BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

Anattā (Vô ngã)

Phần thứ ba của Pa ̃ ̃a sẽ hiển lộ, trở nên hết sức rõ ràng, đó là Anattā (Vô ngã). Không có cái tôi cũng chẳng có cái của tôi. Thoạt đầu, ta tưởng như là có cái tôi hiện hữu trong tôi, tưởng như cái này là của tôi. Nhưng khi ta tiến xa hơn ở mức độ chứng nghiệm, chứ không phải ở mức độ trí thức thì việc này trở nên rất rõ ràng. Cái tôi là cái gì? Ta thăm dò toàn bộ lĩnh vực vật chất bên trong mình, toàn bộ lĩnh vực tinh thần và sự kết hợp của cả hai thân và tâm. Và ta không thấy gì ngoài những làn sóng li ti, những bọt bong bóng sinh ra, rồi diệt đi. Bây giờ, hãy xem thử bọt bong bóng nào là tôi, là của tôi. Có phải bọt bong bóng này là tôi, là của tôi hay không? Giờ, nó đã biến mất rồi. Còn làn sóng dao động nào là tôi? Nó đã mất đi rồi, vậy là tôi cũng mất đi chăng?

Ồ! Chúng ta phải dùng chữ tôi, của tôi, anh, của anh, … chỉ vì theo lề lối thông thường mà thôi. Thật ra chẳng có cái gì là tôi hay của tôi cả. Chúng ta phải dùng những ngôn từ này, nếu không, chẳng lẽ chúng ta lại nói: “Nhóm bong bóng này đang nói chuyện với nhóm bong bóng kia”. Nói như vậy không được. Chúng ta phải dùng chữ tôi, của tôi, anh, của anh, ông ấy, cô ấy…. Đây là sự thật bề ngoài, nó có vẻ như vậy mà thôi. Nhưng sự thật tối hậu, chân lý đích thực chẳng là gì ngoài những gợn sóng li ti, những rung động, và những bọt bong bóng mà thôi. Không có bản thể đó là Anattā (Vô ngã). Nếu thật sự có một cái tôi hoặc cái của tôi thì cái của tôi đó phải thuộc quyền sở hữu của tôi chứ. Có những gì thuộc quyền sở hữu của tôi? Vào khoảng 40 tuổi, một người khi soi gương thấy vài sợi tóc bạc: “Tóc tôi đã bắt đầu bạc. Ồ! Không! Không thể như thế được”. Thế là anh ta chạy tới tiệm hóa chất mua một chai thuốc nhuộm tóc về dùng: “Tôi còn trẻ, tôi vẫn còn trẻ”. Nhưng người đó định dối gạt người khác và dối gạt chính mình, nhưng làm sao đánh lừa được luật tự nhiên, đánh lừa được Dhamma. Ta đang suy tàn, suy tàn, suy tàn. Ta đang chết dần, chết dần, chết dần. Thân thể đang chết dần, chết mòn trong từng khoảnh khắc.

Nếu ta nắm được quyền kiểm soát và làm chủ được cơ cấu thân xác của chính mình thì ta đã có thể ra lệnh: “Không! Ngươi không thể suy tàn được. Ngươi phải tồn tại y như ý ta muốn”. Nhưng hoàn toàn vô ích, ta bất lực, ta đang suy tàn, lụi tàn, thoái hóa. Vì không hiểu hiện tượng này, hiện tượng thay đổi không ngừng nên con người vẫn cứ thấy vui sướng. Lấy ví dụ, một người vừa tròn 20 tuổi. Trong bữa tiệc ăn mừng sinh nhật được tổ chức thật lớn: “Xin chúc mừng sinh nhật anh, xin chúc mừng sinh nhật anh”. Con người đáng thương đó không hiểu rằng anh ta đang tiến gần hơn đến nghĩa địa 20 năm. Làm sao lại ăn mừng một điều như thế được.

