Bài pháp về Bổn sanh Rukkha Dhamma

Sau khi thuyết giảng Bổn sanh Phandāna, Duddhubha và Laṭukika, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng thêm hai Bổn sanh nữa để đem lại những lợi ích của sự đoàn kết.

“ Thưa các vị vương gia…Tất cả các vị đều có quan hệ máu mủ với nhau. Và đúng theo lẽ đạo thì những người quyến thuộc cùng huyết thống cần được đoàn kết gắn bó và sống với nhau trong hòa hợp. Không có kẻ thù nào có thể làm hại các vị khi các vị đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết quả thật cần thiết ngay cả cây cối là vật vô tri, không kể đến loài hữu tình như loài người. Như Lai sẽ kể lại cho các vị nghe một câu chuyện có liên quan.

Vào một thuở nọ, một rừng cây Sala ở trong dãy núi Himalaya bị bão lớn thổi ập đến. Nhưng chẳng có một cây nào bị hư hại dù chút ít, vì chúng đứng san sát với nhau, giữ chắc với nhau bởi những bụi cây và những cây nhỏ ở xen kẽ. Cơn bão không thể luồn qua đám cây mà chỉ đi lướt qua trên ngọn cây rồi tiếp tục đi đến nơi khác. Ngược lại, một cây đơn độc có thân và nhánh to lớn, đã bị thổi ngã bởi một cơn gió mạnh do thiếu sự đoàn kết và sát cánh với những cây lớn, cây nhỏ và những bụi cây khác. Do đó, điều cần thiết là tất cả các vị phải đứng trong một khối đoàn kết qua sự hợp tác và liên kết.”

Nhân đó, các vị vương gia thỉnh cầu Đức Phật thuyết giảng chi tiết hơn về Bổn sanh có liên quan.

“ Thưa các vương gia… Vào một thuở nọ, dưới triều đại của vủa Brahmadatta, tại Bārāṇasī, một vị thiên Vessavana mạng chung và Sakka chỉ định một vị thiên khác thế chỗ vị kia. Trong thời kỳ chuyển tiếp này, vị Vessavana mới đã ban ra một lịnh mới cho phép tất cả các vị thiên được tự do tìm chọn lựa chỗ ở trong số những cây lớn, những cây nhỏ và những đám cây.

Bồ tát lúc bấy giờ là một vị thần ở nông thôn trông coi rừng cây Sala ở tại Hymalaya. Vị ấy khuyên những quyến thuộc của mình như vầy: “Thưa bà con, quý vị không nên chọn những cây ở nơi đất trống làm chỗ ngụ. Điều tốt nhất là quý vị nên ngụ ở những cây mà vây quanh cái cây tôi đã chọn làm chỗ ngụ ở trong khu rừng.”

Chư thiên có trí đã chiếm ngụ những cây ở quanh chỗ ngụ của Bồ-tát, y theo lời khuyên của Ngài. Những chư thiên kém trí thì thỏa thuận với nhau rằng: “ Trú ngụ tại những cây nằm giữa khu rừng, cách xa chỗ ở của loài người chẳng có lợi ích gì. Chỉ những kẻ sống ở gần những ngôi làng và phố chợ mới có thể khá lên được về cả lợi lộc lẫn danh vọng.” Sau khi quyết định vậy, họ chọn cách ngụ ở những cây dọc theo con đường chính trên những vùng đất trống.

Sau một thời gian, một trận bão mạnh dẫn theo trận mưa xối xả ập đến khắp vùng và tất cả cây cối bao gồm những cây to lớn cũng bị gãy nhánh và bị ngã sập trốc gốc. Khi cơn bão dữ dội thổi đến rừng cây Sala do Bồ tát kiểm soát, chúng thổi cuồng loạn khắp khu rừng, nhưng không một cây nào bị ngã nhờ đan kết chặt chẽ với nhau.

Chư thiên bị mất chỗ ở ra đi mang theo những đứa con của họ đến những người bạn trong rừng cây Sa-la ở Himalaya và kể cho những người bạn ấy biết cảnh ngộ bi thảm của mình. Những người bạn của họ đem chuyện ấy kể lại với vị thiên thủ lĩnh của họ, tức Bồ- tát.

Nhân đó, Bồ-tát giải thích với họ rằng: “ Điều rất tự nhiên là những kẻ quyết định ngụ ở những nơi như vậy do không nghe theo lời khuyên của bậc trí, thì phải đối mặt với những điều tổn hại.” Và rồi nói lên câu kệ sau đây:

 

Sādhu sambahulā ñati

api rukkhā araññajā

vāto vahati ekaṭṭhaṃ

brahmahāntampi vanappatiṃ.

