Hôm nay là ngày 17/9/2023, với mục đích để cho tất cả quý Phật tử, đặc biệt là các thiện nam tín nữ ở trong hội chúng mà chúng ta đang học, thiện nam tín nữ có duyên có thêm sự hiểu biết về thế nào là chánh niệm, tỉnh giác để giúp cho việc tu tập, cũng như để hỗ trợ cho đời sống có 1 cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Cho nên BTC đã thỉnh mời Ngài Tam Tạng, đã hỗ trợ về phần kĩ thuật để giúp cho tất cả quý Phật tử có thời Pháp như ngày hôm nay, nên để bắt đầu pháp thoại chiều hôm nay, Ngài Tam Tạng sẽ tiếp tục chia sẻ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta bài kinh Thiết Lập Niệm Mahāsatipaṭṭhānasutta.
https://www.youtube.com/live/tb61wRh6YBE?si=gTtB7Sn3rvyorcWT
Trước hết chúng ta hãy đảnh lễ Đức Phật, Ngài là vị tìm ra con đường chánh niệm, đã thuyết bài kinh về chánh niệm – bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, chúng ta hãy đảnh lễ Ngài:
“Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa”
Trong 2 buổi trước, Ngài Tam Tạng thuyết về bài kinh Thiết Lập Niệm Mahāsatipaṭṭhānasutta, Ngài đã giải thích cho chúng ta hiểu về nơi chốn mà Đức Phật thuyết về bài kinh này, cũng như Ngài đã chia sẻ chúng ta về những lợi ích mà Đức Phật đã trình bày trong bài kinh này cho những hành giả tu tập Pháp Tứ Niệm Xứ. Hôm nay Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng ta về bài kinh này, chúng ta sẽ học về phần tóm tắt của bài kinh này.
Ở câu đầu tiên của đoạn tóm tắt bài kinh. Đó là: “Idha, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati…”
Ở đây, nghĩa là ở trong Giáo Pháp này, này các Tỳ Khưu, vị Tỳ Khưu quán thân như là thân, vị Tỳ Khưu sống quán thân như là thân.
Ở trong câu kinh này có từ kāye kāyānupassī. Kāye nghĩa là sắc thân chứ không phải thân bình thường, tức là thân vật chất. Thân vật chất bao gồm tóc, lông móng, răng, da… (32 thể trược), vì vậy chúng ta nên hiểu rằng Kāye đây bắt nguồn từ Kāya, và kāya này có nghĩa là sắc thân, thân vật chất, bao gồm 32 thể trược.
Ở trong Chú Giải giải thích 1 cách khác về chữ Kāya này. Kāya ở đây bắt nguồn từ 2 chữ Ka + āya; ka là sự đáng nhờm gớm, āya là có đầy đủ, nên kāya ở đây là có đầy đủ sự nhờm gớm. Thì thế nào là có đầy đủ sự nhờm gớm? Là ở trong thân này có cửu khiếu (9 lỗ) thường tiết ra những chất ô uế, dơ bẩn, nên kāya nghĩa là sự đáng nhờm gớm, là nơi đáng nhờm gớm, vì luôn có những thứ bất tịnh tiết ra từ 9 lỗ.
Trong câu kāye kāyānupassī viharati, ở đây có 2 lí do vì sao Đức Phật sử dụng phía trước 1 từ kāye, phía sau thêm 1 từ kāya nữa. Thì có 2 lí do: thứ nhất – kāya ở phía sau có nghĩa là quán thân như là thân, không phải quán thân như là thọ, như là tâm, như là pháp, mà quán thân như là thân – thân đây là thân vật chất như đã trình bày. Nên lí do đầu tiên mà Đức Phật sử dụng 2 chữ kāya gần nhau để không lẫn lộn với các pháp khác, quán thân như là thân, chứ không lẫn lộn với thọ, với tâm, với pháp. Đây là lí do thứ nhất.
Lí do thứ 2 mà Đức Phật sử dụng 2 chữ kāya gần nhau, là với mục đích để giúp cho hành giả thấy được sự tách rời, giúp cho hành giả phá được sự hiểu biết về vật mang tính nguyên khối, tính nguyên khối của đối tượng ở đây là kāya. Tính nguyên khối có 3 khía cạnh: (1) samūha – sự nguyên khối bởi vì sự tập hợp (2) kicca – sự nguyên khối do chức năng (3) ārammaṇa – sự nguyên khối do đối tượng, do cảnh.
Thì lí do thứ 2 mà Đức Phật thuyết 2 chữ kāya gần nhau để giúp hành giả phá đi tưởng nguyên khối của sự tập hợp, của chức năng và của đối tượng.
Mỗi người, mỗi chúng sinh là 1 sự tập hợp của danh pháp và sắc pháp. Khi chưa có sự hiểu biết về sự phân biệt của danh pháp, sắc pháp nên thường có tưởng cho rằng là người nam, người nữ là tôi, là bạn… Do sự tập hợp của danh sắc nên mới có tưởng sai lầm về tính nguyên khối của danh sắc này mà cho rằng là người nam, người nữ, là tôi, là bạn, là chúng sinh… Đây là tính nguyên khối thứ nhất. Mỗi thực tính pháp có 1 chức năng riêng của chúng, ví dụ yếu tố đất có chức năng cứng, mềm, hoặc yếu tố gió có chức năng chuyển động… Tương tự như vậy, đối với các giác quan tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý đều có chức năng riêng của nó, nhưng vì không có sự hiểu biết rõ ràng về tính chất và chức năng của các thực tính pháp nên 1 người có cái tưởng sai lầm, cho rằng tôi làm, tôi thấy… Đó là tính nguyên khối thứ 2. Tính nguyên khối thứ 3 liên quan đến chức năng của đối tượng: mỗi giác quan có 1 đối tượng khác nhau, nếu không có sự hiểu biết, sự phân biệt rõ ràng về đối tượng các giác quan, cũng có thể khiến 1 người hiểu nhầm, chấp nhầm tính nguyên khối liên quan đến đối tượng. Nên lí do thứ 2 mà Đức Phật nói 2 chữ kāya gần nhau là để giúp cho hành giả phá đi tưởng về nguyên khối của thực tính pháp.
