Nội Dung Chính

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Mahāsamaya

Đại hội gồm năm trăm vị tỳ khưu xảy ra vào buổi chiều mát mẻ của ngày rằm tháng Jetthamasa. Ngay khi năm trăm vị A-la-hán đã ngồi vào chỗ ngồi của các ngài, thì mặt trăng cũng vừa mọc lên trên đỉnh núi Yungandhara ở về phía đông, thoát khỏi năm chướng ngại,  đó là: sương muối, sương lạnh, mây, nguyệt thực và khói. Mặt trăng tròn đầy như đĩa gương bạc hay như bánh xe bằng bạc tự xoay tròn, lơ lửng trên cao ở chân trời phía đông, chiếu sáng rực rỡ như báo hiệu thế gian có sự xuất hiện của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Lúc bấy giờ, Đức Phật vẫn ở trong khu rừng Mahāvana gần kinh thành Kapilavatthu của nước Sakka, giữa hội chúng năm trăm vị tỳ khưu.

Sự hội họp của chư thiên và Phạm thiên

Chư thiên trú ngụ quanh khu rừng Mahāvana đầy cảm kích, đã gọi nhau rằng: “ Này các bạn, chúng ta hãy đi, đảnh lễ Đức Phật sẽ được phước, nghe pháp sẽ có lợi ích; tôn kính chư Tăng sẽ gặt hái phước lớn. Nào, các bạn, chúng ta hãy đi.” Khi gọi nhau như vậy, họ kéo đến trước Đức Phật, đảnh lễ Ngài và năm trăm vị tỳ khưu vừa mới chứng đắc đạo quả A-la-hán.

 

Tiếng gọi của họ lan rộng và vang xa, đi từng khoảng, đầu tiên là nửa gavuta, rồi đến một gavuta, nửa do tuần rồi đến một do tuần và như vậy nó lan rộng từ trung tâm của thế giới này đến khắp mười ngàn thế giới chung quanh. Tất cả chư thiên và Phạm thiên ngụ trong mười ngàn thế giới này đều tụ hội ở thế giới này, ngoại trừ một số Phạm thiên như Phạm thiên vô tưởng (Asaññassa), Phạm thiên vô sắc (Arūpa) và những vị Phạm thiên đã nhập định (samāpatti).

 

Lúc bấy giờ, cõi vũ trụ này hoàn toàn chứa đầy chư thiên từ khắp các nơi, thấu đến các cõi Phạm thiên (như hợp kim được nhét đầy những cây kim không có khoảng hở) đến để tham dự đại hội. Khoảng cách giữa các cõi Phạm thiên và cõi nhân loại có thể tính  bằng cách thả một cục đá xuống từ trên cõi Phạm thiên phải mất bốn tháng để cục đá ấy đến cõi người. Khoảng không gian giữa hai cõi bị nhồi nhét rất chật bởi chư thiên và Phạm thiên đến nỗi không còn chỗ trống nào cho dù hương của các loại hoa cũng không thể bay lên, hay hạt cải cũng không có kẻ hở để rơi xuống.

 

Khi một vị Chuyển luân vương ngồi giữa hội chúng các vị hoàng đế từ các nước chư hầu, thì những nhà cai trị hùng mạnh đến trước có thể tìm thấy chỗ ngồi của họ gần vị Chuyển luân vương (mà không quá chật chội). Nhưng những vị đến trễ chỉ có thể ngồi ở sau và chật chội, nhưng cũng có một chút thoải mái. Theo cách như vậy, khoảng không gian quanh Đức Phật, bậc giống như vị Chuyển luân vương, thì tương đối không quá chật. Tất cả những vị Phạm thiên nhiều oai lực, như các vị Đại phạm thiên Mahāsakkha, có thể ngồi gần Đức Phật. Nhưng ngay cả tại chỗ đó, những vị Phạm thiên nhiều oai lực, có phước lớn cũng phải tự sắp xếp để được thoải mái, khi chiếm hữu một khoảng không bé nhỏ có cỡ bằng đầu mút sợi lông đuôi của con bò trong những nhóm mười, hai mươi, đến sáu mươi, bằng cách thu nhỏ thân của họ càng lúc càng vi tế hơn.

Việc đến muộn của bốn vị Tịnh cư Phạm thiên (Suddhāvāsa)

 

Khi Đức Phật và năm trăm vị A-la-hán cùng với chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đã hội họp (như đã giải thích ở trên), bốn vị Tịnh cư Phạm thiên (A-la-hán) xuất khỏi thiền diệt khi thời gian được chú nguyện đã hết. Khi nhìn quanh các cõi Phạm thiên, họ thấy khắp cõi đều không có sự sống (giống như phòng ăn trống sau giờ ăn trưa). Khi dò xét ‘các vị Phạm thiên đã đi đâu’, họ lưu ý rằng có Đại hội đang diễn ra.

