BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Đặc tính vô thường (Sự thay đổi) của vạn vật

Có một điều rất rõ rệt cho Thiền sinh Vipassana là sự thay đổi, luôn thay đổi. Cứ mỗi khoảnh khắc, không thay đổi này thì thay đổi khác xảy ra trong phạm vi cơ thể mà ta đang chứng nghiệm nó. Ở bên ngoài, cũng cùng một luật đó, đổi thay, đổi thay, liên tục đổi thay. Như thế, mọi vật đều ở trong một cái nồi nung đang tan cháy, không có thứ gì được thoát ra để trở thành sản phẩm cuối cùng mà không còn thay đổi nữa. Mọi sinh vật có tri giác hay vô tri vô giác đều ở trong cái nồi nung, luôn luôn thay đổi. Tất cả đều chuyển động thành dòng, ở trong dòng chảy. Sự thật này được chứng nghiệm trong phạm vi thân thể.

Đặc tính nhân duyên sinh của vạn vật (Vô ngã)

Một thực tế nữa, bất kỳ việc gì xảy ra đều không phải do ngẫu nhiên. Muôn sự xảy ra đều do nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, nhiều nguyên nhân tạo ra kết quả. Nhân – Quả – Nhân – Quả, và rồi Quả trở thành Nhân của một cái gì khác. Đó là điều làm toàn thể vũ trụ tiếp tục xoay vần, trôi chảy. Nhân – Quả, Quả – Nhân, Nhân – Quả, điều này trở nên rất rõ ràng ở lĩnh vực thực nghiệm. Một thực tế nữa cũng trở nên rất rõ ràng, nguyên nhân ra sao thì kết quả như vậy (Nhân nào, quả đó). Trong thế giới cỏ cây bên ngoài, chúng ta đều thấy như vậy. Bên trong cũng thế, ta bắt đầu chứng nghiệm cùng một định luật. Ở thế giới bên ngoài, tôi trồng hai hạt giống, một hạt giống là cây mía ngọt, giống kia là cây Nim, một loại cây rất đắng ở vùng nhiệt đới.

Cả hai đều được vun bón cùng một chất dinh dưỡng, đất, nước, không khí và ánh mặt trời. Hai hạt bắt đầu nảy mầm và phát triển. Điều gì đã xảy ra cho cây mía, mỗi khúc của cây mía đều ngọt lịm. Còn cây Nim, mỗi khúc đều đắng ngắt. Tại sao thiên nhiên lại tử tế với cây này mà tàn nhẫn với cây kia như vậy? Hoặc ta có thể nói: “Thượng Đế toàn năng! Tại sao Ngài quá tử tế với một cây mà quá tàn nhẫn với cây kia vậy? Không ai tử tế hoặc tàn nhẫn cả! Không phải thế! Đây chỉ là quy luật bất biến của thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ cung cấp dinh dưỡng và giúp các hạt giống biểu lộ bản chất của nó. Đặc tính của cây mía là ngọt lịm, cây mía tự phân phối chất ngọt đến từng khúc mía. Đặc tính của cây Nim là đắng, chất đắng hiển lộ trong từng khúc của cây. Đây là luật tự nhiên, luật của thiên nhiên.Cây Nim mọc thật cao. Tôi đi đến đó cung kính 3 lần, đi vòng quanh nó 108 vòng, rồi dâng hoa, hương đèn và kẹo bánh….

Và rồi rơm rớm nước mắt, tôi bắt đầu cầu xin: “Ôi! Thần cây Nim! Xin làm ơn cho tôi mấy trái xoài ngọt. Tôi muốn có xoài ngọt. Làm ơn cho tôi xin xoài ngọt”. Chúng ta cứ than khóc cả năm, cả đời cũng chẳng có gì xảy ra. Ta chỉ có được toàn trái Nim đắng mà không thể nào có được xoài ngọt. Nếu thật sự muốn xoài ngọt thì khi gieo hạt giống, ta phải hết sức cẩn thận. Nếu trồng giống xoài ngọt, ta chỉ thu hoạch được xoài ngọt.

