CHƯƠNG 20

SỰ CHỨNG ĐẮC KHÁC NHAU CỦA SÁU VỊ HOÀNG TỬ

 

Như đã giải thích ở trước, Đức Phật an cư mùa mưa thứ hai ở tịnh xá Veluvana, tại Rājagaha. Chính trong thời gian này, đại đức Bhaddiya trở thành vị Tevijja Arahat, thành tựu Tam minh – pubbenivāsa-ñāṇa, dibbacakkhu-ñāṇa, asavakkhaya-ñāṇa.

 

Đại đức Anuruddha chứng đắc tám thiền chứng (jhāna- sampatti) trong suốt mùa an cư đầu tiên sau khi xuất gia. Dựa vào các pháp chứng này, vị ấy phát triển Thiên nhãn thông, có khả năng trông thấy mười ngàn thế giới Sa-bà. Một hôm vị ấy đi đến đại đức Sāriputta và nói rằng:

 

(1)     “ Thưa tôn giả Sāriputta, trong giáo pháp này của Đức Phật, bằng thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā), tôi có thể trông thấy mười ngàn thế giới sa-bà;

(2)     Sự tinh tấn của tôi dũng mãnh và kiên định, không suy giảm. Chánh niệm của tôi trong sáng và tập trung, hoàn toàn thoát khỏi sự thất niệm; thân của tôi cũng được an tịnh, hoàn toàn thoát khỏi trạo hối; tâm của tôi tĩnh lặng, kiên định trên đề mục.

(3)     Tuy vậy, cho dù tâm của tôi không có ái dục và tà kiến (taṇhā và diṭṭhi) vẫn không thoát khỏi sự kềm kẹp của các lậu hoặc (nghĩa là vị ấy chưa chứng đắc đạo quả A-la-hán).”

Nhân đó, đại đức Sāriputta đáp lại rằng:

“ Này hiền giả Anuruddha, (1) Khi hiền giả phóng tâm theo ý nghĩ như đã được mô tả ở câu nói đầu tiên, đó là trường hợp ngã mạn (māna) đang sanh khởi trong dòng tâm của hiền giả, (2) Xét về câu nói thứ hai của hiền giả, đó là trường hợp phóng dật (uddhacca) đang sanh khởi trong dòng tâm của hiền giả. (3) Về câu nói thứ ba của hiền giả, nó có nghĩa rằng hiền giả đang bị tấn công bởi nỗi băn khoăn về những nghiệp phước và tội trong quá khứ, đó là trạng thái hối (kukkucca). Này hiền giả Anuruddha, tôi mong rằng hiền giả hãy đoạn trừ ba trạng thái này là mạn, phóng dật và hối, chỉ hướng tâm đến Niết bàn, trạng thái bất tử (amata-dhātu).

 

Rồi vị ấy thuyết giảng đến đại đức Anuruddha một bài pháp về pháp hành của thiền.

 

Sau khi hiểu được phương pháp hành thiền từ đại đức  Sāriputta, đại đức Anuruddha cáo từ Đức Phật và đi đến xứ Ceti và tại khu rừng trúc, nằm về hướng đông nơi Đức Phật đang ngụ, vị ấy bắt đầu hành thiền. Đại đức Anuruddha bắt đầu bằng pháp đi kinh hành suốt mười lăm ngày liên tục (không nằm). Sự căng thẳng mãnh liệt đến nỗi vị ấy trở nên mệt lả và đuối sức. Vị ấy không thể không ngồi xuống dưới rừng cây trúc nơi vị ấy tiếp tục pháp thiền, quán về tám tư duy của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) (xem 10. Anuruddha Mahāvitakka Sutta, 3. Gahapati vagga, Atthaka Nipāta, Anguttara Nikāya). Sau khi đạt được 7 trong số tám tư duy ấy, vị ấy bị kiệt sức vì sự căng thẳng ở giai đoạn thứ tám. Khi Đức Phật biết rõ sự kiệt sức của đại đức Anurddha, Ngài đích thân đi đến khu rừng trúc và giúp vị ấy hoàn thành giai đoạn thứ tám, bằng cách thuyết giảng bài kinh Mahāpurisa vitakka cùng với bài kinh về Bốn Ariyavaṃsa. Do biết trước rằng chính khu rừng trúc này sẽ cận y duyên (upanissaya paccaya) cho sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của đại đức Anuruddha, Đức Phật bèn khuyên dạy vị ấy rằng: “ Này Anuruddha, hãy tiếp tục công việc của con trong suốt mùa an cư kế tiếp tại nơi này.” Sau đó Đức Thế Tôn rời nơi đó bằng thần thông (iddhividha-abhiñña) và đồng thời đến khu rừng Bethakala, gần thị trấn Susumagira thuộc nước Bhagga. Khi đến đó, Đức Thế Tôn thuyết bài pháp về tám tư duy của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) đến các vị tỳ khưu đang trú ngụ trong khu rừng ấy.

