BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

Hơi thở là một phương tiện rất quan trọng

Nếu ta pha trộn hơi thở với sự tụng niệm, sự hình dung như tôi đã nói, việc định tâm sẽ trở nên rất dễ dàng. Đúng thế, nhưng khi tâm được định bằng cách tụng niệm, hình dung thì ta sẽ quên mất hơi thở. Ta định được tâm và sẽ bắt đầu cảm thấy an lạc ở bề mặt của tâm, rồi toàn thể tiến trình thăm dò sự thật về bản thân mình từ bề mặt cho đến chiều sâu bị mất đi vì phương tiện hơi thở đã mất.

Chỉ có hơi thở, hơi thở đơn thuần là phương tiện quan trọng giúp Quý vị đi sâu hơn. Vì thế, đừng bỏ quên phương tiện hơi thở ở giai đoạn này. Sau này, ta sẽ có thêm phương tiện giúp đi sâu hơi, còn bây giờ, hơi thở rất quan trọng, chỉ có hơi thở, hơi thở đơn thuần. Giả sử, ta muốn thăm dò sự thật về cơ thể của mình: “Ta biết gì về cơ thể của mình? Ta có thể đọc sách về sinh lý học, cơ thể học, có thể nhìn thấy hình minh họa”. Điều đó không có nghĩa là ta đã biết. Ta không biết ở mức độ thực nghiệm, cái mà ta biết ấy chỉ là kiến thức. Ở mức độ thực nghiệm, ta biết rất ít về cơ thể của mình. Ta biết vài điều về các cơ quan bên ngoài như chân, tay, mắt… chúng hoạt động như thế nào, có chức năng ra sao, chúng hoạt động theo ý muốn và mệnh lệnh của mình. Nếu ta muốn mở mắt, mắt sẽ mở, muốn nhắm mắt, mắt sẽ nhắm. Dơ tay, nhắc chân, bất cứ muốn làm gì, tay, chân các bộ phận bên ngoài này sẽ bắt đầu cử động. Nhưng các bộ phận bên trong thì sao? Tim, phổi, thận, gan… Chúng không làm theo ý muốn và mệnh lệnh của mình. Nếu ta ra lệnh cho tim mình ngừng đập, tim sẽ không ngừng đập. Nếu ta nói hãy đập chậm lại, nó không đập chậm lại. Nếu ta muốn nó đập nhanh hơn, nó không đập nhanh hơn. Ta không làm chủ được nó.

Bỏ các phận lớn trong cơ thể qua một bên, còn về toàn thể cơ cấu vật chất, cơ cấu thân thể, vật thể hữu hình thì sao? Cơ cấu ấy được tạo nên bởi các nguyên tử cực nhỏ, các vi tử và mỗi vi tử hoạt động này hay hoạt động kia. Lúc nào cũng có một cái gì đó đang xảy ra. Ta không biết được vì ta chưa chứng nghiệm được nó. Phương pháp Thiền này sẽ giúp ta chứng nghiệm được điều này. Nhưng ta sẽ không điều khiển hoạt động của vi tử được. Nó chỉ xảy ra một cách tự nhiên.Ta biết vài điều về cơ cấu thân xác này ở bề mặt, ở mức độ bên ngoài, nơi sự việc xảy ra một cách cố ý hay tự nhiên, nhưng không biết những gì xảy ra bên trong một cách tự nhiên. Chúng cứ xảy ra, ta không kiểm soát được chúng. Bậc Giác Ngộ giúp chúng ta đã tìm thấy một phương tiện, và bắt đầu chứng nghiệm thực tại trong phạm vi cơ cấu thân thể này, dụng cụ ấy là hơi thở.

Ví dụ, có người đang sống ở bên này bờ sông, vì sống ở đây nên đã biết ít nhiều về thực tại của bờ sông bên này. Có người khác vừa qua sông và đến bờ bên kia, trở về và khen bờ bên kia: “Ồ, tuyệt vời, tuyệt vời”. Và người đang sống ở bờ bên này cảm thấy muốn thưởng thức bờ sông bên kia, muốn tận mắt thấy nó. Nhưng người đó cứ ngồi bờ bên này, tay chấp lạy, nước mắt rơm rớm với giọng nghẹn ngào và bắt đầu cầu nguyện, ao ước và than khóc: “Hỡi bờ bên kia xin hãy đến đây, hỡi bờ bên kia xin hãy đến đây, ta muốn tận mắt thấy ngươi, ta muốn thưởng thức ngươi, ta không qua bên đó đâu, ngươi hãy đến đây”. Người này có thể cứ tiếp tục than khóc suốt đời, điều ước muốn đó sẽ không xảy ra, chuyện ấy không thể xảy ra. Cách duy nhất để thấy tận mắt bờ bên kia là rời bờ bên này, băng qua dòng sông và đến bờ bên kia. Đơn giản có thế thôi.

