Nội Dung Chính

Thái tử Jeta cúng dường cái cổng vòm cho tịnh xá

 

Khi nhìn thấy nét mặt của trưởng giả Anāthapiṇḍika mỗi lúc một rạng rỡ hơn khi ông ta tiếp tục cho đi số tài sản khổng lồ, thái tử bèn suy nghĩ: “ Việc một trưởng giả dứt bỏ khối tài sản khổng lồ bằng những đồng tiền vàng vì nguyên nhân cao quý thế này, chắc hẳn phải một hành động bố thí thánh thiện.” Với ý nghĩ này, thái tử yêu cầu trưởng giả: “ Đủ rồi…đủ rồi…hãy đừng lát thêm đồng tiền vàng nào trên chỗ đất đấy. Hãy vui lòng để nó lại cho ta để ta bố thí cổng vòm cho tịnh xá .” Anāthapiṇḍika tự nghĩ: “ Vị thái tử Jeta này là một thái tử vang danh, nổi tiếng đối với dân chúng. Sự thể hiện tâm tịnh tín  đối với giáo pháp của Đức Phật bởi một nhân vật nổi tiếng như vậy sẽ đem lại lợi ích to lớn.” Bởi vậy ông ta nhượng lại chỗ đất ấy cho thái tử Jeta, vị ấy xây dựng cổng tịnh xá với những tầng mái.

 

Trưởng giả Anāthapiṇḍika xây dựng Jetavana (Kỳ viên) tịnh xá

 

Sau khi có được khu vườn của thái tử Jita với giá 18 koti đồng tiền vàng, trưởng giả Anāthapiṇḍika bỏ ra 18 koti đồng tiền vàng nữa để xây dựng một tịnh xá nguy nga lộng lẫy. Trước hết, vị ấy cho đốn hạ những cây không cần thiết, để lại những cây cho bóng mát và có vẻ đẹp tự nhiên, Hương phòng (gandhakuti) đặc biệt dành cho Đức Phật được bao quanh bởi những chỗ ngụ dành cho các vị tỳ khưu, cùng với cái cổng vòm bảy tầng được xây dựng ở nơi được chọn. Những hội trường với những tầng mái dành cho chư Tăng, những toà nhà nhỏ dùng để chứa những vật cho phép, những nhà vệ sinh, những lối đi nhỏ có mái che, những giếng nước có mái che, những phòng tắm nước lạnh và nước ấm trong những tòa nhà riêng biệt, những bể nước hình vuông và những giả ốc được xây dựng bên trong khuôn viên của tịnh xá, không thiếu sót bất cứ thứ gì cần thiết.

Đặc điểm khu vực xây dựng tịnh xá

Khu đất của Jetana tịnh xá không chỉ là địa điểm để xây dựng tịnh xá dành cho Đức Phật Gotama hiện tại này, nó cũng là địa điểm đã từng có những tịnh xá dành cho chư Phật quá khứ trước đó, như Đức Phật Kassapa, sẽ được nói rõ dưới đây:

 

(1)    Trong thời kỳ của Đức Phật Vipassī, một vị trưởng giả tên là Punabba Sumitta đã mua mảnh đất ngay vị trí này. Khi ấy diện tích của nó rộng một do tuần, kinh phí tính bằng những viên gạch bằng vàng được giáp mí trên đó, và xây dựng một tịnh xá đồ sộ ở trên mảnh đất ấy; rồi ông cúng dường đến chúng Tăng.

(2)     Trong thời kỳ của Đức Phật Sikhī, một vị trưởng giả tên Sirivattha đã mua mảnh đất ngay vị trí này, bằng cách lát trên đó những lưỡi cày bằng vàng giáp mí với nhau (theo Chú giải Jātaka), hoặc những cây gậy bằng vàng giáp đầu với nhau (theo Chú giải bộ Vinaya) và sau khi đã xây dựng những tịnh xá trên đó thì dâng đến chư Tăng.

(3)     Trong thời kỳ của Đức Phật Vessabhū, một vị trưởng giả tên Sotthiya, đã mua mảnh đất ấy có kích thước 3 gāvuta, bằng cách trả những khối vàng được đem đúc thành những cái chân voi (Chú giải Jātaka), hay những lưỡi cày bằng vàng (Chú giải Vinaya) được đặt san sát nhau và dâng cúng nó với những tòa nhà được xây dựng trên đó. Khu đất ấy có kích thước nửa do tuần hoặc 2 gāvuta.