Ngài Tam Tạng nhắc lại 2 lí do mà Đức Phật thuyết 2 chữ kāya trong câu kinh này nằm gần nhau. Liên quan đến lí do thứ 2 mà Ngài vừa mới trình bày, là giúp cho hành giả phá đi cái tưởng về tính nguyên khối của các thực tính pháp. Khi hành giả quan sát yếu tố đất, hành giả phải quan sát rằng đất chỉ là đất, thông qua đặc tính cứng hay mềm, hành giả nhận biết đấy chỉ là đất, mà không nhận biết đấy là người nam, người nữ, là ta, là bạn… Tương tự như vậy, khi hành giả quan sát yếu tố gió với đặc tính chuyển động, thông qua tính chuyển động hành giả nhận biết gió, và gió chỉ là yếu tố gió mà không phải là người nam, người nữ, là ta, là bạn… Nên trong 2 lí do này, lí do thứ nhất Đức Phật thuyết 2 chữ kāya gần nhau là để người nghe hiểu rằng, khi hành giả quan sát sắc thân chỉ là sắc thân, như là sắc thân chứ không liên quan, không có sự lẫn lộn với thọ, với tâm hay với pháp. Lí do thứ 2 là để người nghe biết rằng hành giả quan sát sắc thân như là sắc thân mà không phải là ta, là bạn, là người nam, người nữ…
Ở phía sau chữ viharati (sống) có 3 chữ rất quan trọng đó là ātāpī sampajāno satimā. Nghĩa tiếng Việt trong câu này: “vị Tỳ Khưu sống quán thân như là thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm.”
3 chữ ātāpī (tinh cần), sampajāno (tỉnh giác, trí tuệ), satimā (chánh niệm, sự áp sát tâm lên đối tượng đang xảy ra trong hiện tại để chế ngự tham ưu liên quan đến thân). vineyya loke abhijjhādomanassaṃ
Ở đây hành giả trước khi hành thiền, trong khi hành thiền, 3 yếu tối này cần có mặt – đó là sự tinh cần (ātāpi), sự tỉnh giác trí tuệ (sampạjāno) và chánh niệm hay sự áp sát tâm lên trên đối tượng để quan sát đối tượng (satimā) – đây là 3 yếu tố quan trọng với hành giả trong lúc hành thiền.
Đó là 3 yếu tố ātāpī sampajāno satimā – tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm có mặt khi hành giả đang hành thiền. Đây là 3 yếu tố cần được thành tựu, cần được tu tập để loại trừ 2 pháp bất thiện là abhijjhā (tham), domanassa (ưu). Đây là 2 pháp bất thiện cần được đoạn trừ đối với 1 hành giả có sự tinh cần tỉnh giác chánh niệm. Abhijhā là sự tham đắm của cải của người khác, nhìn thấy của cải của người khác khởi lên tâm niệm ham thích của cái đó, mong muốn của cải đó trở thành của cải của mình. Domanassa là ưu, là 1 trạng thái của tâm sân. Tham và ưu là 2 trong 5 triền cái, hay 5 chướng ngại cản trở 1 hành giả tu tập, cản trở sự hiểu biết, sáng suốt, trí tuệ của hành giả. Khi 1 hành giả có thể đoạn trừ được 2 yếu tố bất thiện là abhijjhā (tham), domanassa (ưu) thì có thể đoạn trừ được 3 nivāraṇa chướng ngại còn lại, nên ở đây Đức Phật chỉ đề cập 2 yếu tố là abhijjhā và domanassa thôi. Đoạn trừ ở đây là đoạn trừ như thế nào? Chữ Pāḷi vineyya nghĩa là sự đoạn trừ nhất thời tadaṅga pahāna – thông qua thiền quán, và sự đoạn trừ bằng cách kìm nén thông qua tu tập thiền định và chứng đắc các tầng thiền định.
Thật sự, đối với 1 hành giả trước khi tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, hành giả cũng cần trang bị cho mình sự trong sạch về giới – hành giả cần giữ giới trong sạch. Khi hành giả giữ giới trong sạch, những tâm bất thiện như abhijjhā và domanassa cũng theo đó không sinh khởi. Ngoài ra những chướng ngại khác như Thīna-middha (sự buồn ngủ), (Uddhacca-kukkucca) sự trào cử, trạo hối, Vicikicchā (sự nghi ngờ) theo đó cũng được lắng dịu. Nên sự đoạn trừ những triền cái ở đây được hiểu là sự đoạn trừ 1 cách nhất thời. Không những trong khi hành giả hành thiền mà trước khi hành giả hành thiền cũng đã đoạn trừ được những yếu tố chướng ngại như thế này thông qua việc giữ giới.
Tiếp theo đó, Đức Phật nói tiếp về sự niệm thọ. Ở trong câu kinh: “vedanāsu vedanānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ”
Ở đây, niệm thọ cũng vậy, 2 chữ vedanā gần nhau cũng được hiểu tương tự 2 chữ kāya. Dịch là: “Vị Tỳ Khưu quán thọ như là thọ, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu.”
Đối với upādānakkhandha – Thời gian ở đây có nghĩa là tập hợp ngũ uẩn, nghĩa là ngũ uẩn chấp thủ. Và đặc biệt 2 chữ vedanā nằm gần nhau thì chúng ta cũng cần phải hiểu tương tự câu kinh phía trên “kāye kāya”, có nghĩa là vị Tỳ Khưu quán thọ như là thọ, không phải quán thọ như là thân, như là tâm, như là pháp. Không lẫn lộn với thân, tâm, pháp.
Vedanā ở đây chúng ta cần hiểu rằng là thọ liên quan đến những pháp hiệp thế, ở trong tâm hiệp thế mà thôi, chứ không phải là thọ ở trong tâm siêu thế. Vì khi 1 hành giả đang thực hành thiền Tứ Niệm Xứ thì đối tượng của hành giả là hiệp thế, không phải đối tượng siêu thế, vì vậy thọ ở đây là cảm thọ ở trong tâm hiệp thế.
Và để giúp 1 hành giả quan sát thọ, ở trong Chú Giải giải thích 3 điểm. Thứ nhất, hành giả quan sát thọ như là thọ, thì trước hết là thọ lạc (Sukhā vedanā). Thì để quan sát thọ lạc 1 cách đúng đắn, hành giả cần quan sát thọ lạc như là khổ, chứ không phải là lạc. Đối với thọ khổ, hành giả quan sát như thế nào? Thì thọ khổ, hành giả quan sát như là 1 yếu tố bị cây gai đâm chích. Với thọ xả (Upekkhā vedanā) thì hành giả hãy quan sát cảm thọ như là vô thường.
