Đoạn Kết 

Ngày nào cũng là ngày, song ngày rằm tháng tư trong Phật-giáo là ngày lịch sử trọng đại đối với các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, không những loài người, mà còn chư-thiên trên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên các tầng trời sắc-giới phạm-thiên nữa. 

Vì vậy, ngày rằm tháng tư gọi là Vesākhapūjā: (Vesākha+pūjā: Vesākha nghĩa là tháng tư, pūjā nghĩa là cúng dường). Vesākhapūjā nghĩa là cúng dường vào ngày rằm tháng tư hằng năm đối với các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. 

Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn. 

Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư, Đức-Phật ngự đi đến khu rừng Sāla tại xứ Kusinārā, Đức-Phật truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng: 

– Này Ānanda! Con nên đặt chiếc giường quay đầu về hướng Bắc, giữa hai cây Sāla (song long thọ). Khi ấy, Đức-Phật nằm nghiêng bên phải, đầu quay về hướng Bắc, hai chân duỗi thẳng so le, chân phải duỗi thẳng, chân trái đầu gối hơi co, hai bàn chân đặt không đều nhau, có chánh-niệm trí-tuệ tỉnh-giác, không định trước giờ xả.

Cúng dường Đức-Phật 

Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống xung quanh kim thân để cúng dường Đức-Phật. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời, … từ các cõi trời rơi xuống như mưa để cúng dường Đức-Phật. Những tiếng nhạc trời trỗi lên để cúng dường Đức-Phật. 

Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng: 

– Này Ānanda! Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống xung quanh kim thân của Như-Lai để cúng dường Như-Lai. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời từ các cõi trời rơi xuống, những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trỗi lên để cúng dường Như-Lai. 

– “Này Ānanda! Sự cúng dường đến Như-Lai bằng phẩm vật như vậy không gọi là cách cúng dường cao thượng. 

Người nào là tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu-ni, hoặc cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ, là người thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, thực-hành đúng theo chánh-pháp, người ấy gọi là người có lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Như-Lai bằng cách cúng dường cao thượng. 

– “Này Ānanda! Các con nên luôn luôn tâm niệm rằng: 

Chúng ta là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, thực-hành đúng theo chánh-pháp.” 

Sở dĩ, Đức-Phật đề cao sự cúng dường bằng cách thực-hành đúng theo chánh-pháp, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn là sự cúng dường cao thượng hơn sự cúng dường bằng phẩm vật; là vì chỉ có sự cúng dường bằng thực-hành đúng theo chánh-pháp, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn mới có thể giữ gìn, duy trì giáo-pháp của Đức-Phật trường tồn trên thế gian. 

Buddhasāsana: Phật-giáo 

Phật-giáo là lời giáo huấn của Đức-Phật, có 3 phần chính: 

– Pariyattisāsana: Pháp-học Phật-giáo.

– Paṭipattisāsana: Pháp-hành Phật-giáo. 

– Paṭivedhasāsana: Pháp-thành Phật-giáo. 

 Các hàng thanh-văn đệ-tử cần phải lắng nghe, học hỏi hiểu biết rõ pháp-học Phật-giáo làm nền tảng cho pháp-hành Phật-giáo. Khi hành-giả thực-hành đúng pháp-hành Phật-giáo dẫn đến chứng đắc pháp-thành Phật-giáo đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn gọi là 9 pháp siêu-tam-giới (navalokuttaradhamma). 

1- Pháp-học Phật-giáo là gì? 

Trong Chú-giải Chi-bộ-kinh định nghĩa rằng: 

Pariyattī’ti tepiṭakaṃ Buddhavacanaṃ sāṭṭha-kathāpāḷi. 

Pháp-học Phật-giáo là Phật ngôn Tam-tạng Pāḷi cùng với Chú-giải Pāḷi. 

Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của chư Phật quá-khứ, Đức-Phật hiện-tại và chư Phật vị-lai. 

