải chăng hiền giả không cảm thấy sợ hãi khi đi xuống từ cây sào tre cao sáu mươi hắc tay?” Nhân đó, Uggasena đáp lại rằng: “ Thưa các hiền giả, tôi chẳng chút sợ hãi.” Các vị tỳ khưu bèn đi đến Đức Phật và bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Uggasena tự cho mình là bậc A-la- hán qua việc nói dối rằng ‘Vị ấy không cảm thấy sợ hãi chút nào khi vị ấy đi xuống từ đỉnh của cột sào.’ ”

Đức Phật cho lời giải thích tóm tắt để công nhận lời nói của Uggasena: “ Này các tỳ khưu, tất cả những vị tỳ khưu giống như con trai Uggasena của Như Lai, do đoạn tận các lậu hoặc bằng cách cắt đứt mười kiết sử (samyojana), thì không còn sợ hãi.”

Đức Phật tiếp tục thuyết giảng câu kệ sau đây, được bao gồm trong phẩm Brahmana vagga của Pháp cú kinh.

 

Sabbasaṁyojanam chetvā

Yo ve naparitassati

saṅgatigaṁ visaṁyuttaṁ

tamataṁ brumi brāhmanaṁ.

Này các tỳ khưu, một vị tỳ khưu đã chứng đắc đạo quả A-la- hán do đoạn tận các lậu hoặc (āsava), quả thật đã cắt đứt mười kiết sử bằng lưỡi gươm của A-la-hán đạo (arahatta-magga). Do đó, vị ấy không thể bị dao động hay giật mình vì sợ hãi vốn có gốc rễ ở tham (lobha). Như Lai khen ngợi và công bố một vị A-la-hán như vậy, bậc đã khắc phục bảy loại nhiễm trước, đó là: tham dục, sân, mạn, tà kiến, thân, khẩu và ý bất thiện; và đã thoát khỏi bốn ách phược (kama, bhava, ditthi và avijja), là con người thực sự cao quý, thanh tịnh, Brahmana – người đã đoạn diệt tất cả mọi điều ác.

Nhiều người đã chứng đắc Dự lưu đạo (sotāpatti-magga), v.v… vào lúc kết thúc thời pháp.

Những nghiệp quá khứ của Uggasena

 

Một hôm, các vị tỳ khưu lại hội họp ở chánh pháp đường để bàn luận về cách chứng đắc đạo quả A-la-hán của Uggasena: “ Thưa các hiền giả, người ta thoạt tiên tự hỏi làm thế nào một người như đại đức Uggasena, có đủ căn duyên để chứng đắc đạo quả A-la-hán, lại vì một cô nữ diên viên xiếc mà phải theo đoàn xiếc đi đến bất cứ nơi nào họ đến để lưu diễn. Thứ hai là nguyên nhân của cận y duyên mạnh mẽ để chứng đắc đạo quả A-la-hán là gì?” Đức Phật đi vào chánh pháp đường và hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị đang bàn luận chuyện gì vậy?” Khi nghe câu trả lời của họ, Đức Phật giải thích tóm tắt với họ như vầy: “ Này các tỳ khưu, chính Uggasena đã là nguyên nhân của hai vấn đề này, nguyên nhân khiến vị ấy gắn bó với đoàn xiếc và nguyên nhân dẫn đến kết quả là vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán.” Rồi Ngài tiếp tục kể lại đầy đủ câu chuyện như sau:

Cách đây đã lâu trong quá khứ, khi một bảo tháp được xây dựng để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Kassapa, cả đàn ông và đàn bà của thành phố Bārāṇasī, từng đoàn lũ lượt kéo đến khu vực bảo tháp để đóng góp công sức mang theo nhiều vật thực trong những cỗ xe của họ. Trên đường đi, họ gặp một vị đại trưởng lão đang đi vào kinh thành để khất thực.

