Nội Dung Chính

CHƯƠNG  26

HẠ THỨ TÁM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THỊ TRẤN SUSUMARAGIRA

 

Như đã giải thích ở trên, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ bảy ở cõi Tāvatiṃsa, trên tảng đá bằng ngọc lục bảo và thuyết giảng Abhidhamma suốt mùa an cư (vassa). Vào lúc kết thúc mùa an cư, Đức Phật bước xuống cõi nhân loại bằng ba cầu thang kề nhau và thuyết bài kinh Sāriputta Sutta, v.v… tại chân cầu thang gần cổng thành Sankassa, để đem lại lợi ích cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có mặt lúc bấy giờ. Rồi Đức Phật vào mùa an cư thứ tám tại khu rừng Bhesakala, gần thị trấn Susumaragira, thuộc tỉnh Bagga.

(Xứ Bagga, nơi Đức Phật trải qua mùa mưa thứ tám, là một trong mười sáu nước của Trung độ ( khu vực trung tâm của địa cầu – Majjhima desa). Susumaragira là tên của một con cá sấu khổng lồ đã phát ra tiếng kêu vào lúc đặt viên đá nền của thị trấn. Khu rừng nơi mà Đức Phật trải qua mùa an cư thứ tám được đặt theo tên của một địa điểm, mà một thời là chỗ ngụ của một dạ xoa tên là Bhesaka. Khu rừng ấy là thánh địa).

Trưởng giả Nakulapitu và vợ chứng đắc quả thánh Nhập lưu (Sotāpatti)

 

Lúc bấy giờ khi Đức Phật đang ngụ cùng với chúng tỳ khưu trong khu rừng Bhesakala, gần Susumaragira, trưởng giả Nakulapitu và vợ Nakulamatu đi theo đoàn chiêm bái của thị trấn đến đảnh lễ Đức Phật và nghe pháp. Khi lần đầu tiên trông thấy Đức Phật, hai vợ chồng trưởng giả nhận rằng Ngài là con trai của họ. Họ đi đến và nói rằng: “ Con yêu ơi… Con đã đi đâu trong một thời gian dài như vậy sau khi bỏ lại chúng ta, là cha mẹ của con? ” (tựa như họ đang nhắc lại những biến cố của cùng kiếp sống, với cảm giác vui hờn lẫn lộn đối với đứa con trai ruột của họ).

 

(Chú thích: Nakulapitu là cha hoặc chú, hoặc bác hoặc cậu của Đức Phật ở mỗi kiếp trong năm trăm kiếp quá khứ. Cũng thế, vợ của ông ta là mẹ hoặc cô dì của Đức Phật ở mỗi kiếp trong năm trăm kiếp quá khứ. (Tình cảm làm mẹ và làm cha của họ đối với Đức Phật, đã tiềm ẩn trong thời gian rất lâu, đã sản sanh ý niệm cho rằng Đức Phật là người con trai đã xa vắng rất lâu của họ).

 

Đức Phật chờ đợi cho đến khi hai vợ chồng ông trưởng giả trở lại trạng thái thăng bằng của tâm, rồi Ngài thuyết pháp đến họ và an trú họ trong quả thánh Dự lưu (sotāpatti) (Xem bộ Chú giải Aṅguttara).

(Câu chuyện về trưởng giả Nakulapitu và vợ của ông ta sẽ được nêu lại ở chương Tăng bảo).

Câu chuyện về Thái tử Boddhi

 

Câu chuyện về Thái tử Bodhi được nêu ra ở đây dựa theo hai chuyên luận, đó là Chú giải Majjhima Paññāsa về bài kinh Bodhi Raja Kumāra và Chú giải Kinh Pháp Cú, cuốn 12, Atta Vagga về Bodhi Raja Kumāra.)

Thái tử Bodhi là con trai của vua Udena. Vị ấy học môn điều phục voi và sử dụng cái kích voi (móc sắt) do phụ vương truyền cho. Vị ấy trở thành tay thiện xảo trong việc huấn luyện voi. (Câu chuyện được nêu ra ở đây dưới dạng tóm tắt. Muốn biết đầy đủ chi tiết xin  hãy tham khảo bộ Chú giải Pháp cú được dịch do Đại trưởng lão Canda Joti).

Dưới triều đại của vua Parantapa, nước Kosambi, vào một hôm nọ, hoàng hậu tắm nắng cùng với Đức vua ở ngoài trời. Nàng đang ở thời kỳ sắp sanh con và đang khoác trên người tấm chăn màu đỏ. Thình lình một con chim khổng lồ sà xuống quắp lấy hoàng hậu rồi tha đi tưởng lầm đó là miếng thịt. Hoàng hậu sợ con chim sẽ thả nàng xuống tan xác nên kêu cứu inh ỏi trong tuyệt vọng.

