Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Nghiệp Báo

Nghiệp là luật nhân quả trong phạm vi luân lý. Luân hồi là kết quả của Nghiệp. Nghiệp và Luân hồi, hai học thuyết căn bản của đạo Phật, luôn luôn xáo trộn, chằng chịt nhau rất phức tạp. Trước khi Đức Phật ra đời, người Ấn Độ đã có một quan niệm mập mờ và một đức tin tập nhiễm về Nghiệp và Luân hồi, sau lại nhờ Đức Phật thuyết minh một cách tường tận hai định luật cao siêu ấy. 

Người đời thường hay tự hỏi:

Đâu là nguyên nhân của sự bất công giữa nhơn loại và làm sao giải quyết những bất công chồng chất, trong thế giới bất công này?

Biết bao nhiêu câu hỏi, mà chưa có câu trả lời: Tại sao có người sanh ra giữa chốn giàu sang vinh hiển, lại có trí tuệ xuất chúng, nết hạnh thanh cao, thân hình khỏe mạnh và trong khi ấy lại có kẻ phải làm con của một gia đình bần cùng lao khổ? Tại sao người kia có tiền của ức triệu, mà người nọ lại thiếu trước hụt sau? Tại sao có người thông minh trí tuệ, và có kẻ ngu muội tối tâm? Tại sao người này ra đời đã sẵn có những đặc tính thánh hiền, còn người khác sanh ra với những bẩm thú sát nhơn? Tại sao có những thần đồng, văn sĩ, nhạc sĩ, toán học gia? Tại sao có kẻ sanh ra mù điếc và hình thể dị thường? Tại sao có trẻ em vừa mở mắt chào đời được tưng tiu, yêu quí và có em lại bị chê báng, ghét bỏ?

Phải chăng những bất công ấy do ít nhiều nguyên nhân nào, hoặc do sự may rủi mà ra?

Đối với bực trí tuệ hai tiếng may rủi không đem lại một tia sáng nào để an ủi những người xấu phước.

Theo Phật giáo, không một điều chi xảy đến cho một người nào, mà người ấy không đáng thọ lãnh, vì một cái nhân này hay vì một cái nhân khác. Quả vui, quả khổ của những người đang gặt hái, đều sanh ra bởi những nhân đã tạo ra, hoặc trong đời này, hoặc trong đời trước, hoặc trong các kiếp quá khứ. Chỉ có thiên nhãn và tuệ giác, mới khám phá được những bí ẩn huyền vi ấy thôi.

Theo sự tin tưởng của đạo giáo khác, những bất công nói trên đều do ý định của một đấng Tạo Hóa, toàn năng, toàn tri.

Phật giáo lại không nhìn nhận có Tạo Hóa, nhưng trong Phạn ngữ có hai danh từ Issara và Brahma, lại được một đạo khác dùng làm danh hiệu của vị thần Tạo Hóa của họ. Theo Tam Tạng Pháp Bảo, hai danh từ này có nghĩa là vị Trời đương trị vì cõi Phạm Thiên.

Vì vấn đề Tạo Hóa đã được nêu ra để cật vấn Đức Phật, nên Ngài đã tỏ quan niệm của Ngài trong kinh Anguttara Nikaya như sau đây và đã được đặc biệt chú ý trong thời kỳ ấy:

“Cho rằng những cảnh vui khổ, hoặc không vui, không khổ hoặc mọi việc ở thế gian, đều do nơi một đấng thiêng liêng cao cả gây ra, và số phận loài người đều tùy sự định đoạt của đấng thiêng liêng ấy; tin tưởng như vậy là một điều lầm lạc. Tùy theo ý định của đấng thiêng liêng đó, có người trở thành những kẻ sát nhơn, trộm cướp, dâm ô, nói dối, ngạo mạn, xảo trá, tham lam, quỉ quyệt, trụy lạc. Như thế, thì hành động của kẻ ấy không do ý muốn của họ, cũng không do sự cố gắng và một lý lẽ chi cả?”