Lúc bấy giờ một người đàn bà lưu ý đến vị đại trưởng lão và nói với người chồng rằng: “ Này anh ạ, vị trưởng lão vẫn còn đang đi khất thực; anh hãy đi thỉnh lấy bát của ngài để chúng ta có thể cúng dường cái gì đó đến ngài. Chúng ta đã mang theo nhiều vật thực trong cỗ xe.” Người đàn ông đi thỉnh lấy bát từ vị tỳ khưu và sau khi bỏ đầy vật thực loại cứng và mềm đến ngang miệng bát, họ trao nó lại cho vị đại trưởng lão và cả hai vợ chồng cùng nói lên ước nguyện rằng: “ Bạch ngài đại trưởng lão, do việc phước mà chúng con đã làm đây, cầu xin cho chúng con có được trí tuệ siêu thế gian mà ngài đã giác ngộ.”

Người thọ lãnh vật thực cúng dường của họ không phải là vị tỳ khưu bình thường. Vị ấy là bậc A-la-hán không còn các pháp ô nhiễm, bằng vị lai trí (anāgata-ñāṇa), vị ấy thấy rằng ước nguyện của họ sẽ được thành tựu và vì vậy trưởng lão mỉm cười hoan hỉ. Người đàn bà thấy vậy, bèn nói khẽ: “ Anh ơi, vị đại trưởng lão này có thể làm diễn viên được đấy.” Người chồng cũng đồng ý nói rằng: “ Đúng, vị ấy có thể làm diễn viên.” Rồi họ đi khỏi chỗ ấy. Đây chính là nghiệp mà hai vợ chồng đã làm trong quá khứ.

Đôi vợ chồng sống đến cuối cuộc đời của họ trong kiếp ấy và tái sanh vào cõi chư thiên. Sau khi thọ hưởng cuộc sống của chư thiên, người vợ tái sanh xuống cõi người làm con gái của người diễn viên trưởng gánh xiếc trong kiếp hiện tại, tức kiếp cuối cùng của nàng. Người chồng tái sanh làm con trai của vị trưởng giả trong kiếp cuối cùng của vị ấy. Mang cái tên là Uggasena. Dầu sanh làm con trai của vị trưởng giả, nhưng vì ác nghiệp đã đồng tình nói lời chế giễu bậc A- la-hán: “ Đúng, vị ấy có thế làm diễn viên” trong kiếp quá khứ, và cũng do thiện nghiệp đã cúng dường vật thực đến (bậc A-la-hán với tâm tịnh tín) nên vị ấy đã phải làm diễn viên xiếc rồi mới chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Nữ diễn viên cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán

Khi Uggasena chứng đắc đạo quả A-la-hán và trở thành vị  thiện lai tỳ khưu thì vợ của vị ấy, nàng diễn viên trẻ, tự nghĩ: “ Chồng ta có bất cứ mức độ trí tuệ nào thì ta cũng có mức độ trí tuệ y như vậy.” Khi suy nghĩ như vậy, nàng đi đến các vị tỳ khưu ni và thọ phép xuất gia từ họ. Và sau khi chuyên tâm thực hành pháp, đúng lúc nàng cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán, sau khi đoạn tận tất cả các lậu  hoặc.

Chấm dứt về nghiệp quá khứ của Uggasena

 

Chiến tranh giữa các vị Thích Ca ở Kapilavatthu và các vị Thích Ca ở Koliya do tranh chấp về nước của con sông Rohini

 

Có một con sông nhỏ tên là Rohinī, nằm giữa hai nước Kapilavatthu và Koliya. Hai vương quốc đã hòa thuận thay phiên nhau đưa nước vào những dãi đất trồng trọt của riêng họ bằng cách kiểm soát dòng nước bởi một cái đập.