(4)       Trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, một vị trưởng giả tên Iccuta, đã mua mảnh đất ấy, khi đó kích thước là 1 gāvuta, bằng cách trả những viên gạch bằng vàng (theo Chú giải Jātaka) hay những khối vàng được đúc thành hình những chân voi (theo Chú giải Vinaya) được đặt nối liền với nhau khắp khu đất ấy và dâng cúng nó đến Tăng đoàn với tất cả những toà nhà ở trên đó.

(5)    Trong thời kỳ Đức Phật Konaguna, một vị trưởng giả tên Ugga đã mua chỗ đất ấy bằng cách trả những con rùa vàng (theo bộ Chú giải Jātaka) hay những viên gạch bằng vàng (theo Chú giải Vinaya) được đặt liền lạc với nhau trên mảnh đất ấy, khi ấy kích thước là nửa gāvuta, và dâng cúng cùng với tất cả những toà nhà được xây dựng trên đó đến Tăng đoàn.

(6)    Trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa, một vị trưởng giả tên Sumangala đã mua mảnh đất bằng cách trả những khối vàng (theo Chú giải bộ Jātaka) hay những con rùa vàng (theo chú giải bộ Vinaya) được đặt giáp mí với nhau trên khắp mảnh đất, kích thước của mảnh đất lúc bấy giờ là 2 pais (đơn vị đo lường đất đai lúc bấy giờ) và dâng cúng nó cùng với những tịnh xá được xây dựng trên đó đến Tăng đoàn.

(7)    Trong thời kỳ của Đức Phật Gotama của chúng ta, một vị trưởng giả tên Sudatta, tức là Anāthapiṇḍika, đã mua mảnh đất ở cùng địa điểm ấy, kích thước là 8 pais, bằng cách trả những đồng tiền vàng được lát giáp mí với nhau trên mảnh đất ấy và dâng cúng đến Tăng đoàn sau khi xây dựng tịnh xá Jetavana (Kỳ viên).

Sự kinh cảm

Khi quán xét sâu sắc về những khu đất lớn nhỏ khác nhau và kinh phí trả cho khu đất để xây dựng tịnh xá vào thời kỳ của bảy vị Phật, ta nên khởi tâm kinh cảm rằng “tất cả những thành tựu và sự thịnh vượng trong thế gian đều phải chịu sự hoại diệt” và như vậy,  giờ là thời điểm thích hợp để tự mình cố gắng thoát ra khỏi sự luyến ái đối với những thành tựu của thế tục bằng cách phát triển tâm nhàm chán và không còn ảo mộng đối với chúng.

Chuyến đi của Đức Phật đến Sāvatthi

Khi tịnh xá Jetavana lộng lẫy và khả ái đã được xây dựng xong với phí tổn 18 koti đồng tiền vàng, trên vị trí xinh đẹp với giá 18 koti đồng tiền vàng, trưởng giả Anāthapiṇḍika sai một sứ giả đặc biệt đi đến Đức Tathāgata với lời thỉnh mời đầy thành kính của vị ấy. Nhận lời mời thông qua sứ giả, Đức Thế Tôn quyết định đi đến Sāvatthi (một phần do Ngài thấy trước rằng Sāvatthi sẽ trở thành một trong những nơi trú ngụ trong phần lớn cuộc đời của Ngài, và một phần vì nó cũng sẽ là “vùng đất chiến thắng” để Ngài tế độ hằng triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, thoát khỏi vũng lầy đau khổ). Với mục đích ấy, Đức Thế Tôn rời khỏi tịnh xá Veluvana ở Rājagaha để đi đến Sāvatthi, có Tăng chúng theo cùng. Ngài dừng lại ở những nơi trú ngụ của mỗi trạm dựng, nằm cách nhau một do tuần dọc theo con đường, do trưởng giả Anāthapiṇḍika đã sắp xếp trước.

Trên đường tới Sāvatthi, khi đến Vesali, Đức Thế Tôn trú ngụ  ở tịnh xá có mái tầng trong khu rừng Đại Lâm (Mahāvana). Lúc bấy giờ Đức Tathāgata ban hành điều luật để chỉ định một vị tỳ khưu, với sự đồng ý của Tăng đoàn (natkammavaca) chịu trách nhiệm việc trùng tu (navakamma) cần thiết các chỗ trú ngụ của Tăng do tín thí dâng cúng.