 

Bốn vị Phạm thiên A-la-hán bàn luận với nhau rằng: “ Đây là Đại hội và chúng ta đang ở lại phía sau, và sẽ không có chỗ ngồi dành cho những người đến trễ. Chúng ta đừng đi tay không, mỗi vị chúng ta hãy chuẩn bị sẵn một câu kệ để dâng đến hội chúng. Những câu kệ làm quà tặng sẽ là lời thông báo về sự đi đến của chúng ta và cũng là thái độ tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật.” Sau khi đã thỏa thuận như vậy, mỗi vị Phạm thiên soạn ra một câu kệ trước khi họ rời khỏi cõi Phạm thiên và một vị Phạm thiên A-la-hán đi xuống ở mé của bán cầu phía đông của thế giới, một vị Phạm thiên khác đi xuống ở mé của bán cầu phía nam của thế giới, một vị khác đi xuống ở mé của bán cầu phía tây của thế giới, và vị cuối cùng đi xuống ở mé của bán cầu phía bắc của thế giới.

(1)    Vị Phạm thiên A-la-hán mà đã đi xuống ở mé của bán cầu phía đông đã nhập định đề mục xanh đậm (nīla kasina) và để cho biết sự hiện diện của vị ấy, đã chiếu ra hào quang màu xanh thẩm rực rỡ từ thân của vị ấy, bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên của mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên tấm chăn màu lục bảo. Rồi vị ấy đi theo con đường đến, Buddha vithī – Phật đạo lộ (thoát khỏi mọi chướng ngại và dành sẵn để dễ dàng đến gần Đức Phật) và đứng ngay trước Đức Phật, tôn kính cúng dường Ngài bằng cách dâng lên câu kệ mà vị ấy đã soạn ra:

 

Mahāsamayo pavamasamiṅ

devakāyā samāgatā

āgatamhā imaṁ Dhammasamyaṃ

dakkhitāye apārajitasaṃghaṃ

 

“ Bạch Đức Thế Tôn…Hôm nay, một đại hội gồm chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đang được triệu tập tại khu rừng Mahavana, để đảnh lễ tôn kính các bậc A-la-hán, những bậc đã chiến thắng ba loại Ma với niềm tịnh tín sâu sắc. Cũng như tất cả chư thiên này, chúng con cũng đã đến đây với niềm hoan hỉ to lớn tại hội chúng này, để bày tỏ tôn kính đến những bậc chiến thắng bất khả bại, những bậc A-la-hán, với tâm tịnh tín sâu sắc.”

 

Sau khi dâng lên câu kệ này, vị ấy trở về (vì thiếu chỗ ở vùng chung quanh Phật tọa) mé đông bán cầu của thế giới và đứng nơi đó.

 

(2)     Vị Phạm thiên đi xuống ở mé nam bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu vàng (pita kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy, đã phóng ra hào quang màu vàng từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên chiếc áo khoác bằng vàng. Rồi cũng giống như vị Phạm thiên đầu tiên, vị ấy đi đến Đức Phật và dâng lên câu kệ này:

 

Tatra bhikkhuvo samādahaṃsu

cittamattano ujukamakaṃsu

sārathīva nettāni gahetvā

Indriyāni rakkhanti panditā.

“ Bạch Đức Thế Tôn … Tại hội chúng chư thiên và Phạm thiên này, năm trăm vị A-la-hán đã giữ tâm an tịnh và hoàn toàn vắng lặng do nhờ phát triển trạng thái định tâm siêu thế cao nhất, appana samādhi. Họ đã giữ tâm hoàn toàn chánh trực, thoát khỏi những trạng thái thiên lệch của tâm có thể ví như ba hình thức thiên lệch, đó là đường nước tiểu cong queo do con bò tiết ra, đường cong lưỡi liềm của mặt trăng và đường cong của cái cày. Cũng như một xa-phu thiện xảo điều khiển chiếc xe được kéo bởi những con ngựa Sindhara khéo huấn luyện, ông ta giữ dây cương một cách nhẹ nhàng mà không kéo chúng một cách thô bạo, để điều khiển cho xe lăn đi một cách khoan thai, năm trăm vị A-la-hán này cũng vậy, bằng Đạo-Trí (magga- ñāṇa) đã hộ phòng các căn môn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, ngăn chặn các phiền não đi vào tâm nhờ chánh niệm. Bạch Đức Thế Tôn… Chúng con đến khu rừng Mahāvana này với mục đích tôn kính đảnh lễ năm trăm vị A-la-hán này.

Rồi vị ấy trở về chỗ của vị ấy tại mé nam bán cầu của thế giới và đứng yên nơi đó.

(3)      Rồi vị Phạm thiên mà đến ở mé tây bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu đỏ (lohita kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy tại đại hội, bèn chiếu ra hào quang màu đỏ từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới, tựa như họ được đắp lên những chiếc áo khoác màu đỏ. Rồi, cũng như những vị Phạm thiên trước, vị ấy đi đến Đức Phật và dâng lên câu kệ của vị ấy:

 

Chetvā khīlaṃ chetvā palighaṃ

Inda khīlaṃ ūhajjha maneja

te caranti suddhā vimalā

cakkhumatā sudantā susunāgā.

