Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Vật Chi Đi Tái Sanh

Ngoài tinh thần và vật chất đã cấu thành ra một chúng sanh, Phật giáo không nhận có một linh hồn bất diệt hay một cái bản ngã trường tồn mà con người thọ nhận một cách huyền bí nơi một nguồn huyền bí nào.

Để biện minh cho một đời sống tối đại hạnh phúc trên một Thiên Đàng, trường cửu hoặc một khổ hình vô tận trong một địa ngục vĩnh viễn, một linh hồn bất di bất dịch là tối cần; bằng chẳng vậy cái chi làm tội trên trần gian để phải chịu đền tội nơi âm ty?

Trong quyển “Tôn giáo và Khoa học” ông Bertrand Russel có viết: Lẽ thì người ta phải nói rằng sự phân biệt cũ kỹ giữa linh hồn và xác thân đã tan ra mây khói rồi; vì vật chất đã mất cả thể tích của nó cũng như linh hồn đã mất cả linh tính của nó rồi. Tâm lý học cũng mới bắt đầu là một môn khoa học. Trong tình trạng hiện hữu của tâm lý học, sự tin tưởng về tánh cách trường sanh của linh hồn không thể đòi hỏi cho khoa học tán trợ phần nào được.

Tác giả uyên bác của quyển “Sự bí ẩn của vũ trụ: The Riddle of the Universe” có viết: Biện chứng của thần linh học cho rằng ngòi Tạo Hóa đã thổi vào cho con người một linh hồn bất diệt, là một chuyện thần thoại.

Biện chứng của vũ trụ luận cho rằng tinh thần giới của thế gian bắt buộc linh hồn con người phải trường tồn, là một giáo điều vô căn cứ.

Biện chứng của đạo đức luận cho rằng tật xấu và lòng tham nào chưa được toại nguyện trong đời sống dương gian, phải được bù đắp do một luật công binh của bờ bên kia cảnh giới trường tồn; điều ấy chỉ là một sự mong ước cuồng nhiệt thôi.

Biện chứng của nhân chủng luận cho rằng sự tin tưởng nơi tính chất bất diệt, cũng như sự tin tưởng nơi Tạo Hóa là một chân lý cổ hủ của nhân loại, nhưng đó là một sự sai lầm hiển nhiên.

Biện chứng của bản thể luận cho rằng linh hồn, đã là một thực thể vô hình và không phân chia ra được, thì không bao giờ bị dính mắc trong sự hư hoại của cái chết; điều này căn cứ trên một quan niệm sai lạc của hiện tượng tâm linh, tức là một ảo mộng của duy thần luận.

Tất cả những biện chứng trên đây, cũng như tất cả những giả thuyết tương tợ về bản ngã đã bị vướng trong một tình trạng nguy hại, đều bị loại bỏ do sự chỉ trích của khoa học, từ mười năm vừa qua.

Trong quyển “Sưu tầm linh hồn”, ông Hume có viết: có nhiều nhà triết học tưởng tượng rằng từ chập họ nhận thức, họ có cái Ta; họ cảm giác rằng cái Ta có thật và họ quả quyết rằng, ngoài sự hiển nhiên của mọi luận chứng, họ nhận chắc rằng cái Ta thật là hoàn toàn đồng nhất (không thay đổi) và rất đơn giản. Riêng phần tôi (ông Hume), tôi thâm nhập mật thiết trong cái mà tôi gọi là tôi; bởi thế nên tôi vấp vào một vài tri giác đặc biệt, nào là nóng hoặc lạnh, sáng hoặc tối, thương hoặc ghét, khổ hoặc vui. Chẳng bao giờ tôi bắt gặp được cái tôi, và cũng chẳng bao giờ tôi có thể chiêm nghiệm được một vật gì ngoài tri giác ấy.

Về vấn đề linh hồn ông giáo sư William James có viết: Cái Ta này (về phương diện bổ túc) là một vật kết hợp do kinh nghiệm giữa sự vật đã từng biết một cách khách quan. Cái Ta này (về vai trò chủ đề) biết được sự vật ấy, không thể là một vật kết hợp, nếu dùng nó về mục đích tâm lý, cũng không phải là một thực thể siêu hình không thay đổi như một linh hồn; nó cũng không phải là một bản nguyên như cái bản ngã khách quan siêu việt ở ngoài thời gian. Ấy chỉ là một tư tưởng trong mỗi chập, khác với tư tưởng trong chập cuối cùng ấy, nhưng thuận ứng theo tư tưởng cuối cùng ấy, để đồng chung hợp với nó mà làm một tư tưởng riêng biệt.

Đức Phật đã có thuyết minh điều ấy, 2500 năm trước, trong lúc Ngài châu du trong lưu vực sông Găng.

Phật giáo dạy một thứ tâm lý học không có tâm linh, giải rằng con người cấu tạo do một phần tinh thần và một phần vật chất (nāma rūpa); hai phần này ở trong trạng thái của một triều lưu thay đổi không ngừng nghỉ.

Phần sắc (rūpa) gồm có năng lực và thuộc tính tuôn ra không ngớt, từ trong Nghiệp (kamma) của Tâm (citta), từ trong sự thay đổi của thể xác (utu) và của vật thực (ahāra). Sắc ấy hư hoại từ chập này qua chập khác.

Danh (nāma) là phần quan trọng hơn hết trong bộ máy con người, gồm có 52 tâm trạng bềnh bồng. Cảm giác hay thọ cảm (vedana) là một; tri giác hay tưởng (saññā) là hai. Còn lại 50 tâm trạng, toàn là những họat động của Ý, gọi là Hành (saṅkhārā), đều từ trong cái Thức (viññāna) sanh ra.

Bốn loại hiện tượng tinh thần ấy phối hợp với hiện tượng vật chất làm ra năm uẩn (pañcake -khandha). Vật cấu hợp phức tạp ấy là con người.

Cá tính của con người là sự kết hợp của năm uẩn nói trên.

Toàn cả sự tiến triển của hiện tượng tinh thần vật lý ấy, luôn luôn sanh diệt liên tiếp, Đức Phật, dựa theo tập tục, gọi là cái Ta (atta); nhưng đây chỉ là một sự tiến triển, chẳng phải một vật đồng nhứt như quan niệm của thế thường.

Phật giáo không phải không nhìn nhận hoàn toàn cái nhân cách (Ta) theo định nghĩa kinh nghiệm thông thường. Phật giáo chỉ không nhìn nhận cái Ta theo ý nghĩa cứu cách, là cái Ta không thay đổi của một linh hồn bất diệt; nhưng không chối cãi sự thay đổi liên tiếp của cái Ta ấy.

Danh từ triết học Phật giáo về cá thể là Santati, có nghĩa là sự biến đổi không dứt đoạn ấy, hay sự liên tiếp của những hiện tượng tinh thần và vật chất, tùy thuộc nơi cái Nghiệp (kamma), không có nguồn gốc rõ rệt trong quá khứ vô thủy vô chung; nhưng nó tiếp diễn hoài trong vị lai. Ngoại trừ khi nào có thực hành Bát Chánh Đạo, mới chấm dứt được. Chính nó là vật thay thế của Phật Giáo cho cái mà các đạo giáo khác gọi là Bản ngã trường tồn hay là linh hồn bất diệt vậy.

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app