Nói như thế, không có nghĩa là cứ mỗi lần sinh nhật đến, ta lại bắt đầu than khóc: “Lại một năm nữa, ta tiến gần đến cái chết”. Ồ! Không phải vậy! Dhamma không dạy ta than khóc, nhưng hãy hiểu sự thật rằng đây là thực tế: “Chừng này thời gian đã trôi qua, không biết tôi còn bao nhiêu lâu nữa, nhưng dù có bao nhiêu lâu thì tôi phải biết dùng thời giờ còn lại một cách hữu hiệu nhất. Đâu là cách tốt nhất để tôi tận dụng thời gian còn lại”. Hiểu biết như thế là có trí tuệ. Một khi sự hiểu biết về Anattā (Vô ngã) trở nên rõ ràng và khi sự hiểu biết về Aniccā (Vô thường) cũng đã rõ ràng, luôn luôn thay đổi. Rồi khi sự hiểu biết về Dukkha (Khổ) cũng trở nên rõ ràng, thì lúc đó, ta được vững mạnh trong trí tuệ. Từng bước một, ta đang tiến tới đích cuối cùng. Rồi trong cuộc sống hàng ngày, ta nhận ra rằng, trí tuệ tự nó biểu lộ trong cách ta giao thiệp với mọi người, trong những hoàn cảnh khác nhau. Ta hiểu rõ đây chỉ là sự thật hời hợt bề ngoài và do đó, ta phải giao thiệp với mọi người trên bình diện bề ngoài đó. Ta không thể nói rằng: “Cái tường này chỉ là một khối rung động, những gợn sóng li ti. Chân tôi cũng thế. Thế thì tôi đá vào bức tường, chân tôi sẽ xuyên qua nó”. Không phải như thế đâu! Ta sẽ bị gãy chân đấy!

Bởi vậy, ở mức độ bề ngoài sự thật là bức tường rất rắn chắc. Nhưng ở mức độ tột cùng, nó chỉ là sự rung động. Do đó, ta không bị ràng buộc vào nó. Khi đạt đến giai đoạn này, ta sẽ biết quan sát sự vật không phải chỉ trên bình diện chắc đặc của nó. Bề ngoài, có một thực tại tưởng như chắc đặc, nhưng ta sẽ bắt đầu chia cắt, mổ xẻ, phân nhỏ nó ra và nhìn thấy được sự thật tối hậu. Khi một người không có trí tuệ đúng đắn, nhìn thấy thân thể chắc đặc của người phụ nữ, anh ta reo lên: “Tuyệt đẹp! Tuyệt đẹp!”. Hay người phụ nữ nhìn hình dáng chắc đặc của người đàn ông, thì cũng khen: “Ồ! Tuyệt đẹp!”.

Nhưng khi đã tiến bộ trong Dhamma, ta sẽ cố gắng nhận thức rằng: “Đẹp ở đâu? Để xem đẹp ở chỗ nào? Để tôi chia cắt, mổ xẻ, phân nó nó ra, xem cái đẹp ở đâu?”.Ta bắt đầu từ trên đầu: “Đây là tóc. À Đẹp! Tóc vàng, tóc nâu, tóc óng mướt như tơ hay tóc đen, tóc này hay tóc kia”. Một sợi tóc rụng ra, cái đẹp nằm ở đâu? ta chỉ muốn vứt sợi tóc đi cho rồi. Chẳng hạn như câu chuyện của cô gái đáng thương kia. Khi sửa soạn buổi ăn sáng, vài sợi tóc rơi xuống và cô ta mang thức ăn tới mời đấng phu quân. Và ông chồng nhìn thấy:

  • Kìa có tóc! Ôi! Sợ tóc dơ bẩn. Ôi! Em làm buổi điểm tâm của anh mất ngon rồi!
  • Anh nói sao? Sợ tóc dơ bẩn à? Cả buổi chiều và suốt đêm qua, anh đã hết mực khen: “Nào là mái tóc em mượt quá! Đẹp tuyệt trần!”. Bây giờ, nó rơi vào đồ ăn thì anh ăn đi chứ! Tại sao lại la lối om sòm?

