Ngày 5 – 01. Mục Đích Di Chuyển Sự Chú Tâm Trong Phương Pháp Thiền Này

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Ngày thứ 5 đã trôi qua, ta còn 5 ngày nữa để tu tập. Nửa khóa học đã trôi qua, thời giờ nào đã qua đi thì không còn nữa. Thời gian còn lại mới là quan trọng, người khôn ngoan luôn luôn biết tận dụng thời gian có trong tay. Năm ngày tới đây rất có giá trị đối với Quý vị. Thoạt tiên, khi đến với một khóa Thiền như thế này, một số Thiền sinh có ít nhiều lầm lẫn. Bởi vì người ta luôn luôn có quan niệm về Thiền, là Thiền phải như thế này, như thế nọ, phải có tụng niệm, hình dung, tưởng tượng, suy ngẫm, suy tưởng… Nhưng ở đây lại không phải như thế. Lúc đầu, chúng ta được yêu cầu phải quan sát hơi thở ra vào, rồi sau đó cảm nhận những cảm giác.

Chúng ta đang làm gì vậy? Điều này có thể gây ra đôi chút nhầm lẫn. Nhưng hết ngày này qua ngày khác, một phần ta được nghe pháp thoại buổi chiều, một phần nhờ các câu hỏi được các Thiền sư phụ tá giảng đáp thỏa đáng. Nhưng phần lớn nhờ vào sự thực tập của chính mình. Ta bắt đầu nhận ra rằng có nhiều điểm hợp lý trong phương pháp Thiền này. Nói như thế, không có nghĩa tất cả mọi sự đều sáng tỏ. Nhưng ít ra vào ngày thứ 5, ta cảm thấy muốn tu tập phương pháp Thiền này một cách công bằng. Dù mọi điều xem ra có vẻ mới lạ, ta chưa bao giờ nghe nói về loại Thiền này.

Nhưng bây giờ, ta quyết định rằng mình sẽ thử phương pháp Thiền này một cách công bằng và tu tập đến nơi, đến chốn. kinh nghiệm cho thấy rằng sau 5 ngày, hầu hết Thiền sinh đều bắt đầu tu tập rất nghiêm chỉnh, tu tập rất nghiêm túc đúng như phương pháp Thiền này đòi hỏi. Ta hiểu đúng đắn những gì mình thực hành và lý do tại sao phải thực hành như thế. Quan sát một vòng từ đỉnh đầu tới đầu ngón chân không phải là một nghi lễ hay nghi thức tôn giáo. Và bây giờ, kể từ tối nay, ta sẽ quan sát cả hai chiều (từ đầu ngón chân lên đến đỉnh đầu và ngược lại). Đây không phải là một thứ nghi lễ hay nghi thức, cũng không phải có ông Phật nào đó ngự trên tầng mây, với một cuốn sổ có tên từng Thiền sinh trong tay: “À, Thiền sinh này đã quan sát được mấy vòng rồi. Ông A bao nhiêu vòng, Cô B bao nhiêu vòng, Bà C bao nhiêu vòng”. Càng nhiều vòng bao nhiêu, cổng Thiên đàng sẽ mở ra càng lớn bấy nhiêu.

Không phải như thế, không thể nào có chuyện như vậy được. Chẳng có ai mở cổng cho ta cả, ta phải tự mở cổng cho chính mình. Ta phải tự mở cửa và cánh cửa sẽ mở ra cho mình. Hãy mở cửa thiên đường nội tâm, cảnh giới phạm thiên nội tâm, chân lý niết bàn nội tâm, mỗi người phải tự mình tu tập.

Mục đích di chuyển sự chú tâm

Mục đích của việc di chuyển sự chú tâm từ đầu đến chân và từ chân lên đầu là để phát triển khả năng ý thức của mình, không những ý thức thực tại ở bề mặt của tâm, nơi ta có liên hệ đến từng giác quan mà còn ý thức thực tại ở mức độ sâu thẳm hơn của tâm. Khi bắt đầu thực tập với cảm giác trên cơ thể, ta bắt đầu đi sâu vào những tầng lớp sâu thẳm hơn trong tâm. Cái gọi là tâm vô thức, thực ra không bao giờ vô thức cả. Nó luôn luôn nhận biết được cảm giác trên cơ thể và nó cứ tiếp tục phản ứng lại những cảm giác này.