Và chính Đức Phật cũng dạy rằng, hành giả hãy quan sát cảm thọ như là khổ, không những cảm thọ khổ như là khổ, mà bản thân cảm thọ lạc cũng thấy như thọ khổ, khi đó hành giả mới thấy sự quan sát đúng đắn.
Một cách quan sát nữa về cảm thọ, đó là quan sát những cảm thọ lạc, khổ, xả như là sự thay đổi. Nghĩa là quan sát để thấy rõ tính thay đổi, sanh diệt của 1 cảm thọ, dù là thọ lạc, khổ, hay xả.
Đối với 2 trường hợp phía sau, trong đoạn kinh tóm tắt, “citte cittānupassī” và “dhammesu dhammānupassī”, ở đây 2 chữ cittā nằm gần nhau, 2 chữ dhammā nằm gần nhau thì cũng cần hiểu như kāya, vedanā ở trên. Quán tâm như là tâm, không lẫn lộn với thân, thọ, pháp; quán pháp như là pháp, không lẫn lộn với thân, thọ, tâm.
Trên đây, Ngài Tam Tạng đã giải thích tóm tắt về thực hành chánh niệm ở trong đoạn kinh tóm tắt. Bây giờ Ngài sẽ chia sẻ tiếp về nội dung chi tiết hơn. Trước hết Ngài muốn nói rằng, trong Chú Giải nói rằng, như 1 người có cây tre, người đó rất thiện xảo với tre, có thể dùng 1 cây tre làm ra các vật dụng cần thiết để sử dụng hàng ngày, như làm rổ, làm thúng, làm các vật dụng sử dụng trong nhà. Tương tự vậy, với 1 hành giả thực hành chánh niệm, khi hành giả có chánh niệm, thiện xảo trong chánh niệm thì có thể sử dụng chánh niệm để giúp cho mình tu tập 4 đối tượng là thân, thọ, tâm, pháp, có thể quan sát thân, thọ, tâm, pháp để thanh lọc tâm, để đoạn trừ phiền não. Đó là phần trong Chú Giải trước hết muốn giải thích về tính chi tiết của bài kinh này, đặc biệt chú trọng vào yếu tố chánh niệm, đặc biệt là đối với 1 hành giả thuần thục chánh niệm thì giống như 1 người thợ thiện xảo đối với cây tre.
Đối với 1 hành giả khi tu tập tứ niệm xứ, hay là thiết lập niệm trên 4 đối tượng thân, thọ, tâm, pháp, thì yếu tố đầu tiên là chánh niệm thân như là thân, hay là thiết lập chánh niệm ở trên thân. Ở đây không chỉ có 1 đối tượng, hay 1 phương pháp để thực hành chánh niệm ở trên thân mà thôi, mà được chia chẻ thành 14 đối tượng, 14 đề mục để hành giả thiết lập chánh niệm. Thứ nhất là hơi thở vào hơi thở ra, (2) tứ oai nghi đi đứng, nằm ngồi, (3) những oai nghi phụ ngoài 4 oai nghi chính, còn gọi là sự thấy biết mọi sự trong đời sống, như là nhìn tới, nhìn lui, lấy bát, cầm nắm, mặc y…, thậm chí là đi vệ sinh cũng là đối tượng về thân được chia làm 1 đối tượng. Thứ (4) quán về sự bất tịnh của thân, rồi có 9 đề mục liên quan đến tử thi, là 14 đề mục được chia chẻ ở trong sự thiết lập chánh niệm ở trên thân.
Và trong 14 đề mục thuộc về niệm thân này có đề mục đầu tiên là hơi thở vào, hơi thở ra ānāpāna. Vì sao ānāpāna lại được Đức Phật thuyết đầu tiên trong 14 đề mục thuộc về niệm thân? Trong Chú Giải giải thích rằng có 1 từ Pāḷi để Chú Giải giải thích là muddhabhūtaṃ, nghĩa là đối tượng hơi thở vào, hơi thở ra giống như cái đầu của mình vậy, vì cái đầu là 1 bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. Cũng tương tự vậy, hơi thở vào, hơi thở ra là 1 đề mục quan trọng nên được Đức Phật thuyết đầu tiên trong 14 đề mục niệm thân này.
Đề mục hơi thở vào, hơi thở ra là 1 đề mục quan trọng trong 14 đề mục niệm thân, nên Đức Phật thuyết đầu tiên. Trong đề mục niệm thân, đề mục đầu tiên là ānāpāna, bây giờ Ngài sẽ chia sẻ chi tiết về đề mục này. Thường khi nói đến đề mục niệm thân, thường trong các bài kinh khác khi nói về đề mục hơi thở vào, hơi thở ra không chỉ có 4 bước như trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, mà trong những bài kinh đó như trong Tương Ưng Bộ Kinh có bài kinh Ānāpānasatisutta là bài kinh thiết lập niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra thường đề cập đến 16 bước, và để cho hành giả chúng ta hiểu thêm về đề mục hơi thở vào, hơi thở ra này, Ngài Tam Tạng sẽ giải thích tóm tắt 16 bước này.
16 bước ở trong sự thực hành hơi thở vào, hơi thở ra, được chia làm 4 phần, mỗi phần có 4 bước. 4 bước đầu tiên ở trong phần 1, thì cũng giống như trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, đầu tiên có 4 bước, bước đầu tiên của sự thực hành chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra là hành giả khi thở vào dài, hành giả biết rõ mình đang thở vào dài, khi thở ra ngắn, hành giả biết rõ mình đang thở ra ngắn, khi thở ra dài, hành giả biết rõ mình đang thở ra dài, khi thở vào ngắn, hành giả biết rõ mình đang thở vào ngắn. Đấy là 2 bước đầu tiên.
Bước thứ 3, đó là sabbakāyapaṭisaṁvedī – hành giả thở ra, quan sát toàn thân của hơi thở, nghĩa là đoạn đầu hơi thở, đoạn giữa hơi thở, đoạn cuối hơi thở thì hành giả biết rõ hành giả đang thở ra, đang thở vào biết rõ toàn thân hơi thở, khi thở ra hành giả cũng biết rõ toàn thân hơi thở.