Nước ở trong con kênh dẫn vào hạ xuống mức thấp nhất vào tháng Jetthamasa (tháng 6) và cây cối trồng trọt thường bị khô héo. Nhưng người nông dân của hai nước họp lại để bàn luận về vấn đề chia phần nước ở trong con kênh. Ở buổi họp, những người nông dân của nước Koliya nói rằng:

“ Thưa các bạn, nếu lượng nước nhỏ nhoi trong con kênh được chia cho cả hai chúng ta, thì không ai trong chúng ta nhận được đủ lượng nước, để tưới cho đồng ruộng của chúng ta phải có thêm một lượng nước nữa mới đủ để tưới hết đồng ruộng của cả hai. Do đó, chúng tôi yêu cầu các bạn hãy để chúng tôi sử dụng lượng nước nhỏ nhoi này.”

Những người nông dân của nước Kapilavattha cũng nói như vầy:

“ Thưa các bạn, chúng tôi không thể đi từ cửa nhà này đến cửa nhà khác của các bạn mang theo những cái thúng và những túi đựng vàng bạc và đá quí để tìm mua thóc trong sự phiền não, trong khi các bạn thì ung dung với lúa thóc đầy bồ. Vụ mùa của chúng tôi cũng vậy, cũng sắp chín và cần được tưới nước như thế.”

Những cuộc tranh cãi gay gắt xảy ra sau đó, một bên thì nói rằng: “ Chúng tôi sẽ không nhượng bộ.” Phe kia đáp lại y như vậy. Lời qua tiếng lại, cuối cùng dẫn đến đánh đấm, người nông dân ở phe này bắt đầu tấn công người nông dân ở phe kia và người kia cũng đáp trả như vậy. Cuộc ẩu đả diễn ra giữa những người nông dân của hai phe cuối cùng biến thành thù địch (giống như ngọn lửa nhỏ bốc cháy dữ dội và cuối cùng đốt cháy cả lâu đài) đến mức chỉ trích cả bộ tộc hoàng gia của cả hai phía. Những nông dân Koliyan chỉ trích rằng: “ Các người dựa vào những người trong hoàng tộc của nước Kapilavatthu để dọa chúng tôi hả. Những người trong hoàng tộc của nước Kapilavatthu này cư xử như những con chó tầm thường và những con giả can trong rừng, lấy em gái của mình làm vợ. Những con voi, con ngựa và những chiếc áo giáp của họ có thể làm gì được chúng ta.”

Những người nông dân của nước Kapilavatthu đáp trả bằng giọng điệu không kém gay gắt: “ Các người dựa vào những tên cùi bé nhỏ của các người để dọa chúng ta, con cháu của bộ tộc Koliya mà các người nương tựa, chính họ đã rơi vào cảnh ngộ bi thảm kể từ khi họ bị đuổi ra khỏi kinh thành và sống như những con thú ở trong những bọng cây Kola. Những con voi, con ngựa và những chiếc áo giáp của họ có thể làm được gì chúng ta.”

Những người nông dân của hai phe trở về thành phố của họ và trình lại vấn đề lên các vị quan phụ trách về nông nghiệp và những vị quan này trình lên các vị lãnh đạo.

Kết quả là các vị Thích ca của nước Kapilatthu chuẩn bị tiến hành chiến tranh với các vị Koliya và đi ra khỏi kinh thành, hô vang khẩu hiệu xung trận: “ Những người chồng của những chị em họ sẽ trổ tài chiến đấu.” Những người hoàng tộc bên phe của những người Koliya cũng chuẩn bị chiến tranh và đi ra với khẩu hiệu xung trận của họ là: “ Những kẻ trú trụ trong bọng cây Kola sẽ trổ tài chiến đấu.”

Lúc bấy giờ, Đức Phật vẫn đang ngụ ở tịnh xá Jetavana tại Sāvatthi. Vào chính ngày mà hai phe đối địch Kapilavatthu và Koliya đã sẵn sàng ra trận, thì vào lúc rạng sáng Ngài quán sát thế gian và biết rằng một trận chiến đẫm máu sắp xảy ra giữa hai phe đối địch ngay chiều hôm ấy. Đức Phật còn biết thêm rằng Ngài sẽ có cách ngăn chặn chiến tranh bằng cách xuất hiện trước mặt họ và thuyết giảng ba câu chuyện bổn sanh, đó là Phandāna, Duddaba và Lathukika. Sự thuyết pháp này sẽ đem lại hòa bình cho họ. Rồi Ngài sẽ thuyết thêm hai bổn sanh Rukkha Dhamma và Vattaka, và cuối cùng là bài kinh Attadanta để đem lại cho họ những lợi ích của sự hòa hợp và đoàn kết.

