0:00 Tác bạch và đảnh lễ Phật
4:45 Nhân duyên Đức Phật trình diễn song thông để diệt trừ sự ngã mạn của người thân và tế độ dòng tộc
22:03 Năng lực về thân của một vị Phật toàn giác
24:04 Giảng giải về trí tuệ đầu tiên trong Như Lai Thập lực ṭhānāṭhāna-ñāṇa – thị xứ phi xứ trí lực
33:18 Giảng giải về trí tuệ thứ hai trong Như Lai Thập lực kammavipāka-ñāṇa – tam thế nghiệp báo trí lực
1:04:45 Giảng giải về trí tuệ thứ ba trong Như Lai Thập lực sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa nhất thiết sở đạo trí lực
1:08:28 Giảng giải về trí tuệ thứ tư trong Như Lai Thập lực anekadhātu-nānādhātu-ñāṇa Chủng giới trí lực
1:18:48 Giảng giải về trí tuệ thứ năm trong Như Lai Thập lực nānādhimuttikata-ñāṇa – Chủng chủng giải trí lực
1:30:54 Giảng giải về trí tuệ thứ sáu trong Như Lai Thập lực indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực
1:59:40 Thực hành quan sát đề mục hơi thở
2:14:49 Lời chúc phúc của Ngài tam tạng
2:17:30 Chia phước và hồi hướng
Hôm nay là ngày 3 tháng 4 năm 2022. Như thường lệ vào ngày chủ nhật hàng tuần, Ngài tam tạng thứ 10, Sư cùng với ban tổ chức, tổ chức pháp hội với mục đích để cho chúng ta có sự hiểu biết thêm về giáo pháp của Đức Phật để có thể tu tập rõ ràng về thiền định, thiền tuệ và với mục đích để mang lại sự an vui cho các phật tử khi thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn trong đời này và đời sau.
Và hôm nay Ngài tam tạng sẽ tiếp tục thuyết pháp về đề tài Đức Phật về thăm cố hương để hóa độ cho phụ hoàng của mình là vua Suddhodana. Đề tài ngày hôm nay Ngài sẽ thuyết về Như Lai thập lực cùng với song thông để giáo hóa không những vua Suddhodana mà còn giáo hóa đến cho tất cả dòng tộc Sakya – Thích Ca. Và trước khi bắt đầu pháp thoại mời tất cả đại chúng cùng nhau niệm Phật:
Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)
Ở trong các bài pháp thoại trước, Ngài tam tạng đã thuyết rằng sau 10 tháng Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề, Ngài cùng với Tăng đoàn đi về kinh thành Kapilavatthu – thành Xá Vệ là quê hương của Đức Phật để giáo hóa vua cha là vua Suddhodana cùng với dòng họ Sakya. Và hành trình Đức Phật cùng với Tăng đoàn kéo dài suốt 2 tháng cho nên đúng vào 1 năm sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề, Đức Phật cùng với Tăng đoàn đã ngự đến kinh thành Kapilavatthu.
Và khi đến kinh thành Kapilavatthu – thành Xá Vệ, đức vua Suddhodana đã cho thành lập một tu viện nói đúng hơn là một khu rừng có tên là Nigrodhā làm nơi cư trú cho Đức Phật và Tăng đoàn. Đối với dòng họ Sakya thì những người ở trong dòng tộc họ có tâm ngã mạn rất là lớn, đặc biệt là sự ngã mạn về dòng tộc Sakya của họ cho nên khi Đức Phật trở về kinh thành Kapilavatthu, thì những người lớn ở trong dòng họ Thích Ca – dòng họ Sakya xem Đức Phật như những người con, người cháu, nên họ – những người lớn tuổi không có đảnh lễ Đức Phật mà chỉ có bảo những người con người cháu của mình đảnh lễ Đức Phật mà thôi. Sự ngã mạn thường là liên quan đến nơi sinh, dòng tộc cao quý, liên quan đến tri thức, liên quan đến sắc đẹp. Sự ngã mạn này đối với một phàm nhân thường hay xảy ra trong tâm của họ. Và đối với những người trong dòng họ Sakya họ có tâm ngã mạn, họ xem họ là những người cao quý sinh ra trong dòng tộc cao quý. Cho nên khi Đức Phật trở về, họ nghĩ Đức Phật chỉ là những người trẻ, là thuộc hàng con hàng cháu, cho nên họ không có đảnh lễ Đức Phật mà chỉ sai bảo con cháu họ đảnh lễ Đức Phật mà thôi.
Đức Phật biết điều này, biết về sự ngã mạn của dòng họ Sakya, cho nên Ngài đã quyết định thực hiện thần thông để cho họ biết về năng lực của một vị Phật là như thế nào. Nên sau khi nhập và tứ thiền có đề mục màu trắng, Đức Phật bay lên trên hư không, làm chno 10.000 thế giới tỏa sáng.
Sau khi Đức Phật làm như vậy, Ngài đã trình diễn song thông nước và lửa. Đối với một vị Phật toàn giác, khi trình diễn song thông, không phải là để cho người khác, để cho các chúng sinh có một tâm cung kính hay là Đức Phật không có biểu diễn song thông để có được lợi ích nào cho Ngài, mà vì lợi ích cho các chúng sinh. Vì các chúng sinh nhìn vào năng lực của một vị Phật, ngã mạn của họ mới được lắng dịu và khi đó Đức Phật mới có thể thuyết pháp, giáo hóa cho họ.
Cho nên chúng ta cần nhớ rằng, Đức Phật giống như những người làm cha, làm mẹ để cho con cái của mình được hiểu biết, bằng nhiều cách khác nhau, những người làm cha làm mẹ dạy bảo con cái của mình. Tương tự như vậy sở dĩ Đức Phật trình diễn thần thông cũng là một trong những cách để giáo hóa chúng sinh. Cho nên có những chúng sinh thì Đức Phật chỉ thuyết về tứ đế – bốn sự thật khổ tập diệt đạo mà thôi, nhưng mà có những chúng sinh thì Đức Phật phải biểu diễn thần thông để cho họ lắng nghe, để cho tâm ngã mạn của họ được loại trừ, khi đó Đức Phật mới thuyết pháp. Cho nên biểu diễn thần thông chỉ là một trong những cách để Đức Phật giáo hóa chúng sinh mà thôi.
