Nội Dung Chính
- Ba thắng thời thuyết pháp của Đức Phật (Dhammābhisamaya)
- Kỳ Đại hội Thánh Tăng duy nhất (Sāvaka sannipāta)
- Hai loại Pāṭimokkha
- Vua Suddhodana sai các quan đi thỉnh Đức Phật về kinh đô
- Kāludāyi, người bạn sanh cùng ngày với Thái tử Siddhattha
- Kāludāyi đọc lên 60 câu kệ để thỉnh Đức Phật về thăm kinh đô Kapilavatthu
Ba thắng thời thuyết pháp của Đức Phật (Dhammābhisamaya)
Như đã mô tả ở trước (trong cuốn I), trong Chương nói về hai mươi bốn vị Phật, chư Phật quá khứ có ba thắng thời thuyết pháp. Ba thắng thời này cũng diễn ra trong thời Đức Phật Gotama, đó là:
- Như đã trình bày ở trước, Đức Phật, sau khi thành đạo, lần đầu tiên đã thuyết giảng bài kinh Dhammacakka-pavattana ở tại rừng Nai, nơi đại đức Koṇḍañña cùng với 180 triệu vị Phạm thiên được an trú trong sotapatti-phala.
(Đây là Thắng thời – Dhammābhisamaya thứ nhất, lúc ấy Tứ diệu đế được thuyết giảng lần đầu tiên đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên) .
- Vào ngày đại kiết tường, Đức Phật thuyết giảng bài kinh Maṅgala giữa hội chúng nhân loại và chư thiên từ khắp mười ngàn thế giới; vô số nhân loại và chư thiên tỏ ngộ Tứ diệu đế và chứng đắc giải thoát.
(Đây là Thắng thời – Dhammābhisamaya thứ hai, Tứ diệu đế được thuyết giảng đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).
- Lần nữa, khi Đức Phật thuyết bài kinh Cūla Rāhulovāda (Majjh-3, 324 và Sam-2, 324) đến đại đức Rāhula, hằng ngàn chư thiên cùng với đại đức Rāhula được tỏ ngộ Tứ Diệu Đế và chứng đắc giải thoát.
(Đây là Thắng thời – Dhammābhisamaya thứ ba Tứ diệu đế được thuyết giảng đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).
Kỳ Đại hội Thánh Tăng duy nhất (Sāvaka sannipāta)
Như đã giải thích ở trên, Đức Phật Gotama của chúng ta, bậc Chánh đẳng Chánh giác, chỉ có một lần chủ trì Đại hội Thánh Tăng, một đại hội có bốn đặc điểm.
Chính trong dịp ấy, Đức Phật đã ban lời giáo huấn liên quan đến phận sự của vị tỳ khưu, Ovāda Pāṭimokkha.
Hai loại Pāṭimokkha
Những lời giáo huấn tóm tắt và bộ luật do Đức Phật ban ra được gọi là Pāṭimokkha (Giới bổn). Vì chúng giúp những vị tỳ khưu thọ trì và thực hành theo chúng khỏi bị đọa vào các khổ cảnh, Pāṭimokkha có hai loại: (a) Ovāda pāṭimokkha, (b) Ānā pāṭimokkha.
Trong hai loại pāṭimokkha để giáo giới này, Ovāda pāṭimokkha, đặc biệt do chư Phật Chánh biến tri thuyết giảng. Ovāda pāṭimokkha gồm có ba câu kệ bắt đầu bằng: “ Khanti Paramaṃ tapo titikkhā.” Mỗi vị Phật đều ban lời giáo huấn chỉ trong ba câu kệ ấy; không có sự sai khác. Tuy nhiên, nói về các trường hợp và những lần ban lời giáo huấn thì có những khác biệt như sau:
Đức Phật Vipassī dạy Ovāda Pātimokkha bảy năm một lần. Đức Phật Sikhī và Đức Phật Vessabhū dạy Ovāda Pāṭimokkha sáu năm một lần. Đức Phật Kakusandha và Đức Phật Konāgamana dạy Ovāda Pāṭimokkha hằng năm; còn Đức Phật Kassapa ban lời giáo huấn sáu tháng một lần vì những lời giáo huấn của Ngài kéo dài trong sáu tháng.
Liên quan đến Ovāda Pāṭimokkha, chúng tôi sẽ mô tả những gì được nói đến trong phần giới thiệu chương nói về Verañja ở cuốn I của bộ Chú giải về Vinaya.