Đại đức Anuruddha đã an cư hai mùa mưa tiếp theo tại khu rừng trúc theo đúng lời dạy của Đức Phật và tiếp tục hành thiền và đến đúng lúc, đại đức đã chứng đắc đạo quả A-la-hán.

 

Sự chứng đắc của đại đức Ānanda

 

Đại đức Ānanda nghe thời pháp của đại đức Punna, con trai của nữ bà la môn Mantani – thời pháp ấy nói về sự khởi sanh của “ngã kiến” dựa vào năm uẩn (khandha) bằng sự minh họa sự phản chiếu của khuôn mặt chính mình từ mặt kính hoặc mặt nước trong cái ly. Vị ấy cũng giảng dạy cho đại đức Ānanda về teparivatta dhamma liên quan đến ba đặc tính, vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anatta) của năm uẩn. Sau khi nghe xong hai thời pháp từ đại đức Punna và quán xét về chúng, đại đức Ānanda chứng đắc Dự lưu quả (sotāpatti-phala) và trở thành bậc thánh Tu-đà-hườn (Sam, 2, 86-87)

 

Sự chứng đắc của đại đức Bhagu và đại đức Kimbila

Sau khi tất cả các vị trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, như đã mô tả ở trên, hai vị đại đức Bhagu và Kimbila cũng thực hành thiền minh sát và đến đúng lúc, họ trở thành các bậc A-la-hán.

Sự chứng đắc của đại đức Devadatta

Đại đức Devadatta cũng chuyên tâm hành thiền nhưng vị ấy chỉ có thể chứng đắc các tầng thiền hợp thế với thần thông (iddhi) của kẻ phàm phu (puthujjānika-iddhi). (Vị ấy không phải là Thánh Tăng (ariya-bhikkhu) mà chỉ là phàm Tăng có thần thông).

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Ambalatthika Rahulovada

Đức Phật quả thực đã thuyết giảng đến sa-di Rahula một số bài kinh, đó là (1) Sāmanera panhā, (2) Rāhula Saṁyutta, (3) Abhinha Rāhulovāda Sutta, (4) Mahā Rāhulovāda Sutta, (5) Cūla Rāhulovāda Sutta và (6) Aṁbalatthika Rāhulovāda Sutta.

Giải rõ: Sau khi cho Rahula xuất gia sa-di, Đức Phật suy xét:

“ Những đứa trẻ thường hay nói chuyện mà không quan tâm đến tánh chất đáng tin cậy và sự đúng đắn trong lời nói của chúng; đúng vậy, Rāhula vẫn còn nhỏ, cần được giáo huấn.” Do đó, Ngài cho gọi Rahula đến và nói rằng: “ Này con Rahula, các vị sa-di nên tránh nói những điều đi ngược với Thánh Đạo và Thánh Quả. Này con Rahula, con nên nói những điều liên quan đến Đạo và Quả.”

Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng bài pháp về “Sāmanera panhā,” theo đúng truyền thống của chư Phật quá khứ. Bài pháp ở dưới dạng giáo lý vấn đáp, bao gồm các pháp đơn giản phù hợp với các vị sa-di, được sắp xếp theo thứ tự thuận tiến với những chi pháp từ 1 đến 10 (Khu, 1,3).

Lại nữa, Đức Thế Tôn suy xét: “Trẻ con ưa nói dối, chúng thường nói: ‘ Tôi đã thấy những điều như vậy’ (sự thật là chúng chưa thấy) và ‘Tôi chưa thấy những điểu ấy’ (nhưng sự thật chúng đã thấy). Do đó, Rāhula ắt phải được khuyên dạy không nên nói dối.” Khi nêu ra những ví dụ chứng minh chỉ cần nhìn bằng mắt đã hiểu được, như bốn ví dụ về các tô nước, hai ví dụ về tượng binh và một ví dụ về chiếc gương soi, Ngài đã thuyết giảng bài kinh Ambalatthika Rāhulovada (Ma, 2,77).

Rồi Đức Thế Tôn dạy Rahula bài kinh “ Abhinha Rāhulovāda” chỉ cách đoạn trừ luyến ái đối với bốn món vật dụng, cách đoạn trừ tham muốn đối với năm loại dục lạc và những lợi ích lớn lao do thân cận với bạn lành (Khu, 1, 328).

Hơn nữa, Đức Thế Tôn dạy Rāhula nhóm Pháp có nhan đề là ‘Rāhula Samyutta’ để giúp Rahula có thể loại trừ luyến ái đối với bất cứ thứ gì trong ba cõi (Sam, 1,439).

Sau đó, bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để khuyên dạy Rāhula không nên nuôi dưỡng những ý nghĩ tham ái về sắc đẹp nơi thân của chính mình (gehassita chandaraga – thế tục dục tham) khi nghĩ rằng: “ Ta có sắc thân rất đẹp, nước da của ta trong sáng” (Ma, 3,83).

Và bài kinh ‘Cūla Rāhulovāda’ được thuyết giảng ngay sau khi Rāhula thọ tỳ khưu giới trước khi hết thúc mùa an cư kiết hạ đầu tiên, để giúp Rāhula chứng đắc đạo quả A-la-hán (Ma, 3,424/ Sam, 2,324).

Cần chú ý rằng trong số những bài kinh này, thời gian và nơi chốn chính xác diễn ra sự thuyết giảng bài kinh Abhinha Rāhulovada không thể quả quyết chắc chắn được vì Đức Phật thuyết giảng bài  kinh ấy đến Rāhula nhiều lần, lập đi lập lại khi có cơ hội, bất chấp nơi chốn và thời gian.

Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết những thời pháp về bài kinh Rāhula Samyutta từ lúc sa-di Rahula được bảy tuổi cho đến khi vị ấy thọ cụ túc giới và bắt đầu mùa an cư đầu tiên.

Mahā Rāhula Sutta được giảng dạy khi sa-di (sāmanera) Rāhula lên 18 tuổi.

Cūḷa Rāhula Sutta được thuyết giảng khi vị ấy thọ cụ túc giới và bắt đầu mùa an cư đầu tiên Sāmanera panhā và bài kinh Ambalatthika Rāhulovada được thuyết giảng khi Rāhula là vị Sa-di bảy tuổi.

Trong tất cả những bài kinh này, bài kinh Abhinha Rāhulovāda được giảng dạy là một bài giáo huấn tâm niệm mà Rāhula phải thực hành theo trọn đời. Những bài pháp về Rāhula Saṁyutta được thuyết giảng để làm cho tâm của Rāhula thấm nhuần Tuệ minh sát (Vipassanā-ñāṇa). Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để loại bỏ gehassita chandaraga (thế tục dục tham). Cūḷa Rāhula được thuyết giảng ngay sau khi Rāhula thọ cụ túc giới, trước khi kết thúc mùa hạ đầu tiên, để giúp vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi đạt được sự thuần thục trong mười lăm yếu tố giải thoát (vimutttiparipācaniya). Sāmanera Panha được thuyết giảng để kiên tránh việc nói những lời không thích hợp (những vấn đề không đem lại lợi ích cho việc chứng đắc Đạo Quả). Bài kinh Ambalatthika sau đây được thuyết giảng để kiên tránh sự nói dối có cố ý (những đoạn trích dẫn từ Mattha, 3/8889).