Cho nên từ khi Đức Phật còn là một vị Bồ tát thực hành pháp hạnh Ba la mật, Ngài đã có ba mục đích rõ ràng rồi
Thứ nhất đó là lokatthacariyā – mang lại lợi ích cho thế gian
Thứ hai đó là ñātatthacariyā – mang lại sự hạnh phúc cho những thân bằng quyến thuộc
Thứ ba đó là buddhathacariyā – mang lại sự thành đạo chánh quả của một vị Phật toàn giác.
Cho nên có thể nói rằng sau khi Đức Phật thành đạo 1 năm, Ngài đã mang lại sự hạnh phúc cho thế gian rất là lớn. Đó là từ sau khi Đức Phật thành đạo cho đến 10 tháng thì đã có 20.000 vị Thánh A ra hán ở trên thế gian. Và khi trở về kinh thành Kapilavatthu, Ngài cũng vì lợi ích của thân bằng quyến thuộc ñātatthacariyā Ngài mới trở về cố hương của mình.
Cho nên sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đã trở về quê hương của mình. Và trước khi có thể giúp đỡ chúng sinh, giúp đỡ thế gian, giúp đỡ thân quyến ở quê hương của mình, Ngài phải trở thành một vị Phật trước. Cũng như ở ngoài đời, một người muốn giúp đỡ thân quyến của mình, muốn giúp đỡ người khác thì người đó phải cố gắng học tập để có những nghề nghiệp, thu nhập lo cho bản thân mình sau đó mới có thể giúp đỡ cho người khác, giúp đỡ cho thân quyến. Đức Phật cũng vậy, để giúp đỡ thân quyến, giúp đỡ thế gian, mang lại lợi ích an vui cho thế gian và thân quyến, trước hết Ngài phải thực hành để trở thành vị Phật ngay trong kiếp sống này. Sau 6 năm thực hành khổ hạnh, Ngài còn phải thực hành thiền định, thiền tuệ mới có thể chứng đắc Thánh đạo Thánh quả, trở thành một vị Phật toàn giác. Và sau khi trở thành vị Phật toàn giác, Ngài mới có năng lực của tâm, năng lực của thân và nhờ vào năng lực của thân, năng lực của tâm, Ngài mới có thể hoàn thiện sự giúp đỡ của mình đối với thân quyến, đối với thế gian được.
Ngài tam tạng nói rằng giống như Ngài và sư ở đây, để có thể thuyết pháp và dịch pháp như thế này, phải trải qua rất nhiều năm học tập giáo pháp của Đức Phật mới có thể thuyết giảng và thông dịch như vậy. Cho nên đối với một vị Phật, sau khi thực hành Ba la mật trở thành một vị Phật mới có thể giáo hóa chúng sinh. Và cũng giống như chúng ta khi dùng bữa, đã có cha mẹ làm sẵn, ta chỉ ngồi vào để mà ăn thôi. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có duyên lành để nghe pháp trong những buổi pháp hội như thế này, nhờ có nhiều nhân duyên, thiện duyên khác nhau như có ngài thuyết pháp, chư tăng thông dịch, có ba ban tổ chức, cho nên chúng ta chỉ việc lắng nghe và hiểu giáo pháp mà thôi. Và Ngài cầu chúc cho tất cả chúng ta có thể thấu hiểu, thẩm thấu giáo pháp của Đức Phật một cách rõ ràng và dễ dàng.
Trong bài pháp thoại trước, Ngài đã nói về năng lực của thân mà một vị toàn giác có được. Cho nên qua thông tin mà Ngài đã trình bày trong các bài pháp thoại trước, mà hôm nay sư làm thành một bảng như thế này thì mọi người có thể thấy được sức mạnh của một vị Phật như thế nào. Nói một cách tóm tắt, sức mạnh của một vị Phật toàn giác, bằng 10 tỷ con voi thường và 100 tỷ người đàn ông. Đó là sức mạnh của một vị Phật toàn giác.
Cho nên chúng ta có thể thống kê sức mạnh của một vị Phật một cách chi tiết, bằng cách so sánh với các loài voi và so sánh với người đàn ông bình thường.
Và sức mạnh của thân thể, cũng như là sức mạnh trí tuệ của một vị Phật toàn giác không phải tự dung mà có, mà là nhờ Ngài đã thực hành 10 phẩm hạnh ba la mật trong nhiều đời nhiều kiếp, tối thiểu là 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp Trái đất mới có năng lực của thân và năng lực của trí tuệ như vậy.
Và hôm nay Ngài sẽ nói tiếp phần Như Lai thập lực, có nghĩa là 10 năng lực trí tuệ của một vị Phật toàn giác.
Thứ nhất đó là ṭhānāṭhāna-ñāṇa – thị xứ phi xứ trí lực – nghĩa là biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp. Thế nào là biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi. Đây là trí tuệ của một vị Phật biết rằng, ví dụ Ngài biết rằng một vị Thánh Nhập lưu sotāpanna thì không bao giờ quán sát các pháp hành, các pháp hữu vi saṅkhāra, cho rằng các pháp hữu vi là thường, các pháp hữu vi là lạc và các pháp hữu vi là ngã. Sự hiểu biết như vậy gọi là sự hiểu biết không khả thi đối với một vị Thánh Nhập lưu, là không có quán chiếu, không có xem các pháp hữu vi là thường là lạc là ngã nữa.
Trí tuệ đó cũng biết rằng một vị Thánh Nhập lưu thì chỉ có quán sát các pháp hữu vi là vô thường, là khổ, là vô ngã. Trí tuệ đó cũng biết rằng một bậc Thánh Nhập lưu không bao giờ phạm vào năm cực trọng nghiệp, và không bao giờ có tà kiến cố định. Sự hiểu biết như vậy gọi là sự hiểu biết về tính khả thi và không khả thi.
Trí tuệ đó cũng biết rằng một bậc Thánh Nhập lưu sotāpanna chỉ còn 7 kiếp tái sinh mà thôi, không quá kiếp thứ 7.