Tất cả chư Phật quá khứ chỉ thuyết giảng Ovāda Pāṭimokkha. (Nhưng Ovāda Pāṭimokkha lúc bấy giờ không được dạy một lần trong mỗi nửa tháng) Nói rõ hơn là, Đức Phật Vipassī dạy Ovāda Pāṭimokkha sáu năm một lần và Ngài đích thân tụng lấy. Các vị tỳ khưu đệ tử không tụng pāṭimokkha trong khu vực tịnh xá của họ. Tất cả các vị tỳ khưu trong toàn thể xứ Jambudīpa đều tụ hội để làm lễ Uposatha trong khu vực của tịnh xá, nơi Đức Phật Vipassī đích thân tụng pāṭimokkha. Tịnh xá ấy nằm trong khu vườn Khema, gần nước Bandhumati.
Trong suốt những năm của Đức Phật Vipassī, từng có tám mươi bốn ngàn tịnh xá và trong mỗi tịnh xá có từ mười ngàn đến hai chục ngàn vị tỳ khưu trú ngụ, các ngài sống cuộc đời trong sạch bằng cách tránh xa những nhân vật dị tánh (visabhāga puggala); các ngài cũng thọ trì nhiều pháp đầu đà. Chư thiên làm nhiệm vụ thông báo những ngày Uposatha thường đi quanh các tịnh xá mỗi năm một lần để nói với các vị tỳ khưu rằng: “ Thưa chư đại đức, những bậc có đời sống thanh tịnh, một năm đã qua, hai năm, ba năm, bốn năm, năm năm đã qua. Đây là năm thứ sáu và ngày rằm sắp tới sẽ là ngày mà các vị nên đi đến Đức Phật để đảnh lễ Ngài và làm lễ Uposatha. Đã đến lúc tất cả các ngài quy hội về nơi Đức Phật hiện diện.”
Các vị tỳ khưu có thần thông, bay đến tịnh xá trong vùng đất thiêng nơi Đức Phật Vipassī đang trú ngụ. Những vị tỳ khưu không có thần thông sống ở những tịnh xá gần các bờ biển Đông, Tây, Nam và Bắc; trước khi đi đến đại hội, họ làm các phận sự xếp dọn giường chiếu và chỗ ngụ ngăn nắp, sạch sẽ. Rồi họ đắp y, mang bát và nguyện rằng: “ Xin cho chúng tôi rời khỏi chỗ này,” và tức thì họ thấy mình đang ngồi dưới chân Đức Phật Vipassī trong sảnh đường làm lễ phát lồ, rồi họ đảnh lễ Ngài.
Khi các vị tỳ khưu đã tụ hội đầy đủ thì Đức Phật Vipassī tụng Ovāda Pāṭimokkha như sau:
(1) Khantī paramaṁ tapo titikkhā
Nibbānaṁ paramaṁ vadanti
Buddhā Na hi pabbajito parūpaghāti
Na Samano hoti paraṁ viheṭṭhayanto.
Nhẫn nại (Kantī) là pháp thiêu đốt tối thắng nhất. Chư Phật hằng dạy rằng: “Niết bàn thoát khỏi ái dục, là Pháp tối thượng.” Người gây thương tích, giết hại chúng sanh khác thì không phải bậc xuất gia. Kẻ làm hại chúng sanh khác thì không phải là vị tỳ khưu cao quý đã diệt tắt tất cả phiền não.
(2) Sabbapāpassa akāranaṁ
Kusalassa Upasampadā
Sacitta pariyodapanaṁ
Etaṁ Buddhāna Sāsanaṁ.
Không làm tất cả điều ác, trau dồi tất cả việc thiện, thanh lọc tâm bằng cách loại bỏ năm triền cái. Đây là giáo huấn mà mỗi vị Phật đều giảng dạy. (Người nên cố gắng tránh những điều ác bằng cách thọ trì giới, nên làm các việc thiện bằng pháp thiền Chỉ và Quán thuộc lãnh vực hợp thế lẫn siêu thế, và thanh lọc tâm cho được thanh tịnh hoàn toàn qua sự chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala). Đây là lời giáo huấn của tất cả chư Phật đã được diễn giải).
(3) Anūpavādo anūpaghāto
pāṭimokkhe ca saṅvaro
mattaññutā ca bhattasmiṅ
pantañca sayanasanaṁ
adhicitte ca āyogo
etaṁ Buddhāna sāsanaṁ.
