Nội Dung Chính
- Tích Đức-vua Bồ-Tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama
- Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 con nhỏ xin đi theo Đức-vua Bồ-tát Vessantara
- Đức-vua Bồ-tát rời khỏi đất nước Sivi
- Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự đến núi Vaṅka
- Xuất gia trở thành đạo-sĩ
- Bà-La-Môn Jūjaka
- Nữ đạo-sĩ Maddī thấy ác mộng
- Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara thực-hành pháp-hạnh đại-thí con yêu quý
- Ông bà-la-môn Jūjaka tâu xin hoàng-tử và công-chúa
- Pháp-Hạnh Đại-Thí Con Yêu Quý
- Ông bà-la-môn Jūjaka độc ác
- Nữ đạo-sĩ Maddī đi trở về
- Đức-Vua-trời Sakka hỗ trợ
- Hoàng-tử Jāli, Công-chúa Kaṇhājinā
- Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nằm mộng
- Hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā được tự do
- Ông bà-la-môn Jūjaka chết
- Lễ đón rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara
- Trận mưa phép
- Hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara
- Trận mưa thất báu
- Nhận xét về Đức-vua Bồ-tát Vessantara
Tích Đức-vua Bồ-Tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama
Đến kiếp gần áp chót là Đức-vua Bồ-Tát Vessantara tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama ngự tại kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi, được tóm lược các điểm chính.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara[1] suy xét về 10 pháp-hạnh ba-la-mật, mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng:
1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có 3 bậc: bậc trung và bậc thượng đã đầy đủ, chỉ còn bậc hạ có 5 pháp đại-thí chưa đầy đủ.
2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
3- Pháp-hạnh xuất gia ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
4- Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
5- Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
8- Pháp-hạnh phát nguyện ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có 3 bậc đã đầy đủ.
Trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ có 5 pháp đại-thí (pañca mahāparicāga) là:
1- Pháp-hạnh đại-thí của cải, ngai vàng.
2- Pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân mình.
3- Pháp-hạnh đại-thí sinh mạng của mình.
4- Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý.
5- Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.
Thật ra, trong 5 pháp-hạnh đại-thí này, tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara có nhiều kiếp đã từng thực-hành 3 phạm-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí của cải ngai vàng, pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân của mình, pháp-hạnh đại-thí sinh mạng của mình; nhưng mà chỉ còn 2 phạm-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của mình và pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý của mình thì chưa từng thực-hành mà thôi.
Cho nên, pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật chưa được đầy đủ trọn vẹn.
Theo truyền thống, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong thời quá-khứ có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đều phải thực-hành 5 pháp-hạnh đại-thí đầy đủ mới gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ đầy đủ.
Vào thời ấy, đất nước Kāliṅga bị nạn hạn hán kéo dài, dân chúng lâm vào cảnh đói khổ.
Dân chúng tâu lên Đức-vua Kāliṅga rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Vessantara ngự tại kinh-thành Jetuttara, trị vì dân chúng Sivi, có con Bạch-tượng báu gọi là Paccayanāga nên đất nước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng an cư lạc nghiệp. Đức-vua Vessantara là Đức-vua hoan-hỷ trong phước-thiện bố-thí.
– Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ gửi sứ giả đến kinh-thành Jetuttara, xin Đức-vua Vessantara ban cho con Bạch-tượng báu Paccayanāga ấy.
Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức-vua Kāliṅga gửi 8 vị bà-la-môn sứ giả đến kinh-thành Jetuttara.
Buổi sáng hôm ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự trên lưng Bạch-tượng báu đang trên đường đi đến trại bố-thí, 8 vị bà-la-môn sứ giả đứng chờ sẵn bên đường tán dương ca tụng Đức-vua Vessantara, tâu lên Đức-vua Vessantara rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, đất nước Kāliṅga bị hạn hán kéo dài, dân chúng sống trong cảnh đói khổ, kính xin Đại-vương có tâm đại-bi tế độ ban con Bạch-tượng báu Paccayanāga cho đất nước Kāliṅga, để có mưa thuận gió hòa, dân chúng gieo trồng sản xuất lương thực, cứu giúp dân chúng thoát khỏi cảnh đói khổ.
Nghe các vị bà-la-môn sứ giả tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự xuống Bạch-tượng báu Paccayanāga, rồi làm lễ ban Bạch-tượng báu ấy cùng với nhóm người chăm nom nuôi dưỡng cho các vị bà-la-môn sứ giả đem về đất nước Kāliṅga.
Dân chúng trong kinh thành Jetuttara cùng với các bà-la-môn, quân lính, … tỏ ra bất bình không hài lòng về việc Đức-vua Bồ-tát Vessantara đem Bạch-tượng báu của đất nước Sivi ban cho các sứ giả đem về đất nước Kāliṅga, nên họ dẫn nhau đến chầu Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, yêu cầu Đức Thái-thượng-hoàng mời Đức-vua Vessantara ra khỏi kinh-thành Jetuttara, lưu đày đến núi Vaṅka trong khu rừng núi Himavanta.
Dù Đức Thái-thượng-hoàng cố gắng khuyên giải thế nào dân chúng cũng không chịu buông tha Đức-vua Bồ-tát Vessantara, nên Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya đành phải chiều theo sự yêu cầu của dân chúng đất nước Sivi.
Đức Thái-thượng-hoàng liền truyền lệnh vị quan thân tín đến tâu lại với Đức-vua Vessantara mọi sự việc đã xảy ra như vậy.
Tuân theo lệnh của Đức Thái-thượng-hoàng, vị quan liền đến tâu lên Đức-vua Vessantara rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tha tội, thừa theo lệnh của Đức Thái-thượng-hoàng, hạ thần xin tâu lên Bệ-hạ rõ:
Dân chúng Sivi gồm có người trong hoàng tộc, các bà-la-môn, các đội binh, thương gia, dân chúng trong kinh-thành Jetuttara kéo đến tụ hội trước cung điện vào yết kiến Đức Thái-thượng-hoàng, thỉnh cầu Đức Thái-thượng-hoàng mời Bệ-hạ rời khỏi đất nước Sivi.
– Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ chỉ còn đêm nay nữa mà thôi, ngày mai khi mặt trời mọc, Bệ-hạ phải rời khỏi đất nước Sivi này.
Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền hỏi rằng:
– Này khanh! Trẫm đã làm điều gì sai mà dân chúng Sivi bực tức Trẫm? Do nguyên-nhân nào dân chúng Sivi mời Trẫm phải rời khỏi đất nước Sivi này? Khanh có thể tâu cho Trẫm biết điều ấy được không?
Vị quan tâu lên Đức-vua Vessantara rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, dân chúng Sivi gồm có nhiều giai cấp bực tức Bệ-hạ đã đem Bạch-tượng báu là quốc bảo của đất nước Sivi ban cho 8 vị bà-la-môn sứ giả đất nước Kāliṅga. Đó là nguyên-nhân mà dân chúng gồm có nhiều giai cấp mời Bệ-hạ rời khỏi đất nước Sivi này.
Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara hoan-hỷ truyền dạy rằng:
– Này khanh! Nếu có người nào đến xin trái tim hoặc đôi mắt của Trẫm thì Trẫm cũng hoan-hỷ ban cho người ấy được, huống hồ gì của cải bên ngoài thân như ngọc maṇi, con Bạch-tượng báu, v.v…, nếu có người nào đến xin thì Trẫm hoan-hỷ ban cho người ấy, Trẫm không có tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải, bởi vì đại-thiện-tâm của Trẫm luôn luôn hoan-hỷ tạo phước-thiện bố-thí đến người xin.
Dù dân chúng Sivi mời Trẫm rời khỏi đất nước Sivi này, hoặc giết Trẫm, chặt Trẫm ra làm 7 phần, Trẫm cũng không bao giờ từ bỏ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Trẫm.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo vị quan cận thần đến tâu lên Đức Thái-thượng-hoàng và thông báo cho các dân chúng Sivi rằng:
“Đức-vua Vessantara chấp thuận sẽ rời khỏi đất nước Sivi, nhưng không phải là sáng ngày mai lúc mặt trời mọc, mà Đức-vua Vessantara xin ở lại thêm một ngày và một đêm nữa.
Ngày mai, sau khi Đức-vua Vessantara làm lễ đại-thí xong, rồi mới rời khỏi đất nước Sivi này.”
Thi hành theo lệnh của Đức-vua Vessantara, vị quan cận thần đến hầu Đức Thái-thượng-hoàng và thông báo cho các dân chúng đến nhận vật thí của Đức-vua Vessantara vào ngày hôm sau.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara tạo phước-thiện đại-thí lần này đến mọi người, những vật thí không thiếu một thứ nào cả.
Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 con nhỏ xin đi theo Đức-vua Bồ-tát Vessantara
Đức-vua Bồ-tát Vessantara rời khỏi kinh-thành Jetuttara, bị lưu đày vào núi Vaṅka thuộc dãy rừng núi Himavanta, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 đứa con nhỏ yêu quý là hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā quyết tâm xin đi theo, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī cũng không thể ngăn cản được.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī cảm thấy vô cùng khổ tâm, bởi vì không chỉ mất Thái-tử Vessantara mà còn mất cả con dâu vương-phi Maddī và 2 đứa cháu đích tôn là hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā nữa.
Thái-tử Vessantara hầu chuyện thân mật với Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī suốt đêm hôm ấy.
Đức-vua Bồ-tát rời khỏi đất nước Sivi
Sáng sớm hôm ấy, trước khi mặt trời mọc, các quan sửa soạn chiếc long xa có 4 con ngựa báu. Biết ý của Thái-tử Vessantara hoan-hỷ tạo phước-thiện bố-thí nên Hoàng-thái-hậu Phussatī truyền bảo các quan đem nhiều của cải quý báu chất đầy trong chiếc long xa rồi đem đến rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara.
Đức-vua Thái-tử Vessantara cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 con nhỏ yêu quý hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā vào đảnh lễ Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī chấp thuận, nhưng phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, bởi vì phải xa lìa người thân yêu nhất của mình.
Khi mặt trời mọc, các quan đến tâu với Đức-vua Bồ-tát Vessantara đến giờ ngự đi ra khỏi kinh-thành Jetuttara, Đức-vua Thái-tử Vessantara cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 con nhỏ yêu quý hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā đảnh lễ Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī xin phép từ giã.
Bên ngoài, 60 ngàn quan cận thần đồng sinh với Đức-vua Bồ-tát Vessantara đứng chờ tiễn đưa. Đức-vua Bồ-tát từ giã các quan, rồi ngự đến chiếc long xa có 4 con ngựa báu đang chờ bên ngoài.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và 2 con nhỏ yêu quý hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā bước lên long xa, ngoảnh nhìn thấy Đức Phụ-vương Sañjaya và Mẫu-hậu Phussatī đứng nhìn theo với nỗi thống khổ cùng cực vì xa lìa những người thân yêu nhất của mình.
Chiếc long xa có 4 con ngựa báu chở 4 vị vương gia lăn bánh, 2 bên đường có số người trong hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành đứng chờ tiễn đưa Đức-vua Bồ-tát Vessantara và gia đình ngự đi ra khỏi kinh-thành Jetuttara đến núi rừng Vaṅka trong dãy núi Himavanta xa xôi. Họ đứng chắp đôi tay cung kính và tâm kính yêu vô hạn đối với Đức-vua Bồ-tát Vessantara.
Trên đường đi, nhiều người đứng chờ xin Đức-vua Bồ-tát ban phước cho họ, Đức-vua Bồ-tát dừng long xa lại, lấy của cải quý báu tạo phước-thiện bố-thí ban cho họ.
Đến khi tất cả mọi thứ của cải vàng ngọc quý báu trong xe đều hết sạch, Đức-vua Bồ-tát cởi những đồ trang sức đeo trong thân của mình, đem tạo phước-thiện bố-thí ban cho họ.
Nghe tin Đức-vua Vessantara tạo phước-thiện đại-thí, 4 vị bà-la-môn đến không kịp nên chạy theo sau. Nhìn từ xa thấy họ, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu với Đức phu-quân. Đức-vua Bồ-tát cho dừng long xa chờ họ đến. Bốn vị bà-la-môn quỳ lạy, tâu xin Đức-vua ban của cải cho họ.
Khi biết không còn thứ của cải nào ban cho họ nên họ tâu xin Đức-vua bố-thí cho họ mỗi người một con ngựa báu.
Đức-vua Bồ-tát bước xuống long xa, cởi 4 con ngựa báu ra, rồi ban cho 4 vị bà-la-môn mỗi người một con ngựa báu. Họ lên ngựa trở về, chỉ còn lại chiếc long xa.
Ngay khi ấy, 4 vị thiên-nam hóa ra thành 4 con ngựa báu tiếp tục kéo chiếc long xa đưa 4 vị vương-gia đến rừng núi Vaṅka trong dãy núi Himavanta.
Khi ấy, nhìn thấy chiếc long xa lộng lẫy có 4 con ngựa báu khoẻ mạnh, ông bà-la-môn già đến quỳ lạy tâu xin Đức-vua Bồ-tát ban chiếc long xa ấy cho ông.
Nghe ông bà-la-môn già tâu xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát thấy ông bà-la-môn già đáng thương nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara ẵm hoàng-tử Jāli, chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm công-chúa Kaṇhājinā bước xuống long xa, rồi Đức-vua Bồ-tát ban chiếc long xa ấy cho ông bà-la-môn già ấy.
Ông bà-la-môn già bước lên chiếc long xa thì 4 con ngựa báu vốn là 4 vị thiên-nam biến mất.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara ẵm hoàng-tử Jāli, chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm công-chúa Kaṇhājinā tiếp tục ngự đi bộ tìm hỏi con đường đến rừng núi Vaṅka.
Trên con đường đi, Đức-vua Bồ-tát gặp nhóm người đi ngược lại, Đức-vua Bồ-tát hỏi rằng:
– Này quý vị! Rừng núi Vaṅka ở hướng nào? Từ đây đến nơi đó còn khoảng cách bao xa?
Nhóm người nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mỗi người ẵm mỗi đứa con nhỏ hỏi đường đi đến rừng núi Vaṅka, họ cảm thấy thương mà thưa rằng:
– Kính thưa hai vị, rừng núi Vaṅka ở xa tít mãi đằng kia, mà hai vị đi bộ như thế này biết bao giờ mới đi đến nơi ấy.
Nghe nhóm người chỉ dẫn như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī từ giã nhóm người ấy, rồi tiếp tục đi bộ đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha vào buổi chiều ngày hôm ấy, ngồi tại nhà nghỉ trước cổng kinh-thành Mātula.
Thực ra, từ kinh-thành Jetuttara đất nước Sivi đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha có khoảng cách xa 30 do tuần[2], do nhờ oai lực chư-thiên đã thâu con đường ngắn lại nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khởi hành từ kinh-thành Jetuttara đất nước Sivi vào buổi sáng và đã đến kinh-thành Mātula đất nước Cetaraṭṭha vào ngay buổi chiều hôm ấy.
Nghe quân lính gác tại cổng thành tâu báo rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã ngự đến, và đang ngồi tại nhà nghỉ trước cổng kinh-thành.
Nghe tâu như vậy, Đức-vua Ceta cùng các quan văn võ ngự ra tận nhà nghỉ trước cổng kinh-thành, đón rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.
Nhìn thấy hoàn cảnh khổ của 4 vị Vương-gia như vậy, Đức-vua Ceta cùng các quan cận thần vô cùng xúc động rơi nước mắt. Nghi lễ đón tiếp rất đơn giản mà tình cảm thật đậm đà thắm thiết.
Đức-vua Ceta cung thỉnh Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự lên chiếc long xa sang trọng, rồi cung nghinh rước vào cung điện để cho bốn vị Vương gia tắm rửa sạch sẽ, rồi cung thỉnh ngự đến phòng khách. Đức-vua Ceta tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, hôm nay bổn vương cùng bá quan văn võ vô cùng diễm phúc được đón tiếp Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, xin được mở tiệc thết đãi 4 vị vương-gia là thượng khách của triều đình.
Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo rằng:
– Thưa Đức-vua Ceta, Đức-vua cùng các quan đã đón tiếp bổn-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu, hoàng-tử và công-chúa thật là trọng thể với tình cảm đậm đà thắm thiết như thế này, bổn vương xin cảm tạ toàn thể quý vị.
