Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Do đâu chúng ta tin có sự tái sanh

Đức Phật là bậc thông suốt về vấn đề Tái sanh. Chính trong đêm chứng đạo quả Niết Bàn, trọn canh đầu, Ngài dùng tuệ giác rọi xem trở lại các đời dĩ vãng của Ngài, từ một, hai, ba đến trăm, ngàn, muôn kiếp quá khứ. Trong canh hai, Đức Phật dùng thiên nhãn, xem thấy chúng sanh chết ở kiếp này, tái sanh lại kiếp khác, kẻ hèn người sang, kẻ đẹp người xấu, kẻ được hạnh phúc, người bị khốn khổ tùy theo hành vi của họ (Majjhima Nikāya Maha Accaka Sutta, 36).

Các đoạn kinh giải về thuyết Tái sanh đã chứng tỏ rằng Đức Phật không dựa vào một nguồn gốc nào đã sẵn có, để giải thích vấn đề ấy; Ngài chỉ nói theo nhận thức của Ngài đã rèn luyện, một nhận thức siêu phàm mà chúng ta cũng có thể đạt được.

Trong kinh Dhammapada (Pháp cú) Đức Phật có nói như vầy: “Trải qua vô lượng kiếp luân hồi (Anekajāti), Như Lai đã phải đi lạc đường, trong khi Như Lai muốn tìm cho ra người thợ cất nhà Như Lai ở; khốn khổ thay, Như Lai đã phải sanh đi sanh lại mãi mãi (Dukkha jāti punappunam)”.

Trong kinh Dhammacakka Sutta có ghi lời giảng đầu tiên của Đức Phật về cái chơn lý thứ hai như vầy: “Yāyam tanhāponobbhavikā”, nghĩa là sự ham muốn quá độ (Ái dục) đem lại sự Tái sanh; và câu kết luận:

“Ayamantimā jāti natthidampunabbhavo”, nghĩa là kiếp này là kiếp tái sanh cuối cùng của Như Lai. Trong kinh Majjhima Nikāya có ghi rằng vì lòng từ bi bác ái đối với chúng sanh, Đức Phật thường rọi thiên nhãn tìm người hữu duyên đi tế độ; Ngài thấy chúng sanh đương tạo nhiều tội lỗi có ảnh hưởng đến kiếp vị lai của họ (Paralokavajja bhaya dassāvino).

Trong nhiều thời pháp, Đức Phật thường nói rằng chúng sanh nào làm dữ, sau khi chết (Parammarana) sẽ tái sanh trong cảnh khổ; chúng sanh nào làm lành sẽ tái sanh trong cảnh vui.

Trong kinh Ghatikara Sutta, Đức Phật thuật lại cho DĐ Anada biết rằng vào thời kỳ Phật tổ Kassapa (Ca Diếp), Ngài sanh làm một vị Bà La Môn, tên Jotipâla, thông suốt ba bộ kinh Phệ Đà. Khi vào xuất gia theo Phật tổ Kassapa, Ngài siêng năng thọ trì Tam học, thuộc nằm lòng trọn bộ Tam Tạng, và được Phật tổ Kassapa thọ ký.

Kinh Anāthapindikavada Sutta có tả cuộc viếng thăm Đức Phật của ông Cấp Cô Độc trong đêm sau khi ông này qua đời được sanh về cõi Trời.

Trong kinh Anguttara Nikāya, Đức Phật có nói đến kiếp quá khứ của Ngài, khi ngài sanh lên làm Pacetana.

Trong kinh Paranibbāna Sutta, ĐĐ. Ananda có xin Đức Phật cho biết kiếp vị lai của vài người vừa chết trong làng nọ. Đức Phật đã cắt nghĩa rõ rệt cho ông Ananda biết những người ấy đi tái sanh nơi đâu.

Còn rất nhiều sử tích trong Tam Tạng chỉ cho mọi người biết rằng Đức Phật đã xác nhận sự Tái sanh, là một sự có thật không thể chối cãi được.

Thực hành đúng theo giáo lý của Đức Phật, các đệ tử Ngài có thể mở mang sự hiểu biết về quá khứ, và có thể biết ít nhiều tiền kiếp của họ. Riêng về Đức Phật, Ngài thấu rõ vô số kiếp quá khứ của Ngài.