Không chỉ trích kẻ khác hoặc bảo kẻ khác chỉ trích (nghĩa là thu thúc về khẩu nghiệp); không làm hại kẻ khác hoặc bảo người ta làm hại kẻ khác (nghĩa là thu thúc về thân nghiệp); thọ trì các học giới và phòng hộ không để giới bị lấm nhơ (nghĩa là sự thọ trì Biệt biệt giải thoát giới – Pāṭimokkhasaṅvara-sīla, và Lục căn thu thúc giới – Indriyasaṅvara-sīla).
Biết độ lượng trong vật thực (liên quan đến Chánh mạng thanh tịnh giới – Ājīvaparisuddhi-sīla và Tư cụ y chỉ giới – Paccayasannissita-sīla), trú ngụ ở những nơi vắng vẻ (sappāya senāsana), thường xuyên cố gắng tu tập tám pháp chứng (samāpatti) để làm nền tảng cho Tuệ quán (Vipassanā-ñāṇa). Toàn bộ sáu pháp (dhamma) này tạo thành giáo huấn của tất cả chư Phật.
(Câu kệ này mô tả tóm tắt về ba học pháp, đó là Tăng thượng giới – adhi sīla, Tăng thượng tâm – adhi citta và Tăng thượng tuệ – adhi paññā).
Đức Phật Sikhī và tất cả các vị Phật khác đều giảng dạy và tụng đọc Ovāda Pāṭimokkha, không có sự khác biệt nào khác. Như đã giải rõ ở trên, bộ Chú giải Pháp cú chỉ nêu ra những khác biệt về yếu tố thời gian.
Chỉ ba câu kệ này hình thành Ovāda Pāṭimokkha và được tất cả Chư Phật tụng đọc. Chư Phật có thọ mạng lâu dài thường tụng đọc Ovāda Pāṭimokkha trong suốt cuộc đời. Chư Phật có thọ mạng ngắn hơn thường tụng ở thời kỳ đầu trong cuộc đời của các Ngài (Paṭṭhama Bodhi), từ lúc các Ngài bắt đầu ban hành các học giới thì các Ngài ngưng không tụng Ovāda Pāṭimokkha nữa. Chỉ những đệ tử của các Ngài mới tụng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa – Ānā Pāṭimokkha, mỗi nửa tháng một lần. (Chư Phật không bao giờ tụng Ānā Pāṭimokkha).
Do đó, Đức Phật Gotama của chúng ta, bậc Chánh đẳng Chánh giác, dạy Ovāda Pāṭimokkha chỉ trong thời gian hai mươi năm đầu sau khi Ngài thành Phật, thời kỳ ấy được gọi là Sơ giác thời – Paṭhama Bodhi. (Chú giải Vinaya, cuốn 1)
Vua Suddhodana sai các quan đi thỉnh Đức Phật về kinh đô
Vào hạ tuần trăng của tháng Phussa, năm thứ 103 của lịch Mahā Era, Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Veḷuvana tại Rājagaha, thuyết pháp Bất tử đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đang cu hội ở quanh Ngài. Ngài đã tiếp độ cho nhiều chúng sanh: một số được an trú trong Tam quy, số khác chứng đắc các tầng Thánh, trong khi đó nhiều người ở hai nước Aṅga và Magadha thì được xuất gia trở thành Sa- môn và thành tựu các Đạo Quả. Trong khi lễ hội Giải thoát vĩ đại đang diễn ra mỗi ngày, vua Suddhodana nghe tin con trai của vị ấy đã chứng đắc Phật quả sau sáu năm khổ hạnh, thuyết bài pháp đầu tiên là kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka) và hiện Ngài đang trú ngụ ở tịnh xá Veḷuvana, thuộc kinh đô Rājagaha, Ngài rực rỡ sáng chói như trăng rằm xuất hiện giữa các vì sao.
Sau khi nghe được những tin này, vua Suddhodana cho gọi một vị quan đến và nói với ông ta rằng: “Này khanh ! Hãy dẫn theo một ngàn tùy tùng đến Rājagaha và nói với con trai của ta, bậc Chánh đẳng giác, bằng những lời như vầy: ‘Bạch Đức Thế Tôn, phụ vương Suddhodana của Ngài muốn đảnh lễ Ngài,’ sau đó hãy thỉnh Đức Phật về đây.”
“Thưa vâng, tâu bệ hạ,” vị quan đáp lại rồi ra đi không chậm trễ, dẫn theo một ngàn tùy tùng và bức thông điệp của đức vua, trải qua quãng đường dài sáu mươi do tuần từ Kapilavatthu đến Rājagaha. Vị ấy đến tại tịnh xá Veḷuvana trong khi Đức Phật đang thuyết pháp giữa hội chúng.