Lúc bấy giờ Đức Phật đang trú ngụ ở tịnh xá Veluvana, ở Rājagaha mùa an cư thứ hai, và Rāhula (bấy giờ là vị sa-di) đang trú ngụ ở thiền thất Ambalatthika, sở dĩ được gọi như vậy vì nó được xây dựng gần một cây xoài, ở góc xa của tịnh xá Veluvana, và vị ấy đang sống ẩn dật (viveka).

(Như cái gai có điểm nhọn ở đầu gai từ khi bắt đầu sự phát triển, cũng vậy sa-di Rāhula thực hành thân viễn ly (kāya viveka) và tâm viễn ly (citta viveka) từ khi vị ấy còn là vị sa-di bảy tuổi mà không ai giáo huấn).

Lúc bấy giờ, vào một buổi chiều mát trời, Đức Phật, sau khi xuất khỏi thiền quả định (phala-samapatti), Ngài đi đến thiền thất Ambalatthika của sa-di Rāhula. Khi Rāhula trông thấy Đức Thế Tôn đi đến từ xa, vị ấy sắp xếp chỗ ngồi dành cho Đức Thế Tôn và đặt sẵn nước để rửa chân cho Ngài. Đức Phật ngồi vào chỗ đã soạn sẵn sau khi đã rửa chân (chỉ là sự chứng thọ việc phước của Rāhula, của một đệ tử làm đúng phận sự đối với thầy, vì bàn chân của Ngài không hề  bị dính bụi). Sa-di Rāhula ngồi ở nơi phải lẽ tránh khỏi sáu khuyết điểm, rồi cung kính đảnh lễ Đức Phật.

(1) Đức Phật chừa lại một ít nước trong cái chậu sau khi rửa chân, rồi hỏi: “Con trai Rāhula, con có thấy ít nước mà Như lai đã chừa lại trong cái chậu chăng?” “ Dạ thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn giáo huấn: “Cũng như lượng nước ít ỏi còn lại trong chậu, cũng vậy thiện pháp của Sa-môn cần được thọ  trì để đoạn tận phiền não, thiện pháp quả thật ít ỏi trong thân và tâm của những người cố ý nói dối mà không chút hỗ thẹn.” Đó là giáo huấn đầu tiên do Đức Thế Tôn ban ra.

(2) Rồi Đức Phật đổ bỏ lượng nước ấy và hỏi: “ Này con Rāhula, con có thấy Như Lai đã đổ bỏ hết lượng nước ấy chăng?” “ Dạ thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhla đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn ban lời giáo huấn thứ hai: “ Giống như việc Như lai bỏ đi lượng nước trong chậu, cũng vậy những người cố ý nói dối, không chút hỗ thẹn, họ đã vứt bỏ thiện pháp và thánh pháp của bậc Sa-môn là pháp đoạn tận phiền não.” Đó là lời giáo huấn thứ hai của Đức Thế Tôn.

(3)     Rồi Đức Phật úp cái chậu và hỏi Rāhula: “ Con có thấy Như Lai lật úp cái chậu không?” “Dạ con thấy, bạch Đức Thế Tôn.”

Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn giáo huấn: “ Này con Rāhula, cũng như cái chậu đã bị lật úp, dường thế ấy, những người cố ý nói dối mà không chút hỗ thẹn đã từ bỏ thiện pháp và thánh pháp của bậc Sa-môn, là pháp đoạn tận phiền não.” Đó là lời giáo huấn thứ ba của Đức Phật.