Ôi! Tóc chỉ đẹp khi nó còn ở trên đầu, một khi nó rụng đi, mất ngay cái đẹp. Thế còn phần nào để ta xem xét nữa? Quan sát thêm tí nữa, ta xem đến hàm răng: “À đẹp! Đẹp quá! Cả hàm răng đẹp như ngọc trai, như hai hàng ngọc trai”. Thế rồi, một cái răng rụng ra, một hạt ngọc rớt ra, một hạt ngọc trai quý giá. Thế ta có giữ nó trong tủ sắt hay trong ngân hàng không? Không! Vứt ngay đi! Đó chỉ là miếng xương. Đúng thế, một khi đã rụng, nó chỉ còn là miếng xương. Trong lúc còn đủ toàn bộ thì nó là hạt ngọc rất quý giá. Nếu quan sát thêm thì còn gì nữa? “Ô kìa! Móng tay! Những móng tay tuyệt đẹp và màu sơn móng tay cũng thật là đẹp. Nó thật hợp với màu da hay màu áo, chiếc váy… Thật là đẹp, đẹp tuyệt trần!”. Lại cũng như câu chuyện trên, tội nghiệp cho cô gái, cô cắt móng tay và vài miếng móng này rơi vào đĩa ăn. Phu quân cô trông thấy:

  • Trời ơi! Móng tay! Mấy cái móng tay dơ bẩn
  • Anh nói sao? Móng tay dơ bẩn à? Móng tay em đẹp quá mà, màu sơn cũng đẹp luôn và thức ăn của anh cũng ngon nữa. Thế bây giờ, bỏ chung vào với nhau thì nó phải đẹp gấp bội ấy chứ! Anh ăn đi!

Đẹp à! Đẹp à! Đẹp ở chỗ nào? Một Thiền sinh đến gặp tôi và than rằng:

  • Thầy Làm ơn đừng đề cập đến những chuyện này nữa. Ở bên Âu Tây, Thầy Có biết chúng con quan niệm cái đẹp ra sao không?
  • Anh hãy nói cho tôi nghe quan điểm mỹ thuật bên Âu Tây là gì?
  • Bên Âu Tây, họ bảo: “Chỉ có 1,5mm lớp vỏ da bên ngoài là đẹp thôi. Làn da thật là bóng bảy và mịn màng, thật là đẹp”.

Thế à! Hãy lấy dao cạo và lóc ra một chút xem có còn đẹp không? Ta sẽ muốn quẳng nó đi cho rồi. Làm sao giữ nó lại cho được. Và hãy xem thử bên trong, còn gì đẹp không? Nếu có cái gì gọi là đẹp đẽ ở trong người thì nó đã đi ra ngoài từ lỗ này hay lỗ kia. Có cái gì đẹp được đưa ra ngoài từ cái lỗ nào không? Thiên nhiên đối xử với chúng ta rất tốt.

Bằng không, nếu đảo ngược những gì ở trong cho ra ngoài, và những gì bên ngoài lộn vào bên trong thì chúng ta sẽ ra sao? Chẳng lẽ, phải chiến đấu với lũ quạ, chim ưng, với bọn kênh kênh hay các chú chó rừng đây, cuộc sống sẽ thật là Kinh khủng! Vậy thì mỹ thuật ở chỗ nào? Nói vậy, không có nghĩa là Dhamma dạy ta ghét bỏ người khác: “Ôi! Em chẳng đẹp chút nào cả, em xấu lắm! Em chỉ là một đống bọt bong bóng. Tôi đây cũng chỉ là một đống bọt bong bóng”. Dhamma không dạy ta oán ghét.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app