Vị quan tự nghĩ: “Ta nên nghe pháp trước khi chuyển giao bức thông điệp của đức vua.” Khi đứng và thính pháp từ xa, ở cuối hội chúng, vị quan cùng với một ngàn tùy tùng được chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay tại đó. Do vậy, họ đến trước Đức Phật, và thỉnh cầu : “Bạch Đức Thế Tôn, xin cho phép chúng con được xuất gia trước mặt Ngài.” Nhân đó Đức Phật đưa cánh tay của Ngài ra và nói rằng: ‘Etha bhikkhu’, v.v… Ngay khi Đức Phật vừa gọi ‘Etha bhikkhu’ thì vị quan kia cùng với một ngàn tùy tùng đều trở thành những vị tỳ khưu cụ túc, như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ, có đầy đủ tám món vật dụng do thần thông tạo ra, mỗi thứ ở đúng vị trí của nó, và những vị tỳ khưu ấy đang ở tư thế đảnh lễ Đức Phật. Tướng mạo thế tục của vị quan và các tùy tùng đã biến mất vì họ đã trở thành những vị tỳ khưu.
(Chú thích: Từ lúc chứng đắc đạo quả A-la-hán, các bậc thánh nhân thường không quan tâm đến các vấn đề thế tục, vì thế, vị quan này đã không chuyển lời nhắn của đức vua đến Đức Phật khi sống thọ hưởng hạnh phúc của đạo arahatta-phala).
Nhận thấy vị quan được phái đi đã không trở về đúng thời và không có tin gì được nhắn lại, đức vua nóng lòng muốn biết lý do về sự im lặng của họ. Thế nên, đức vua lại sai một vị quan khác ra đi với sứ mạng như trước. Vị quan này cũng vậy, sau khi đến Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvana) ở Rājagaha cùng với một ngàn tùy tùng, đã chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi nghe thời pháp do Đức Tathāgata thuyết giảng, và trở thành những vị thiện lai tỳ khưu (ehi-bhikkhu). Họ không chuyển lời nhắn của đức vua đến Đức Phật, cũng không nhắn về hoàng cung để đức vua hay tin. Họ ở lại đó thọ hưởng hạnh phúc của đạo quả A-la-hán.
Vua Suddhodana đã phái đi chín vị quan, mỗi vị có một ngàn tùy tùng đi theo. Tất cả chín vị quan ấy và những tùy tùng của họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng diệu pháp và tất cả họ đều trở thành những vị ehi-bhikkhu. Tất cả những vị tỳ khưu ấy đã ở lại với Đức Phật, thọ hưởng an lạc của đạo quả A-la- hán, mà không chuyển bức thông điệp của đức vua đến Đức Phật, cũng không nhắn tin về hoàng cung để đức vua hay tin. Họ ở lại đó thọ hưởng hạnh phúc của đạo quả A-la-hán.
Kāludāyi, người bạn sanh cùng ngày với Thái tử Siddhattha
Khi vua Suddhodana nhận ra chẳng có vị quan và tùy tùng nào của họ trở về để báo tin, đức vua bèn suy nghĩ: “Quá nhiều, đến chín vị quan và chín ngàn tùy tùng không trở về bẩm báo với ta về điều gì vì họ không quan tâm và gắn bó tình cảm với ta một chút nào cả.” Vị ấy tự hỏi: “Ai sẽ thực hiện mệnh lệnh của ta một cách mau lẹ và không chậm trễ.” Tâm vị ấy bắt đầu xem xét một cách kỹ lưỡng, cuối cùng vị ấy thấy vị quan Kāludāyi – một vị quan giữ trọng trách sắp xếp mọi công việc triều chính, là người rất gần gũi với hoàng gia, một người đang tin cậy, một người bạn sinh cùng ngày và cũng là bạn thời thơ ấu của Thái tử Siddhattha.
Do đó, vua Suddhodana bảo với Kāludāyi rằng: “Này Kāludāyi, ta rất muốn tỏ sự tôn kính đến người con trai thân yêu của ta, Đức Tathāgata, nên đã phái đi chín vị quan, mỗi vị có một ngàn tùy tùng đi theo, nhưng chẳng có một người nào trong bọn họ đem tin về cho ta. Không ai có thể chắc chắn những nguy hiểm gì xảy đến cho cuộc sống của mình. Ta muốn được gặp và làm lễ đứa con trai của ta khi ta vẫn còn sống. Này con thân Kāludāyi, con có thể nào cố gắng hết mình nhận lãnh trọng trách này để ta có thể gặp được con trai của ta chăng?” Kāludāyi đáp lại: “Tâu bệ hạ, điều ấy có thể được nếu thần được bệ hạ cho phép xuất gia Sa-môn.”
