Nội Dung Chính
Nghiệp Báo Và Tái Sanh
Nghiệp Là Gì?
Tiếng Pali Kamma và Sanscrit Karma có nghĩa là việc làm. Tất cả việc nào đã cố tâm làm, do thân – khẩu– ý, nghĩa là tất cả hành động, lời nói, tư tưởng, do tác ý lành hoặc dữ, đều gọi là Nghiệp. Những hành động vô ý không phải là Nghiệp, vì không có cái yếu tố cần thiết để gây ra Nghiệp, là sự cố tâm. Đúng theo câu Phật ngôn: “Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai nói rằng tác ý là cái Nghiệp (Cetanāhaṃ Bhikkhave kammaṃ vadāmi)”, bởi luôn luôn chúng sanh định ý muốn trước, rồi mới tiếp theo hành động bằng thân, khẩu và tư tưởng.
Hành động của chư Phật và chư A La Hán không gọi là Nghiệp, bởi các Ngài đã giải thoát ngoài phạm vi lành và dữ rồi, các Ngài đã diệt tận vô minh, ái dục là nguồn cội của Nghiệp, nên các Ngài không còn sự ham muốn ích kỷ nữa. Điều này đã có ghi chép trong kinh Ratana Sutta. Chớ nên do nơi đây mà lầm tưởng rằng Đức Phật và chư A La Hán không còn hoạt động nữa, trái lại các Ngài luôn luôn đi hoằng pháp độ sanh, không màng cực nhọc khó khăn, đem hạnh phúc an vui cho nhơn quần xã hội. Hành vi của các Ngài không còn năng lực cấu tạo, bởi một khi chứng ngộ cái thật tướng của sự vật, các Ngài đã diệt trừ những chướng ngại giữa nhân và duyên cấu hợp của sự vật ấy rồi.
Nghiệp không phải là kết quả riêng biệt của hành vi qua rồi, nó gồm cả những tạo tác quá khứ và hiện tại. Bởi thế chúng ta là kết quả của những điều ta đã làm và ta sẽ thọ lãnh những cái chi ta đương làm. Nhưng cũng chưa phải hoàn toàn như thế ấy: có thể ta không phải là kết quả nguyên vẹn của những điều ta đã làm, và có thể ta cũng không thọ lãnh tròn đủ những gì ta đương làm. Hiện tại ta là con sanh của quá khứ cũng như trong tương lai, ta sẽ là con sanh của hiện tại; nhưng hiện tại không phải luôn luôn là kết quả thiệt thọ của quá khứ; vị lai cũng không phải luôn luôn là kết quả thiệt thọ của hiện tại. Nghiệp còn là một sự kết cấu rất phức tạp hơn nữa và rất khó hiểu. Tóm lại Nghiệp là luật nhân quả áp dụng trong phạm vi luân lý thôi.