Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn 

Sau khi chấm dứt lời dạy cuối cùng bằng câu: “Appamādena sampādetha.” 

Đức-Phật nhập đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả không-vô-biên xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập diệt-thọ-tưởng. 

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda hỏi Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng: 

– Kính thưa pháp-huynh Anuruddha, Đức-Thế-Tôn tịch diệt Niết-bàn rồi phải không? 

– Này pháp-đệ Ānanda! Đức-Thế-Tôn chưa tịch diệt Niết-bàn, Đức-Thế-Tôn đang nhập diệt-thọ-tưởng. 

– Đức-Thế-Tôn xả diệt-thọ-tưởng. 

– Nhập phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm.

– Nhập không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm. 

Tiếp theo Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn gọi là khandhaparinibbāna: ngũ-uẩn Niết-bàn tại khu rừng Sāla, xứ Kusinārā vào canh chót đêm rằm tháng tư, nghĩa là sau khi diệt ngũ-uẩn rồi, không còn nhân duyên nào để tái-sinh ngũ-uẩn khác nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Cho nên, tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosi-kamma) không có cơ hội cho quả của nghiệp được nữa. 

Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động. Đó là 1 trong 8 hiện tượng thường xảy ra đối với Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác. 

Đức-Phật Gotama là Bậc Cao-cả nhất, Bậc Vĩ-đại nhất, Bậc Tối-thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, đã tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Sāla, xứ Kusinārā vào canh chót đêm rằm tháng tư. 

Tất cả mọi chúng-sinh, hễ có sinh thì ắt phải có tử, không ngoại trừ một ai cả. Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán không gọi là tử (chết) mà gọi là tịch diệt Niết-bàn, bởi vì không còn tái-sinh kiếp sau nào nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán sau khi tịch diệt Niết-bàn rồi, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, không phải không còn nghiệp, mà thật ra, nghiệp cũ của Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán vẫn còn, nhưng tất cả mọi tham-ái đã bị diệt tận được không còn dư sót nữa, nên không có tham-ái dẫn dắt tái-sinh kiếp sau (taṇhā ponobbhavikā). Cho nên, Đức-Phật, chư Thánh A-ra-hán sau khi đã tịch diệt Niết-bàn rồi, không còn tái-sinh kiếp sau nữa. 

Như vậy, ngoại trừ Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán ra, còn lại các loài chúng-sinh dù nhỏ dù lớn như chư-thiên trên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới, 4 tầng trời vô-sắc-giới khác, từ hạng phàm-nhân cho đến bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai vẫn còn tham-ái là nhân sinh khổ dẫn dắt tái-sinh kiếp sau. 

Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn rồi, song giáo-pháp của Đức-Phật vẫn còn tồn tại trên thế gian, như Đức-Phật đã giảng giải trước khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn rằng: 

“Iti imāni caturāsīti dhammakkhandha-sahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi. Ahañca kho dāni ekakova ovadāni, anusāsāmi, mayi parinibbute imāni caturāsīti dhammak-khandhasahassāni tumhe ovadissanti anu-sāsissanti…” 

“Như vậy, 84.000 pháp-môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như-Lai tịch diệt Niết-bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như-Lai giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con, sau khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, thì có 84.000 pháp-môn ấy là “Vị Tôn-Sư”sẽ giáo huấn các con, sẽ theo dạy dỗ các con…” 

Tuy Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn cách đây 2.563 năm rồi, song giáo-pháp của Đức-Phật Gotama vẫn còn được giữ gìn duy trì đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp-môn cho đến ngày nay. 

Muốn được gần gũi thân cận với Đức-Phật, mỗi hàng thanh-văn đệ-tử phải cố gắng tinh-tấn học pháp-học Phật-giáo và thực-hành pháp-hành Phật-giáo, tùy theo khả năng của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. 

Các hàng thanh-văn đệ-tử nào có Phật-giáo trong tâm, thì các hàng thanh-văn đệ-tử ấy được nương nhờ nơi Đức-Phật, nương nhờ nơi Đức-Pháp, nương nhờ nơi Đức-Tăng, được nương nhờ nơi Tam-Bảo cao thượng, để các hàng thanh-văn đệ-tử ấy có thể trở nên con người cao thượng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai. 

Đặc biệt còn làm duyên lành cho các hàng thanh-văn đệ-tử ấy để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời các hàng thanh-văn đệ-tử ấy giữ gìn, duy trì Phật-giáo được trường tồn trên thế gian, cho đến hết tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho tất cả chúng-sinh nhất là chư-thiên và nhân-loại. 

(Xong phần nội dung Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo.) 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app