Nội Dung Chính

CHƯƠNG 23

ĐỨC THẾ TÔN NGỤ Ở VESALI – MÙA AN CƯ THỨ NĂM

 

Sau khi đã hoàn thành bổn phận của một vị Phật bằng cách thuyết giảng các bài kinh Mahāsamaya, Sammāparibbājaniya, v.v… đến năm trăm vị A-la-hán thuộc bộ tộc Thích ca và an trú cho bảy trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên trong thánh quả A-la-hán (arahatta-phala), và vô số chư thiên và Phạm thiên trong ba đạo bậc thấp, như đã trình bày ở trên, Đức Phật đến ngụ ở tịnh xá Kutagara, có mái tầng và nóc nhọn hình tháp, tại nước Vesali, trải qua mùa an cư thứ năm.

Hai khu rừng có cùng tên Mahāvana

 

(Có hai khu rừng đều mang tên Mahāvana: một ở gần Kapilavatthu và khu rừng kia ở gần Vesali. Trong hai khu rừng này, một (nơi mà Đức Phật thuyết giảng bài kinh Mahāsamaya) ở gần Kapilavatthu, trải rộng từ bờ của Kapilavatthu đến phía bên này của dãy núi Himalaya và đến đại dương bên kia. Khu rừng Mahāvana kia ở gần thành phố Vesali, là một khu rừng rộng lớn có ranh giới ở khắp các phía.

 

Phụ vương Suddhodana chứng đắc đạo quả A-la-hán

Khi Đức Phật đang trải qua mùa an cư thứ năm tại khu rừng Mahāvana gần Vesali thì phụ vương Suddhodana nhập Niết bàn sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán, dưới cái lọng trắng trong cung vàng của vị ấy.

(Chú thích: Một bài mô tả đầy đủ về việc vua Suddhodana chứng đắc đạo qua A-la-hán, dưới cái lọng trắng trong cung vàng của vị ấy và sự viên tịch Niết bàn đã được nêu ra trong bộ ‘Tathagata Udāna Dipani.’ Bộ Chú giải Anguttara chỉ nêu ra tóm tắt về điều này).

Sự thỉnh cầu cho phép nữ giới xuất gia

Di mẫu Mahā Pajāpati Gotami đã đến gặp Đức Phật từ lần đầu tiên Ngài đến viếng Kapilavatthu với lời thỉnh cầu Ngài cho phép phái nữ chính thức xuất gia trong Tăng đoàn. Bà đã thỉnh cầu đến ba lần và mỗi lần như vậy, Đức Phật đều từ chối.

Lý do từ chối là vì Đức Phật quyết định không cho phép nữ giới xuất gia một cách dễ dàng, mà chỉ sau khi họ đã thể hiện nhiều nỗ lực cố gắng để xin phép xuất gia. Khi họ mới nhận ra rằng để trở thành một vị bhikkhuni trong giáo pháp là điều khó đạt được và họ sẽ luôn tinh tấn gìn giữ phẩm hạnh bhikkhuni. Đức Phật muốn họ quí trọng cơ hội được xuất gia sau khi đã thể hiện nhiều cố gắng.

Như vậy, khi di mẫu Mahā Pajapati Gotami nói lời thỉnh cầu đầu tiên, ba lần đến Đức Phật tại tịnh xá Nigrodha ở Kapilavatthu, lời thỉnh cầu của bà đã bị Ngài từ chối vì những lý do được nêu ra ở trên. Bà Mahā Pajapati Gotami phải từ bỏ hy vọng và trở về hoàng cung sau mỗi lần cố gắng.

Bây giờ cơ hội đã đến để bà thể hiện một sự cố gắng khác khi Đức Phật đến ngụ ở Vesali, trải qua mùa an cư thứ năm.