Đề cập đến vấn đề khổ hạnh của các đạo sĩ để thiêu đốt phiền não và tội lỗi, đặng trở về với ngôi Tạo Hóa, kinh Devadaha Sutta có ghi câu Phật ngôn như vầy: “Này các thầy Tỳ khưu, nếu con người phải chịu đau khổ, để hưởng yên vui theo ý muốn của Trời Issara Nimmānahetu, thì vị Trời đã sanh ra những đạo sĩ đương hành thân hoại thể, chẳng là tàn ác lắm à. (Pāpakena Issara)”

Trong bộ Bhūcidatta Jataka nói về tiền thân của Đức Phật, khi đề cập đến thần Tạo Hóa (Brahma), Bồ Tát có hỏi như vầy: “Người mà cặp mắt đã thấy được sự đau khổ, hà tất người ấy không làm cho chúng sanh được yên vui? Nếu người ấy có nhiều thần lực, hà tất không dùng thần lực đó, để cứu độ chúng sanh? Tại sao những con sanh của người ấy lại phải chịu lắm điều khổ sở? Tại sao người ấy không ban phước lành đến cho con họ? Tại sao những xảo quyệt, giả dối, mê lầm vẫn tồn tại mãi mãi? Tại sao gian xảo càng ngày càng phát đạt, còn chơn lý và công bằng lại phải lu mờ? Ta xem thần Brahma như người đệ nhứt không công bình, đối với những kẻ bị sanh ra trong thế giới dẫy đầy nhơ bẩn, xấu xa này.

Trong bộ kinh Mahabodhi Jataka, Bồ Tát bát hẳn lý thuyết “Tạo Hóa sanh ra muôn loài vạn vật” bằng những lời:

“Nếu thật có một đấng cao cả đầy quyền lực đã sanh ra chúng sanh hiền lành hoặc hung dữ và những việc lành điều ác, thì đấng Tạo Hóa ấy phải là người lem luốc, tội lỗi. Vậy thì chúng sanh, như ta đây cần phải rèn luyện cho có một tinh thần lành mạnh và tốt đẹp”.

Bây giờ chúng ta thử xét coi các nhà khoa học hiện thời quan niệm thế nào những sự bất công của Tạo Hóa. Căn bản trong phạm vi ngũ uẩn, các nhà khoa học cho rằng những sự bất công của Tạo Hóa do nơi hóa học và vật lý học, nơi sự di truyền và thân cận mà ra. Ô. Julieu Huxley, một nhà sinh lý học có danh tiếng, có viết như vầy:”Trong thân thể con người có những cái gênes (tạm dịch là Bẩm thụ) làm mầm cấu tạo màu sắc, bề cao, sức mạnh, phát dục, tuổi thọ, mạnh khỏe, suy nhược, dung mạo, thể vóc. Tất cả hoặc nhiều sự di truyền cũng có thể do nơi bẩm thụ ấy mà ra. Về phần tinh thần thật khó mà trình bày một cách thiết thực được, nhưng chắc chắn cũng do nơi cha mẹ di truyền. Tuy vậy sự di truyền này cũng chưa thể quả quyết được rằng nó giống cùng không giống với mầm cấu tạo những thể chất thuộc về thể xác”.

Nói như trên thì tất cả những khí bẩm về tinh thần và vật chất đều do nơi những gênes (bẩm thụ) mà chúng ta đã thọ lãnh trong thai bào. Chúng ta nên nhìn nhận rằng những hiện tượng về hóa học và vật lý học, do các nhà bác học đã chứng giải một phần, vẫn còn ở trong vòng thẩm đoán. Chúng ta không thể căn cứ nơi những hiện tượng đó để tìm hiểu sự khác nhau giữa chúng sanh về phương diện tinh tế và thô thiển được. Nói về hai trẻ nhỏ sanh đôi, giống nhau về mặt thể xác, vì lẽ đã cùng thọ hưởng một thứ gênes (bẩm thụ) và cũng được nuôi dưỡng in nhau, tại sao hai trẻ ấy lại khác nhau về khí chất, trí khôn và đạo đức? Như thế sự di truyền của khoa học chỉ có thể giải thích cái gì giống nhau về vật chất, hơn là cái gì khác nhau về tinh thần. Chúng ta cũng không thể nhờ lý thuyết di truyền mà biết được, tại sao có gia đình danh giá sanh con sát nhơn? Tại sao có gia đình hung ác sanh con hiền từ? Tại sao có những thần đồng, những thánh nhân?