Đức vua nói rằng: “Này con thân Kāludāyi, dù con xuất gia hay không, hãy cố gắng hết sức để làm tròn sứ mạng ta giao phó để ta có thể gặp được con trai của ta” “Thưa vâng.” Kāludāyi nhận nhiệm vụ rồi lên đường cùng với một ngàn tùy tùng, mang theo bức thông điệp của đức vua đi đến Đức Tathāgata. Khi Kāludāyi cùng tùy tùng đến tại tịnh xá Veḷuvana thì Đức Phật đang thuyết pháp. Họ đứng ở cuối hội chúng và lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, kết quả là Kāludāyi cùng với một ngàn tùy tùng của vị ấy được chứng đắc đạo quả A-la-hán và trở thành những vị ehi-bhikkhu.
Kāludāyi đọc lên 60 câu kệ để thỉnh Đức Phật về thăm kinh đô Kapilavatthu
(Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại Isipatana, Migadāya. Cuối mùa an cư, Ngài làm lễ Tự tứ – Pavāranā rồi lên đường đi đến khu rừng trúc Veḷuvana nơi Ngài đã ngụ suốt ba tháng và thuyết pháp tế độ cho ba huynh đệ đạo sĩ cùng với một ngàn đệ tử của họ, cho đến khi tất cả họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. Sau đó, cùng với một ngàn vị A-la-hán này, Đức Phật lên đường đi đến Vương xá thành (Rājagaha) và đến đó vào ngày rằm tháng Phussa, rồi ngụ ở đó trong hai tháng. Đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho trên mười ngàn thiện nam tử đến từ hai nước Aṅga và Magadha, khiến tất cả họ đều trở thành những bậc A-la-hán và xuất gia tỳ khưu. Như vậy, năm tháng đã trôi qua từ khi Đức Phật rời khỏi xứ Bāraṇāsi. Những tháng mùa đông đã trôi qua và lúc bấy giờ trời đã vào tiết Xuân, đúng ngày rằm tháng Phagguna. Và cũng được một tuần lễ sau khi trưởng lão Kaludayi đến yết kiến Đức Phật).
Vào ngày rằm hôm ấy, Trưởng lão Kaludayi tự nghĩ rằng: “Mùa lạnh đã qua, mùa xuân đến, nhà nông đã thu hoạch xong các vụ mùa và họ đã khai mở và trùng tu những nẽo đường đi đến các nơi. Mặt đất xanh tươi màu cỏ non, cây đâm chồi nảy lộc với muôn vàng kỳ hoa dị thảo đua nhau khoe sắc. Thời tiết không quá lạnh cũng không quá nóng, là thời điểm thích hợp để đi đây đó, nên đáng để Đức Phật về thăm lại xứ Kapilavatthu và ban phúc lạc cho những quyến thuộc của Ngài.” Sau khi đã suy nghĩ như vậy, Trưởng lão Kapilavatthu đi đến Đức Phật và nói lên sáu mươi câu kệ để thỉnh Ngài về thăm kinh đô Kapilavatthu.
(1) Angārino dāni dunā bhadante
phalesino chadānam vippahāya
ta acchimantova pabhāsayanti
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, mùa đông đã qua và mùa xuân đã đến. Lá vàng trên cây đã rụng và chuẩn bị ra trái. Tất cả cây cối đều đâm chồi non và ra những nụ hoa đỏ rực. Do tiết trời thay đổi, tất cả cây cối đều khoe sắc thắm tươi.
Bạch Đức Thế Tôn có thân sắc sáng chói rực rỡ, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm Kaplavatthu, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.
(2) Dumā vicittā dāni dumā bhadante
rattañkureheva ca pallavehi
ratanujjalamaṇḍapasannibhāsā
samayo Mahavīra aṅgīrasānaṁ
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, tất cả cây cối đang ra những chồi non màu san hô đỏ và lá mềm màu xanh lục bảo, xinh đẹp diệu kỳ và khả ái giống như những lâu đài chiếu sáng lấp lánh những loại ngọc và bảo trân.
Bạch Đức Thế Tôn có thân sắc sáng chói rực rỡ, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kalipavatthu, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.