Rời Vesali và đi đến Sāvatthi, những đệ tử của nhóm lục sư, Chabaggī, đi trước chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu chiếm lấy những chỗ trú ngụ tốt, những chỗ ngủ tốt, họ nói rằng : “ Chỗ này sẽ dành cho các vị thầy của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các vị đạo sư của chúng ta.”

Bất cứ khi nào Đức Thế Tôn đang trên đường đi, có Tăng chúng theo cùng, đại đức Sāriputta, là đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, vị ấy có thể tự cho mình cái vinh dự được ở gần Ngài, nhưng đại đức không làm như vậy hay bỏ lại các vị tỳ khưu để họ tự xoay xở lấy. Đại đức thường đi cuối cùng của Tăng đoàn để chăm lo cho các tỳ khưu lớn tuổi và bịnh hoạn.

Trong trường hợp này cũng thế, sau khi đi theo ở cuối của đoàn chúng Tăng, vị ấy đến trễ. Tất cả giường ngủ và chỗ ngụ bị nhóm lục sư chiếm hữu, đại đức không còn chỗ để ngủ và phải trải qua suốt đêm dưới cội cây. Đức Phật, khi biết được chuyện này, Ngài suy xét: “ Khi Như Lai còn sống mà các vị tỳ khưu cư xử không tôn kính nhường nhịn lẫn nhau, thì khi Như Lai viên tịch Đại Niết bàn  họ sẽ làm gì  nữa !”

Với sự quan tâm đặc biệt to lớn (dhamma samvega), Ngài cho triệu tập tất cả chư Tăng vào buổi sáng và hỏi: “ Này các tỳ khưu, có thật chăng các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư (chabaggi) khi đi trước các vị tỳ khưu khác đã chiếm hữu những chỗ ngụ tốt cho riêng mình, không nhường những chỗ nghỉ thích hợp cho các tỳ khưu trưởng lão?”

Khi nghe lời đáp lại rằng đó là sự thật, Đức Phật quở trách nhóm chabaggi  và,  sau khi tuyên  thuyết  Pháp thoại  thích hợp, Ngài hỏi các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, ai xứng đáng được ưu tiên về chỗ ngụ, nước (tắm rửa) và vật thực?”

Một số vị tỳ khưu đáp lại rằng: “ Các vị tỳ khưu xuất thân từ hoàng tộc được ưu tiên về chỗ ở, nước tắm và vật thực”; số khác nói rằng: “ Các vị tỳ khưu xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực”; số khác nói rằng: “ Các vị tỳ  khưu xuất thân từ giai cấp giàu có được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực”; một số khác thì cho rằng: “ Vị thông suốt về Vinaya hay tỳ khưu thuyết pháp (Dhammakathika), vị đắc sơ thiền…nhị thiền… tam thiền…tứ thiền…thì xứng đáng được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực.” Cuối cùng, có nhiều vị đề nghị rằng: “ Vị tỳ khưu là bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna)… sakadāgāmī … bậc A  na hàm (anagāmī)… bậc A-la-hán (sukha vipasana arahat) không có thắng trí (abhiññā)…bậc A-la-hán tam minh (tevijja arahat)…bậc Lục thông (chalabhiññā) đáng được chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất và vật thực tốt nhất.”

Đức Phật nói với các vị tỳ khưu rằng: “ Này các tỳ khưu, trong giáo pháp của Như Lai, khi bàn về quyền ưu tiên về chỗ ngụ, nước rửa hoặc vật thực thì dòng dõi, giai cấp, địa vị xã hội không quan trọng, cũng không phải người thông thuộc tạng Luật (Vinaya), hay tạng Kinh (Suttanta) hoặc tạng Abhidhamma; cũng không phải người chứng đắc sơ thiền…cũng không phải bậc Nhập lưu (sotāpanna ), v.v…

“Thực ra, này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai nên sống có sự tôn kính, đứng dậy chào đón, chấp tay đảnh lễ, có sự tôn kính đúng mức đối với những vị tỳ khưu cao hạ; chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất, vật thực tốt nhất nên được ưu tiên cho những vị tỳ khưu cao hạ. Về vấn đề thọ lãnh chỗ ngồi tốt nhất, v.v… chỉ những vị tỳ khưu thâm niên về tuổi tác, thâm niên về hạ lạp mới được ưu tiên. Cho nên vị tỳ khưu có sự thâm niên như vậy mới xứng đáng được quyền ưu tiên.”