Như đã trình bày ở những chương trước, năm trăm vị tỳ khưu xuất thân từ dòng tộc hoàng gia trước khi chứng đắc đạo quả A-la- hán, đã nhận được những bức thư từ những người vợ cũ, nội dung kêu gọi họ trở về sống cuộc đời thế tục. Những công nương này đã gởi  đến năm trăm vị tỳ khưu những bức thư với nội dung thắm thiết. Nhưng lúc này, các vị đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Các vị đã phúc đáp rằng: “Chúng tôi không còn ở vị thế cuộc đời thế tục.”

Năm trăm người vợ bị bỏ lại đã suy nghĩ rằng: ‘Thật không thích hợp để đi tìm đời sống hôn nhân khác,’ và nhất trí đi đến di mẫu Mahā Pajapati Gotami để cầu xin bà ‘xin phép Đức Phật cho họ được xuất gia làm bhikkhuni.’ Do đó, họ đi thành từng nhóm đến di mẫu Mahā Pajapati Gotamī và nói lời cầu xin bà.

Lời yêu cầu của họ nhắc nhở bà nhớ lại sự thất bại của bà về việc xin phép Đức Phật cho nữ giới xuất gia vào Tăng chúng, khi Ngài đang ngụ ở tịnh xá Nigrodha trong dịp trước, và vì vậy bà cho gọi thợ làm tóc đến cạo đầu của họ và cả chính bà, rồi bảo họ mặc vào những chiếc y nhuộm, mang tướng mạo của những bhikkhuni trong khi vẫn còn đang ở trong hoàng cung. Rồi họ thu xếp để lên đường đi đến khu rừng Mahāvana ở Vesali, nơi Đức Phật đang ngụ lúc bấy giờ.

Khoảng cách giữa Kapilavatthu và Vesali là 50 do tuần (yojana), và khi những gia đình trong hoàng tộc Thích ca và Koliya sắp xếp cho chuyến đi của họ, đã kết luận rằng: ‘ Không thể nào để những công chúa và công nương này, đã quen sống cuộc đời vương giả, xa hoa mà lại đi bằng chân đất,’ và họ đã sắp xếp để cung cấp cho những công nương năm trăm chiếc kiệu.

Năm trăm công nương thỏa thuận với nhau rằng, cách đi như vậy được xem là hành động bất kính đối với Đức Phật và do đó, họ quyết định đi bộ trên quãng đường dài năm mươi do tuần. Những gia đình hoàng gia của hai nước bèn chuẩn bị vật thực hằng ngày cho họ ở mỗi chặng dừng và gởi một số người hầu hộ tống họ đi đến Vesali.

Sau khi thực hiện một chuyến hành trình khó nhọc dài năm mươi do tuần, đôi bàn chân thon mềm của họ bị sưng phồng lên với những vết sưng bỏng bị vở ra rồi chảy nước. Tất cả năm trăm công nương xinh đẹp, dẫn đầu là di mẫu Mahā Pajapati Gotamī, đến Vesali với đôi chân bị sưng tấy, thân của họ lấm lem bụi đất, với nước mắt ràn rụa trên đôi má và trong điệu bộ thảm não, họ đứng thành từng nhóm ở cổng của tịnh xá Kutagara trong khu rừng Mahāvana (Họ không dám đi ngay vào bên trong khuôn viên của tịnh xá).

(Di mẫu Gotami tự nghĩ rằng bà đã mặc vào y phục của vị bhikkhuni mà không được sự cho phép của Đức Phật, và tin tức về hành động của bà đã được truyền đi khắp nơi. Thật tốt thay nếu Đức Phật hoan hỉ thâu nhận bà vào Tăng chúng. Nhưng không được thì bà sẽ bị chỉ trích. Đó là lý do khiến bà đứng sầu não ở cổng chùa mà không dám bước vào).

Khi đại đức Ānanda thấy bà Mahā Pajapati Gotami đứng tại cổng chùa trong cảnh ngộ như vậy, đại đức đi đến và hỏi rằng: “ Thưa di mẫu, tại sao trông di mẫu khổ sở như vậy? Phải chăng những gia đình trong hoàng tộc Thích ca đã gặp phải những điều bất hạnh và bị tàn rụi? Tại sao di mẫu lại mang dáng vẻ thiểu não như vậy, chân thì bị sưng tấy, khuôn mặt sầu thảm, đứng tuyệt vọng và khóc lóc tại  cổng chùa?”