Đức-vua Ceta tâu hỏi rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-thái-hậu Phussatī được khoẻ mạnh hay không?
Do nguyên nhân nào mà Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu phải vất vả như thế này?
Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo cho Đức-vua Ceta biết Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-Thái-Hậu Phussatī được khoẻ mạnh và thuật cho biết nguyên nhân như sau:
– Thưa Đức-vua Ceta, sở dĩ bổn vương phải rời khỏi đất nước Sivi là vì bổn vương đem con Bạch-tượng báu của triều đình, làm phước-thiện bố-thí ban cho 8 vị bà-la-môn sứ giả của đất nước Kāliṅga. Vì vậy, dân chúng Sivi bực tức bổn vương, dẫn nhau đến chầu Đức Thái-thượng-hoàng, yêu cầu Đức Thái-thượng-hoàng phải truyền lệnh mời bổn vương rời khỏi nước Sivi, đến ở rừng núi Vaṅka trong dãy núi Himavanta.
Tuy Đức Thái-thượng-hoàng rất thương yêu bổn vương, nhưng dân chúng Sivi hăm dọa, nếu Đức Thái-thượng-hoàng không truyền lệnh mời bổn-vương rời khỏi đất nước Sivi thì họ sẽ gây nguy hiểm không chỉ đến cho bổn-vương, mà còn đến Đức Thái-thượng-hoàng nữa. Vì vậy, Đức Thái-thượng-hoàng đành phải chiều theo ý của dân chúng Sivi.
Đó là nguyên nhân khiến bổn-vương phải rời khỏi đất nước Sivi, đến ở rừng núi Vaṅka trong dãy núi Himavanta. Còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ẵm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā xin đi theo bổn vương.
Nghe xong câu chuyện của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Đức-vua Ceta cùng các quan vô cùng thương cảm cho cảnh ngộ của Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn thơ ấu.
Đức-vua Ceta cùng 60 ngàn quan cận thần chắp tay khẩn khoản tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, kính thỉnh Đại-vương lên ngôi báu ngự tại kinh-thành Mātula trị vì đất nước Ceta này, còn tất cả chúng thần nguyện hết lòng làm bề tôi trung thành của Đại-vương.
Dù Đức-vua Ceta khẩn khoản tâu nhiều lần như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara vẫn một mực khước từ lời thỉnh cầu của Đức-vua Ceta cùng các quan trong triều đình, bởi vì, Đức-vua Bồ-tát Vessantara chỉ muốn ngự đến rừng núi Vaṅka mà thôi.
Nghỉ lại một đêm tại cung điện của Đức-vua Ceta, sáng hôm sau Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự lên chiếc long xa tiếp tục khởi hành ngự đi đến rừng núi Vaṅka.
Đức-vua Ceta cùng 60 ngàn quan theo sau đưa tiễn Đức-vua Bồ-tát Vessantara một đoạn đường dài 15 do tuần, rồi dừng lại nơi đầu bìa rừng và tâu chỉ rõ đường cho Đức-vua Bồ-tát Vessantara rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, chúng thần xin tiễn Đại-vương nơi đây, còn Đại-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tiếp tục ngự đi về hướng bắc nhìn thấy sườn núi cao Vepulla, tiếp đến dòng sông Ketumatī nước trong trẻo, tiếp đến núi Nāḷika. Từ đó, ngự đi về hướng đông bắc có hồ nước Mucalinda to lớn có nhiều thứ sen trắng, sen hồng,… Từ đó, ngự vào rừng sâu có nhiều loại cây ăn quả, tiếp đến sườn núi Vaṅka, gần đó có cái hồ vuông lớn nước ngon lành, Đại-vương có thể làm cốc lá trú ngụ nơi ấy.
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương ngự đi thêm khoảng 15 do tuần nữa, trải qua các dãy núi rừng này mới đến rừng núi Vaṅka.
Tại nơi ấy, cuộc chia tay đầy lưu luyến, vô cùng cảm động, Đức-vua Ceta cảm động trào nước mắt, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tiếp tục lên đường đầy khó khăn nguy hiểm, Đức-vua Ceta đứng nhìn theo cho đến khi khuất dạng.
Để bảo vệ an toàn cho Đức-vua Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, không cho kẻ thù nào đến quấy rầy, nên Đức-vua Ceta gọi người thợ săn tên là Cetaputta đến truyền bảo rằng:
– Này ngươi! Ngươi có phận sự giữ gìn cửa rừng này, xem xét những người lạ khả nghi không cho phép vào khu rừng.
Sau khi truyền bảo người thợ săn xong, Đức-vua Ceta hồi cung ngự trở về kinh-thành Mātula cùng với 60 ngàn quan trong triều.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự đến núi Vaṅka
Theo sự chỉ dẫn đường của Đức-vua Ceta, Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đi đến núi Gandhamādana, đứng nhìn rừng núi bao la, từ đó ngự theo hướng bắc đến chân núi Vepulla, ngồi nghỉ nơi bến sông Ketumatī, tắm mát, ăn trái cây xong, rồi tiếp tục ngự đến núi Nāḷika, ngự đi về phía hướng đông bắc đến hồ nước lớn Mucalinda, từ đó ngự vào rừng sâu có nhiều cây ăn quả và cũng có nhiều thú dữ, vượt qua khu rừng ấy, đến cái hồ vuông lớn gần rừng núi Vaṅka.
Khi ấy, chỗ ở của Đức-vua-trời Sakka phát nóng, Đức-vua-trời Sakka xem xét nguyên nhân, biết rõ Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự vào rừng núi Himavanta, trú tại núi Vaṅka, xuất gia trở thành đạo-sĩ, nên Đức-vua-trời Sakka gọi thiên nam Vissakamma truyền bảo rằng:
– Này Vissakamma! Ngươi hãy hiện xuống rừng núi Himavanta, hóa ra hai cốc lá tại rừng núi Vaṅka để làm chỗ ở cho Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī và những thứ vật dụng cần thiết cho các vị xuất gia trở thành đạo-sĩ.
Vâng lệnh Đức-vua-trời Sakka, vị thiên nam Vissakamma hiện xuống rừng núi Himavanta, hóa ra hai cốc lá khoảng cách không xa, đường đi kinh hành thuận lợi, hóa ra một bộ y phục đạo-sĩ, một bộ nữ đạo-sĩ, hai bộ trẻ con, và các thứ vật dụng cần thiết của các đạo-sĩ, rồi ghi mấy dòng chữ:
“Những vị nào muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ, xin hãy sử dụng những bộ y phục và những thứ vật dụng cần thiết này.”
Vị thiên nam Vissakamma dùng oai lực của mình cấm các loài thú dữ, các loài rắn độc, các con vật có tiếng kêu đáng sợ không được đến gần nơi ấy, rồi trở về cõi trời Tam-thập-Tam-thiên.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngự đi theo con đường ấy đến nơi, Đức-vua Bồ-tát quan sát nhìn thấy hai cốc lá khoảng cách không xa nhau, có đường đi kinh hành, v.v… Đức-vua Bồ-tát bước vào cốc lá thấy dòng chữ, hiểu biết đó là những thứ Đức-vua-trời Sakka ban cho.
Xuất gia trở thành đạo-sĩ
Đức-vua Bồ-tát mở cốc lá ra nhìn thấy bên trong có những y phục và các thứ vật dụng của đạo-sĩ. Đức-vua Bồ-tát Vessantara thay bộ y phục cũ, mặc bộ y phục đạo-sĩ mới vào, sử dụng các vật dụng của đạo-sĩ, trở thành bậc xuất-gia đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cầm gậy bước xuống cốc cảm thấy hạnh phúc, nên thốt lên rằng:
– Ô! An-lạc quá, hạnh phúc quá! Ta đã là bậc xuất-gia đạo-sĩ rồi!
Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara đi qua lại trên đường kinh hành. Sau đó, đi đến cốc lá của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.
Nhìn thấy Hoàng-thượng trong tướng mạo đạo-sĩ, Chánh-cung Hoàng-hậu cúi xuống lạy dưới đôi bàn chân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, xin phép Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cho phép xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ. Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vào cốc mặc bộ y phục nữ đạo-sĩ và hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cũng mặc y phục đạo-sĩ. Cả bốn vị vương-gia đều trở thành đạo-sĩ sống trong rừng núi Vaṅka.
Nữ đạo-sĩ Maddī bạch với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rằng:
– Kính bạch Đức đạo-sĩ, xin Ngài ngự tại cốc chăm sóc hai con nhỏ, còn tiện nữ xin làm phận sự vào rừng tìm các loại trái cây đem về dâng lên Ngài và hai con.
Từ đó mỗi buổi sáng, nữ đạo-sĩ Maddī một mình vào rừng núi tìm các loại trái cây, rồi đem về dâng lên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ và hai con.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy nữ đạo-sĩ Maddī rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Bây giờ chúng ta đều là bậc xuất-gia đạo-sĩ rồi.
Vậy, từ nay nữ đạo-sĩ không nên đến tìm bần đạo trong những lúc không hợp thời, bởi vì nữ giới có thể làm ô nhiễm bậc hành phạm hạnh.
Nữ đạo-sĩ Maddī cung kính vâng lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nên bạch rằng:
“Dạ, xin vâng.”
Từ ngày đó, nữ đạo-sĩ Maddī dậy từ sáng sớm đi lấy nước uống, nước dùng, cây đánh răng đem đến dâng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, quét dọn xung quanh cốc, dẫn hai con đến gửi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ xong, nữ đạo-sĩ đeo gùi trên đôi vai, tay cầm mai một mình đi vào rừng núi tìm các loại trái cây, loại củ, buổi chiều mới trở về đến cốc lá, tự tay sửa soạn các loại trái cây, các loại củ dọn trên sàn trước cốc, rồi thỉnh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ và gọi hai con vào dùng, bốn vị đạo-sĩ cùng nhau dùng trái cây và củ.
Đời sống yên ổn của 4 vị vương gia đạo-sĩ thực-hành phạm-hạnh cao thượng trong núi Vaṅka đã trôi qua 7 tháng.
Bà-La-Môn Jūjaka
Vào thời ấy, có bà-la-môn già hành khất tên Jūjaka, có người vợ trẻ đẹp mới dẫn về ở làng bà-la-môn Dunniviṭṭha trong đất nước Kāliṅga.
Người vợ trẻ đẹp ấy tên Amittatāpanā là người vợ tận tụy biết lo phục vụ chồng mình rất chu đáo. Một số ông chồng bà-la-môn trẻ khác trong làng nhìn thấy cô Amittatāpanā như vậy, nên khen ngợi cô Amittatāpanā mà chê trách vợ mình rằng:
“Cô Amittatāpanā, vợ của ông bà-la-môn Jūjaka già, biết tận tuỵ lo phục vụ chồng của cô một cách chu đáo như vậy, còn bà sao không biết noi gương cô Amittatāpanā mà phục vụ tôi như vậy?”
Nghe chồng chê trách mình như vậy, khiến các bà vợ cảm thấy bực tức, nên họ gặp nhau bàn tính rằng:
“Từ ngày cô Amittatāpanā, vợ ông bà-la-môn Jūjaka già đến ở trong làng này, ông chồng của chúng ta khen ngợi cô ấy mà chê trách chúng ta.
Vậy, chúng ta nên tìm cách nào, để cô Amittatāpanā bỏ làng này đi đến làng khác?”
Các bà bà-la-môn bàn tính với nhau rằng:
“Khi gặp cô chỗ nào, chúng ta cùng nhau nói xấu, chê cười cô có chồng già xấu xí, đó là điều bất hạnh, thà chịu chết còn hơn có chồng già xấu xí như vậy!”
Một hôm, nhìn thấy cô Amittatāpanā đem nồi đến bến sông để lấy nước, các bà bà-la-môn vợ của các ông bà-la-môn trẻ trong làng, cùng dẫn nhau đến gặp cô Amittatāpanā để nói xấu, chê cười cô rằng:
– Này cô Amittatāpanā! Cô còn trẻ đẹp như thế này, sao mà cha mẹ cô không gả cô cho một người chồng trẻ đẹp xứng đôi vừa lứa mà lại đem gả cô cho ông bà-la-môn Jūjaka già khọm lưng còng xấu xí như thế kia!
Cô có được hạnh phúc gì đâu! Thà chết còn hơn là sống chung với ông bà-la-môn Jūjaka già khọm xấu xí như vậy.
Cha mẹ của cô không tìm cho cô được một người chồng trẻ đẹp, nên gả cô cho ông Bà-la-môn Jūjaka già lưng còng xấu xí như thế kia. Chắc cô đã tạo ác-nghiệp, nên cô không may mà gặp phải ông bà-la-môn Jūjaka già lưng còng xấu xí làm chồng như vậy…
Vậy, cô em nên bỏ ông bà-la-môn Jūjaka chồng già khọm xấu xí ấy, đi trở về lại nhà cha mẹ của mình. Đó là điều hạnh phúc đối với cô em. Nếu cô em còn bị ràng buộc với ông bà-la-môn Jūjaka chồng già khọm xấu xí thì cô em có được hạnh phúc an-lạc gì đâu! Thật uổng phí cuộc đời con gái xinh đẹp như cô!
Nghe các bà vợ của các ông bà-la-môn vừa chê trách vừa khuyên bảo, nên làm cho cô Amittatāpanā cảm thấy tủi thân. Trên đường đem nước về nhà, cô Amittatāpanā vừa đi vừa khóc thảm thương cho đến khi về đến nhà.
Nhìn thấy cô Amittatāpanā, người vợ trẻ đẹp yêu quý của mình khóc, ông bà-la-môn Jūjaka già liền hỏi rằng:
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Vì sao em khóc vậy?
– Này ông bà-la-môn! Tôi sẽ không đi đến bến sông lấy nước nữa đâu! Vì các bà vợ của các ông bà-la-môn trẻ chê cười tôi làm vợ của một ông chồng già khọm xấu xí như ông đấy! Họ chế nhạo tôi đủ điều, tôi cảm thấy xấu hổ quá. Vì vậy, từ nay tôi không đi đến bến sông lấy nước nữa đâu!
Nghe người vợ trẻ đẹp yêu quý của mình than vãn như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka cảm thấy khổ tâm, nói lời an ủi rằng:
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Từ nay, em không phải đi đến bến sông lấy nước nữa! Anh sẽ tự đi lấy nước về cho em và anh dùng.
– Này ông bà-la-môn! Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống không để chồng đi lấy nước. Tôi nói cho ông biết, nếu ông không tìm được tớ trai, tớ gái đem về phục vụ thì tôi không thể sống chung với ông trong gia đình này nữa.
Nghe người vợ trẻ đẹp yêu quý của mình nói như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka thở than rằng:
– Này em yêu quý! Em biết anh nghèo khổ, sống bằng nghề hành khất như thế này, thì làm sao có nhiều tiền để thuê tớ trai, tớ gái đem về phục vụ cho em được. Xin em đừng giận dỗi nữa, em không phải vất vả làm gì cả, một mình anh làm mọi việc trong nhà để phục vụ cho em.
Do oai lực của chư-thiên mách bảo cho cô bà-la-môn Amittatāpanā nói với ông bà-la-môn Jūjaka rằng:
– Này anh! Em nghe tin Đức-vua Vessantara đang ở tại rừng núi Vaṅka, anh đến yết kiến Đức-vua, xin Đức-vua ban cho tớ trai, tớ gái. Đức-vua chắc chắn sẽ ban tớ trai, tớ gái cho anh được toại nguyện.
Ông Bà-la-môn Jūjaka than vãn rằng:
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Anh già yếu không còn sức lực, đường đi đến rừng núi Vaṅka lại xa xôi khó khăn hiểm trở, có nhiều thú dữ gây tai hại đến sinh-mạng.
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Xin em đừng bận tâm lo nghĩ, anh sẽ làm mọi việc nhà và phục vụ em một cách chu đáo. Xin em hãy an tâm ở đây với anh.