“ Trong thời hiện tại này, này các tỳ khưu, Sāriputta là vị Thượng thủ Thinh văn bên phải của Như Lai. Vị ấy gìn giữ bánh xe pháp do Như Lai thuyết giảng. Vị ấy là người xứng đáng được chỗ của Như Lai khi Như Lai không còn nữa. Sāriputta ấy đã phải trải qua suốt đêm hôm qua, đi lui đi lại hoặc ngồi dưới cội cây (vì không có chỗ nghỉ). Này các tỳ khưu, khi có những hành động thiếu kính trọng như vậy và sự thiếu suy nghĩ của các vị ngay khi Như Lai còn tại tiền, về sau khi Như Lai đã viên tịch, các vị trong Tăng chúng sẽ cư xử với nhau như thế nào?”

Rồi Đức Phật, để khuyến giáo các vị tỳ khưu, đã kể lại câu chuyện (ba người bạn, con gà gô, con khỉ và con voi). Bổn sanh Tittira Jātaka của phẩm Kulavaka Vagga trong phần Ekakanipāta. “Này các tỳ khưu, vào những thời xa xưa, ngay cả loài vật cũng hiểu biết : ‘Thật không thích hợp để tỏ sự bất kính với nhau, chúng ta sẽ quyết định trước tiên ai là bậc trưởng lão trong chúng ta, rồi chúng ta sẽ bày tỏ sự tôn kính và đảnh lễ vị ấy.’ Rồi sau khi đã chọn ra bậc trưởng lão nhất, chúng tôn trọng và vâng lời vị ấy, như vậy, chúng tu tập pháp hành ‘Tôn kính bậc trưởng lão’ (Vuddhapaccayana) là pháp đưa chúng tái sanh vào cõi chư thiên.”

Ye vuḍḍhapapacāyaṅti narā

Dhammassa kovidā diṭṭhe

Dhamme ca pāsaṁsā samparāye

ca suggati.

Những người có trí hiểu biết về pháp hành tôn kính bậc giới đức và trưởng lão, chọn ra trong số ba hạng là dòng tộc, giới đức và trưởng lão, những người mà cả giới đức và thâm niên về tuổi tác để tôn kính cúng dường. Những người như vậy đáng được tán dương ngay cả trong kiếp sống này và được nhiều thịnh vượng khi trở thành chư thiên trong kiếp sau.

“Này các tỳ khưu, ngay cả ba con vật ấy, là khỉ, voi và gà gô cũng có thể sống chung với nhau, vì lợi ích lẫn nhau, ôn hòa, nhã nhặn và lịch sự với nhau. Nếu các ngươi là những người đã xuất gia và thọ cụ-túc-giới qua niềm tin (saddhapabbajita) trong giáo pháp của Như Lai với những lời chỉ dạy chân chánh, mà sống không vì lợi ích của nhau, không nhã nhặn, không quan tâm lẫn nhau thì hạnh kiểm như vậy có thể xem là đúng đắn hay không? (Quả thực không thể). Hành vi như vậy, thiếu sự tôn kính đúng đắn và sự khiêm cung không thể khơi lên sự kính trọng đối với giáo pháp này trong những người vẫn còn ở bên ngoài của giáo pháp, v.v…”

Sau khi tuyên thuyết những thời pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn kính lẫn nhau. Do duyên cớ về cách hành xử của nhóm chabaggi, Đức Phật ban hành điều luật sau đây:

“ Như Lai cho phép các vị tỳ khưu bày tỏ sự tôn kính đúng mực, đứng dậy và chào đón, chắp tay đảnh lễ, tôn kính đúng theo sự thâm niên về hạ lạp; chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất, vật thực tốt nhất nên được ưu tiên dành cho các vị trưởng lão trong chúng Tăng. Này các tỳ khưu, về chỗ ngụ và nơi nghĩ ngủ thuộc về toàn thể Tăng, vị tỳ khưu không nên dành chiếm của các vị trưởng lão. Vị tỳ khưu nào làm như vậy thì phạm tội tác ác (dukkata āpatti).”