Ngược lại trí tuệ đó hiểu rằng một người phàm nhân có thể quan sát các pháp hữu vi như là ngũ uẩn, hay là danh pháp, sắc pháp cho rằng là thường, là khổ, là ngã. Trí tuệ đó cũng biết rằng một người phàm bình thường thì có thể phạm vào năm cực trọng nghiệp và có thể có tà kiến cố định. Sự hiểu biết tính khả thi của một người phàm là như vậy và tính bất khả thi của một bậc Thánh Nhập lưu sotāpanna gọi là thị xứ phi xứ trí lực – ṭhānāṭhāna-ñāṇa.
Trí tuệ ṭhānāṭhāna-ñāṇa này nói về tính khả thi hay là không thể aṭṭhānā là sự hiểu biết rằng ở trên Trái Đất này không có hai vị Phật xuất hiện cùng một lúc, trí tuệ này cũng biết rằng, nếu một người nữ trước khi trở thành người nam thì không thể nào trở thành một vị Phật toàn giác được. Sự hiểu biết tính khả thi hay là không thể này gọi là aṭṭhānā-ñāṇa.
Trí tuệ này cũng biết rằng những tà hạnh của các chúng sinh thì không thể nào mang lại sự an vui hạnh phúc, và những hạnh lành có thể mang lại an vui hạnh phúc. Sự hiểu biết tính có thể và không thể này gọi là ṭhānāṭhāna-ñāṇa.
Đó là trí tuệ thứ nhất trong 10 trí tuệ của một vị Phật toàn giác gọi là Như Lai thập lực.
Trí tuệ thứ hai là kammavipāka-ñāṇa – tam thế nghiệp báo trí lực nghĩa là trí tuệ biết rõ luật nhân quả, biết rõ về nghiệp nào tạo quả nào.
Và trí tuệ biết rõ nghiệp và quả của nghiệp này bao gồm trong ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Như ở trong paṭhana – duyên hệ, khi nói về quả của nghiệp thì có hai loại. Thứ nhất đó là nānākhaṇika , đó là những quả mà có thể trổ vào nhiều đời nhiều đời. Và thứ hai là sahajāta những quả có thể trổ ngay trong kiếp này.
Trong ví dụ về quả báu có thể trổ vào trong kiếp này, cùng trổ với nghiệp đó là khi Sư đang thông dịch pháp thế này sẽ phát sinh một sự hiểu biết đồng thời cũng phát sinh sự hoan hỷ. Sự hiểu biết hoan hỷ là quả, nó phát sinh ngay trong khi đang làm một điều gì đó.
Một ví dụ khác là khi những người con đảnh lễ cha mẹ của mình, và khi đảnh lễ với hai tay, với hai cùi trỏ với hai đầu gối và đầu sát đất. Và những người cha mẹ chúc phúc đến cho người con mình. Khi người con đảnh lễ như vậy sẽ tạo ra sự hoan hỷ, cho nên nghiệp thiện đảnh lễ bằng thân có thể khiến cho tâm của người đó có sự an vui và khiến cho những sắc tạo ra bởi thiện tâm đó và sắc tạo ra bởi thiện tâm đó được gọi là quả của thiện nghiệp bằng thân đó là sự đảnh lễ.
Cho nên từ Pali sahajāta được tạo thành bởi hai chữ saha có nghĩa là cùng với hay là cùng một lúc và jāta có nghĩa là được sinh ra. Được sinh ra cùng lúc có nghĩa là quả nó sẽ sinh ra cùng lúc với nghiệp giống như hai ví dụ đã được trình bày ở trên còn nānākhaṇika nghĩa là sự cho quả trong thời gian khác nhau nānā có nghĩa là khác nhau. khaṇika hay là khaṇa nghĩa là thời gian khác nhau. Thời gian tạo nghiệp là một thời gian, thời gian cho quả vào một thời gian khác. Cho nên những quả mà được tạo ra ở một thời gian khác với thời gian tạo nghiệp thì được gọi là nānākhaṇika vipāka.
Khi nói về nānākhaṇika vipāka nghĩa là quả của nghiệp được trổ trong một thời gian khác nhau thì có thể nó trổ vào thời gian rất là xa so với thời gian tạo nghiệp. Ví dụ như trường hợp của ngài Bakula là một vị Thánh đệ tử của Đức Phật được Đức Phật tán thán là một vị Đệ nhất về sức khoẻ trong các hàng Thanh văn của Đức Phật, Ngài Bakula sống không có bệnh tật trong suốt 160 năm. Ngài sống 160 tuổi, sống ngoài đời 80 tuổi và sau khi xuất gia Ngài sống thêm 80 tuổi nữa. Ngài sống 160 tuổi nhưng không có bệnh tật nào hết, chỉ có bệnh đói, bệnh ngủ – những bệnh như vậy thôi, còn ngoài ra Ngài không có bệnh gì cả. Bởi vì sao, bởi vì là cách đây hơn 1 a tăng kỳ kiếp vào thời Đức Phật Anomadassī, Ngài Bakula là một vị lương y đã tạo ra những phương thuốc như là thuốc đau đầu, thuốc sổ mũi để cúng dường đến cho Đức Phật và chư Tăng thời bấy giờ. Nhờ quả báu đó cho nên vào kiếp cuối cùng năng lực thiện nghiệp đó dồn hết sức lực trổ quả. Tất nhiên là trong khoảng thời gian giữa từ khi Ngài cúng dường thuốc chữa bệnh cho Đức Phật và Tăng đoàn cho đến kiếp cuối cùng trải qua hơn 1 a tăng kỳ kiếp cũng đã trổ quả rồi nhưng mà vào kiếp cuối cùng nó dồn hết sức lực. Cho nên Ngài Bakula là một vị không có bệnh tật và sống rất là lâu, rất là thọ trong suốt 160 năm.