Nghe ông bà-la-môn Jūjaka than vãn như vậy, cô Amittatāpanā chê trách rằng:
– Này ông bà-la-môn Jūjaka! Ông là người nhút nhát chưa ra đến trận địa, chưa chiến đấu đã chịu đầu hàng rồi! Ông chưa đi mà đã co rút cổ chịu thua rồi. 3
– Này ông bà-la-môn Jūjaka! Ông nên biết:
Nếu ông không chịu đi xin tớ trai, tớ gái từ Đức-vua Vessantara thì tôi không ở trong nhà ông nữa. Khi ấy, ông sẽ buồn khổ nhiều, lưng của ông sẽ khòm xuống, tóc ông sẽ bạc trắng, thân hình ông sẽ gầy ốm và ông sẽ chết vì thương nhớ tôi.
Nghe người vợ trẻ đẹp yêu quý nói như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka già khọm lo sợ người vợ trẻ bỏ đi thật, bởi vì ông đã bị ràng buộc bởi tham-ái say đắm với cô vợ trẻ đẹp Amitta-tāpanā, nên ông nói rằng:
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Em hãy chuẩn bị vật thực đi đường, để anh đi đến yết kiến Đức-vua Vessantara, xin tớ trai, tớ gái đem về phục vụ em suốt ngày đêm.
Trước lúc khởi hành, ông bà-la-môn Jūjaka sửa cửa ngõ lại cho chắc chắn, vào rừng tìm củi về để trong nhà, lấy nước đầy các bể chứa để cho người vợ ở nhà dùng, rồi ông bà-la-môn Jūjaka dạy bảo rằng:
– Này Amittatāpanā em yêu quý! Em ở nhà chớ nên dể duôi, ban ngày em không nên tiếp xúc nhiều người, ban đêm chớ nên đi ra khỏi nhà. Em ở nhà chờ đợi anh đem tớ trai, tớ gái về cho em.
Dạy bảo người vợ trẻ đẹp xong, ông bà-la-môn Jūjaka mang hình thức đạo-sĩ, trên gương mặt đầm đìa nước mắt vì lưu luyến nói lời từ giã người vợ trẻ đẹp yêu quý.
Ông lên đường đi thẳng đến kinh-thành Jetuttara, đất nước Sivi, hỏi thăm đường đi đến chỗ ở của Đức-vua Bồ-tát Vessantara tại rừng núi Vaṅka. Dân chúng kinh-thành Jetuttara biết ông bà-la-môn Jūjaka là người dân của đất nước Kāliṅga đi ăn xin, họ mắng nhiếc xua đuổi, ông bà-la-môn Jūjaka sợ chạy đi ra khỏi kinh-thành Jetuttara.
Do nhờ oai lực của chư-thiên khiến ông chạy nhằm đúng con đường mà Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã ngự đi trước kia.
Ông bà-la-môn Jūjaka già đã trải qua một thời gian lâu, qua quãng đường dài gian nan vất vả đầy khổ cực, cuối cùng ông bà-la-môn Jūjaka già cũng tìm đến rừng núi Vaṅka. (Từ kinh-thành Jetuttara đến rừng núi Vaṅka cách xa khoảng 60 do-tuần).
Ông bà-la-môn Jūjaka đến gần chỗ ở của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, nữ đạo-sĩ Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Vào buổi chiều hôm ấy, ông nghĩ rằng:
“Nếu ta đến yết kiến Đức-vua Vessantara để xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā mà có sự hiện diện của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì bất lợi cho ta, vậy ta nên tìm một chỗ nghỉ qua đêm, chờ sáng mai lúc Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đi vào rừng để tìm trái cây. Khi ấy, ta sẽ đến yết kiến Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho ta hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Ta sẽ dẫn về làm tôi tớ cho người vợ trẻ đẹp yêu quý của ta.”
Nữ đạo-sĩ Maddī thấy ác mộng
Trong đêm ấy, lúc gần sáng, nữ đạo-sĩ Maddī nằm thấy ác mộng rằng:
“Một ông bà-la-môn có thân hình xấu xí dị dạng đáng sợ, hai lỗ tai đeo hoa, tay cầm vũ khí hung hãn xông vào cốc lá, nắm đầu của Chánh-cung Hoàng-hậu lôi làm té xuống nằm trên nền, rồi móc hai con mắt, chặt hai tay, Chánh-cung Hoàng-hậu khóc la thảm thiết, y liền mổ ngực của Chánh-cung Hoàng-hậu móc lấy trái tim, máu chảy lai láng, rồi y đem đi.”
Khi tỉnh giấc nữ đạo-sĩ Maddī cảm thấy kinh hoàng, hoảng sợ, nghĩ rằng:
“Ta đã nằm thấy ác mộng. Ngoài Hoàng-thượng ra, không một ai có thể đoán được ác mộng này, ta nên ngự đến chầu Hoàng-thượng, kể lại ác mộng này.”
Nữ đạo-sĩ Maddī đi đến gõ cửa cốc của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.
Nghe tiếng gõ cửa, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi: – Ai đó?
Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Đức đạo-sĩ cao thượng, thần-thiếp là Maddī, kính xin Đức đạo-sĩ tha tội.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ đã phá lời cam kết của chúng ta rồi! Do nguyên nhân nào mà nữ đạo-sĩ đến đây không đúng thời, đúng lúc vậy?
Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Đức đạo-sĩ cao thượng, thần-thiếp không dám phá lời cam kết, nhưng thần-thiếp vừa nằm thấy cơn ác mộng hãi hùng.
Đức đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nếu vậy thì nữ đạo-sĩ hãy thuật rõ lại cho bần đạo nghe cơn ác mộng ấy.
Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu rõ lại ác mộng ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đoán mộng biết chắc rằng:
“Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của mình sẽ được thành tựu. Sáng mai này sẽ có người hành khất đến xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.”
Đoán biết như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara trấn an nữ đạo-sĩ Maddī rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ ngủ không được yên giấc nên nằm mộng thấy như vậy, nữ đạo-sĩ không nên hoảng sợ mà an tâm trở về cốc của mình.
Đêm đã qua, lúc hừng đông, nữ đạo-sĩ thức dậy làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ xung quanh, lấy nước uống nước dùng xong, rồi ôm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vào lòng, hôn trên đầu, dạy bảo rằng:
– Này hai con yêu quý! Đêm nay, Mẫu-hậu nằm thấy cơn ác mộng hãi hùng, hai con ở nhà nên thận trọng.
Dặn dò xong, nữ đạo-sĩ Maddī tắm rửa sạch sẽ và thay y phục cho hai con yêu quý, rồi dẫn đến trao cho Đức đạo-sĩ Vessantara, kính xin Đức đạo-sĩ trông nom hai con, rồi nữ đạo-sĩ mang gùi, cầm mai vào rừng đi tìm các thứ trái cây, các thứ củ.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara thực-hành pháp-hạnh đại-thí con yêu quý
Theo dõi biết nữ đạo-sĩ Maddī đã vào rừng, ông bà-la-môn Jūjaka vội vã đi thẳng đến cốc lá để yết kiến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đang ngồi trước cửa cốc lá như một pho tượng vàng, còn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang chơi đùa bên cạnh cốc lá của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
Nhìn từ xa thấy ông bà-la-môn hành khất đi đến, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:
“Suốt bảy tháng qua, ta chưa thấy một bà-la-môn nào.”
Khi thấy ông bà-la-môn Jūjaka già đến đứng trước cửa cốc, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này bà-la-môn! Xin mời vào!
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara gọi, ông bà-la-môn Jūjaka liền đến yết kiến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, bèn tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương không có bệnh, sống được an-lạc, tìm trái cây đủ sống hằng ngày, muỗi mòng rắn rít không làm khổ Đại-vương có phải không?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này Bà-la-môn! Bần đạo ít bệnh, sống được an-lạc, tìm trái cây thuận lợi, đủ dùng hằng ngày, muỗi mòng rắn rít không làm khổ bần đạo.
Chúng tôi sống trong rừng núi này suốt bảy tháng qua, thấy bà-la-môn là người đầu tiên.
– Này bà-la-môn! Ngươi đến đây hợp thời đúng lúc, xin mời dùng các thứ trái cây và uống nước suối.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền hỏi ông bà-la-môn rằng:
– Này bà-la-môn! Ngươi đã vất vả đi đến rừng núi Vaṅka này, chắc chắn có mục đích gì, ngươi hãy nói cho bần đạo biết rõ mục đích ấy?
Ông bà-la-môn Jūjaka tâu xin hoàng-tử và công-chúa
Ông Bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, nước các dòng sông không bao giờ khô cạn như thế nào, Đại-vương luôn luôn có tâm đại-bi tế độ đến những người hành khất cũng như thế ấy. Kẻ tiện dân này đến xin hoàng-tử và công-chúa.
Kính xin Đại-vương có tâm đại-bi ban hoàng-tử và công-chúa cho kẻ tiện dân này, để làm tớ trai, tớ gái của người vợ trẻ đẹp yêu quý là Amittatāpanā của kẻ tiện dân.
Pháp-Hạnh Đại-Thí Con Yêu Quý
Nghe ông bà-la-môn Jūjaka già tâu xin như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ vì có được cơ hội tốt bồi bổ cho đầy đủ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý là một trong năm pháp-hạnh đại-thí mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo, để cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn. Cho nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vững chắc không hề nao núng, làm cho núi Vaṅka rung chuyển, truyền dạy rằng:
– Này Bà-la-môn! Bần đạo sẽ ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kahajinā cho ngươi. Ngươi sẽ là chủ của hai đứa con yêu quý của bần đạo.
Nữ đạo-sĩ Maddī đã đi vào rừng từ sáng sớm, tìm các loại trái cây, các loại củ, và sẽ trở về vào lúc buổi chiều.
– Này bà-la-môn! Ngươi nên nghỉ lại một đêm, sáng ngày mai đợi cho Mẫu-hậu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tắm rửa hai đứa con sạch sẽ, trang điểm các hoa thơm, ôm hôn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi sau đó ngươi hãy dắt hai đứa con yêu quý của bần đạo đi theo ngươi.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền dạy như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara, kẻ tiện dân này không muốn nghỉ lại đêm, mà muốn ra khỏi nơi đây ngay bây giờ, bởi vì đàn bà không ai muốn cho đứa con yêu quý của mình đến người khác.
– Muôn tâu Đại-vương, nếu Đại-vương muốn thực-hành pháp-hạnh bố-thí, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý thì Đại-vương đừng để Chánh-cung Hoàng-hậu thấy hoàng-tử và công-chúa, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ cản trở pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Đại-vương.
– Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân xin dẫn hoàng-tử và công-chúa đi ngay bây giờ.
Xin Đại-vương gọi hoàng-tử và công-chúa đến đây giao cho tiện dân, không nên chờ Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở về, cũng không nên để hoàng-tử và công-chúa gặp Mẫu-hậu của chúng.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này bà-la-môn! Ngươi không muốn gặp nữ đạo-sĩ Maddī cũng được, nhưng ngươi nên dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kính dâng lên Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya đang ngự tại kinh-thành Jetuttara.
Khi nhìn thấy hai đứa cháu đích tôn của Người, thì Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya sẽ ban cho ngươi nhiều của cải, nhiều tớ trai, tớ gái.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, nếu kẻ tiện dân này dẫn hoàng-tử và công-chúa đến kinh-thành Jetuttara chầu Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya thì kẻ tiện dân này sợ Đức Thái-thượng-hoàng kết tội ăn cắp hoàng-tử và công-chúa, cháu đích tôn của Người, Đức Thái-thượng-hoàng sẽ truyền lệnh trị tội tử hình kẻ tiện dân này.
Như vậy, kẻ tiện dân này không được tớ trai, tớ gái để phục vụ người vợ trẻ đẹp yêu quý của tiện dân nữa.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này bà-la-môn! Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức-Minh-quân sẽ vui mừng khi nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi chắc chắn sẽ ban cho ngươi nhiều của cải, tớ trai, tớ gái.
Ông bà-la-môn Jūjaka già lại tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân này không thể tuân theo lệnh của Đại-vương được, mà kẻ tiện dân này chỉ muốn dẫn hoàng-tử và công-chúa về làm tôi tớ phục vụ cho người vợ trẻ đẹp yêu quý của kẻ tiện dân mà thôi.
Nghe lời nói độc ác của ông bà-la-môn Jūjaka già như vậy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā hoảng sợ, nên dẫn nhau đi ra sau cốc lá, rồi chạy vào rừng, đến hồ nước, nhảy xuống trốn dưới hồ nước ấy, lấy lá sen che kín trên đầu.
Khi ấy, ông bà-la-môn Jūjaka không nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nên bực tức nói với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rằng:
– Này Đại-vương! Đại-vương hãy ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cho tôi ngay bây giờ có được không? Tôi khẳng định chắc chắn không dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kinh-thành Jetuttara, mà tôi chỉ dẫn về làm tôi tớ phục vụ cho người vợ trẻ đẹp yêu quý của tôi mà thôi.
Đại-vương đã ra hiệu cho hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā chạy trốn mất cả rồi. Đại-vương ngồi làm như người không hay biết.
Đại-vương đã hứa mà không thực hiện đúng theo lời hứa như vậy được hay sao?
Nghe lời buộc tội của ông bà-la-môn Jūjaka, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ giật mình nhìn phía sau không thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, biết chắc hai đứa con nghe được câu chuyện nên hoảng sợ chạy trốn rồi. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo ông bà-la-môn Jūjaka rằng:
– Này Bà-la-môn! Ngươi chớ nên nghĩ sai như vậy, bần đạo sẽ đi tìm hai đứa con yêu quý đem về giao cho ngươi.
Truyền bảo xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đứng dậy đi ra sau cốc lá nhìn thấy dấu chân hai con chạy vào rừng, theo dấu chân lần đến hồ nước, biết chắc chắn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang trốn dưới hồ nước.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ gọi hoàng-tử Jāli rằng:
– Này Jāli con yêu quý! Con hãy lên với Phụ-vương, con hãy nên giúp cho Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Con nên ngoan ngoãn dễ dạy, vâng lời Phụ-vương, giúp cho Phụ-vương thành tựu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này.
Như vậy, hai con yêu quý như là chiếc thuyền giúp đưa Phụ-vương sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác vượt qua biển khổ luân-hồi, rồi sẽ dắt dẫn các chúng-sinh khác, nhân loại, các chư-thiên, các phạm-thiên cũng vượt qua biển khổ luân-hồi.
Hoàng-tử Jāli lắng nghe lời khẩn khoản thiết tha của Đức Phụ-vương, nên nghĩ rằng:
“Dù ông bà-la-môn già độc ác kia hành hạ ta thế nào cũng chịu đựng nổi, nhưng ta không nên để Đức Phụ-vương của ta nói sai lời với ông bà-la-môn già kia.”
Nghĩ xong, hoàng-tử Jāli dở lá sen, trồi đầu lên khỏi mặt nước, bước lên bờ hồ, đến cúi đầu lạy dưới bàn chân bên phải của Đức Phụ-vương, rồi hai tay ôm chân phải của Đức Phụ-vương khóc nức nở, nước mắt rơi xuống bàn chân Đức Phụ-vương.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy rằng:
– Này Hoàng-nhi Jāli yêu quý! Hoàng muội Kaṇhājinā của con ở đâu?
Hoàng-tử Jāli tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, thông thường tất cả chúng-sinh, khi biết tai họa xảy đến với mình, đều phải tìm nơi lẩn tránh tai họa.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara biết chắc công-chúa Kaṇhājinā cũng đang trốn dưới hồ nước này, nên truyền bảo rằng:
– Này Kaṇhājinā con yêu quý của Phụ-vương! Con hãy lên đây với Phụ-vương. Con nên giúp Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Con nên ngoan ngoãn dễ dạy, vâng lời, giúp cho Phụ-vương thành tựu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.
Như vậy, hai con yêu quý như là chiếc thuyền giúp đưa Phụ-vương sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, vượt qua biển khổ luân-hồi, rồi sẽ dắt dẫn các chúng-sinh khác, nhân loại, các chư-thiên, các phạm-thiên cũng vượt qua biển khổ luân-hồi.
Lắng nghe lời tha thiết khẩn khoản của Đức Phụ-vương, công-chúa Kaṇhājinā nghĩ rằng:
“Ta không nên để Đức Phụ-vương nói sai lời với ông bà-la-môn già kia.”
Công-chúa Kaṇhājinā nổi lên khỏi mặt nước, bước lên bờ, đến cúi đầu lạy dưới bàn chân trái của Đức Phụ-vương, hai tay ôm chân trái Đức Phụ-vương khóc nức nở, nước mắt rơi xuống bàn chân Đức Phụ-vương.
