Chánh-pháp 37 pháp chứng đắc Thánh-đạo
Khi ấy, Đức-Phật ngự đến giảng đường Upaṭṭhāna, ngồi trên pháp tòa cao quý rồi truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn; các con nên học hỏi, hiểu biết rõ, rồi nên thực-hành, thường thực-hành chánh-pháp ấy; để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn; để duy trì phạm-hạnh cao thượng, để chánh-pháp được trường tồn lâu dài, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho phần đông chúng-sinh; để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho chư-thiên và nhân-loại.
– Này chư tỳ-khưu! Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, đó là:
* 4 pháp niệm-xứ (Satipaṭṭhāna):
1) Thân niệm-xứ. 2) Thọ niệm-xứ.
3) Tâm niệm-xứ. 4) Pháp niệm-xứ.
* 4 pháp tinh-tấn (Samappadhāna):
– Tinh-tấn ngăn các ác-pháp chưa phát sinh, thì không cho phát sinh.
– Tinh-tấn diệt ác-pháp đã phát sinh.
– Tinh-tấn làm thiện-pháp chưa phát sinh, thì cho phát sinh.
– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.
* 4 pháp thành-tựu (Iddhipāda):
– Thành-tựu do hài-lòng.
– Thành-tựu do tinh-tấn.
– Thành-tựu do quyết-tâm.
– Thành-tựu do trí-tuệ.
* 5 pháp-chủ (Indriya):
1) Tín-pháp-chủ. 2) Tấn-pháp-chủ.
3) Niệm-pháp-chủ. 4) Định-pháp-chủ.
5) Tuệ-pháp-chủ.
* 5 pháp-lực (Bala):
1) Tín-pháp-lực.
2) Tấn-pháp-lực.
3) Niệm-pháp-lực.
4) Định-pháp-lực.
5) Tuệ-pháp-lực.
* 7 pháp giác-chi (Bojjhaṅga):
1) Niệm giác-chi.
2) Phân-tích giác-chi.
3) Tinh-tấn giác-chi.
4) Hỷ giác-chi.
5) Tịnh giác-chi.
6) Định giác-chi.
7) Xả giác-chi.
* 8 pháp chánh-đạo (Magga):
1) Chánh-kiến. 2) Chánh-tư-duy.
3) Chánh-ngữ. 4) Chánh-nghiệp.
5) Chánh-mạng. 6) Chánh-tinh-tấn.
7) Chánh-niệm. 8) Chánh-định.
– Này chư tỳ-khưu! Các chánh-pháp ấy Như-Lai đã thuyết giảng đến các con, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.
– Này chư tỳ-khưu! Bây giờ Như-Lai nhắc nhở các con rằng:
“Tất cả các pháp-hữu-vi (sắc-pháp, danh-pháp tam-giới) có sự diệt là thường, các con nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi, thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ.
Thời gian không còn lâu, Như-Lai sẽ tịch diệt Niết-bàn. Kể từ hôm nay chỉ còn lại ba tháng nữa mà thôi, Như-Lai sẽ tịch diệt Niết-bàn.”
Tiếp theo Đức-Phật dạy bài kệ rằng:
“Paripakko vayo mayhaṃ,
Parittaṃ mama jīvitaṃ.
Pahāya vo gamissāmi,
kataṃ me saraṇamattano.
Appamattā satīmanto,
susīlā hotha bhikkhavo.
Susamāhitasaṅkappā,
sacittamanurakkhatha.
Yo imasmiṃ dhammavinaye,
appamatto vihassati.
Pahāya jātisaṃsāraṃ,
dukkhassaṅtaṃ karissati.”
– Này chư Tỳ-khưu!
Tuổi của Như-Lai đã già rồi.
Mạng sống của Như-Lai còn ít,
Như-Lai sẽ vĩnh biệt các con.
Như-Lai sẽ tịch diệt Niết-bàn,
Là nơi nương nhờ của chính mình.
– Này chư tỳ-khưu!
Các con là người không dể duôi,
Có giới hạnh trong sạch đầy đủ,
Luôn có chánh-niệm và tỉnh-giác,
Có định-tâm, tư-duy đúng đắn,
Cẩn trọng giữ gìn tâm của mình.
Người nào sống trong pháp luật này,
Không dể duôi, luôn có chánh-niệm,
Chứng ngộ Niết-bàn, pháp diệt khổ,
Người ấy diệt tử sinh luân-hồi.
Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.