Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Triều Lưu Tiến Triển Của Sự Tái Sanh

Bài pháp Paticca Samuppāda đã giải thích đầy đủ cách diễn tiến của sự Tái sanh. Patica nghĩa là do nơi, hay vì lẽ. Samuppāda nghĩa là phát sanh hay nguồn gốc. Paticca Samuppāda là sự phát sanh tùy thuộc hay nguồn gốc liên quan.

Pháp Paticca Samuppāda chỉ giải về sanh tử khổ, và không đề cập đến sự tiến triển vũ trụ từ thể chất nguyên thủy, cùng những bí ẩn về nguồn gốc tuyệt đối của sự sống.

Vô minh (Avijjā) là không hiểu biết thật tướng của sự vật, là mối dây đầu tiên hay là nhân khởi thủy của bánh xe luân hồi. Nó che đậy tất cả sự hiểu biết chân chánh.

Do nơi Vô minh mới phát sanh hành vi động tác (Saṅkhārā), gồm cả tư tưởng lời nói và việc làm lành dữ. Các hành động phát khởi từ Vô minh hoặc nhuộm màu sắc Vô minh, sớm muộn sẽ đem lại kết quả để cột trói ta trong vòng luân hồi. Những việc lành dầu không do lòng tham, sân, si, cũng phải dứt tuyệt bợn trần nhơ, mới mong giải thoát luân hồi. Vì thế nên Đức Phật ví Pháp bảo của Ngài như con thuyền bát nhã chực đưa khách lữ hành qua khỏi sông mê biển khổ.

Hành động của chư Phật và chư A La Hán không được coi như là Sankhârâ, vì nó không bị Vô minh chi phối.

Do nơi hành vi động tác mới phát sanh cái Thức (Patisandhi Viññāna). Người ta gọi là Thức tái sanh vì nó nối liền quá khứ với hiện tại; chính nó đã phát sanh trong lúc thọ thai.

Tinh thần và vật chất (Nāma Rupa) cũng đồng thời phát sanh một lượt với cái Thức.

Do lục căn mà có sự Tiếp xúc (Phassa).

Do sự tiếp xúc đem lại cảm giác, Thọ (Vedana)

Do sự cảm giác mới phát sanh sự ham muốn, Ái dục (Tanhā)

Ham muốn chế tạo quyến luyến, Thủ (Upādāna).

Quyến luyến gây ra nghiệp quả, Hữu (Bhava).

Nghiệp quả chế tạo kiếp vị lai, Sanh (Jāti).

Già và chết (Jarā Marana) là kết quả không tránh được của sự Sanh.

Do một nhân có một quả phát sanh. Nhân dứt thì còn lại quả. Muốn dễ hiểu nên diễn ngược lại pháp Paticca Samuppāda:

Sự già và chết chỉ có thể có được trong một bộ máy có Lục căn, gọi là thân thể. Thân thể ấy có là do nơi sự Sanh. Sự sanh sản lại là cái quả của những hành vi quá khứ. Hành vi này được chế tạo bởi sự Quyến luyến, đã phát sanh do sự Tham lam. Những tham muốn có do nơi Cảm giác. Cảm giác có do sự Tiếp xúc giữa Giác quan và Sự vật. Giác quan này có không ngoài trí và thân thể. Tâm trí lại phát sanh do nơi Thức. Thức phát sanh do nơi sự không hiểu biết tánh chất thiệt thọ của sự vật.

Sự tiến teiển của Sống và Chết cứ diễn ra mãi mãi không cùng tận. Manh mối đầu tiên của sự tiến triển ấy không thể biết được; cũng như ta không thể biết đến lúc nào sự tiến triển ấy hết bị Vô minh chi phối. Chừng nào sự mê lầm của ta được thay thế bằng sự sáng suốt thấu rõ Niết Bàn; chừng ấy sự diễn tiến của Tái sanh mới chấm dứt.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app