Nhân đó, di mẫu Mahā Pajapati Gotami đáp lại: “ Thưa đại đức Ānanda, chúng tôi đã đứng tại cổng chùa với nước mắt ràn rụa, vì không được Đức Phật cho phép nữ giới xuất gia chính thức vào Tăng chúng để họ có thể sống cuộc sống bhikkhuni trong giáo pháp gồm Pháp và Luật.” Đại đức Ānanda nói vài lời động viên để an ủi bà: “ Thưa di mẫu… nếu vậy thì tôi sẽ đi đến Đức Phật để xin phép Ngài cho nữ giới xuất gia vào Tăng chúng, để họ có thể sống cuộc đời bhikkhuni trong giáo pháp gồm Dhamma-Vinaya. Hãy ở lại tại cổng chùa cho đến khi tôi trở lại.” Và khi nói vậy, đại đức Ānanda đi đến Đức Phật và dâng lên Ngài lời thỉnh cầu:

“ Bạch Đức Thế Tôn… Di mẫu Maha Pajapati Gotami đang đứng ở cổng chùa với đôi chân bị sưng phồng, thân lấm đầy bụi đất, nỗi lòng quặn đau, nước mắt ràn rụa trên mặt, và đang ở trong cảnh ngộ bi thảm, vì không được Đức Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia, để họ có thể sống cuộc đời bhikkhuni trong giáo pháp (sāsana). Con thành khẩn cầu xin Ngài cho phép họ được chính thức xuất gia!”

Đức Phật đáp lại: “ Này Ānanda… đó không phải là điều thích hợp và Như lai khuyên con đừng quan tâm trong vấn đề thâu nhận nữ giới vào Tăng chúng làm bhikkhuni.” Bằng sự quyết tâm, đại đức Ānanda lại nói lời thỉnh cầu lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng chỉ nhận được những lời từ chối tương tự từ Đức Phật.

Lời thỉnh cầu đổi mới

Đại đức Ānanda nghĩ ra sự thỉnh cầu mới, sau ba lần cầu xin mà không được Đức Phật cho phép thâu nhận nữ giới vào trong giáo pháp gồm Dhamma-Vinaya, và vị ấy đi đến Đức Phật và bạch rằng:

 

“ Bạch Đức Thế Tôn… phái nữ có thể chứng đắc thánh quả từ bậc Nhập lưu (sotāpatti), Nhất lai (sakadāgāmi), Bất lai (anāgāmi) đến A- la-hán (arahatta) bằng cách sống cuộc đời bhikkhuni trong hệ thống giáo pháp gồm Dhamma -Vinaya chăng?”

 

Nhân đó, Đức Phật đáp lại rằng: “ Này Ānanda… nữ giới có thể chứng đắc thánh quả từ bậc sotāpatti, sakadāgāmi, anāgāmi đến arahatta bằng cách sống cuộc đời bhikkhuni trong hệ thống giáo pháp gồm Dhamma -Vinaya.”

 

“ Bạch Đức Thế Tôn, nếu nữ giới có khả năng chứng đắc bốn tầng thánh bằng cách sống cuộc đời của vị bhikkhuni trong hệ thống giáo pháp gồm Dhamma-Vinaya, vậy con xin phép được trình bày một trường hợp xứng đáng để Đức Phật rủ lòng bi mẫn, suy xét lại lời thỉnh cầu của con:

Bạch Đức Thế Tôn… Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī đã có công rất lớn đối với Ngài, ngoài việc bà là di mẫu của Ngài. Bà có bổn phận nuôi dưỡng, cho Ngài bú mớm và lo cho sự an vui khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của Ngài từ lúc Ngài mới sanh. Bà từng tắm rửa cho Ngài bằng nước thơm hai lần một ngày. Quả thật vậy, bà có trách nhiệm nuôi dưỡng cho riêng Ngài bằng dòng sữa chảy ra từ ngực của bà.”