 

Bạch Đức Thế Tôn, những vị A-la-hán trẻ tuổi được khéo dạy dỗ, đã được nhiếp phục và thuần thục để chế ngự lục căn do nhờ Đức Phật, bậc có ngũ nhãn (Buddha-cakkhu: con mắt của vị Phật nhìn thấy tâm của chúng sanh ; Dhamma-cakkhu: pháp nhãn, con mắt của chân lý chỉ sự chứng đắc đạo trí. Samanta cakkhu: con mắt của Nhất thiết trí. Mansa-cakkhu: nhục nhãn, con mắt thịt tinh tế và mạnh mẽ khác thường. Dibba-cakkhu: thiên nhãn thấy tất cả những gì diễn ra trong những thế giới bị che khuất. Những vị A-la-hán trẻ tuổi này đã đoạn trừ chiếc gai tham, sân và si (lobha, dosa và moha) bằng lưỡi gươm Tứ đạo trí (magga-ñāṇa). Họ đã bẻ gãy và phá tan những thanh ngang và những then cửa (trên cánh cửa của căn phòng của kiếp sống), là lobha, dosa và moha – chúng ngăn chặn sự giải thoát khỏi luân hồi. Bằng chính chiếc gươm Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), các vị đã nhổ lên những chiếc cột trụ tham, sân, si ở cổng thành thân kiến (sakkāya) bằng bốn magga. Do không còn ái dục, hết ô nhiễm và dục vọng, các vị thong dong đi lại khắp bốn phương mà không gặp bất cứ chướng ngại phiền não nào. Chúng con đã đến đây để đảnh lễ những vị A-la- hán trẻ tuổi này.

Rồi vị ấy trở lại mé tây bán cầu của thế giới và cũng như hai vị Phạm thiên trước, đứng yên nơi đó.

(4)      Rồi vị Phạm thiên mà đã đi xuống ở mé bắc bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu trắng (odata kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy tại đại hội, vị ấy phát ra hào quang màu trắng từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên của mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên những chiếc y bằng hoa lài. Rồi, cũng như ba vị Phạm thiên trước, vị ấy đến trước Đức Phật và đọc lên câu kệ mà vị ấy đã soạn ra :

 

Ye keci Buddhaṃ saranaṃ gatāse

na te gamissanti apāyabhumiṅ

pahāya mānasaṃ dehaṃ

devakāyaṃ paripūressanti.

Bạch Đức Thế Tôn, bất cứ ai đã quy y Đức Phật với niềm tin vững chắc sẽ không bị tái sanh vào bốn khổ cảnh, đó là : cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và a-tu-la.

Sau khi đã dâng lên câu kệ này, vị ấy trở về mé bắc bán cầu của thế giới giống như ba vị Phạm thiên trước.

Đức Phật quan sát thấy rằng đại chúng gồm chư thiên và Phạm thiên đang diễn ra trong một không gian rộng lớn thấu đến các mé của thế giới về bề rộng và bề cao thấu đến cõi sắc cứu cánh Phạm thiên. Rồi Đức Phật suy xét: “ Đây quả thật là một sự hội họp vĩ đại gồm  chư thiên và Phạm thiên. Năm trăm vị tỳ khưu không thể biết rõ sự thực này. Bây giờ ta sẽ cho họ biết rõ.” Do đó, Ngài nói với họ rằng:

“ Này các tỳ khưu, tất cả chư thiên và Phạm thiên đã tụ hội về đây trong lúc này để tôn kính Đức Phật Chánh biến tri, mà việc xuất hiện của vị ấy, sugato, cũng tối thắng như những vị Phật quá khứ, và cũng để tôn kính các vị tỳ khưu. Cũng như đại hội này, những đại hội tương tự gồm chư thiên và Phạm thiên (cũng vĩ đại như thế, không hơn không kém) đã diễn ra trong thời kỳ của các vị Phật quá khứ.

Này các tỳ khưu, cũng như đại hội này, những đại hội tương tự gồm chư thiên và Phạm thiên (có cùng tầm cỡ, không hơn không kém) cũng sẽ diễn ra trong thời kỳ của những vị Phật trong tương lai.”

Chư thiên và Phạm thiên cũng như Đức Phật đều có ý tưởng riêng

 

Chư thiên và Phạm thiên tại hội chúng đều có ý kiến rằng, xét về số lượng khổng lồ của thiên chúng đang hiện diện, Đức Phật có thể chỉ kể ra tên của những chư thiên và Phạm thiên có quyền lực và những vị ít quan trọng có thể không được nêu ra. Đức Phật, khi xét về những gì mà chư thiên và Phạm thiên đang suy nghĩ, nhận biết được điều đang diễn ra trong tâm của họ, tựa như Ngài nắm giữ tâm của họ trong tay của Ngài trước khi chúng được thốt ra miệng của họ hoặc như tên trộm bị bắt quả tang cùng với tang vật và do vậy Ngài quyết định:

“Ta sẽ tiết lộ tên và thị tộc của tất cả những chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đang hiện diện tại Đại hội này, bất kể họ có quyền lực lớn hay nhỏ”.