Thấy hai con khóc như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cũng rơi nước mắt xuống trán hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, cảnh tượng thật vô cùng cảm động.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cảm thấy vô cùng xúc động, trong tình phụ tử sâu sắc, cúi xuống đưa hai bàn tay mềm mại xoa nhẹ trên đầu hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi tha thiết nói lời an ủi hai đứa con yêu quý rằng:
– Này hai con yêu quý! Hai con có biết Phụ-vương đang suy xét về pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, thì chỉ có hai con yêu quý mới giúp Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được thành tựu đầy đủ trọn vẹn mà thôi.
Cúi xuống đỡ hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đứng dậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đặt điều kiện giá biểu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, như người chủ đàn bò cho giá mỗi con bò.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền dạy hoàng-tử Jāli rằng:
– Này Jāli con yêu quý! Phụ-vương đã bố-thí con đến ông bà-la-môn rồi, nếu con muốn được giải phóng, trở thành người tự do thì con phải trao cho bà-la-môn Jūjaka 1.000 lượng vàng. Khi ấy con sẽ được tự do.
Còn hoàng-muội Kaṇhājinā của con thật đáng yêu, đáng quý, nếu muốn được giải phóng, trở thành người tự do thì trao cho ông bà-la-môn Jūjaka mỗi thứ 100, đó là 100 tớ trai, 100 tớ gái, 100 con voi, 100 con ngựa, 100 con bò. Khi ấy hoàng-muội của con cũng sẽ được tự do.
Những điều kiện này, chỉ có Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức-vua nội của hai con mới có khả năng làm được mà thôi. Ngoài Đức-vua nội của hai con ra, không một ai có khả năng làm được.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đặt điều kiện giá cả cho mỗi đứa con yêu quý xong, an ủi hai con giúp cho Đức Phụ-vương bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara thực-hành pháp-hạnh đại-thí con yêu quý
Dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā trở về cốc lá, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ gọi ông bà-la-môn Jūjaka đến, tay phải cầm bình nước, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ vừa phát-nguyện vừa rót nước xuống lòng bàn tay của ông bà-la-môn, với lời phát-nguyện rằng:
“Sabbaññutaññāṇassa paccayo hotu.”
Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của bần đạo này xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Toàn-Giác.
Sau khi thực-hành pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất (piya-puttamahādāna) xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo với ông bà-la-môn Jūjaka rằng:
“Ambho Brahmaṇa! Puttehi me sataguṇena sahassaguṇena satasahassaguṇena sabbaññutañ-ñāṇameva piyataraṃ.”[3]
– Này bà-la-môn Jūjaka! Bần đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác là nơi yêu quý bậc nhất, hơn cả yêu quý hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.
Khi ấy, do oai lực của pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đến cho ông bà-la-môn Jūjaka, làm cho trái đất rùng mình chuyển động, trên bầu trời sấm sét vang rền, núi Sineru (Tu-di-sơn) cúi đỉnh núi xuống rừng núi Vaṅka tỏ sự cung kính, toàn thể chư-thiên ngự trên mặt đất đều tán dương ca tụng bằng lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Chư Đức-vua trời 6 cõi dục-giới cùng toàn thể chư-thiên cõi trời dục-giới đều chắp tay nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Chư Phạm-thiên cõi trời sắc-giới cũng đều nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Trong khu rừng núi Himavanta, các con thú bốn chân như sư tử, cọp, beo, v.v… đều rống lên vui mừng theo tiếng của mình.
Pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:
“Pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ta thật là cao thượng! Ta có cơ hội tốt thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ.”
Ông bà-la-môn Jūjaka độc ác
Sau khi xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được thỏa mãn như ý, ông bà-la-môn Jūjaka rất vui mừng, mỗi tay nắm tay mỗi đứa trẻ dẫn ra đứng một nơi. Ông bà-la-môn Jūjaka vào rừng, dùng răng cắn một sợi dây rừng đem ra cột vào cổ tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Ông nắm đầu dây, cầm cây đánh đập, chửi mắng hoàng-tử và công-chúa, rồi lôi đi.
Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa bị đánh đau vừa bị sợi dây siết chặt làm cắt da thấu thịt, máu chảy tươm ra theo đường, trước sự hiện diện của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.
Dắt đi được một đoạn đường, ông bà-la-môn Jūjaka bị trượt chân ngã lăn xuống đường, làm cho sợi dây đứt rời tuột ra khỏi tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Khi ấy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa khóc vừa chạy lại tìm Đức Phụ-vương, đảnh lễ dưới bàn chân của Đức Phụ-vương tâu rằng:
– Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương ban hai con cho ông bà-la-môn già độc ác, khi Mẫu-hậu của hai con ngự đi tìm các loại trái cây trong rừng chưa về. Kính xin Đức Phụ-vương chờ đợi Mẫu-hậu trở về để hai con gặp Mẫu-hậu, rồi sau đó Đức Phụ-vương mới ban hai con cho ông bà-la-môn già độc ác ấy đem đi bán hoặc giết hai con cũng được.
– Tâu Đức Phụ-vương, thân hình ông bà-la-môn già có 18 tật nguyền xấu xí quái dị đáng ghê tởm như là loài phi nhân độc ác, hoặc loài dạ-xoa ăn thịt người. Chắc ông bà-la-môn ấy đến xin Đức Phụ-vương ban hai con cho ông để ăn thịt.
– Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương nhìn thân hình của hai con bị đánh sưng, bị sợi dây rừng siết chặt làm trầy da, đứt thịt, máu tươm ra chảy dài theo đường, con đau đớn quá! Đức Phụ-vương ơi!
– Tâu Đức Phụ-vương, thông thường các bậc làm cha, làm mẹ thấy con của mình đang bị đau khổ thì không thể nào không cảm động được. Chắc trái tim của Đức Phụ-vương được bọc bằng sắt rắn chắc, nên không còn rung động trước nỗi đau đớn khổ sở của hai con.
– Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương có biết hay không, ông bà-la-môn già ấy vô cùng độc ác, tàn nhẫn đánh đập, chửi mắng, vừa lôi hai con vừa đánh đập như lôi đàn bò vậy.
Hoàng-muội Kaṇhājinā chưa từng biết đau khổ, nay gặp nỗi khổ như thế này chắc chắn không thể chịu đựng được nổi, chắc có lẽ chết giữa đường thôi!
Vậy, xin Đức Phụ-vương chỉ ban một mình con cho ông bà-la-môn độc ác ấy mà thôi. Còn hoàng-muội Kaṇhājinā ở lại với Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu.
Hơn nữa, hoàng-muội Kaṇhājinā không thấy Mẫu-hậu, chắc không thể sống nổi được.
Khi nghe hoàng-tử Jāli tâu như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara làm thinh không truyền bảo lời nào cả.
Khi ấy, hoàng-tử Jāli than vãn đến Mẫu-hậu rằng:
– Dù chịu muôn vàn đau khổ như thế nào, con cũng có thể chịu đựng được, nhưng con không gặp được Mẫu-hậu, đó mới thật là nỗi đau khổ gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần mà con không sao chịu đựng nổi được.
Ôi! Khi Mẫu-hậu từ rừng trở về, không nhìn thấy con và hoàng-muội Kaṇhājinā dễ thương, Mẫu-hậu sẽ khổ tâm nhiều, khóc than thảm thiết đi tìm 2 con mà không gặp, Mẫu-hậu càng khổ tâm, sầu não vì thương nhớ 2 con, rồi sẽ ngủ không được, thân của Mẫu-hậu ngày một gầy yếu dần.
Khi ông bà-la-môn già độc ác dắt 2 con đi khỏi nơi này rồi, thì Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu sẽ buồn khổ nhớ thương 2 con, sinh khổ tâm sầu não khóc than suốt đêm dài làm cho cơ thể ngày một héo hon.
Hoàng-tử Jāli nói với công-chúa Kaṇhājinā rằng:
– Từ hôm nay, hai huynh muội ta bị rời khỏi nơi này, bỏ lại những cây ăn quả, những cây hoa rừng xinh đẹp, bến nước trong trẻo, những con búp bê xinh đẹp mà Đức Phụ-vương khéo tay làm ra, rồi ban cho huynh muội ta chơi trước đây.
Khi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang than vãn với nhau, thì ông bà-la-môn có đôi mắt đỏ ngầu cầm sợi dây và cây chạy lại đánh đập xối xả, chửi mắng thô lỗ, rồi lấy sợi dây cột tay hoàng-tử và công-chúa lôi đi.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chứng kiến cảnh tượng ông bà-la-môn Jūjaka độc ác đánh đập, lôi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā như vậy.
Hoàng-tử Jāli ngoảnh đầu lại sau tâu với Đức Phụ-vương rằng:
– Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương truyền bảo với Mẫu-hậu hai con rằng:
“Hai con được khỏe mạnh bình thường, cầu xin Mẫu-hậu thân tâm thường được an-lạc.”
Khi ấy, nỗi thống khổ cùng cực phát sinh lên đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, trái tim của Đức-Bồ-tát nóng lên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ toàn thân rung động vì nỗi thống khổ, không thể đứng vững được, đôi dòng lệ trào ra giàn giụa trên đôi mắt, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vào trong cốc lá nằm khóc than thảm thiết thật đáng thương xót.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nằm than vãn rằng:
“Hôm nay, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ta sẽ như thế nào? Hai con của ta khóc than, đói khát trên đường đi.
Thường mỗi buổi chiều, đến giờ ăn, hai con đói xin đồ ăn rằng: “Tâu Mẫu-hậu, hai con đói lắm rồi! Xin Mẫu-hậu ban đồ ăn cho hai con.”
Chiều nay, ai sẽ ban đồ ăn cho hai con của ta?
Trên con đường xa 60 do tuần, hai con ta đi chân đất, không mang dép, đôi bàn chân sưng lên làm cho đau đớn. Vậy ai dắt tay hai con ta đi?
Ông bà-la-môn Jūjaka đánh đập hành hạ, chửi mắng hai đứa con nhỏ trước mặt ta, mà không biết nể mặt ta chút nào, không biết ghê sợ tội lỗi.”
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:
“Ông bà-la-môn Jūjaka ấy thật là kẻ độc ác, ông đánh đập, chửi mắng hai đứa con nhỏ yêu quý của ta một cách tàn nhẫn như vậy, ta nên cầm thanh gươm đuổi theo giết chết y, rồi dẫn hai con của ta trở lại.”
Sở dĩ Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara suy nghĩ than vãn những điều như vậy, là vì quá thương yêu hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā, hai đứa con yêu quý nhất. Khi thấy ông bà-la-môn Jūjaka già đối xử tàn nhẫn với hai đứa con, tâm sân hận phát sinh khiến Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ chợt nảy ra ý định giết chết ông bà-la-môn Jūjaka già ấy rồi dẫn hai đứa con yêu quý trở về.
Cũng ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara liền thức tỉnh, nhớ lại truyền thống của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong quá khứ có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đều phải thực-hành đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí (Pañca mahāparicāga).
Nếu chưa thực-hành đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí này thì Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác chưa thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được.
Hiểu biết rõ như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tự nhủ mình rằng:
– Này Vessantara! Ngươi đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā, đó là một trong năm pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật mà chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn.
Khi ngươi đã thực-hành phạm-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý đến ông bà-la-môn Jūjaka rồi, ngươi đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
Nay, hai con của ngươi đã thuộc về sở hữu của ông bà-la-môn Jūjaka rồi! Ngươi nhìn thấy hai đứa con bị đau khổ, khiến ngươi sinh tâm sân sầu não cùng cực, mà phát sinh ý định giết chết ông bà-la-môn ấy, lấy lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ngươi trở về.
Đó là việc làm của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hay sao?
Thật ra, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí nào trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật rồi, sau đó không phát sinh tâm sân nóng nảy sầu não, mà chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ mà thôi.
Sau khi tự khuyên nhủ mình như vậy, tâm của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara được ổn định, vắng lặng được phiền-não, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phát nguyện với lời chân thật rằng:
“Dù ông bà-la-môn Jūjaka đối xử với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của ta như thế nào, thì ta vẫn nhẫn-nại giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.”
Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngự ra ngồi trước cửa cốc lá như tượng màu vàng.
Trên đường đi, hoàng-tử Jāli than vãn với hoàng-muội Kaṇhājinā rằng:
– Đôi chân nhỏ của hai huynh muội chúng ta đã mỏi rã rời, mà đường thì còn xa tít, hai huynh muội chúng ta đi không nổi nữa, mặt trời thì sắp lặn, hai huynh muội chúng ta mệt lử, bước chân đi không nổi, vừa đói bụng vừa khát nước quá!
Sau đó hoàng-tử Jāli cầu xin chư-thiên rằng:
– Hai huynh muội chúng tôi xin kính lạy tất cả chư-thiên ngự trong rừng núi Himavanta, ngự trên các cội cây, ngự nơi bến hồ, … kính xin quý vị chư-thiên đến tâu cho Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi biết rằng:
“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của bà vẫn bình thường, ông bà-la-môn già độc ác, tàn nhẫn đang dẫn hai người con của bà đi trên con đường nhỏ đủ một người đi.”
– Thưa các vị chư-thiên, xin quý vị tâu với Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi rằng:
“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nếu Bà muốn đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā thì xin Bà đi theo con đường nhỏ đủ một người đi, từ cốc lá ngự đi nhanh theo dấu chân, chắc chắn Bà sẽ gặp hoàng-tử và công-chúa ở giữa đường.”
Sau khi tha thiết khẩn khoản chư-thiên giúp tâu với Mẫu-hậu Maddī của mình, rồi than vãn và hy vọng Mẫu-hậu Maddī đến giúp đỡ rằng:
“Ôi! Khi Mẫu-hậu từ rừng trở về cốc lá không nhìn thấy hai con ra đón, nhìn thấy cốc lá vắng vẻ, không thấy bóng hai con, chắc chắn Mẫu-hậu sẽ khổ tâm lắm!
Mẫu-hậu ơi! Ông bà-la-môn già độc ác, cột tay hai con bằng sợi dây rừng, đánh đập, chửi mắng hai con, lôi đi như đàn bò.
Xin Mẫu-hậu mau đến kịp chiều nay, đem trái cây cho ông bà-la-môn già ăn no đủ, rồi xin ông lôi đi chậm chậm, bởi vì hai bàn chân của hai con đã sưng lên, đau đớn, nhức nhối không chịu nổi được nữa. Còn cổ tay của hai con bị ông bà-la-môn già cột chặt bằng sợi dây rừng, làm trầy da, đứt thịt, máu chảy rơi theo đường, hai con đau nhức quá! Mẫu-hậu ơi!
Xin Mẫu-hậu đến mau để cứu hai con với!”
Khi ấy, nhóm chư-thiên ngự tại rừng núi Himavanta nghe lời than vãn những nỗi khổ của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Nhóm chư-thiên bàn bạc với nhau rằng:
“Lúc mặt trời chưa lặn, nếu nữ đạo-sĩ Maddī từ rừng trở về không nhìn thấy hai con, nữ đạo-sĩ sẽ tâu hỏi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, biết Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã bố-thí hai đứa con cho ông bà-la-môn Jūjaka dẫn đi rồi, chắc chắn nữ đạo-sĩ Maddī sẽ đi theo dấu chân hai con, với năng lực của mẫu tử tình thâm, nữ đạo-sĩ sẽ phát sinh nỗi thống khổ cùng cực.”
Cho nên, chư Thiên-vương truyền lệnh cho ba vị thiên-nam hóa ra ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo chặn đường trở về của nữ đạo-sĩ Maddī cho đến khi mặt trời lặn, rồi mới tránh đường cho nữ đạo-sĩ Maddī đi về. Sau đó, ba vị thiên-nam sẽ đi theo sau bảo vệ nữ đạo-sĩ Maddī về cốc lá được an toàn bằng ánh sáng trăng rằm.
Ba vị thiên-nam thi hành theo lệnh, biến hóa ra con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn đường không để cho nữ đạo-sĩ Maddī trở về cốc lá, lúc ban chiều.
Nữ đạo-sĩ Maddī đi trở về
Khi ấy, nữ đạo-sĩ Maddī đang trên đường trở về cốc lá, gặp ba con thú dữ ấy chặn đường, mới nghĩ rằng:
“Đêm qua, ta nằm thấy ác mộng hãi hùng, sáng nay gặp những điều không may xảy ra: Cái mai đang cầm trong tay bị rơi ra, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ ràng.”