(Bà Mahā Pajapati Gotamī đã hạ sanh hoàng tử Nanda được vài ngày sau khi hoàng hậu Mahā Maya hạ sanh Bồ tát. Bà đã giao hoàng tử Nanda cho vú nuôi chăm sóc và bà tình nguyện làm vú nuôi chăm sóc Bồ tát, thế nên điều này được thêm vào trong lời thỉnh cầu của đại đức Ānanda).

Cuối cùng, Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của đại đức Ānanda và nói rằng: “ Này Ānanda, nếu di mẫu Mahā Pajapati Gotamī chấp nhận tám điều luật đặc biệt (Garu-dhamma – trọng pháp) thì được thâu nhận vào Tăng chúng”.

Tám điều luật đặc biệt là:

(1)    Vị bhikkhuni dù trải qua một trăm hạ, cũng phải đảnh lễ, chấp tay đón chào một vị bhikkhu dù vị ấy chỉ mới xuất gia một ngày. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(2) Vị bhikkhuni không được nhập hạ cách xa nơi các vị bhikkhu trú ngụ. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(3)    Mỗi nửa tháng vị bhikkhuni phải làm hai việc: phải hỏi chúng Tăng về ngày Uposatha và phải đi đến chúng Tăng để nghe lời giáo huấn và sách tấn. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(4)    Khi thời kỳ an cư Kiết hạ chấm dứt, vị bhikkhuni phải làm lễ Tự tứ – Pavāranā ở cả hai hội chúng bhikkhu và bhikkhuni. Ở mỗi bên, vị bhikkhuni phải xin lời phê bình về những gì họ đã nghe, đã thấy hoặc đã nghi ngờ về vị bhikkhuni ấy. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(5)    Vị bhikkhuni đã phạm tội Tăng tàn phải chịu hành pháp sám hối nửa tháng – pakkha manatta, trong mỗi chúng bhikkhu và bhikkhuni. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(6)    Vị bhikkhuni phải sắp xếp lễ thọ bhikkhuni ở cả hai hội chúng bhikkhu và bhikkhuni cho vị sa-di ni, sau hai năm nương nhờ học đạo thọ trì sáu giới với vị bhikkhuni ấy. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(7)    Bhikkhuni không được chỉ trích vị bhikkhu vì bất cứ lý do gì. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

(8)     Bhikkhuni không được sách tấn vị bhikkhu kể từ hôm nay. Vị bhikkhu nên sách tấn bhikkhuni khi nào và nơi nào cần thiết. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm túc.

Nếu di-mẫu Mahā Pajapati Gotami chấp nhận tám điều luật đặc biệt thì bà được thâu nhân nhận vào Tăng chúng.”

Như vậy, Đức Phật đã cho phép thành lập chúng tỳ khưu ni (bhikkhuni-sāsana) sau khi thuyết giảng tám điều luật đặc biệt để họ thọ trì.

Đại đức Ānanda nhớ tám điều luật đặc biệt từ Đức Phật và trở lại với di mẫu Mahā Pajapati Gotamī tại cổng chùa và nói cho bà biết điều diễn ra trong cuộc gặp giữa vị ấy với Đức Phật.

 

“ Thưa Đại di mẫu… nếu di mẫu chấp nhận tám điều luật đặc biệt này thì di mẫu sẽ được thâu nhận vào Tăng chúng. Tám điều luật đặc biệt này là:

 

(1) Vị bhikkuni dù trải qua một trăm hạ, cũng phải đảnh lễ, chấp tay đón chào một vị bhikkhu dù vị ấy chỉ mới xuất gia một ngày. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm ngặt trọn đời.

Những điều tương tự khác (Pelayya)

 

(9) Bhikkhuni không được sách tấn bhikkhu kể từ hôm nay. Các vị bhikkhu khưu nên khuyến giáo những bhikkhuni khi thời gian và nơi chốn cần thiết. Điều luật này cần phải được thọ trì nghiêm ngặt trọn đời.