Chư Phật là những nhân vật vĩ đại và có nhiều oai lực. Không có điều gì ở ngoài phạm vi hiểu biết của Ngài. Tất cả sáu cảnh tiếp  xúc với sáu căn của nhân loại và chư thiên để tạo ra nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức đều ở trong phạm vi hiểu biết của các Ngài mà không có bất cứ chướng ngại nào. Do đó, Đức Phật có khả năng phân biệt giữa những chúng sanh đã viên thục để sẵn sàng thoát khỏi luân hồi và những chúng sanh chưa sẵn sàng để thành đạt giải thoát. Trước hết Đức Phật bỏ qua tất cả những chúng sanh chưa sẵn sàng và tập trung chú ý đến những chúng sanh mà sẽ được lợi ích qua sự thuyết pháp của Ngài.

Lại nữa, trong số những chúng sanh sẽ đạt được giải thoát luân hồi, Đức Phật chia họ thành sáu nhóm theo thiên hướng của họ, đó là: chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về tham (rāga-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về sân (dosa-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về si (moha-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về suy tầm (vitakka), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về đức tin (saddhā), và chư thiên, Phạm thiên có thiên hướng về trí tuệ (paññā).

Rồi trong sáu nhóm này, Đức Phật quyết định rằng đối với chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng tham thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Sammā Paribbājaniya; những vị có thiên hướng sân thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Kalahavivāda; những vị có thiên hướng về si thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Mahābyuha; những vị có thiên hướng suy tầm thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Cūlabyuhā; những vị có thiên hướng đức tin thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Tuvaṭṭakapatipadā và những vị có thiên hướng trí tuệ thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Purābheda.

Tiếp theo, Đức Phật quyết định nên chọn cách nào trong bốn cách thuyết pháp mà thích hợp với hội chúng chư thiên và Phạm thiên. Bốn cách ấy là:

(1)   Thuyết theo tự ý của Đức Phật, Attajjhāsaya sutta nikkhepa.

(2)   Thuyết theo ước muốn của thính chúng, Parajjhāsaya sutta nikkhepa.

(3)   Thuyết theo trường hợp hoặc   hoàn cảnh đang diễn   ra, Aṭṭhuppattika sutta nikkhepa.

(4)   Thuyết pháp dưới dạng trả lời một câu hỏi đặc biệt, Pucchāvasika sutta nikkhepa.

Và Ngài thấy rằng chư thiên và Phạm thiên sẽ đạt được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Thánh Đế do nghe bài pháp được thuyết theo cách trả lời câu hỏi được nêu ra phù hợp với những thiên hướng của họ. Rồi Ngài tìm xem trong số năm trăm vị A-la-hán xem vị nào có khả năng đặt ra câu hỏi như vậy, phù hợp với những thiên hướng của chư thiên và Phạm thiên, và nhận thấy rằng không có vị nào trong số đó. Ngài cũng thấy rằng tám mươi vị Đại thinh văn và hai vị Tối thượng Thinh văn cũng không có khả năng nêu lên câu hỏi như vậy.

Ngài biết rằng một vị Bích chi Phật cũng không có khả năng nêu lên một câu hỏi như vậy. Rồi Đức Thế Tôn suy xét xem Sakka hoặc Suyāma Deva có thể đáp ứng nhu cầu của Ngài hay không, và Ngài thấy rằng họ cũng không có khả năng nêu lên một hỏi như vậy.

Cuối cùng, sau khi nhận ra rằng chỉ có Đức Phật Toàn Giác giống như Ngài mới có khả năng nêu câu hỏi phù hợp với thiên hướng của chư thiên và Phạm thiên, Ngài nhìn vào vô số thế giới bằng khả năng vô định về sự nhìn thấu của Ngài để xem có một vị Phật Toàn Giác nào khác không, và Ngài khám phá ra rằng không có ai bằng Ngài trong vô số thế giới ấy.

(Chú thích: Không điều gì ngạc nhiên rằng Ngài không tìm thấy ai bằng Ngài lúc bấy giờ. Quả thật vậy, không có ai ngang hàng với Ngài, trong nhân loại và chư thiên, ngay cả trong thời gian của kiếp chót của Ngài. Khi còn là một vị hoàng tử Siddhattha mới sanh ra, Ngài đã thốt lên những lời dũng mãnh ‘Aggohamasmi lokassa- Trong khắp thế gian, Ta là tối thượng.’ Không cần thiết nói rằng không ai bằng Ngài khi Ngài đã thành một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác).