Theo Phật giáo, những cảnh dị đồng nói trên, do một phần nơi sự di truyền, một phần nơi giới thân cận, và nhứt là do nơi kết quả (Nghiệp) của những hành động tạo tác trong đời này, hoặc trong kiếp quá khứ. Vui khổ, phước tội, cũng như Thiên Đàng, Địa Ngục, đều do nơi chúng ta tạo ra. Và hiện nay, chúng ta là người đương tạo cái đời tương lai cho chúng ta.

Xưa kia có một gã thanh niên lấy làm uất ức trước trạng huống bất công giữa loài người, muốn tìm cho ra chân lý, mới đến yêu cầu Đức Phật giảng giải cho nghe: Bạch Đức Thế Tôn, đâu là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bất công giữa chúng sanh? Tại sao có kẻ chết yểu, có người sống lâu, có kẻ mạnh khỏe, có người tật bịnh, có kẻ xấu xa, có người đẹp đẽ, có kẻ cô độc, có người đông con, có kẻ nghèo khó, có người giàu sang, có kẻ sanh trong gia đình đê tiện, có người sanh trong dòng dõi cao quí, có kẻ ngu muội, có người khôn ngoan?

Đức Phật trả lời một cách vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa như vầy: “Mỗi chúng sanh mỗi có những hành vi, như món gia tài, như vật di truyền, như người bạn chí thân, như chỗ nương dựa của họ. Chính đó là duyên nghiệp đã làm cho chúng sanh khác nhau, trong cảnh trạng dị đồng vậy”. Rồi Ngài chỉ dạy những nhân chi, đem lại kết quả gì, trong mỗi nghiệp khác nhau, y theo luật nhân quả.

Không sao chối cãi được, chúng ta sanh ra với những đặc tính thế tập và mang theo những tính chất bẩm sinh, mà khoa học chưa khám phá được. Tinh cha, huyết mẹ cấu tạo ra thai bào, làm một hóa hợp vật, rồi phải nhờ năng lực của Nghiệp đưa gió sinh khí vào trợ dưỡng, phôi thai mới nẩy nở được. Vì thế, cái Nghiệp là nhân cần thiết cho sự thụ thai. Trong lúc ấy, những khuynh hướng trích trữ trong cái Nghiệp của mỗi chúng sanh, đã cấu tạo từ nhiều kiếp quá khứ, sẽ đóng một vai tuồng quan trọng về đặc tính thể chất và tinh thần, hơn những tế bào và bẩm thụ (gênes) của cha mẹ di truyền.

Đức Phật, cũng như mọi chúng sanh, đã thọ hưởng của cha mẹ những tinh trùng, ngọc châu và bẩm thụ (gênes): nhưng về mặt thể chất, tinh thần và đạo lý, thì không ai trong hoàng tộc của Ngài có thể so sánh bằng Ngài được. Chính Đức Phật đã nói rằng: Ngài không thuộc dòng giống vua chúa, mà Ngài lại thuộc dòng giống của chư Phật. Ngài là bậc xuất chúng, sanh ra bởi những kết quả cao siêu của cái Nghiệp, mà Ngài đã tạo từ vô lượng kiếp.

Theo kinh Lakkhana Sutta, Đức Phật có hình dung khác thường như 32 tướng tốt là kết quả của những công đức cao thượng trong nhiều kiếp quá khứ. Các nhân duyên về tinh thần đạo đức, là lý do của những tính cách khác thường của Ngài, đã có giải rõ trong bộ kinh nói trên. Những điều ghi chép trong kinh chứng tỏ cho ta thấy rằng những khuynh hướng của cái Nghiệp, chẳng những có ảnh hưởng đến cơ thể của ta, mà lại còn làm cho mất cả hiệu lực của tinh trùng, ngọc châu và bẩm thụ (gênes) của cha mẹ. Như vậy ta mới hiểu ý nghĩa sâu xa của câu Phật ngôn: “Chúng ta là kẻ thừa hưởng kết quả của hành vi tạo tác của chúng ta vậy”.