Không nên đảnh lễ mười hạng người

Sau khi đã ban hành hai điều luật, một liên quan đến điều được phép – anuñātā, và điều kia liên quan đến điều không cho phép – paṭikhita, Đức Phật tiếp tục dạy các vị tỳ khưu rằng: “ dasayime bhikkhave, avandiyā, v.v… – có mười nhân vật được kể sau đây là những vị không nên được đảnh lễ:

(1)   Vị tỳ khưu thọ giới trước không đảnh lễ vị tỳ khưu thọ giới sau.

(2)   Vị tỳ khưu không đảnh lễ bất cứ ai không phải là tỳ khưu.

(3)   Vị tỳ khưu không đảnh lễ bất cứ ai thuộc tôn giáo khác (sanvāsa) là những người thuyết giảng điều gì không phải chánh pháp (adhammavādi), cho dù người ấy cao hạ hơn.

(4)    Vị tỳ khưu không đảnh lễ người nữ.

(5)    Vị tỳ khưu không đảnh lễ đến người bị hoạn.

(6)   Vị tỳ khưu trong sạch (pakata) không đảnh lễ vị tỳ khưu đang lãnh hình phạt treo (parivāsa) hay biệt trú.

(7)   Vị tỳ khưu trong sạch (pakata) không đảnh lễ vị tỳ khưu đã bị tuyên phạt phải trải qua những thời kỳ hành phạt sám hối bắt đầu bằng thời kỳ thứ nhất là biệt trú (parivāsa) vì đã phạm một trong 13 tội Tăng tàn (Saṅghadisesa), tiếp theo là thời kỳ sám hối sáu ngày gọi là mānatta được sự chấp thuận của chư Tăng, sau thời gian sám hối mānatta là thời gian đã được phục hồi địa vị tỳ khưu trong sạch gọi là abbhana.

(8)   Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu sau khi đã thọ trì hành phạt biệt trú, đã được tuyên ngôn hành phạt mānatta.

(9)    Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu đang trải qua thời kỳ sám hối mānatta.

(10) Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu sau khi thọ trì thời gian sám hối mānatta, sắp được phục vị Thanh tịnh tỳ khưu (abbhāna).

Sau khi giải thích về mười hạng người không xứng đáng được tôn kính đảnh lễ, Đức Phật tiếp tục kể ra ba hạng người đáng được tôn kính đảnh lễ.

Ba hạng người đáng được tôn kính, đảnh lễ

Này các tỳ khưu, ba loại nhân vật sau đây đáng được tôn kính đảnh lễ:

(1)   Vị tỳ khưu thọ giới trước đáng được vị tỳ khưu thọ giới sau tôn kính đảnh lễ.

(2)   Vị tỳ khưu cao hạ thuộc nhóm đạo khác nếu vị ấy thuyết giảng chánh pháp (Dhammavadī) thì đáng được tôn kính đảnh lễ.

(3)   Trong thế giới hữu tình gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thì Đức Phật, Bậc Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được tất cả chúng sanh tôn kính đảnh lễ.

 

Điều luật khác liên quan đến việc cư ngụ dành cho các tỳ khưu trưởng lão ở các giả ốc, những chỗ ngụ tạm dành cho chư Tăng nhưng chưa được làm lễ tiếp nhận chính thức

 

Dọc theo con đường mà Đức Phật đi qua để đến Sāvatthi, có Tăng chúng đi cùng, người dân địa phương đã dựng lên những giả ốc, các chòi tạm được trang bị bằng những nguyên liệu thô và những nhà hội họp để chào đón sự viếng thăm của chư Tăng. Ở đây cũng vậy, các đệ tử của nhóm Lục sư (chabaggi) đi trước và chiếm những chỗ ngụ như lần trước và kết quả là đại đức Sāriputta do đi cuối đoàn người, khi đến nơi, đã phải trải qua suốt đêm dưới cội cây. Đức Phật dò hỏi sự thật của vấn đề và khiển trách các vị tỳ khưu trong nhóm Lục sư và ban hành một điều luật phụ để chư Tăng thọ trì.