Bước thứ 4, passambhayaṁ kāyasaṅkhāraṁ – thì kāyasaṅkhāraṁ không phải là thân vật chất, mà là thân của hơi thở, nên kāyasaṅkhāraṁ đây chính là thân của hơi thở vào, hơi thở ra. Thì hành giả thở vào làm cho thân hơi thở càng vi tế hơn, khi hành giả thở ra làm cho thân hơi thở vi tế nhẹ nhàng hơn.
Đây là 4 bước trong phần đầu tiên của quan sát hơi thở.
Bởi vì hơi thở thuộc về vật chất, nên khi hành giả quan sát hơi thở vào, hơi thở ra là hành giả đang thực hành phương pháp niệm thân.
Phần thứ 2 liên quan đến hơi thở, là phần niệm thọ. Ở đây bước đầu tiên của niệm thọ, đó là Pītipaṭisaṁvedī nghĩa là hành giả biết rõ thọ hỷ khi hành giả thở vào, hành giả biết rõ thọ hỷ khi hành giả thở ra. Thực ra ở đây, pīti (thọ hỷ) nghĩa là thọ hỷ có trong 2 tầng thiền – đó là tầng thiền thứ nhất và thứ 2 – nghĩa là hành giả đã thực hành thiền hơi thở chứng đắc các tầng thiền, đến tầng thứ 2 này hành giả thực hành chánh niệm ở trên cảm thọ, sau khi hành giả xuất ra tầng thiền đó để quan sát cảm thọ. Và đây là thọ hỷ, nên bước đầu tiên là hành giả quan sát thọ hỷ khi hành giả thở vào, hành giả quan sát thọ hỷ khi thở ra. Và bước thứ 2 trong phần 2 này là sukhapaṭisaṁvedī là hành giả biết rõ thọ lạc khi hành giả thở vào, hành giả biết rõ thọ lạc khi thở ra. Thọ lạc ở đây chính là thọ lạc liên quan đến tầng thiền thứ 3 – nghĩa là sau khi hành giả chứng đắc tầng thiền thứ 3, hành giả thoát ra khỏi tầng thiền thứ 3 đó để quan sát thọ lạc.
Bước thứ 3 của phần niệm thọ này, đó là cittasaṅkhārapaṭisaṁvedī. Hành giả biết rõ những hành động của tâm, ở đây chính là sự cảm thọ, cũng như tưởng nổi trội đối với 1 hành giả sau khi chứng đắc 4 tầng thiền định. Sau khi chứng đắc 4 tầng thiền định, hành giả thoát ra khỏi những tầng thiền đó, thì những yếu tố như cảm thọ, tưởng nổi trội, nên khi hành giả thực hành thiền quán, khi thở vào thở ra hành giả cũng nhận biết những yếu tố thọ, tưởng này.
Bước thứ 4 là passambhayaṁ cittasaṅkhāraṁ – hành giả biết rõ tâm hành, hay yếu tố thọ và tưởng, đồng thời có tác ý làm thọ và tưởng trở nên vi tế hơn. Phần này là phần sau khi hành giả tu tập thiền hơi thở vào, hơi thở ra theo phương pháp thiền định, chứng đắc các tầng thiền định rồi, sau đó xuất ra tầng thiền định, những cảm thọ, tưởng nổi trội, đặc biệt là những cảm thọ nổi trội, hành giả nhận biết, quan sát những cảm thọ đó. Vì vậy phần này được gọi là niệm thọ.
Đó là phần thuộc về niệm tâm Cittānupassanā. Thì khi hành giả thực hành thiền hơi thở chứng đắc những tầng thiền liên quan đến đề mục hơi thở, hành giả xuất ra tầng thiền đó, sau khi quan sát những cảm thọ như ở trong phần niệm thọ, đến giai đoạn hành giả vì năng lực của 4 tầng thiền đó vẫn còn sau khi đã xuất ra, chính vì vậy tâm của hành giả được làm thỏa thích bởi những thọ hỷ, hành giả quan sát trạng thái tâm đó. Nên yếu tố đầu tiên của phần thứ 3 – niệm tâm này là cittapaṭisaṁvedī – hành giả biết rõ tâm mình khi thở vào, hành giả biết rõ tâm mình khi thở ra. Thì ở đây đề mục chính là tâm chứ không phải hơi thở.
Bước thứ 2 của phần thứ 3 (niệm tâm) – abhippamodayaṁ cittaṁ. Ở đây, hành giả biết rõ tâm sau khi xuất ra khỏi các tầng thiền định, đặc biệt là tầng thiền định thứ nhất và thứ 2, đối với tầng thiền định thứ nhất và thứ 2 này có cảm thọ hỷ nổi trội. Và thọ hỷ này làm cho tâm của hành giả trở nên hoan hỷ, khi hành giả quan sát tâm hoan hỷ đó khi hành giả thở vào, quan sát tâm hoan hỷ đó khi hành giả thở ra. Thì đối tượng chính ở đây là tâm hoan hỷ.
Bước thứ 3 – samādahaṁ cittaṁ – hành giả biết rõ tâm mà sau khi hành giả xuất ra khỏi 4 tầng thiền định, tâm này liên quan đến 4 tầng thiền định. Nghĩa là sau khi hành giả nhập vào 1 trong 4 tầng thiền định rồi xuất ra khỏi tầng thiền đó, thì tâm được làm nổi bật bởi những cảm thọ của tầng thiền định đó, khi là thọ hỷ, khi là thọ lạc, thì hành giả biết rõ tâm mà được những cảm thọ đó làm cho an lạc, thì hành giả biết rõ tâm an lạc đó khi thở vào, hành giả biết rõ tâm an lạc đó khi thở ra.
Bước thứ 4 – vimocayaṁ cittaṁ – là hành giả biết rõ tâm thoát khỏi những triền cái như là tham, sân, dã dượi, buồn ngủ, nghi ngờ, trạo hối, trào cử. Thì đối với tâm này là 1 tâm của hành giả sau khi thoát ra khỏi 1 trong 4 tầng thiền định, thì tâm đó là tâm thoát ra khỏi những trạng thái chướng ngại như tham, sân, buồn chán, buồn ngủ… cho nên khi hành giả quan sát tâm đó tâm thoát khỏi các triền cái hành giả thở vào, hành giả biết rõ tâm thoát khỏi những triền cái đó hành giả thở ra. Thì ở đây, đối tượng chính là tâm, nên phần này được gọi là Cittānupassanā – niệm tâm.