 

Sự hóa hiện thêm một vị Phật giống y vậy

 

Sau khi nhận thấy rằng không có một vị Phật nào khác giống như Ngài, Đức Phật suy xét ‘Những vị chư thiên và Phạm thiên này sẽ không đạt được tuệ thông đạt pháp nếu Ta đặt câu hỏi và Ta lại trả lời câu hỏi ấy. Chỉ khi nào một vị Phật khác nêu lên một câu hỏi và Ta trả lời câu hỏi ấy, đó mới là điều kỳ diệu và chư thiên cùng Phạm thiên sẽ đạt được tuệ quán thông đạt giáo pháp. Do đó, Ta sẽ hóa ra một hình tướng giống y hệt như Ta.’ Với mục đích ấy, Đức Phật nhập vào Tứ thiền sắc giới (rupāvacara kiriya jhāna) để làm nền tảng phát triển năng lực thần thông (abhiñña). Rồi sau khi xuất khỏi thiền, Ngài lập nguyện, qua sự vận dụng lộ tâm ‘Mahākiriya Ñāṇasampayutta Adhiṭṭhan  javana’  để  một vị Phật hoàn toàn  giống hệt  như Ngài,  về mọi phương diện như mang bát và y, nhìn thẳng về phía trước và liếc nhìn hai bên, cúi người và duỗi tay chân, sẽ hiện ra. Như vậy Đức  Phật đã tạo ra một vị Phật khác giống hệt như Ngài, tựa như hình tướng ấy hiện lên từ mặt trăng tròn đầy, vừa mới mọc lên trên đỉnh núi Yugandhara ở phía đông bán cầu.

 

Những quan điểm khác nhau của chư thiên và Phạm thiên

 

Nhìn thấy hình ảnh một vị Phật được tạo ra (Hiện tướng Phật – Nimmita Buddha), chư thiên và Phạm thiên bày tỏ những quan điểm của họ: “ Thưa các bạn, một mặt trăng khác đã xuất hiện bên cạnh mặt trăng đang hiện hữu.”

Khi vị Nimmita Buddha được nhìn thấy xuất hiện từ mặt trăng và đang tiến gần họ, thì họ thay đổi ý kiến và nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là mặt trăng mà là sự xuất hiện của mặt trời.” Khi vị Nimmita Buddha đến gần hơn, họ nói rằng: “Thưa các bạn, đó không phải mặt trời mà là lâu đài của chư thiên.” Khi vị Nimmita Buddha đến càng lúc càng gần hơn thì họ lại nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là lâu đài mà là một vị thiên.” Và họ lại nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là vị thiên mà là vị Đại phạm thiên,” và cuối cùng khi vị Nimmita Buddha đến rất gần họ thì họ kết luận rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là Đại phạm thiên. Thực ra, đó là một vị Phật khác đang đi đến chúng ta.”

Trong số chư thiên và Phạm thiên còn phàm phu tự nghĩ rằng: “ Khi chư thiên và Phạm thiên hội tụ đầy cả vũ trụ để tôn kính một vị Phật, thì số chư thiên và Phạm thiên đến tôn kính hai vị Phật thì quả thật ngoài sức tưởng tượng.” Nhưng chư thiên và Phạm thiên bậc thánh thì kết luận rằng không thể có hai vị Phật xuất hiện cùng một lúc, trong cùng một thế giới. Do đó, vị Phật kia có lẽ do Đức Phật tạo ra giống y hệt như Ngài.

Trong khi đó, trước mặt chư thiên và Phạm thiên đang chăm chú nhìn thì vị Nimmita Buddha tiến gần Đức Phật và ngồi đối diện với Ngài cũng trên chỗ ngồi ngang bằng được dành sẵn, nhưng không đảnh lễ Đức Phật.

Có ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân trên người của Đức Phật thì vị Nimmita Buddha cũng có những tướng như vậy. Hào quang sáu màu phát ra từ thân của Đức Phật và Nimitta Buddha cũng phát ra hào quang sáu màu từ thân. Những luồng hào quang cực mạnh của Đức Phật cũng như của Nimitta Buddha phóng đi đến tận cõi Phạm thiên cao nhất là cõi Sắc cứu cánh Phạm thiên (Akanittha Brahmā) và trở lại chiếu tỏa sáng trên đầu của chư thiên và Phạm thiên trước khi chúng rơi xuống các bờ mé của thế giới. Toàn thể thế giới giống như một hệ thống giàn giáo được đan chéo bởi những thanh cây bằng vàng, bao trùm một bảo tháp, trông rực rỡ, duyên dáng và uy nghi.

Tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới, đã cu hội trong thế giới này, được bao bọc bởi hào quang từ thân của Đức Phật và Nimmita Buddha.

Hiện tướng Phật, trong tư thế ngồi như vậy, nêu ra một câu hỏi, sau khi nói lên câu kệ tán dương Đức Phật chiến thắng các phiền não (kilesa) ở trên bồ đoàn giác ngộ dưới cội cây Bồ-đề.