Một số người Ấn Độ Rishis, trước khi Đức Phật ra đời, được nổi tiếng rằng họ có thần thông về thiên nhãn, thiên nhĩ, cảm ứng, viên giác, v.v…

Mặc dầu khoa học chưa tiến tới mức ấy, nhưng trong Phật giáo người ta có thể đạt được các pháp thần thông, bằng cách chuyên tu về thiền định, minh sát. Năng lực thiền định không liên quan đến ngũ căn, có thể đem lại sự thông cảm tư tưởng và sự hiểu biết các cảnh giới khác.

Cũng có nhiều người khác thường, nhứt là các trẻ em, do luật phối hợp bất ngờ, bật nhớ lại kiếp quá khứ, hoặc vài chi tiết về đời trước của họ. Các trường hợp ít có này, đủ làm cho người học giả tin nơi kiếp quá khứ. Người ta thuật rằng ông Pythagore đã nhớ lại tường tận một cái thuẫn trong đền thờ Hy Lạp, là vật của ông đã dùng trong lúc vây hãm thành Troie.

Do thí nghiệm của các nhà tâm linh học, những hiện tượng ma quỷ, những thông cảm tư tưởng, những thiên tư khác thường, đã đem lại ít nhiều tia sáng trong vấn đề tái sanh.

Có lúc tình cờ chúng ta gặp những người xa lạ, mà hình dáng họ khêu gợi sự quen biết, từ đâu trong trí não của chúng ta. Đôi khi đứng trước những cảnh vật lạ lùng, thình lình chúng ta có cảm tưởng đã từng quen thuộc với cảnh vật ấy. Những sự khêu gợi bất ngờ này không ngoài tàng tích đã kinh nghiệm trong thời gian quá khứ.

Sự thông suốt mọi lẽ của các bậc siêu phàm, các bậc toàn giác như Đức Phật chẳng phải là chuyện phi thường tình cờ, cũng chẳng phải là những kinh nghiệm trong một kiếp sống mà thôi.

Ngoài các lý do nói trên, chúng ta không thể giải thích cách nào về thiên tài xuất chúng của các ông Ô.Homère, Platon, Shakespeare, của những thần đồng như Pascal, Moznart, Beethoven v.v…

Vài bác sĩ cho rằng sự thông minh của các thần đồng là kết quả của những hạch tuyến khác thường, nhất là hạch mang mũi, từng quả tuyến và thận tuyến.

Nếu không tin nơi một nhân chi thuộc về nghiệp quả, chỉ căn cứ nơi sự phát triển khác thường của các thứ hạch nói trên, không biết khoa học giải thích thế nào về trường hợp của ông Christian Heinecken. Vài giờ sau khi ông ra đời, ông nói chuyện được; khi ông được một tuổi, ông trả lời thuộc lòng vài đoạn Thánh giáo trong cuốn Sấm Truyền; đến hai tuổi ông trả lời tất cả những câu hỏi về địa dư; đến ba tuổi ông nói tiếng Pháp, tiếng La Tinh; đến bốn tuổi ông có thể theo học các lớp triết học.

Ông Stuart Mill vừa ba tuổi đã đọc chữ Hy Lạp. Ông Macaulay, lúc sáu tuổi viết sử ký thế giới. Ông William James Sidis vừa mới lên hai đã đọc và viết chữ mẹ đẻ (Hoa Kỳ) đến tám tuổi đã nói tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức và chút ít tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp.

Khoa học không thể cắt nghĩa tại sao các hạch tuyến chỉ phát triển trong một vài người, mà không trổ sanh cho tất cả. Vấn đề chánh này không thể giải quyết được. Cũng không thể đổ cho sự di truyền, bởi các thần đồng nói trên không phải người thừa hưởng nơi ông cha và cũng không noi truyền lại cho con cháu được. Cũng không thể nói rằng những kết quả tốt đẹp ấy do nơi công trình thu thập trong thời gian đôi ba chục năm, trong đời sống hiện tại này. Bao nhiêu cố gắng trong một đời người vắng või này chỉ là những tập sự, không hoàn toàn, để tiến lần hồi đến nơi tận thiện tận mỹ.

Nếu ta tin tưởng nơi hiện tại và vị lai, lẽ tất nhiên ta không thể nhìn nhận có quá khứ. Và nếu có đủ lý lẽ cho ta tin rằng ta đã có sống trong quá khứ, thì không lý do nào ta không tin rằng ta còn phải sống trong vị lai, sau khi hiện tại này đã chấm dứt.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app