(3) Supupphitaggā kusumehi bhūsita
manuññabhuta sucisādhu gandhā
rukkhu virocanti ubhosu passesu
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ.
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, ở hai bên đường cây cỏ san sát rậm rạp, hoa nở đầy tới ngọn, cảnh vật thật vui tươi khả ái, không khí, trong lành, thoang thoảng hương thơm, mọi thứ trông thật xinh đẹp lạ thường.
Bạch Đức Thế Tôn có thân sắc sáng chói rực rỡ, đây là dịp để về thăm xứ Kalipavatthu, nơi mà Ngài đã sanh ra.
(4) Phalehi nekehi samiddhibhūtā
vicittarukkhaa ubhatovakāse.
khuddaṁ pipāsampi vinodayanti
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, ở hai bên đường, tất cả cây cối đều ra đủ loại quả, khách bộ hành, cả chư tỳ khưu lẫn cư sĩ đều được thoải mái về đồ ăn và thức uống.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói rực rỡ, đây là dịp để về thăm xứ Kapilavatthu, nơi Ngài đã sanh ra.
(5) Vicittamāla sucipallavehi
susajjitā morakalāpasannibha
rukkhā virocanti Ubhosu passesu
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ.
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, xét thấy rằng ở mỗi bên đường, các bụi cây và dị thảo được tô thắm bởi những cành non mơn mởn với lá mềm óng ánh không dính bụi đất, trông như những chùm lông đuôi của con chim công, cảnh vật càng tươi đẹp hơn.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói rực rỡ, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kapilavatthu, quê hương của Ngài.
(6) Virocamānā phalapallevehi
susajjitavāsanivāsabhuta
tosenti addhānakilanasatte
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṃ.
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, cây cối trong mùa xuân này đầy trái non và lá xanh tươi, mọi thứ không chỉ làm đẹp mắt người xem mà giống như những ngôi nhà nghỉ và những chỗ đón khách. Chúng làm cho các vị tỳ khưu và những người cư sĩ đi đường được dễ chịu và khỏe khoắn.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói rực rỡ, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kapilavatthu, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.
(7) Suphullitaggā vanaguṁ banissitā
latā anekā suvirajamāna
tosenti satte manimandhapāva
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, nhiều loại cây leo nở đầy hoa đan chéo trên những bụi cây tạo ra một cảnh quang thật tươi đẹp. Mang hình thù những lâu đài tráng lệ với nhiều loại châu ngọc, chúng làm đẹp lòng khách vãng lai, chư tỳ khưu cũng như hàng cư sĩ.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói rực rỡ, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kalipavatthu, quê hương thời thơ ấu của Ngài.
(8) Latā anekā dumanissattāva
piyehi saddhiṁ sahitā vadhuva
palobhayantī hi sugandhagandhā
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṃ.
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, giống như những đứa con gái và những nàng dâu đài cát gia phong đang ôm lấy những người chồng của họ, cũng vậy nhiều loại cây leo xinh đẹp đang quấn các bụi cây và những cây cổ thụ, tỏa ra những mùi hương thơm ngát tạo ra sự dễ chịu cho các vị tỳ khưu và hàng cư sĩ.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói, đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kalipavatthu, quê hương thời thơ ấu của Ngài.
(9) Vicittanīladimamiñña vaṇṇa
Dija sarnantā abhikūjamānā,
tosenti mañjussaratāratīhi
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṁ.
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, từ khắp mọi hướng nhiều loại chim lạ xinh đẹp với bộ lông màu xanh sẩm óng ánh, đang múa hát líu lo với giọng du dương, từng cặp từng cặp đang vui nhộn với nhau, đem lại nhiều hân hoan cho các vị tỳ khưu và hàng cư sĩ đang đi xa.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói. Đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kapilavatthu, quê hương thời ấu thơ của Ngài.
(10) Miga ca nānā suvirājamān
uttuṅgakaṇṇa ca manuññanetta
disa samantā mabhidhavayanti
samayo Mahāvīra aṅgīrasānaṃ
Bạch Đức Thế Tôn, Đấng Đại Hùng, người ta có thể trông thấy nhiều loại thú đang chạy nhảy và tụ lại thành từng đàn hoặc từng cặp với đôi tai vênh lên và đôi mắt mở rộng duyên dáng.
Bạch Đức Thế Tôn có sắc thân sáng chói. Đây là dịp để Đức Thế Tôn về thăm xứ Kapilavatthu, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.