Trước khi Đức Phật trả lời câu hỏi do Nimmita Buddha nêu ra (tức là trước khi thuyết giảng bài kinh Sammaparibbājaniya ), để làm cho tâm của chư thiên và Phạm thiên trở nên nhu thuận, dễ dạy, vững chắc, điềm tĩnh, Ngài quyết định nói lời chào hỏi họ bằng cách công bố tên, họ, bộ tộc, v.v… không phân biệt về địa vị hay chức tước của họ. Do đó, Đức Phật tiếp tục thuyết bài pháp ‘Mahāsamaya sutta’ bắt đầu bằng câu ‘acikkhissama bhikkhave devakāyanaṃ namāmi’ v.v… có nghĩa là: “ Này các Tỳ khưu, Như Lai sẽ tiết lộ danh phận của thính chúng bằng cách công bố tên của họ, tên về gia tộc, bộ tộc của họ, v.v…’

(Bài kinh Mahasamaya đã được bàn đến rất chi tiết bởi nhiều học giả nổi tiếng khi nêu ra trong kinh Pāḷi và bản dịch (bao gồm bản dịch từng chữ nissaya, dựa trên bộ kinh Pāḷi Mahāvagga.) Đặc biệt cần phải kể ra một chuyên đề có đề tài là “Chú giải bài kinh Mahāsamaya gồm có nguyên bản Pāḷi và nghĩa của từ ngữ’ do Đại đức Bhadanta Nandiya, vị trưởng lão chủ trì tịnh xá Mahāvisutavāma ở Pakokku. Có một phẩm ở đoạn cuối của chuyên đề bàn về sáu thiên hướng do Đức Phật thuyết trong sáu bài pháp như Sammaparibbajaniya theo sau bài kinh Mahāsamaya, nguyên bản Pāḷi và bản dịch từng chữ cũng được dựa vào trong đó).

 

Đông đảo chư thiên và Phạm thiên chứng đắc giải thoát

 

Vào lúc kết thúc thời pháp Mahāsamaya sutta, một trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả A-la-hán, và số lượng chứng đắc đạo quả sotāpanna thì không thể kể hết. (Theo bộ Chú giải Mahāvagga).

 

Lời giải thích của đại đức U Budh

 

Khi chúng ta xem hết cả bài Mahāsamaya sutta, chúng ta thấy rằng điểm nhấn mạnh của bài pháp là phép đặt tên gọi của chư thiên và Phạm thiên, sự nêu ra tên về gia tộc và bộ tộc của họ; và câu hỏi ở đây là:

Nếu không có sự giảng dạy về chân lý rốt ráo thì làm sao chư thiên và Phạm thiên có thể giác ngộ Tứ Diệu Đế và thành đạt giải thoát (chứng đắc các tầng thánh sotāpanna, v.v…) do chỉ nghe tên về gia tộc và bộ tộc của họ?

Đây là câu trả lời (1) Đức Phật nhận rõ rằng do nghe bài pháp Mahāsamaya sutta, tâm của chư thiên và Phạm thiên đã trở nên điềm đạm, dễ dạy, thoát khỏi các triền cái, hân hoan và trong sáng, và do đó ngay vào lúc ấy, Ngài đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế mà Ngài đã chứng ngộ. Sau khi đã nghe bài pháp về Tứ Diệu Đế, chư thiên và Phạm thiên được chứng đắc các tầng thánh. (2) Nói cách khác, do nghe bài kinh Mahāsamaya, khởi sanh trong dòng tâm của chư thiên và Phạm thiên những trạng thái tâm liên tục nối tiếp nhau, trạng thái tâm đứng trước làm nhân để trạng thái tâm theo sau sanh khởi. Những trạng thái tâm ấy gồm có hỉ (pīti), tịnh (passaddhi), lạc (sukha), định (samādhi), như thật trí (yatthābhūta-ñāṇa), yểm ly trí (trí nhàm chán đời sống của thế gian, nibbidā-ñāṇa); ly tham trí (virāga-ñāṇa), giải thoát trí (vimuñccana-ñāṇa) hay Đạo trí (Magga-ñāṇa), Quả trí (Phala-ñāṇa), Giải thoát tri kiến trí (vimuttiñāṇadassa) hay Quán sát trí (paccavekkhana-ñāṇa). Chính do sự phát triển những trạng thái này mà chư thiên và Phạm thiên được đắc thành những bậc thánh.

Để cung cấp những lời giải thích này, Đại đức Sayadaw U Budh đã trích dẫn tài liệu từ các bộ Chú giải thích hợp.

 

Bài kinh Mahāsamaya được chư thiên và Phạm thiên vô cùng kính trọng

 

Bài kinh Mahāsamaya rất được chư thiên và Phạm thiên kính trọng. Do đó người có trí mong cầu lợi lạc và sự thịnh vượng thuộc về thế gian cũng như siêu thế gian thì nên tụng bài kinh này trong những dịp lễ khởi công xây dựng và khánh thành nhà cửa, tịnh xá và làng xóm.