Con chim thả nàng xuống trên một nhánh cây, là nơi nó thường ăn mồi sau khi tha về từ nơi khác. Khi hoàng hậu vừa hét vừa vỗ tay, kết quả là con chim bay đi vì sợ hãi. Hoàng hậu hạ sanh đứa bé ở trên nhánh cây ấy. Nàng tiếp tục khoác vào người tấm chăn màu đỏ vì mưa rào suốt đêm.

Có một ẩn sĩ sống ở trong khu vực ấy. Ẩn sĩ đi đến cội cây ấy vào lúc sáng sớm vì đêm hôm đã nghe tiếng kêu cứu của hoàng hậu và hỏi nàng thuộc dòng dõi nào. Khi biết rõ mọi chuyện, vị ấy làm một cái thang để nàng đi xuống và đưa nàng về ẩn xá của vị ấy. Đứa bé được đặt tên là Udena vì vị ấy sinh ra trong môi trường mưa gió ẩm ướt và vùng núi rừng.

Một hôm nọ, khi hoàng hậu ra đón ẩn sĩ trở về từ trong rừng, nàng cho ẩn sĩ xem những chỗ hấp dẫn của nữ giới trên người nàng vì lo lắng cho tương lai của nàng. Thế là hai người sống với nhau như đôi vợ chồng. Năm tháng trôi qua và vua Parantapa của nước  Kosampi băng hà. Người đàn ông làm ẩn sĩ trước kia ấy biết được sự băng hà của đức vua qua kiến thức về chiêm tinh của ông ta và báo cho hoàng hậu biết rằng: “ Đức vua của nàng đã băng hà rồi. Bây giờ nàng muốn con trai của nàng tiếp tục ở lại trong khu rừng này hay trở về Kosambi để kế thừa ngôi vị của vua cha?” Hoàng hậu đã dạy cho con trai làm quen với cách sống của một vị vua và sau khi biết chắc ước muốn của con trai là trở thành một vị vua, nàng kể lại vấn đề với người chồng mới.

Vị ẩn sĩ rành mạch về câu chú có năng lực sai khiến được voi. Vị ấy học được câu thần chú từ Sakka. Một hôm Sakka đến và hỏi ẩn sĩ: “ Có điều gì làm cho người cảm thấy lo sợ không ?” Ẩn sĩ đáp lại: “Thưa có… Chúng tôi đã phải đối mặt với nguy hiểm từ những con voi.” Nhân đó, Sakka dạy cho vị ấy những câu thần chú và cho vị ấy một cây đàn để khắc phục điều khó khăn trên. Sakka cho lời chỉ dẫn rằng khi nào ẩn sĩ muốn những con voi bỏ đi, vị ấy nên gảy đàn theo cách như thế và đọc câu chú nọ. Khi ẩn sĩ muốn những con voi đến với vị ấy, vị ấy nên đánh đàn theo một cách khác và đọc một câu kệ khác. Ẩn sĩ dạy hoàng tử cách đánh đàn và đọc những câu thần chú trong trường hợp khẩn cấp. Hoàng tử leo lên một cây đa để xem sự linh nghiệm của thần chú. Khi vị ấy trông thấy những con voi đến với vị ấy, vị ấy đánh một bản nhạc từ cây đàn và đọc lên câu chú thích hợp và kỳ diệu thay, những con voi đã bỏ chạy do sợ hãi.

Vào ngày hôm sau, vị ấy khiến những con voi đi đến bằng cách đánh đàn và đọc câu thần chú mà vị ấy đã học được. Những con voi chạy đến với vị ấy để làm theo mệnh lệnh của vị ấy. Con voi chúa hạ mình xuống để hoàng tử bước lên. Khi cỡi trên lưng con voi chúa, hoàng tử chọn những con voi to lớn, mạnh khỏe trẻ trung, có khả năng tham gia vào trận chiến. Vị ấy xin mẹ trao cho tấm chăn màu đỏ và chiếc nhẫn của bà để làm bằng chứng về dòng dõi đế vương của mình. Rồi sau khi đảnh lễ cha mẹ, vị ấy lên đường ra khỏi khu rừng. Vị ấy dừng lại ở mỗi ngôi làng để chiêu nạp binh mã bằng cách công bố rằng “ Ta là con trai hợp pháp của vua Parantapa. Ai muốn tài sản và địa vị thì hãy theo ta.” Khi bao vây kinh thành bằng quân binh của vị ấy, hoàng tử đòi được kế thừa ngôi vị của vua cha: “ Ta là đứa con hợp pháp của vua Parantapa. Hãy trao ngai vàng cho người thừa kế hợp pháp.” Để chứng minh yêu sách trên, hoàng tử đưa ra tấm chăn màu đỏ và chiếc nhẫn của hoàng hậu cho những người còn hồ nghi thân phận của vị ấy xem. Bằng cách này, hoàng tử bước lên ngài vàng mà không gặp chướng ngại nào. Udena rất thích đi bắt voi. Hễ nghe đâu có xuất hiện những con voi quý là vị ấy đến đó bắt chúng đem về hoàng cung.