Thưa Đại di mẫu, nếu di mẫu có thể tự xem mình là người được chính thức thâu nhận vào chúng bhikkhuni thì di mẫu phải thọ trì nghiêm ngặt tám điều luật đặc biệt này.”

Bà Mahā Pajapati Gotamī đáp lại rằng: “ Thưa đại đức Ānanda…cũng như một thiếu nữ có thói quen trang điểm với bông hoa, với tóc được gội sạch và chải mượt hay một người đàn ông cũng thế, sẽ tha thiết nhận lấy những hoa súng v.v…với đôi tay đưa ra, để trên đầu của họ khi được cho đến. Cũng thế, con cũng sẵn sàng thọ trì tám điều luật đặc biệt (Garu-dhamma) với sự hoan hỉ to lớn và sự tôn kính đúng mức cho đến khi con trút hơi thở cuối cùng.”

Nhân đó, đại đức Ānanada lại đi đến Đức Phật và đứng ở nơi phải lẽ rồi bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Di mẫu Mahā Pajapati Gotami đã nguyện thọ trì tám trọng pháp đã được ban hành bằng sự cố gắng kiên trì và sự tôn kính cho đến trọn đời của bà.”

(Sự chấp nhận tám Trọng pháp đầy nhiệt tâm của bà tạo thành sự thâu nhận mặc nhiên vào hội chúng. Bà trở thành bhikkhuni mà không cần tiến hành lễ xuất gia ở trong Sima. Sự xuất gia vào Tăng chúng như vậy được gọi là “Aṭṭha garu-dhammā patiggahana Upasampadā.”

 

Sự cho phép xuất gia Bhikkhuni

Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī đi đến Đức Phật và kính cẩn ngồi xuống ở nơi phải lẽ rồi hỏi rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con nên làm gì với năm trăm công nương có huyết thống của hoàng tộc?” Đức Phật cho bà những lời giáo huấn. Bà ra đi sau khi nghe dhamma và làm lễ Ngài. Rồi Đức Phật nói cho các vị tỳ khưu biết về những lời giáo huấn của Ngài đến di mẫu Mahā Pajapati Gotami và ban hành những điều luật sau:

 

“ Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép vị tỳ khưu truyền phép cụ túc giới cho các sa-di ni để trở thành tỳ khưu ni.”

Các vị tỳ khưu tiến hành truyền phép cụ túc giới cho năm trăm công nương, bà Mahā Pajapati Gotami là giới thọ sư của họ (upajjhaya). Họ được gọi là “ ekataw upasampaññā” nghĩa là không đủ số lượng tỳ khưu ni tham dự với vị tỳ khưu trong lễ truyền cụ túc giới.

Khi lễ truyền cụ-túc-giới đã xong, di mẫu Mahā Pajapati Gotami chứng đắc đạo quả A-la-hán do nghe bài Sankhitta Sutta (Aṅguttara), và năm trăm tỳ khưu ni ấy cũng chứng đắc các thánh quả theo ước nguyện của họ, từ bậc sotāpatti, sakadāgāmi, anāgāmi đến arahatta do nghe bài kinh Nandakovāda (Majjhima).

(Sự xuất gia của những tỳ khưu ni đặc biệt, như hoàng hậu Yasodhara, công chúa Janapadakalyani, hoàng hậu Khema, Dhammadinnā – vợ của một vị phú hộ, Bhaddakapilā sẽ được mô tả riêng khi chúng tôi bàn đến phần Tăng bảo).

Sự thắng phục đạo sĩ hành cước Saccaka

Đức Phật điều phục đạo sĩ lõa thể Saccaka trong khi Ngài đang trú ngụ ở tịnh xá Kutagara, trong khu rừng Mahāvana gần Vesali. Một bài nói về vị đạo sĩ hành cước Saccaka này sẽ được kể lại từ tập Catuka Nipatta, Chú giải Culakalinga Jātaka và Mulapaṇṇāsa, Chú giải kinh Culasaccaka.