 

(Khi chúng ta suy nghĩ tại sao bài kinh Mahāsamaya lại được chư thiên và Phạm thiên tôn trọng như vậy, chúng ta thấy rằng) Đức Phật hiển nhiên là nhân vật đứng đầu tại Đại hội bao gồm nhiều hạng chúng sanh từ chư thiên thấp nhất ở trên địa cầu cho đến những vị Phạm thiên Harita Brahma hùng mạnh nhất. Thực ra, bài kinh Mahāsamaya là bài nói mở đầu của Đức Phật với tư cách là người chủ tọa Đại hội).

 

Đại hội được tham dự bởi ba loại chúng sanh thiên giới: những vị có địa vị và quyền lực cao nhất, những vị có địa vị bậc trung và những vị thuộc tầng lớp thấp nhất. Đối với một thính chúng với nhiều địa vị khác nhau, người chủ tọa phải hết sức tế nhị, tỏ ra quan tâm đến những thành viên thuộc địa vị thấp nhất bằng cách công bố trước tiên với hội chúng về sự hiện diện của họ, rồi đến những vị có địa vị bậc trung và cuối cùng là những vị chư thiên có quyền lực cao nhất. Những cố gắng nhằm giới thiệu trước tiên chư thiên có tước bậc và quyền lực cao nhất bằng cách công bố tên về gia tộc và dòng tộc của họ, có thể gây ra sự buồn lòng và bất mãn trong những vị có địa vị thấp hơn.

 

Đức Phật đã quan tâm đề cập đến chư thiên có tước vị thấp nhất, như chư thiên địa cầu, vào lúc bắt đầu nói lời chào đón, tiếp theo là phần giới thiệu chư thiên có địa vị bậc trung và cuối cùng là chư thiên có địa vị cao nhất. Như vậy, Đức Phật đã đem lại sự hoan hỉ cho tất cả thính chúng thuộc mọi tầng lớp, tầng lớp thấp cảm thấy vui sướng vì họ được đón chào trước tiên và chư thiên có địa vị và ảnh hưởng thì hài lòng vì họ được đề cao, được làm nổi bật lên do được giới thiệu cuối cùng, là giai đoạn quan trọng và quyết định. Đây có thể được xem là tấm gương điển hình của Đức Phật để hướng dẫn cho những người có trách nhiệm nói lời chào đón trước một hội chúng.

 

Xét về những điều được nêu ra ở trên, ta thấy rằng tất cả chư thiên từ đó đã vui sướng chờ đợi được nghe bài kinh Mahāsamaya khi họ đi lại khắp bốn phương trong thế giới.

Sau đây là ví dụ chứng minh về việc chư thiên rất tôn trọng bài kinh Mahāsamaya.

Có một cái hang động tên là ‘Nagalena’ ở trong khuôn viên của tịnh xá ‘Kotipabbata’. Một vị nữ thần nọ ngụ trong một cây thiết mộc tại cửa vào hang động nói trên. Một hôm, có một vị tỳ khưu trẻ trú  ngụ trong hang động đang tụng bài kinh Mahāsamaya và vị nữ thần chăm chú lắng nghe. Khi vị tỳ khưu tụng hết bài kinh thì vị nữ thần nói lời hoan hỉ ‘Sādhu! Sādhu!’ vang dội cả hang động và một cuộc đàm thoại diễn ra giữa vị tỳ khưu trẻ và nữ thần.

(hỏi): Ai đang nói ‘Sādhu’ vậy?

(trả lời): Bạch đại đức, là con, một nữ thần.

(hỏi): Tại sao nàng nói ‘Sādhu’?

(trả lời): Bởi vì lần đầu tiên con đã được may mắn nghe bài kinh Mahāsamaya khi Đức Phật thuyết giảng tại khu rừng Mahāvana và lần thứ hai, tức hôm nay, con lại được nghe bài kinh ấy. Con hiểu rằng ngài đã học thuộc bài kinh ấy khá chính xác, không có một lỗi nhỏ nào so với bài kinh gốc dù chỉ một chữ. (Con nói Sādhu vì nguyên nhân như vậy).

(hỏi): Có phải tự nàng nghe Đức Phật thuyết bài kinh ấy? (trả lời): Thưa phải, bạch đại đức.

(hỏi): Nghe nói rằng có một đại hội gồm chư thiên và Phạm thiên vào lúc Đức Phật tụng đọc bài kinh ấy. Khi ấy nàng đứng ở chỗ nào?

(trả lời): Bạch đại đức, khi ấy con là kẻ cư ngụ ở khu rừng Mahāvana gần Kapilavatthu, nhưng con không thể kiếm được một chỗ trong khắp vùng Jambudīpa vì chư thiên và Phạm thiên hùng mạnh đã tụ họp ở đó. Con phải đi qua xứ Sri Laṅka, và con đang cố gắng nghe bài pháp ấy trong lúc con đang đứng tại cảng Jambukola thì chư thiên hùng mạnh lại đến tụ họp ở đó. Con lại bị đẩy lùi càng lúc càng xa hơn, cho đến khi con đến một ngôi làng nhỏ tên là Rohana gần Mahāgama, ở đó con phải đứng trong biển sâu đến ngang cổ, cuối cùng con mới có thể nghe tụng đọc bài ấy.