 

“ Na bhikkhave udissakatampi yathāvuḍḍhaṁ paṭipāhitabbaṁ, yo paṭibaheya apatti dukkatassa – Này các tỳ khưu, (ngay trước khi chính thức làm lễ tiếp nhận), các giả ốc và những nhà chòi tạm thời, v.v… dành cho chư Tăng cư ngụ, không bị trở ngại theo thứ tự hạ lạp thâm niên. Bất cứ vị tỳ khưu nào ngăn cản sự cư ngụ như vậy theo thứ tự hạ lạp thâm niên thì phạm tội tác ác (dukkhata apatti).”

(Chú thích: liên quan đến nhóm lục sư, bộ Vajirabuddhi Tika nói rằng nhóm lục sư chỉ xuất hiện khi Đức Tathāgata trải qua hai mươi năm đầu tiên của Ngài, và có câu nói trong bộ kinh Majjhima Nikāya 1, 175, “Ārādhayiṁsu me bhikkhū cittaṁ v.v…” nghĩa là: “ Suốt sơ giác thời, là hai mươi năm đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo, các vị tỳ khưu đã cư xử rất tốt, đem lại nhiều hoan hỉ cho Ngài.” Vấn đề cần suy xét ở đây là vấn đề nêu ra về các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư trong bộ Vajirabuddhi Tīka và bộ Majjhima Nikāya, bằng cách cho rằng câu chuyện nêu ra về hành vi của các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư để làm nổi bậc những điều luật do Đức Phật ban hành về một số loại tội).

Điều luật liên quan đến vật được trang hoàng ở nhà phát thí trong làng

 

Lúc bấy giờ, dân làng đã đặt vào những chỗ ngồi cao (uccussayana) và những chỗ ngồi tôn quý (mahāsayana) trong ngôi nhà phát thí của làng, và trang hoàng bằng tấm thảm lông dài, tấm khăn trải bằng vải len nhiều màu, tấm khăn trải bằng vải len trắng, tâm khăn trải bằng vải len có thêu hoa, tấm thảm bằng lông thú ở hai mặt, tấm thảm bằng lông thú một mặt, tấm khăn trải có thêu chỉ vàng, tấm khăn trải bằng vải lụa, tấm thảm len cỡ lớn, tấm thảm hình voi, tấm thảm hình ngựa, tấm thảm hình chiếc xe, những tấm thảm bằng da con sơn dương đen, tấm khăn trải bằng da gấu, trần nhà màu đỏ đẹp rực rỡ, ghế ngồi có gối dựa màu đỏ ở ba mặt. Các tỳ khưu, vì không chắc chắn là có được phép hay không nên không dám ngồi. Khi vấn đề được trình lại với Đức Phật, Ngài ban hành điều luật sau đây liên quan đến chúng:

“ Anujanāmi, bhikkhave, thapetvā tīṇi āsandiṁ pallaṅkaṁ tūlikaṁ…, v.v… Này các tỳ khưu, ngoại trừ ba vật, chiếc trường kỷ có chân rất dài, cái đi văng, chiếc mền bông, Như Lai cho phép các vị được ngồi trên các thứ khác dù được bày có tánh chất cao và quý báu, nhưng các vị không được nằm ngủ trên đó.”

Trong ngôi làng, tại nhà phát thí ấy, dân chúng đặt cái khung giường thấp, có tấm nệm độn bông vải ở mặt trên và mặt dưới. Các vị tỳ khưu vì cẩn thận, đã không dùng nó. Đức Phật cũng ban hành điều luật về vấn đề này.

“Anujānāmi, bhikkhave, gihivikataṃ abhinisīditum na tveva abhini pajjitum – Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các tỳ khưu được ngồi trên khung giường có nệm độn bông vải ở cả hai mặt, do dân chúng cúng dường nhưng không được nằm ngủ trên đó.”

 

Anāthapiṇḍika tổ chức buổi lễ đón tiếp long trọng Đức Phật đến Jetavana tịnh xá

 

Như đã giải thích ở trên, Đức Phật cùng với nhiều vị tỳ khưu lên đường đi từ Rājagaha đến Sāvatthi và lúc đến vùng lân cận của Sāvatthi. Trưởng giả Anāthapiṇḍika, sau khi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc lễ trọng đại để cúng dâng tịnh xá đến Đức Phật bằng biểu tượng rót nước, đã cung rước Đức Thế Tôn vào tịnh xá với nghi thức tôn nghiêm và trọng đại.