Cách đây đã lâu, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hậu duệ của hoàng tộc Licchavī ở Vesali đã thay phiên trị vì vương quốc. Tất cả những vị vua ấy có khuynh hướng rất ham thích tìm hiểu các quan điểm của các giáo phái thịnh hành thời bấy giờ. Một hôm nọ, có một du sĩ nọ bảo vệ năm trăm quan điểm đã đến tại Vesali. Những người con cháu của hoàng gia ấy đã trọng đãi vị ấy. Một nữ du sĩ khác chủ trương năm trăm quan điểm cũng đến tại xứ sở Vesali trong thời gian ấy.

Những người con cháu của hoàng tộc bèn sắp xếp một cuộc tranh biện giữa hai vị du sĩ. Cuộc tranh biện kết thúc trong sự bất phân thắng bại vì cả hai tương đồng nhau. Một ý tưởng mới lạ nảy sanh trong những vị Licchavī: “ Nếu hai vị đạo sĩ này được hợp nhất bằng sự kết hôn thì họ có thể sanh ra một đứa con đại tài.” Bởi vậy họ thuyết phục hai vị đạo sĩ ở lại trong nước của họ chẳng cần lo lắng việc đi lại. Họ cư xử với hai vị đạo sĩ rất mực tôn kính và tổ chức lễ cưới cho hai vị đạo sĩ.

Năm tháng trôi qua, hai vợ chồng đạo sĩ sanh được bốn người con gái và một đứa con trai. Tên của bốn người con gái là: (1) Sacca, (2) Lola, (3) Avadharika, (4) Paticchada và tên của đứa con trai là Saccaka. (Theo Chú giải bài kinh Cula Saccaka thì tên của bốn người con gái được tìm thấy là: (1) Sacca, (2) Lola, (3) Patacara và (4) Avacavati).

Khi chúng lớn khôn, cha mẹ của chúng truyền đạt lại cho  chúng một ngàn quan điểm của họ năm trăm ở bên cha và năm trăm ở bên mẹ. Cha mẹ của  chúng cũng cho thêm lời khuyên đặc biệt đến bốn người con gái:

“ Này các con, nếu các con thấy có người nào có thể bác bỏ được những quan điểm của các con, thì các con có thể tự hiến thân mình làm vợ của người ấy nếu người ấy là nam cư sĩ. Tuy nhiên, nếu người ấy là vị tỳ khưu, thì các con có thể xuất gia theo vị ấy.”

Sau khi cha mẹ của họ qua đời, du sĩ Saccaka, vốn thông minh hơn bốn người chị, lại học hỏi thêm những quan điểm chính thống cộng thêm một ngàn quan điểm mà vị ấy thừa hưởng từ cha mẹ. Chẳng cần lên đường đi du phương, vị ấy ngụ tại Vesali để giảng dạy cho những hoàng tử trẻ. Vì sợ rằng cái bụng chứa đầy ‘trí tuệ’ có thể vỡ tung bất cứ khi nào, nên vị ấy đã đắp lên bụng những tấm sắt.

Bốn người chị của Saccaka quan niệm rằng có cây táo hồng dễ nhận thấy. Bởi vậy họ thường mang theo nhánh cây táo hồng mỗi khi họ đi từ thị thành này đến phố chợ khác để tìm đối thủ tranh luận giáo lý. Họ thường cắm nhánh cây táo hồng trên một đống cát hay đất ở tại cổng đi vào thị trấn rồi công bố rằng: “ Bất cứ ai có thể đánh ngã những quan điểm của chúng tôi, thì có thể chà nát nhánh cây này,” bằng lối thách thức, trước khi họ đi vào thị trấn.

Khi họ đi từ nơi này đến nơi khác, cuối cùng họ đến tại Sāvatthi. Ở đây cũng vậy, họ cắm xuống nhánh cây táo hồng ở cổng vào và công bố lời thách thức: “ Bất cứ ai, cư sĩ hay Sa-môn, mà có thể bác bỏ hệ tư tưởng của chúng tôi, thì có thể đạp bỏ đống cát và nhánh cây táo hồng này.” Họ để lại lời thách thức cho bọn trẻ đang quanh quẩn ở cổng thành, và đi vào thị trấn.