Sau khi nhận rõ mọi việc như vậy, Đức Phật quyết định đi đến chỗ giáp mặt của hai phe và cứu nguy cho quyến thuộc của Ngài tránh khỏi tai họa tàn sát lẫn nhau. Vào buổi sáng, Ngài đi khất thực như thường lệ và ở trong hương phòng suốt ngày. Đến chiều, Ngài rời khỏi hương phòng, mang theo y bát, một mình xuất hiện giữa chiến trường mà không báo cho bất cứ ai biết. Tại chỗ ấy, Ngài ngồi kiết già trong hư không giữa hai phe đối địch và khiến cho những tia hào quang màu xanh đậm phát ra từ chân lông của Ngài làm cho bóng tối tràn ngập khắp nơi dù mặt trời chưa lặn. Sở dĩ Ngài làm như vậy là để tạo ra sự ăn năn trong tâm của hai phe tham chiến.

Trong khi tất cả mọi người đều kinh sợ trước hiện tượng kỳ lạ như vậy, thì Đức Phật phóng ra hào quang sáu màu từ thân của Ngài và hiện rõ thân tướng của Ngài trước mắt họ.

Hòa bình

Khi những thành viên của bộ tộc Thích Ca trông thấy Đức  Phật, họ bắt đầu suy nghĩ như vầy: “ Đức Phật thuộc dòng dõi của chúng ta đã đến rồi. Có lẽ Ngài đã biết rõ sự xung đột của chúng ta.” Họ bàn bạc với nhau và quyết định rằng: “ Chúng ta thật không đúng và không thích hợp để khí giới của chúng ta giáng xuống thân thể của kẻ khác trước mặt Đức Phật. Hãy để những người Koliya giết chết hoặc bắt trói chúng ta, nếu họ muốn như vậy.” Sau khi đã thỏa thuận với nhau, họ buông bỏ tất cả khí giới của họ và ngồi xuống tôn kính đảnh lễ Đức Phật.

Những người Koliya cũng đi đến quyết định giống như vậy. Họ cũng buông bỏ khí giới của họ và ngồi xuống đảnh lễ Đức Phật trong khi Ngài trên không trung từ từ đi xuống và ngồi một nơi tôn nghiêm trên một bãi cát, với tất cả uy nghi và oai lực của một vị Phật.

Thời pháp về sự chấm dứt xung đột

Đức Phật cố ý hỏi rằng: “ Tại sao tất cả các vị đến đây?” Vua của hai nước thưa rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không đến đây để nhìn con sông, cũng không phải để vui chơi; sự thật là chúng con đến đây để tiến hành chiến tranh với nhau tại vùng cát này.”

Đức Phật lại hỏi: “ Thưa hai vị đại vương…nguyên nhân nào gây ra sự xung đột giữa các vị?” Họ đáp lại: “ Nước của dòng sông Rohini là nguyên nhân.”

Đức Phật lại hỏi: “ Thưa hai vị đại vương…nước của dòng sông Rohini này giá trị đến bao nhiêu?” Họ đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, giá trị của nó rất nhỏ.” Đức Phật lại hỏi thêm: “ Quả đất có giá trị bao nhiêu?” “Giá trị của nó là vô hạn,” là câu trả lời.