Ngoài ra Ngài Bakula trong một kiếp tiền thân, vào thời Đức Phật Kassapa Ngài cũng đã tạo nhiều công đức liên quan đến xây dựng cúng dường Tăng xá đến Đức Phật và Tăng đoàn, đặc biệt là cúng dường những ngôi Tăng xá để cho những vị Tỳ khưu bị bệnh có nơi ở và chữa bệnh. Nhờ vào những thiện nghiệp trong quá khứ của mình, cho nên trong kiếp cuối cùng khi là một vị Tỳ khưu Ngài không có bệnh tật gì, và khi ở ngoài đời, Ngài cũng không có bệnh tật nào cả. Sống trong suốt 80 năm ở ngoài đời và 80 năm ở trong đạo Ngài chỉ có 3 loại bệnh thôi đó là bệnh ngủ khi cần ngủ, bệnh ăn khi đói và bệnh già. Đó là ba loại bệnh mà Ngài trải qua, ngoài ra Ngài không có một bệnh nào trong suốt 160 năm.
Và sự cho quả còn phụ thuộc vào bốn yếu tố như trình bày ở trong Vi diệu pháp. Sự cho quả nhanh hay chậm thì tuỳ thuộc vào bốn điều kiện này. Thứ nhất là gati, thứ hai là uppādī, thứ ba là kāla và thứ tư là payoga – sự thực hành. Kāla là thời gian, uppādī là hoàn cảnh và gati là nơi tái sinh. Đó là bốn điều kiện để cho quả của nghiệp trổ nhanh hay chậm, trổ như thế nào đều phụ thuộc vào 4 điều kiện này.
Có 1 ví dụ để trình bày bốn cái điều mà nó tác động vào quả của nghiệp. Đó là có một hoàng tử khi sinh vào trong hoàng cung trở thành hoàng tử của một vị vua nhờ vào thiện nghiệp ở trong quá khứ, và thiện nghiệp đó có thể khiến cho hoàng tử nối nghiệp vua cha, nhưng mà do uppādī là điều kiện liên quan đến thân thể, uppādī có thể bị tật nguyền, ví dụ như là bị mù một con mắt, vì uppādī là điều kiện không tốt, bị mù một con mắt cho nên có thể cản trở vị hoàng tử này trở thành vị vua kế vị trong tương lai. Cho nên uppādī nó ảnh hưởng đến quả, thực ra vị hoàng tử này có thể trở thành vị vua kế vị trong tương lai nhưng vì uppādī là điều kiện không tốt cho nên không có trở thành vị vua, uppādī nó cản trở quả trở thành một vị vua của vị hoàng tử này.
Và một ví dụ khác, như là có một người con gái có thể sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, sống ở một nơi nghèo nàn hẻo lánh do bất thiện nghiệp ở trong quá khứ, đồng thời cô con gái này cũng có những thiện nghiệp khác ở trong quá khứ khiến cho cô ta rất đẹp, có đầy đủ sắc đẹp với 5 yếu tố của một người phụ nữ có sắc đẹp. Người này khi gặp một vị vua và vị vua thấy người con gái này đẹp quá cho nên mới đem tâm yêu thương mang về hoàng cung và tôn cô con gái này lên làm chánh cung hoàng hậu. Mặc dù sinh ra trong gia đình nghèo nàn nhưng mà uppādī là điều kiện tốt liên quan đến sắc đẹp thì cô con gái này đã trở thành một người chánh cung hoàng hậu. Như ở bên Myanmar có một câu chuyện có thật ở trong lịch sử về một cô con gái tên là Veṇuvati nghĩa là sinh ra trong một rừng tre và sau đó trở thành một hoàng hậu. Và cũng có thể có những đất nước khác có những câu chuyện như vậy ở trong lịch sử. Trường hợp như vậy gọi là sự ảnh hưởng của uppādī lên kết quả gọi là sinh nghiệp ở trong quá khứ.
Và một điều kiện khác trong bốn cái điều kiện này. Điều kiện đó là payoga – sự thực hành cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của nghiệp. Ví dụ trường hợp của vua Ajatasattu – A xà thế được sinh ra ở trong một gia đình của một vị vua trong hoàng cung, trở thành hoàng tử là nhờ những thiện nghiệp ở trong quá khứ nhưng mà trong lúc làm một vị hoàng tử thì ông ta đã có sự thực hành bất thiện đó là bắt vua cha của mình nhốt vào trong ngục rồi sau đó sát hại vua cha. Sự thực hành bất thiện đó đã cản trở sự chứng đắc Thánh đạo Thánh quả của vị hoàng tử này. Khi nghe Đức Phật thuyết về bài kinh Sa môn quả, lẽ ra nếu như hoàng tử Ajatasattu không có phạm tội giết cha, ông ta đã có thể trở thành vị Thánh sơ quả Nhập Lưu ở trong giáo pháp nhưng vì tạo nghiệp bất thiện payoga bất thiện cho nên ông ta đã không có trở thành bậc Thánh mà vẫn còn là một người phàm và có thể dẫn dắn tái sinh đoạ vào địa ngục A tỳ.
Điều kiện tiếp theo đó là kāla cũng có thể ảnh hưởng đến việc cho quả của nghiệp, thì kāla có 2 phần đó là kālasampatti là thời gian thuận lợi và kālavipatti là thời gian không có thuận lợi. Thời gian không có thuận lợi đó là thời gian mà nó bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi chiến tranh,… Lẽ ra những cái nghiệp có thể trổ quả tốt nếu như mà không có bệnh tật, không có chiến tranh, nhưng mà có bệnh tật, có dịch bệnh, có chiến tranh nên cái quả đó nó cũng không thể trổ. Ví dụ thời gian bình thường, kinh tế sẽ bình thường, nhưng mà vì dịch bệnh, vì chiến tranh cho nên kinh tế cũng không có trở lên bình thường, lẽ ra là ăn lên làm ra, nhưng do dịch bệnh, do chiến tranh nên kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Đó là ảnh hưởng bởi thời gian không có thuận lợi kālavipatti
Và điều kiện thứ tư, điều kiện cuối cùng đó là gati là nơi tái sinh. Gati cũng có hai loại đó là gatisampatti là điều kiện tái sinh tốt và gativipatti là điều kiện tái sinh không có tốt. Ví dụ một người trước khi chết, lẽ ra những thiện nghiệp họ tạo trong kiếp này sẽ cho quả tốt tái sinh ở cõi người hoặc cõi trời chẳng hạn nhưng mà trước khi chết người đó có suy nghĩ không tốt như là dính mắc với gia đình, con cái hay là người đó cảm thấy lo âu khi nghĩ về một điều gì đó đã làm, cho nên người đó thay vì người đó tái sinh vào cảnh giới loài người hay là cảnh giới chư Thiên để hưởng những quả phước mà họ đã tạo ở trong kiếp này nhưng mà do những suy nghĩ trước khi chết, cho nên cảnh giới tái sinh cũng bị ảnh hưởng. Còn gatisampatti là điều kiện tái sinh tốt, cho nên những bất thiện nghiệp đã tạo ở trong quá khứ không có cơ hội cho quả. Ví dụ ở trong trường hợp của một người thợ săn, trong suốt 50 năm làm thợ săn, nhưng trước khi chết được người thân tạo duyên lành để cúng dường hoa đến Bảo tháp là nơi tôn thờ xá lợi của Đức Phật và sau đó người thợ săn tái sinh vào cảnh giới chư thiên. Và trong suốt thời gian ở cảnh giới chư Thiên, những bất thiện nghiệp làm thợ săn trong suốt 50 năm không có cơ hội để trổ quả.