Trí tuệ xuất chúng của đại đức Sāriputta

 

Vào ngày hôm ấy, đại đức Sāriputta, vị Tối thắng Thinh văn, đi vào kinh thành vào buổi sáng hơi muộn để khất thực, vì vị ấy bận quét dọn các nơi trong tịnh xá, châm nước uống vào các hủ sạp và chăm sóc tỳ khưu bịnh ở bên trong khuôn viên của tịnh xá Jetavana. Khi vị ấy đến gần cổng thành, vị ấy đi đến những cây táo hồng. Do đó, vị ấy hỏi bọn trẻ ở gần đó về hiện tượng kỳ lạ ấy. Bọn trẻ đã trình bày đầy đủ chi tiết về vấn đề ấy đến đại trưởng lão. Nhân đó, đại đức Sāriputta bảo chúng đạp bỏ những nhánh cây táo hồng ấy. Bọn trẻ đáp lại rằng: “ Kính bạch Ngài, chúng con không dám, chúng con sợ. ” Đại đức Sāriputta lại bảo chúng thêm lần nữa với vài lời động viên chúng: “ Này các con… đừng sợ. Nếu họ hỏi các con rằng ai ở đằng sau các con, thì chỉ cần cho họ biết rằng Ta, Sāriputta, vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật đã bảo các con làm điều đó và hãy bảo họ rằng nếu họ muốn tranh biện với ta, thì hãy đến tịnh xá Jetavana.” Bọn trẻ lấy can đảm và đạp nát những nhánh cây táo hồng như đã được chỉ bảo. Đại đức Sāriputta tiếp tục đi khất thực rồi trở về tịnh xá.

Khi bốn chị em đạo sĩ đi ra khỏi thành phố, họ hỏi bọn trẻ: “ Ai bảo các ngươi phá hủy những nhánh cây táo hồng của chúng ta?” Chúng bèn kể lại tất cả mọi chuyện.

Bốn người nữ trở lại thành phố, mỗi người đi một con đường riêng, họ công bố rằng: “ Chúng ta biết rằng vị Tối thượng Thinh văn của Đức Phật, mệnh danh là Sāriputta, đã sẵn sàng tham gia tranh  luận với chúng tôi. Những ai muốn nghe tranh luận thì hãy đi theo chúng tôi…” Nhiều người ra khỏi nhà và theo họ đến tịnh xá  Jetavana.

Đại đức Sāriputta thấy rằng nữ giới không được phép hiện diện trong khu vực của các vị tỳ khưu, và vì vậy vị ấy đi đến chỗ trung tâm, khuôn viên của tịnh xá để gặp họ. Khi đến nơi, nhóm nữ đạo sĩ hỏi rằng: “ Có phải ngài đã bảo bọn trẻ nhổ bỏ những nhánh cây táo hồng của chúng tôi?” “ Phải, ta đã làm như vậy,” đó là câu trả lời. Nhân đó, những cô gái bèn thách thức đại đức Sāriputta tranh luận về hệ tư tưởng. Đại đức Sāriputta chấp nhận sự trách thức của họ và hỏi họ rằng ai sẽ bắt đầu đặt ra câu hỏi. Họ đáp lại: “ Nhiệm vụ đặt câu hỏi thuộc về chúng tôi.” Qua câu nói đó, đại đức Sāriputta bèn nói rằng:

“ Được, các ngươi là nữ giới, hãy bắt đầu câu hỏi.”

Bốn người nữ đi vào chỗ ngồi của họ, mỗi người ngồi một hướng và tung ra những câu hỏi, cả thảy một ngàn câu là những quan điểm mà họ học được từ cha mẹ của họ. Đại đức Sāriputta đã trả lời ngay tức khắc tất cả câu hỏi, giống như cắt đứt cọng sen bằng thanh gươm hai lưỡi, không bỏ sót câu hỏi nào. Rồi vị ấy yêu cầu họ đặt thêm những câu hỏi khác, nhưng đã hết lý, họ bèn đáp lại rằng: “ Kính bạch đại đức… Chúng con chỉ biết bấy nhiêu thôi.”