Nhân đó, Ngài hỏi thẳng vấn đề: “ Các vị đánh giá dòng dõi Sát-đế-lỵ cao quý như thế nào?” Họ đáp lại: “ Giá trị của dòng dõi Sát-đế-lỵ cao quý thật là vô hạn.” Rồi Ngài dạy rằng:

“ Thưa các vị đại vương… một ít nước trong con kênh Rohini này có giá trị nhỏ như vậy, thế tại sao các vị muốn tiêu diệt dòng Sát- đế-lỵ vô giá bằng cách chiến đấu lẫn nhau. Không thể tìm thấy một chút an lạc nào trong những cuộc xung đột đầy uổng phí và không đáng giá. Thưa các vị đại vương…thù hận được gieo xuống bởi một vị thọ thần và con gấu ngấm ngầm tồn tại suốt cả một hiền kiếp (bhadda kappa).

Rồi Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Phandāna (trong phần Terasa Nipāta). Câu chuyện tóm tắt của nó như sau:

 

Phandana Jataka

“Thưa các vị đại vương…Vào một thuở nọ, dưới triều đại của vua Brahmadatta ở Bārāṇasī, có một ngôi làng của những người thợ mộc ở bên ngoài kinh thành; và có một vị Bà-la-môn làm nghề thợ mộc. Ông ta đem gỗ từ rừng về và đóng thành những chiếc xe để kiếm sống.

Lúc bấy giờ, có một cây Kyo (Melicoca trijuna) trong vùng Himalaya. Một con gấu thường đến và ngủ thoải mái dưới cây ấy sau khi đã kiếm ăn no nê. Một hôm nọ, một nhánh cây bị gãy do bởi một cơn gió mạnh và rơi xuống trên lưng của con gấu làm nó bị thương nhẹ. Nó không nhìn thấy kẻ thù nào cả.

 

Bởi vậy nó tự nghĩ: “ Không có con thú nào như sư tử, hổ hoặc báo ở quanh đây để làm hại ta và không thể có ai khác ngoài vị thần cây, vì ganh ghét việc ta ngủ dưới gốc cây nên đã làm hại ta. Ta quyết sẽ trả thù vị ấy,” và như vậy chuyện nhỏ xé ra to. Con gấu húc vào cây và dùng móng vuốt cào vào cây và nói rằng: “ Ta đã không ăn những ngọn lá của ngươi, cũng không bẻ gãy các nhánh của ngươi. Ngươi không tỏ thái độ thù hận đối với những con vật khác đến nghỉ dưới gốc cây, nhưng người lại đố kỵ ta. Ta có lỗi gì? Ngươi cứ đợi đó, chỉ trong hai, ba ngày, ta sẽ làm cho cây của ngươi bị ngã tróc rễ và bị xẻ ra từng mảnh.”

Sau khi đe dọa vị thọ thần, con gấu đi quanh vùng lân cận để tìm kiếm một người nào đó có khả năng gây tổn hại cho cây ấy.

 

Ông Bà-la-môn thợ mộc cùng với vài người phụ việc đi vào khu rừng trong một chiếc xe nhỏ để tìm gỗ đem về đóng thành những chiếc xe. Họ bỏ chiếc xe tại một chỗ nọ và đi vào khu rừng mang theo những cái rìu và búa đẽo. Họ đi quanh để tìm kiếm loại gỗ thích hợp và cuối cùng họ đến gần cây Kyo (tiếng Miến).

Khi con gấu trông thấy ông Bà-la-môn thợ mộc, nó nghĩ: “ Ngày hôm này, ta có thể rửa được mối thù với kẻ thù của ta,” và nó đi đến đứng dưới gốc cây. Khi người thợ mộc đi ngang qua cây ấy, con gấu tóm lấy cơ hội nói với ông ta như vầy:

“ Này ông bạn, ông đã đi vào khu rừng với những búa rìu trong tay. Hãy nói thật cho tôi biết rằng ông định đốn hạ cây nào?”

Khi người thợ mộc nghe những lời nói của con gấu, ông ta thốt lên trong kinh ngạc: “ Này các em, thật kỳ lạ thay, con gấu biết nói tiếng người. Một điều mà từ trước đến giờ ta chưa từng nghe hoặc thấy.” Rồi ông ta nghĩ một con gấu như vậy mà biết nói tiếng người sẽ biết loại gỗ nào thích hợp để làm ra những chiếc xe và vì vậy ông ta hỏi con gấu:

“ Hỡi vua của loài gấu, người đã đi khắp nơi, lên đồi, xuống vực. Hãy thành thật nói cho tôi biết loại gỗ nào là thích hợp nhất để làm ra những chiếc xe?”