Trên đây Ngài tam tạng chỉ nói một cách tóm tắt và sự cho quả của nghiệp và sự ảnh hưởng đối với quả của nghiệp bởi những điều kiện liên quan. Khi chúng ta muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể tham khảo ở trong chương ñāṇavibhaṅga phân tích về trí tuệ ở trong bộ Vibhaṅga thuộc Tạng Vi diệu pháp. Nói tóm lại sự hiểu biết về quả của nghiệp trong ba thời quá khứ, hiện tại tương lai là một trong 10 Như Lai thập lực, một trong mười trí tuệ đặc biệt của một vị Phật toàn giác.
Thứ ba trong Như Lai thập lực đó là sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa nhất thiết sở đạo trí lực có nghĩa là biết rõ con đường nào dẫn tới tái sinh ở cảnh giới nào.
Trước hết có 31 cảnh giới và chúng ta sẽ bắt đầu từ cảnh giới cuối cùng đó là cảnh giới địa ngục. Đức Phật với trí tuệ này biết rất rõ chúng sinh đã tạo những bất thiện nghiệp như thế nào cho nên dẫn đến tái sinh làm những chúng sinh ở trong cảnh giới địa ngục.
Trí tuệ này cũng biết rõ sự thực hành nào, con đường nào dẫn dắt đến tái sinh ở cõi người, sự thực hành nào, con đường nào dẫn dắt đến tái sinh ở cõi trời, cõi Phạm thiên. Và trí tuệ này cũng biết rõ sự thực hành nào, con đường nào dẫn dắt đến tái sinh ở cõi Dục giới, cõi Sắc giới, cõi Vô Sắc giới. Không những cảnh giới liên quan đến sinh tử luân hồi đó là 31 cảnh giới hay trong tam giới mà còn biết rõ con đường nào, sự thực hành nào để vượt ra khỏi tam giới như là con đường nào dẫn đến sự chứng ngộ Niết bàn. Trí tuệ này cũng biết rõ con đường đó.
Trí tuệ thứ tư ở trong Như Lai thập lực đó là anekadhātu-nānādhātu-ñāṇa chủng giới trí lực nghĩa là biết rõ các thế giới với các yếu tố thành lập của chúng.
Trong trí tuệ này bao gồm anekadhātu nghĩa là nhiều thế giới như là uẩn, xứ, giới và nānādhātu nghĩa là sự khác biệt giữa các yếu tố này. Cho nên trí tuệ này bao gồm hai khía cạnh, khía cạnh thứ nhất là biết rõ nhiều yếu tố và biết rõ sự khác nhau giữa các yếu tố đó.
Trước hết là anekadhātu nghĩa là nhiều yếu tố khác nhau của các giới. Thế giới hay giới ở đây là ngũ uẩn khandha hay pañcakhaṇḍa nghĩa là rūpakhaṇḍa sắc uẩn, vedanakkhandha thọ uẩn,… Sự hiểu biết nhiều khía cạnh của pañcakhaṇḍa ngũ uẩn như vậy dược gọi là anekadhātu chủng chủng giới trí lực.
Chữ Pali dhātu – giới ở đây có nghĩa rằng chỉ có những yếu tố như là sắc thọ tưởng hành và thức mà thôi, chứ không có những yếu tố như là đàn ông, phụ nữ, và cũng không có cái gì gọi là ta, hay là của ta ở trong những yếu tố này. Chính vì vậy những yếu tố này gọi là dhātu chỉ là những yếu tố thực tánh mà thôi chứ không có ta, của ta, cũng không có những khái niệm như là đàn ông, phụ nữ, người này người kia.
Cũng tương tự như vậy khi nói về āyatana – xứ thì ở đây có nghĩa là thấy rõ thế nào là mắt, thế nào là sắc, thế nào là mũi, lưỡi, thân và ý; thế nào là thanh hương vị xúc và pháp. Sự hiểu biết nhiều yếu tố như vậy gọi là sự hiểu biết về anekadhātu. Ở đây là theo phương diện về āyatana – 12 xứ: lục căn và lục trần.
Và cũng tương tự như vậy khi nói về dhātu – giới cũng chia thành 18 phần đó là lục căn, lục trần và lục thức. Khi nói đến số lượng 18 giới là lục căn, lục trần và lục thức. Sự thấy biết rõ rằng từng loại như vậy gọi là sự hiểu biết về nhiều cái giới anekadhātu.