Sự rắc rối của chúng ta là khi gieo hạt giống, ta quá bất cẩn, vô ý thức và cẩu thả nên ta chỉ gieo toàn giống đắng. Khi tới lúc thu hoạch, ta lại mong cầu: “À! Tôi chỉ muốn quả ngọt. Toàn quả ngọt thôi”. Không thể được! Tôi mong muốn mọi sự đến với tôi đều tốt đẹp, mặc dù tôi đã gieo trồng các hạt giống đắng, nhưng tôi sẽ hái được toàn quả ngọt. Một vài quyền lực vô hình sẽ giúp đỡ tôi, Thượng Đế toàn năng sẽ giúp tôi. Tại sao Thượng Đế toàn năng lại giúp mình mà không giúp những người khác? Bởi mình cầu nguyện ông ta? Mình bợ đỡ ông ấy và ông ấy rất vui vì được bợ đỡ nên Thượng Đế sẽ giúp mình mà không giúp đỡ người khác. Suy nghĩ đó thật là điên rồ.

Ta càng xa lìa sự điên rồ này sớm bao nhiêu, càng bắt đầu đi theo con đường của luật tự nhiên sớm bấy nhiêu, đó là: “Bất kỳ tôi đã gieo trồng loại giống nào thì chắc chắn sẽ gặt hái quả thuộc loại giống đó”. Bởi vậy, tôi phải hết sức rất cẩn thận khi gieo hạt thì ta sẽ gặp con đường giải thoát sớm bấy nhiêu. Nếu không, ta sẽ tiếp tục ngụp lặn, ngụp lặn trong vô minh khi tự lừa dối mình và tiếp tục ngụp lặn trong đau khổ. Ta không thể thoát khỏi đau khổ. Luật tự nhiên là luật tự nhiên, nó bao trùm cả vũ trụ và áp dụng cho mọi người. Nhân như thế nào thì quả sẽ thế ấy. Hành động của ta thế nào thì quả sẽ thế ấy. Vào thời Đức Phật, có chuyện xảy ra như sau. Một ngày nọ, có một anh chàng thanh niên đến khóc lóc với Đức Phật:

  • Thưa Ngài! Hôm qua, cha con đã mất
  • À! Nếu ông ấy mất thì đã mất rồi. Con có khóc thì ông ấy cũng không sống lại được. Khóc lóc cũng vô ích. Tại sao lại khóc?
  • Ồ! Thưa Ngài! Con đến đây để thỉnh cầu Ngài một đặc ân
  • Đặc ân gì?
  • Xin Ngài vui lòng giúp cho cha con, người cha quá cố của con.
  • Ta có thể làm được gì cho người đã chết?
  • Ngài có thể làm được nhiều điều lắm. Ngài rất nhiều quyền năng, Ngài là một vĩ nhân. Hãy xem những Thầy Tu bình thường còn cử hành được các nghi thức, nghi lễ. Khi làm như vậy, họ có thể giúp người chết có giấy nhập cảnh để vào thiên đàng. Còn Ngài! Nếu chính Ngài làm lễ hay cúng tế cho cha con thì cha con chẳng những được giấy nhập cảnh mà còn được ở đó vĩnh viễn nữa. Cha con sẽ được thẻ xanh để vào thiên đàng.
  • Thưa Ngài! Xin Ngài giúp cho cha con!

