Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Hình Thức Của Sanh Từ

Dùng những danh từ riêng biệt tinh tế giải thích sơ lược diễn tiến của Tái sanh, Phật Giáo cho rằng cái chết bởi một trong bốn nguyên nhân sau đây:

  1. Nghiệp lực Tái sanh tắt mất. Theo Phật Giáo, cái tư tưởng, pháp hành hoặc Ái dục, là một năng lực vô cùng mạnh bạo trong buổi sinh thời; đến lúc chết, năng lực của tư tưởng lại còn mạnh hơn muôn phần. Chính tư tưởng cuối cùng ấy định đoạt điều kiện cho kiếp sống vị lai. Đến lúc lâm chung tư tưởng biểu xuất một tiềm lực đặc biệt. Khi tiềm lực của nghiệp tái sanh (của kiếp hiện tại) tắt mất, thì những hoạt động của cơ thể và nguồn sinh khí liền chấm dứt trước phút cuối cùng ấy. Điều này thường xảy đến cho những hạng nghèo khổ (Apāya), nhưng có khi cũng xảy đến cho những người thuộc mạng căn khác.
  2. Mãn kỳ hạn của kiếp sống (Āyukhaya); kỳ hạn này khác nhau tùy mạng căn, như trường hợp của người chết vì tuổi già.
  3. Nghiệp lực Tái sanh và Kỳ hạn kiếp sống đồng chấm dứt một lượt (Ubhayakhaya).
  4. Phát động đối ứng của một ngiệp lực khác mạnh hơn, làm cho bế tắt thình lình triều lưu của nghiệp lực Tái sanh, trước kỳ hạn kiếp sống. Chết bất đắc kỳ tử và chết yểu đều do nhân này.

Chết do ba nhân đầu, thường gọi chung là chết hợp thời (Kālamarana). Chết do nhân thứ tư, gọi là chết không hợp thời (Akālamarana).

Tử có bốn nhân, Sanh cũng có bốn cách: Sanh từ trong trứng (Andaja: noản sanh); Sanh từ trong thai (Jalābuja: thai sanh); Sanh từ chỗ ướt át (Samsedaja: thấp sanh); Sanh vì tự sanh (Upapātika: Hóa sanh).

Những ấu trùng lấy nơi ẩm thấp để làm tổ để nảy nở, như nhiều loại hạ thú gọi là thấp sanh. Những chúng sanh tự sanh (hóa sanh) thường mắt phàm tục không thể thấy được. Do điều kiện của nghiệp quá khứ, chúng sanh ấy tự nhiên có ra, không phải đi ngang qua giai đoạn phát triển trong phôi thai. Hạng chúng sanh như (Peta), Trời (Deva), Phạm Thiên (Brahma) đều thuộc giới hóa sanh.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app