Vua Candapajjota, địch thủ của Udena, muốn học nghệ thuật sai khiến voi từ vua Udena, vị ấy sai thợ làm một con voi giả bằng gỗ và bố thí một số binh sĩ tinh nhuệ ở bên trong con voi giả dùng làm cái bẫy để bắt vua Udena khi vị ấy đi ra để bắt những con voi. Kế hoạch của vua Candapajjota đã thành công và Udena bị bắt. Vua Candapajjota đưa đứa con gái Vasuladatta đến Udena để học nghệ thuật sai khiến voi và cuối cùng hai người đã yêu nhau. Vua Udena chạy trốn cùng với công chúa Vasuladatta và sống ở thị trấn Susumaragira trong tỉnh Bagga. Công chúa Vasuladatta hạ sanh hoàng tử Bodhi, vị hoàng tử này đã học nghệ thuật sai khiến voi từ vua cha là Udena và trở thành người thiện xảo về môn ấy.

Thái tử Boddhi cho người xây dựng cung điện Kokanda

Hoàng tử Bodhi cho xây dựng cung điện với mái có tháp nhọn mang tên là Kokanda. Tháp nhọn có hình thể lạ kỳ và đặc biệt và được mọi người ngưỡng mộ. Hoàng tử hỏi vị kiến trúc sư: “ Ngươi có xây dựng tháp nhọn tương tự ở chỗ nào khác chưa hay nó là tác phẩm đầu tiên của ngươi ?” Ông ta đáp lại: “ Tâu bệ hạ… Đây là tác phẩm đầu tiên mà hạ thần đã tạo ra.” Nhân đó, thái tử Bodhi lấy làm lo lắng với ý nghĩ rằng: “ Nếu ông thợ mộc này xây dựng một lâu đài tháp nhọn cho một người khác thì cung điện của ta sẽ không còn là tác phẩm khiến mọi người kinh ngạc và trầm trồ khen ngợi.” Một ý nghĩ hiểm độc đi vào đầu óc của vị ấy là giết chết vị kiến trúc sư và những người khác có cung điện tương tự, được xây dựng dành cho họ. Vị ấy đang nghĩ cách thủ tiêu người thợ xây dựng bằng cách giết hoặc chặt tay chân hoặc móc mắt vị ấy.

Có lần nọ thái tử Bodhi tình cờ tiết lộ ý đồ độc ác của vị ấy với một trong những người bạn thân thời thơ ấu của vị ấy, đó là vị quan tên Sanjikaputta, người này có tánh thương người và cẩn thận. Sanjikaputta biết thái tử Bodhi muốn làm gì, ông ta hoàn toàn chống lại ý đồ làm hại bậc đại tài vô tội như vậy. Ông ta quyết định ngăn chặn tai họa sắp xảy ra và vì vậy ông ta đi đến người thợ mộc và hỏi rằng: “ Ông đã làm xong công trình xây dựng cung điện tháp nhọn cho thái tử Bodhi chưa hoặc có điều gì vẫn chưa xong không ?” Khi người thợ mộc trả lời rằng: “ Đã xong tất cả rồi.” Sanjikaputta bèn báo cho ông ta biết rằng: “ Thái tử Bodhi muốn hại ông đấy. Hãy cẩn thận mà lo cho sự an toàn của ông !”