Phần thứ 4 cũng có 4 bước. Phần thứ 4 này thuộc về Dhammānupassanā – niệm pháp. Ở trong phần 4 này, bước đầu tiên là aniccānupassī – hành giả quan sát biết rõ trạng thái vô thường của các pháp hành của ngũ uẩn, hành giả thở vào, hành giả quan sát biết rõ tính vô thường của các pháp hữu vi, hành giả thở ra. Bước thứ 2 là virāgānupassī – hành giả biết rõ, quan sát sự ly tham, hành giả thở vào, hành giả quan sát, biết rõ sự ly tham, hành giả thở ra. Bước thứ 3 là nirodhānupassī – hành giả quan sát, biết rõ sự diệt của các hành, hành giả thở vào, hành giả quan sát, biết rõ sự diệt của các hành, các pháp hữu vi, hành giả thở ra. Trong phần niệm pháp này, thuộc thiền vipassanā thuần túy mà thôi.
Bước thứ 4 của phần niệm pháp – paṭinissaggānupassī – hành giả biết rõ sự thoát khỏi các phiền não, hành giả thở vào, biết rõ sự thoát khỏi các phiền não, hành giả thở ra.
Như vậy, liên quan đến đề mục hơi thở vào, hơi thở ra trong bài kinh Ānāpānasati thì Đức Phật đề cập đến 16 bước, và 16 bước này chia ra làm 4 phần – niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Đó là 1 cách thuyết giảng mà Đức Phần trình bày ở trong bài kinh quán niệm hơi thở vào, hơi thở ra, chứ không phải trong bài kinh này. Trong bài kinh này, Đức Phật chỉ chú trọng vào phần niệm thân, đó là phần đầu tiên của 4 phần được trình bày trong bài kinh Ānāpānasati – bài kinh thiết lập niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra.
Và Đức Phật vì vậy chỉ trình bày 4 bước đầu tiên ở trong 16 bước liên quan đến hơi thở, phần đầu tiên này, Ngài chỉ trình bày 1 cách đầy đủ, nhưng trong bài kinh Thiết Lập Niệm, Ngài không trình bày 12 bước còn lại giống như trong bài kinh Ānāpānasati, nhưng Ngài Tam Tạng muốn chia sẻ để cho chúng ta biết liên quan đến hơi thở có 1 bài kinh khác là bài kinh Ānāpānasati, và trong bài kinh đó Đức Phật trình bày 1 khía cạnh khác, mặc dù là thiết lập niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra nhưng Đức Phật đã chia ra làm 4 phần, bao gồm 4 niệm xứ là thân, thọ, tâm, pháp. Còn trong bài kinh này Đức Phật chỉ trình bày 4 bước trong niệm thân thôi.
Bây giờ chúng ta trở lại bài kinh Thiết Lập Niệm. Đầu tiên, liên quan đến đề mục Ānāpāna, Ngài Tam Tạng muốn làm rõ ý nghĩa của từ ānāpāna. Ānāpāna có nơi giải thích là hơi thở vào, hơi thở ra, nhưng có nơi giải thích Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào. Vì sao có sự khác biệt như vậy?
Chú giải trong tạng Luật giải thích rằng Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào, phải thở ra trước rồi đến thở vào sau. Tại sao trong tạng Luật giải thích là hơi thở ra, hơi thở vào, vì lí do đối với những đứa trẻ sơ sinh khi mới vừa được sinh ra, thì hơi thở khi nào cũng là hơi thở ra trước rồi mới thở vào sau. Cũng tương tự như vậy, 1 người bị đuối nước, thì hơi thở ra trước rồi mới đến hơi thở vào. Và trong tạng Luật giải thích theo cách đứa trẻ mới sinh, thì hơi thở ra trước rồi mới đến hơi thở vào. Nên Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào. Khi chúng ta hiểu Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào là chúng ta hiểu theo tinh thần của tạng Luật, và theo sự giải thích của Chú giải Tạng Luật. Còn Ānāpāna trong tạng Kinh, cũng như trong bài kinh này, thì Ānāpāna được giải thích đó là hơi thở vào, hơi thở ra. Thì ngoài những đứa trẻ sơ sinh, người bị đuối nước và 1 số người khác nữa, thì còn lại nói chung hầu hết con người chúng ta khi sống, thì hơi thở vào trước rồi mới đến hơi thở ra. Nên đối với 1 hành giả được trình bày ở trong bài kinh này, là 1 người bình thường, nên Ānāpāna được giải thích là hơi thở vào, hơi thở ra. Và ý nghĩa này được giải theo tạng Kinh, cũng như Chú giải của tạng Kinh. Nên khi có người dịch là Ānāpāna là hơi thở vào, hơi thở ra, thì chúng ta nên biết đây là theo tinh thần tạng Kinh, còn dịch Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào thì chúng ta nên hiểu đây là cách dịch theo tinh thần tạng Luật. Nên trong tạng Luật, Ānāpāna là hơi thở ra, hơi thở vào, còn trong tạng Kinh dịch là hơi thở vào, hơi thở ra.
Nên khi giải thích theo tinh thần Tạng Kinh, Ānāpāna được chia thành āna + pāna, āna = a (phía trong) + āna (gió) à gió đi vào bên trong gọi là hơi thở vào.
Cũng tương tự như vậy, pāna = pa (sau đó) + āna (gió) à gió của hơi thở sau đó, nghĩa là gió sau khi thở vào, tức là hơi thở ra, nên pāna dịch là hơi thở ra.
Như vậy, Ānāpāna nghĩa là gió đi vào bên trong (hơi thở vào) và gió xảy ra sau đó (hơi thở ra). Đây là ý nghĩa theo tinh thần của Tạng Kinh và Chú giải Tạng Kinh, đặc biệt là trong bài kinh này. Để thực hành đề mục hơi thở vào, hơi thở ra này, Đức Phật đã hướng dẫn nên thực hành đề mục này ở nơi nào, nên Ngài giải thích rằng, 1 vị Tỳ Khưu đi vào trong rừng, araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā – đi đến 1 gốc cây, hay đi đến nơi nhà trống, đó là 3 địa điểm mà Đức Phật muốn 1 hành giả khi thực hành đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, thì cần 1 nơi thanh vắng như vậy – ở trong rừng, ở 1 gốc cây hay ở trong 1 ngôi nhà trống.