Nữ đạo-sĩ Maddī nghĩ rằng:
“Điều gì sẽ xảy ra? Trước đây chưa từng có như vậy.
Vậy, điều gì xảy ra với ta, với Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân, với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của ta?”
Khi ấy, mặt trời sắp lặn, nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi trái cây trên con đường trở về cốc lá, để phục vụ bữa ăn chiều cho Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý đang chờ đợi.
Trên đường, nữ đạo-sĩ Maddī gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn con đường nhỏ đủ một người đi, nên không thể tránh sang con đường nào khác được, nữ đạo-sĩ Maddī cung kính ba chúa sơn lâm này, tha thiết khẩn khoản rằng:
“Tôi vốn là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī của Đức-vua Vessantara bị lưu đày đến sống trong núi Vaṅka này, tôi dẫn theo hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đi theo phục vụ Đức Phu-quân của tôi.
Xin quý chúa sơn lâm có tâm từ, tâm bi nhường đường cho tôi đem các thứ trái cây trở về phục vụ bữa ăn chiều cho Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý của tôi.”
Ba chúa sơn lâm vốn là ba vị thiên-nam nghe lời cầu xin tha thiết khẩn khoản của nữ đạo-sĩ Maddī, ba vị thiên-nam cảm thấy vô cùng cảm động, nhưng vì phận sự nên phải chặn đường cho đến khi mặt trời lặn mới tránh đường, và đi theo bảo vệ nữ đạo-sĩ Maddī trở về đến cốc lá bằng ánh sáng trăng rằm được an toàn.
Nữ đạo-sĩ Maddī đi về đến gần chỗ ở của mình, không nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đứng chờ đón như mỗi buổi chiều. Nữ đạo-sĩ Maddī hồi hộp bước đi theo con đường mòn dưới ánh trăng mờ, cảnh vật đêm nay vắng vẻ lạ thường không một tiếng kêu của các loài vật, một cảnh tượng thật đáng rùng rợn chưa từng có trước đây.
Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi trước cốc như pho tượng, nữ đạo-sĩ Maddī đến cung kính tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của thần-thiếp ở đâu? Thần-thiếp không thấy 2 đứa con yêu quý đón thần-thiếp như mỗi chiều.
Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im không nói lời nào.
Nữ đạo-sĩ Maddī tâu lại rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, 2 đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc lá của Hoàng-thượng phải không?
Nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, đến lần thứ ba, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng như trước.
Nữ đạo-sĩ Maddī khóc than vãn rằng:
“Sở dĩ chiều nay ta đem trái cây về trễ là vì trên đường về gặp ba thú dữ nằm chặn đường. Con đường nhỏ đủ một người đi, nên ta không còn con đường nào khác để tránh chúng được, chờ đến khi mặt trời lặn, chúng mới chịu tránh đường, nên ta mới trở về trễ.”
Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Thần-thiếp đã tâu nhiều lần, nhưng Hoàng-thượng vẫn làm thinh, không nói lời nào, làm cho thần-thiếp đang khổ lại càng thêm khổ gấp bội.
Dưới ánh trăng, nữ đạo-sĩ Maddī khóc than thảm thiết đi vào trong rừng tìm những nơi mà hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thường đến chơi, đi qua hồ nước, tìm khắp mọi nơi trong rừng mà vẫn không tìm thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đâu cả!
Nữ đạo-sĩ Maddī trở lại cốc lá của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Hai đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc của Hoàng-thượng phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị thú rừng bắt ăn thịt rồi phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị người ta bắt dẫn đi rồi phải không?
Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu hỏi như vậy đã nhiều lần, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng.
Khi ấy, nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp có lỗi gì mà Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp một lời nào. Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp đó là nỗi thống khổ cùng cực nhất đối với thần thiếp.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền hỏi nữ đạo-sĩ Maddī rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Tại sao hôm nay đến tối mới trở về?
Nữ đạo-sĩ Maddī thuật lại những sự việc xảy ra hôm nay rằng:
– Muôn Tâu Hoàng-thượng, hôm nay, Hoàng-thượng có nghe tiếng rống của con sư tử, con cọp, con báo, con voi, con trâu rừng, con chó rừng, v.v… trời sấm sét vang rền khắp mọi nơi.
Những hiện tượng báo trước những điều không may xảy ra với thần-thiếp ở trong rừng như: Cái mai trong tay bị rơi khỏi tay, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ ràng.
Thần-thiếp phát sinh tâm sợ hãi, nên cầu nguyện chư-thiên hộ trì Đức đạo-sĩ Vessantara, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp được an toàn, thân tâm được an-lạc.
Buổi chiều trên con đường từ rừng trở về, thần-thiếp gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con cọp, con báo nằm chặn con đường nhỏ chỉ đủ một người đi, nên thần-thiếp không còn đường nào khác để tránh chúng được.
Thần-thiếp đã cầu xin ba con chúa sơn lâm nhường đường cho thần-thiếp trở về, mãi cho đến lúc mặt trời lặn, ba con chúa sơn lâm mới chịu tránh đường, nên thần-thiếp mới trở về được.
Đó là nguyên nhân mà thần-thiếp về trễ. Kính xin Hoàng-thượng tha lỗi cho thần-thiếp.
Nữ đạo-sĩ Maddī ngồi than vãn đủ điều mà Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ vẫn ngồi lặng yên như pho tượng. Lòng nôn nóng muốn nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nữ đạo-sĩ Maddī vừa khóc than vừa đi vào rừng với ánh trăng, cố gắng tìm khắp mọi nơi mà hai đứa con yêu quý đã từng đến chơi, với hy vọng mong manh gặp được hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā.
Nữ đạo-sĩ Maddī vừa khóc than thảm thiết vừa thất tha thất thểu đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā quanh quẩn suốt đêm, mệt lử cả người, thất vọng trở về đứng trước cốc, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi yên như pho tượng, nữ đạo-sĩ Maddī khóc than nức nở rằng:
“Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp chết rồi hay sao?” Nữ đạo-sĩ Maddī ngất xỉu ngã lăn xuống mặt đất chết giấc. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng:
“Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī như thế nào?”
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bước xuống, đi đến đặt tay phải lên trên trán nữ đạo-sĩ, biết cảm giác còn hơi ấm, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đem nước rưới lên mặt. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara không đụng chạm vào thân thể nữ đạo-sĩ Maddī suốt bảy tháng qua, nhưng do năng lực của tâm sầu não, quá cảm động nên trào hai dòng nước mắt, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đưa tay nâng thân hình tiều tuỵ của nữ đạo-sĩ Maddī đặt nằm trên vế, rồi rưới nước lên mặt.
Một lát sau nữ đạo-sĩ Maddī tỉnh lại, cảm thấy hổ thẹn, nên đảnh lễ Đức đạo-sĩ, tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của Hoàng-thượng ở đâu?
Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này nữ đạo-sĩ! Xin lỗi nữ đạo-sĩ, bần đạo đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý đến cho ông bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.
Vậy, xin nữ đạo-sĩ Maddī phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng này.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí con yêu quý đến cho ông bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Sao Hoàng-thượng không truyền bảo cho thần-thiếp biết ngay từ đầu hôm vậy?
Đức Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền bảo rằng:
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Sở dĩ bần đạo không dám truyền bảo cho nữ đạo-sĩ biết ngay từ đầu hôm là vì bần đạo e ngại, nếu nữ đạo-sĩ biết như vậy thì sẽ không ngăn được sự khổ tâm cùng cực làm cho trái tim bị vỡ ra.
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ pháp-hạnh đại-thí con yêu quý để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.
Xin nữ đạo-sĩ không nên buồn khổ nữa. Bần đạo hy vọng rằng chúng ta sẽ gặp lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai con yêu quý của chúng ta.
– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Bần đạo có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ chúng-sinh thoát khỏi biển khổ luân-hồi, nếu có người nào đến xin đôi mắt của bần đạo thì bần đạo móc đôi mắt ban cho người ấy ngay, nếu người nào đến xin trái tim của bần đạo thì bần đạo dám mổ ngực lấy trái tim ban cho người ấy ngay.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, nay thần-thiếp cảm thấy vô cùng hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng của Hoàng-thượng.
Kính xin Hoàng-thượng nên thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, để hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.
– Muôn tâu Hoàng-thượng, phần đông mọi người có tính keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, con cái của mình, còn Hoàng-thượng là bậc luôn luôn hoan hỷ thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý là một pháp trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
Đó là điều phi thường chưa từng có làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên các cõi trời dục-giới đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu! Chư Đức-vua-trời cõi trời dục-giới cũng đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu!
Nữ đạo-sĩ Maddī suy xét rằng:
“Tuy người mẹ là người mang thai 10 tháng sinh ra con, nuôi dưỡng con bằng bầu sữa mẹ, ẵm bồng, chăm sóc nuôi nấng con khôn lớn, nhưng người cha vẫn là người chủ của người con. Cho nên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara thực-hành pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cho ông bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Đó là pháp-hạnh khó thực-hành mà không phải người nào cũng có khả năng thực-hành như vậy được.
Vậy, ta nên bày tỏ đại-thiện-tâm hoan hỷ.”
Do suy xét như vậy, nên nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp thành tâm nói lên lời hoan hỷ “Sādhu!” với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Hoàng-thượng.
Đức-Vua-trời Sakka hỗ trợ
Đức-vua-trời Sakka thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī phát sinh đại-thiện-tâm cùng nhau hoan hỷ pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất (piyaputtamahādāna) trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:
“Hôm qua, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất đến ông bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, làm cho trái đất rung chuyển, các hàng chư-thiên từ các cõi trời dục-giới cho đến các cõi trời sắc-giới phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên lời “Sādhu!” tán dương ca tụng vang rền khắp toàn cõi trời.
Sau này, nếu có người nào đến hầu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, xin nữ đạo-sĩ Maddī thì Đức-Bồ-tát đạo-sĩ cũng sẽ ban nữ đạo-sĩ Maddī cho người ấy dẫn đi nơi khác.
Nếu như vậy thì Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chỉ còn một mình, không có người hộ độ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nữa.
Không muốn điều ấy sẽ xảy ra đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, ta nên biến hóa thành vị bà-la-môn đến chầu đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, rồi xin nữ đạo-sĩ Maddī, để cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara thành tựu pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý (piyabhariyāmahā-dāna), để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.
Sau đó, ta sẽ kính dâng nữ đạo-sĩ Maddī trở lại đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.
Sau khi nghĩ như vậy xong, vào lúc mặt trời mọc Đức-vua-trời Sakka từ cõi trời Tam-thập-Tam-thiên xuất hiện xuống cõi người biến hóa thành vị bà-la-môn đến chầu đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara có sự hiện diện của nữ đạo-sĩ Maddī, rồi tâu rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Ngài có ít bệnh phải không? Tứ đại của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ được điều hòa, thân tâm của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thường được an-lạc, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ trú tại nơi núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày phải không?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này bà-la-môn! Bần đạo có ít bệnh, tứ đại của bần đạo được điều hòa, thân tâm thường được an-lạc, bần đạo trú tại núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày.
Trú tại rừng núi Vaṅka này suốt bảy tháng qua, hôm nay bần đạo hân hạnh gặp được ông là vị bà-la-môn có phẩm hạnh cao quý thứ hai.
– Này bà-la-môn! Ông đến nơi này hợp thời đúng lúc, xin mời ông vào bên trong, mời ông ngồi dùng các loại trái cây, dùng nước một cách tự nhiên.
– Này bà-la-môn! Ông đã vất vả đi đến đây có nguyện vọng gì, xin ông nói cho bần đạo rõ được không?
Vị bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) tâu tán dương Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, dòng nước sông lúc nào cũng tràn đầy, không bao giờ khô cạn như thế nào, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara có đầy tâm-từ, tâm bi tế độ đến những kẻ hành khất cũng như thế ấy.
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, kẻ tiện dân này già yếu, đến đây có nguyện vọng muốn xin Đức-đạo-sĩ ban nữ đạo-sĩ Maddī cho kẻ tiện dân này. Đó là nguyện vọng của kẻ tiện dân già yếu này đến chầu Đức-đạo-sĩ sáng hôm nay.
Đức-Bồ-Tát đạo-sĩ thực-hành pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý
Nghe bà-la-môn tâu xin như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:
– Này bà-la-môn! Ngày hôm qua, bần đạo đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý nhất của bần đạo rồi.
Nay, dù chỉ còn nữ đạo-sĩ Maddī vốn là Chánh-cung Hoàng-hậu yêu quý của bần đạo mà thôi, bần đạo cũng hoan hỷ truyền bảo cho ông biết rằng:
– Này bà-la-môn! Ông chắc chắn sẽ được toại nguyện. Bần-đạo vô cùng hoan hỷ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đến cho ông với đại-thiện-tâm không hề nao núng, bởi vì bần đạo vô cùng hoan hỷ thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara đem bình nước ra, một tay cầm bình nước còn tay kia nắm tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, Đức-vua Bồ-tát rót nước từ bình chảy xuống bàn tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, rồi chảy xuống bàn tay vị bà-la-môn.
Đó là nghi lễ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho vị bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka).
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã thành tựu pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piya-bhariyāmahādāna) của Đức-Bồ-tát trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.
Pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là 1 trong 5 pháp-hạnh đại-thí mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara có cơ hội tốt, duyên may đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ.
Sau khi thực-hành pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo với ông bà-la-môn rằng:
“Ambho Brahmaṇa! Maddito me sataguṇena sahassaguṇena satasahassaguṇena sabbaññutañ-ñāṇameva piyataraṃ. Idaṃ me dānaṃ Sabbaññu-taññāṇappaṭivedhassa paccayo hotu.[4] ”
– Này ông bà-la-môn! Bần-đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.
Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý này của bần đạo xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Toàn-Giác.
Khi ấy, do oai lực của pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đến cho ông bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) làm cho trái đất rùng mình chuyển động, trên bầu trời sấm sét vang rền, đỉnh núi Sineru (Tu-di-sơn) cúi xuống núi Vaṅka tỏ sự cung kính, toàn thể chư-thiên ngự trên mặt đất đều tán dương ca tụng bằng lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Chư Đức-vua-trời các cõi trời dục-giới cùng toàn thể chư-thiên cõi dục-giới đều chắp tay nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Chư Phạm-thiên cõi trời sắc-giới cũng đều nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!
Còn nữ đạo-sĩ Maddī vốn là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ trạng-thái tự nhiên, mặt không hề biến sắc, không tỏ vẻ không vừa lòng Đức phu-quân của mình, không lộ vẻ ngượng ngùng, cũng không hề rơi nước mắt, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī có đức tính nhẫn-nại tự nhiên.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn tự nhiên, làm thinh không nói lời nào. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara hiểu biết được đức tính cao thượng của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý (piyaputtamahādāna) là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn nhỏ, và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piyabhariyāmahādāna) là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tế độ cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ luân-hồi.
Sự thật, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rất yêu thương hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nhưng vì có ý nguyện tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, nên Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phải thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con nhỏ yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, để bồi bổ cho được đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.
Cho nên, ngôi vị Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là mục đích Tối-thượng mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara yêu quý hơn cả hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.
Hiểu biết được mục đích Tối-thượng của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phu-quân của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hoan-hỷ hỗ trợ cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Phu-quân của mình được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ thái độ tự nhiên.
Khi ấy, thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phu-quân, nhìn thẳng vào khuôn mặt của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī dõng dạc tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp còn trẻ đẹp, là Chánh-cung Hoàng-hậu của Hoàng-Thượng.
Vậy, Hoàng-thượng là Đức Phu-quân cũng là Đức chủ-nhân của thần-thiếp. Cho nên, Hoàng-thượng muốn ban thần-thiếp đến cho vị nào, hoặc đem sinh-mạng của thần-thiếp hiến dâng đến vị nào, tùy theo ý của Hoàng-thượng.
Thần-thiếp vô cùng hoan hỷ thuận theo ý của Hoàng-thượng, chỉ để giúp cho Hoàng-thượng được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Hoàng-thượng mà thôi.
