Đức-Bồ-tát truyền dạy lời tối quan trọng đầu tiên

Tất cả đều im lặng, chờ lắng nghe, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cao thượng dõng dạc truyền dạy rằng:

“Aggo’ ham’ asmi lokassa!

Jeṭṭho’ ham’ asmi lokassa!

Seṭṭho’ ham’ asmi lokassa!

Ayamantimā jāti.

Natthi dāni punabbhavo.”[1]

“Ta là Bậc cao-cả nhất, trong toàn cõi-giới chúng-sinh!

Ta là Bậc vĩ-đại nhất, trong toàn cõi-giới chúng-sinh!

Ta là Bậc tối-thượng nhất, trong toàn cõi-giới chúng-sinh!

Kiếp này là kiếp chót của ta.

Ta không còn tái-sinh kiếp nào khác nữa!”

Chư-thiên, chư phạm-thiên và nhân-loại vô cùng hoan hỷ, đồng thanh tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cao thượng.

 Người và vật gồm 7 thứ đồng sinh với Đức-Bồ-tát

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đản sinh ra đời, đồng thời có người và vật gồm 7 thứ cùng sinh với Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác:

1- Công-chúa Bhaddakaccānā gọi Yasodharā là công-chúa của Đức-vua Suppabuddha và Chánh-cung Hoàng-hậu Amitādevī xứ Devadaha.

2- Hoàng-tử Ānanda (Hoàng-tử của ông hoàng Amitodana dòng Sakya là hoàng đệ của Đức-vua Suddhodana).

3- Channa (quan giữ ngựa).

4- Kāḷudāyī (vị quan cận thần).

5- Ngựa báu Kaṇḍaka.

6- Cây Mahābodhirukkha (cây assattha mọc trong khu rừng Uruvelā sau này trở thành cây Mahābodhirukkha của Đức-Phật Gotama).

7- Bốn hầm vàng, kho báu trong kinh-thành Kapilavatthu.

Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Thái-tử đản-sinh ra đời tại khu vườn Lumbinī, Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī cùng Thái-tử ngự trở về lại kinh-thành Kapilavatthu.

Đầu thai sinh làm người có 4 hạng người

Sự tái-sinh đầu thai sinh làm người có 4 hạng người, và có sự hiểu biết qua ba thời-kỳ khác nhau như sau:

1- Hạng người thường và chư Bồ-tát thanh-văn-giác hạng thường khi tái-sinh đầu thai sinh làm người hoàn toàn không biết cả ba thời-kỳ:

– Không biết thời-kỳ tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ.

– Không biết thời-kỳ đang ở trong lòng mẹ.

– Không biết thời-kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.

2- Chư Bồ-tát Đại-thanh-văn-giác kiếp chót khi tái-sinh đầu thai sinh làm người chỉ biết một thời-kỳ và không biết hai thời-kỳ:

– Trí-tuệ biết thời-kỳ tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ.

– Không biết thời-kỳ đang ở trong lòng mẹ.

– Không biết thời-kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.

3- Chư Bồ-tát Tối-thượng thanh-văn-giác và chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót khi tái-sinh đầu thai làm người biết được hai thời-kỳ và không biết một thời-kỳ:

– Trí-tuệ biết thời-kỳ tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ.

– Trí-tuệ biết thời-kỳ đang ở trong lòng mẹ.

– Không biết thời-kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.

4- Chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót khi tái-sinh đầu thai làm người biết rõ cả ba thời-kỳ:

– Trí-tuệ biết rõ thời-kỳ tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ.

– Trí-tuệ biết rõ thời-kỳ đang ở trong lòng mẹ.

– Trí-tuệ biết rõ thời-kỳ đản sinh ra đời khỏi lòng mẹ.

Như trường hợp Thái-tử Siddhattha là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt kiếp chót, khi tái-sinh đầu thai sinh làm người chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ biết rõ cả ba thời-kỳ:

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ biết rõ thời-kỳ tái-sinh đầu thai vào lòng mẫu-hậu là Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī.

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ biết rõ thời-kỳ đang ở trong lòng mẫu-hậu, như ở trong căn phòng sạch sẽ sang trọng, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ngồi kiết già, như một vị Pháp-sư ngồi trên pháp tòa và mẫu-hậu của Ngài cũng biết được Ngài nữa.

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ biết rõ thời-kỳ đản sinh, khi mẫu-hậu của Ngài đang đứng trong tư thế vững vàng, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác sinh ra bằng đôi chân ra trước, xuôi hai tay toàn thân mình ra sau một cách suôn sẻ an toàn như vị Pháp-sư bước xuống pháp tòa.

Đó là trường hợp đặc biệt của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Còn các hạng người khác như: hạng người thường, chư Bồ-tát thanh-văn-giác, chư Bồ-tát Đại-thanh-văn-giác kiếp chót, chư Bồ-tát Tối-thượng thanh-văn-giác kiếp chót, chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót đều không biết thời-kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ. Bởi vì khi sắp sinh ra, thai nhi bị nhào lộn quay đầu xuống dưới để cái đầu ra trước, thân mình ra sau, chịu đau đớn sợ hãi, tâm không còn bình tĩnh. Do đó, những hạng người ấy không biết thời-kỳ sinh ra đời khỏi lòng mẹ.

 

[1] Dīghanikāya, Mahāvaggapāḷi, Mahāpadānasutta.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app