Đại đức Sāriputta bèn nói rằng: “ Này các nữ đạo sĩ, ta đã trả lời tất cả một ngàn câu hỏi mà các ngươi đã đặt ra, và bây giờ ta sẽ  hỏi các ngươi chỉ một câu hỏi thôi, các ngươi có vui lòng trả lời không?” Lúc bấy giờ vì đã biết chút ít về tiếng tăm của đại đức Sariputta, họ không dám mạnh dạn trả lời: “ Bạch đại đức, xin ngài hãy hỏi, chúng con sẽ trả lời những câu hỏi của ngài,” thay vào đó họ khiêm tốn nói rằng: “ Bạch đại đức, xin hãy hỏi, chúng con sẽ trả lời nếu chúng con có thể.” Trước khi đưa ra câu hỏi, đại đức Sāriputta giải thích với họ rằng câu hỏi mà vị ấy sắp đặt ra không cao siêu mà chỉ là câu hỏi được đặt ra dành cho những vị sa-di phải học thuộc chúng sau khi trở thành sa-di (samanera) và câu hỏi của đại đức Sāriputta là: “ Thế nào là một pháp?” (Ekam nāma kim).

Bốn nữ đạo sĩ không hiểu được chút vấn đề nào. Đại đức Sāriputta hỏi họ: “ Này các nữ đạo sĩ, hãy trả lời câu hỏi.” Và họ thú nhận là không thể: “ Bạch đại đức, chúng con không có ý tưởng nào về câu trả lời.” Đại đức Sāriputta bèn bảo họ: “ Xét thấy rằng ta đã trả lời một ngàn câu hỏi của các ngươi trong khi đó các ngươi không thể trả lời một câu hỏi của ta. Vậy ai là người thắng cuộc và ai là người thua cuộc?” Câu trả lời của họ là: “Bạch đại đức, ngài là người thắng cuộc và chúng con là người thua cuộc.” Đại đức Sāriputta bèn hỏi: “ Các ngươi định làm gì trong tình huống này?” Họ bèn kể lại với đại trưởng lão về điều mà cha mẹ của họ đã khuyên bảo nên làm trong trường hợp họ bị đánh bại (như đã kể lại trong chương trước) và họ bày tỏ ước muốn được thọ phép xuất gia theo đại trưởng lão.

Đại đức Sāriputta bèn cho họ lời chỉ dẫn: “ Đây không phải là nơi thích hợp để nữ giới thọ phép xuất gia và các ngươi tốt hơn nên đi đến tịnh xá của những tỳ khưu ni và xin phép xuất gia ở đó. Do đó, họ đi đến những tịnh xá của các vị tỳ khưu ni theo sự giới thiệu của đại trưởng lão và thọ phép xuất gia. (Họ thọ phép xuất gia dưới sự đỡ đầu của trưởng lão ni Uppalavan, theo Chú giải Bổn sanh). Tất cả chứng đắc đạo quả A-la-hán chỉ trong một thời gian ngắn, do tinh cần chánh niệm trong sự hành đạo. (Đức Phật thuyết giảng một bài nói về sự  kiện này trong Bổn sanh Culakalinga Jātaka, tập Catuka Nipāta. Muốn biết thêm chi tiết hãy xem Bổn sanh số 550).

(Chú thích: Sự kiện này xảy ra khi Đức Phật đang trú ngụ ở tịnh xá Jetavana, tại Sāvatthi, một thời gian sau khi xuất hiện chúng tỳ khưu ni (bhikkhuni-sāsana) với sự đồng ý của Đức Phật để đáp ứng lời thỉnh cầu của di mẫu Mahā Pajapati Gotami, khi Ngài đang ngụ ở khu rừng Mahāvana, Vesali. Tình tiết thú vị này liên quan với câu chuyện về du sĩ Saccaka, cho nên bài mô tả về câu chuyện ấy được nêu ra ở đây).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app