Nếu biết cảm giác ấy là dễ chịu, tâm phản ứng lại bằng sự bám víu, ham muốn. Nếu thấy cảm giác khó chịu, tâm phản ứng lại bằng sự ghét bỏ, giận dữ. Phản ứng này đã trở thành khuôn mẫu thói quen ở tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm. Tâm vô thức ấy mãi mãi là tù nhân của khuôn mẫu thói quen mù quáng này. Bất cứ những gì ta nhận thức được ở bề mặt của tâm đều không ảnh hưởng gì đến tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm cả. Ở mức độ lý trí, ta hiểu rằng: “Tôi không nên tạo ra điều bất thiện, bởi vì mỗi điều bất thiện đi ngược lại sự an lạc, hòa hợp của riêng tôi, chẳng tốt lành gì cả”. Nhưng sự hiểu biết bằng lý trí này chẳng ảnh hưởng gì đến tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm. Có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai tầng lớp này. Giờ đây, phương pháp Thiền này giúp ta phá bỏ được sự ngăn cách ấy. Bất cứ cảm giác nào do tầng lớp sâu thẳm nhất cảm nhận được, cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu. Cảm giác ấy bây giờ được toàn thể tâm ta cảm nhận. Toàn bộ tâm thức của ta bây giờ đã choàng tỉnh, thức dậy trước thực tại của cảm giác trên cơ thể. Bất cứ những gì bề mặt của tâm nhận ra rằng: “Không nên phản ứng bằng sự tiêu cực”, thì bây giờ cũng được tầng lớp sâu thẳm hơn nhận ra. Sự ngăn cách ấy đang bị phá vỡ.

Ở Ấn Độ, 25 thế kỷ trước đã có vô số phương pháp Thiền và có người đã thành Phật. Trước khi thành Phật, Ngài đã thử hầu hết các phương pháp Thiền này. Phương pháp Thiền nào cũng có phẩm chất tốt riêng, đem lại lợi ích. Nhưng Đức Phật thấy rằng ở tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm, ta không thể nào tác động đến các cội rễ của sự bất tịnh này. Bứng nhổ chúng đi là chuyện rất khó, Ngài gọi đây là những bất tịnh (phiền não) ngủ ngầm. Chúng như những núi lửa đang ngủ yên.

Khi gốc rễ của khổ não vẫn có đó, chúng tiếp tục tăng trưởng. Vì thế, núi lửa có thể nổ tung bất cứ lúc nào và ta sẽ bị nó chế ngự, áp đảo, ta không thể được giải thoát. Đức Phật nhận thấy rằng trừ khi nhổ được tân gốc rễ các bất tịnh này, nếu không, Ngài không thể tự nhận mình là Bậc Giải Thoát. Ngài đã khám phá được rằng ta cần phải thực tập với cảm giác trên cơ thể. Ta đã bắt đầu bằng hơi thở ra vào vì hơi thở từ từ đưa ta tới sự ý thức về cảm giác của thân. Cảm giác trên thân vô cùng quan trọng. Khi ta tiến xa hơn trên con đường giải thoát, thì sẽ dần dần hiểu rõ hơn lý do tại sao cảm giác trên thân vô cùng quan trọng.

Ta đang huấn luyện cho tầng lớp sâu thẳm của tâm không phản ứng mù quáng nữa. Sự thật là nó không phản ứng với đối tượng bên ngoài. Tầng lớp sâu thẳm hơn của tâm không phản ứng với những điều mình nghe hay mình thấy, những gì mình đã ngửi, đã nếm hay xúc chạm đến làn da hay những ý nghĩ của mình. Thật ra, tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm không ngừng tiếp xúc với cảm giác trên khắp cơ thể. Tất cả những đối tượng bên ngoài, khi tiếp xúc với các giác quan đều tạo nên cảm giác. Bởi vì một phần của tâm đánh giá tốt, xấu nên loại cảm giác tương ứng với giá trị ấy bắt đầu nảy sinh trong người. Tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm chỉ cảm nhận được cảm giác của thân và cứ tiếp tục phản ứng lại chúng suốt ngày, suốt đêm.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app