 

(4)     Rồi Đức Phật lại lật ngửa cái chậu lên (nhớ rằng lúc bấy giờ không có giọt nước nào trong chậu) và nói với Rāhula rằng: “ Này Rāhula, con có thấy chăng cái chậu này không còn một giọt nước nào cả và hoàn toàn không chủ định gì?” “ Dạ con có thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn ban lời giáo huấn thứ tư: “ Giống như chậu nước này, không còn giọt nước nào và hoàn toàn không chủ định, cũng vậy, trong những con người cố ý nói dối, tất cả đều vô hiệu, và không có một giọt nước thiện pháp và thánh pháp nào của bậc Sa-môn, là pháp đoạn tận phiền não.”

 

(5-6) Sau đó Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng bài pháp như sau: “Này con Rāhula, hãy xem một thí dụ trong thế gian về cách hành xử của con voi chiến của vua. Ở ngoài chiến trận, nó chiến đấu bằng hai chân trước cũng như hai chân sau (nó giết chết tất cả kẻ thù đến gần nó bằng cách dùng hai chân trước để giẫm nát hoặc dùng hai chân sau để đá, để hất tung). Nó chiến đấu bằng phần trước hoặc phần sau của thân. (Khi có cơ hội, nó phá tan những chiến lũy có mái bằng gỗ của kẻ thù với sức mạnh của thân trước hoặc thân sau của nó). Nó cũng chiến đấu bằng trán của nó (tức là chuẩn bị xông lên hoặc chạy ào về một hướng nào đó mà nó đã phán đoán và lấy tư thế còn lại để tập trung sức mạnh, và rồi phát ra cái nhìn rực lửa. Chính cái cảnh con voi chiến to lớn đang nhìn trừng trừng như vậy, đã làm cho hàng ngàn kẻ thù kinh sợ và bỏ chạy tán loạn). Nó cũng sử dụng hai cái tai của nó (nghĩa là nó gạt đỡ những cây tên của kẻ thù bằng hai tai làm cho những cây tên ấy rơi xuống đất). Nó cũng chiến đấu bằng cặp ngà của nó (nó dùng cặp ngà của nó húc vào những con voi, ngựa của kẻ thù, kể cả những quan binh cỡi voi, cỡi ngựa và bộ binh). Nó sử dụng cả cái đuôi (nó dùng đuôi quất ngã kẻ thù). Tuy nhiên nó vẫn bảo vệ cái vòi của nó bằng cách cuộn nó lại và đặt vào trong miệng).

“ Khi quán xét về những hành động chiến đấu này của con voi chiến, ý nghĩ khởi sanh trong tâm của người cỡi trên nó như sau: ‘ Con voi chiến này của đức vua, khi ở ngoài chiến trận, nó hoạt động bằng cả hai chân trước và hai chân sau, dùng cả sức của phần thân trước cũng như phần thân sau. Nó cũng sử dụng cái trán, đôi tai, cặp ngà và đuôi của nó. Tuy nhiên, nó bảo vệ cái vòi của nó bằng cách  đưa vòi vào trong miệng.’ Con voi chiến này không có ý định hy sinh tánh mạng của nó.”

“ Này con Rāhula, vào lúc khác, con voi chiến vĩ đại của đức vua ở ngoài chiến trường (như đã nói ở trên) hoạt động bằng hai chân trước cũng như hai chân sau của nó…Nó cũng chiến đấu bằng cái đuôi của nó. Cái vòi của nó cũng thế (đưa cao những cây lao bằng sắt hoặc bằng gỗ, rồi đánh tan những mục tiêu ở độ cao mười tám hắc tay). Khi trông thấy những hành vi của con voi chiến này, ý nghĩ sau đây khởi sanh trong tâm của người cỡi voi: ‘Con voi chiến vĩ đại của đức vua khi ở chiến trận, nó đã chiến đấu bằng hai chân trước cũng như hai chân sau …Nó đã hoạt động bằng cái đuôi của nó. Nó cũng hoạt động bằng cái vòi của nó. Con voi chiến của đức vua đã từ bỏ cả tánh mạng của nó. Xét thấy rằng không có điều gì mà con voi chiến dũng mãnh không làm.’ Này con Rahula, Như Lai nói với con rằng, cũng giống như vậy đối với người cố ý nói dối mà không hỗ thẹn không có việc  ác nào mà người ấy không dám làm.”