Công chúa Sumana

 

Vua Pasenadi Kosala có một cô con gái tên là Sumana, vào thời của Đức Phật Vipassī, nàng là con gái của một vị trưởng giả và được mọi người gọi là Saddha Sumana. Vốn thông minh và mẫn tiệp, nàng có cơ hội cúng dường món cơm sữa Ghana, nấu bằng sữa thuần khiết không pha trộn, đến Đức Phật Vipassī trước tiên hết. Sau khi nàng đã thực hiện sự cúng dường đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu, nàng phát nguyện rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, dù con sanh ra bất cứ ở đâu trong chuỗi luân hồi dài đăng đẳng này, xin cho con không bao giờ chịu túng thiếu và vất vả trong cuộc sống; và xin cho con được tái sanh làm một công nương yêu kiều và duyên dáng do sự cúng dường tràng hoa lài và được mang tên là Sumana.” Ước nguyện của nàng đã được thành tựu; nàng không bao giờ tái sanh trong các cõi khổ. Nàng chỉ tái sanh trong cõi nhân loại và chư thiên suốt 91 đại kiếp. Trong tất cả những kiếp sống này, do những đám mưa hoa lài rơi xuống ngập đầu gối vào lúc nàng sanh ra, nên nàng luôn luôn được mang tên “Sumana” (muốn biết chi tiết đầy đủ, hãy xem bộ Chú giải Aṅguttara, cuốn 3).

Vào thời hiện tại của Đức Phật Gotama của chúng ta, nàng trở thành con gái của vua Pasenadi Kosala, sanh ra từ chánh hậu của vị ấy.

Vào lúc nàng sanh ra, có một đám mưa hoa lài đổ xuống khắp hoàng cung ngập lên gần đầu gối. Vì thế đức vua đặt tên cho nàng là Sumana. Cũng có năm trăm cô gái sanh ra cùng lúc với công chúa. Công chúa Sumanā và năm trăm bé gái đồng sanh được nuôi dưỡng trong vinh hoa phú quý. Như là biểu tượng của tước vị, công chúa được cung cấp năm trăm xe ngựa và bất cứ khi nào nàng ra khỏi hoàng cung đều có năm trăm cô bạn đồng sanh theo hầu nàng, mỗi người trong một chiếc xe ngựa.

Khắp cõi Diêm phù đề (Jambudīpa), một trong bốn châu của cõi Sa-bà, chỉ có ba cô gái được cung cấp năm trăm xe ngựa với năm trăm nữ hầu do cha của các cô ban tặng như là biểu tượng của tước vị. Ba cô gái ấy là (1) Công chúa Cundi, con gái của vua Bimbisāra, (2) Visakha, là con gái của trưởng giả Dhanancaya và (3) Sumana, con gái của vua Pasenadi Kosala.

 

Khi Đức Phật đến Sāvatthi để thọ lãnh Jetavana tịnh xá, công chúa Sumana lên bảy tuổi. Anāthapiṇḍika đi đến vua Pasenadi Kosala và thỉnh cầu: “Tâu bệ hạ, việc Đức Phật đi đến thành phố Sāvatthi của chúng ta là phước đức cho chúng ta và cũng là phước đức cho bệ hạ. Thảo dân muốn thỉnh cầu bệ hạ đưa con gái của bệ hạ là công chúa Sumana cùng năm trăm nữ hầu của công chúa, mỗi người mang theo một cái hũ đựng đầy nước, những vật thơm và hoa, để tiếp đón Đức Phật.” Đức vua đồng ý nói rằng: “ Lành thay, này trưởng giả” và truyền lịnh sắp xếp những thứ cần thiết để đáp ứng thỉnh cầu của trưởng giả Anāthapiṇḍika.

Theo lịnh truyền của phụ vương, công chúa Sumana lên đường, có năm trăm tùy tùng theo hầu để chứng tỏ địa vị của công chúa, để tham dự trong buổi lễ cung đón Đức Phật. Công chúa và những người hầu của nàng đã cúng dường các vật thơm và hoa đến Đức Phật và ngồi xuống ở những nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết pháp đến công chúa Sumana và kết quả là Sumana cùng năm trăm nữ hầu đều chứng đắc quả thánh nhập lưu (sotāpatti-phala). Cùng lúc ấy, năm trăm thiếu nữ khác, năm trăm nữ nhân lớn tuổi và năm trăm cư sĩ cũng chứng đắc sotāpatti-phala.