Chúng ta cần chiếc cầu nối bờ bên này với bờ bên kia, cần sự trợ giúp của chiếc cầu ấy để có thể thưởng thức và thấy tận mắt bờ bên kia. Hơi thở có tác dụng như chiếc cầu nối. Lĩnh vưc thuộc cơ cấu thân thể quen thuộc này của mình là hơi thở, được nối liền với lĩnh vực xa lạ nơi mọi sự đang xảy ra hoàn toàn tự nhiên. Hơi thở này nối liền hai lĩnh vực đó. Sự hô hấp là một hoạt động của cơ thể, vận hành theo hai cách cố ý và tự nhiên. Nếu muốn một hơi thở cố ý, hơi thở sâu, tất nhiên, Quý vị có hơi thở sâu. Nếu muốn có hơi thở cạn, Quý vị có thể có hơi thở cạn. Ngay cả khi muốn ngưng thở, Quý vị có thể ngưng thở khoảng nửa phút.

Và khi ta không ra lệnh hay sai khiến hơi thở, nó vẫn đi vào, đi ra một cách tự nhiên. Như thế, hơi thở hoạt động theo hai cách. Đó là lý do tại sao chúng ta lại dùng hơi thở. Và với sự trợ giúp của hơi thở, ta đi đến bờ bên kia của thực tại về cơ cấu thân xác này. Đây là điều ta bắt đầu làm.Trong 10 ngày này, thêm nhiều sự thật về cơ cấu thân xác này sẽ tự thể hiện. Chỉ khi nào chứng nghiệm được chúng, ta mới nên chấp nhận chúng, chứ không chấp nhận chúng vì lời giảng này, vì Thầy của mình đã nói như vậy, không phải vì Kinh điển nào đó đã nói như vậy, không phải vì các nhà khoa học đã nói như thế, không phải vì Đấng Giác Ngộ Đức Phật đã nói như thế, mà hãy chấp nhận bằng sự chứng nghiệm của chính mình, bằng kinh nghiệm của chính mình trong từng khoảnh khắc. Hơi thở sẽ giúp ta và chẳng bao lâu ta sẽ hiểu ra rằng hơi thở cũng giúp mình thăm dò lĩnh vực tinh thần. Mới đầu, hơi thở có vẻ như là hoạt động của cơ thể: “đi vào, đi ra”. Nhưng không sớm thì muộn, mình sẽ bắt đầu nhận biết rằng hơi thở có liên quan nhiều đến tâm, đến những bất tịnh trong tâm, những ô nhiễm và tiêu cực.

Khi tu tập, mình sẽ bắt đầu nhận ra rằng: “Khi tâm bắt đầu chìm đắm trong bất cứ điều tiêu cực nào, giận dữ, oán hận, ác ý, thù ghét, đam mê, sợ hãi, bất cứ điều nào; khi ấy sự hô hấp và hơi thở mất đi nhịp đập bình thường. Hơi thở không còn bình thường nữa,nó trở nên hơi nặng, hơi nhanh và khi điều tiêu cực ấy mất đi, Quý vị thấy rằng hơi thở của mình lại trở nên bình thường. Hơi thở liên hệ mật thiết đến tâm cũng như những tiêu cực trong tâm”. Thực tại này càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Ta tới đây để đến tận nguồn gốc của khó khăn,những khó khăn hàng ngày, có nghĩa là nguồn gốc của những điều tiêu cực. Ở lĩnh vực tinh thần, hơi thở sẽ giúp mình đi đến đáy sâu của vấn đề, nơi sự tiêu cực khởi sinh và cũng sẽ giúp ta thăm dò thực tại về tâm. Ở cấp độ vật chất, cả ngày ta chỉ quan sát hơi thở đi vào, đi ra, qua ống mũi bên trái, qua ống mũi bên phải, qua cả hai ống mũi, hơi thở sâu, nông hay như thế nào đi nữa. Ta chỉ quan sát nó, đó là sự quan sát sự thật về cơ cấu thân thể của mình. Tối nay và cả ngày mai, ta sẽ bắt đầu chứng nghiệm sự thật về cơ cấu thân thể ở cấp độ vi tế và sâu xa hơn một chút. Sự thật ấy luôn tồn tại ở đấy nhưng ta chưa bao giờ chứng nghiệm được. Bây giờ, ta sẽ bắt đầu thể nghiệm nó.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Các Bài Viết Này Được Trích Ra Từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Dhamma.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app