“Do đó, này Rahula, con nên khởi quyết tâm rằng: ‘ Ta sẽ không nói dối, dù để cho vui’ và hãy cố gắng thọ trì Tam học (sikkhā).”

Như vậy Đức Phật đã nhấn mạnh một cách sâu sắc tầm quan trọng của việc kiên tránh nói dối.

Đức Thế Tôn dạy tiếp: “ Này con Rāhula, con nghĩ thế nào về điều Như lai sắp hỏi con? (nghĩa là con có thể trả lời Như Lai tùy ý). Cái gương soi có những lợi ích nào?” Rāhula đáp lại: “ Người ta có thể có được lợi ích từ nó bằng cách làm cho da mặt của họ đẹp hơn, khi họ nhìn thấy những nốt ruồi và mụn phản chiếu ở trong gương.”

“ Cũng vậy, này Rāhula, những hành vi về thân, khẩu và ý nên được thực hiện sau khi đã suy xét đúng đắn bằng con mắt trí tuệ của người ấy.” Bằng lời nói mở đầu tóm tắt này, được dùng làm nội dung, Đức Thế Tôn thuyết giảng thời pháp nói chi tiết như thế nào người ta nên thực hành bằng thân, bằng lời nói và dụng tâm với sự cẩn trọng như thế nào và chỉ thực hiện sau khi suy xét kỹ lưỡng bằng cách sử dụng tuệ căn.

(Muốn biết đầy đủ chi tiết của bài kinh, hãy tìm đọc trong kinh tạng hay bản dịch của nó. Dưới đây chỉ là phần tóm lượt của bài kinh).

Khi khởi sanh ý định muốn làm một hành động về thân, ngữ hoặc ý, trước khi làm đầu tiên nên cân nhắc kỹ lưỡng như vầy: “ Hành động về thân, ngữ hoặc ý của tôi có hại cho tôi, cho người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những việc ác khiến gia tăng đau  khổ hay không?” Nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thấy rằng những hành động định làm có hại cho mình, cho người khác hoặc cho cả hai, hoặc sẽ trở thành những nghiệp ác khiến đau khổ gia tăng, thì ta nên cố gắng tránh, không tạo những nghiệp về thân, ngữ và ý như vậy. Nói cách khác, nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thấy rằng những hành động định làm này không hại cho ta, cho người khác hoặc cho cả hai, hoặc sẽ trở thành những thiện nghiệp làm gia tăng hạnh phúc (sukha) thì những hành động về thân, ngữ và ý như vậy cần nên làm.

Cũng vậy, khi đang tạo nghiệp thân, ngữ hoặc ý, ta nên suy xét kỹ lưỡng như vầy: “Điều mà ta đang làm, đang nói, đang nghĩ có hại cho ta, người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những nghiệp ác làm gia tăng đau khổ hay không?” Nếu, sau khi cân nhắc  kỹ, thấy đúng như vậy, thì với tâm ghê tởm điều ác ta nên ngừng lại, không làm (không tiếp tục thêm nữa). Nói cách khác, nếu sau khi suy xét kỹ lưỡng thấy rằng chúng không hại cho mình, cho người khác hoặc cho cả hai, đấy là những việc phước làm gia tăng hạnh phúc, thì ta nên cố gắng thực hành, đeo đuổi, thực hiện nhiều lần.

Khi một hành động về thân, về lời nói hoặc về ý nghĩ đã được làm xong, ta nên suy kỹ (theo cách trên) như vầy: “ Hành động về thân, ngữ và ý đã được thực hiện rồi ấy có hại cho ta, cho người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những ác nghiệp làm gia tăng đau khổ hay không?” Nếu đúng như vậy, ta phải sám hối bằng cách khai rõ, không giấu giếm chút ít về những tội mà ta đã làm, sám hối trước Đức Phật hoặc một bậc trí tuệ hay một vị Sa-môn có trí. Rồi tự mình phải thu thúc không để tái phạm những tội như vậy nữa.