Hiểu biết được đại-thiện-tâm vô cùng cao thượng của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī, nên vị bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Ngài đã thắng được kẻ thù bên trong tâm là mọi phiền-não và cảm thắng được kẻ thù bên ngoài là loài người và chư-thiên, nên làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, Đức-vua-trời trong cõi trời dục-giới cùng với chư-thiên trong cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đến tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara. Tất cả chư-thiên, phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên rằng:
“Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý nhất, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.”
Đó là những pháp-hạnh đại-thí khó thực-hành, chỉ có chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mới có thể thực-hành những pháp-hạnh đại-thí này được mà thôi. Những hạng người thường không thể nào thực-hành được.
Cho nên, các pháp-hạnh ba-la-mật của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác là cao thượng, khác hẳn với việc làm của những hạng người thường.
Sau khi nói lời hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara xong, vị bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:
“Bây giờ, ta nên dâng nữ đạo-sĩ Maddī vốn là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ”, nên tâu rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, hôm qua Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất, hôm nay Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã thực-hành pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất, làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, chư-thiên trong các tầng trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đều tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nay tôi xin kính dâng nữ đạo-sĩ Maddī vốn là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ, bởi vì Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ và nữ đạo-sĩ Maddī đều là hai bậc đại-thiện-trí thực-hành phạm-hạnh cao thượng, hai bậc đại-thiện-trí đều thuộc dòng dõi vua chúa.
Hằng ngày, nữ đạo-sĩ Maddī hộ độ, phục vụ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương vốn là Đức-Vua-trời Sakka xuất hiện đến nơi này, biến hóa thành vị bà-la-môn, chỉ cốt để hỗ-trợ giúp Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ thực-hành pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất cho thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ mà thôi.
Khi ấy, vị bà-la-môn biến trở lại thành Đức-vua-trời Sakka đứng trên hư không tâu với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương sẽ kính dâng đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ 8 ân huệ.
Kính xin Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhận lấy 8 ân huệ của bổn vương.
Tám ân huệ
Nghe Đức-vua-trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:
– Tâu Đức-vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập-tam-thiên có nhiều oai lực, nếu Đức-vua-trời ban 8 ân-huệ cho bần đạo, thì bần đạo xin nhận 8 ân-huệ như sau:
1- Kính xin Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya là Đức Phụ-vương của bần đạo ngự đến nơi đây, truyền ngôi báu lại cho bần đạo, rồi đón rước bần đạo cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.
Đó là ân-huệ thứ nhất mà bần đạo xin nhận.
2- Khi trở thành Đức-vua trị vì kinh-thành Jettutara, bần đạo sẽ ân xá tất cả mọi tù nhân có tội tử hình, vì không muốn phạm tội sát-sinh.
Đó là ân-huệ thứ nhì mà bần đạo xin nhận.
3- Thần dân thiên hạ trong nước, nếu là người lão niên, trung niên, ấu niên nghèo khổ không nơi nương tựa, tất cả những người ấy sẽ nương nhờ nơi Đức-vua, để có cuộc sống no đủ.
Đó là ân-huệ thứ ba bần đạo xin nhận.
4- Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā là hai đứa con yêu quý nhất của bần đạo sẽ được gặp trở lại, sẽ được sống lâu, sẽ lên ngôi vua trị vì đất nước Sivi bằng chánh-pháp.
Đó là ân-huệ thứ tư mà bần đạo xin nhận.
5- Bần-đạo khi trở thành Đức-vua chỉ có một Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mà thôi, và không bị ở trong sự cám dỗ của đàn bà.
Đó là ân-huệ thứ năm mà bần đạo xin nhận.
6- Khi đêm đã qua, mặt trời mọc, xin cho vật thực trời hiện ra cho bần đạo.
Đó là ân-huệ thứ sáu mà bần đạo xin nhận.
7- Khi bần đạo trở thành Đức-vua tạo phước-thiện bố-thí bao nhiêu đi nữa, của cải tài sản cũng không vơi đi chút nào, lúc nào trong các kho cũng đầy đủ của cải.
Khi đang bố-thí với đại-thiện-tâm hoan hỷ, sau khi đã bố-thí rồi với đại-thiện-tâm càng hoan hỷ, không hối tiếc, không nóng nảy khổ tâm về sau.
Đó là ân-huệ thứ bảy mà bần đạo xin nhận.
8- Khi bần-đạo hết tuổi thọ kiếp hiện-tại này, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên), rồi từ cõi Tusita chuyển kiếp (cuti), tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) làm người là kiếp chót sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, sẽ tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa.
Đó là ân-huệ thứ tám mà bần đạo xin nhận.
Lắng nghe 8 điều ân-huệ mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara xin nhận, Đức-vua-trời Sakka xét thấy cả 8 điều ân-huệ ấy đều được thành tựu như ý, nên tâu rằng:
– Kính bạch Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya không lâu sẽ ngự đến đây, sẽ truyền ngôi vua lại cho Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ, rồi đón rước trở về kinh-thành Jetuttara. Những điều ân-huệ khác cũng sẽ được thành tựu như ý.
Sau khi ban 8 điều ân-huệ xong, Đức-vua-trời Sakka ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Hoàng-tử Jāli, Công-chúa Kaṇhājinā
Ông Bà-la-môn Jūjaka cầm sợi dây và cây dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi suốt một đoạn đường dài 60 do tuần, có chư-thiên theo bảo vệ hộ trì hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā suốt ngày đêm.
Mỗi ngày, đến khi mặt trời lặn, ông bà-la-môn Jūjaka cột hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā tại gốc cây, nằm ngủ trên mặt đất, còn ông leo lên cây nằm ngủ trên cành cây, vì sợ các thú dữ làm hại ông.
Mỗi đêm, một vị thiên-nam hóa ra làm Đức-vua Bồ-tát Vessantara và một vị thiên-nữ hóa làm Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hiện đến mở dây cột tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, rồi xoa bóp toàn thân thể hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, tắm rửa sạch sẽ, trang điểm đẹp đẽ, cho dùng vật thực chư-thiên, rồi ẵm lên đặt trên giường của chư-thiên như trong một lâu đài, nằm ngủ cho đến lúc rạng đông. Hoàng-tử và công-chúa trở lại bị cột dây như cũ, còn hai vị chư-thiên biến mất.
Nhờ vậy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā vẫn khoẻ mạnh không có bệnh.
Sáng dậy, ông Bà-la-môn Jūjaka leo xuống đất, ăn trái cây, uống nước, rồi tiếp tục dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi. Đến đoạn đường có hai ngã rẽ:
* Một ngã đến đất nước Kāliṅga.
* Một ngã đến kinh-thành Jetuttara.
Chư-thiên khiến ông bà-la-môn Jūjaka không rẽ theo ngã đường đến đất nước Kāliṅga mà rẽ theo ngã đường đến kinh-thành Jetuttara, mà ông tưởng rằng đi trở về đất nước Kāliṅga.
Ông bà-la-môn Jūjaka dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến kinh-thành Jetuttara chỉ có nửa tháng mà thôi. Đó là do oai lực của chư-thiên thâu ngắn đường.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nằm mộng
Đêm hôm ấy gần rạng đông, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nằm mộng thấy rằng:
“Đức Thái-thượng-hoàng đang ngự trên sân rồng, nhìn thấy một ông bà-la-môn già da đen đem hai đóa hoa sen đến đặt trong tay của Đức Thái-thượng-hoàng. Nhận hai đóa hoa sen, Đức Thái-thượng-hoàng trang điểm hai bên lỗ tai, nhuỵ hai đóa hoa sen rơi xuống ngực.”
Khi tỉnh giấc, sáng sớm thức đậy, Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo mời các vị quân sư đến đoán mộng.
Các vị quân sư tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, đây là giấc mộng lành, có hai người trong hoàng tộc của Đức Thái-thượng-hoàng từ xa trở về.
Nghe các vị quân sư suy đoán như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng vô cùng hoan hỷ ban thưởng cho các quân sư.
Đức Thái-thượng-hoàng tắm rửa, độ bữa ăn sáng xong, ngự đến ngồi tại sân rồng. Chư-thiên khiến ông bà-la-môn Jūjaka dắt hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến trước sân rồng.
Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng nhìn thấy hai đứa bé, một bé trai giống như hoàng-tử Jāli và một bé gái giống như công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa bé rất xinh đẹp dễ thương, ăn mặc như đạo-sĩ.
Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo vị quan cận thần ra dẫn ông bà-la-môn và hai đứa bé vào.
Vâng lệnh Đức Thái-thượng-hoàng, vị quan cận thần dẫn ông bà-la-môn và hai đứa trẻ vào chầu Đức Thái-thượng-hoàng.
Nhìn thấy ông bà-la-môn nắm dây dắt hai đứa bé như dắt đàn bò vào chầu, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya nhận biết ngay hai đứa bé ấy chính là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, cháu đích tôn của mình, nên truyền hỏi rằng:
– Này ông bà-la-môn! Ngươi từ đâu đến? Ngươi có được hai đứa bé này bằng cách nào? Ngươi hãy mau tâu cho Trẫm rõ?
Nghe lệnh truyền của Đức Thái-thượng-hoàng như vậy, ông bà-la-môn Jūjaka hoảng sợ tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, kẻ hèn này từ rừng núi Vaṅka đến, kẻ hèn đi đến rừng núi Vaṅka, xin Đức-đạo-sĩ Vessantara ban hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā này. Đức-đạo-sĩ hoan hỷ ban hai đứa con yêu quý nhất này cho kẻ hèn. Từ rừng núi Vaṅka, kẻ hèn đã dắt hoàng-tử và công-chúa đến đây suốt 15 ngày qua. Tâu Đại-vương.
Nghe ông Bà-la-môn tâu như vậy, nhưng Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya không tin đó là sự thật, nên truyền hỏi lại rằng:
– Này bà-la-môn! Trẫm không thể tin lời của ngươi là sự thật, bởi vì trong đời này không có người cha nào chịu đem hai đứa con nhỏ yêu quý nhất của mình cho người khác được.
Vậy, ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ, lý do nào mà ngươi có được hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā này.
Ông bà-la-môn Jūjaka tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đức-vua Vessantara là nơi nương nhờ của những kẻ hành khất ví như mặt đất là nơi nương nhờ của tất cả chúng-sinh muôn loài, ví như đại dương là nơi nương nhờ của các loài thủy tộc.
Đức-vua Vessantara trú trong rừng núi Vaṅka đã bố-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kahajinā đến cho kẻ tiện dân này đem về làm tôi tớ cho người vợ trẻ đẹp yêu quý của kẻ tiện dân.
Nghe ông bà-la-môn Jūjaka tâu như vậy, các quan bàn tán với nhau rằng:
“Đức-vua Vessantara bị lưu đày ở rừng núi Vaṅka, chỉ có hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thế mà cũng đem bố-thí đến ông bà-la-môn này. Đó là điều không thể có được.”
Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi hai đứa cháu đích tôn rằng:
– Này hai cháu yêu quý! Đức Phụ-vương của hai cháu đem hai cháu bố-thí đến ông bà-la-môn hành khất này với tâm trạng như thế nào?
Nghe vua nội truyền hỏi như vậy, hoàng-tử Jāli tâu:
– Muôn tâu Đức-vua nội, khi Đức Phụ-vương đã đem hai cháu bố-thí đến kẻ hành khất bà-la-môn này rồi, nghe tiếng khóc than của hoàng-muội Kaṇhājinā, Đức Phụ-vương của hai cháu phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, đôi mắt đỏ ngầu chảy hai dòng nước mắt như hai dòng nước nóng.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi tiếp rằng:
– Này hai cháu yêu quý của vua nội! Đức Phụ-vương của hai cháu là Thái-tử của vua nội, Mẫu-hậu của hai cháu là vương-phi (con dâu) của vua nội.
Vậy, hai cháu là cháu đích tôn của vua nội.
Trước đây, hai cháu thấy vua nội, liền chạy đến ngồi trên vế của vua nội. Sao bây giờ, hai cháu đứng xa vua nội như vậy?
Hoàng-tử Jāli tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua nội, Đức Phụ-vương của hai cháu là Thái-tử của Đức-vua nội, Mẫu-hậu của hai cháu là vương-phi của Đức-vua nội, và hai cháu là cháu đích tôn của Đức-vua nội. Nhưng bây giờ hai cháu là tôi tớ của ông bà-la-môn này, không còn là cháu của Đức-vua nội nữa.
Vì vậy, hai cháu phải đứng xa Đức-vua nội.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya khổ tâm truyền bảo rằng:
– Này hai cháu yêu quý của vua nội! Hai cháu chớ nên tâu như vậy, làm cho trái tim của vua nội bị đau nhói, thân thể của vua nội nóng như ngồi trên lò than nóng, thân tâm của vua nội cảm thấy đau khổ, nỗi thống khổ cùng cực.
– Này hai cháu yêu quý của vua nội! Với bất cứ giá nào, vua nội cũng chuộc hai cháu yêu quý ra, không còn là tôi tớ của ông bà-la-môn này.
– Này Jāli cháu yêu quý của vua nội! Khi bố-thí hai cháu yêu quý cho ông bà-la-môn này, Đức Phụ-vương của cháu có truyền bảo, mỗi cháu cần phải chuộc bao nhiêu hay không? Cháu nên tâu cho vua nội rõ, để vua nội truyền quan giữ kho đem của cải đến để chuộc hai cháu yêu quý của vua nội ra, không còn là tôi tớ của ông bà-la-môn này.
Hoàng hoàng-tử Jāli tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua nội, khi Đức Phụ-vương bố-thí hai cháu cho ông bà-la-môn già này, nếu muốn chuộc hai cháu ra khỏi kiếp tôi tớ của ông bà-la-môn này thì Đức-vua nội cần phải trao cho ông bà-la-môn này một số của cải như sau:
* Về phần cháu, Đức-vua nội cần phải trao cho ông bà-la-môn này 1.000 lượng vàng.
* Về phần hoàng-muội Kaṇhājinā dễ thương, cần phải trao cho ông bà-la-môn này 100 tớ gái, 100 tớ trai, 100 con bò sữa, 100 con bò đực, và các thứ khác, mỗi thứ 100.
Nghe hoàng-tử Jāli tâu như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh vị quan giữ kho lấy 1.000 lượng vàng, dẫn 100 tớ gái, 100 tớ trai, dắt 100 con bò sữa, 100 con bò đực, đồ dùng, đồ ăn, đồ uống, v.v… ban cho ông bà-la-môn Jūjaka, để chuộc lại hai đứa cháu đích tôn ra khỏi kiếp tôi tớ của ông bà-la-môn Jūjaka.
Đức Thái-thượng-hoàng còn ban cho ông bà-la-môn Jūjaka một lâu đài bảy tầng. Từ đó ông bà-la-môn Jūjaka có nhiều vàng, có nhiều tớ trai, tớ gái và các thứ của cải.
Ông bà-la-môn Jūjaka vô cùng hoan hỷ có được những thứ của cải quý báu, ở trong lâu đài sang trọng có nhiều người hầu hạ, ăn những món ngon vật lạ mà cuộc đời của ông không bao giờ dám mơ tưởng được.
Khi ấy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā được tự do, thoát khỏi tôi tớ của ông bà-la-môn Jūjaka.
Hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā được tự do
Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā không còn là tôi tớ của ông bà-la-môn Jūjaka nữa, trở lại là cháu đích tôn Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya. Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được tắm rửa sạch sẽ, mặc những trang phục của hoàng-tử, của công-chúa, ăn uống những món ăn ngon lành, rồi hoàng-tử lên ngồi trên vế của Đức-vua nội, công-chúa lên ngồi trên vế của bà nội.
Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī truyền hỏi rằng:
– Này hai cháu yêu quý của vua nội! Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu được khỏe mạnh phải không? Các loài thú dữ trong rừng có đến làm hại không?
Hằng ngày, Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu và hai cháu sống bằng các loại trái cây rừng, các loại củ có được đầy đủ hay không?
Hoàng hoàng-tử Jāli tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua nội, bà nội, Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu vẫn khoẻ mạnh như thường. Các loài thú dữ trong rừng không đến làm hại gì cả.