Pāḷibhāsā: Tiếng Pāḷi vốn là ngôn ngữ của người dân Magadha mà Đức-Phật sử dụng làm ngôn ngữ thuyết pháp tế độ chúng-sinh, để hiểu biết đúng đắn về pháp-học Phật-giáo, rồi thực-hành đúng đắn theo pháp-hành Phật-giáo dẫn đến chứng đắc pháp-thành Phật-giáo đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

Cho nên, ngôn-ngữ này gọi là ngôn-ngữ Pāḷi. 

Pháp-học Phật-giáo gồm tất cả những lời giáo huấn của Đức-Phật trong suốt 45 năm, kể từ khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama cho đến khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, được ghi chép đầy đủ trọn vẹn trong Tam-tạng Pāḷi (Tepiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi). 

Tuy nhiên, trong Tam-tạng Pāḷi không chỉ có những lời giáo huấn của Đức-Phật, mà còn có những lời của các hàng thanh-văn đệ-tử, chư-thiên, chư phạm-thiên, … được Đức-Phật nhắc lại hoặc xác nhận cũng xem như là Phật-ngôn. 

Và Chú-giải Pāḷi là những lời giảng giải những pháp khó hiểu trong Tam-tạng Pāḷi, khi thì Đức-Phật giảng giải rõ từng mỗi pháp riêng rẽ trong Tam-tạng Pāḷi gọi là pakiṇṇaka-desanā, khi thì chư Thánh A-ra-hán giảng giải. 

Những lời giảng giải ấy được gom lại gọi là các bộ Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi). 

Tam-tạng Pāḷi (Tepiṭakapāḷi) và các bộ Chú-giải Pāḷi (aṭṭhakathāpāḷi) đều thuộc về pháp-học Phật-giáo. 

Pháp-học Phật-giáo là nền tảng căn bản trong Phật-giáo, nếu không có pháp-học Phật-giáo thì không có pháp-hành Phật-giáo và cũng không có pháp-thành Phật-giáo. 

Giáo-pháp của Đức-Phật Gotama đã trải qua 6 thời-kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi (Tepiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (aṭṭhakathāpāḷi) theo mỗi giai đoạn thời gian. 

Kết tập Tam-tạng Pāḷi (Tepiṭakapāḷi) lần thứ sáu 

Phật-lịch 2500 năm (DL.1956 năm), kỷ niệm một nửa (½) tuổi thọ của Phật-giáo, chính phủ Myanmar tổ chức lễ kết tập Tam-tạng Pāḷi (Tepiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (aṭṭhakathāpāḷi) lần thứ sáu, tại động Kaba Aye, thủ đô Yangon. 

Chính phủ Myanmar có mời các nguyên thủ quốc gia cùng với phái đoàn của các nước Phật-giáo trên toàn thế giới, gồm có 25 nước đến tham dự buổi đại lễ trọng thể hoàn thành kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ sáu này như sau: 

– Bộ Tam-tạng Pāḷi gồm có 40 quyển. 

– Bộ Chú-giải Pāḷi gồm có 51 quyển. 

– Bộ Phụ chú-giải Pāḷi gồm có 26 quyển. 

Đó là bộ Tam-tạng Pāḷi, bộ Chú-giải Pāḷi, bộ Phụ Chú-giải Pāḷi là nền tảng căn bản về pháp-học Phật-giáo cho các nước Phật-giáo Theravāda. 

2- Pháp-hành Phật-giáo (Paṭipattisāsana) 

Sau khi học hỏi nghiên cứu hiểu biết rõ phần pháp-học Phật-giáo liên quan đến phần pháp-hành Phật-giáo, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành Phật-giáo. 

Pháp-hành Phật-giáo có nhiều loại pháp-hành, trong đó có 3 pháp-hành chính là: 

– Pháp-hành giới. 

– Pháp-hành thiền-định. 

– Pháp-hành thiền-tuệ. 