Khi con gấu nghe qua những lời này, nó cảm thấy rằng nguyện vọng của nó sắp được thành tựu và nó đáp lại bằng câu kệ:

“ Cây pterocarpus indicus không đủ chắc để dùng làm khung; cây acacia catechu thì không thích hợp lắm. Cây shorea cũng vậy; và cây myaukngo cũng yếu. Chỉ có một loại cây như cây melicoca trijuga, gỗ của nó rất thích hợp cho việc đóng khung xe.”

Người thợ mộc rất vui sướng khi nghe điều ấy và ông ta tự nghĩ: “ Ta đã đi vào khu rừng đúng ngày kiết tường và ngay cả một con thú như con gấu cũng đã chỉ cho ta loại gỗ thích hợp nhất để làm ra những chiếc xe. Thật là may mắn.” Và ông ta hỏi con gấu:

“ Này gấu thân mến… những nhánh, lá và thân cây thì như thế nào? Này bạn tốt, hãy cho tôi biết mọi thứ để tôi có thể biết tất cả về cây ấy.”

Con gấu trả lời bằng hai câu kệ :

“ Này ông Bà-la-môn, có một cây nọ có nhánh và tán lá oằn xuống. Những thứ ấy bền, chắc, dễ uốn. Bây giờ tôi đang đứng ở dưới gốc của cây ấy. Nó có tên là Melicoca trijuna. Gỗ của nó là thứ thích hợp để làm vành xe, trục xe và tất cả những phụ tùng khác của xe.”

Sau khi nói lên hai câu kệ này, con gấu bỏ đi với tâm vui sướng và đến một nơi khác thích hợp để kiếm mồi. Rồi người thợ mộc bắt đầu sắp xếp công việc đốn hạ cây ấy. Vị thọ thần suy nghĩ: “ Dầu ta không ném bất cứ vật gì trên lưng của nó, nhưng con gấu đã nuôi dưỡng thù hận với ta và gieo hạt giống hận thù không đâu. Giờ đây nó đã rắp tâm tiêu diệt chỗ ở của ta. Nếu chỗ ở của ta bị tiêu diệt, chắc ta cũng sẽ bị tiêu diệt. Ta sẽ dùng một mưu mẹo để tiêu diệt lại nó.” Rồi vị ấy biến thành một người lao động và đi đến người thợ mộc rồi hỏi ông ta rằng: “ Thưa ông, ông đã có được một cây xinh đẹp. Ông định làm gì một khi ông đã xẻ gỗ nó ?” Người thợ mộc đáp lại:“ Ta sẽ làm một khung xe.” “ Ai đã nói với ông rằng gỗ của cây này là tốt để làm chiếc xe?” vị thọ thần dò hỏi. “ Một con gấu đã nói với tôi như vậy,” là câu trả lời. Vị thọ thần bèn nói rằng: “Thế là tốt, con gấu đã cho ông lời khuyên tốt. Quả thật vậy, chiếc xe mà ông sẽ làm theo lời khuyên của con gấu sẽ là chiếc xe xinh đẹp; và tôi cũng muốn cho ông một lời đề nghị rằng: để sườn xe của ông thêm chắc, cần phải có sợi dây đai lấy từ da ở quanh cổ của con gấu, và nhờ vậy chiếc xe của ông sẽ có giá.”

Người thợ mộc hỏi: “ Này ông bạn, tôi có thể đi đâu để kiếm được da của con gấu?”.