Kinh Atthasālissi có dạy rằng: “Do nơi sự khác nhau trong Nghiệp, có những sự khác nhau trong chúng sanh: kẻ sanh ra trong gia đình quyền quý, người lại sanh ra trong gia đình đê tiện; kẻ sanh ra trong sự nguyền rủa, người sanh ra trong sự tôn trọng; kẻ sanh ra được hưởng hạnh phúc, người sanh ra phải chịu khổ sở”. Do sự khác nhau trong Nghiệp, mới có những sự khác nhau trong sắc diện tốt, đẹp, xấu xa, đều đạm, dị thường. Do sự khác nhau trong Nghiệp, mới có sự khác nhau trong tình trạng, giai cấp: hơn kém, danh thơm, tiếng xấu, ngợi khen, khinh mạt, phúc hậu, bần cùng. Do nơi Nghiệp mà chúng sanh phải luân chuyển mãi mãi. Do nơi Nghiệp mới có chúng sanh, cũng do nơi Nghiệp, mà chúng sanh vương víu với nhau, cũng dường như có cái trục xe, nên bánh xe phải lăn hoài. Do nơi Nghiệp mà chúng sanh được vinh hạnh tôn sùng, cũng do nơi Nghiệp mà chúng sanh đi tới chỗ độc tài và tiêu diệt.

Nghiệp sanh ra nhiều quả, cũng như cây cho nhiều trái, mà người đời vẫn không tin có nghiệp.

Tóm lại những sự khác nhau về tinh thần, đạo hạnh, trí huệ và thể chất đều tùy thuộc một phần lớn lao nơi hành vi tạo tác và xu hướng của mỗi chúng sanh trong kiếp quá khứ và hiện tại, và không thể nhứt quyết rằng mọi việc xảy ra đều hoàn toàn do nơi Nghiệp. Định luật về Nghiệp, mặc dầu là quan trọng, nhưng nó chỉ là một trong 24 nhơn duyên (Paccaya: Thập nhị nhân duyên, kể xuôi và kể ngược).

Vì có người lầm tưởng rằng: Những quả lành, quả dữ hoặc không lành không dữ, đều do nơi một hành vi trước kia (Pubble Katahetu), nên đức Phật có giải rằng: “Nếu chỉ do nơi một hành vi quá khứ, mới có kẻ trở nên sát nhơn, trộm cướp, dâm loàn, láo xược, ác độc, tham lam, xảo quyệt, trụy lạc, và nếu người nào ỷ lại, ký thác nơi hành vi trước kia (nghiệp cũ) của họ thì họ không muốn làm chi khác nữa, họ cũng không cố gắng trong công việc làm của họ, họ cũng không thấy cần thiết phải làm một việc đáng làm, hoặc không làm một việc không đáng làm”.

Theo Phật ngôn trên đây, nếu kiếp hiện tại hoàn toàn do nơi hành động quá khứ điều khiển, thì cái Nghiệp chẳng khác nào một mệnh thuyết hay một định mệnh luận, hoặc một sự tiền định. Nếu vậy, thì không ai còn tự do cá nhân để cải thiện đời hiện tại cùng kiếp vị lai và đời người sẽ trở thành một guồng máy.

Bỏ quyền tự do ý chí của ta, để tin rằng có một đấng Tạo Hóa sanh ta ra để kiểm duyệt số mạng ta và định đoạt trước một tương lai cho ta, hoặc tin rằng không thể ngăn cản cái Nghiệp trong sự điều khiển số mạng ta và kiểm duyệt đời sống ta; tin như thế chẳng khác nào nhìn nhận Tạo Hóa và Nghiệp tuy khác nhau về danh từ, vẫn đem lại kết quả giống nhau.

Theo Phật giáo, định luật về cái Nghiệp chẳng phải định luật của thuyết Vận mệnh. Để chứng tỏ rằng Nghiệp không phải là Vận mệnh, Đức Phật đã có giải thích rõ ràng năm sự tiến triển của tinh thần và vật chất như sau đây:

  1. Utu Niyāma: Sự tiến triển của vật lý thuộc loại không cơ thể, như hiện tượng về mùa tiết, mưa gió, khí hậu nhiệt hàn, nguyên nhân và sự thay đổi của bốn mùa tám tiết, v.v… đều xảy ra trong lúc phải xảy ra, không có gì làm trở ngại được. (Đây còn có nghĩa là ngày kinh kỳ của người mẹ, hạt minh châu được đưa ra khỏi phôi châu).
  2. Bija Niyāma: Sự tiến triển của vật lý thuộc loại có cơ thể, như gạo do nơi hột lúa mà ra, vị ngọt do nơi cây mía hoặc mật ong mà ra, và những mùi vị riêng biệt của mỗi thứ trái cây, loại nào vị nấy không có gì chen vào sửa đổi được. Lý thuyết khoa học về tế bào và bẩm thụ và sự giống nhau về thể chất của hai trẻ sanh đôi nói trên, có thể liệt vào loại vật lý này. (Danh từ Bija Niyâma còn có nghĩa là dòng nào sanh ra giống ấy, do sự phối hợp của tinh trùng và minh châu của ông cha, bà mẹ).
  3. Kamma Niyāma: Sự tiến triển của nhân và quả, như nhân lành hoặc ác đem lại kết quả tốt hoặc xấu, không gì sửa đổi được. Nước sông, nước biển vượt lên tới mức cùng tột của nó như thế nào, thì Nghiệp cũng tùy thời đem lại kết quả của nó, cũng như thế ấy, không sao tránh khỏi được. Kết quả này chẳng phải sự ban thưởng hay trừng phạt mà nó là một sự báo ứng sẵn chờ để phát hiện ra. Nhân gieo thì quả trổ, là một sự hiển nhiên, cần thiết, cũng như sự lặn mọc của mặt trời và mặt trăng vậy thôi. (Đây còn có nghĩa là Nghiệp của chúng sanh đi thọ thai).
  4. Dhamma Niyāma: Sự tiến triển của các Pháp, như hiện tượng tự nhiên đã xảy ra lúc Bồ Tát giáng sanh trong kiếp chót. Luật dẫn lực và các luật khác trong vũ trụ, cũng như phép tắc về luân lý ở đời, v.v…có thể liệt vào loại tiến triển của các phép nói trên (Đây còn có nghĩa là gió duyên nghiệp hấp dẫn chúng sanh đi thọ thai).
  5. Citta Niyāma: Sự tiến triển về tinh thần hay tâm linh, như sự biến đổi và nguyên tố cấu tạo tâm thức, như năng lực của tâm trí, v.v… Sự cảm ứng, diễn cảm, biết quá khứ vị lai, tuệ giác, tha tâm thông, thiên nhãn, thiên nhĩ và những hiện tượng của tâm linh, mà khoa học chưa phát minh được đều thuộc về loại tiến triển tinh thần này. (Đây còn có nghĩa thức vào thọ thai).

Năm loại tiến triển nói trên, tuần tự phát sanh không sai chạy, là một nguyên tắc tổng quát, để giải thích mỗi hiện tượng về vật chất và tinh thần. Nghiệp chỉ là một trong năm pháp tự nhiên ấy, chẳng phải là quyền lực chuyên chế của một đấng thiêng liêng nào cả.

Pháp tiến triển của vật lý không cơ thể về sự tuần tự phát sanh đương nhiên của nó, xem như những sự phát động vô ý thức của một cơ giới thiên nhiên. Tuy vậy sự khôn ngoan của loài người và năng lực của tâm thức có thể kiểm soát nó ít nhiều. Ví như sức nóng có năng lực làm cho chảy tan, cũng như sức lạnh làm cho đông đặc, nhưng người ta có thể đi trên lửa mà không bị phỏng mình và ngồi trần trụi trên tuyết lãnh sơn mà cũng không biết lạnh; những thợ làm vườn có thể tạo ra một cảnh vật tuyệt trần bằng bông hoa, cây trái; người luyện pháp Dùda có thể dùng sức thần bí mà nâng cao những vật nặng nề.

Định luật của tâm linh cũng xem như sự phát động của một cơ giới thiên nhiên; đạo Phật chuyên dạy về sự kiểm soát cái Tâm. Sự kiểm soát này thực hiện được do nhờ Chánh kiến và Chánh tư duy.

Định luật của Nghiệp phát động một cách vô tư, và khi năng lực của nó phát khởi mãnh liệt, con người không thể chen vào sửa đổi kết quả nghiêm khắc của nó được. Chỉ có Chánh kiến và Chánh tư duy mới có thể sửa chữa được tương lai ít nhiều; Nghiệp lành bên trong có thể che chở một phần năng lực nào của Nghiệp dữ. Luật nhân quả thật khó hiểu, chỉ có Đức Phật mới thấu rõ nguồn cội của nó. Mục đích của người Phật tử là tìm cách để diệt trừ cái Nghiệp.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app