 

“ Hỡi những quyến thuộc chư thiên của tôi… Khi đông đảo bạn bè và quyến thuộc sống gần gũi nhau, nương tựa lẫn nhau, ngay cả cây cối mọc lên khắp khu rừng, sẽ sống an nhàn thoát khỏi sự áp bức của các loại kẻ thù. Nhưng cây mà mọc lên ở chỗ biệt lập nơi đồng trống, dù có thân đồ sộ và nhiều nhánh dày đặc, cũng không thể chịu nổi bão táp, cơn bão sẽ bứng gốc của nó cùng với tất cả nhánh và lá.”

Sau khi thuyết bài pháp này, Bồ tát mạng chung vì thọ mạng đã hết.

Đức Phật kết thúc thời pháp bằng cách sách tấn họ như vầy: “ Hỡi các vị vương gia… Tất cả quyến thuộc trước hết nên cố gắng đoàn kết với nhau. Sau khi đã đoàn kết rồi, hãy sống cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, cư xử với nhau bằng tấm lòng từ ái.” Cuối cùng Đức Phật nhận diện Bổn sanh như sau: “ Thính chúng hiện nay là chư-thiên trong rừng cây Sala và Như Lai là vị thiên lãnh đạo chư thiên trong rừng cây Sala ấy.”

Kết thúc Bổn sanh Rukkha Dhamma

Bài pháp về Bổn sanh Vatttaka (hay Sammodamāna)

Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục ban lời giáo huấn… “ Thưa các vị vương gia… Thật không hợp lý khi tranh chấp với quyến thuộc của chính mình. Có một ví dụ trong quá khứ, ngay cả những con thú cũng có thể chiến thắng những kẻ thù của chúng và sống hòa hợp với nhau nhờ đoàn kết, và chúng bị tiêu diệt do xung đột nội bộ.” Theo lời thỉnh cầu của quyến thuộc, Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Vattaka.

 

“Thưa các vị vương gia…Cách đây đã lâu, dưới triều đại của vua Brahmadatta ở Bārāṇasi, Bồ-tát tái sanh làm con chim cút, sống chung với đồng loại số lượng hằng ngàn con trong một khu rừng.

 

Một người săn chim nọ thường đi đến chỗ của những con chim cút và dụ chúng bằng cách giả tiếng kêu của chúng. Khi chim cút ở thành đàn tại một chỗ nào đó thì người thợ săn tung lưới bên trên chúng. Rồi ông ta đi quanh viền lưới và đuổi những con chim cút vào giữa lưới. Những con chim cút bị bắt, bỏ vào giỏ và đem đi bán. Người thợ săn đã kiếm sống bằng nghề bắt chim cút và đem đi bán.

 

Một hôm, Bồ-tát nói với những con chim cút cùng đàn dưới sự trông coi của vị ấy:

“ Này các bạn cút thân mến, người thợ săn chim đã gây tổn thất trầm trọng cho đồng loại của chúng ta đã nhiều lần rồi. Bây giờ tôi đã nghĩ ra một kế để ngăn chăn nạn bị săn bắt bởi người thợ săn. Và đây là điều mà mỗi bạn trong chúng ta cần phải làm. Một khi chúng ta bị bắt dưới cái lưới của người thợ săn, mỗi bạn nên chun đầu ra chỗ những cái lỗ trong mắt lưới rồi đồng loạt nhấc cái lưới lên và bay đi. Tất cả các bạn nên đậu trên nhánh của những bụi cây ở chỗ an toàn, nơi cái lưới sẽ bị vướng vào những bụi cây ấy. Chúng ta có thể thoát ra ở bên dưới của cái lưới và bay đi.”

Tất cả những con chim cút trong đàn đều nghe theo lời khuyên của vị ấy và nói rằng: “ Hay lắm.” Vào ngày hôm sau, tất cả những con chim cút đã đồng loạt nhấc cái lưới lên khi chúng bị bắt trong lưới của người thợ săn, và bay đi. Chúng thả cái lưới trên một bụi cây rồi bay đi các hướng.