Và khía cạnh thứ hai nānādhātu là sự thấy biết sự khác biệt giữa các yếu tố như là uẩn, xứ, giới như đã trình bày ở trên. Thấy rõ sự khác biệt như thế nào, mỗi yếu tố có những đặc tính khác nhau chứ không có giống nhau, mỗi loại như vậy có những đặc tính riêng của nó. Và đối với những chúng sinh không có thức tính, đối với những vật không có thức tính như là cây cối, đồ vật; đặc biệt là cây cối thì sự hiểu biết về sự khác biệt giữa các giới ở đây là sự thấy rõ những hạt giống, những cây nào sẽ cho quả nào, và những yếu tố liên quan đến cây đó, chẳng hạn như cây me thì nó có những yếu tố gì để nó sinh ra trái me, có những vị ngọt như thế nào, cần những yếu tố gì để có sự phát triển cho một cây me được tốt. Đó cũng là sự khác biệt giữa các giới liên quan đến các vật hay là những thứ mà không có thức tính. Cho nên nói tóm lại sự hiểu biết khác biệt giữa các giới liên quan đến những chúng sinh có thức tính hay không có thức tính, mỗi chủng loại đều có những đức tính khác nhau
Và sự biết rõ về các loại hoa, vì sao nó có màu trắng, vì sao nó có màu hồng, vì sao nó có màu cam, cũng là sự hiểu biết về sự khác nhau giữa các chủng loại.
Trí tuệ thứ năm ở trong Như Lai thập lực đó là nānādhimuttikata-ñāṇa – Chủng chủng giải trí lực nghĩa là biết rõ cá tính hay là tác ý của chúng sinh.
Sự hiểu biết được đề cập ở đây là sự hiểu biết về các tác ý thấp hèn hay là cao thượng. Sự hiểu biết về sự tác ý thấp hèn chúng ta cũng có thể thấy ở ngoài đời cũng có những người có những suy nghĩ, tác ý muốn làm điều thấp kém như là thường hay muốn uống rượu, uống bia, thường hay nói dối, thường hay làm điều xấu. Sự hiểu biết về những tác ý đó gọi là sự hiểu biết chủng chủng giải trí lực. Tương tự như vậy, sự hiểu biết này cũng có thể hiểu biết được sự tác ý cao thượng của các chúng sinh khác. Có người thường hay có tác ý cao thượng như là muốn làm phước, muốn giữ giới, thường hay có tâm từ, có những ý nghĩ tốt đẹp về người khác. Sự hiểu biết về những tác ý dù thấp hèn hay cao thượng đều nằm trong sự hiểu biết chủng chủng giải trí lực của một vị Phật toàn giác.
Sự hiểu biết này cũng biết rõ tác ý của những người chỉ muốn giao tiếp với những người xấu ác mà thôi, ngược lại cũng có những người chỉ muốn giao thiệp với những người cao thượng. Sự hiểu biết về những tác ý muốn giao thiệp với sự thấp hèn hay muốn giao thiệp với sự cao thượng cũng nằm trong sự hiểu biết của một vị Phật toàn giác đối với các chúng sinh.
Cho nên với trí tuệ này, khi có người đến nghe pháp với Đức Phật, Ngài thấy rõ có người họ rất e ngại để ngồi gần nghe pháp, hay là có người họ muốn ngồi gần để nghe cho rõ thì Đức Phật đều biết được những tác ý của những người này và tùy theo đó mà Ngài thuyết pháp, tùy theo đó mà Ngài hướng dẫn cho họ những bài pháp thích hợp.
Với sự hiểu biết này có một ví dụ mà ngài muốn trình bày ở đây để cho chúng ta hiểu thêm. Vào thời Đức Phật ở thành Sāvatthi có một người hoàng hậu lên là Mālika, vợ của vua Kosala. Vị hoàng hậu này có tác ý cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, sẽ làm lễ cúng dường rất là lớn. Trong lễ cúng dường này có 2 vị quan đại thần, một người nghĩ rằng nhờ có đức vua cho nên mới có thể làm lễ cúng dường lớn như vậy, quan đại thần này cũng chỉ suy nghĩ như vậy và ông ta cũng rất hoan hỷ với sự cúng dường như vậy. Một vị quan đại thần khác thì suy nghĩ là sự cúng dường dành cho Sa môn Gotama là sự uổng phí, không có mang lại lợi ích gì cả. Nếu như mang vật dụng này đến cho người khác, tạo công ăn việc làm thì tốt biết bao. Và nhà vua Kosala cùng với hoàng hậu có suy nghĩ rằng, chúng ta đã làm một lễ cúng dường rất lớn, lễ cúng dường này có thể nói là vô song, không lễ cúng dường nào có thể sánh bằng được. Cho nên hôm nay Đức Phật sẽ có bài pháp đáng nhớ cho chúng ta. Tuy nhiên sau 7 ngày làm phước như vậy và cuối cùng thì Đức Phật chỉ thuyết bài pháp rất ngắn, Ngài chỉ thuyết bài kệ 4 dòng mà thôi, sau đó Ngài cùng với Tăng đoàn đi về Tịnh xá của mình. Sở dĩ Đức Phật chỉ thuyết bài pháp rất ngắn như vậy, bởi vì Ngài thấy rằng ở trong hội chúng này có một vị quan tác ý: Nếu Đức Phật thuyết một bài pháp dài thì khiến cho tác ý bất thiện của ông sẽ nhiều hơn, và có thể khiến cho ông đau khổ lâu dài, cho nên Ngài thuyết bài pháp rất ngắn để cho ông ta không có những tác ý thấp hèn lâu dài. Đó là một trí tuệ gọi là chủng chủng giải trí lực gọi là nānādhimuttikata-ñāṇa của một vị Phật Toàn giác
Trí tuệ thứ sáu của Như Lai thập lực đó là indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực nghĩa là biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mọi chúng sinh.
Chữ Pali indriya ở đây có nghĩa rằng là tín căn, còn có thể dịch là pháp chủ bởi vì những tâm như là đức tin – saddhā, viriya – tinh tấn, sati – niệm, samādhi – định và paññā – tuệ khởi sinh lên trong tâm, những pháp này có thể làm chủ. Tâm của một người có những pháp này, nó sẽ làm chủ, và nó dẫn dắt các tâm sở khác cho nên gọi là pháp chủ hay căn. Pháp chủ hay căn indriya ở đây nói về tín tấn niệm định và tuệ.
Trí tuệ này rất là quan trọng trong việc giáo hóa của Đức Phật. Cứ mỗi buổi sáng sau khi thức dạy, Đức Phật dùng trí tuệ này để quan sát những căn cơ trình độ của chúng sinh nào có thể chứng ngộ được giáo pháp và Đức Phật ngài sử dụng trí tuệ này hàng ngày để biết rõ, để quan sát căn cơ của chúng sinh, Để tùy theo căn cơ đó mà Ngài thuyết pháp, hóa độ chúng sinh
Trí tuệ này cũng hiểu biết về xu hướng tâm lý āsaya và tùy miên anusaya. Cho nên trí tuệ này cũng được gọi là āsaya-anusaya-paropariyatta-ñāṇa. Đây là tên gọi khác của trí tuệ indriyaparopariyatta-ñāṇa.