Đây là 3 địa điểm mà Đức Phật nói là thích hợp để cho 1 hành giả tu tập với đề mục thiền hơi thở vào, hơi thở ra nên Ngài mới nói araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā – hoặc trong rừng, hoặc dưới gốc cây, hoặc trong nhà trống. Vì sao khi 1 hành giả tu tập hơi thở vào, hơi thở ra cần 1 nơi thanh vắng như vậy? Trong Chú giải giải thích bởi vì đối với 1 chúng sinh nói chung, 1 hành giả nói riêng, thì trải qua rất nhiều kiếp sinh tử luân hồi, thường dính mắc vào đối tượng ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc) nên tâm thường hướng đến những cảnh trần như vậy, mà không hướng đến và bám chặt vào đề mục hơi thở vào, hơi thở ra. Tâm hành giả khi chưa tu tập cũng giống như con bò mà chưa được huấn luyện, nên khi đưa con bò đó xuống cày ruộng thì nó không đi theo 1 lối thẳng, theo sự chỉ dẫn của người đang dẫn dắt cày ruộng với con bò đó, mà nó cứ đi qua đi lại, tương tự như vậy, tâm của 1 hành giả khi mới hành thiền sẽ không hướng đến đề mục 1 cách sát sao, thường hướng đến các đối tượng ngũ trần, xuôi theo xu hướng của tâm hành giả mà đã trôi lăn trong sinh tử luân hồi, đã từng hướng đến những ngũ trần đó quá nhiều rồi, nên rất khó để hướng tâm đến đề mục và duy trì tâm trên đề mục, đặc biệt là đề mục hơi thở vào, hơi thở ra.
Cho nên, người chăn bò muốn huấn luyện con bò đó, để nó trở nên nghe lời, thuần thục thì người chăn bò mới dẫn dắt con bò đến 1 nơi có cột trụ, dùng dây cột vào cổ con bò, đầu kia sợi dây cột vào cột trụ đó. Ban đầu con bò có thể vùng vẫy, nhưng nhờ sợi dây cột chặt vào cột, nên con bò mệt mỏi khi nó vùng vẫy nhiều, nó không vùng vẫy nữa mà ngồi, nằm gần cột trụ đó. Tương tự như vậy, đối với 1 hành giả khi tu tập thiền định hoặc thiền quán, cũng cần có sợi dây chánh niệm để buộc chặt tâm vào cột trụ đề mục thiền. Bởi trong quá khứ, nhiều kiếp sống tử sinh luân hồi, tâm của hành giả thường trôi lăn và có xu hướng về các đối tượng ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc), nhưng khi có sợi dây chánh niệm cột chặt tâm vào đề mục thiền, tâm của hành giả dần dần trở nên vâng lời, không còn loay hoay tìm kiếm những đối tượng ngũ trần nữa, nó chỉ ở gần đề mục thiền mà thôi.
Cũng tương tự đối với đề mục thiền hơi thở vào, hơi thở ra, khi hành giả liên tục áp sát tâm và duy trì sự hay biết ở trên đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, nếu có sự phóng tâm, hành giả đưa tâm về nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra, nghĩa là hành giả dùng yếu tố chánh niệm để cột chặt, để đưa tâm trở về đề mục hơi thở vào, hơi thở ra. Đề mục hơi thở vào, hơi thở ra như là cột trụ để cột chặt tâm của mình vào bằng chánh niệm. Cho nên, khi hành giả có thể cột chặt tâm vào đề mục hơi thở vào, hơi thở ra với sợi dây chánh niệm, thì tâm của hành giả từ từ sẽ an trú ở trên đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, hành giả có thể đạt đến cận định, hoặc an chỉ định, tâm khi đó không còn hướng đến những đề mục khác nữa, chỉ còn hơi thở. Khi hành giả đạt đến cận định, an chỉ định thì tâm hành giả chỉ có đối tượng quang tướng phát sinh từ sự định tâm trên đề mục hơi thở vào, hơi thở ra mà thôi. Và bây giờ, Ngài Tam Tạng nói rằng cũng đã đến lúc để chúng ta thực tập chánh niệm cột tâm của chúng ta vào đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, duy trì sự chú tâm, sự quan sát, sự nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra ở chỗ tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, và bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thực tập.
Phần hỏi đáp:
Câu hỏi 1: Kính thưa Ngài Đại Trưởng Lão, trong kinh Đại Niệm Xứ Ngài giải thích đây là con đường độc nhất đưa đến sự giải thoát khổ, sinh tử luân hồi, vậy trong bài kinh Bát Thành Aṭṭhakanāgarasutta (Trung Bộ Kinh), Tôn giả Ānanda lại dạy rằng có 8 sự thực hành khác nhau đều dẫn đến sự chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ.
“Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.”
Trả lời:
Đây là 1 ví dụ trong bài kinh Bát Thành, cũng là 1 trong 8 phương pháp mà Ngài Ānanda chỉ dạy trong bài kinh này.
Trong bài kinh Thiết Lập Niệm, Đức Phật dạy chánh niệm là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, đoạn trừ khổ thân, khổ tâm, đạt đến chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Trong bài kinh này, Ngài Ānanda lại dạy 8 cách. Thì Ngài Tam Tạng trả lời, mặc dù 2 bài kinh có sự trình bày khác nhau, tùy thuộc vào người nghe, nhưng nội dung thì giống nhau.
Trong bài kinh Bát Thành, theo ví dụ phía trên, vị Tỳ Khưu chứng và trú nhất thiền do ly dục sanh, sau đó quan sát bản chất vô thường của các chi thiền thuộc nhất thiền đó. Thì để đạt đến nhất thiền, vị Tỳ Khưu cần thực hành chánh niệm, hoặc là đề mục hơi thở vào hơi thở ra, hoặc 1 trong 10 đề mục kasina… hoặc nói rộng ra là 1 trong 40 đề mục thiền định. Để đạt đến sự định tâm, thì yếu tố chánh niệm là yếu tố chính trong sự thực hành này. Sau khi vị Tỳ Khưu đạt đến nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền của sắc giới, hay đạt đến 4 tầng thiền của vô sắc giới, rồi hành giả xuất ra tầng thiền đó để quan sát các chi thiền, các danh pháp, sắc pháp liên quan đến chi thiền đó, thì hành giả phải dùng chánh niệm để quan sát. Nếu không có chánh niệm hành giả không thể quan sát được. Hành giả phải phát triển chánh niệm. Cho nên yếu tố chánh niệm là yếu tố chính để hành giả đạt đến những tầng thiền sắc giới, vô sắc giới, và cũng cần đến chánh niệm để hành giả tu tập thiền quán mới thấy rõ danh pháp, sắc pháp, thấy rõ những đặc tính vô thường, khổ, vô ngã.
