Nội Dung Chính
Nghiệp Báo Và Tái Sanh
Phân Loại Nghiệp
Sách có ghi rằng: Có nhiều hành vi có thể đem lại kết quả trong kiếp hiện tại (Dittha dhammavedaniya), hoặc trong một kiếp sau (Upapajja vedaniya), hoặc trong một kiếp nào chẳng hạn, trong vòng luân hồi của mỗi người (Aparâpariya vedaniya). Khi nào Nghiệp trả quả trong kiếp này, hoặc kiếp sau, mà đúng thời kỳ, quả không phát sanh, người ta gọi là Nghiệp vô hiệu quả (Ahosi).
Về phương diện khác, Nghiệp phân ra bốn loại:
Điều kiện thọ sanh tùy theo năng lực của Nghiệp lành hoặc Nghiệp dữ nào mạnh nhứt trong giờ lâm chung. Năng lực ấy là Nghiệp tái tạo (Janaka).
Tư tưởng cuối cùng của người sắp lâm chung thường hạp theo tánh hạnh của người đó. Đây cũng là dường như một nguyên tắc: nhưng trong vài trường hợp đặc biệt có khi tư tưởng ấy do nơi một cơ hội thuận hoặc nghịch mà phát sanh một cách khác: người hiền lành có thể có một tư tưởng xấu, hoặc trái lại, người hung ác có thể có một tư tưởng tốt, trong giờ lâm chung. Kiếp tới sẽ do nơi tư tưởng cuối cùng ấy cấu tạo. Trong trường hợp này, đức hạnh không đem lại ảnh hưởng nào, nhưng chẳng nên tưởng rằng nó tiêu mất. Các hành vi qua rồi sẽ báo ứng chẳng sai, trong một cơ hội thuận tiện. Những biến đổi bất ngờ nói trên, trong lúc tái sanh giải thích cho biết tại sao cha mẹ hung ác lại sanh con đạo đức, và trái lại, tại sao có những đứa con hung dữ sanh ra trong gia đình hiền hậu.
Nghiệp tái tạo có thể bị nghiệp quá khứ khác chen vào để trợ giúp, hoặc gìn giữ, hoặc làm cho giảm bớt năng lực. Những ảnh hưởng ấy gọi là Nghiệp trợ duyên (Upatthamdaka) hay là Nghiệp bổ đồng (Upapidaka).
Nghiệp tái tạo cũng có thể bị Nghiệp khác mạnh hơn tiêu diệt một cách thình lình, dường như một chướng ngại vật chặn sức mạnh của một cây tên, làm cho cây tên ấy phải rớt xuống đất. Ảnh hưởng này gọi là, Nghiệp tiêu diệt (Upaghādaka). Nghiệp này mạnh hơn hai nghiệp trên, chẳng những làm trở ngại, mà nó còn phá tan sức mạnh của nghiệp khác.
Còn một thứ phân loại khác, căn cứ theo sự phát sanh ưu tiên của quả.
Nghiệp thứ nhất gọi là Trọng Nghiệp (Garuka kamma), có nghĩa là nặng hay quan trọng, bởi nó trả quả ngay trong kiếp này hoặc trong kiếp tới. Về phương diện đạo đức, nó là kết quả của hành vi cao thượng hơn hết do phương pháp thiền định (Jhanas); về mặt vô đạo đức, nó là kết quả của năm Ngỗ nghịch đại tội (Ānantariya kamma) như giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, làm hại Đức Phật và chia rẻ Tăng chúng.
Nếu không có một nghiệp nặng làm điều kiện cho kiếp thọ sanh kế tiếp, thì cái Nghiệp nào gần nhứt trong giờ lâm chung là nghiệp dẫn dắt đi thọ sanh. Nghiệp ấy, chính là những hành vi đương làm, hoặc những sự tưởng nhớ trước phút lâm chung. Vì lẽ đó trong các xứ Phật giáo, người ta thường hay nhắc nhở kẻ sắp lìa trần những hành vi tốt đẹp của họ đã làm hoặc khuyến khích họ tưởng nhớ những điều thiện trong giờ phút cuối cùng.
Có một thứ Nghiệp gọi là Thường Nghiệp (Ācinna) là những việc mà người ta thường thường hay làm, hay nhớ và những việc mà người ta ưa thích hơn hết.
Nghiệp sau cùng là Nghiệp Gom Trữ (kitattā) gồm tất cả những chi không có trong ba nghiệp nói trên. Ấy là cái vốn dự trữ của mỗi cá nhân.
Còn một phân loại nữa do theo trường hợp khêu gợi sự phát sanh của quả:
- Những hành động xấu xa có thể chín muồi trong cảnh dục giới;
- Hành động tốt đẹp có thể chín muồi trong cảnh Dục giới (Kamaloka);
- Hành động tối mê có thể chín muồi trong cảnh Sắc giới (Rupaloka);
- Hành động tối mê có thể chín muồi trong cảnh Vô sắc giới (Arupaloka).