Như vậy, có hai ngàn người đã chứng đắc tầng thánh nhập lưu (sotāpatti ariya) trong khi Đức Phật vẫn đang trên đường đi đến Jetavana tịnh xá ngày hôm ấy. (từ bộ Chú giải Aṅguttara, cuốn 3).

Những sắp xếp tiếp đón long trọng của trưởng giả Anāthapiṇḍika

Trưởng giả Anāthapiṇḍika không chỉ sắp xếp để công chúa Sumana tham dự lễ cung rước Đức Phật vào Jetavana tịnh xá, mà còn sắp xếp cho con trai của ông và năm trăm người hầu, là những đứa  con trai của các vị trưởng giả trong thành Sāvatthi. Theo đúng ý của cha, con trai của trưởng giả Anāthapiṇḍika cùng năm trăm người hầu trong bộ lễ phục năm màu, mỗi người cầm một cây cờ, đứng phía trước Đức Phật và dẫn đoàn người đi vào tịnh xá.

Hai người con gái của trưởng giả Anāthapiṇḍika – Cūla Subhadda và Mahā Subhadda, cùng với năm trăm tùy tùng nữ, đi theo sau người anh của họ, năm trăm tùy tùng ấy đều là những người con gái của các vị trưởng giả trong thành Sāvatthi, mỗi người mang theo một cái bình đựng đầy nước.

 

Tiếp theo là vợ của trưởng giả Anāthapiṇḍika, Punna Lakkhana, với lễ phục lộng lẫy và nữ trang sáng chói, cùng năm trăm người vợ của năm trăm vị trưởng giả, mỗi người cầm một cái bát bằng vàng hoặc bằng bạc đựng đầy nước thơm và những vật cúng dường khác.

Ở cuối đám rước để tiếp đón Đức Tathāgata là chính trưởng giả Anāthapiṇḍika trong bộ y phục mới, cùng với năm trăm vị trưởng giả, tất cả đều mặc những bộ y phục mới của trưởng giả.

Được hướng dẫn bởi đoàn người cung rước nối dài, Đức Phật, cùng nhiều vị tỳ khưu khiến cho khắp khu rừng bừng lên ánh sáng vàng do hào quang của Ngài. Rồi với oai lực vô song của một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đi vào khuôn viên của Jetavana tịnh xá.

Cúng dường Jetavana tịnh xá đến Tứ phương Tăng

 

(Vào lúc kết thúc của cuộc lễ), Trưởng giả Anāthapiṇḍika đi đến Đức Phật và thành kính thỉnh mời Đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đến dự lễ cúng dường vật thực tại nhà của ông vào ngày hôm sau.

 

Sau khi chuẩn bị tất cả mọi thứ cho buổi lễ cúng dường vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm, vào sáng hôm sau, trưởng giả Anāthapiṇḍika sai sứ giả đi đến tịnh xá và bạch với Đức Phật rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ thọ thực, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.” Đức Phật cùng chúng Tăng đến nhà của trưởng giả và ngồi vào chỗ ngồi đã bày sẵn. Trưởng giả Anāthapiṇḍika đích thân hầu hạ Đức Thế Tôn và các vị tỳ khưu, dâng cúng vật thực thượng vị đến các ngài với tâm đầy tịnh tín, rồi ngồi xuống ở chỗ thích hợp. Rồi trưởng giả bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho con biết cách thức cúng dường Jetavana tịnh xá.”

Đức Phật cho lời khuyến giáo đến ông: “ Điều thích hợp là ông nên dâng hiến tịnh xá đến tất cả các vị tỳ khưu Tăng, đã đến, đang đến và sẽ đến từ khắp bốn phương.” Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, trưởng giả Anāthapiṇḍika dâng hiến Jetavana tịnh xá đến chúng Tăng đã đến, đang đến và có thể đến từ khắp bốn phương (Agatanagata catuddisa Saṅghika), bằng cách làm lễ rót nước dâng như là dấu hiệu đã dâng cúng ‘tịnh xá’.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app