Nên mặc dù trong bài kinh Bát Thành, Ngài Ānanda nói có 8 phương pháp, nhưng yếu tố chánh niệm mới là yếu tố chính. Nên trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta Đức Phật nói chánh niệm là yếu tố chính giúp chúng sinh thanh lọc tâm…
Nên 2 bài kinh không khác nhau, chỉ khác nhau về các trình bày, liên quan đến căn tính của người nghe thôi.
Câu hỏi 2: Bạch Sư, tại sao Ngài giải thích quán thân như là thân, tức là chỉ quán thân không lẫn lộn với thọ, tâm, hay pháp. Nhưng khi quán đề mục Ānāpāna lại có sự quan sát thọ hỷ, thọ lạc… Đây là câu hỏi vừa phát sinh khi Ngài giảng về bài kinh Ānāpānasatisutta.
Trả lời:
Đối với phần Ngài giải thích khi quán thân như là thân, không có sự lẫn lộn với thọ, với tâm, với pháp, nghĩa là khi hành giả niệm thân trong 1 sát-na, không niệm đề mục khác. Vì có những hành giả do không biết, nên 1 lần vừa niệm thân, vừa niệm tâm, vừa niệm đối tượng, vừa quan sát đối tượng, vừa cố gắng để quan sát tâm nhận biết đối tượng đó. Nhưng nếu như quan sát như vậy sẽ bị phân tâm, và sẽ không đạt đến kết quả như Đức Phật đã trình bày. Nên khi quán thân, trong 1 sát-na quán thân chỉ có nhận biết thân như là thân, chứ không nhận biết thọ, không nhận biết tâm, không nhận biết pháp. Chỉ khi nào thuần thục, trí tuệ phát sinh thì mới nhận biết đây là sắc, đây là tâm, tâm là yếu tố nhận biết sắc, thì khi đó trí tuệ phân biệt thế nào là danh sắc, pháp sắc rồi. Còn khi quan sát thì trong sát-na quan sát, chỉ quan sát 1 đối tượng mà thôi.
Nhưng trong bài kinh Ānāpānasatisutta mà Ngài đã trình bày trong bài giảng 1 cách tóm tắt để chúng ta hiểu thêm, liên quan đến hơi thở, ở 1 bài kinh khác Đức Phật dạy tới 16 bước. 16 bước này chia ra làm 4 phần là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.
Liên quan đến câu hỏi này là phần niệm thọ – quan sát thọ hỷ. Hành giả thở vào quan sát thọ hỷ, hành giả thở ra quan sát thọ hỷ. Thì ở đây không liên quan đến 4 bước đầu tiên. Bước đầu tiên là thực hành thiền định để đạt đến cận định, an chỉ định, sau khi đạt được cận định, an chỉ định, hành giả thoát ra khỏi tầng định đó rồi quan sát các chi thiền, trong đó có chi thiền hỷ. Nên nãy Ngài giải thích hỷ có mặt trong các tầng thiền mà có chi pháp hỷ (tầng thiền thứ nhất, thứ 2, còn qua tầng thiền thứ 3 ly hỷ rồi, nên hỷ này có trong tầng thiền thứ nhất, thứ 2 thôi), khi này hành giả quan sát thọ hỷ. Vì sao thọ hỷ này nằm trong đề mục của bài kinh Ānāpānasatisutta? Vì thọ hỷ này liên quan đến cách thực hành để đạt đến định thông qua đề mục hơi thở vào, hơi thở ra. Nên khi niệm thọ, nhưng thọ này liên quan đến hơi thở vào, hơi thở ra nên cũng được Đức Phật trình bày trong bài kinh Ānāpānasatisutta. Nhưng đến khi niệm thọ rồi, là giai đoạn thực hành thiền quán, không còn là thiền định nữa. Nên ở đây, khi hành giả quan sát thọ hỷ, thì hành giả vẫn thở vào, thở ra, nhưng đối tượng để hành giả quan sát không còn là hơi thở, mà là đề mục thọ hỷ, mặc dù trong khi quan sát hành giả vẫn đang thở vào thở ra, lúc này chỉ quan sát cảm thọ mà thôi. Liên quan đến phần này, đến phần niệm thọ, Ngài sẽ đi sâu hơn.
Ngài nói thêm rằng, khi chúng ta học bài kinh Ānāpānasati thì đến những bước này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Còn trong bài kinh này Đức Phật không giảng như bài kinh Ānāpānasati nên Ngài không đi sâu ở phần này.
Câu hỏi 3: Kính Bạch Ngài, trong nội dung Mahāsatipaṭṭhānasutta, thì chánh niệm có trước hay tỉnh giác có trước. Liệu có phải chánh niệm là nhân, tỉnh giác là qua hay không?
Trả lời:
Như chúng ta biết, trong phần mở đầu cũng như trong phần tóm tắt nội dung bài kinh, có 3 yếu tố là ātāpī sampajāno satimā, theo thứ tự này, tỉnh giác đứng trước sati. Tuy nhiên 3 pháp này là 3 yếu tố đồng sanh, có nghĩa là trong sát-na hành giả thực hành thiền định, thiền quán thì 3 yếu tố này cần có mặt, không thể thiếu 1 trong 3 yếu tố này ātāpī (tinh tấn) – sampajāno (tỉnh giác, trí tuệ) – satimā (niệm, chánh niệm). Và 3 yếu tố này luôn có mặt cùng 1 lúc trong khi hành giả hành thiền, nếu thiếu vắng 1 trong 3 yếu tố này thì sự thực hành sẽ không đạt kết quả tốt.