Và ở trong chương phân tích về trí tuệ của bộ Vibhaṅga của Tạng Vi diệu Pháp thì có đề cập về nhiều khía cạnh của trí tuệ này. Trước hết là sự hiểu biết về xu hướng tâm lý của chúng sinh, thứ hai là anusaya – sự hiểu biết về tùy miên hay phiền não ngủ ngầm như là kāmarāga – dục tham,.. ở trong tâm của các chúng sinh, và hiểu biết về tánh hạnh hay hành động của các chúng sinh cartia.
Chữ āsaya ở đây có nghĩa là cái nơi để cho tâm hướng về, ví dụ như một người đi làm rồi trở về nhà. Sau khi làm xong tâm hướng về nhà, cũng tương tự như vậy các chúng sinh thường có xu hướng tâm lý nghĩ về việc này việc kia và thường bị chi phối bởi cái tham, cái sân. Hay suy nghĩ về những người, những điều mà mình ưu thích – đó là người có xu hướng tâm lý tham, hay là có người thường hay suy nghĩ về những điều mà mình thường không thích, những người mình không thích. Người đó là người có xu hướng sân nhiều.
Xu hướng tâm lý āsaya nó cũng có hai khía cạnh xu hướng tâm lý tốt và xu hướng tâm lý không tốt như vừa mới trình bày. Những xu hướng tâm lý thường xuyên nghĩ về những đối tượng bị chi phối bởi tham, sân và si, tà kiến như là thường hay nghĩ về thân này là ta là của ta,.. Sự suy nghĩ đó liên quan đến tà kiến. Những suy nghĩ, những cái xu hướng tâm lý mà liên quan đến tham, sân, si, tà kiến là những xu hướng tâm lý không tốt. Ngược lại những xu hướng tâm lý liên quan đến ly tham, ly sân, ly si, liên quan đến thiện pháp như là thường hay nghĩ về việc nghe pháp, thường hay nghĩ về sự trì giới, hành thiền. Thường hay nghĩ về việc buông bỏ, không dính mắc. Những xu hướng tâm lý đó gọi là xu hướng tâm lý tốt.
Cho nên xu hướng tâm lý này khi mà nói đến những pháp chân đế, xu hướng tâm lý xấu là những tà kiến, xu hướng tâm lý tốt là trí tuệ. Tà kiến hiểu sai chấp lầm về ngũ uẩn này là ta, của ta, là thường là lạc là ngã. Những xu hướng tâm lý như vậy liên quan đến tà kiến. Đó là xu hướng tà kiến. Xu hướng tâm lý trí tuệ là sự hiểu biết về thân tâm này là những trí tuệ thiền tuệ vipassana hay là Thánh đạo tuệ.
Khía cạnh thứ hai của trí tuệ này đó là sự hiểu biết về những phiền não tùy miên của các chúng sanh. Chữ Pali anusaya ở đây có nghĩa là những pháp mà tiềm tàng, tồn tại tiềm ẩn, chỉ khi nào có những điều kiện thích hợp nó mới xuất hiện, cho nên những pháp này gọi là tùy miên hay ngủ ngầm. Ở trong chú giải và phụ chú giải giải thích thêm rằng những phiền não nào mà nó được sinh khởi tùy vào những điều kiện thích hợp thì nó mới sinh khởi, còn không có những điều kiện thích hợp thì nó không sinh khởi, cho nên những cái pháp này gọi là tùy miên, chỉ xuất hiện khi gặp những điều kiện thích hợp mới có thể phát sinh và xuất hiện. Cái phiền não tùy miên này được ví dụ như là mồi lửa, khi mà không có những điều kiện thích hợp, thì mồi lửa nó không có phát sinh. Mặc dù trong mồi lửa đó có sự tiềm tàng của lửa nhưng mà nếu như không có dùng những vật khác để mà cọ xát vào thì nó không ra lửa. Cho nên lửa ở trong mồi lửa này nó tồn tại ngủ ngầm, tiềm tàng trong đó, chỉ khi nào tác động vào với một điều kiện thích hợp thì lửa nó phát sinh. Cũng tương tự như vậy đối với những người khi chúng ta thấy rằng bình thường họ rất là hiền lành, nhưng chưa hẳn họ đã đoạn trừ được tâm sân bởi vì người hiền lành có thể do họ chưa gặp điều kiện để nổi sân, chính vì vậy khi có những điều kiện thích hợp tâm sân nó mới sinh khởi. Cho nên tâm sân đó nó tiềm ẩn trong tâm của người đó, chỉ khi nào có những điều kiện thích hợp tác động vào thì tâm sân nó mới xuất hiện.
Và ở trong kinh có 1 câu chuyện diễn tả về tùy miên đó là vô tham. Tham tùy miên của nó là tham dục, có 1 thanh niên được sinh vào trong 1 gia đình mà kiếp trước của người thanh niên này xuất thân từ một dòng tộc, một nơi mà không có tâm ưa thích đối với phụ nữ. Cho nên khi mà sinh ra được đặt tên là Anitthigandha, đây là từ được chia làm 3 phần na, itthi và gandha. Itthi ở đây có nghĩa là người phụ nữ, còn gandha là những mùi hương, sắc đẹp,.. liên quan đến người phụ nữ đó còn na là không. Anitthigandha nghĩa là người không có sự ưa thích đối với sắc thanh hương của người phụ nữ. Đối với người thanh niên này, khi nhìn vào không ai nhận biết là có tâm tham dục cả. Đến nỗi mà người thanh niên này không có muốn lập gia đình, nhưng khi đến tuổi trưởng thành, cha mẹ bắt lập gia đình nhưng người thanh niên này đã cự tuyệt từ chối không muốn lập gia đình. Cho đến khi nghe rằng có người phụ nữ hội tụ đủ 5 sắc đẹp, 5 yếu tố sắc đẹp, đẹp tựa giống như vàng ròng, người thanh niên này đã đồng ý lấy người con gái đó. Cho nên người thanh niên này khi nhìn vào tưởng là không có dục tham, nhưng khi mà gặp đối tượng thích hợp là cô con gái hội tụ đủ 5 yếu tố sắc đẹp thì dục tham nó mới sinh khởi, mới khởi sinh tâm ưa thích đối với cô con gái đó. Ở đây muốn nói rằng là chỉ khi nào một người có được Thánh đạo tuệ mới có thể đoạn trừ phiền não tùy miên, còn khi là một người phàm, những phiền não tùy miên, những phiền não ngủ ngầm vẫn còn ở đó. Nó không có sinh khởi bởi vì nó chưa có điều kiện thích hợp để nó sinh khởi giống như trường hợp của người thanh niên này.