Hằng ngày, mỗi buổi sáng, Mẫu-hậu của hai cháu là nữ đạo-sĩ thức dậy sớm, mang nồi xuống sông lấy nước uống, nước dùng đầy đủ, rồi dẫn hai cháu đến ở với Đức Phụ-vương. Mẫu-hậu một mình mang gùi trên vai, tay cầm cây mai ngự đi vào rừng tìm các loại trái cây, các loại củ, đến buổi chiều mang về dâng lên Đức Phụ-vương; rồi Đức Phụ-vương, Mẫu-hậu và hai cháu dùng bữa ăn chiều, còn dành lại một phần trái cây để dùng vào buổi sáng ngày hôm sau.
– Muôn tâu Đức-vua nội, bà nội, Mẫu-hậu của hai cháu vốn là công-chúa có thân hình mảnh mai, đảm đang việc nuôi dưỡng Đức Phụ-vương và hai cháu hằng ngày, nên thân hình trở nên tiều tụy, da dẻ rám nắng.
Mỗi ngày, Mẫu-hậu của hai cháu một mình ngự đi vào rừng có nhiều loài thú dữ, các loài rắn độc đầy nguy hiểm đến sinh-mạng.
Còn Đức Phụ-vương của hai cháu là đạo-sĩ cao thượng, mặc da cọp, nằm trên mặt đất, ăn mỗi ngày một bữa vào buổi chiều, đi vào rừng tìm củi, và chăm nom săn sóc hai cháu, cũng chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực.
Lắng nghe lời thỏ thẻ của hoàng-tử Jāli diễn tả đời sống vất vả khổ cực của Vương-phi Maddī (người con dâu hiền) và Thái-tử Vessantara, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī vô cùng cảm động rơi đôi dòng nước mắt.
Khi ấy, hoàng-tử Jāli tâu tiếp rằng:
– Muôn tâu Đức-vua nội, bà nội, trong đời này, những người cha mẹ đều yêu thương những đứa con trai, con gái của mình. Còn Đức-vua nội và bà nội có yêu thương Thái-tử Vessantara là Đức Phụ-vương của con hay không?
Nghe cháu đích tôn, hoàng-tử Jāli tâu hỏi như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī cảm thấy đau nhói trong tim, nên truyền bảo rằng:
– Này hai cháu yêu quý của vua nội! Đúng vậy, trong đời này, những bậc làm cha mẹ đều yêu thương những đứa con trai, con gái của mình. Nhưng vua nội đã chiều theo lời tâu của dân chúng đất nước Sivi, nên vua nội đã lưu đày Đức-vua Vessantara, Thái-tử của vua nội, là người vô tội đến rừng núi Vaṅka.
Như vậy, vua nội không có tâm-từ, tâm-bi đối với Thái-tử Vessantara, làm cho Đức Phụ-vương Vessantara, Mẫu-hậu Maddī của hai cháu đích tôn của vua nội phải chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực như vậy.
Để sửa lại những lỗi lầm của vua nội trước đây, cháu nên đi thỉnh Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu của hai cháu hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, vua nội sẽ nhường ngôi báu lại cho Đức Phụ-vương của hai cháu, trị vì đất nước Sivi này.
Hoàng-tử Jāli tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua nội, cháu tin chắc rằng: Đức Phụ-vương của cháu không tự mình hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara này theo lời thỉnh cầu của cháu đâu!
Cháu kính xin Đức-vua nội ngự đến rừng núi Vaṅka, làm lễ đăng quang truyền ngôi báu lại cho Đức Phụ-vương của cháu, rồi thỉnh hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này.
Nghe lời tâu thỉnh của hoàng-tử Jāli, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya chấp thuận. Để cho buổi lễ phong vương truyền ngôi vua lại cho Thái-tử Vessantara được trọng thể, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī sẽ thân chinh ngự đến cùng với đoàn hộ giá tùy tùng đông đảo. Cho nên, Đức Thái-thượng-hoàng truyền lệnh Quan thừa-tướng rằng:
– Này Thừa tướng! Trẫm sẽ thân chinh ngự đến rừng núi Vaṅka, để làm lễ phong vương truyền ngôi vua lại cho Thái-tử Vessantara, rồi thỉnh hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này như trước.
Vậy, khanh hãy truyền lệnh của Trẫm rằng:
– Các đoàn binh: đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh hộ giá theo Trẫm. Các đoàn binh hãy chuẩn bị sẵn sàng.
– Các vương gia trong hoàng tộc chuẩn bị sẵn sàng.
– 60 ngàn vị quan sinh cùng ngày với Thái-tử của ta chia ra từng nhóm, mỗi nhóm mặc sắc phục khác nhau: nhóm mặc màu trắng, nhóm màu đỏ, nhóm màu vàng, nhóm màu xanh, … trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.
– Các vị bà-la-môn quân sư, các vị bà-la-môn trong triều ăn mặc chỉnh tề trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.
– Dân chúng trong nội thành, ngoại thành, các tỉnh thành, ăn mặc tử tế, trang sức đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.
– 14 ngàn con voi báu, 14 ngàn con ngựa báu trang sức đầy đủ đẹp đẽ chuẩn bị sẵn sàng.
– 14 ngàn chiếc xe trang hoàng lộng lẫy.
– Sửa sang con đường từ kinh-thành Jetuttara đến rừng núi Vaṅka đẹp đẽ, hai bên đường có trồng hoa, treo cờ.
– Dân chúng chuẩn bị đồ ăn, thức uống ngon lành hai bên đường, để tiếp đãi những người đi đón rước Thái-tử Vessantara hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh đến các quan, toàn thể dân chúng trong đất nước Sivi hãy chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh khởi hành.
Ông bà-la-môn Jūjaka chết
Khi ấy, bà-la-môn Jūjaka dùng vật thực ngon miệng, ăn quá độ, nên không thể tiêu hóa được, đã ngã lăn ra chết tại chỗ.
Đức Thái-thượng-hoàng truyền lệnh làm lễ hỏa táng và thông báo rằng:
“Ai là thân quyến của ông bà-la-môn Jūjaka, hãy đến nhận thừa kế tất cả của cải tài sản của ông.”
Nhưng không thấy một ai đến, cho nên tất cả của cải tài sản ấy được sung vào kho của triều đình.
Lễ đón rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara
Trong vòng chỉ có 7 ngày, tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt trong buổi lễ đi rước Đức-vua Bồ-tát Vessantara có con Bạch-tượng báu Paccayanāga mà Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã bố-thí đến 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga trước đây.
Sau khi họ đem con Bạch-tượng báu về đất nước Kāliṅga thì trời không còn nắng hạn nữa, mưa thuận gió hòa, mùa màng cày cấy trồng trọt thuận lợi. Vì vậy, Đức-vua đất nước Kāliṅga truyền lệnh 8 vị bà-la-môn đem trả con Bạch-tượng báu ấy lại cho đất nước Sivi. Cho nên, trong buổi lễ đón rước này, con Bạch-tượng báu vô cùng hoan hỷ được gặp lại Đức-vua Vessantara chủ cũ, bởi vì nó sinh ra cùng ngày với Đức-Bồ-tát Vessantara, chỉ để phục vụ Đức-vua Bồ-tát Vessantara mà thôi.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya thân chinh ngự đi cùng với các đoàn tùy tùng đông đảo theo hộ giá, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā dẫn đường từ kinh-thành Jetuttara đến rừng núi Vaṅka, quãng đường dài 60 do tuần.
Khu rừng núi Vaṅka thật phi thường, các loài hoa đua nhau nở rộ, các loại trái cây đua nhau chín có mùi thơm ngon ngọt, các loài chim rừng đua nhau hót lên tiếng lảnh lót vui mừng trên các cành cây, những con thú rừng đua nhau trổ tài rống lên tiếng vui mừng vang dội khắp khu rừng núi Vaṅka.
Phái đoàn người đến hồ Mucalinda, hoàng-tử Jāli cho đoàn dừng lại, đóng trại tại nơi ấy, để giữ gìn bảo vệ sự an toàn.
Khi ấy, nghe tiếng đàn voi rống, tiếng ngựa hí, … Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara gọi nữ đạo-sĩ Maddī, dẫn nhau leo lên đỉnh núi cao, nhìn thấy các đoàn binh đông đảo, bụi mù bốc lên trong khu rừng lớn, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ truyền hỏi nữ đạo-sĩ Maddī rằng:
– Này Maddī! Các đoàn binh đông đảo đang kéo đến đây, chắc chắn có việc quan trọng phải không?
Nghe Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ truyền hỏi như vậy, nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, đúng vậy, chẳng có ai dám đụng đến Hoàng-thượng đâu! Cũng như lửa không thể đụng đến nước đại dương.
Kính xin Hoàng-thượng suy xét đến 8 điều ân-huệ mà Đức-vua-trời Sakka đã ban cho Hoàng-thượng.
Vậy, chắc chắn, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya sẽ ngự đến đây, đem lại những điều tốt lành đến Hoàng-thượng.
Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ cùng với nữ đạo-sĩ Maddī xuống núi, trở về ngồi tại cốc lá, nữ đạo-sĩ Maddī cũng ngồi trước cửa cốc lá của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
Vương gia đoàn tụ
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo với bà Hoàng-thái-hậu Phussatī rằng:
– Này ái-khanh Phussatī! Nếu chúng ta ngự đến cùng một lúc thì sẽ xảy ra nỗi sầu não lớn. Vậy, Trẫm ngự đến gặp Thái-tử Vessantara trước, rồi ái-khanh ngự đến sau, kế tiếp hai đứa cháu đích tôn, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến sau cùng.
Khi ấy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya ngự đi cùng với đoàn tùy tùng các quan hộ giá đông đảo đến cốc lá của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.
Nhìn từ xa, thấy Đức Thái-thượng-hoàng đang ngự đến, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī đứng dậy, ngự ra đón rước, quỳ xuống đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Thái-thượng-hoàng. Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, con là Maddī, con dâu của Đức Phụ-vương, kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Phụ-vương.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya cúi xuống ôm choàng Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vào lòng, hôn trên đầu, hai tay xoa vai hai người con, nhìn thấy Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī thân hình gầy ốm, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya quá cảm động nên bật ra tiếng khóc. Một lát sau Đức Thái-thượng-hoàng được thỉnh vào ngồi trong cốc lá.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền hỏi rằng:
– Này hai con yêu quý! Hai con thường được khỏe mạnh hay không? Hai con có đầy đủ các thứ trái cây để dùng hằng ngày hay không? Các loài thú rừng có đến làm khổ hai con hay không?
Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, hai con sống trong rừng núi Vaṅka này ít bệnh hoạn, nhưng phải vất vả khổ cực lắm, thiếu thốn mọi điều.
Hằng ngày mỗi buổi sáng, nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi trên vai, tay cầm cây mai, đi vào rừng sâu có nhiều thú dữ đầy nguy hiểm để tìm các thứ trái cây rừng, đào các loại củ, đến buổi chiều đem về nuôi dưỡng con và hoàng tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā, đủ ăn một bữa chiều tối.
Còn con ở cốc, vào rừng tìm củi khô, mang nồi xuống sông lấy nước, chăm nom săn sóc hai đứa con yêu quý nhất. Cuộc sống của chúng con chịu vô vàn cực khổ không sao kể xiết, nỗi khổ cực ấy đã dạy cho chúng con biết nhẫn-nại chịu đựng, biết tri túc. Cho nên, cuộc sống của chúng con vẫn được yên lành.
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, chúng con bị lưu đày đến rừng núi Vaṅka này, dù cuộc sống có muôn vàn vất vả khổ cực về phần khổ thân vẫn chịu đựng được, nhưng nỗi khổ tâm vì phải xa lìa Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu thì không sao chịu nổi được.
Vì vậy, chúng con làm sao an-lạc cho được.
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, hai đứa cháu đích tôn của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã bị con bố-thí đến cho ông bà-la-môn Jūjaka. Ông bà-la-môn là người độc ác, đã đánh đập, chửi mắng hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, lôi kéo đi một cách tàn nhẫn như đánh đập đàn bò.
Nếu Đức Phụ-vương nghe biết tin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thì xin Đức Phụ-vương truyền bảo cho hai con biết liền ngay bây giờ. Ví như vị thầy rắn trị nọc độc cứu sống liền bệnh nhân bị rắn độc cắn vậy.
Nghe Thái-tử Vessantara nóng lòng muốn biết tin hai đứa con yêu quý nhất, nên Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:
– Này hai con yêu quý! Hai đứa cháu đích tôn yêu quý của Phụ-vương là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đã được Phụ-vương đem của cải tài sản ra chuộc lại rồi.
Vậy, hai con chớ nên nóng lòng khổ tâm nữa, chắc chắn hai con sẽ gặp lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ngay bây giờ tại nơi đây.
Nghe Đức Phụ-vương truyền bảo như vậy, Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vô cùng hoan hỷ an tâm chờ đợi. Thái-tử Vessantara tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương vẫn được khỏe mạnh, thân tâm thường được an-lạc, và Mẫu-hậu của hai con cũng được khỏe mạnh, thân tâm thường được an-lạc, có đôi mắt sáng, không bị mờ vì khóc thương hai con phải không?
Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:
– Này hai con yêu quý! Mẫu-hậu của hai con vẫn khoẻ mạnh, thân tâm thường được an-lạc, có đôi mắt vẫn còn sáng, không bị mờ vì khóc thương hai con.
Thái-tử Vessantara tâu hỏi về việc triều đình, hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành Jetuttara, ngoài kinh-thành, toàn thể dân chúng trong đất nước Sivi.
Khi ấy, Hoàng-thái-hậu Phussatī biết lúc này Đức Thái-thượng-hoàng, Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī (con dâu) đã bớt nỗi khổ tâm rồi, nên Bà nóng lòng muốn ngự vào gặp Thái-tử và vương-phi, con dâu yêu quý. Bà ngự đi cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo đến.
Nhìn từ xa thấy Mẫu-hậu Phussatī đang ngự đến, Thái-tử Vessantara và vương-phi Maddī ngự ra đón rước, quỳ xuống đảnh lễ dưới hai bàn chân của Mẫu-hậu. Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:
– Muôn tâu Mẫu-hậu, con là Maddī, con dâu của Mẫu-hậu, kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Mẫu-hậu.
Hoàng-thái-hậu Phussatī cúi xuống đưa hai tay ôm choàng Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī vào lòng, hôn trên đầu, xoa vai của hai người con yêu quý.
Khi ấy, cả ba vị vương gia đang đứng ôm nhau khóc vì quá cảm động, thì hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā từ xa ngự đến.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara đứng nhìn hai đứa con yêu quý nhất đang ngự đến, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī toàn thân rung động không nén nổi xúc động, bật ra tiếng khóc lớn, chạy bổ nhào về phía hai đứa con yêu quý của mình, như con bò mẹ chạy bổ nhào đến con bê, ngã vật xuống nằm trên mặt đất ngất xỉu, từ hai đầu vú hai dòng sữa bắn ra, vừa đúng lúc hoàng-tử Jālī và công-chúa Kaṇhājinā chạy bổ nhào đến ngã trên ngực Mẫu-hậu Maddī, đưa miệng ngậm bú mỗi đứa một dòng sữa mẹ, rồi cũng ngất xỉu trên ngực Mẫu-hậu.
Thấy cảnh tượng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jālī và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát sinh nỗi thống khổ cùng cực không chịu đựng nổi, nên cũng bị ngất xỉu ngã lăn xuống mặt đất ngay tại nơi ấy.
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng-thái-hậu Phussatī chứng kiến Thái-tử Vessantara vương-phi Maddī và hai đứa cháu đích tôn của mình như vậy, vô cùng xúc động, nên cũng bị ngất xỉu ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.
Thấy sáu vị vương gia đều bị ngất xỉu như vậy, 60 ngàn vị quan cùng sinh cùng một ngày với Đức-vua Bồ-tát Vessantara, vì xúc động quá, nên cũng đều bị ngất xỉu, ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.
Những đoàn tùy tùng hộ giá khác nhìn thấy cảnh tượng cảm động quá đều cũng ngất xỉu ngã xuống nằm trên mặt đất tại nơi ấy.
Trước cốc lá của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara trở thành bãi tha ma đầy thân người nằm ngổn ngang bất động trên mặt đất.
Khi ấy, rừng núi Vaṅka bị rung chuyển, mặt đất bị rung động, núi Sineru (Tu-di-sơn) bị chuyển động, chư-thiên các tầng trời dục-giới đều xao xuyến trong lòng.
