Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo

Ngày rằm tháng tư có 3 sự kiện trọng đại lịch sử trong Phật-giáo.

1- Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh kiếp chót tại khu vườn Lumbinī.

2- Năm 35 tuổi, vào ngày rằm tháng tư Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā.

3- Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng-sinh suốt 45 năm, đến ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng sāla xứ Kusinārā, thọ 80 tuổi.

Đức-Bồ-tát tiền-kiếp đầu tiên của Đức-Phật Gotama

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha là kiếp chót của Đức-Phật Gotama. Vậy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp đầu tiên của Đức-Phật Gotama bắt đầu từ thuở nào?

Một thuở nọ, Đức-Phật Gotama ngự ngồi trên tảng đá quý cùng với số đông chư tỳ-khưu-Tăng tại ven khu rừng có nhiều cây hoa thơm gần hồ Anotta. Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng về Đức-Bồ-tát tiền-kiếp đầu tiên của Ngài đã tạo phước-thiện bố-thí gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có tác-ý phát nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt trong thời vị-lai như sau:

– Này chư tỳ-khưu! Các con nên lắng nghe tiền-kiếp đầu tiên của Như-lai đã thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Như-lai nhìn thấy vị tỳ-khưu thực-hành pháp-hạnh đầu-đà sống trong rừng, nên phát sinh đức-tin trong sạch thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cúng dường tấm vải cũ đến vị tỳ-khưu ấy. Ngay khi ấy, tiền-kiếp đầu tiên của Như-lai phát sinh tâm đại-bi phát nguyện ở trong tâm muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác để cứu vớt các chúng-sinh giải thoát khỏi biển khổ trầm luân tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đó là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp đầu tiên của Như-lai có ý nguyện trong tâm muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai. Chính nhờ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cúng dường tấm vải cũ ấy dẫn đến kiếp chót hiện-tại là Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama này.[1]

[1] Bộ Apadāna, Buddhāpadāna, pubbakammapiloti.

Đức-Bồ-tát kiếp chót của Đức-Phật Gotama

Đức-Phật Gotama vốn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật đó là 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, trải qua 3 thời-kỳ suốt 20 a-tăng-kỳ[1] và 100 ngàn đại-kiếp[2] trái đất cho được đầy đủ trọn vẹn để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, đó là khoảng thời gian bằng một nửa (½) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt và bằng một phần tư (¼) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt.

[1] Asaṅkhyeyya: A-tăng-kỳ là khoảng thời gian không thể tính bằng số. Cứ trải qua vô số đại-kiếp trái đất được kể là a-tăng-kỳ.

[2] Mahākappa: Đại-kiếp trái đất là khoảng thời gian trải qua 4 a- tăng-kỳ thành-trụ-hoại-không của 1 đại-kiếp trái đất.

Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama

Trong bộ Jinakālamālī, Chú-giải Buddhavaṃsa giảng giải về Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ:

1- Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác để tế độ, cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, rồi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ. Trong thời gian lâu dài ấy, có 125.000 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự mỗi Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian, tiếp đến thời-kỳ giữa.

 2- Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama phát nguyện ra bằng lời nói để cho chúng-sinh nghe và biết ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ. Trong thời gian lâu dài ấy, có 387.000 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự mỗi Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian.

Dù trải qua 2 thời-kỳ gồm có 16 a-tăng-kỳ, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama vẫn còn là Đức-Bồ-tát bất-định (aniyatabodhisatta), nghĩa là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà chỉ muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác mà thôi.

Nhưng Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama vẫn giữ nguyên ý nguyện thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật nên dẫn đến thời-kỳ cuối.

3- Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt là công-tử Sumedha tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Công-tử Sumedha thuộc dòng dõi bà-la-môn qua 7 đời tinh khiết. Đức-Bồ-tát công-tử theo học các bộ môn của dòng dõi bà-la-môn rất uyên thâm. Khi cha mẹ của Đức-Bồ-tát qua đời, người quản gia gìn giữ các kho của cải đến trình cho Đức-Bồ-tát công-tử biết rõ của cải tài sản của dòng họ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại cho Đức-Bồ-tát công-tử, một gia tài rất lớn.