Người thợ mộc bậc thầy nói những lời tri ân rằng: “ Kính thưa ngài… qua những lời nhắc nhở ân cần như vậy, ngài quả thật là vị cứu tinh của tôi.” Và ông ta nói với Sanjikaputta rằng: “ Tôi sẽ làm tất cả mọi chuyện trong mọi tình huống.” Khi Thái tử Bodhi hỏi ông ta rằng: “ Này ông thợ mộc đại tài… Có điều gì cần phải làm để hoàn tất cái tháp nhọn không ?” “ Tâu bệ hạ, vẫn chưa xong, còn nhiều việc cần phải làm,” là câu trả của người thợ mộc. Nhân đó thái tử hỏi: “Còn việc gì nữa ?” Người thợ mộc đáp lại: “ Tâu bệ hạ… Những chi tiết sẽ được trình lên sau. Bây giờ xin hãy cung cấp gỗ cần thiết cho hạ thần.” Thái tử hỏi tiếp: “ Ngươi muốn trẫm cung cấp loại gỗ gì ?” “ Tâu bệ hạ, chỉ cần loại gỗ nhẹ và khô,” là câu trả lời. Thái tử không nghi ngờ điều gì đã cung cấp cho ông ta loại gỗ nhẹ và khô theo như yêu cầu.

Người thợ mộc bậc thầy còn yêu cầu với thái tử rằng: “ Tâu bệ hạ…Trong lúc hạ thần đang mải mê làm việc, xin bệ hạ đừng đến chỗ làm việc của hạ thần, vì loại công việc mà hạ thần sắp làm rất khó khăn và phức tạp nên hạ thần sẽ không có thì giờ nhàn rỗi để tiếp chuyện với bất cứ ai, ngoại trừ vợ của hạ thần, người làm công việc đem cơm nước đến cho hạ thần.” Vị thái tử đồng ý và nói rằng “Tốt lắm.”

Người thợ mộc bậc thầy ở lại trong phòng làm việc và cưa đẽo gỗ mềm theo kích thước và làm nên một ‘Phương tiện bay’ có hình thù con chim đại bàng Garuda. Khi con chim gỗ được làm xong, ông ta bảo vợ chuyển tất cả tài sản thành ngân lượng và châu báu và mọi người đều ở trong trạng thái sẵn sàng. Thái tử Bodhi bố trí những đội quân bao vây chỗ làm việc của ông thợ mộc bậc thầy. Khi mọi việc đã sẵn sàng, người thợ mộc bậc thầy cho gia đình tập trung ở xưởng làm việc và sau khi ăn điểm tâm xong, họ đi vào bên trong con chim gỗ, và bay đi. Ngay khi lính ngự lâm đang tâu trình với thái tử rằng: “Tâu bệ hạ…Người thợ mộc bậc thầy đã đi rồi,” thì người thợ mộc và gia đình của ông ta đi xuống trong một vùng đất của dãy Hi-mã-lạp-sơn và định cư nơi đó. Về sau chỗ định cư mới phát triển thành kinh đô và người thợ mộc bậc thầy lên ngôi vua trị vì lãnh thổ ấy. Ông được mọi người biết đến là vua Katha Vahana.

Lễ khánh thành cung điện tháp nhọn của thái tử Bodhi

Thái tử Bodhi quyết định thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến dự lễ khánh thành cung điện của vị ấy. Thế nên, vị ấy cho người trang hoàng cung điện và rải đầy bột thơm. Rồi thái tử cho trải tấm thảm màu trắng từ bậc thang thấp nhất của cung điện. (Thái tử không có con. Vị ấy nghĩ rằng nếu Đức Phật bước lên tấm thảm thì vị ấy sẽ có cơ hội có con trai hoặc con gái, bằng ngược lại thì không. Đó là lý do khiến vị ấy cho trải tấm thảm màu trắng).

Khi Đức Phật đến tại cửa của cung điện, thái tử đảnh lễ Đức Phật theo đúng truyền thống và nhận lấy bát bằng cả hai tay mà bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn …Xin thỉnh Thế Tôn vào.” Nhưng Đức Thế Tôn không đi vào cung điện. Thái tử thỉnh cầu Đức Thế Tôn ba lần. Đến lần thứ ba, Đức Phật quay người và nhìn vào đại đức Ānanda khiến đại đức biết được rằng Đức Phật không muốn bước lên tấm thảm trắng. Do đó, đại đức quay sang thái tử và yêu cầu vị ấy lấy đi tấm thảm trắng vì Đức Phật không muốn giẫm lên nó.

(Những sự kiện liên quan đến mục đích trải tấm thảm trắng của thái tử Bodhi và việc Đức Phật từ chối không bước lên nó được trình bày đầy đủ trong chú giải Trung bộ. Đây chỉ là bài tóm lượt).

Mục đích của thái tử Bodhi là: Vị ấy không có con. Vị ấy nghe rằng nếu người dâng cúng những vật thí quý báu đến Đức Phật thì sẽ được những quả phước thích hợp. Vị ấy nguyện mình sẽ có con nếu Đức Phật bước lên tấm thảm trắng, bằng ngược lại thì không.