Nếu đã vi phạm những tội thuộc về ý nghĩ, ta nên khởi tâm yểm ly những ý nghĩ bất thiện như vậy, nên có tâm hổ thẹn và ghê tởm chúng. Ta cũng nên thúc liễm tâm ý và nguyện rằng sẽ không tái phạm những ác nghiệp như vậy nữa.

Nếu sau khi hồi tưởng và suy xét kỹ lưỡng như vậy, ta thấy rằng những hành động về thân, ngữ hoặc ý của ta không làm hại chính mình hoặc người khác hoặc cả hai; ngược lại chúng làm gia tăng hạnh phúc và lợi ích, thì cả đêm lẫn ngày ta nên trú trong hoan hỉ và thỏa mãn kết hợp với những việc phước ấy và ta phải cố gắng hơn nữa trong việc thọ trì ba điều học (sikkhā).

Tất cả chư Phật, chư Bích chi Phật (Paccekabuddha) và chư Thinh văn đệ tử Phật (Ariya Savaka) trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã sống, đang sống và sẽ sống theo cách này, hồi tưởng và suy xét kỹ những hành vi về thân, ngữ và ý của họ và đã thanh lọc, đang thanh lọc và sẽ thanh lọc tất cả những nghiệp thân, ngữ và ý của họ.

Đức Phật kết luận bài kinh này bằng những lời khuyến tấn: “ Này con Rāhula, con hãy ghi nhớ trong tâm là luôn làm thanh tịnh thân hành, khẩu hành và ý hành bằng cách hồi tưởng và suy xét chúng, và tu tập ba điều học.”

(Ở đây có một câu hỏi cần nêu ra là khi nào và ở đâu những hành động về thân, ngữ và ý như vậy có thể xảy ra và bằng cách nào để thanh lọc chúng).

Đây là câu trả lời: Bất cứ lúc nào. Những hành động về thân và lời nói đã thực hiện vào buổi sáng, nên được tẩy sạch và làm cho thanh tịnh ngay sau bữa ăn, khi ngồi xuống ở chính chỗ mà người ấy trải qua thời gian của ngày.

Giải rõ: Vị tỳ khưu cần xem lại hành động phạm tội về thân và lời nói mà vị ấy đã xúc phạm một người nào đó từ sáng sớm đến lúc vị ấy đến nơi mà vị ấy đang ngồi để trải qua thời gian còn lại của ngày. Nếu vị ấy nhớ lại rằng mình đã làm một tội nào đó chống lại một người nào đó, bằng hành động nơi thân hoặc lời nói, vị tỳ khưu ấy nên thú tội với một vị tỳ khưu đồng phạm hạnh, bằng cách nói rõ tội của mình ra. Trong trường hợp vị tỳ khưu ấy không phạm những tội như vậy, vị ấy sẽ thực sự cảm thấy hoan hỉ và thỏa mãn và trú trong trạng thái an lạc.

Về những hoạt động về tâm ý, vị ấy nên tìm cách thanh lọc chúng trong khi đang đi khất thực, bằng cách hồi tưởng như vầy: Trong khi đang đi khất thực ngày hôm nay, do bởi cảnh sắc, v.v… có loại tham, sân hoặc si nào đã khởi sanh trong ta chăng? Nếu vị ấy thấy rằng rằng một ý nghĩ nào đó như vậy đã khởi sanh trong tâm thì vị ấy nên nguyện rằng: “ Ta sẽ không cho phép những ý nghĩ tham, sân hoặc si như vậy khởi sanh trở lại.” Nếu không có những ý nghĩ bất thiện đã khởi sanh trong tâm của vị ấy (vị ấy nên cảm thấy hoan hỉ và hài lòng cho chính mình) và vị ấy nên tiếp tục trú trong trạng thái thanh tịnh của tâm.

Kết thúc bài pháp về bài kinh Ambalatthka Rahulovada

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app