Trận mưa phép
Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên nghĩ rằng:
“Sáu vị vương-gia cùng với các nhóm tùy tùng hộ giá đều bị ngất xỉu hết thảy, không có một ai có thể ngồi dậy để rưới nước lên đầu cho họ tỉnh lại được cả.
Vậy, ta nên hóa ra trận mưa rơi xuống ngay bây giờ.”
Nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hóa một trận mưa rơi xuống chỉ cho sáu vị vương-gia cùng các nhóm tùy tùng hộ giá, làm cho họ tỉnh lại mà thôi, còn những người khác không một ai bị ướt cả, hạt mưa rơi xuống đụng họ liền trượt xuống đất như hạt nước rơi xuống lá sen.
Ngay khi ấy, sáu vị vương gia tỉnh lại và nhìn thấy đám tùy tùng cũng đều tỉnh lại. Tất cả dân chúng trong xứ Sivi nhìn thấy một sự kiện chưa từng có bao giờ, một trận mưa làm tỉnh lại sáu vị vương-gia cùng đám tùy tùng hộ giá đông đảo.
Buổi đoàn tụ sáu vương-gia: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, bà Hoàng-thái-hậu Phussatī, Thái-tử Vessantara, Vương-phi Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā làm cho toàn thể dân chúng đất nước Sivi vô cùng cảm động trào nước mắt.
Tất cả những người trong hoàng tộc, dân chúng trong kinh-thành Jetuttara, dân chúng các tỉnh thành trong đất nước Sivi đều khóc, rồi chắp hai tay khẩn khoản thỉnh cầu Thái-tử Vessantara và Vương-phi Maddī rằng:
– Muôn tâu Thái-tử, kính thỉnh Thái-tử lên ngôi Vua trị vì đất nước Sivi, Vương-phi Maddī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu như trước.
Nghe lời thỉnh cầu của dân chúng đất nước Sivi, Thái-tử Vessantara làm thinh, bèn tâu Đức Phụ-vương rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, ngày trước dân chúng đất nước Sivi hội họp kéo đến trước cung điện yêu cầu Đức Phụ-vương mời con là Đức-vua Vessantara ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày đến rừng núi Vaṅka này.
Khi nghe Thái-tử Vessantara tâu như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền bảo rằng:
– Này Hoàng-nhi Vessantara yêu quý! Thật vậy, ngày trước dân chúng đất nước Sivi hội họp kéo đến trước cung điện yêu cầu Phụ-vương mời con ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày đến rừng núi Vaṅka này. Do chiều theo yêu cầu của họ, nên Phụ-vương đã mời con là Đức-vua Vessantara không có lỗi ra khỏi kinh-thành Jetuttara, ra khỏi đất nước Sivi, lưu đày đến rừng núi Vaṅka này, làm cho con, Vương-phi Maddī, hai cháu đích tôn là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā phải chịu vô vàn khổ cực, vất vả thiếu thốn suốt thời gian chín tháng rưỡi qua.
Đó là điều sai lầm mà Phụ-vương đã làm, Phụ-vương có lỗi với hai con và hai cháu đích tôn. Phụ-vương đã biết lỗi của mình từ lâu.
Vậy, con nên bỏ lỗi cho Phụ-vương, để cho tâm của Phụ-vương được thanh thản lúc tuổi già.
– Này Hoàng-nhi yêu quý! Nay Phụ-vương xin truyền ngôi vua lại cho con. Xin con vâng lời Phụ-vương, xả bỏ cuộc đời đạo-sĩ ở tại rừng núi Vaṅka này, nhận lời lên ngôi làm vua. Phụ-vương sẽ làm đại-lễ đăng-quang con lên ngôi vua, rồi thỉnh hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi này.
Nghe lời khẩn khoản tha thiết của Đức Phụ-vương, Thái-tử Vessantara hoan hỷ tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, Sādhu! Con xin cung kính vâng lời truyền dạy của Đức Phụ-vương.
Biết Thái-tử Vessantara đã nhận lời lên ngôi làm vua, Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya cảm thấy vô cùng hoan hỷ, và nhất là 60 ngàn vị quan đồng sinh cùng một ngày với Thái-tử Vessantara lại càng hoan hỷ tâu rằng:
– Tâu Thái-tử Vessantara, xin mời Thái-tử đi tắm rửa cho thân thể sạch sẽ, bỏ bộ y phục đạo-sĩ, cạo râu, sửa tóc, rồi mặc bộ trang phục Đức-vua để làm đại-lễ đăng-quang lên ngôi vua tại nơi đây.
Thái-tử Vessantara truyền bảo rằng:
– Này các khanh! Hãy chờ một lát.
Thái-tử Vessantara ngự ra sau tắm rửa sạch sẽ, bỏ bộ y phục đạo-sĩ, mặc bộ y phục màu trắng tinh, ngự vào ngồi trong cốc lá suy xét rằng:
“Ta đã trú tại nơi ngôi cốc lá này suốt chín tháng rưỡi, đã thực-hành pháp-hành thiền-định, và các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của ta, làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên vô cùng hoan hỷ nói lên lời “Sādhu! Sādhu!”
Ta chân thành tri ân nơi này, cầu mong tất cả chúng-sinh sống yên lành, thân tâm thường được an-lạc.”
Khi ấy, Thái-tử Vessantara ngự ra khỏi cốc, truyền bảo vị quan đến sửa râu, tóc xong, mặc bộ trang phục Đức-vua, trang sức các viên ngọc quý lộng lẫy như Đức-vua-trời.
Lễ đăng-quang lên ngôi vua
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya truyền lệnh 60 ngàn vị quan sinh cùng ngày với Thái-tử Vessantara mặc trang phục chỉnh tề, bá quan văn võ tề tựu đông đủ, truyền lệnh đoàn nhạc trỗi lên, tiếng tù và được thổi lên vang dội khắp khu rừng núi Vaṅka.
Đại-lễ đăng-quang Thái-tử Vessantara lên ngôi vua được cử hành rất trọng thể, Thái-tử Vessantara lại chính thức trở thành Đức-vua Vessantara tại khu rừng núi Vaṅka, bầu trời gầm vang dội khắp mọi nơi, các loài thú rừng rống lên thành tiếng vui mừng hoan hỷ, các loài chim đua nhau hót vui mừng.
Và Vương-phi Maddī trang phục đẹp đẽ lộng lẫy như thiên nữ cũng được tấn phong trở lại ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī của Đức-vua Bồ-tát Vessantara.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nhớ lại mới đây tại khu rừng núi Vaṅka này, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara và nữ đạo-sĩ Maddī phải sống chịu đựng vô vàn vất vả, khổ cực.
Nay, cũng tại khu rừng núi Vaṅka này, sáu vương-gia đã được đoàn tụ: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-thái-hậu Phussatī, Thái-tử Vessantara, Vương-phi Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, đại-lễ đăng-quang lên ngôi cũng đã cử hành trọng thể tại khu rừng núi Vaṅka này.
Như vậy, ân huệ thứ nhất đã được thành tựu.
Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī truyền bảo hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā rằng:
– Này hai con yêu quý của Mẫu-hậu! Khi biết Đức Phụ-vương thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai con yêu quý cho ông bà-la-môn Jūjaka dẫn đi, Mẫu-hậu chỉ dùng trái cây một bữa mỗi ngày, nằm dưới đất, ngày đêm cầu nguyện chư-thiên hộ trì cho hai con không có bệnh hoạn, thân tâm thường được an-lạc, và cầu mong sớm gặp lại hai con. Pháp-hành của Mẫu-hậu được thành tựu trong ngày hôm nay.
Những pháp-hạnh ba-la-mật của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu xin luôn luôn hộ trì cho hai con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Bà Hoàng-thái-hậu Phussatī nghĩ rằng:
“Vương-phi Maddī của Thái-tử Vessantara suốt thời gian ở trong rừng núi Vaṅka, đã chịu đựng muôn vàn vất vả, khổ cực, nay ta nên ban cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, con dâu của ta những bộ y phục sang trọng, những đồ trang sức quý giá, các thứ ngọc quý báu.”
Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mặc bộ y phục lộng lẫy, trang sức những thứ ngọc quý báu, đẹp đẽ lộng lẫy như một thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Khi ấy, các quan trang hoàng con Bạch-tượng báu Paccayanāga lộng lẫy dẫn đến tâu với Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, kính thỉnh ngự lên ngồi trên con Bạch-tượng báu này.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự lên ngồi trên con Bạch-tượng báu dẫn đầu cùng với đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo duyệt qua các đoàn binh hùng mạnh của triều đình.
Hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara
Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya đã truyền lệnh sửa sang đẹp đẽ con đường từ kinh-thành Jetuttara đến khu rừng núi Vaṅka có chiều dài khoảng 60 do tuần.
Trên con đường hồi cung trở về kinh-thành Jetuttara, các đoàn binh hộ giá đi trước dẫn đường, tiếp theo sáu con voi báu của sáu vị vương-gia: Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, Hoàng-thái-hậu Phussatī, Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Và theo sau là các quan, hoàng tộc, bà-la-môn và dân chúng đất nước Sivi.
Phái đoàn đi đến mỗi đoạn đường, dân chúng sống tại nơi ấy đón rước, tiếp đãi đầy đủ các món ăn ngon, đồ uống, ca hát nhảy múa kính mừng Đức-vua Bồ-tát Vessantara hồi cung ngự trở về kinh-thành Jetuttara.
Cứ như vậy suốt con đường dài khoảng 60 do tuần, cho đến kinh-thành Jetuttara.
Về đến kinh-thành Jetuttara, ngự vào cung điện, ngồi trên ngai vàng, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền lệnh hội triều, các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền lệnh rằng:
– Này các khanh! Trong toàn đất nước Sivi này, Trẫm truyền lệnh thả tất cả các tù nhân đang bị giam giữ đều được tự do, và thả các con vật đang bị trói buộc cũng đều được tự do.
Trận mưa thất báu
Ngay đêm đầu tiên ngủ tại cung điện, vào canh chót đêm ấy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara tỉnh giấc, nghĩ rằng:
“Nghe tin ta đã hồi cung ngự trở về cung điện, chắc chắn ngày mai những người hành khất sẽ dẫn nhau đến xin ta bố-thí, ta sẽ lấy thứ gì để bố-thí đến những người hành khất đây.”
Ngay khi ấy, chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka phát nóng lên, Đức-vua-trời Sakka xem xét do nguyên nhân nào thì biết rõ ý nghĩ của Đức-vua Bồ-tát Vessantara ấy, nên Đức-vua-trời Sakka hóa ra một trận mưa thất báu (bảy thứ báu) rơi xuống phía trước phía sau cung điện, bảy thứ báu chất đầy đến thắt lưng, còn trong kinh-thành Jetuttara, bảy thứ báu rơi xuống chất đầy đến đầu gối, và các tỉnh thành, làng xóm.
Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh rằng:
– Này toàn thể dân chúng! Nếu bảy thứ báu nào rơi trước và sau nhà nào thì thuộc về của riêng gia đình ấy. Còn lại bảy thứ báu nào rơi bên ngoài nhà thì nhặt đem nạp vào các kho của triều đình. Phần bảy thứ báu rơi xuống trong cung điện của Trẫm thì thuộc về của Trẫm.
Từ đó, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự tại kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi bằng thiện-pháp, đất nước Sivi phồn vinh, thần dân thiên hạ sống trong cảnh thanh bình, an cư lạc nghiệp.
Đức-vua Bồ-tát Vessantara thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, dù Đức-vua Bồ-tát đem của cải bố-thí bao nhiêu đi nữa, cũng không hề vơi bớt chút nào cả, lúc nào của cải cũng đầy các kho. Đức-vua Bồ-tát Vessantara thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho đến trọn đời trọn kiếp.
Sau khi Đức-vua Bồ-tát Vessantara băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm Đức-Bồ-tát thiên-nam tên Setaketu tại cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) đúng như ân huệ mà tiền-kiếp là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã từng cầu mong và đã được thành tựu như ý.
Sau khi thuyết tích Vessantarajātaka xong rồi, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Trong thời quá khứ, tiền-kiếp của Như-Lai là Đức-vua Bồ-tát Vessantara cũng có một trận mưa rơi xuống giữa dòng họ hoàng tộc của tiền-kiếp Như-Lai như vậy.
Tích Vessantarajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Trong tích Vessantarajātaka này Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Bồ-tát Vessantara trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Vessantarajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Đức Thái-thượng-hoàng Sañjaya, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.
– Hoàng-thái-hậu Phussatī, nay kiếp hiện-tại là Mẫu-hậu Sirimahāmāyādevī.
– Đức-vua Cetaputta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Channa.
– Đạo-sĩ Accutatāpasa, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
– Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.
– Ông bà-la-môn Jūjaka, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.
– Cô Amittatāpanā, nay kiếp hiện-tại là kỹ-nữ Ciñcamāṇavikā.
– Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā (Rāhulamātā).
– Hoàng-tử Jāli, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Rāhula.
– Công-chúa Kaṇhājinā, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.
– Những nhân vật khác, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
Mười pháp-hạnh ba-la-mật
Tóm lược tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đã thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ, đặc biệt thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý, để thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Ngoài ra, còn có 9 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thành tựu như sau:
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara xuất gia đạo-sĩ, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara có trí-tuệ sáng suốt, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara nói lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
– Đức-vua Bồ-tát Vessantara có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật đồng thời cùng thành tựu với pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ.
Nhận xét về Đức-vua Bồ-tát Vessantara
Tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, đặc biệt thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn.
Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ là một trong mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ mà chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác, chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác đều cần phải thực-hành cho được đầy đủ trọn vẹn tùy theo ý nguyện của mỗi Đức-Bồ-tát.
Đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, thì pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đặc biệt gồm có 5 pháp-hạnh đại-thí (mahāparicāga).
Pañca mahāparicāga: Năm pháp-hạnh đại-thí
1- Dhanaparicāga: Pháp-hạnh đại-thí của cải tài sản.
2- Aṅgaparicāga: Pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân.
3- Puttaparicāga: Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý.
4- Bhariyāparicāga: Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.
5- Jīvitaparicāga: Pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng.
Mỗi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực-hành đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí này.
Thật ra, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành và bồi bổ 30 pháp-hạnh ba-la-mật là 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua ba thời-kỳ:
– Thời-kỳ đầu: Thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.
– Thời-kỳ giữa: Thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 9 a tăng-kỳ kiếp trái đất.
– Thời-kỳ cuối: Thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.
Chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua suốt 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Đó là khoảng thời gian bằng một nửa (½) thời gian của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt và khoảng thời gian bằng một phần tư (¼) thời gian của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt.
Tuy nhiên, trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật ấy, chỉ còn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật chưa đầy đủ trọn vẹn, bởi vì còn thiếu pháp-hạnh đại-thí con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý, nên đến kiếp Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cần phải thực-hành hai pháp-hạnh đại-thí còn lại này, để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama ngày nay.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara suy xét thấy rõ biết rõ chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong thời quá-khứ và trong thời vị-lai đều phải thực-hành đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ này.
Cho nên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara cũng phải thực-hành đầy đủ trọn vẹn 5 pháp-hạnh đại-thí để bồi bổ vào pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ của mình, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.
Giả sử nếu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama không thực-hành pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, và không thực-hành pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì liệu có Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian này hay không?
Lẽ dĩ nhiên là không có Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian này được.
Sự-thật, cha mẹ nào chẳng yêu thương con, nhưng mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara sau khi làm lễ thực-hành pháp-hạnh đại-thí 2 đứa con yêu quý nhất của mình cho ông bà-la-môn già Jūjaka rồi, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ truyền bảo rằng:
– “Này bà-la-môn Jūjaka! Bần đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.”
Đối với chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý các con và người vợ của mình.
[1] Jātakaṭṭhakathā, Mahānipāta, Vessantarajātaka. Tìm hiểu đầy đủ
trong bộ Nền-Tảng Phật-Giáo quyển VI: Pháp-Hạnh Ba-La-Mật 1.
[2] 1 do tuần dài khoảng 20 cây số.
[3] Khu. Jātakaṭṭhakathā, Mahānipāta, Vessantarajātakavṇṇanā.
[4] Khu.Jātakaṭṭhakathā, Mahānipātapāḷi Vessantarajaatakavaṇṇanā.
Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.