Khi chưa có đối tượng thích hợp thì không có dục tham, khi có đối tượng thích hợp rồi thì dục tham mới bắt đầu sinh khởi. Cho nên từ khi mà tùy miên ở dạng tiềm tàng khi mà có đối tượng thích hợp thì tùy miên đó mới bắt đầu sinh khởi và sau khi sinh khởi rồi thì mới bắt đầu bộc phát qua thân và khẩu. Đây là ba cấp độ mà phiền não nó khởi sinh rồi nó bộc phát. Trong đời sống hàng ngày, một phàm nhân thường trải qua ba giai đoạn này. Khi mà không có đối tượng thích hợp, những phiền não này nó ngủ ngầm, nó tiềm tàng ở trong tâm. Khi mà có điều kiện thích hợp nó bắt đầu sinh khởi và sau khi sinh khởi rồi thì nó mới bộc phát qua thân và khẩu. Với ba cấp độ tùy miên sinh khởi và bộc phát bằng thân khẩu ý này đó, đối với một người mà có tu tập được đoạn trừ cũng bởi ba giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn giữ giới để chế ngự phiền não qua thân và khẩu, rồi giai đoạn thứ hai đó là thực hành thiền định để đoạn trừ những phiền não nó sinh khởi như là dục tham, sân hận, rã rượi, buồn ngủ,….
Thứ ba là Thánh đạo tuệ mới có thể đoạn trừ những phiền não ngủ ngầm. Qua ba giai đoạn hay ba khía cạnh tu tập giới định và tuệ để đoạn trừ ba giai đoạn của phiền não đó là giai đoạn bộc phát, giai đoạn khởi sinh ở trong tâm và giai đoạn ngủ ngầm ở trong tâm. Cho nên nếu như một người có giữ giới miên mật như thế nào, hay là một người tu tập thiền định để có thể chứng đạt được đến các thần thông đi nữa mà không có chứng đắc được thánh đạo tuệ thì không thể nào đoạn trừ được phiền não tùy miên. Và bao giờ chưa có đoạn trừ được phiền não tùy miên thì khi có những điều kiện thích hợp, những phiền não ngủ ngầm này có thể bộc phát. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải thực hành thiền định, thiền tuệ đặc biệt là thiền tuệ để có thể chứng đắc Thánh đạo tuệ và thông qua Thánh đạo tuệ mới có thể đoạn trừ được phiền não tùy miên ngủ ngầm ở trong tâm.
Và bây giờ cũng đã tới lúc cho chúng ta thực hành thiền định và thiền tuệ, đặc biệt là thiền chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra để phát triển định tâm và phát triển trí tuệ để có thể đoạn trừ những phiền não tùy miên ngủ ngầm ở trong tâm.
Và như thường lệ, chúng ta ngồi một cách thoải mái, giữ lưng và cổ thẳng đứng, không gồng mình, thư giãn buông xả toàn thân. Nhắm mắt ngậm miệng thư giãn buông xả, không có nghĩ về quá khứ, không có nghĩ về tương lai, chỉ để tâm mình ở trong khoảnh khắc hiện tại và quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc ngay lỗ mũi. Khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra từ đầu đến cuối hơi thở. Cố gắng duy trì sự chú tâm và quan sát trên đề mục hơi thở mà thôi để phát triển sự tập trung. Nếu không nhận biết được hơi thở hoặc là hơi thở quá nhẹ không nhận biết được thì có thể thở sâu thở mạnh đồng thời cũng hãy quan sát hơi thở đó từ đầu đến cuối hơi thở. Và khi biết rõ hơi thở rồi thì hãy thở bình thường, tự nhiên và chỉ quan sát chú ý nhận biết hơi thở mà thôi.
Nếu tâm suy nghĩ nhiều, tâm bị tán loạn không có tập trung được, thì hành giả có thể đếm hơi thở. Hít vào thở ra đếm 1, hít vào thở ra đếm 2 cho đến 8 sau đó quay trở lại hít vào thở ra đếm 1. Và khi đếm như vậy tâm vẫn quan sát chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc. Khi tâm có sự an trú trên hơi thở rồi thì có thể thở bình thường, tự nhiên và chỉ nhận biết quan sát hơi thở vào, hơi thở ra từ đầu đến cuối hơi thở tại điểm tiếp xúc của hơi thở. Khi quan sát hơi thở như vậy, nếu có đối tượng nào xuất hiện qua 6 giác quan mắt tai mũi lưỡi thân và ý thì đừng quan tâm đến những đối tượng đó mà chỉ hướng tâm trở về lại hơi thở, tiếp tục nhận biết và quan sát hơi thở ở điểm tiếp xúc của hơi thở, không phản ứng, không chối bỏ, không phân tích phán đoán gì cả, chỉ chú ý đến hơi thở một cách tự nhiên, thư giãn và nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc với hơi thở mà thôi.
Sau đây Ngài Tam tạng sẽ đọc một bài kinh ngắn để chúc phúc cho tất cả hội chúng chúng ta, cầu mong cho tất cả thính chúng được nhiều sức khỏe, thuận duyên trong tu tập, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh tránh khỏi những điều rủi ro tai hại, để hạnh phúc an vui bên gia đình người thân và cũng để tu tập giáo pháp của Đức Thế Tôn thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.
Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn:
Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)