Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Tái Sanh

Giáo lý về sự Tái sanh chẳng phải là một lý thuyết; người Phật tử xem nó như một thực tế, không chối cãi được. Nó là căn bản của Phật giáo.

Nguyện vọng của Bồ Tát và chủ trương tự do tiến hóa đến nơi tận thiện, tận mỹ đều căn cứ trên giáo lý Tái sanh này.

Sách vở có ghi chép rằng Thánh chúa Jésus, nhiều bực hiền triết như Pythagore, Platon, nhiều thi sĩ như Shelly, Tennyton, Wordsworth và một số người Âu châu, Á châu đều thừa nhận và tin tưởng có sự Luân hồi hoặc có linh hồn đi đầu thai.

Giáo lý về sự Tái sanh của Phật giáo khác hẳn với quan niệm Luân hồi và đầu thai của linh hồn, bởi Phật giáo không nhìn nhận có một linh hồn trường tồn bất diệt để chuyển sanh từ kiếp này qua kiếp khác, dầu là linh hồn của Tạo Hóa sanh ra, hay từ trong cái Đại hồn Paramātma tách ra.

Chỉ có nghiệp quả mới cấu tạo được sự Tái sanh. Do nghiệp quá khứ mới có sự Tái sanh hiện tại; do nghiệp hiện tại, hiệp với nghiệp quá khứ mới có sự Tái sanh vị lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ và trở thành quyến thuộc của vị lai.

Hiện hữu của hiện tại không có bằng chứng, vì nó rất rõ rệt.

Hiện hữu của quá khứ căn bản trên trí nhớ và tục truyền. Hiện hữu của vị lai căn bản trên tiên đoán và suy luận.

Nếu đặt ra sự sống quá khứ, hiện tại và vị lai, thì tức nhiên phải đương đầu với một vấn đề huyền bí: “Đâu là nguồn cội của sự sống?”

Một đạo giáo kia cho rằng sự sống sanh ra bởi một bản nguyên, một năng lực thiêng liêng hay là một đấng Toàn Năng. Một đạo giáo khác nói rằng trong vòng nhân sanh quả, quả sanh nhân, không thể biết được nhân nào là nhân đầu tiên.

Theo giới hạn hiện thời của khoa học, con người sanh ra do tinh trùng và ngọc châu của cha mẹ; nhưng khoa học cũng không giải rõ rệt được sự phát triển của tinh thần, là phần quan trọng hơn thể xác. Các nhà khoa học vừa nói rằng sự sống sanh ra bởi sự sống mà cũng vừa xác nhận rằng tinh thần và sự sống sanh ra từ chỗ không có sự sống. Khoa học chỉ biết nội cái giới hạn cha mẹ sanh ra con, nghĩa là trước phải có sự sống của cha mẹ rồi sau mới có sự sống của con. Khoa học cũng chưa tìm ra cái khởi thủy của sự sống.

Vài tôn giáo khác cho rằng cái bản chất của con người là linh hồn sanh ra bởi Ông Trời, cha mẹ chỉ giúp phần cấu tạo cái bọc thô sơ bên ngoài cho linh hồn mà thôi.

Theo Phật giáo thì chúng sanh ra từ trong cái khuôn đúc (Kammayoni) của các hành động của chúng ta, cha mẹ chỉ cho chúng ta cái nền tảng vật chất thôi. Như thế ấy thì trước phải có chúng sanh (cha mẹ), rồi sau mới có chúng sanh (con). Lúc thọ thai, nghiệp quả tạo ra cái thức đầu tiên, để dưỡng sanh thai bào. Năng lực vô hình của nghiệp đã tạo ra trong kiếp vừa qua sanh ra hiện tượng về tinh thần và hiện tượng về sinh khí trong một hiện tượng thể xác đã sẵn có, để cho có đủ tam nguyên (thức, sinh khí và thai) làm ra con người.

Nói đến quan niệm về chúng sanh, đức Phật có thuyết trong bộ kinh Majjhima Nikāya, quyển Mahatanhakhaya, số 38 như vầy: “Nơi nào Tam nguyên được cấu tạo chung, thì mầm sống được gieo trồng nơi ấy”. Trong sự phối hợp của cha mẹ, nếu không nhầm lúc kinh kỳ của người mẹ, và không có chúng sanh thọ thai (gandhabba), thì mầm sống cũng không gieo trồng được. Nếu nhầm lúc kinh kỳ của người mẹ, mà không có chúng sanh thọ thai, mầm sống cũng không gieo trồng được. Nếu nhầm lúc kinh kỳ của người mẹ và chúng sanh thọ thai cũng có mặt trong lúc phối hợp, đủ ba nhân: tinh trùng, minh châu và thức, thì mầm sống được gieo trồng.

Danh từ Gandhabba hay Gantabba không phải tên của Mụ Bà hay Đức Thầy chi chi đó có phận sự bảo hộ thai bào, theo sự tin tưởng của nhiều người. Đây chỉ nói về một chúng sanh đủ điều kiện, sẵn sàng đến thọ sanh trong bụng của một chúng sanh. Danh từ Gandhabba chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt này thôi, chớ nên lầm tưởng là một linh hồn bất diệt.

Nếu có một chúng sanh sắp thọ thai nơi đây, thì phải có một chúng sanh sắp chết một nơi nào khác. Sự sanh của một chúng sanh, tức là sự kết hợp (Khandhanaṃ Pātubhāvo) hay là cái hiện tượng về tinh thần vật lý, tương hợp với sự diệt của một chúng sanh trong quá khứ, giống như sự xuất hiện của mặt trời vậy. Mặt trời mọc nơi nào, có nghĩa là mặt trời lặn một chốn khác. Muốn cho dễ hiểu hơn, chúng ta tưởng tượng đời sống như một lượn sóng. Sanh và diệt là hai giai đoạn của sự tiến triển sống chết, chết sống. Sự liên tiếp mãi mãi của sống chết và nguồn sinh lực của mỗi cá nhân, gọi theo danh từ thuật ngữ là Luân hồi (Samsāra).

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app