Anh này điên rồ thật! Đức Phật biết có nói gì thì cũng không xong. Lúc này, người thanh niên đã quá xúc động. Ngài liền dùng cách riêng để cắt nghĩa cho anh ta. Ngài nói: “Được rồi! Hãy đi ra chợ mua 2 cái nồi bằng đất về đây”. Anh ta rất sung sướng vì nghĩ rằng Đức Phật sẽ làm lễ cúng tế cho cha mình. Rồi anh đi mua 2 cái nồi đất và làm theo lời Ngài dặn: Đổ đầy bơ vào một nồi, còn nồi kia thì đổ đá và sỏi. Xong rồi, đậy nắp 2 nồi đó lại, bịt kín miệng, rồi bỏ chúng xuống cái ao ở gần đây và cả 2 nồi đều chìm xuống đáy ao. Sau đó, hãy lấy cây gậy to và cứng, đập vào cả 2 nồi cho bể ra”. Chàng thanh niên đập cho 2 nồi bể ra, anh ta rất sung sướng: “Đức Phật đang cử hành nghi lễ kỳ diệu cho cha mình”.

Ấn Độ là một xứ sở rất rộng lớn và rất cổ xưa, một xứ với nhiều sự đa dạng tôn giáo và rất cực đoan. Ở xứ sở này, ta thấy có những người đạt đến giai đoạn giác hoàn toàn như Đức Phật, và ta cũng thấy có những hạng người thật là vô minh, chìm đắm trong các đức tin, tín ngưỡng và giáo điều mù quáng… Hiện nay, họ vẫn tin rằng khi cha hoặc mẹ chết đi. Người con trai mang xác người chết đặt lên giàn hỏa thiêu.

Khi cái xác cháy một nửa, người con sẽ dùng một cái gậy to và đập vào cái sọ cho vỡ ra. Họ tin rằng lúc cái sọ bị vỡ, ở bên kia thế giới, cửa vào thiên đàng cũng được mở ra cho người chết. Nên anh ta nghĩ: “Bây giờ, cha mình đã chết và được thiêu từ hôm qua. Để tượng trưng, Đức Phật Giúp mình đập cái nồi đất này”. Khi anh thanh niên làm đúng như vậy, từ cái nồi đựng bơ, bơ trào ra ngoài và nổi lên trên mặt nước. Còn cái nồi đựng sỏi đá thì vẫn nằm dưới đáy ao. Rồi, Đức Phật nói:

  • Ta chỉ làm bấy nhiêu thôi. Bây giờ, con hãy nói với các Thầy Tu của con đến đây mà cầu nguyện cho sỏi đá nổi lên mặt nước và bơ chìm xuống dưới đáy ao. Để ta xem chuyện gì sẽ xảy ra.
  • Bạch Thế Tôn! Chắc Ngài nói đùa. Làm sao có chuyện ấy được! Không được thưa Ngài! Chuyện này trái với luật tự nhiên. Sỏi đá thì nặng hơn nước, tất nhiên, nó phải chìm xuống đáy ao. Nó không nổi lên được thưa Ngài! Và bơ thì nhẹ hơn, nó sẽ nổi lên, nó không thể chìm được.
  • Này con ơi! Con biết rất nhiều về luật tự nhiên. Vậy mà con không chịu hiểu rằng luật tự nhiên áp dụng cho mọi người. Nếu cha con đã làm những hành động nặng nề như sỏi đá, tất nhiên, ông ta bắt buộc phải chìm xuống. Ai có thể nâng ông lên được. Nếu cha con đã có những hành động nhẹ như bơ, thì ông ta chắc hẳn phải nổi lên. Ai có thể kéo chân ông ta xuống được.

Chúng ta không chịu tìm hiểu những khó khăn của mình mà chỉ muốn ỷ lại vào người khác: “Một sức mạnh vô hình nào đó sẽ giúp tôi. Một thần lực nào đó sẽ làm gì đó cho tôi”. Còn chúng ta chẳng làm gì hết để tự sửa đổi những khuôn mẫu thói quen, những hành động của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn tiếp tục lăn lộn trong đau khổ, hết đau khổ này đến đau khổ khác. Hiểu và bắt đầu sống thuận theo luật tự nhiên càng sớm, ta càng sớm hết vô minh, sớm thoát khỏi đau khổ và bắt đầu hưởng được một cuộc sống tốt lành.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app