Người thợ săn chỉ có thể tháo xong cái lưới của ông ta ra khỏi bụi cây sau khi trời tối và đi về nhà với tay không. Ngày tiếp theo cũng vậy, những con chim cút đã thoát lưới bằng cách như thế. Người thợ săn đã phải mất một thời gian lâu mới lấy ra được cái lưới và lại đi về nhà tay không. Nó cứ tiếp tục như thế trong một thời gian. Vợ của người thợ săn bắt đầu cáu kỉnh với chồng và hỏi rằng: “ Ông về nhà trễ mà chẳng có gì ngày này qua ngày khác. Dường như ông bị một người đàn bà nào đó giữ lại có phải không.”

“Này bà nó… Tôi chẳng có ai để lưu luyến ngoài bà. Vấn đề là những con chim cút vẫn còn ở đó bay đi các nơi, nhưng chúng đã  đoàn kết với nhau như trước. Ngay khi tôi tung lưới trên người chúng thì chúng nhấc lưới lên và mang cả cái lưới đi, rồi thả nó trên những bụi cây có gai. Nhưng này bà nó, chúng không thể đoàn kết hoài. Bởi vậy, đừng nghi ngờ gì tôi mà sanh buồn phiền. Chắc chắn sẽ có lúc những con chim cút xích mích với nhau. Rồi tôi sẽ bắt tất cả chúng và đem về cho bà để bà vui.” Rồi người thợ săn đọc lên câu kệ sau đây để an ủi bà vợ:

Sammodamāgacchanti 

jālamādaya pakkhino 

yadā te vivadissanti 

tadā ehinti me vasaṃ.

“ Này bà vợ yêu quý của tôi, do sự đoàn kết hòa hợp và sự hợp tác, những con chim cút đã mang đi cái lưới mà tôi đã bủa lên chúng, thả lưới trên những bụi cây có gai và trốn thoát. Sẽ có lúc chúng bắt đầu xung đột lẫn nhau, lúc ấy chúng sẽ phải theo ước muốn của tôi. ”

Những con chim cút bị diệt vong do bất hòa

Vài ngày sau, một con chim cút tình cờ giẫm trên đầu của một con chim cút khác khi nó đi vào bãi cỏ. Con chim bị giẫm hỏi bằng giọng đe dọa và thái độ nóng giận: “ Ai giẫm lên đầu của ta thế?” Con chim kia từ tốn đáp lại: “Cho tôi xin lỗi, này bạn, tôi lỡ chân như vậy vì bất cẩn, xin đừng giận tôi.” Nhưng chim cút nóng giận kia không thể nguôi ngoai được. Kể từ ngày hôm ấy, hai bên bắt đầu tạo ra sự công kích thô bỉ lẫn nhau.

Khi chuyện hai con chim cút xung đột nhau được biết rõ, chúng thách nhau rằng ai có thể nhấc lên cái lưới của người thợ săn thì Bồ Tát tiên liệu kết quả như sau:

“ Ở đâu có những sự xung đột gay gắt, ở đó sẽ không có hòa bình và hạnh phúc. Giờ đây, những con chim cút sẽ không tham gia trong việc nhấc lên và mang cái lưới đi. Mạng sống của nhiều con chim cút sẽ bị lâm nguy, người thợ săn chắc chắn sẽ lợi dụng tình thế này. Thật không thích hợp để ta ở lại chỗ này nữa.”

Do đó chim cút chúa ra đi, dẫn theo tất cả những con chim cút gắn bó trong đàn của vị ấy, chỉ còn nhóm những chim cút do một con chim mà sau này là Devadatta lãnh đạo thì ở lại trong rừng.

Vài ngày sau, người thợ săn chim đi vào rừng đến tại chỗ ấy và giả tiếng kêu của con chim cút, và quăng lưới lên những con chim cút do Devadatta lãnh đạo. (Thay vì đoàn kết để nhấc lên cái lưới), những con chim cút bắt đầu tìm lỗi nhau, cải vả nhau và thách thức nhau rằng ai mạnh hơn và có khả năng nhấc lên cái lưới. Người thợ săn chim không mất nhiều thời gian để bắt và đem chúng về nhà làm quà cho vợ.

Để kết thúc thời pháp, Đức Phật dạy rằng: “ Thưa các vị vương gia, những sự xung đột giữa quyến thuộc với nhau chẳng phải lẽ chút nào, nó là nguyên nhân của sự diệt vong.” Và cuối cùng, Ngài nhận diện Bổn sanh: “ Devadatta là chim cút đầu đàn dốt nát và Như Lai chính là chim cút thông minh lãnh đạo nhóm kia lúc bấy giờ.”

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app