Đức-Bồ-tát công-tử suy xét rằng: “Tổ tiên, ông bà, cha mẹ suốt 7 đời của ta đã tích lũy của cải tài sản lớn lao như thế này; khi qua đời chẳng có một ai đem theo được một món nhỏ nào. Khi đến phiên ta qua đời, chắc chắn cũng không đem theo được gì. Tốt hơn! Ta nên đem của cải này làm phước-thiện bố-thí đến cho mọi người nghèo khổ thiếu thốn, ta sẽ sống tại gia thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật.”

Một hôm, Đức-Bồ-tát ngồi một mình trên lâu đài suy tư:

“Sự nóng của lửa tham, lửa sân, lửa si, … hiện hữu; còn Niết-bàn tịch tịnh dập tắt được lửa tham, lửa sân, lửa si, … cũng hiện hữu.

Sự khổ đế của sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới hiện hữu; còn sự an-lạc tuyệt đối của Niết-bàn siêu-tam-giới cũng hiện hữu.

Sự tái-sinh là khổ, sự già là khổ, sự bệnh là khổ, sự chết là khổ, … vẫn hiện hữu; vậy ta nên mong muốn chứng ngộ Niết-bàn là pháp không sinh, không già, không bệnh, không chết, … là pháp giải thoát khổ.”

Đức-Bồ-tát công-tử suy xét rằng: “Đời sống tại gia có nhiều nhiêu khê phiền toái, bị ràng buộc, … Tốt hơn, ta nên từ bỏ nhà xuất gia trở thành đạo sĩ.”

Để thực hiện ý định, Đức-Bồ-tát cho người đi truyền rao khắp nơi gần xa trong nước, ai cần của cải gì thì hãy đến tự tiện lấy.

Đức-Bồ-tát công-tử Sumedha từ bỏ nhà, đi vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-vua Trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên biết ý nguyện của Đức-Bồ-tát nên truyền lệnh cho vị thiên-nam Vissukamma hiện xuống cõi người, hóa ra một cốc lá dưới chân núi Himavanta để cúng dường Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha.

Ban đầu, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nương nhờ sống nơi cốc lá rất hài lòng. Về sau, Đức-Bồ-tát suy xét kỹ thấy cốc lá có 8 điều bất lợi, còn nương nhờ sống dưới cội cây có 10 điều thuận lợi, nên Đức-Bồ-tát từ bỏ cốc lá để đến nương nhờ sống dưới cội cây thực-hành pháp-hành thiền-định.

Một buổi sáng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha mang bát vào xóm nhà để khất thực, sau khi thọ thực xong, Đức-Bồ-tát trở về ngồi dưới cội cây suy xét rằng: “Người ta phải làm lụng vất vả cực nhọc lắm mới có được vật thực này. Vậy, từ nay ta nên lượm nhặt những trái cây chín rụng để ăn sống qua ngày. Ta chớ nên sống dể duôi (thất niệm), tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định, ngăn oai-nghi nằm, ta chỉ thọ-trì ba oai-nghi: đi, đứng và ngồi mà thôi.”

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định trong vòng 7 ngày đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới và chứng đắc ngũ thông tam-giới (đa-dạng-thông, nhãn-thông, nhĩ-thông, tha-tâm-thông và tiền-kiếp-thông). Đức-Bồ-tát an-hưởng sự an-lạc trong khi nhập-thiền (jhānasamāpatti) không hề hay biết Đức-Phật Dīpaṅkara đã xuất hiện trên thế gian.

Một hôm, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha du hành bay trên hư không, nhìn thấy dân chúng xứ Rammavati đang vui mừng hoan hỷ sửa sang con đường.

Muốn biết do nguyên nhân nào khiến người ta làm việc một cách hoan hỷ như vậy, Đức-Bồ-tát liền đáp xuống đất đến hỏi những người ấy rằng:

– Này quý bà con! Quý bà con sửa sang con đường này để cho ai đi, mà thấy quý bà con vui mừng hoan hỷ đến như vậy?

– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Đức-Phật Dīpaṅkara cao thượng nhất trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh đã xuất hiện trên thế gian rồi. Chúng tôi đang sửa sang con đường này để đón rước Đức-Phật Dīpaṅkara cùng 400 ngàn chư Thánh A-ra-hán sẽ ngự qua con đường này.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha vừa lắng nghe danh từ “Buddha: Đức-Phật” thì tâm vô cùng hoan hỷ suy nghĩ rằng:

“Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều hiếm có, thật là vô cùng hy-hữu. Ta nên cố gắng thực-hành mọi phước-thiện, gieo duyên lành cúng dường đến Đức-Phật Dīpaṅkara.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ liền thưa với họ rằng:

– Thưa quý bà con! Quý bà con sửa sang con đường này để đón rước Đức-Phật Dīpaṅkara ngự đến cùng 400 ngàn vị Thánh A-ra-hán. Vậy, xin quý bà con nhường cho bần-đạo một đoạn đường để bần-đạo cùng sửa sang đoạn đường, cúng dường đón rước Đức-Phật Dīpaṅkara cùng chư Thánh A-ra-hán.

Dân chúng biết Ngài đạo-sĩ Sumedha có nhiều năng lực thần-thông, nên họ chỉ đoạn đường bùn lầy khó khăn.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha nghĩ rằng:

“Nếu ta sử dụng phép thần-thông để sửa đoạn đường này thì quá dễ nhưng phước-thiện ta được sẽ không nhiều.

Vậy, ta nên sử dụng sức lực của mình để sửa sang đoạn đường thì chắc chắn ta được phước-thiện nhiều hơn.”

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha cố gắng tinh-tấn với sức lực của chính mình lấy đất từ nơi khác đến san bằng đoạn đường. Khi còn độ một sải tay, Đức-Bồ-tát nghe mọi người reo hò vui mừng đón Đức-Phật Dīpaṅkara cùng 400 ngàn chư Thánh A-ra-hán sắp đến. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha quyết-định rằng:

“Hôm nay, ta xin cúng dường sinh-mạng của ta đến Đức-Phật Dīpaṅkara bằng cách nằm sấp trên đoạn đường còn lại, nguyện lấy tấm thân này làm như một chiếc cầu để cúng dường Đức-Phật Dīpaṅkara cùng 400 ngàn chư Thánh A-ra-hán ngự đi qua. Chắc chắn ta sẽ được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.”

Nguyện ước của Đức-Bồ-tát Sumedha

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha suy tư rằng:

“Hôm nay, nếu ta từ bỏ ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thì chắc chắn ta sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong giáo-pháp của Đức-Phật Dīpaṅkara, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới chỉ một mình ta. Nhưng còn bao nhiêu chúng-sinh khác vẫn đang chìm đắm trong biển khổ trầm luân, chịu cảnh khổ tử sinh luân-hồi. Ta không đành giải thoát khổ riêng một mình ta.”

Nghĩ như vậy, với tâm đại-bi vô lượng thương xót chúng-sinh nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha phát nguyện rằng:

“Buddho bodheyyaṃ …” Khi ta tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác rồi, khi ấy ta sẽ thuyết pháp giáo hóa chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán y theo ta vậy (tự giác rồi giác tha).

 “Mutto moceyyaṃ …” Khi ta tự mình giải thoát khỏi mọi sự ràng-buộc của tham-ái, phiền-não, chứng ngộ Niết-bàn rồi, khi ấy, ta sẽ dẫn dắt chúng-sinh cùng giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của tham-ái, phiền-não, chứng ngộ Niết-bàn y theo ta vậy (tự độ rồi độ tha).

“Tinno tareyyaṃ …” Khi ta tự mình vượt qua khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc rồi, khi ấy, ta sẽ cứu vớt, dẫn dắt chúng-sinh cũng vượt qua khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc y theo ta vậy (tự đáo rồi đáo tha).

Khi ấy, một nữ bà-la-môn tên là Sumittā[1] trên tay cầm 8 đóa hoa sen để cúng dường Đức-Phật Dīpaṅkara, khi nhìn thấy vị đạo-sĩ Sumedha nằm sấp lấy thân mình làm chiếc cầu trên đoạn đường ấy, cô liền phát sinh đức-tin trong sạch kính dâng đến vị đạo-sĩ 5 đóa hoa sen, còn 3 đóa hoa sen để lại cho mình.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha nằm sấp, hai tay cầm 5 đóa hoa sen để trên trán. Khi ấy, Đức-Phật Dīpaṅkara cùng 400 ngàn chư vị Thánh A-ra-hán ngự đi ngang qua bằng phép thần-thông một cách nhẹ nhàng trên tấm thân của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha, cho nên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha vẫn an toàn.

Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app