(hỏi): Này nữ thần, làm sao nàng có thể thấy được Đức Phật tại khu rừng Mahāvana với một khoảng cách rất xa so với chỗ mà nàng đang đứng lúc bấy giờ?

(trả lời): Bạch đại đức, con thực sự đã trông thấy Đức Phật, tựa như Đức Phật đang nhìn chăm chú vào con từ khu rừng Mahāvana suốt thời gian thuyết giảng bài kinh, khiến con cảm thấy sợ hãi và bối rối, muốn giấu mình giữa những cơn sóng đầy bọt.

(hỏi): Nghe nói rằng một trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên đã chứng đắc đạo quả A-la-hán vào ngày hôm ấy (khi bài kinh Mahāsamaya được thuyết giảng). Nàng có chứng đắc đạo quả A-la- hán không?

(trả lời): Thưa không, bạch đại đức, con chưa chứng đắc.

(hỏi): Vậy ta nghĩ rằng nàng đã chứng đắc quả thánh anāgāmi?

(trả lời): Dạ chưa, bạch đại đức.

(hỏi): Vậy ta nghĩ rằng nàng đã chứng đắc quả thánh sakadāgāmi?

(trả lời): Dạ chưa, bạch đại đức.

(hỏi): Này nữ thần, nghe nói rằng (khi nghe bài kinh Mahāsamay) vô số chư thiên và Phạm thiên đã chứng đắc ba tầng thánh thấp hơn. Ta chắc rằng tối thiểu nàng cũng đã chứng đắc quả thánh sotāpanna.

(trả lời): (Là bậc đã thực sự chứng đắc tầng thánh Nhập lưu – sotāpanna) nữ thần cảm thấy e thẹn và nói rằng: “ Bạch đại đức, đáng ra ngài không nên hỏi con câu hỏi như vậy.”

Rồi vị tỳ khưu trẻ hỏi nữ thần: “ Nàng có thể hiện ra cho ta xem được không?” Nàng đáp lại: “ Bạch đại đức, không phải toàn thân, chỉ đầu ngón tay thôi,” và khi nói vậy, nàng chuồi một ngón tay của nàng vào lỗ khóa, chỉ có đầu ngón tay. Cả hang động lúc bấy giờ sáng lên rực rỡ tựa như hằng ngàn mặt trăng và mặt trời chiếu ánh sáng vào trong đó. (Nàng nữ thần đã không hiện ra toàn thân của nàng để tránh cho vị tỳ khưu trẻ khỏi bị mê đắm, làm hại cuộc đời Sa-môn của vị ấy).

Rồi nàng nữ thần ra đi sau khi bày tỏ sự tôn kính của nàng và nhắc nhở vị tỳ khưu trẻ không nên xao lãng trong sự thọ trì giới của Sa-môn.

Ví dụ này cho thấy chư thiên và Phạm thiên rất tôn trọng bài kinh Mahāsamaya.

Sự thuyết giảng những bài pháp phù hợp với căn tánh của thính chúng

Sau khi đã thuyết giảng bài kinh Mahāsamaya, Đức Phật tiếp tục thuyết những bài pháp khác đến hội chúng, đó là những bài kinh phù hợp với căn tánh của những nhóm chư thiên và Phạm thiên.

(1)   Samma paribbājaniya Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về tham – rāga (bằng lối đàm thoại giữa Nimmita Buddha và chính Đức Phật). Một trăm ngàn chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả A-la-hán vào lúc kết thúc thời  pháp, đồng thời cũng có vô số chư thiên và Phạm thiên chứng đắc ba tầng thánh bậc thấp.

(2)   Kalahavivāda Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng sân – dosa, chư thiên và Phạm thiên cũng đạt được giải thoát y như thế.

(3) Mahābyūha Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng si- moha, và họ cũng đạt được giải thoát y như vậy.

(4)    Cullabyūha Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng suy tầm – vitakka với kết quả tương tự.

(5)    Tuvaṭṭakapaṭipadā Sutta: được thuyết đến thính chúng có thiên hướng về đức tin – saddhā (trong Tam bảo) với kết quả tương tự.

(6) Purābheda Sutta: được dạy cho thính chúng có thiên hướng về trí tuệ – paññā, theo cách tương tự và kết quả tương tự.

(Muốn biết chi tiết về sáu bài kinh này, hãy xem bản dịch bằng tiếng Myanmar từ bộ kinh Pāḷi Suttanipata, đặc biệt có bộ sách chuyên đề: “ Chú giải bài kinh Mahāsamaya sutta” gồm có nguyên bản tiếng Pāḷi và ý nghĩa của từ ngữ được biên soạn bởi Đại đức Bhadanta Nandiya, vị trưởng lão chủ trì tịnh xá Mahāvisutārāma ở Pakokku).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app