Trong Chú giải giải thích rằng, yếu tố sampajāna liên quan đến trí tuệ, nên nó là 1 yếu tố dẫn đầu khi hành giả thực hành thiền quán, bởi thiền quán yếu tố trí tuệ là quan trọng. Khi có sampajāna thì khi đó hành giả mới nhận biết được các thực tính pháp, cũng như nhận biết đặc tính chung, đặc tính riêng của thực tính pháp. Còn sati – chánh niệm thì nổi trội hơn ở hành giả thực hành thiền định. Nên trong Bát Chánh Đạo, 3 yếu tố thuộc về định là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về định, còn yếu tố Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thuộc về tuệ, thì sampajāna ở đây thuộc về tuệ. Nhưng mà khi hành giả thực hành thiền định hay thiền quán thì 3 yếu tố này cần có mặt, sự ít nhiều khác nhau mà thôi. Khi hành giả thực hành thiền định, yếu tố chánh niệm sẽ vượt trội, khi hành giả thực hành thiền quán, yếu tố sampajāna (trí tuệ) sẽ vượt trội.
Ngài cũng giải thích thêm rằng, vừa rồi là 1 khía cạnh, còn đây là 1 khía cạnh khác. Ví dụ trong bài kinh Sa-môn Quả, Đức Phật đề cập giới, định và tuệ. Vị Tỳ Khưu thành tựu giới, rồi thành tựu định, sau đó mới thành tựu tuệ. Thì trong khía cạnh này, chúng ta có thể nói giới là nhân sanh định, định là nhân sanh tuệ. Trong định yếu tố vượt trội là chánh niệm, còn tuệ thì yếu tố vượt trội là trí tuệ (tỉnh giác – sampajāna), với khía cạnh này chúng ta cũng có thể nói niệm là nhân để tuệ phát sinh, tuy nhiên, những yếu tố này khi nói theo Bát Chánh Đạo, thì trong 1 tâm có đầy đủ 8 yếu tố thuộc về Bát Chánh Đạo, 5 yếu tố thường xuyên có mặt, thường xuyên làm việc là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Câu hỏi 4: Thưa Sư, đề mục Ānāpāna thân quán niệm xứ, đề mục hơi thở vào, hơi thở ra trong Mahāsatipaṭṭhānasutta có khác với phương pháp ānāpāna theo phương pháp thiền định không, nếu giống sao Đức Phật lại đưa đề mục thiền định vào trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nếu khác thì khác nhau ở đoạn nào?
Trả lời:
Ở trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, phần niệm thân liên quan đến đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, Đức Phật cũng không có nói đây là thiền định, hay thiền quán. Nhưng trong Chú giải giải thích rằng, hành giả khi thực hành 4 bước như vậy là để phát triển định tâm, có thể đạt đến cận định hay an chỉ định. Đó là cách giải thích trong Chú giải. Đối với bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, Đức phật không nói rõ đây là thực hành theo phương pháp thiền định, mà Ngài dạy cách phát triển định tâm. Thì mặc dù theo Chú giải cũng như giai đoạn đầu mà hành giả thực hành, hành giả phát triển định tâm trước. Sau khi có định tâm rồi, định tâm ở đây có thể là cận định, an chỉ định hay sát-na định, hành giả có được sự định tâm, tĩnh lặng rồi, khi đó mới thấy rõ các thực tính pháp, và những đặc tính riêng, đặc tính chung của các thực tính pháp. Đặc tính chung là vô thường, khổ, vô ngã.
Ở trong bài kinh này, mặc dù phần đầu Đức Phật dạy cách để hành giả phát triển định tâm, trong Chú giải giải thích đây là cách thực hành theo thiền định, nhưng Ngài Tam Tạng dạy rằng, chúng ta thường khi nói thiền định thường hay nghĩ đến việc thực hành để đạt đến cận định, an chỉ định rồi mới thực hành thiền quán. Cho nên Ngài Tam Tạng mới nói rằng, thay vì nói thiền định, chúng ta nên nói phát triển định. Thì phát triển định đây có thể là sát-na định, có thể là cận định, an chỉ định. Thì khi chúng ta có được 1 trong 3 loại định này rồi, chúng ta có thể thực hành thiền quán, khi đó hành giả mới có thể thấy rõ các thực tính pháp là danh pháp, sắc pháp, hay thấy rõ thân, thọ, tâm, pháp, hay thấy rõ ngũ uẩn tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi hành giả mà có sự thấy biết các thực tính pháp khác nhau như vậy. Trong bài kinh này, mặc dù phần đầu Đức Phật dạy sự phát triển định tâm, nhưng phần sau của đề mục thiền ānāpāna hơi thở vào, hơi thở ra thì là thiền quán, phát triển trí tuệ, hành giả có thể đạt đến các Thánh Đạo, Thánh Quả, và có thể đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả cao nhất là A-la-hán, vì trong đó có câu “kiñci loke” nghĩa là hành giả khi đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán rồi thì hành giả không còn có sự dính mắc bất kì cái gì trên đời. Nên ở đây, chúng ta nên hiểu rằng, trong phần niệm thân mục quan sát hơi thở, giai đoạn đầu, ở 4 bước đầu tiên là để phát triển định tâm, sau khi có định tâm rồi hành giả thực hàn thiền quán phát triển trí tuệ, đạt đến các tầng Thánh Đạo, Thánh Quả.
Câu hỏi 5: Cách phân biệt thân, thọ. Nhiều khi con thấy mình không nhận biết rõ giữa thân và thọ. Khi ngồi thấy đau, thực ra cái đau đó là thân hay thọ.
Trả lời:
Đây là 1 câu hỏi không khó, vì khi chúng ta hiểu thọ có 2 loại là trên thân và trên tâm. Khi ngồi thấy đau thì đau đó là thọ, thọ này phát sinh từ thân chứ không phải phát sinh từ tâm. Khi nào cái đau đó, rồi thấy khó chịu cái đau đó thì sự khó chịu đó cũng là cảm thọ, nhưng là cảm thọ về tâm. Còn cái đau đơn thuần khi hành giả ngồi là cảm thọ thuộc về thân, và đó là cảm thọ chứ không phải là thân.
Như vậy, chúng ta sẽ kết thúc buổi pháp thoại chiều hôm nay. Trước khi kết thúc, Ngài sẽ đọc 1 bài kinh ngắn chúc phúc, cầu chúc cho quý thiện nam, tín nữ đang nghe pháp trong zoom này, cũng như qua facebook, youtube, hay những hành giả không có mặt trong buổi chiều hôm nay nhưng nghe lại, thì Ngài Tam Tạng sẽ đọc 1 bài kinh ngắn để chúc phúc đến tất cả chúng ta, cầu cho chúng ta có được sức khỏe, an vui, tấn hóa trong Phật Pháp.
(bản text tốc ký do bạn Vũ Thái Bình gõ)