Nghiệp quá khứ của thái tử Bodhi

Trong một kiếp quá khứ nọ thái tử là một người sống trên một đảo nhỏ. Vị ấy có vợ cùng cảnh ngộ và hai người sống qua ngày bằng cách giết những chim non để ăn thịt. Nếu thái tử lấy một người vợ ngoài người vợ trước kia của vị ấy như vừa mô tả, thì vị ấy có cơ may có con. Vì cả hai vợ chồng đã cộng nghiệp trong việc giết chết những con chim non trong kiếp quá khứ, nên cả hai cùng chịu hậu quả tội lỗi giết những con chim non, Đức Phật biết rõ tất cả điều này và vì thế

 

Ngài đã từ chối không bước lên tấm thảm trắng được cố ý trải ra trong dịp ấy.

Còn có một số điểm khác cần suy xét ở đây:

(1)   Thái tử không có con do nghiệp quá khứ ngăn cản, và không điều gì có thể can thiệp vào quá trình nhân quả báo ứng, cho dù Đức Phật bước lên tấm thảm, do thái tử trải ra với ý nghĩ sai lầm. Do vô minh, vị ấy có thể tạo thêm lỗi lầm mới bằng cách nghĩ rằng, không gì không thể đạt được bằng cách cúng dường đến Đức Phật vì có câu châm ngôn rằng: “ Mọi sự cúng dường đến Đức Phật đều đem lại quả phước như ý nguyện.” Vị ấy có thể có những ý nghĩ sai lầm khác về vấn đề ấy.

(2)   Nếu làm như vậy thì ngoại đạo sẽ có cơ hội để chỉ trích rằng:“ Những vị tỳ khưu ấy đang đi đến nơi này chỗ kia và giẫm lên những tấm thảm trắng và không có điều gì mà họ không dám làm.”

(3)   Trong số những vị tỳ khưu mà có thể đã có lúc giẫm lên những  tấm thảm trắng trong khi Đức Phật còn tại tiền, có những vị tỳ khưu có đầy đủ các thắng trí có thể biết được tâm của mọi người. Những vị tỳ khưu như vậy sẽ giẫm lên những tấm thảm, khi nào chúng đáng được giẫm lên! Họ sẽ từ chối không làm như vậy khi hoàn cảnh không cho phép. Một khi Đức Phật đã viên tịch rồi, thì cơ hội chứng đắc đạo quả kèm theo thắng trí biết về tương lai sẽ hiếm hoi dành cho chúng sanh.

Một khi họ không có khả năng biết về tương lai, thì họ không thể quyết định liệu việc giẫm lên tấm thảm trắng có đem lại lợi ích hay không. Sẽ tốt thay nếu họ có đầy đủ khả năng biết về tương lai để quyết định khi cần thiết. Nếu không, hàng thiện nam tín nữ có thể mang ý nghĩ rằng: “ Trong thời của Đức Phật, việc cúng duờng đến chư Tăng chắc chắn sẽ làm thành tựu ước nguyện của họ, nhưng trong thời của chúng ta, sự cúng dường đến các vị tỳ khưu chẳng phát sanh điều gì. Có lẽ ngày nay họ không chuyên tâm hành đạo.” Ý nghĩ như vậy có thể làm cho họ không vui.

Chính vì những lý do này mà Đức Phật đã không bước trên tấm thảm trắng và đại đức Ānanda cũng đã giải thích là: “Đức Phật không bước trên tấm thảm trắng vì những sự thực đã được giải thích ở trên và vì sự quan tâm đến các vị tỳ khưu về sau, như đã được nhấn mạnh ở điểm (3).”

Thái tử cho người lấy đi tấm thảm trắng và cung rước Đức Phật vào cung điện rồi dâng cúng đến Ngài món cơm dẻo, vật thực thượng vị loại cứng và mềm. Khi Đức Phật đã thọ thực xong, thái tử bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con có ý nghĩ rằng trạng thái an lạc và thanh tịnh chỉ có thể đạt được bằng sự tinh tấn mạnh mẽ.” Rồi Đức Phật đáp lại: “ Thưa thái tử… Như Lai cũng đã có ý nghĩ như vậy khi Như Lai còn là Bồ tát.” Và kể lại cho thái tử nghe về cuộc đời của Ngài từ lúc thực hành các pháp khổ hạnh cho đến khi thuyết giảng bài kinh Anatta Sutta đến nhóm năm vị Sa-môn, khiến họ an trú trong đạo quả A-la-hán.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app