Vị thọ thần nói rằng: “ Này ông bạn, ông vẫn còn trẻ nên không biết rằng cây là vật vô tri ; nó sẽ ở đây và không bỏ chạy đi đâu. Chỉ cần nhanh chân đuổi theo con gấu đã nói cho ông biết về cây này và tôn kính hỏi nó rằng: “Thưa ngài, phần nào của cây mà ngài đã chỉ  cho tôi là nên đốn? ” rồi thuyết phục nó trở lại cây này. Rồi chẳng nghi ngờ gì, nó sẽ đưa cái mõm dài của nó ra để chỉ cho ông: ‘ Hãy đốn ở chỗ này. Hãy đốn ở chỗ này.’ Ngay khi ấy, ông hãy dùng cái rìu sắc bén của ông mà chém xuống và kết liễu cuộc đời của nó. Rồi hãy lột da của nó, ăn thịt của nó, xong xuôi hãy làm công việc đốn hạ cây.”

Như vậy hạt giống thù hận đã được gieo. Khi nghe những lời của vị thọ thần, ông Ba-la-môn thợ mộc bày tỏ nỗi vui sướng mà nói rằng: “ Ôi, kỳ diệu thay. Đây là một ngày tốt cho ta.” Ông ta trở về nhà sau khi giết chết con gấu và đốn hạ cây ấy.

Đức Phật kết thúc thời pháp của Ngài bằng cách thuyết giảng Đẳng Chánh giác kệ (Abhisambuddha) để sách tấn và khuyên dạy những người quyến thuộc đang gây thù chuốc oán lẫn nhau.

 Iccevaṃ phandano issaṁ Isso

ca pana phandānaṁ

aññamaññaṃ vivādena

aññamaññamghatayuṁ.

 

Thưa các vị đại vương… Như vậy con gấu đã xung đột với vị thọ thần và vị thọ thần đáp trả lại con gấu. Sự thù hận của họ cuối cùng đã dẫn đến sự diệt vong cho cả hai.

 

Evameva manussānaṃ

Virādo yattha jāyati

mayuramaccam naccanti

yatha te issaphandanā.

Thưa các đại vương… Khi mọi người chiến đấu lẫn nhau, họ hành động giống như vị thọ thần và con gấu theo cách của con công đang múa. Giống như con công nếu múa thì không tránh được việc phơi bày những phần riêng trên thân; cũng vậy, mọi người đánh nhau không thể nào che dấu điều gì cần được che dấu…(ám chỉ những lời chỉ trích liên quan đến nguồn gốc của những người Sakya và những người Koliya được nói ra bởi hai phe tham chiến).

Taṃ vo vadāmi bhadaṃ vo

yāvantettha samāgatā

samodatha mā vivadatha

mā hotha issaphandanā.

Thưa các vị đại vương, chúc các vị có được sự vinh quang và uy nghi, các vị đã kéo đến đây ở hai bên bờ sông Rohini. Như lai khuyên các vị hãy hành động như những dòng nước của hai con sông Ganges và Jumna, hòa hợp với nhau bằng tình thân ái. Hãy tránh gây diệt vong cho nhau. Đừng theo gương của con gấu và vị thọ thần.

 

Sāmaggimeva sikkhetha

Buddhe hetaṃ pasaṃsitaṃ

samaggirato Dhammattho

yogakkhemā na dhansati.

Thưa các vị đại vương, hãy phấn đấu cho sự đoàn kết. Chư Phật đã từng khen ngợi những đức lành của sự đoàn kết. Người vui thích trong đời sống hòa hợp, an trú trong mười thiện hạnh chắc chắn sẽ đạt được trọn vẹn hạnh phúc của Niết bàn, là sự chấm dứt tất cả ách phược trói buộc con người trong vòng tử sinh.

Hai phe đối địch, Sakya và Koliya thân ái đoàn kết nhau sau khi nghe thời pháp của Đức Phật. Để kết thúc thời pháp, Đức Phật nhận diện bổn sanh như sau: Ngài chính là vị hộ thần đứng đầu cả khu rừng, khi ấy đã chứng kiến sự xung đột giữa con gấu và vị thọ thần.

Kết thúc Bổn sanh Phandana

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app