2.1- Pháp-hành giới 

Pháp-hành giới có nhiều loại giới tùy theo mỗi hạng người: 

* Giới của người tại gia là cận-sự-nam, cận-sự-nữ có ngũ-giới là thường-giới và bát-giới ajīvaṭṭhamakasīla: bát-giới có điều-giới thứ 8 chánh-mạng cũng là thường-giới của người tại gia, bát-giới uposathasīla trong các ngày giới hằng tháng, … 

* Giới của bậc xuất gia 

1- Giới của vị sa-di gồm có: 

 – 10 điều-giới của vị sa-di. 

– 10 pháp hoại phẩm-hạnh của vị sa-di. 

– 10 pháp hành phạt của vị sa-di. 

– 75 điều-giới hành của vị sa-di. 

– 14 pháp-hành 

2- Giới của vị tỳ-khưu trong bhikkhupātimok-khasīla có 227 điều-giới, trong Tạng-luật có 91.805.036.000 điều-giới. 

Hành-giả cần phải học hỏi hiểu biết rõ các điều-giới của mình, rồi thực-hành pháp-hành-giới của mình đó là có tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa phạm điều-giới, giữ gìn các điều-giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, làm cho thân và khẩu được trong sạch thanh-tịnh, làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt. 

Người có giới-hạnh trong sạch kiếp sống hiện-tại được hạnh phúc an-lạc. 

Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại cõi thiện-dục-giới ấy. 

2.2- Pháp-hành thiền-định 

Hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định. 

* Sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc thiền 

Hành-giả nào thuộc hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm. Kiếp hiện-tại hành-giả ấy có thể nhập bậc thiền sắc-giới thiện-tâm hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy trong suốt thời gian 1-2 giờ. 

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ-ngũ-thiền sắc-giới quả-tâm gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-quả-thiên. Chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên này có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất. 

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại không có cơ hội cho quả, nên đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa. 

* Vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc thiền 

Hành-giả nào thuộc hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. Kiếp hiện-tại hành-giả ấy có thể nhập bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy trong suốt thời gian 1-2 giờ. 

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện tột đỉnh. Chư phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh này có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất. 

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại không có cơ hội cho quả, nên đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa. 

2.3- Pháp-hành thiền-tuệ 

Hành-giả nào thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) vô số kiếp quá-khứ đã từng tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ. 

Kiếp hiện-tại ấy có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc: 

– Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và hoài-nghi trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. 

– Chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân trong 2 sân-tâm loại thô (chưa diệt tận được loại vi-tế) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhất-lai. 

– Chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não sân trong 2 sân-tâm loại vi-tế không còn dư sót, và phiền-não tham loại thô trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến trong cõi dục-giới, trở thành bậc Thánh Bất-lai. 

– Chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn, (māna), buồn-chán (thina), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa) không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng. 

* Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới. 

* Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới, chỉ còn 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

* Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau trở lại cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có sắc-giới quả-tâm ấy gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Thánh bất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên. 

* Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại, đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới. 

Đó là tính chất đặc biệt của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. 

(Xong bài giảng Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo.) 

Patthanā 

Iminā puññakammena,  

sukhī bhavāma sabbadā. 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo,  

loke sattā sumaṅgalā.  

 

Vietnamraṭṭhikā hi sabbe,  

janā pappontu sāsane. 

Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ,  

patthayāmi nirantaraṃ.

 Lời nguyện cầu 

Do nhờ phước-thiện thanh cao này, 

Cho chúng con thường được an-lạc. 

Cầu mong chánh-pháp được trường tồn, 

Tất cả chúng-sinh được hạnh phúc. 

 

Dân tộc Việt Nam được phát triển, 

Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo. 

Bần sư cầu nguyện với tâm thành, 

Hằng mong được thành tựu như nguyện. 

 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ. 

 

Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên thế gian. 

Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt Nam thân yêu. 

 

SÁCH THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

– Suttantapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi. 

– Abhidhammapiṭakapāḷi và Aṭṭhakathāpāḷi.

– Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại-Trưởng-lão Anuruddha. 

– Bộ Visuddhimagga và bộ Visuddhimagga-mahāṭīkā. 

– Toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Đại-Trưởng-lão Saddhammajotika, v.v… 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app